TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, con người phải được nhìn nhận, xem xét như một
chỉnh thể thống nhất, và trong tính đa dạng của nó. Đồng thời, hai phương diện là tính lịch
sử - cụ thể và tính xã hội của con người cũng phải được hiểu rõ.
- Con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận như một chỉnh
thể.
Chỉnh thể ấy phải thống nhất về thể lực, tâm lực, trí lực. Về thể lực, theo quan niệm của
Hồ Chí Minh, không thể bỏ qua các yếu tố về mặt sinh học của con người, muốn có tâm lực,
trí lực, trước hết cần có sức khỏe tốt. Người đã từng thừa nhận bản chất về thể chất tự nhiên
của con người, rằng:“Con người đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi và chết”, và thừa nhận vai trò
của thể lực đối với con người: “Người ta ai cũng muốn sung sướng mạnh khoẻ”, “Giữ gìn
dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành
công”. Về tâm lực, trí lực, Người từng nhận xét về con người rằng “dù là xấu, tốt, văn minh
hay dã man đều có tình”. Chữ “tình” ở đây không chỉ đơn thuần là tình thân giữa cha mẹ với
con cái, giữa anh chị em hay tình bạn,... mà còn có thể được hiểu là “tình người”. Tình người
theo nghĩa rộng nhất đó là đời sống tinh thần của con người biểu hiện ở văn hóa, đạo đức.
Bên cạnh đó, mỗi con người là một cá thể khác biệt, độc lập và đa dạng không chỉ trong
quan hệ xã hội mà con trong tính cách, hoài bão, phẩm chất, khả năng,... tựa như: “Năm
ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn hay dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong
mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi
của tổ tiên ta.”. Đồng thời, con người cũng được Hồ Chí Minh xem xét trong sự thống nhất
của hai mặt đối lập: thiện - ác, tốt - xấu, hay - dở,... cũng như mặt xã hội (tính người) - mặt
sinh học (tính bản năng) của nó. Hồ Chí Minh quan niệm: con người “không phải thánh
thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. Đối với Người, con người “dù là xấu, tốt, văn minh
hay dã man đều có tình”, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”, dù có người
“thế này thế khác”, thì con người vốn vẫn có điều thiện, những điều tốt đẹp trong mình và
“có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, “Ta phải biết làm cho phần tốt ở
trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”, phải “lấy tình
thân ái mà cảm hóa họ”.
- Về tính cụ thể, lịch sử
Con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là một con người trừu tượng,
khái quát, chung chung, phi lịch sử mà là con người cụ thể, hiện thực, khách quan.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người được thể hiện qua các khái niệm như: người,
con người, người ta, quần chúng, dân chúng, dân, nhân dân, đồng bào, người mất nước,
người vô sản,... Ngược lại, khi Người nói về quần chúng, dân, nhân dân, đồng bào,... cũng
tức là đang nói về con người. Việc lựa chọn khái niệm của Hồ Chí Minh cũng phụ thuộc vào
hoàn cảnh, điều kiện, tình thế cụ thể. Khi nói về con người trong lĩnh vực chính trị - xã hội
Hồ Chí Minh dùng các từ như dân, nhân dân, đồng bào, cán bộ, đảng viên,... Khi nói về con
1
người trong văn hóa, đạo đức, triết học, Người lại dùng các từ người, loài người, con
người,... như trong câu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới
phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, (...). Toàn bộ những sáng tạo và phát
minh đó tức là văn hóa.”
Hồ Chí Minh cũng đã xem xét con người cụ thể trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ
giai cấp. Do đã được chứng kiến cuộc sống của người dân ở các nước thuộc địa dưới ách bóc
lột chủ nghĩa đế quốc, Người đã rút ra một kết luận sâu sắc trong bài Đoàn kết giai cấp năm
1924: “Dù là màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc
lột và giống người bị bóc lột.” Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng xem xét con người theo giới
tính, theo lứa tuổi, nghề nghiệp. Điều này đã được thể hiện qua nhiều luận điểm mà Hồ Chí
Minh từng đưa ra, chẳng hạn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng
phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng
chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa." khi nói về phụ nữ, “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ
biết học hành là ngoan” khi nói về trẻ em, hay “Thanh niên phải có đức có tài...” khi nói về
thanh niên, hay về đội ngũ trí thức “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc
biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội
nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển văn hóa Việt Nam”,... Đồng thời, Người
cũng nhìn nhận con người trong khối thống nhất của cộng đồng dân tộc, chẳng hạn như quan
niệm về công-nông là gốc của cách mệnh. Không dừng lại ở đó, Hồ Chí Minh cũng xem xét
con người trong quan hệ quốc tế. Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm về “giống người
bị bóc lột” - những dân tộc bị áp bức, “giống người bóc lột” hay bốn phương vô sản điển
hình như “các dân tộc phương Đông” khi nhận xét rằng họ “đều giàu tình cảm”, nhưng
đồng thời “lại thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lần nhau” giữa
các nước láng giềng gần gũi,...
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh
là sinh động và cực kỳ cụ thể, không phi lịch sử, hay trừu tượng.
- Về tính xã hội của con người:
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, do xuất phát từ nhu cầu sống, ăn mặc, con người buộc
phải lao động. “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do,
dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng là nhờ lao động. Vì vậy lao động là
sức chính của sự tiến bộ loài người.” Từ đó, trong quá trình lao động, sản xuất, con người
nhận thức các quy luật tự nhiên, xã hội, cũng như xuất phát nhu cầu liên kết với nhau để
cùng nhau lao động tạo ra của cải, xác lập các mối quan hệ giữa người với người. “Do sự
sản xuất vật chất mà người ta hiểu biết dần dần các hiện tượng, tính chất, các quy luật và
mối quan hệ giữa người với thế giới tự nhiên. Lại do hoạt động sản xuất mà dần dần hiểu rõ
mối quan hệ giữa người này với người khác.”
Ngoài ra, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người còn là sự tổng hợp của các quan hệ xã
hội từ hẹp tới rộng. Người xem xét con người theo nhiều phạm vi, với nhiều nghĩa rộng và
2
hẹp khác nhau, con người tồn tại một cách cụ thể vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách là
thành viên của gia đình, của tập thể, của cộng đồng. Người đưa ra định nghĩa rằng “Chữ
người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn”. Còn với nghĩa rộng hơn trong
phạm vi quốc gia, con người là “đồng bào cả nước”, và trong phạm vi quốc tế là “cả loài
người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân,..”.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người và chiến lược trồng người.
2.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người.
- Con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp các
mạng
Tấm lòng Hồ Chí Minh luôn hướng về con người. Người yêu thương con người, tin
tưởng con người, tin và thương yêu nhân dân lao động, nhân dân mình và nhân dân các
nước. Người cho rằng “việc dễ mấy không có nhân dân cũng chịu, việc khó mấy có dân liệu
cũng xong”, lịch sử là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải vài ba cá nhân
anh hùng nào, vì vậy chúng ta phải yêu dân, quý dân, trọng dân, vì “có dân là có tất cả”.
Người có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá của con người, của nhân dân người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần. Từ những năm tháng Người bôn ba tìm
đường cứu nước, tìm hiểu thực tế cuộc sống và tìm hiểu tâm tư của những người dân lao
động, Người đã khẳng định “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực. Người Đông Dương giấu một
cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến.”. Trong
quan điểm của Hồ Chí Minh, nhân dân có những phẩm chất tốt đẹp từ lòng trung thành và
tin tưởng vào cách mạng, vào Đảng, không sợ gian khổ, tù đày, hy sinh đến việc dân nhường
cơm, sẻ áo, che chở, đùm bọc, bảo vệ, nuôi nấng bộ đội và cán bộ cách mạng, họ biết “giải
quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những
đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.” Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết “Những tư
tưởng lớn của Hồ Chí Minh là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng của
Bác, cũng như trong đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chí Minh luôn đối xử với người có
lý, có tình. Trong tình yêu đó có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho
mọi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và
học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường, lạc lối,
lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước
những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy.”
Tin dân, thương dân nên trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn nung nấu một ý
chí kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đói nghèo, lạc hậu,
giành lại tự do, nhân phẩm và giá trị làm người cho con người. Người từng nói: "Nghĩ cho
cùng... mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người phải thương nước,
thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức".
3
Thấm nhuần tư tưởng Mácxit và trải qua thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài,
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người có niềm tin
vững chắc rằng với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu
nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi,
mà chúng ta nhất định thắng lợi. Người khẳng định: “Có dân là có tất cả”, “Lòng yêu nước
và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực
lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự
chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta làm cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực
lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và
dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng
đánh tan quân giặc cướp nước.”. Tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của
toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người bởi “Lực lượng toàn
dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”.
- Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng; phải coi trọng, chăm
sóc, phát huy nhân tố con người.
Vì sống gần dân, với dân, giữa lòng dân, hiểu rõ dân tình, dân tâm, dân ý, Hồ Chí Minh
thấy rõ yêu cầu giải phóng lao động xã hội. Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của
cách mạng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người là mục tiêu trong điều kiện cụ thể của từng giai
đoạn cách mạng. Khi đất nước còn nô lệ, lầm than thì mục tiêu trước hết, trên hết là giải
phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, thì mục tiêu ăn,
mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh lại được ưu tiên hơn. Mục tiêu cao cả nhất của Bác được
thể hiện qua những câu nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho
nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn
áo mặc, ai cũng được học hành”, “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là
tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Trong một buổi nói chuyện với
đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30-5-1946), Hồ Chí Minh đã nói: “Cả đời tôi chỉ có
một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi
tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục
đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc
Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ,
bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Lúc sinh thời, Người từng nói: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho
dân”, “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân", "chủ
nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân và do Nhân dân
tự xây dựng lấy” bởi dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây
dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng
4
nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Xuất phát từ những quan
niệm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền dân chủ trong
Nhân dân. Người chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”,
dân là chủ và dân làm chủ bởi lẽ đơn giản là con người không ai không cần đến những nhu
cầu vật chất, từ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc,… Vì thế, người
dân chỉ thấy vị thế là chủ, làm chủ của mình, thấy được giá trị độc lập tự do khi được ăn no,
mặc ấm. Vì thế “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải
hết sức tránh”. Quan tâm đến lợi ích của Nhân dân phải thiết thực, cụ thể chứ không thể nói
chung chung được. Vì Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, lợi ích gần, lợi ích xa, lợi
ích riêng, lợi ích chung, lợi ích bộ phận, lợi ích toàn cục. Đối với Nhân dân thì không thể lý
luận và chính trị suông được. Quan điểm lợi ích đều vì dân của Hồ Chí Minh đã được Đảng
và Nhà nước ta phát triển, cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quan điểm “lấy dân làm gốc”,
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay lấy “con người là mục tiêu và động lực
chính của sự phát triển kinh tế - xã hội”, thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”.
Một quan điểm quan trọng gắn liền với lợi ích là: “Quyền hạn đều của dân”. Theo Hồ
Chí Minh, tất cả mọi quyền hành, quyền lực đều thuộc về Nhân dân, do Nhân dân quyết
định. Mọi công việc của chính quyền là do nhân dân ủy thác cho nên Nhân dân phải biết
được những công việc của chính quyền, phải kiểm tra, kiểm soát được những việc làm của
chính quyền. Vì thế,“vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vừa là quyền lợi, vừa
là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh của chính Nhân dân đặt ra, vừa là yêu cầu khách quan của
việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản.
Con người là động lực của cách mạng phải được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, toàn
thể đồng bào, song trước hết là ở giai cấp công nhân và nông dân. Tuy nhiên, không phải
mọi con người đều trở thành động lực, mà phải là những con người được giác ngộ và tổ
chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền truyền
thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh
thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực
hiện được khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản. Đồng thời, muốn khai thông động lực thì cần phải khắc phục trở lực kìm hãm sự phát
triển của con người, trong đó “căn bệnh mẹ” cực kỳ nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân phải
được phê phán mạnh mẽ, kiên quyết tẩy trừ, trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng quét
sạch chủ nghĩa cá nhân, ngày 3/2/1969, Hồ Chí Minh viết: “Phải kiên quyết quét sạch chủ
nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn
kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.”
2.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược "trồng người".
Con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là con người xã hội chủ nghĩa, con người
phát triển toàn diện để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khái
niệm con người mới xã hội chủ nghĩa là để phân biệt con người sống trong xã hội cũ, con
5
người chưa được giác ngộ cách mạng, chưa được trang bị lý luận cách mạng đúng đắn theo
lập trường của giai cấp công nhân. Con người mới xã hội chủ nghĩa không phải tự nhiên mà
có, nó được gắn với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, gắn với
công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng.
Từ chỗ ý thức được vị trí, vai trò quyết định của con người đến sự nghiệp cách mạng ở
nước ta, Người đã có tư duy rất sớm về chiến lược con người. Tại lớp học chính trị của giáo
viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc năm 1958, vận dụng sáng tạo, phát triển quan điểm của
Quản Trọng: “Thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc, bách niên chi kế mạc nhi thụ nhân”, Người
nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Trồng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm
lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây
dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan
tâm sâu sắc tới thế hệ cùng thời với mình, mà người còn quan tâm tới thế hệ tiếp sau. Người
chú ý tới công tác thanh, thiếu niên và nhi đồng với một thái độ yêu thương, độ lượng,
nghiêm túc và thận trọng. Người căn dặn phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để tâm hồn các
cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân.
- “Trồng người"” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng.
Trồng người là yêu cầu khách quan vì: xuất phát từ quan niệm coi con người là
vốn quý nhất, là yếu tố quyết định đối với sự thành bại của cách mạng, là mục tiêu và
động lực của cách mạng, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng chiến lược con người. Vì vậy,
phải đặt con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, nhằm phát huy
cao nhất mọi tiềm năng của con người.
Chiến lược “trồng người” mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài vì: HCM từng
nói “một dân tộc dốt là dân tộc yếu”, một đất nước muốn đứng phát triển lâu dài thì
cần phải chú trọng đến việc đào tạo con người. Việc phát triển đất nước cũng như xây
nhà, muốn nhà vững chãi thì móng phải kiên cố. Việc trồng người cũng như vậy,
muốn đất nước phát triển toàn diện thì chúng ta phải xây dựng con người từ những
bước đầu tiên. Cũng vì tính quan trọng của nó nên ta cần cấp bách thực hiện, nhưng
không thể một sớm một chiều là xong mà phải được xây dựng một cách bài bản, phù
hợp với điều kiện trong từng giai đoạn. Chính vì vậy mà “trồng người” cũng là nhiệm
vụ lâu dài của cách mạng.
Trên cơ sở khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Cách mạng, Hồ
Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo rèn luyện con người. Người nói đến
lợi ích trăm năm và mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội là những quan điểm mang tầm vóc
chiến lược, cơ bản, lâu dài cũng như rất cấp bách. Nó liên quan đến nhiệm vụ “trước hết cần
có những con người xã hội chủ nghĩa” và “trồng người”. Tất cả những điều này phản ánh về
tầm quan trọng có tính quyết định của nhân tố con người tất cả vì con người, do con người.
6
Như vậy, con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, nó nằm trong
chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược
giáo dục và đào tạo theo nghĩa hẹp.
- “Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ
nghĩa”.
Chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa, những con người xã hội
chủ nghĩa lại là chủ thể của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không phải chờ cho kinh tế, văn hoá phát triển cao rồi mới xây dựng con người xã hội
chủ nghĩa, cũng không phải xây dựng xong con người xã hội chủ nghĩa rồi mới xây dựng xã
hội xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng con người phải đặt ra từ đầu và quan tâm suốt quá trình.
“Trước hết, cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, có nghĩa là không phải tất cả mọi
người phải và có thể trở thành người xã hội chủ nghĩa thật đầy đủ, thật hoàn chỉnh ngay một
lúc, mà chỉ có nghĩa là, trước hết cần có những con người tiên tiến, có được những nét tiêu
biểu của người xã hội chủ nghĩa để có thể làm gương và lôi cuốn người khác cũng như toàn
xã hội xây dựng con người mới; đồng thời, họ cũng không ngừng được hoàn thiện, được
nâng cao.
Xây dựng con người mới là đào tạo, xây dựng con người phát triển toàn diện: Đức, Trí,
Thể, Mỹ.
- Tiêu chuẩn của con người xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh:
+ Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng
mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, quyết chí vươn lên, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa
xã hội.
+ Có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con
người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, lối sống lành
mạnh.
+ Có tác phong xã hội chủ nghĩa: làm việc có kế hoạch, biện pháp, có quyết tâm, tổ
chức, kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, lao động hăng say, không sợ khó, sợ
khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và của bản thân.
Có năng lực làm chủ: làm chủ bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, đủ sức
khoẻ và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện tốt quyền công dân; không
ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để
làm chủ.
Ngoài những tiêu chuẩn chung trên, Hồ Chí Minh còn nêu những tiêu chuẩn cụ thể cho
từng giới, từng ngành.
- Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm bộ phận hợp thành của chiến lược
phát triển kinh tế xã hội.
7
Để thực hiện chiến lược "trồng người", cần có nhiều biện pháp, nhưng Giáo dục và Đào
tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương
lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên.
Người nói:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền.
Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
“Óc của trẻ trong sạch như tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó
sẽ đỏ. Vì vậy, sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh
niên”.
Cùng với phương pháp nêu gương người tốt, việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có cách
nhìn người vừa bao dung, vừa sâu sắc để luôn khai thác những mặt tốt, tìm cách khơi dậy
các mặt tốt. Người nói: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết
làm cho mặt tốt của con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là
thái độ của con người cách mạng”.
Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện về cả đức, trí, thể, mỹ, phải đặt đạo
đức, lý tưởng và tình cảm, cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng
người”, xây dựng con người mới phải được thường xuyên đẩy mạnh trong suốt tiến trình đi
lên chủ nghĩa xã hội và phải đạt được kết quả cụ thể qua từng chặng đường của thời kỳ quá
độ. Bởi vì, nếu sao nhãng việc trồng người, nhất định sẽ dẫn đến những bất cập, hơn nữa còn
là những suy thoái về con người có thể gây những hậu quả khôn lường. R.Tagore nói: “Một
ngày mà quên giáo hoá, ta lùi gần về thú tính hơn”.
Hai mặt đức, tài thống nhất với nhau không tách rời nhau. Trong đó, đức là gốc, là nền
tảng của cho tài năng phát triển. Phải kết hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc
làm, có như vậy mới có thể học để làm người. “Trồng người” là công việc trăm năm, không
thể nóng vội, một sớm một chiều, không phải là một lúc là xong, cũng không phải tùy tiện
đến đâu hay đến đó. Nhận thức và giải quyết vấn đề này có ý nghĩa thường trực bền bỉ trong
suốt cuộc đời mỗi người, trong suốt thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho
rằng: “Việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học.”
8