Newton & Einstein: Ai lớn hơn?
Như người ta vẫn nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng, hay như ông Peter May Chủ tịch Royal
Society, người mở ra cuộc bầu chọn ai hơn ai giữa Newton và Einstein đã phát biểu: “… so sánh
giữa Newton và Einstein chẳng khác nào so sánh giữa quả táo và quả cam…”. Câu nói đó hàm nghĩa
rằng: quả táo và quả cam khác nhau về chủng loại thì làm sao có thể so sánh? Đã khập khiễng sao
người ta vẫn cứ so sánh? Câu hỏi đó dẫn đến một sự thật vô cùng chắc chắn rằng nhân loại không
bao giờ tránh được phép so sánh nhằm tìm ra các giá trị cao hay thấp.
Triết gia Platon nói: “Một tâm hồn không có văn hóa, cách tự nhiên không thể đem soi với các thước
đo”. Không so sánh, làm sao người ta có thể chọn ra Hoa hậu hay Á hậu rồi Á hậu thứ nhất, Á hậu
thứ hai! Không so sánh làm sao có thể xếp các anh tài dù đều vĩ đại vào trong sách bách khoa, ai sẽ
đứng trước, ai sẽ đứng sau? Môn khoa học hàng đầu của nhân loại là Toán học, có phải nó buộc phải
luôn luôn mở đầu bằng những quan niệm nguyên thủy: bằng nhau, lớn hơn, nhỏ hơn? (!) Nhân loại
không thể tránh được phép so sánh! Đó là bản chất của logic cũng như sự vận động tất yếu của lý trí,
bằng chứng phổ biến nhất là hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều tổ chức bầu cử để chọn ra
người giỏi nhất lãnh đạo đất nước, vậy thì nếu không so sánh giữa người này với người kia, ứng cử
viên này hay ứng cử viên khác, làm sao có thể chọn ra ai là người đứng đầu? Tại sao chúng ta phải bỏ
công bàn đến việc “so sánh” nhiều vậy? Bởi vì như Hội hoàng gia Anh quốc đã thực hiện phép so
sánh để chọn hoặc Newton hoặc Einstein giỏi hơn nhưng vẫn ngại so sánh là khập khiễng bởi vì
người ta sợ sự bầu chọn đó là bất cập. Bất cập nhưng vẫn phải làm và việc phải làm đó chủ yếu dựa
trên so sánh.
Trái lại, có nhiều người trong chúng ta rất thích quang ra câu “mọi sự so sánh đều trở nên khập
khiễng” đểthúc thủ không làm gì cả, cũng chẳng so sánh gì hết, bởi vì người ta chẳng biết gì để mà so
sánh, thêm nữa sợ mình yếu thế kém cỏi nên định xóa bỏ phép so sánh để hòa cả làng. Chúng ta đều
biết, tất cả nhữn ai từng cắp sách đến trường là để học biết: trên - dưới (tiên học lễ, hậu học văn), phải
- trái, tốt - xấu, vậy thì khi đã đi học không thể đưa ra các so sánh đó cũng là chính kiến, là quan niệm
của mỗi cá nhân. Lẩn trốn học so sánh cũng chính là lẩn trốn học vấn của mình, mà triết gia Platon và
sau là triết gia Aristote coi là không có văn hóa.
Năm 2005, nhân kỷ niệm 100 năm Einstein, Hội Hoàng gia Anh quốc (Royal Society) đã mở cuộc
bầu chọn tìm ra nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử loài người giữa hai ứng cử viên Newton và
Einstein, bằng cách trưng cầu ý kiến dân chúng và các nhà khoa học dựa trên hai câu hỏi:
1. Ai trong số hai tên tuổi lớn này là người có những đóng góp quan trọng hơn đối với khoa học.
2. Ai là người có cống hiến tích cực hơn cho toàn nhân loại nói chung?
Với câu hỏi thứ nhất, trong số 345 nhà khoa học bình chọn, có tới 86,2% bỏ phiếu cho Newton. Còn
trong câu hỏi thứ hai tỉ lệ nghiêng về phía Newton của dân chúng là 50,1%, của các nhà khoa học là
60,9% (Tài liệu đưa trên bài của tác giả Phương Nguyễn “Issac Newton vĩ đại hơn Albert Einstein?”
đăng trên Thể thao và văn hóa số 128, ngày 25/01/2005).
Sở dĩ tôi viết bài này vì nghĩ, nhân 100 năm Einstein, ngay cả người dân nước Anh cũng tham gia bầu
chọn ông, vậy tại sao mình không nhân cơ hội này để học biết thêm về ông? Tất nhiên, như người ta
vẫn nói, “của Xê-da hãy đem trả Xê-da”, tôi không phải là nhà vật lý chuyên nghiệp, nên phải “đem
trả’ vấn đề cho các nhà vật lý, vậy vấn đề tôi nêu lên chỉ như một cơ hội tham vấn, xin được các
chuyên gia chỉ giáo rõ ràng hơn, và hiển nhiên, không chỉ tôi được hiểu biết thêm, mà những bạn đọc
khác cũng được dư hưởng. Dám mạo muội cầm bút ”đào” hai mỏ kim cương vật lý của loài người thì
không thể là thứ cuốc xẻng thường, nhưng tôi vẫn “cả gan” tự tin vì hai lẽ:
Thứ nhất, triết gia Socrate nói, dám công bố điều mình không biết, ấy là biết vậy.
Thứ hai, nhờ đọc sách, tôi tìm được những điểm tựa khác của các nhà bác học hàng đầu, vì thế mà
dám nêu vấn đề.
Để hiểu về Newton và Einstein trước hết chúng ta hãy nêu lên đẳng cấp có tính kinh viện. Theo
Aristote, cũng như cách phân loại truyền thống xưa nay thì:
1. Toán học là môn nghiên cứu số lượng.
2. Vật lý là môn khoa học đầu tiên, bởi lẽ, vật chất là thế giới tri giác trực tiếp đầu tiên của con
người.
3. Các môn học về lý thuyết là cao nhất (như triết học) bởi vì nó thiết lập nhận thức lý tính thuần
khiết của con người.
Theo đó thì Einstein với môn Vật lý lý thuyết của mình đã cao hơn Newton một bậc. Học thuyết của
Newton với Định luật hấp dẫn và sự chuyển động nổi tiếng, là vật lý thực nghiệm và ứng dụng, nó rất
chắc chắn và dường như khó mà sai lệch, khi hàng ngày ở khắp nơi tất cả vật chất đều đang biểu hiện
phép thực chứng. Thế còn thuyết tương đối của Einstein là môn vật lý lý thuyết “bất khả thực chứng”
thì có đúng không? Tất cả chúng ta đặt câu hỏi để hiểu Einstein nhiều hơn, kỳ thực với bộ môn lý
thuyết, sai hay đúng đều vĩ đại căn cứ trên lộ trình lý thuyết mà nó đặt ra.
Chúng ta nhớ lại mới tháng 7/2004 Stephen Hawking một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng chỉ sau
Einstein, đã công bố lý thuyết về hố đen của ông theo đuổi hơn 28 năm trời đã sai. Tuy sai, nhưng
Hawking vẫn không hề giảm đi sự vĩ đại trong mắt mọi người, vì lẽ bộ môn của ông là vật lý lý
thuyết. Ông đã từng tuyên bố những gì tôi nói bao hàm cả những gì ngược chiều hẳn với nó. Đó cũng
chính là sự thú nhận khoa học của các nhà vật lý hiện đại, họ cho rằng: mọi lý thuyết đều có sự trái
ngược của chính nó, trong trường hợp nó được quan sát theo chiều ngược lại.
Nhà vật lý lý thuyết Hawking đã sai! Liệu có khi nào người ta công bố vật lý lý thuyết gia Einstein là
sai? Chúng ta chớ có ngạc nhiên về điều đó, mọi sự đều có thể. Môn vật lý lý thuyết của Hawking kết
hợp giữa giả thuyết vật lý và toán học cao cấp đã sai, vậy thì với Einstein có thoát ra để thành cái
khác? Theo Jean Guitton Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, thì Einstein là người quan niệm ánh sáng chỉ
được làm bằng những hạt nhỏ (chứ không phải như các nhà vật lý hiện đại quan niệm ánh sáng là cả
hạt lẫn sóng).
Còn Grichka Bogdanov và Igor vật lý lý thuyết thì nói: “Nhân đó (sự giới hạn của bức tường Planck),
người ta có thể hiểu rõ hơn Einstein - nhà vật lý cổ điển cuối cùng, tin rằng vũ trụ hiện thực là có thể
nhận thức được - đã lầm lẫn theo hướng nào”. (Thượng đế và khoa học) Nxb Đà Nẵng, 2001, tr.24).
Chúng ta đều biết lý thuyết của Einstein không phải thuộc môn vật lý thuần khiết, mà nó được kết
hợp với môn toán học cao cấp và môn triết học về vấn đề không gian và thời gian. Về toán học,
chúng ta biết các nhà toán học hiện đại thú nhận rằng: toán học ngày nay phát triển đến độ người ta
không thể nào kiểm soát nổi tính chân lý của nó. Có một số nhà toán học, cũng như triết gia còn nói
cách mạnh mẽ hơn: toán học là những công thức không có ý nghĩa, một chuỗi cấu trúc vô ích, một
thứ ngôn ngữ võ đoán và phát triển (theo sách Les Grandes Notions de la Philosophi, Ellipses 2001,
tr.914). Vậy thì liệu có đảm bảo rằng, những phép toán trong lý thuyết vật lý của Einstein không chứa
võ đoán và sai lạc.
Cuộc cách mạng lý thuyết lớn nhất của Einstein là không gian có 4 chiều, bao gồm 3 chiều không
gian cổ điển, cộng thêm chiều thứ tư là không gian thời gian được gọi bằng tên ghép là không – thời
gian. Xưa nay, các phương pháp chí cốt của triết học là nghiên cứu: bản thể người ta gọi là bản thể
luận. Nhưng chưa một nhà triết học nào nhận thấy mình biết một tí gì về bản chất của thời gian,
không gian chẳng hạn, chúng ta quờ tay là cảm giác được không gian rộng – hẹp, song không có cách
nào để nhận biết thời gian. Triết gia Kant thừa nhận, chúng ta có cảm giác quan để đo không gian như
thịt xác, xúc giác, nhưng tuyệt nhiên không có giác quan nào tương ứng với thời gian để làm thành
chiều thứ tư.
Thời gian là gì? Ngày nay các nhà triết học buộc phải luôn dùng thuật ngữ “thời gian vật lý” nói cách
đơn giản đó là thời gian được đo bằng đồng hồ, hay những vận động vật lý. Xưa nay, thời gian được
đo bằng đồng hồ nước thì như nước rỏ, bằng đồng hồ cát thì như cát chảy, bằng đồng hồ cơ thì như
cơ chạy, bằng đồng hồ điện tử thì như sự nhấp nháy của con số. Người ta chia ngày làm 12 giờ thì
ngày dài 12 giờ, chia thành 24 giờ thì ngày dài 24 giờ. Thời gian vẫn được quen dùng là quá khứ, hiện
tại và tương lai. Nhưng tương lai có bao giờ đến? Bởi lẽ, tương lai như ngày mai chẳng hạn, khi nó
đến, nó liền biến thành hiện tại. Vậy tương lai có ở đâu? Nó chỉ là tên gọi nằm trong dự định của
người ta (tức tâm lý), như ngày mai ra trường, năm sau lấy vợ… nhưng khi dự định được thực hiện
nó không còn là dự định nữa. Người ta hay nói về hình ảnh của học thuyết Einstein, đó là những con
người đi trên một con tàu vũ trụ siêu tốc (bằng tốc độ ánh sáng hoặc hơn), mới đi được ít ngày trở về
thấy những người quen râu tóc đã bạc phơ. Theo Einstein, đó là quỹ thời gian đã thay đổi hay chỉ là
điều kiện sinh hóa mà thôi. Chẳng hạn, những cái cây mỗi năm hình thành một lớp vỏ, người ta có thể
đếm tuổi của nó qua mỗi vòng vân hai mai con rùa xuất hiện thêm đốm và thời gian hàng ngày vòng
quay của quả đất, cũng như tháng, bốn mùa, năm qua tuần hoàn của hệ mặt trời.
Theo triết học, thì không gian của Einstein chỉ là không gian cục bộ, một chiếc hộp có thể méo, một
tào nhà có thể xiêu đổ, nhưng nó không thể bóp méo không gian toàn thể, bởi vì mọi thứ dù méo hay
tròn đều nằm trong không gian. Còn thời gian của Einstein chỉ là thời gian của chính vật thể di
chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, cho dù nó có di chuyển với tốc độ nào đi nữa.
Ở đời, liệt sĩ vĩ đại hơn người thường, vì lẽ họ đã hiến dâng hết mình cho nhân loại. Trong khoa học,
trên con đường chân lý cũng vậy, những người sai, hoặc thất bại chẳng kém vĩ đại, vì họ đã hiến dâng
cho con đường chân lý. Không ai “sai lè lè” như Hêgel khi ông tuyên bố A là Phi A, để vượt quá phép
đồng nhất, cũng như phép khử tam và ông không chỉ mửo ra phép biện chứng mà còn khơi mào cho
cả biến chứng phép duy vật- nền tảng cho cuộc cách mạng vô sản suốt thế kỷ XX. Nhưng ông cũng
tuyên bố lý thuyết sau không phải đạp đổ lý thuyết trước, mà chỉ làm cho nhận thức của nhân loại đầy
đủ hơn.
Với cuộc bình chọn Newton và Einstein theo hai câu hỏi “đóng góp - tích cực” cho nhân loại, rõ ràng
Newton được điểm ưu thắng hơn vì môn vật lý của ông là thực chứng và ứng dụng. Giả sử, nếu người
ta đặt ngược câu hỏi: trong hai nhà vật lý, ai là người siêu hình học hơn, chắc hẳn Einstein là người
chiếm ưu thế.
Tất cả những gì tôi nêu chỉ là hình thức tập hợp thành câu hỏi, cái gì của vật lý hãy đem trả các nhà
vật lý. Xin các nhà vật lý chỉ giáo cho.