Tải bản đầy đủ (.doc) (125 trang)

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin trong báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại tại việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (639.79 KB, 125 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

NGUYỄN MINH HUY

NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN
TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA NGÂN
HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH

Đà Nẵng, Năm 2015


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

NGUYỄN MINH HUY

NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN
TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA NGÂN
HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
Mã số: 60.34.20

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS TRƯƠNG BÁ THANH


Đà Nẵng, Năm 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa
từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận văn

Nguyễn Minh Huy


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..........................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài........................................................................1
2. Mục tiêu nghiên cứu.............................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................ 2
4. Phương pháp nghiên cứu...................................................................... 2
5. Cấu trúc của luận văn........................................................................... 2
6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu.............................................................. 3
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN
VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG
TIN....................................................................................................................8
1.1. KHÁI NIỆM CHUNG VÊ CÔNG BỐ THÔNG TIN................................8
1.2. PHÂN LOẠI CÔNG BỐ THÔNG TIN...................................................10
1.2.1. Phân loại thông tin theo tính chất bắt buộc hoặc tự nguyện.........10
1.2.2. Phân loại thông tin theo phạm vi bao quát....................................10
1.2.3. Phân loại thông tin theo thời gian.................................................11
1.2.4. Phân loại theo nguồn thông tin.....................................................11
1.3. YÊU CẦU VỀ CÔNG BỐ THÔNG TIN................................................ 11

1.3.1. Yêu cầu thông tin kế toán............................................................. 11
1.3.2. Yêu cầu thông tin kế toán thuộc BCTC........................................12
1.3.3. Yêu cầu công bố thông tin trên thị trường chứng khoán..............14
1.4. SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔNG BỐ THÔNG TIN TRÊN THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN...........................................................................................16
1.5. CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN :..................20
1.5.1. Chỉ số chất lượng..........................................................................20
1.5.2. Chỉ số phạm vi..............................................................................25


1.5.3. Chỉ số số lượng.............................................................................26
1.6. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG
TIN..................................................................................................................28
1.6.1. Lý thuyết các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin. 28
1.6.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin................30
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1................................................................................36
CHƯƠNG 2: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH
CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM37

2.1. GIỚI THIỆU HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM, TÌNH HÌNH
HOẠT ĐỘNG, MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ.........................................................37
2.1.1. Lịch sử và phát triển..................................................................... 37
2.1.2. Tình hình hoạt động......................................................................42
2.1.3. Môi trường hoạt động................................................................... 45
2.1.4. Sơ lược về hoạt động công bố thông tin của các Ngân hàng thương
mại Việt Nam.................................................................................................. 53
2.2. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU......................................................................56
2.2.1.Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu.................................................. 56
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu.............................................................. 60

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2................................................................................70
CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU............................ 71
3.1. MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÁC NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THÔNG QUA CHỈ SỐ Ij (CHỈ SỐ CÔNG BỐ
THÔNG TIN)..................................................................................................71
3.2. PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG
BỐ THÔNG TIN.............................................................................................73
3.2.1. thống kê mô tả các biến độc lập trong mô hình............................73


3.2.2 Phân tích tương quan các biến trong mô hình............................... 75
3.2.3. Kết quả phân tích đơn biến...........................................................76
3.2.4. Phân tích hồi quy bội giữa chỉ số công bố thông tin với các nhân tố
ảnh hưởng........................................................................................................78
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3................................................................................83
CHƯƠNG 4: HÀM Ý CHÍNH SÁCH VÀ KIẾN NGHỊ........................... 84
4.1. HOÀN THIỆN CÁC NỘI DUNG THÔNG TIN CÔNG BỐ..................84
4.2. HOÀN THIỆN CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ CÔNG BỐ
THÔNG TIN...................................................................................................85
4.3. TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CÁC NGÂN HÀNG CÓ QUY MÔ NHỎ,
HOẠT ĐỘNG YẾU KÉM.............................................................................. 85
4.4. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LẬP VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN
TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH...................................................................86
4.5. TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP TRONG
HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ.................................................................................86
4.6. TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT THỊ TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC NGÂN
HÀNG TẠI VIỆT NAM................................................................................. 88
KẾT LUẬN....................................................................................................90
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................93
QUYẾT ĐỊNH GIAO ĐỀ TÀI LUẬN VĂN (Bản sao)

PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BCĐKT

: Bảng cân đối kế toán

BCKQKD

: Báo cáo kết quả kinh doanh

BCLCTT

: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

BCTC

: Báo cáo tài chính

BCTN

: Báo cáo thường niên

CBTT

: Công bố thông tin

HĐQT


: Hội đồng quản trị

NĐT

: Nhà đầu tư

NHTM

: Ngân hàng thương mại

NHTMCP

: Ngân hàng thương mại cổ phần

NHTMCPNN

: Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước



: Quyết định

TSCĐ

: Tài sản cố định

TTCK

: Thị trường chứng khoán



DANH MỤC CÁC BẢNG

Số hiệu
bảng

Tên bảng

Trang

2.1

Danh sách các NHTMCP có tổng tài sản sắp xếp từ thấp
đến cao

65

2.2

Đo lường các biến độc lập của 16 Ngân hàng thương mại.

66

2.3

Kết quả kiểm định tính phân phối chuẩn Shapiro-Wilk.

67

3.1


Chỉ số công bố thông tin của 16 ngân hàng thương mại
Việt Nam

71

3.2

Thống kê mô tả biến chỉ số công bố thông tin

72

3.3

Thống kê mô tả các biến độc lập

73

3.4

Ma trận tương quan giữa các biến

75

3.5

Kết quả phân tích đơn biến

76


3.6

Các tham số thống kê trong mô hình

78

3.7

Giả thuyết và kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến
mức độ công bố thông tin của các ngân hàng thương mại

80


1

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 mở ra một thách thức lớn cho Việt
Nam, đó là tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng. Tại
Hội thảo quốc tế “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng – Kinh nghiệm quốc tế và
hàm ý cho Việt Nam” ngày 21 tháng 12 năm 2011 do trường Đại học Kinh tế
- ĐHQGHN (VNU-UEB, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) và Bảo
hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) phối hợp đồng tổ chức, các chuyên gia đều
nhất trí cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường minh bạch thông tin về hệ
thống ngân hàng thương mại khi tiến hành tái cơ cấu khu vực huyết mạch của
nền kinh tế. Việc minh bạch thông tin báo cáo tài chính sẽ giúp lành mạnh hóa
hệ thống ngân hàng, giúp cho nhà đầu tư, người gửi tiền … đều có thể tin
tưởng vào hoạt động của ngân hàng, hạn chế tình trạng thông tin bất đối xứng

và thông qua đó góp phần giảm chi phí thông tin cho các nhà đầu tư. Tuy
nhiên, một thực tế hiện nay là các ngân hàng thương mại Việt Nam dường như
lại không chú trọng đến việc công bố thông tin tình hình hoạt động ra bên
ngoài, gây ra tâm lý bất an cho xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân cho việc thiếu
minh bạch thông tin ngành ngân hàng và các biện pháp để giải quyết thực
trạng này?
Đã có nhiều bài báo, ý kiến chuyên gia, người dân về thực trạng thiếu
minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính nhưng chưa có tài liệu nào làm rõ
những nguyên nhân khiến việc công bố thông tin ngành ngân hàng vẫn còn
bất cập. Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào giải quyết thực trạng
vấn đề này, tôi đã chọn đề tài: “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức
độ công bố thông tin trong báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại tại
Việt Nam” làm đề tài tốt nghiệp.


2

2. Mục tiêu nghiên cứu
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về mức độ công bố thông tin và các nhân
tố ảnh hưởng.
- Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin của
các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
- Đánh giá thực trạng công bố thông tin của các Ngân hàng thương mại
tại Việt Nam, qua đó giúp nâng cao chất lượng công bố thông tin của các ngân
hàng thương mại.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu mức độ công bố thông tin của các Ngân
hàng thương mại tại Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu

Thông tin công bố trong báo cáo tài chính năm 2012 của 16 ngân hàng
thương mại tại Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu các dữ liệu qua thời gian
kết hợp giữa lý luận và thực tiến, thu thập số liệu, vận dụng mô hình đã
nghiên cứu để kiểm chứng số liệu, phân tích kết quả và đưa ra kết luận, gợi ý
nhằm nâng cao chất lượng công bố thông tin của các ngân hàng thương mại.
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các từ viết tắt,bảng biểu, và
phụ lục, luận văn được bố cục gồm 04 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về mức độ công bố thông tin và các nhân tố
ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin.
Chương 2: Thiết kế nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ
công bố thông tin của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam
Chương 3: Phân tích kết quả nghiên cứu.
Chương 4: Hàm ý chính sách và kiến nghị


3

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
Đã có nhiều tài liệu đi trước điều tra về mức độ công bố thông tin của
ngân hàng và các công ty, và những nhân tố ảnh hưởng liên quan đến các
thuộc tính đặc biệt của công ty như là thời gian hoạt động, quy mô, khả năng
sinh lời, thành phần hội đồng quản trị, tài sản cố định, kỷ luật thị trường,
v.v…
Đầu tiên phải kể đến nghiên cứu của Kahl và Belhaoui (1981), đây là
một nghiên cứu toàn diện, thực hiện điều tra mức độ CBTT của 70 ngân hàng
tại 18 quốc gia khác nhau. Kết quả chỉ ra rằng mức độ CBTT thì khác nhau
giữa các quốc gia được chọn mẫu, và có một mối quan hệ tích cực giữa quy

mô ngân hàng với mức độ CBTT. Hossain (2001) điều tra thực nghiệm mức
độ CBTT của 25 ngân hàng tại Bangladesh và mối quan hệ giữa khả năng
sinh lợi của công ty, và quy mô công ty kiểm toán với mức độ CBTT. Tổng
cộng 61 khoản mục thông tin, gồm cả bắt buộc và tự nguyện, đã được bao
gồm trong chỉ số CBTT, và phương pháp cho điểm các chỉ mục thì mang tính
phân đôi. Kết quả cho thấy quy mô và tính sinh lợi của các ngân hàng có ảnh
hưởng đến mức độ CBTT. Tuy nhiên, quy mô công ty kiểm toán không có ý
nghĩa thống kê ở các mức độ thông thường trong mô hình. Chipalkatti (2002)
kiểm tra mối quan hệ giữa bản chất và chất lượng của CBTT báo cáo thường
niên của 17 ngân hàng Ấn Độ với các biến đại diện cho cấu trúc vi mô của thị
trường. Tác giả xây dựng một chỉ số minh bạch thông tin ngân hàng bao gồm
90 khoản mục thông tin trong đó có xem xét đến đề xuất của ủy ban Basel và
IAS 30. Nghiên cứu cho thấy không có mối quan hệ giữa mức độ CBTT với
phần trăm cổ phần do chính phủ nắm giữ, và phần trăm cổ phần do nhà đầu tư
nước ngoài nắm giữ. Kết quả cũng chỉ ra rằng ngân hàng càng lớn thì cung
cấp càng nhiều thông tin minh bạch và không có sự khác biệt giữa điểm số
CBTT của ngân hàng với mức độ sinh lời, nhưng ngân hàng có mức sử dụng


4

đòn bẩy thấp có xu hướng CBTT nhiều hơn. Bauman và Nier (2003) xác định
vấn đề của việc phát triển một bộ các yêu cầu CBTT theo trụ cột 3 Basel II mà
cải thiện khả năng của các thành phần tham gia thị trường trong việc đánh giá
giá trị của ngân hàng trong đó có sử dụng bộ dữ liệu độc nhất của gần 600
ngân hàng tại 31 quốc gia trong thời kì 1993-2000. Bộ dữ liệu bao gồm thông
tin chi tiết về các khoản mục được công bố bởi các ngân hàng trong tài khoản
hàng năm của các ngân hàng. Các khoản mục này cấu thành nên chỉ số CBTT
tổng hợp phản ánh mức độ CBTT của ngân hàng, và tác giả sau đó phân tích
từng tiểu mục trong số 17 tiểu mục CBTT mà làm nên chỉ số CBTT tổng hợp

để điều tra liệu có khoản mục nào về CBTT bảng CĐKT của ngân hàng thì có
lợi nhất với ngân hàng và hữu dụng nhất với thị trường tài chính. Kết quả nhìn
chung khẳng định giả thiết rằng CBTT giúp làm giảm dao động cổ phiếu, gia
tăng giá trị thị trường, và gia tăng tính hữu dụng của các tài khoản công ty
trong dự đoán việc định giá. Nier and Baumann (2006) thực hiện điều tra 729
ngân hàng ở 32 quốc gia. Kết quả chỉ ra rằng mức độ công bố tự nguyện đòi
hỏi các ngân hàng giảm khẩu vị rủi ro và tăng cường việc bù đắp rủi ro bằng
vốn cổ phần. Mohammed Hossain (2008) cũng đã tiến hành một cuộc điêu tra
thực nghiệm về mức độ công bố bắt buộc và tự nguyện của các công ty ngân
hàng niêm yết ở Ấn Độ. Kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng các biến quy mô,
lợi nhuận, thành phần hội đồng quản trị và kỷ luật thị trường có ý nghĩa, trong
khi các biến về thời gian hoạt động, sự phức tạp của kinh doanh và quy mô tài
sản dài hạn đang nắm giữ không có ý nghĩa trong giải thích mức độ công bố
thông tin. Jameel và cộng sự (2013) điều tra thực nghiệm mức độ CBTT trong
BCTN của 15 ngân hàng tại Sri Lanka. Tổng cộng 140 khoản mục thông tin
(gồm cả bắt buộc và tự nguyện) đã được chọn trong xây dựng chỉ số CBTT.
Kết quả cho thấy các ngân hàng ở Srilanka CBTT bắt buộc tốt hơn thông tin
tự nguyện, đồng thời cũng chỉ ra rằng quy mô tài sản, hiệu quả hoạt


5

động kinh doanh (ROA), tỷ lệ nợ xấu và thành phần HĐQT ảnh hưởng tích
cực đến mức đô CBTT trong khi các biến thời gian hoạt động, tài sản cố định,
tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không có ý nghĩa thống kê. Raoudha Dhouibi
(2013) thực hiện khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định công bố thông
tin tự nguyện của các ngân hàng niêm yết ở Thổ nhĩ Kỳ, và sử dụng mô hình
hồi qui Prais-winsten để kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố
thông tin tự nguyện với mẫu gồm 10 ngân hàng trong thời kỳ 2000-2011. Kết
quả nghiên cứu chỉ ra rằng quy mô hội đồng quản trị, số lượng cổ phần sở hữu

bởi cổ đông lớn và cổ đông nhà nước thì đều có ảnh hưởng tiêu cực đến việc
công bố thông tin. Tuy nhiên, quy mô ngân hàng, số lượng cổ phần nắm giữ
bởi nhà đầu tư nước ngoài và hiệu quả hoạt động ngân hàng lại có tác động
tích cực đến việc công bố thông tin của công ty.
Nghiên cứu của Kamal, Al-Hussaini, AL-Kwari và Nuseibeh, (2006)
tìm ra rằng có mối quan hệ đáng kể giữa quy mô công ty với mức độ CBTT.
Aljifri (2008) kiểm tra mức độ CBTT trong BCTN của 31 công ty niêm yết
trong UAE và cho thấy lĩnh vực kinh doanh khác nhau có ảnh hưởng mức độ
CBTT. Tuy nhiên, quy mô, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần, và khả năng sinh lời
không có ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Alsaeed (2006) nghiên cứu mối quan
hệ giữa các đặc tính đặc biệt của công ty với mức độ CBTT ở Saudi Arabia.
Một tổng 20 khoản mục công bố tự nguyện được xây dựng để đánh giá mức
độ CBTT trong BCTN của 40 công ty. Các kết quả chỉ ra rằng trung bình của
chỉ số CBTT đã thấp hơn mức trung bình. Kết quả cũng chỉ ra rằng quy mô
công ty có quan hệ tích cực với mức độ CBTT tuy nhiên nợ, quyền sở hữu bị
phân tán, thời gian hoạt động, biên lợi nhuận, ngành công nghiệp và quy mô
công ty kiểm toán không có ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Hossain và Reaz’s
(2007) điều tra thực nghiệm mức độ CBTT tự nguyện mức độ CBTT của 38
công ty ngân hàng niêm yết ở Ấn Độ. Kết quả chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ


6

giữa các đặc biệt của công ty với mức độ CBTT tự nguyện. Nghiên cứu cho
thấy các ngân hàng Ấn Độ đang công bố một lượng đáng kể thông tin tự
nguyện. Các kết quả chỉ ra rằng quy mô và tài sản cố định có ý nghĩa thống kê
trong khi những biến khác thời gian hoạt động, sự đa dạng hóa, thành phần
HĐQT, niêm yết nhiều ngoại tệ và tính phức tạp của kinh doanh không có ảnh
hưởng đến mức độ CBTT. Craig và Diga (1998) nghiên cứu thực nghiệm thực
trạng CBTT của 145 công ty đại chúng niêm yết trên sở giao dịch chứng

khoán ASEAN vào thơi điểm 31/12/1993 và được chọn một cách ngẫu nhiên.
Tổng cộng, 530 khoản mục CBTT đã được chọn để tính chỉ số chỉ số CBTT
sau khi xem xét pháp luật của công ty và các quy định trên thị trường chứng
khoán trong các quốc gia khác nhau. Kết quả chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ
giữa điểm số CBTT của các công ty với tài sản, quy mô, lợi nhuận, và tỷ lệ nợ
trên vốn chủ sở hữu.
Tại Việt Nam, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT
mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán
gồm:
Nghiên cứu của Lê Trường Vinh, Hoàng Trọng (2008) về tính minh
bạch của thông tin được công bố từ các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhân
tố Q có ảnh hưởng đến sự minh bạch trong CBTT. Nghiên cứu của tác giả
Đoàn Nguyễn Phương Trang (2010) về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ
CBTT của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết quả cho thấy nhân tố chủ thể kiểm toán và khả năng sinh lời có ảnh
hưởng đến mức độ CBTT của các doanh nghiệp niêm yết. Tiếp đến nghiên
cứu của tác giả Lê Thị Trúc Loan (2012) chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận (ROE)
có ảnh hưởng đến mức độ CBTT của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt
Nam. Nguyễn Công Phương và đồng sự (2012) trong “Nghiên cứu thực trạng
CBTT trong BCTC của các công ty niêm yết trên SGDCK TP HCM” đã xây


7

dựng hệ thống chỉ mục đo lường mức độ công bố khá hoàn chỉnh, đồng thời
lập luận một cách chặt chẽ về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT, qua
đó đưa ra nhiều giải pháp hữu ích để cải thiện mức độ CBTT trong BCTC.
Tuy nhiên nghiên cứu chưa phân tích ảnh hưởng của các nhân tố thuộc về đặc
điểm quản trị và sở hữu đến mức độ CBTT của doanh nghiệp.
Tác giả Phạm thị Bích Vân trong bài viết về “Mối quan hệ giữa cơ chế

quản trị công ty và CBTT trong BCTN: Nghiên cứu tại TTCK VN” (2012) đã
thực hiện nghiên cứu dựa trên BCTN năm 2011 của 101 công ty niêm yết. Kết
quả cho thấy các biến đại diện cho cơ chế quản trị công ty như: số lượng
thành viên HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập không điều hành, sở hữu
vốn là tổ chức có mối tương quan thuận và có ý nghĩa thống kê với biến mức
độ CBTT. Tuy nhiên, sự tách rời giữa CEO và chủ tịch HĐQT có mối tương
quan nghịch với mức độ CBTT.
Kế thừa và phát triển các nghiên cứu ở nước ngoài, luận văn tiếp tục
xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin của các ngân
hàng thương mại tại Việt Nam thông qua sử dụng các mô hình, kết quả các
nhân tố của các tác giả đã nghiên cứu trước đây như: quy mô tài sản ngân
hàng, tỷ suất sinh lợi, tỷ trọng TSCĐ… những nhân tố có ảnh hưởng đến mức
độ công bố thông tin trên báo cáo tài chính của ngân hàng.


8

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MỨC ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN VÀ
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ CÔNG BỐ
THÔNG TIN
1.1. KHÁI NIỆM CHUNG VÊ CÔNG BỐ THÔNG TIN
Công bố thông tin được sử dụng để phát hành tất cả các thông tin liên
quan đến giao dịch, đảm bảo kinh doanh. Mục tiêu của tiết lộ đầy đủ là để
đảm bảo tính minh bạch, qua đó các NĐT khi tham gia vào thị trường chứng
khoán có được đầy đủ những thông tin tốt và thông tin xấu. Gibbins
Richardon và Waterhouse (1990, 122) CBTT là một quy định công khai, phát
hành có chủ ý các thông tin tài chính và phi tài chính cả về số lượng và chất
lượng theo yêu cầu hoặc tự nguyện, thông qua các kênh chính thức hoặc

không chính thức.
Theo quan điểm của Bộ Tài Chính, được thể hiện trong Sổ tay công bố
thông tin dành cho các công ty niêm yết thì “CBTT được hiểu là phương thức
để thực hiện quy trình minh bạch của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các cổ
đông và công chúng đầu tư có thể tiếp cận thông tin một cách công bằng”.
Chúng ta thừa nhận minh bạch thông tin “là sự công bố thông tin kịp thời và
đáng tin cậy, nó cho phép những người sử dụng thông tin đó có thể đánh giá
chính xác về tình hình và hiệu quả của một ngân hàng, hoạt động kinh doanh
và rủi ro liên quan đến các hoạt động này” (Theo International Finance
Corporation, Public disclosure and transparency, Yerevan, May 2006).
Cụ thể hơn, công bố thông tin kế toán (Accounting Disclosure) là toàn
bộ thông tin được cung cấp thông qua hệ thống các báo cáo tài chính của một
công ty trong thời kỳ nhất định (bao gồm cả các báo cáo giữa niên độ và báo
cáo thường niên)


9

Công bố thông tin bao gồm công bố bắt buộc và các công bố tự nguyện
hay không bắt buộc. Công bố bắt buộc (Mandatory disclosure) là những công
bố kế toán được yêu cầu bởi luật pháp và những quy định của một quốc gia
hoặc một vùng lãnh thổ. Những công bố này phải được trình bày theo những
quy định của Luật Kinh Doanh, Ủy ban chứng khoán, các cơ quan quản lý về
kế toán, GAAP và sự lựa chọn của doanh nghiệp, không bắt buộc. Có nghĩa là
một công ty có thể hoặc không cần phải công bố các thông tin kế toán mà
pháp luật không yêu cầu. Theo Adina P. và Ion P. (2008), công bố tự nguyện
chỉ như là các thông tin được cung cấp thêm nhằm thỏa mãn nhu cầu của
người sử dụng thông tin bên ngoài doanh nghiệp như các nhà phân tích tài
chính, các công ty tư vấn, các NĐT là các tổ chức… Theo xu hướng hiện nay
thì các các công bố tự nguyện đang thu hút mối quan tâm lớn của người sủ

dụng thông tin vì tính ảnh hưởng của nó, và các công ty cũng ngày càng được
khuyến cáo là sẽ thu được nhiều lợi ích hơn khi cung cấp các thông tin dạng
này.
Công bố thông tin là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến việc công
bố hiệu quả các nguồn lực của xã hội và giảm thiểu sự nhiễu loạn thông tin
giữa doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài doanh
nghiệp (Adian, Ion-2008). Chính vì thế mà trong mọi nền kinh tế, tác động
của hành vi CBTT là đặc biệt to lớn. Ảnh hưởng này không chỉ giới hạn ở tầm
vi mô trong tình hình tài chính của từng đơn vị, của NĐT mà lan rộng ra cả
nền kinh tế. Đó là lý do vì sao mà các nghiên cứu về CBTT, tác động và các
yếu tố ảnh hưởng không ngừng được thực hiện bởi các nghiên cứu trên khắp
thế giới. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của việc CBTT kế toán đến việc ra quyết
định vẫn đã và đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch
định chính sách và các nhà quản trị doanh nghiệp không chỉ ở các nước phát
triển mà còn cả các nước đang phát triển.


10

Các đối tượng sử dụng thông tin có thể tiếp cận qua nhiều kênh như
website của các doanh nghiệp, báo chí, các cơ quan quản lý… có thể sử dụng
bao gồm một hệ thống đa dạng các báo cáo thường niên, báo cáo CBTT bất
thường khi niêm yết, khi tái chào bán chứng khoán hoặc có các sự kiện bất
thường xảy ra trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Theo quan điểm của bộ tài chính CBTT là sự minh bạch hóa thông tin
trên thị trường chứng khoán (Sổ tay công bố thông tin dành cho các công ty
niêm yết).
Thông tin thị trường chứng khoán rất đa dạng và phong phú, thông tin
sẽ phản ánh tinh hình, bản chất của doanh nghiệp, qua đó các nhà đầu tư có
thể nhận định, phân tích và đầu tư có hiệu quả. Vì vậy để đảm bảo cho thị

trường chứng khoán hoạt động một cách minh bạch, công khai thì thông tin
tiết lộ cung cấp của các doanh nghiệp thực hiện một cách doanh nghiệp thực
hiện một cách công khai, nguyên tắc công khai được hiểu như là sự cung cấp
thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời.
1.2.PHÂN LOẠI CÔNG BỐ THÔNG TIN
1.2.1. Phân loại thông tin theo tính chất bắt buộc hoặc tự nguyện
- Thông tin bắt buộc: Là các thông tin mà ngân hàng bắt buộc phải
công bố theo quy định của các văn bản pháp luật của một quốc gia, như Luật
Doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định về CBTT
của UBCK và SGDCK.
- Thông tin tự nguyện: Là các thông tin mà doanh nghiệp tự nguyện
công bố để nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của doanh
nghiệp mà các thông tin này không bắt buộc phải công bố theo quy định. Việc
CBTT tự nguyện nhằm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng.
1.2.2. Phân loại thông tin theo phạm vi bao quát
- Thông tin đơn lẻ của từng nhóm chứng khoán.


11

- Thông tin ngành, thông tin nhóm ngành.
- Thông tin nhóm cổ phiếu đại diện và tổng thể thị trường.
- Thông tin của SGDCK hay cả quốc gia, thông tin có tính quốc tế.
1.2.3. Phân loại thông tin theo thời gian
- Thông tin quá khứ, thông tin hiện tại và thông tin dự báo cho tương lai

- Thông tin theo thời gian (phút, ngày…).
- Thông tin tổng hợp theo thời gian (tuần, tháng, quý, năm…)
1.2.4. Phân loại theo nguồn thông tin
- Thông tin trong nước và quốc tế.

- Thông tin của các tổ chức tham gia thị trường. Tổ chức niêm yết,
công ty chứng khoán và thông tin của SGDCK.
- Thông tin tư vấn của các tổ chức tư vấn đầu tư và tổ chức xếp hạng
tín nhiệm.
- Thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng (báo, truyền hình,
mạng Internet…)
1.3. YÊU CẦU VỀ CÔNG BỐ THÔNG TIN.
1.3.1. Yêu cầu thông tin kế toán
Theo VAS 01: Chuẩn mực chung, quy định rõ các yêu cầu cơ bản đối
với kế toán.
Thứ nhất là trung thực, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi
chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với
với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của các nghiệp vụ kinh
tế phát sinh.
Thứ hai là khách quan, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi
chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.
Thứ ba là đầy đủ, mọi nghiệp vụ, mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát
sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị
bỏ sót.


12

Thứ tư là kịp thời, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép
và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.
Thứ năm là dễ hiểu, các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo
cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở
đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế
toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài
chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.

Thứ sáu là có thể so sánh, các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ
kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh
được khi tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì
phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có
thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa
thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.
1.3.2. Yêu cầu thông tin kế toán thuộc BCTC
Theo VAS 01: Chuẩn mực chung cũng quy định rõ các yếu tố cơ bản
của báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính phản ánh tình hình tài chính của
doanh nghiệp bằng cách tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có cùng
tính chất kinh tế thành các yếu tố của báo cáo tài chính. Các yếu tố liên quan
trực tiếp đến việc xác định tình hình tài chính trong Bảng cân đối kế toán là
Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến
đánh giá tình hình và kết quả kinh doanh trong Báo cáo kết quả hoạt động
kinh doanh là Doanh thu, thu nhập khác, Chi phí và Kết quả kinh doanh.
- Tình hình tài chính
- Tài sản
- Nợ phải trả
- Vốn chủ ở hữu
- Tình hình kinh doanh


13

- Doanh thu và Thu nhập khác.
- Chi phí.
- Ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính.
- Ghi nhận tài sản
- Ghi nhận nợ phải trả.
- Ghi nhận doanh thu và thu nhập khác.

- Ghi nhận chi phí.
Bên cạnh chuẩn mực chung quy định các yếu tố của BCTC thì chuẩn
mực 21: Trình bày BCTC quy định và hướng dẫn các yếu tố và nguyên tắc
chung về việc lập và trình bày báo cáo tài chính gồm: Mục đích, yêu cầu,
nguyên tắc lập báo cáo tài chính; kết cấu và nội dung chủ yếu của các báo cáo
tài chính.
- Yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính:
Trung thực và hợp lý;
Lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán phù hợp với từng quy định của
từng chuẩn mực kế toán.
- Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính, gồm:
Hoạt động liên tục; cơ sở dồn tích; nhất quán; trọng yếu; bù trừ; có thể
so sánh.
- Kết cấu và nội dung chủ yếu của BCTC
Những thông tin chung về doanh nghiệp cần phải được trình bày trong
từng BCTC.
Kỳ báo cáo.
Kết cấu và nội dung bảng cân đối kế toán.
Kết cấu và nội dung của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Kết cấu và nội dung của báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Kết cấu và nội dung của bảng thuyết minh BCTC.


14

1.3.3. Yêu cầu công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Các yêu cầu của CBTT được quy định lần đầu tiên tại thông tư
57/2004/TT-BTC. Thông tư 38/2007/TT-BTC đã quy định cụ thể hơn các yêu
cầu của việc CBTT. Đến thông tư 52/2012/TT-BTC càng nhấn mạnh việc
CBTT phải đầy đủ chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật. hoạt

động CBTT phải do giám đốc hoặc người ủy quyền CBTT thực hiện, Giám
đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do
người được ủy quyền, thông tư 52/2012/TT-BTC quy định cụ thể là:
Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định
của pháp luật.
Việc CBTT phải do người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc
người được ủy quyền CBTT thực hiện. Người đại diện theo pháp luật của
công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời và đầy đủ về thông
tin do người được ủy quyền CBTT công bố.
Trường hợp thực hiện CBTT thông qua người được ủy quyền CBTT,
công ty đại chúng, tổ chức phát hành, công ty chứng khoán, công ty quản lý
quỹ phải đăng ký một (1) người được ủy quyền thực hiện CBTT theo phụ lục
I kèm theo Thông tư này. Trường hợp thay đổi người được ủy quyền CBTT
phải thông báo bằng văn bản cho UBCKNN, SGDCK ít nhất năm (5) ngày
làm việc trước khi có sự thay đổi.
Trường hợp có bất kỳ thông tin nào làm ảnh hưởng đến giá chứng
khoán thì người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy
quyền CBTT phải xác nhận hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn hai
mươi bốn (24) giờ, kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của
UBCKNN, SGDCK.
Việc CBTT phải được thực hiện đồng thời với việc báo cáo UBCKNN,
SGDCK về nội dung công bố, cụ thể như sau:


15

Công ty đại chúng, tổ chức phát hành, công ty chứng khoán, công ty
quản lý quỹ khi thực hiện CBTT phải đồng thời báo cáo UBCKNN; SGDCK,
TTLKCK khi thực hiện CBTT phải đồng thời báo cáo UBCKNN đối với
những thông tin phát sinh từ SGDCK, TTLKCK;

Tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán thành viên,
công ty quản lý quỹ có quản lý quỹ đại chúng dạng đóng và công ty đầu tư
chứng khoán đại chúng khi thực hiện CBTT phải đồng thời báo cáo
UBCKNN, SGDCK;
Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm CBTT về hoạt động của quỹ đại
chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do mình quản lý theo quy định
của pháp luật có liên quan. Trường hợp công ty quản lý quỹ là công ty đại
chúng thì phải thực hiện trách nhiệm CBTT áp dụng cho công ty đại chúng.
Ngày CBTT là ngày thông tin xuất hiện trên phương tiện CBTT; ngày
báo cáo về việc CBTT là ngày gửi fax, gửi dữ liệu điện tử (qua email hoặc
qua hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận báo cáo), ngày UBCKNN,
SGDCK nhận được thông tin công bố bằng văn bản.
Ngôn ngữ thực hiện CBTT trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải
là Tiếng Việt. Trường hợp pháp luật quy định CBTT bổ sung bằng ngôn ngữ
khác, ngôn ngữ thực hiện CBTT bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo
quy định.
Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, các đối tượng
CBTT theo quy định tại điều 1 Thông tư này phải đồng thời báo cáo và có văn
bản giải trình cho UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng
ký giao dịch).
Các đối tượng CBTT thực hiện bảo quản, lưu giữ thông tin đã báo cáo,
công bố theo quy định của pháp luật.


16

1.4. SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔNG BỐ THÔNG TIN TRÊN THỊ
TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Để thị trường chứng khoán tồn tại và phát triển thì việc công bố thông
tin, còn được gọi là hệ thống thông báo và hệ thống công bố công khai, có

nghĩa là công ty có báo cáo các thay đổi tài chính, thông tin và dữ liệu của các
điều kiện hoạt động bộ phận và thị trường chứng khoán trong các quy định
theo pháp luật nhằm đảm bảo an ninh chính quyền, lợi ích của nhà đầu tư và
chấp nhận sự giám sát của công chúng xã hội, và làm cho tất cả các thông tin
và dữ liệu công cộng hoặc công bố, để giúp các nhà đầu tư chủ động hoàn
toàn trong mọi tình hình. Việc công bố thông tin không chỉ bao gồm công bố
thông tin trước khi nó được phát hành, cũng bao gồm tiết lộ tiếp tục của thông
tin sau khi các công ty được niêm yết, trong đó chủ yếu là tạo thành hệ thống,
công khai, minh bạch, hệ thống báo cáo định kỳ và báo cáo tạm thời của
doanh nghiệp niêm yết.
Trong thị trường chứng khoán, tính không chắc chắn và rủi ro là những
yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và tạo thành đặc điểm của
chứng khoán. Kể từ khi thu thập thông tin có thể làm thay đổi đánh giá về sự
không chắc chắn và rủi ro của chứng khoán, thông tin có ảnh hưởng rất lớn và
có ý nghĩa quyết định đối với biến động giá cả và giá cả, sự cân bằng của thị
trường chứng khoán. Các nhà đầu tư chỉ có thể đưa ra quyết định hợp lý và
thực hiện đánh giá chính xác khi họ có đủ kiến thức toàn diện về các thông tin
đến các hoạt động của công ty niêm yết.
Trong tình trạng như vậy, giá chứng khoán thực sự có thể phù hợp với
giá trị thực tế của nó. Đó là để nói, chứng khoán có giá trị gia tăng cao có
được mức giá cao tương ứng và các dự án với chất lượng tuyệt với có thể có
được đủ vốn, có thể đảm bảo rằng thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu
quả. Vì vậy có thể thấy thông tin đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường


17

chứng khoán. Việc công bố thông tin là quá trình dai dẳng về thời điểm công
bố thông tin và là sự kết hợp của quãng thời gian thường xuyên và không
thường xuyên. Theo kinh nghiệm các nhà nghiên cứu các doanh nghiệp trên

toàn thế giới, thị trường chứng khoán là một kết quả cần thiết của sự phát triển
hệ thống công ty cổ phần. Chỉ khi cổ đông được cung cấp một mức độ thông
tin công bố đầy đủ mà giúp họ nhận ra giá trị cổ phần của mình tại bất kỳ thời
điểm nào, việc giao dịch sẽ được thúc đẩy nhanh chóng hơn và lợi ích có thể
được tạo ra từ vốn quy mô lớn.
Công bố thông tin hay nói cách khác là thông tin kế toán còn được xem
là thông tin nền tảng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Kết quả
dịch chuyển nguồn vốn trong doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh
của các tổ chức niêm yết, mức cổ tức được chia trong kỳ, cách tạo và sử dụng
tiền của các doanh nghiệp niêm yết và các thông tin khác trong báo cáo tài
chính, chính là yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông cũng như các
đối tác khác của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa cho sự thành công và
phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Chính vì thế sự đầy đủ của thông tin trong báo cáo tài chính của các
doanh nghiệp niêm yết là điều trước tiên mà các nhà đầu tư, cổ đông, ngân
hàng quan tâm. Qua những số liệu được trình bày đầy đủ của doanh nghiệp
công bố, các đối tượng sử dụng thông tin có thể dễ dàng nhận thấy, phân tích
và đánh giá được tình hình tài chính cũng như triển vọng trong tương lai, qua
đó nhà đầu tư, các cổ đông, các tổ chức tín dụng có thể có những quyết định
đúng đắn, đầu tư có hiệu quả.


Đối với công tác quản lý thị trường

Giúp cho các tổ chức công bố thông tin một cách chính xác chủ yếu
nhằm phục vụ các nhà đầu tư. Việc công bố các thông tin định kỳ, bất thường
sẽ giúp các nhà đầu tư có cách nhìn đầy đủ và khách quan hơn về các khoản
đầu tư của mình.



×