Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Sông Đà ( Nguyễn Tuân)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (41.59 KB, 4 trang )

Có một "Sông Đà" như thế...
( Đọc đoạn kí Người lái đò sông Đà
của Nguyễn Tuân)
T.S VĂN GIÁ
Nói rằng ở văn Nguyễn Tuân "ngôn ngữ giàu có, giá trị tạo hình cao, như muốn ganh đua với
tài hoa của tạo hoá" quả nhiên đã nói rất đúng và khái quát được cái tài giỏi của một nhà
nghệ sĩ ngôn từ thuộc cỡ bậc thầy. Song cũng có thể mượn cách nói này để nói về một khía
cạnh cụ thể hơn : ngôn ngữ Nguyễn Tuân nhiều khi cũng như thể ganh đua với tài hoa của
con người. Vâng, những phẩm chất tài hoa đặc biệt của con người đã được Nguyễn Tuân trân
trọng nâng lên thành phẩm chất nghệ sĩ mang quyền năng của Cái Đẹp, của Mĩ thuật. Người
lái đò sông Đà là một tác phẩm đã lấy con người làm trung tâm để nói về vẻ đẹp của những
người chèo thuyền, vượt thác nơi thượng nguồn Tây Bắc - những người mỗi khi chèo thuyền
"tay lái ra hoa". Lại nữa, khi nhà văn nói sông Đà "hung bạo và trữ tình" là tác giả muốn đưa
vào một khái quát, thâu tóm hai tính chất đối lập nhau, ở mỗi phía đều có con người hoạt
động, tâm tình. Và ở phía nào cũng vậy, Nguyễn Tuân đều tỏ ra rất sung sức, say sưa miêu tả
ngườì và cảnh. Song có lẽ thật sảng khoái, tung tỏa, hào hứng nhất là khi ngòi bút Nguyễn
Tuân miêu tả cái phần hung bạo, dằn dữ, quyết liệt, hiểm độc của con sông Đà và cuộc vượt
thác điêu luyện, tài hoa, trí dũng của người lái đò. Ở đây, đối tượng quan sát và miêu tả của
ngòi bút không hề có một chút trung tính nào, tất cả trong trạng thái căng thẳng, dữ dội tột
đỉnh. Để chuyển hết trạng thái này vào ngôn ngữ một cách trung thực nhất, tất phải lựa chọn
cái cách biểu đạt ngôn từ sao cho hiệu quả nhất. Có thể nói ngay rằng khó có thể dùng các
thủ pháp phóng đại, ngoa dụ được một khi muốn miêu tả trung thực đối tượng, nhất là thủ
pháp này một khi bị lạm dụng sẽ gây ra cảm giác giả tạo, hoặc trong nhiều trường hợp chỉ
dùng để vui đùa tếu nhộn hóm hỉnh mà thôi. Với đối tượng này, vốn liếng ngôn ngữ dùng để
miêu tả trực tiếp các chi tiết ngoại cảnh, dường như cũng tỏ ra bất lực. Như một lựa chọn
được gợi ý từ bản thân đối tượng, tác giả mượn đến phép ví von, so sánh. Toàn bộ trường
đoạn miêu tả cuộc vượt thác ngoạn mục của người lái đò trên sông Đà, về căn bản đã được
xây dựng bằng phép so sánh như mô hình : A như x ( B như y, C như z...). Toàn bộ cuộc vượt
thác được ví như cuộc "chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên
một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà". Cuộc chiến này được tác giả hình dung ra làm ba
hiệp đấu. Hàng loạt các cặp so sánh ví von được đưa ra liên tục, dồn dập nhằm đặc tả cuộc


giao chiến giữa một bên là người, thuyền và bên kia là thác, nước và đá : "Tiếng nước thác
nghe như là oán trách", "van xin", "khiêu khích", "nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu
mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa", "Mặt sông rung tít lên như chiếc
tuyếcbin thủy điện nơi đáy hầm đập", "Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm
hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến", "Nước bám lấy thuyền như đô vật túm
thắt lưng ông đò", "Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rình ùa
xuống mà châm lửa vào đầu sóng"...Nhà văn gọi thác dữ và đá hiểm bằng một loạt cái tên
như "thủy quân cửa ải nước", "mặt bọn này", "luồng tử", "luồng sinh", "cái thằng đá tướng",
"bọn đá hậu vệ", "cổng đá"...Nhờ khả năng liên tưởng hết sức phong phú, dồi dào mà hàng
loạt các cặp so sánh và cách gọi sự vật khác nhau xuất hiện. Bên cạnh đó ta còn thấy có mặt
hàng loạt các từ ngữ mang tính cực tả trỏ những trạng thái đặc biệt của ông đò : (...) cố nén,
mặt méo bệch đi, ghì cương, bám chắc, phóng nhanh, lái miết, rảo bơi, đè sấn, chặt đôi ra...
Cũng như thế với con thuyền : phóng thẳng, chọc thủng, vút qua, vút vút, xuyên qua... Tất cả
những từ trên hấu hết là động từ chỉ động tác cực mạnh, gấp, dứt khoát. Những từ như vậy
được đan xen hoặc đi bên cạnh những liên tưởng so sánh với hầu hết những hình ảnh mạnh
mẽ, lạ lẫm, tạo nên một mạch văn đầy hào hứng, sảng khoái. Vốn ngôn từ được tác giả tung
ra một cách hả hê, phóng túng. Đây thực sự là ngày hội của ngôn từ. Ngôn ngữ của nhà văn
đã tiến hành một cuộc chạy đua với tài hoa và trí dũng của những người vượt thác. Ngôn từ,
hình ảnh biến hóa, thay đổi đột ngột, dồn dập, đầy bất ngờ, tạo nên hình ảnh người lái đò
như thể là một bộ phận của thiên nhiên, của tạo hoá biết luồn lách, vượt tránh, nô giỡn với
một tài năng lão luyện, điệu nghệ. Vâng, người lái đò sông Đà thực chất là hiện thân cho kho
kinh nghiệm sinh tồn gần như bản năng, vừa khoẻ khoắn, can đảm, vừa mềm dẻo, hòa điệu
với thiên nhiên của những người dân thượng nguồn Tây Bắc. Ông lái đò tượng trưng cho vẻ
đẹp về một hiện diện sinh tồn hài hoà giữa con người với môi trường sống của mình. Điều
này không phải ở đâu và bao giờ cũng có được. Càng tiến về văn minh hiện đại, con người
càng rời xa những vẻ đẹp hài hoà nguyên thủy trong thế giới cộng sinh đa chiều của mình.
Xét theo ý nghĩa văn hoá, rõ ràng đây là một điều để mất đáng tiếc.
Trở lại phần "trữ tình" tiếp theo của con sông Đà trong bài kí. Đến đây, tác giả vẫn trung
thành với thủ pháp so sánh, ví von. Song những gì được so sánh bây giờ đều mang vẻ đẹp
của một chất thơ thấm đẫm tâm trạng : "Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ

tình", "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích", "Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một
người bầm đi vì rượu bữa", "Sông Đà như một cố nhân", "Vui như cái nắng giòn tan sau kì
mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng", "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử",
"Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích", "Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông
bụng trắng như bạc rơi thoi"...Đi kèm theo những cặp so sánh trùng điệp ấy là những từ cảm
thán : đúng thế, chao ôi được điệp lại, điệp từ "tuôn dài", những điệp cấu trúc câu liên tiếp,
và những cụm mĩ từ hào hoa, gợi cảm : áng tóc trữ tình, con hươu thơ, búp cỏ gianh đẫm
sương đêm, áng cỏ sương, một tiếng còi sương, cố nhân, đằm đằm ấm ấm, giọng nói êm
êm..., rồi lại điểm xuyết những câu thơ Tản Đà "Dải sông Đà bọt nước lênh bênh - Bao nhiêu
cảnh bấy nhiêu tình", của "một người tình nhân chưa quen biết".
Ta nghe trong mỗi câu văn như có hơi thở nồng ấm, quấn quýt của tình người, tình yêu đôi
lứa, của bóng giai nhân. Phần miêu tả con sông trữ tình tựa như một bài thơ đằm thắm, đẹp
cổ kính mà lãng mạn, bay bổng. Phép so sánh, ví von có cái hay của nó là dễ có khả năng tạo
ra những liên tưởng thú vị, độc đáo, đặc tả được sự vật một cách sáng tỏ, làm người đọc hình
dung rõ ngay lập tức. Song để đạt được hiệu quả ấy, tiêu chuẩn của những ví von so sánh là
phải độc đáo và đích đáng. Nếu không thế sẽ dễ rơi vào sự đơn điệu, nhàm chán, vô duyên.
Trong những đoạn văn trên, Nguyễn Tuân đã sử dụng liên tục, chồng chất, dày đặc các cặp
so sánh, ví von. Và những gì được so sánh đều rất thú vị, lạ, đột ngột, hiệu quả đặc tả rất
cao. Nhờ thế, tác giả nuôi được mạch văn đi liên tục, mang nhiều ý vị, hấp dẫn người đọc.
Một nhà nghiên cứu có uy tín về Nguyễn Tuân cho rằng ở truyện và kí của ông, thường trong
kí có chất truyện và ngược lại. Người lái đò sông Đà trước nhất là một tác phẩm kí. Tính nghệ
thuật của một tác phẩm kí không chỉ dừng lại ở việc ghi chép, miêu tả cái gì, mà có lẽ quan
trọng hơn cả là ghi chép, miêu tả theo cách nào. Ở đây, ngòi bút Nguyễn Tuân đã vượt xa
chức năng thông tấn để thực hiện chức năng nghệ thuật. Ngôn ngữ của ông là thứ ngôn ngữ
nghệ thuật. Hình ảnh người lái đò sông Đà là một khối ngôn ngữ nghệ thuật mang tầm vóc
của một hình tượng nghệ thuật (chứ không còn dừng lại ở đơn vị hình ảnh như trong kí báo
chí đơn thuần). Đành rằng ngôn ngữ là một phương tiện nghệ thuật, nhưng ở văn chương
ngôn ngữ còn là đối tượng của nghệ thuật. Có lẽ Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ thấm thía điều
này ngay từ những sáng tác nổi tiếng trước cách mạng, và ông bền bỉ tâm niệm, dụng công
thật kĩ lưỡng ở những tác phẩm sau này. Đây là vấn đề không phải nhà văn nào cũng ý thức

được. Nhất là khi ai đó đem văn chương để sao chép hiện thực, minh hoạ trực tiếp cho những
giáo điều khô xác, thì ngôn ngữ ở đây chỉ còn là phương tiện thuần tuý; và như vậy cũng có
nghĩa là tính nghệ thuật bị thủ tiêu. Với Người lái đò sông Đà, có thể nói nhà nghệ sĩ ngôn từ
họ Nguyễn đã có một cơ hội dùng đôi đũa thần sáng tạo để huy động, phù phép cho đội quân
chữ nghĩa đi vào trật tự của một áng văn. Chất truyện trong tác phẩm kí này cũng vừa đủ tạo
nên hình tượng ông lái đò và hình tượng tôi - tác giả. Hình tượng thứ nhất góp phần tạo nên
tiêu điểm chính định hướng cho toàn tác phẩm, tạo nên trọng tâm cho tác phẩm. Hình tượng
thứ hai có mặt khắp trong từng câu chữ của tác phẩm, như một yếu tố liên kết, chắp nối,
nhào nặn mọi chất liệu ghi chép, miêu tả vào một mạch văn khi lôi cuốn, ám ảnh, khi giàu
chất thơ bay bổng, ý vị, nhiều vang vọng.
Sẽ là rất thiếu nếu không nhắc đến ở đây một tình yêu đắm đuối và to lớn của nhà văn đối
với cảnh và người Tây Bắc. Đằng sau những câu chữ ấy thấp thoáng bóng của một nhà du ký
đầy háo hức kiếm tìm những cảnh lạ, những khoái thú hưởng ngoạn ưa lạ và dữ dội. Nhưng
nếu chỉ như thế không thôi, việc ghi chép dễ rơi vào trạng thái vụn vặt, tầm thường. Phải có
một vốn văn hoá lịch sử sâu sắc, một tâm hồn khoáng hoạt, yêu thiên nhiên, yêu con người,
biết vui chung niềm vui dựng xây cuộc sống mới của nhân dân, nghệ sĩ Nguyễn Tuân mới có
thể đắm mình trong cảnh và người Tây Bắc đến vậy. Hoá ra, chàng Nguyễn cô độc, ngông
ngạo khi xưa, giờ đã ấm áp chan hòa một tình yêu vô bờ đối với nhân dân...

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×