Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

TRỊNH CÔNG SƠN NÓI VỀ TÌNH YÊU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.22 KB, 9 trang )

Những bài viết của Trịnh Công Sơn
về Tình yêu
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (1992)

"Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi,
tôi sẽ là tín đồ của tình yêu. "
CUỘC SỐNG KHÔNG THỂ THIẾU TÌNH YÊU
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có
lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ
háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định.
Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là
nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách
thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám
tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.
Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì
con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không
yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả.
Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó
lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc
bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói,
cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt.
Người thật thế nào cũng được đền bù.
Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không
dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong
lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Bút pháp của Trịnh Công Sơn


Diễm của những ngày xưa
Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh
mướt để đến trường.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc
hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng
cây long não mù mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để
đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy
những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng
mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến
trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm
thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan
trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên
quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng
đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long
não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm
hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn
nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm
về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ.
Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội
nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và
mơ ước những cõi trời gần như không có thực.
Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với
những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ
nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.
Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa
trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời

gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già
vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu,
bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng
liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến
trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định
hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây
hoan lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long
não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là
một điều hoang đường - giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời
sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người
con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Bút pháp của Trịnh Công Sơn

CHỢT TÔI THẤY THIÊN THU LÀ MỘT ĐƯỜNG KHÔNG BẾN BỜ
Trịnh Công Sơn
Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 6-2- 1994
Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ en
đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng.
Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo
ảnh chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm
muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một
dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái
thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra
đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh
bờ thường trói buộc thân phận bến.

Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.
Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua
cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt
nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái biến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở
tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người
-đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi
nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy
đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến
hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
“ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”…

×