Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA PHÂN MÔN CÔNG NGHỆ Ở BẬC TIỂU HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ MỚI mới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (378.27 KB, 11 trang )

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA PHÂN MÔN CÔNG NGHỆ Ở BẬC TIỂU HỌC TRONG
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ MỚI
Họ tên: Trần Duy Phương
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Email:
Tóm tắt:
Dạy học môn Công nghệ, đặc biệt là ở bậc tiểu học trong thời kỳ đổi mới giáo dục, thể
hiện một tầm nhìn có ý nghĩa lâu dài, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Nhận
thấy giá trị to lớn của việc giảng dạy môn Công nghệ ở bậc tiểu học, tác giả chọn hướng
phân tích và đánh giá vị trí, vai trò của môn Công nghệ. Qua đó, tác giả mong muốn góp
thêm một góc nhìn cụ thể, rõ ràng hơn cho việc thúc đẩy chương trình đào tạo giáo viên
dạy môn Công nghệ ở bậc tiểu học diễn ra một cách hiệu quả ở các trường cao đẳng, đại
học trên toàn quốc.
Từ khóa: Vị trí, vai trò, môn công nghệ ở tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông mới
POSITION AND ROLE OF TECHNOLOGY SUB-SECTOR AT PRIMARY
LEVEL IN THE NEW SCHOOL EDUCATION PROGRAM
Abstract: Technology teaching, especially at the primary level in the period of
educational innovation, represents a long-term vision, contributing to the building and
development of the country. Recognizing the great value of Technology teaching in
elementary school, the author chose to analyze and evaluate its position and role, thereby
hoping to contribute a clear and specific view for promoting the training program for
Technology teachers at primary schools, which takes place effectively in colleges and
universities nationwide.
Key words: Position, role, technology in elementary school, new school education
curriculum
I. Đặt vấn đề
Môn Công nghệ trong chương trình giáo dục hiện hành là một môn học bắt buộc ở cấp
trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nó là một môn học khá quan trọng và thiết thực,
góp phần giúp học sinh hình thành những kiến thức hữu ích về công nghệ và một số kĩ
năng cơ bản trong việc sử dụng, thiết kế và đánh giá các vật dụng, đồ dùng quen thuộc
trong gia đình; cách thức trang trí nhà cửa, cách sử dụng và cải tạo môi trường sống xung


quanh liên quan đến một vài lĩnh vực công nghệ cơ bản như nông nghiệp, lâm nghiệp,
công nghiệp, thủy sản, cơ khí, điện tử, v.v... Tuy nhiên, trên thực tế môn học này ít nhiều
đã bị mờ nhạt khi phần lớn học sinh lẫn giáo viên đều xem nó như là một “môn phụ”. Từ
đó, việc dạy học đa phần còn mang nặng hình thức mà chưa thể phát huy được hết những
“phẩm chất” đáng quý của môn học, dẫn đến sự hạn chế về tính ứng dụng thực tiễn, khả
năng giải quyết các vấn đề thiết yếu mà cuộc sống đặt ra liên quan đến công nghệ. Do đó,
nhu cầu đổi mới chương trình dạy học môn Công nghệ ở các cấp học nảy nở như một
1


hiện tượng tất yếu của xã hội, góp phần thích nghi với sự vận hành và phát triển không
ngừng của thời đại mới – thời đại cách mạng khoa học, công nghệ tiến bộ.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại họp báo ngày 27 tháng 12 năm 2018,
Chương trình giáo dục phổ thông mới thống nhất sẽ được áp dụng từ năm 2020 [1]. Theo
đó, Chương trình đã đưa ra một số điểm khác biệt căn bản như: nhấn mạnh đến sự phát
triển ba năng lực chính và chủ đạo cần có ở học sinh trong thời kỳ hội nhập, đó là năng
lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; vấn đề tích hợp
liên môn theo “chiều ngang” cũng như sự nhất quán, đồng tâm, móc xích ở các lớp, các
cấp học nhằm phát triển ở học sinh khả năng vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực để
giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó là sự xuất hiện, thay thế hay
giảm tải một vài môn học ở các cấp sao cho phù hợp với định hướng giáo dục chung. Ở
tiểu học, hai trong các môn học quan trọng xuất hiện trong Chương trình phổ thông tổng
thể mới là Công nghệ và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Riêng với phân môn Công
nghệ, giáo dục Công nghệ sắp tới sẽ được đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học từ lớp 3 đến
lớp 5, kết hợp chung với Tin học tạo thành một môn học bắt buộc. Có thể thấy, việc đưa
phân môn Công nghệ vào tiểu học đã khẳng định vị trí và vai trò to lớn của yếu tố công
nghệ trong giáo dục và đời sống nói chung. Nhận thấy những điểm tích cực như trên, bài
viết đã đi đến chọn lựa hướng quan sát môn Công nghệ trong Chương trình giáo dục đổi
mới dưới giác độ nhận thức, đánh giá vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môn Công nghệ
dành riêng cho bậc tiểu học. Điều này phần nào giúp làm rõ hơn một vài điểm sáng trong

sự đổi mới, thúc đẩy định hướng đào tạo giáo viên chất lượng để dạy học môn Công nghệ
trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở bậc tiểu học.
II. Nội dung
1. Khái niệm “vị trí, vai trò”
“Vị trí” là khái niệm dùng để chỉ “một chỗ, một nơi xác định dành riêng cho người, vật
hoặc việc gì đó” [2]. Theo Hoàng Phê, “vị trí” là “chỗ được xác định dành riêng cho người
vật nào đó”. “Vị trí” được nhấn mạnh ở yếu tố xác định, khẳng định tính có ý nghĩa, tính
giá trị, tầm quan trọng của người, vật hay một việc gì đó trong cộng đồng, cấu trúc hoặc
một hệ thống có tổ chức. “Vị trí” không mang tính cá thể, nghĩa là “vị trí” chỉ được hình
thành trong quan hệ cấu trúc, xã hội và mang tính xã hội. “Vị trí” có thể được thể hiện
qua chức danh, tên gọi địa vị hay tên của một phạm trù làm nên cấu trúc tổng thể. Ví dụ,
vị trí Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, cán bộ, nhân viên trong một công ty; vị trí Chủ
tịch nước, Tổng bí thư, Bộ trưởng, Đại tướng trong hệ thống quản lý Nhà nước; vị trí
Hiệu trưởng, nhân viên, cán bộ bảo vệ, học sinh, sinh viên trong Nhà trường hoặc vị trí
ông bà, cha mẹ, con cái trong quan hệ gia đình; vị trí của môn học trong hệ thống khối
lớp, chương trình đào tạo, v.v…. Theo đó, “vị trí” của phân môn Công nghệ trong môn
Tin học và Công nghệ nói riêng và chương trình giáo dục ở bậc tiểu học nói chung thể
hiện tính ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định, tính hài hòa và bổ sung trong mối tương
liên giữa các môn học, là một phân môn bắt buộc với thời lượng học tập quy định, là một
trong những thành tố quan trọng thúc đẩy định hướng giáo dục STEM. Những vấn đề này
sẽ được tác giả làm rõ hơn ở phần sau.
2


“Vị trí” là một khái niệm trừu tượng, đi kèm với “vị trí” là “vai trò”. “Vai trò” là mặt
biểu hiện của vị trí trong quan hệ nhân quả, biện chứng. “Vị trí” càng lớn, “vai trò” càng
quan trọng. “Vai trò” là “tác dụng, chức năng trong sự hoạt động, sự phát triển của cái gì
đó” [3]. “Vai trò” mang ý nghĩa đóng góp, góp phần tác động nâng cao, cải thiện hiệu
quả theo hướng tích cực. “Vai trò” của thầy cô giáo là giáo dục hình thành nhân cách cho
học sinh, giúp học sinh có thể tiếp cận, hòa nhập và cống hiến cho bản thân, xã hội một

cách tốt nhất. “Vai trò” của môn học là cung cấp kiến thức và các kỹ năng thiết yếu, hình
thành và phát triển một số năng lực mà môn học quy định cho học sinh dưới sự tổ chức,
hướng dẫn, điều chỉnh, đánh giá của giáo viên. “Vai trò” thể hiện tính nhiệm vụ mà đối
tượng nắm giữ phải thực thi. “Vai trò” là trách nhiệm và có ý nghĩa tạo dựng, thúc đẩy
hiệu quả làm việc, lao động của cấu trúc, tổng thể hệ thống. Qua đó, “vai trò” của phân
môn Công nghệ trước hết nhấn mạnh ở khả năng phát triển một số năng lực Công nghệ
cần thiết và một số phẩm chất chủ yếu ở người học, trang bị cho người học những kĩ năng
công nghệ cơ bản để thích nghi tốt với các hoạt động trong học tập và cuộc sống thường
ngày.
Ở chương trình tiểu học sắp tới, Công nghệ sẽ trở thành một phân môn bắt buộc nắm
giữ vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng giáo dục chung và trong sự đối
sánh với các môn học khác. Công nghệ sẽ là phân môn có lợi thế trong việc nâng cao
năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn và sáng tạo, là một trong các thành tố quan trọng của
STEM, góp phần thúc đẩy mô hình giáo dục tích hợp đang nở rộ ở các nước châu Âu,
châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam trong những năm gần đây.
2. Khái niệm công nghệ và nội dung giáo dục công nghệ ở cấp tiểu học trong chương
trình giáo dục đổi mới
2.1. Khái niệm “công nghệ”
Công nghệ là khái niệm phức tạp với rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Xét về
nguồn gốc ngôn ngữ, khái niệm công nghệ xuất hiện đồng thời với sự hình thành xã hội
loài người. Từ “Công nghệ” xuất phát từ chữ Hy Lạp (τεκηνε – Tekhne) có nghĩa là một
công nghệ hay một kỹ năng và chữ (λογοσ – logos) có nghĩa là một khoa học, hay sự
nghiên cứu. Thuật ngữ technology (Tiếng Anh) hay technologie (Tiếng Pháp) hàm nghĩa
là khoa học về kĩ thuật hay sự nghiên cứu có hệ thống về kĩ thuật – thường được gọi là
công nghệ học [4]. Kĩ thuật là khả năng thực hành công việc một cách hữu hiệu, kĩ thuật
nhấn mạnh đến yếu tố thực hành và tạo ra sản phẩm trong khi công nghệ là khoa học kĩ
thuật ứng dụng, là hệ thống tri thức. Trong mối quan hệ với kĩ thuật, công nghệ có phần
mở rộng và bao hàm hơn.
Nếu chiết tự và giải nghĩa theo Hán Việt, công là công việc, lao động; nghệ là nghệ
thuật, kỹ năng hoặc kỹ xảo, khi ấy chữ “nghệ” đề cập nhiều đến yếu tố thẩm mĩ, tính phát

minh và sáng tạo. Tựu trung lại, công nghệ là hoạt động lao động hoặc thành tựu lao động
của con người, cả vật chất lẫn tinh thần, là sự phát minh có kĩ thuật trong quá trình phát
triển của lịch sử loài người nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cách
hiểu này dựa trên cơ sở là những thành tựu nổi bật mà con người đạt được từ thời nguyên
thủy đến hiện tại. Con người xuất hiện trên Trái đất khoảng từ 2,5 triệu năm về trước, có
thể chia ra làm ba giai đoạn chính: thời kỳ đồ đá cũ (từ 2,5 triệu năm đến 10.000 năm
3


TCN); thời kỳ đồ đá mới (từ 10.000 TCN – 300 TCN); thời kỳ Trung cổ đến thời kỳ hiện
đại (từ 300 TCN đến nay). Ở thời kỳ đồ đá cũ, hai thành tựu công nghệ nổi bật của con
người là tìm ra lửa và phát minh ra quần áo, xây dựng nhà ở. Thời kỳ đồ đá mới, con
người phát hiện ra kim loại và biết chế tạo kim loại để làm công cụ sản xuất; biết cách
khai thác năng lượng, chế tạo phương tiện giao thông vận tải thô sơ và biết cách khai thác
nước sạch để sinh hoạt. Ở thời kỳ Trung đại đến nay, những thành tựu công nghệ có phần
đáng kể, đó là sự xuất hiện của nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo, khai thác mỏ, luyện
kim, giao thông, y học, v.v… Nếu định nghĩa theo cách này, công nghệ sẽ dễ được chấp
nhận hơn khi nó là hệ thống bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, công
nghiệp, điện tử, cơ khí, v.v…Đó cũng là các mảng lĩnh vực phổ biến mà học sinh phổ
thông đang được học tập, nghiên cứu ở phân môn Công nghệ hiện hành.
Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay người ta thường lựa chọn cách định nghĩa về công
nghệ do Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Economic and
Social Commission for Asia and the Pacific – ESCAP) đưa ra: “Công nghệ là kiến thức
có hệ thống về quy trình và kĩ thuật dùng để chế biến vật liệu và xử lý thông tin. Nó bao
gồm kiến thức, kĩ năng, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng
hoá và cung cấp dịch vụ”. Cách định nghĩa này khá rộng mở và dung hòa hơn khi không
chỉ giới hạn công nghệ là những kiến thức về quy trình và kĩ thuật đối với vật chất như
nhóm ngành công nghệ kĩ thuật mà còn bao hàm cả nhóm ngành công nghệ xử lý thông
tin như công nghệ máy tính, công nghệ ngân hàng, công nghệ du lịch, công nghệ văn
phòng... là những ngành công nghệ mới nổi của thời hiện đại.

Tóm lại, khái niệm “công nghệ” nhìn chung được tạo nên từ bốn thành tố: Một là, công
nghệ phải tạo ra sản phẩm và phù hợp với nhu cầu sử dụng của con người. Hai là, công
nghệ là sản phẩm do con người tạo ra thông qua quá trình lao động, do đó sản phẩm công
nghệ khác với những sản phẩm tự nhiên. Ví dụ hoa là sản phẩm của tự nhiên nhưng kĩ
thuật cắt hoa, cắm hoa để trang trí lại là yếu tố của công nghệ. Ba là, công nghệ là hệ
thống kiến thức, nó bác bỏ quan niệm công nghệ là vật thể. Bốn là, công nghệ là kiến
thức song vẫn có thể được mua, được bán. Đó là do công nghệ hàm chứa trong các vật
thể tạo nên nó.
2.2. Nội dung giáo dục công nghệ ở bậc tiểu học trong chương trình giáo dục phổ
thông mới
Bậc tiểu học là bậc học quan trọng đầu tiên, có nhiệm vụ hình thành những tri thức nền
móng cơ bản và góp phần giáo dục học sinh những phẩm chất và năng lực cần có phù
hợp với từng giai đoạn lứa tuổi, đảm bảo học sinh có đủ khả năng để tiếp tục học lên ở
những cấp tiếp theo trong hệ thống giáo dục. Do đó, giáo dục ở cấp tiểu học đóng một vai
trò vô cùng quan trọng. Việc đưa vào giảng dạy một nội dung hay giáo dục một hoạt động
nào đó vì thế cũng cần có sự cân nhắc kĩ càng. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển như
ngày nay, việc giáo dục công nghệ, đặc biệt là ở bậc tiểu học là một nhu cầu tất yếu, cần
thiết, khoa học và hợp lí. Bởi từ những kiến thức nền tảng, từ những kĩ năng, thao tác cơ
bản, đơn giản về công nghệ mà học sinh được học sẽ là tiền đề để giúp các em phát triển
khả năng tiếp cận và học tập tốt hơn trong lĩnh vực công nghệ sau này theo cả hai hướng
hàn lâm và thực tiễn. Đặc biệt, việc nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê về công nghệ cho
4


học sinh tiểu học nếu thành công sẽ tạo thành động lực to lớn góp phần định hướng giáo
dục nghề nghiệp cho các em sau này.
Dạy học công nghệ ở bậc tiểu học thông qua phân môn Tin học và Công nghệ lớp 3, 4,
và 5, học sinh sẽ được tiếp cận với hai mảng kiến thức trọng tâm, đó là “Công nghệ và
đời sống”, “Thủ công kĩ thuật”. Các môn như Thủ công lớp 1, 2, 3; Kĩ thuật lớp 4, 5 trong
chương trình giáo dục hiện hành sẽ bị lược bỏ và được tích hợp vào cùng một môn Tin

học và Công nghệ. Theo đó, nội dung chính của hai mảng kiến thức này sẽ được phân bổ
đều cho ba lớp với những yêu cầu khác nhau tùy vào từng trình độ nhận thức. Theo
PGS.TS. Lê Huy Hoàng, chủ biên chương trình Công nghệ mới ở bậc tiểu học thì “Công
nghệ ở tiểu học giới thiệu về thế giới kĩ thuật, công nghệ gần gũi thông qua các chủ đề
đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học
sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; thiết kế kĩ thuật, công nghệ
thông qua các hoạt động thủ công kĩ thuật, lắp ráp các mô hình kĩ thuật đơn giản, trồng
và chăm sóc hoa, cây xanh trong môi trường gia đình, nhà trường.” Cụ thể [5]:
Một là, ở lớp 3, với phần Công nghệ và đời sống, học sinh sẽ được học cách nhận
diện các sản phẩm công nghệ trong gia đình, kể tên và phân biệt với các sản phẩm tự
nhiên; hiểu biết về chức năng, cách sử dụng cơ bản, cách điều chỉnh và bảo quản một số
vật dụng công nghệ phổ thông gần gũi như đèn học, quạt điện, máy nghe thu thanh, máy
thu hình; học cách phòng tránh cháy nổ, nguy hiểm và giữ gìn an toàn trong môi trường
công nghệ gia đình. Riêng với phần Thủ công, kĩ thuật, học sinh sẽ được tham gia hoạt
động thiết kế đồ chơi, đèn biển báo giao thông và một số đồ chơi dân gian.
Hai là, ở lớp 4, kiến thức phần Công nghệ và đời sống sẽ giúp các em hiểu biết về vai
trò của hoa, cây cảnh, cách thức trồng hoa và cây cảnh trong chậu để trang trí nhà cửa,
phòng học. Phần Thủ công, Kĩ thuật sẽ cung cấp cho học sinh phương pháp lắp ráp một
số mô hình kĩ thuật, mô hình điện và làm đồ chơi dân gian. Tuy nhiên, với những bài học
lắp ghép này, học sinh chủ yếu đi vào nhận biết và lựa chọn chất liệu, trình bày ý tưởng
để thực hiện với những mô hình đơn giản, biết cách lắp ghép mạch điện và thực hành lắp
ghép đèn chiếu sáng theo ý tưởng riêng, giàu tính ứng dụng và không nguy hiểm.
Ba là, ở lớp 5, học sinh sẽ được học về vai trò của công nghệ đối với đời sống, thông
tin một số nhà sáng chế và những thành tựu sáng chế văn minh của loài người, thông qua
đó nuôi dưỡng ước mơ trở thành những nhà sáng chế công nghệ trong tương lai ở các em;
tìm hiểu quy trình thiết kế, cách sử dụng và bảo quản một số vật dụng phức tạp như tủ
lạnh, điện thoại. Thủ công, Kĩ thuật ở lớp 5 sẽ hướng dẫn học sinh cách lắp ráp mô hình
cơ khí, mô hình máy phát điện gió và mô hình điện mặt trời.
Tóm lại, đánh giá tổng quan nội dung chương trình dạy học phần công nghệ trong môn
Tin học và Công nghệ ta có thể thấy một điểm ưu việt của chương trình là thiết kế bài học

đi sâu vào rèn luyện cho học sinh những kiến thức và kỹ năng thực tiễn, đậm tính ứng
dụng, qua đó giúp học sinh phát triển được một số năng lực chung mà phân môn Công
nghệ ở các cấp học hướng tới, đó là năng lực hiểu biết công nghệ, năng lực giao tiếp công
nghệ, năng lực sử dụng công nghệ, năng lực đánh giá công nghệ và năng lực thiết kế công
nghệ.
5


3. Biểu hiện vị trí, vai trò của mảng công nghệ thuộc phân môn Tin học và Công
nghệ ở bậc tiểu học trong chương trình giáo dục mới
3.1. Môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học là môn học bắt buộc với thời lượng học
tập quy định và những sự đổi mới căn bản
Có thể thấy việc đưa mảng Công nghệ vào tiểu học là một bước ngoặc lớn trong sự
thay đổi chương trình giáo dục. Môn Công nghệ ở giáo dục trung học phổ thông thuộc
vào nhóm môn tự chọn, bao gồm nhóm Khoa học xã hội, nhóm Khoa học tự nhiên và
nhóm Công nghệ và Nghệ thuật. Ở cấp tiểu học thì ngược lại, phần Công nghệ được tích
hợp trong cùng một môn Tin học và Công nghệ trở thành một môn học bắt buộc với tổng
số tiết trên mỗi lớp là 70 tiết, chiếm 6.25% trên tổng số môn. Nếu ước lượng thì số thời
gian dành cho việc học môn Công nghệ là 1 tiết/tuần, tương ứng với 35 tiết của môn học
Đạo đức ở mỗi lớp. Việc phân bổ thời gian như vậy là hợp lý, tuy không quá nhiều nhưng
vẫn đảm bảo cho học sinh được tiếp xúc hằng tuần với các tiết học lý thuyết và thực hành
thú vị.
Cùng với đó, phân môn Công nghệ hàm chứa trong mình nhiệm vụ của một số môn
học cũ như Thủ công và Kĩ thuật, đồng thời mở rộng hơn với nhiều tri thức khác. Như
cách phân tích ban đầu, công nghệ đâu đó đã bao hàm cả kĩ thuật nhưng kĩ thuật cũng góp
phần hình thành nên công nghệ. Cụ thể, các mảng kiến thức về xé, dán, gấp giấy ở Thủ
công lớp 1, 2, 3; cắt, khâu, thêu ở Kĩ thuật 4; kĩ thuật chăn nuôi gà, kĩ năng tự phục vụ
như nấu cơm, luộc rau, bày dọn bửa ăn, v.v…ở Kĩ thuật lớp 5; các phần thực hành lắp
ghép các mô hình kĩ thuật như mô hình cần cẩu, xe nôi, xe ô tô tải, xe ben, máy bay trực
thăng, rô - bốt, v.v… ở Kĩ thuật lớp 4 và 5 trong chương trình hiện hành không được đề

cập trong phần nội dung chương trình Công nghệ mới. Tuy nhiên, các kĩ thuật về trồng
rau, hoa của Kĩ thuật lớp 4 hiện hành sẽ được tích hợp trong phần Công nghệ và Đời sống
của phân môn Công nghệ lớp 3. Ở phần nội dung Kĩ thuật lớp 3, 4, 5 của chương trình
Công nghệ mới có tính ứng dụng thực tiễn cao và phát huy được nhiều năng lực công
nghệ ở người học hơn khi chủ yếu dạy học sinh cách thiết kế các mô hình đồ dùng học
tập, biển báo giao thông, mô hình điện, máy phát điện gió, điện mặt trời và các mô hình
đồ chơi dân gian. Ngoài ra, các kiến thức của phần Công nghệ và Đời sống như tìm hiểu
cơ bản về các đồ dùng gia dụng (đèn học, quạt điện, tủ lạnh, v.v…), lịch sử của một vài
nhà sáng chế tiêu biểu và một số phát minh tiêu biểu, an toàn trong sử dụng công nghệ
như đã được nêu ra ở mục nội dung phần 2.2 cho thấy chương trình Công nghệ mới ở tiểu
học có rất nhiều thay đổi và tiến bộ hơn so với chương trình Thủ công, Kĩ thuật hiện hành,
thể hiện sự thích ứng linh hoạt với những biến đổi của xã hội đương đại và cải tiến theo
chiều hướng giúp học sinh hòa nhập tốt với môi trường công nghệ trong đời sống hằng
ngày. Đó là những sự khác biệt căn bản trong phần nội dung của phân môn Công nghệ
đổi mới.
Ngoài ra, trong mối quan hệ liên thông giữa các cấp học, phân môn Công nghệ ở bậc
tiểu học sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức và kĩ năng cơ bản để tạo dựng những
kiến thức mới cao hơn. Nó là nền tảng vì những kiến thức mà trẻ được học sẽ xuất hiện
dưới dạng khái quát, mở rộng hơn trong môn Công nghệ ở các cấp khác. Chẳng hạn, các
đồ dùng điện trong gia đình mà học sinh được học trong mảng Công nghệ và Đời sống
6


lớp 3, 4, 5 sẽ được đề cập trở lại và mở rộng hơn trong phần Sản phẩm công nghệ lớp 6;
các kĩ thuật về vẽ, mô tả sơ đồ mô hình thiết kế đơn giản sẽ hỗ trợ cho các kĩ thuật công
nghệ phức tạp hơn ở lớp 10. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn cả là từ việc học phân
môn Công nghệ, học sinh sẽ tự ý thức và hình thành tình cảm, niềm yêu thích bền vững
đối với công nghệ gắn liền với thực tiễn, từ đó góp phần định hướng nghề nghiệp, giúp
các em học tập công nghệ ngày càng hiệu quả hơn.
3.3. Môn Công nghệ ở tiểu học góp phần hình thành cho học sinh những năng lực

công nghệ và các phẩm chất chủ yếu, cần thiết đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát
triển
Năng lực chung là những năng lực cơ bản, thiết yếu hoặc cốt lõi, làm nền tảng cho mọi
hoạt động của con người trong cuộc sống và lao động nghề nghiệp như: năng lực nhận
thức, năng lực trí tuệ, năng lực về ngôn ngữ và tính toán; năng lực giao tiếp, năng lực vận
động…. Các năng lực này được hình thành và phát triển dựa trên bản năng di truyền của
con người, quá trình giáo dục và trải nghiệm trong cuộc sống; đáp ứng yêu cầu của nhiều
loại hình hoạt động khác nhau. Cùng với năng lực chung là năng lực chuyên biệt. Năng
lực chuyên biệt là những năng lực được hình thành và phát triển trên cơ sở các năng lực
chung theo định hướng chuyên sâu, riêng biệt trong các loại hình hoạt động, công việc
hoặc tình huống, môi trường đặc thù, cần thiết cho những hoạt động chuyên biệt, đáp ứng
yêu cầu hạn hẹp hơn của một hoạt động như Toán học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể
thao...Theo đó, năng lực chung mà môn Công nghệ hướng đến là năng lực hiểu biết, giao
tiếp, sử dụng, đánh giá và thiết kế công nghệ. [5]
Năng lực hiểu biết công nghệ là năng lực phản ánh nội dung học tập phổ thông cốt lõi
về công nghệ trên các phương diện bản chất của công nghệ; mối quan hệ giữa công nghệ,
con người, xã hội; một số công nghệ phổ biến, các quá trình sản xuất chủ yếu có ảnh
hưởng và tác động lớn tới kinh tế, xã hội trong hiện tại và tương lai; phát triển và đổi mới
công nghệ; nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong môi trường kĩ thuật, công nghệ
chủ yếu ở Việt Nam. Năng lực giao tiếp công nghệ là năng lực lập, đọc, trao đổi tài liệu
về các sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ, để diễn tả hiểu biết công nghệ; được dùng
trong quá trình thiết kế, sử dụng, đánh giá kĩ thuật, công nghệ. Năng lực sử dụng công
nghệ là năng lực tiếp cận, khai thác, loại bỏ các sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ
đúng chức năng, đúng kĩ thuật, đảm bảo tính hiệu quả, sự an toàn cho người, thiết bị và
môi trường sống. Năng lực đánh giá công nghệ là năng lực đưa ra những nhận định về
một sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ với góc nhìn đa chiều về vai trò, chức năng,
ý nghĩa, chất lượng, kinh tế, tác động môi trường, và những mặt trái nếu có của kĩ thuật,
công nghệ. Và năng lực thiết kế công nghệ là năng lực phát hiện nhu cầu, vấn đề cần giải
quyết, cần đổi mới trong thực tiễn; đề xuất giải pháp kĩ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu,
giải quyết vấn đề đặt ra; hiện thực hoá giải pháp kĩ thuật, công nghệ; thử nghiệm và đánh

giá mức độ đáp ứng nhu cầu, vấn đề đặt ra. Quá trình trên được thực hiện trên cơ sở xem
xét đầy đủ các khía cạnh về tài nguyên, môi trường, kinh tế và nhân văn.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên biệt ở cấp tiểu học với môn Công nghệ khá đơn giản,
học sinh sẽ có năng lực hiểu biết công nghệ, tức là nhận ra được những dấu hiệu của sản
phẩm công nghệ, vai trò, tác dụng của công nghệ đối với đời sống thực tiễn, kể tên được
7


các nhà sáng chế và thành tựu sáng chế tiêu biểu, bộc lộ niềm yêu thích với nghề nghiệp
thông qua quan sát, kể tên nghề nghiệp của bố mẹ, người thân hoặc nghề nghiệp mà các
em biết. Năng lực giao tiếp công nghệ được hình thành ở học sinh tiểu học là năng lực
nói, viết, vẽ, mô tả các vật dụng trong gia đình cũng như phác thảo ý tưởng với người
khác thông qua hình vẽ. Năng lực sử dụng công nghệ là khả năng thao tác kĩ thuật đơn
giản để vận hành các thiết bị gia dụng hoạt động, đồng thời nhận biết một số cách phòng
tránh các tai nạn do thiết bị công nghệ gây ra. Năng lực đánh giá công nghệ ở học sinh
tiểu học là khả năng bày tỏ và lý giải cảm xúc thích hay không thích, khả năng đánh giá
các thiết bị có cùng chức năng. Và năng lực thiết kế công nghệ ở trẻ là khả năng nhận biết
và bắt chước, tự làm một đồ chơi, một mô hình công nghệ theo ý tưởng của bản thân.
Cùng với năng lực công nghệ là phẩm chất chủ yếu được hình thành thông qua phân
môn Công nghệ mà học sinh được học. Phẩm chất được quy định bởi nội dung môn học
và một phần của năng lực Công nghệ. Các phẩm chất chủ yếu mà phân môn Công nghệ
mang lại đó là chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Cụ thể, từ những hiểu biết công nghệ
về quy trình chế tạo của các vật dụng hằng ngày như máy quạt điện, máy thu âm, đèn học
hay quy trình trồng trọt, vai trò cây cảnh và hoa, cách chế tạo các mô hình thông qua hoạt
động Thủ công – Kĩ thuật, học sinh sẽ tự ý thức và bồi dưỡng niềm yêu thích, hứng khởi,
say mê và chăm chỉ trong việc sử dụng và tái tạo môi trường Công nghệ; ý thức trách
nhiệm về việc bảo quản, giữ gìn các vật liệu công nghệ gia dụng và những sản phẩm,
công trình kĩ thuật công nghệ của cộng đồng, xã hội, trách nhiệm trong tinh thần làm việc
nhóm để tạo ra các sản phẩm chung theo yêu cầu bài học; hình thành phẩm chất trung
thực với chính mình và mọi người thông qua hoạt động chế tạo, thiết kế và làm việc nhóm

gắn với mỗi nhiệm vụ học tập cụ thể.
3.3 Dạy học môn Công nghệ ở bậc tiểu học có ý nghĩa đẩy mạnh định hướng giáo
dục STEM trong tương lai
3.3.1. Vài nét về giáo dục STEM
STEM là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ),
Engineering (Kĩ thuật) và Mathematics (Toán học). Thuật ngữ này lần đầu tiên được giới
thiệu bởi Quỹ Khoa học Mỹ (NSF) vào năm 2001. Hiện nay, giáo dục STEM đã và đang
được rất nhiều học giả, chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu với
rất nhiều công trình nổi bật đáng kể ở Mỹ, Anh, Pháp và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, giáo
dục STEM ở Việt Nam còn khá nhiều hạn chế bởi tính mới mẻ và điều kiện áp dụng đại
trà.
Thuật ngữ STEM được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Quan điểm của Bộ Giáo
dục Mỹ cho rằng “Giáo dục STEM là một chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ, tăng cường,
giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học (STEM) ở tiểu học và trung học
cho đến bậc sau đại học”. Hoặc có một cách định nghĩa khác hơn: Giáo dục STEM là một
quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành từ hai trong các lĩnh vực Khoa học, Công
nghệ, Kĩ thuật và Toán học trở lên. Trong đó nội dung học tập được gắn với thực tiễn,
phương pháp dạy học theo quan điểm dạy học định hướng hành động. Cụ thể, trong đó:

8


Khoa học là môn học nhằm phát triển khả năng sử dụng các kiến thức Khoa học (Vật
lí, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất) của học sinh. Công nghệ là môn học nhằm
phát triển khả năng sử dụng, quản lí và đánh giá công nghệ của học sinh. Nó cung cấp
cho học sinh những cơ hội để hiểu về công nghệ được phát triển như thế nào, cung cấp
cho học sinh những kĩ năng để có thể phân tích được sự ảnh hưởng của công nghệ mới
tới cuộc sống hằng ngày của học sinh và của cộng đồng… Kĩ thuật là môn học nhằm phát
triển sự hiểu biết của học sinh về cách công nghệ đang phát triển thông qua quá trình thiết
kế kĩ thuật. Kĩ thuật cung cấp cho học sinh những cơ hội để tích hợp kiến thức của nhiều

môn học, giúp cho những khái niệm liên quan trở nên tường minh trong cuộc sống của
họ. Kĩ thuật cũng cung cấp cho học sinh những kĩ năng để có thể vận dụng sáng tạo cơ
sở Khoa học và Toán học trong quá trình thiết kế các đối tượng, các hệ thống hay xây
dựng các quy trình sản xuất. Và Toán học là môn học nhằm phát triển ở học sinh khả
năng phân tích, biện luận và truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả thông qua việc tính
toán, giải thích, giải pháp giải quyết các vấn đề toán học trong các tình huống đặt ra.
Với nội hàm của các môn học như trên, chúng ta có thể xét thấy tính tương ứng với
một số môn học ở Việt Nam. Đó là, hệ thống Khoa học sẽ là các môn Vật lí, Hóa học,
Sinh học; môn Công nghệ và Kĩ thuật tương ứng với môn Công nghệ ở Việt Nam và một
phần thể hiện qua môn Tin học. Do vậy, Công nghệ xét trong tổng thể cấu trúc STEM là
thành tố quan trọng ảnh hưởng và chi phối đến các thành tố khác.
3.3.2. Giáo dục công nghệ ở tiểu học – sự tạo dựng nền móng cho mô hình giáo dục
STEM
Môn Công nghệ được đưa vào chương trình tiểu học trong quan hệ kết hợp lẫn tích hợp
với môn Tin học là hai trong sáu thành tố của STEM như phân tích ở trên đã cho thấy
dụng ý thúc tiến mô hình này phát triển ở Việt Nam trong tương lai gần. Bên cạnh đó,
chương trình dự thảo môn Công nghệ công bố ngày 19 tháng 01 năm 2018 vừa qua đã
nhấn mạnh đến STEM trong phần “đặc điểm môn học” như sau: “Môn Công nghệ ở
trường phổ thông có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác, đặc biệt là với Toán
học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, Tin học, môn Công nghệ góp
phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông – một trong những xu hướng giáo dục đang
được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.” Để tạo dựng không gian hoạt động giáo
dục STEM, những kiến thức mà học sinh được học trong môn Công nghệ có thể kết hợp
với các kiến thức Khoa học tự nhiên, Toán học và Tin học để giải quyết các hoạt động
thực hành trong những giờ học STEM do trường tổ chức, các buổi học thực hành ngoại
khóa hoặc các tình huống thực tiễn ngoài cuộc sống mà học sinh gặp phải. Giáo viên có
thể tổ chức và định hướng cho học sinh giải một bài tập nào đó trong chính môn học Công
nghệ hoặc môn học Toán mà trong đó đòi hỏi cần phải có sự vận dụng kiến thức liên môn,
v.v…
Chẳng hạn, giáo viên có thể thiết kế cho học sinh một tiết học STEM liên quan đến

công nghệ và kỹ thuật ngoài giờ lên lớp như: hoạt động thiết kế cầu chỉ với một tờ giấy
A4. Bài học sẽ bắt đầu bằng một thảo luận về sự cần thiết phải thiết kế một cây cầu có tải
trọng lớn, học sinh cần tìm cách tạo ra một cấu trúc bền vững và ứng dụng nó vào việc
tạo ra một chiếc cầu có tải trọng lớn nhất có thể chỉ từ một tờ giấy A4. Vấn đề này sẽ
9


được thực thi bằng cách gấp tờ giấy A4 thành các đường dích dắc như hình cái quạt, từ
một tờ giấy phẳng đã trở thành mô hình không gian ba chiều, đường dích dắc càng dày,
tải trọng chịu đựng của mô hình cầu càng lớn. Giáo viên sẽ tổ chức và dẫn dắt học sinh
bằng câu hỏi để phát hiện ra bản chất của kĩ thuật trong thiết kế. Hoạt động này sẽ tích
hợp các nội dung như: hình tam giác, đường gấp khúc – độ dài đường gấp khúc, ki –lô –
gam, thống kê (kiến thức Toán học) và đặc điểm, công dụng của một số vật liệu thường
dùng (kiến thức Khoa học). Cùng với đó, thông qua tiết học công nghệ thực hành theo
định hướng STEM này, học sinh sẽ hình thành được bốn kỹ năng dựa trên bốn thành tố
của giáo dục STEM như sau:
Một là về khoa học, yêu cầu tìm ra một cấu trúc vững chắc giúp học sinh cảm nhận
được các khái niệm về lực trong vật lí. Chẳng hạn: lực phân tán khi để nguyên bề mặt
phẳng giấy A4. Khái niệm về khối lượng cũng có thể được đề cập trong hoạt động này
như một tiêu chuẩn để kiểm nghiệm sự bền vững của kết cấu mà học sinh đề xuất.
Hai là về công nghệ, học sinh sẽ có cơ hội để hiểu thêm về chất liệu giấy (vật liệu được
sử dụng trong hoạt động chỉ có một tờ giấy khổ A4), đặc biệt là việc gia tăng độ cứng của
tờ giấy chỉ bằng cách tạo ra các nếp gấp.
Ba là về kĩ thuật, học sinh nghiên cứu cách gấp giấy, tạo ra và biểu diễn (hoặc vẽ lại)
cấu trúc ba chiều khác nhau để gia tăng tính chịu lực của tờ giấy.
Bốn là về toán học, học sinh phát hiện các kết cấu “tam giác” và tạo ra các kết cấu
không gian ba chiều từ mặt phẳng hai chiều ban đầu. Hoạt động thống kê, thu thập số liệu
của toán học được vận dụng.
III. Kết luận
Vấn đề đưa môn Công nghệ vào giảng dạy ở bậc tiểu học trong chương trình giáo dục

phổ thông mới là hành động đúng đắn và tiềm năng, nó có ý nghĩa to lớn trong việc nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại mới. Qua quá trình phân tích, đánh giá về
vị trí và vai trò của môn Công nghệ ở tiểu học như trên, việc đào tạo giáo viên dạy môn
Tin học và Công nghệ ở tiểu học nói riêng cần phải có sự đầu tư kĩ càng hơn để đảm bảo
chất lượng giáo dục và góp phần phát huy hết tính năng, giá trị của môn học. Đó là trách
nhiệm to lớn của các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học trong và
ngoài nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, />[2]. Tra từ, />[3]. Tra từ, />[4]. Báo cáo tốt nghiệp, />[5]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn công nghệ
(Dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018), tr 6, 7.
10


Abstract: Technology teaching, especially at the primary level in the period of
educational innovation, represents a long-term vision, contributing to the building and
development of the country. Recognizing the great value of Technology teaching in
elementary school, the author chose to analyze and evaluate its position and role, thereby
hoping to contribute a clear and specific view for promoting the training program for
Technology teachers at primary schools, which takes place effectively in colleges and
universities nationwide.
Key words: Position, role, technology in elementary school, new school education
curriculum

11



×