Tải bản đầy đủ (.pdf) (25 trang)

Tiểu luận Triết học (Ứng dụng chữ Nhân của Khổng Tử để nâng cao đạo đức báo chí hiện nay)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (676.81 KB, 25 trang )

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
KHOA TRIẾT HỌC

TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ
VÀ VẬN DỤNG TRONG NÂNG CAO
ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO HIỆN NAY

Tiểu luận môn học

TRIẾT HỌC

Hà Nội, tháng 8/2015


MỤC LỤC
MỤC LỤC ........................................................................................................1
MỞ ĐẦU ..........................................................................................................2
1. TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ ...................................................3
1.1 Khổng Tử - Người sáng lập Nho giáo .........................................................3
1.1.1 Sơ lược về Triết học Nho giáo ..................................................................3
1.1.2 Thân thế và sự nghiệp của Khổng Tử .......................................................4
1.2 Quan niệm về “Nhân” trong “Luận ngữ” của Khổng Tử .............................5
1.2.1 Quan điểm về chữ “Nhân” trước Khổng Tử .............................................5
1.2.2 Tư tưởng của Khổng Tử về đức “Nhân” ...................................................6
2. VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ TRONG NÂNG
CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO HIỆN NAY .................................................... 13
2.1 Đạo đức nghề nghiệp - yếu tố sống còn của người làm báo ....................... 13
2.2 Thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay ............................. 15
2.3 Vận dụng tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử trong nâng cao đạo đức nghề báo
hiện nay .......................................................................................................... 17
2.3.1 Gắn bó với công chúng và hết lòng phục vụ công chúng ........................ 18


2.3.2 Có tinh thần đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt ... 18
2.3.3 Khai thác và xử lý nguồn tin: Cần có tâm và có tầm ............................... 19
2.3.4 Đối xử nhân văn với nhân vật trong tác phẩm ........................................ 20
2.3.5 Giữ chữ tín và bảo vệ nguồn tin ............................................................. 21
2.3.6 Khi viết sai phải cải chính ...................................................................... 22
KẾT LUẬN .................................................................................................... 23
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 24

1


MỞ ĐẦU
Có thể nói, mỗi dân tộc ở phương Đông đều có những tư tưởng đạo đức
độc đáo riêng, được hình thành qua bao thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử và
chính những tư tưởng đó đã tác động đến toàn bộ đời sống tinh thần của cả dân
tộc. Ảnh hưởng lớn hơn cả là những tư tưởng đạo đức của Trung Quốc và Ấn
Độ, những tư tưởng đã vượt biên giới của nước mình, cắm rễ sâu vào đời sống
tinh thần và phong tục tập quán của nhiều quốc gia lân cận. Trong số đó không
thể không nhắc tới tư tưởng Nho giáo. Đây cũng là một nội dung cốt lõi của
triết học Nho gia nói riêng và triết học phương Đông nói chung, là sự kết hợp
nhuần nhuyễn các quan điểm cả về thế giới quan và nhân sinh quan.
Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức ra đời vào thế kỷ VI trước
công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập, tồn tại đến nay đã hơn 2.500 năm.
Chính tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên “Trăm hoa đua nở, trăm
nhà đua tiếng”, nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học
thuyết có sức sống lâu bền nhất. Và trong suốt thời gian đó, Nho giáo đã có ảnh
hưởng ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Sự ảnh hưởng này,
được thể hiện trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo đức trước
đây cũng như hiện nay.
Lịch sử hình thành, phát triển của Nho giáo với nội dung, tính chất và vai

trò lịch sử của nó luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lý luận. Dường
như mỗi một bước tiến mới của lịch sử thì từng vấn đề trong nội dung của Nho
giáo lại được đề cập, xem xét lại và được đánh giá một cách đầy đủ hơn, đúng
đắn hơn. Có thể nói, một học thuyết ra đời cách đây hơn 2.500 năm đã được sự
kiểm chứng của thời gian thì giá trị của nó về mặt lý luận và thực tiễn là điều
chúng ta không dễ bỏ qua.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ tiểu luận này người viết chỉ muốn góp thêm
tiếng nói về một khía cạnh được cho là mang tính tích cực và có ý nghĩa đối với
lĩnh vực mà bản thân đang theo đuổi và cũng đang được xã hội quan tâm. Đó là
tư tưởng “Nhân” trong học thuyết của Khổng Tử, từ đó nêu ra những gợi ý về
việc vận dụng tư tưởng của ông trong thực hành và nâng cao đạo đức nghề
nghiệp của những người làm báo hiện nay.
2


1. TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ
1.1 Khổng Tử - Người sáng lập Nho giáo
1.1.1 Sơ lược về Triết học Nho giáo
Theo Hán tự, chữ “Nho” (儒) gồm do chữ “nhân” (人) là người đứng
cạnh chữ “nhu” (需ù) có nghĩa là cần, chờ đợi. Nho gia là những người hiểu rõ
sách thánh hiền, được người đời cần đến để chỉ dạy cách ăn ở cho hợp luân
thường, đạo lý. Trước thời Xuân Thu, nhà nho được gọi là “sỹ” chuyên lo văn
chương và lục nghệ, góp phần vào việc trị nước. Đến lượt mình, Khổng Tử san
định, hệ thống hoá thành học thuyết gọi là học thuyết Nho gia hay cũng gọi là
Khổng học chỉ tên người sáng lập ra nó.
Cơ sở để xây dựng học thuyết Nho gia là Lục Kinh: “Kinh Dịch”, “Kinh
Thi”, “Kinh Thư”, “Kinh Lễ”, “Kinh Nhạc”, “Kinh Xuân Thu”. Trong đó “Kinh
Xuân Thu” do chính Khổng Tử biên soạn, còn năm kinh kia ông chỉ là người
san định lại. Ngoài ra còn có Tứ Thư (“Trung Dung”, “Đại Học”, “Mạnh Tử”,
“Luận Ngữ”), trong đó, các học giả thường đánh giá cao bộ “Luận Ngữ”, cho đó

là trung tâm của tư tưởng Khổng Tử và triết học Nho gia.
Nho giáo, còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý
và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Việc tìm
hiểu tư tưởng gốc của Khổng Tử rất khó khăn sau thời kỳ “đốt sách, chôn Nho”
của nhà Tần, 200 năm sau khi Khổng Tử qua đời. Tuy nhiên, cũng cái tên Nho
giáo đó nhưng nội dung khác đã được đề cao. Đó là hầu hết các đặc điểm trọng
văn của văn hóa nông nghiệp trong Nho giáo nguyên thủy (tính “hài hòa”, tính
“dân chủ”, tính coi trọng văn hóa tinh thần) bị loại bỏ và bị thay thể bằng các
đặc điểm trọng võ của văn hóa du mục (Tính “quốc tế”, tư tưởng “bá quyền”,
Tính “trọng sức mạnh” được thể hiện ở chữ “Dũng”, Tính “nguyên tắc” được
thể hiện ở học thuyết “chính danh”).
Đến đời Hán, Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và dùng nó
làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Và từ đây, Nho giáo trở thành hệ
tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt 2.000
3


năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Điểm khác biệt so với Nho
giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên Tử
là con trời, dùng “lễ trị” để che đậy “pháp trị”.
Đến đời Tống, Nho giáo được gọi là Tống nho, với các tên tuổi như Chu
Hy (thường gọi là Chu Tử), Trình Hạo, Trình Di. Điểm khác biệt của Tống nho
với Nho giáo trước đó là việc bổ sung các yếu tố “tâm linh” (lấy từ Phật giáo)
và các yếu tố “siêu hình” (lấy từ Đạo giáo) phục vụ cho việc đào tạo quan lại và
cai trị.
Như vậy, Khổng giáo nguyên bản có thể bị coi là thất bại. Trước khi chết,
Khổng Tử rất u buồn bởi lẽ ông hiểu rằng, hút nhụy một phần từ văn minh nông
nghiệp, Nho giáo mang tính nhân bản của ông chỉ thích hợp trong phạm vi làng
xã. Còn để phục vụ trong phạm vi quốc gia thì cần phải có một triết lý có tính
pháp luật cao hơn, và Hán nho đã hoàn thành xuất sắc điều này.

1.1.2 Thân thế và sự nghiệp của Khổng Tử
Nói đến nền văn hóa truyền thống và triết học Trung Quốc không thể
không nói đến một nhân vật đó là Khổng Tử. Khổng Tử nghĩa là vị thầy họ
Khổng; còn gọi là Khổng Phu Tử, tước hiệu mà nho sinh dùng để tôn xưng vị
thầy họ Khổng. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, một học giả Mỹ đã xếp
Khổng Tử ở ngôi vị thứ 5, chỉ sau chúa Giê su, Thín ca mâu ni... trong số 100
nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử. Đối với người Trung Quốc mà nói sự ảnh
hưởng của Khổng Tử có thể phải xếp thứ nhất. Mỗi con người ít nhiều đều chịu
sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử.
Thời đại của Khổng Tử là thời đại “vương đạo” suy vi, “bá đạo” nổi lên,
chế độ tông pháp nhà Chu đảo lộn, đạo lý suy đồi. Vì thế, Khổng Tử muốn đem
tài sức của mình ra giúp vua lập lại trật tự xã hội, nhưng không được vua nước
Lỗ trọng dụng. Sau đó, ông đem đạo của mình chu du qua gần 20 nước, nhưng
cũng không được ông vua nào nghe theo. Về sau, ông trở về nước Lỗ mở trường
dạy học và viết sách. Trải qua bốn mươi năm “dạy người không mỏi”, Khổng
Tử thu nhận trên dưới 3.000 môn đệ. Trong đó, có 72 người được liệt vào hạng
tài giỏi, nên gọi là “Thất thập nhị Hiền”.
4


Trong gần 2.000 năm ông được cho là người san định hoặc tác giả của
Ngũ Kinh, gồm: “Kinh Thư”, “Kinh Thi”, “Kinh Lễ”, “Kinh Dịch” và “Kinh
Xuân Thu”. Sau này, môn đệ của ông chép lại lời thầy dạy thành các bộ “Luận
ngữ”, “Trung dung”, “Đại học”.
Khổng Tử là người sáng lập ra đạo Nho mà giới nghiên cứu tư tưởng
phương Tây gọi là phái Khổng học. Ông là danh sư có ảnh hưởng rất lớn, và đặc
biệt, là nhà giáo lập trường tư đầu tiên trong lịch sử trung Quốc. Bình sinh,
Khổng tử luôn nêu cao tư tưởng Nhân nghĩa, đặc biệt là đức Nhân. Đó là hạt
nhân nòng cốt, là con đường đưa ông trở về với nhân bản, với tinh thần nhân
văn sâu sắc của văn hoá Trung Hoa, một đặc điểm xuyên suốt trong hệ thống tư

tưởng và đó cũng là một yếu tố khẳng định sự trường cửu của tư tưởng Khổng
tử qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển.
Các bài giảng và triết lý của ông, đặc biệt là đạo làm người và tu dưỡng
đạo đức cá nhân, đã ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng và đời sống của nhiều
nước Đông Á suốt hai mươi thế kỷ qua. Chính phủ Trung Quốc hiện nay, trong
nỗ lực truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, đã thành lập hàng trăm Học
viện Khổng Tử khắp toàn cầu.
Để tìm hiểu tư tưởng Nho gia phải tìm hiểu tư tưởng Khổng Tử và tìm
hiểu qua ba mặt: Tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và tư tưởng giáo dục.
Về tư tưởng chính trị, cống hiến lớn của Khổng là học thuyết “Chính Danh”,
ngoài ra còn phải kể đến tư tưởng thế giới đại đồng, một tư tưởng rất tiến bộ của
ông. Còn nói đến tư tưởng đạo đức của Khổng Tử thì phải nói đến “Nhân”.
Về giáo dục, Khổng Tử là người đầu tiên ở Trung Quốc mở trương dạy học. Vì
thế ông được tôn là “Vạn thế sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời).
1.2 Quan niệm về “Nhân” trong “Luận ngữ” của Khổng Tử
1.2.1 Quan điểm về chữ “Nhân” trước Khổng Tử
Theo học giả Trần Trọng Kim, theo Hán tự, chữ “Nhân” (仁) gồm có bộ
nhân (人) và bộ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý, nghĩa là nói “cái thể và cái
5


đức chung của mọi người đều có với nhau như một”. Tương tự, học giả Phùng
Hữu Lan cũng cho rằng chữ “Nhân” (仁) gồm bộ thủ nhân đứng (亻là biến thể
của chữ 人), nghĩa là nhân ghép với chữ nhị (二). Nó ngụ ý “những phẩm chất
đạo đức trong quan hệ giữa người với người”. Ngoài ra, cũng dựa vào mặt từ
ngữ này, người ta còn diễn tả chữ “nhân” này như sau: từ “nhân” có hai bộ, bộ
nhân (人) và bộ nhị ( 二), nghĩa là có ít nhất hai người trong thế giới này, và
“nhân” là cách sống với nhau hay cách đối xử với nhau. Khi đó, sự khiêm
nhường, vị tha đã thể hiện rõ khi họ không còn đứng dạng 2 chân như khi đứng
một mình (人), mà đã khép 1 chân lại, nhường chỗ cho người khác (亻). Nói

tóm lại, có thể hiểu “Nhân” là cách thức giúp người ta sống với nhau, là cách
hành xử bình đẳng trong quan hệ giữa ta và người, là đức tính nối kết ta với
người thành một.
Các học giả nghiên cứu về triết học và lịch sử Trung Quốc có quan điểm
khác nhau về phạm trù “nhân” trước thời Khổng Tử. Một quan điểm cho rằng
chữ “nhân” chưa hề được đề cập đến trong các tác phẩm trước thời Khổng Tử.
Trong khi đó, một quan điểm khác lại nghĩ rằng, thực ra, người ta đã từng nói
về chữ “nhân” trong một vài tác phẩm trước đó, chẳng hạn như trong hai thiên
“Thục vu điền” và “Lư linh” của “Kinh Thi”, hay trong thiên „Kim Đằng” của
“Thượng Thư” đều đã đề cập tới chữ “Nhân”. Tuy vậy, chữ “Nhân” ở đây chỉ
có ý nghĩa chính là “tình thương”. Hơn thế nữa, quan niệm này còn cho rằng
chữ “nhân” đã phát triển thành triết lý, được coi như tiêu chuẩn tối cao trong
hành vi của con người lại là sáng kiến của Khổng Tử.
Từ đây chúng ta có thể phần nào biết rằng, nếu chữ “nhân” đã được sử
dụng trong các tác phẩm cổ điển trước thời Khổng Tử thì nó cũng chỉ mang ý
nghĩa rất sơ sài và hạn hẹp. Chỉ đến thời Khổng Tử, chữ “Nhân” ấy mới được
ông bổ sung và mặc cho nó nó những ý nghĩa mới, biến nó trở thành tâm điểm,
thành cái bản chất nhất trong bản tính con người.
1.2.2 Tư tưởng của Khổng Tử về đức “Nhân”
6


Khái niệm “Nhân” trong học thuyết của Khổng Tử được đề cập ở rất
nhiều tác phẩm, nhưng tập trung và sâu sắc nhất phải là “Luận ngữ”. Đây là tác
phẩm ghi lại lời bàn luận giữa Khổng Tử và các học trò của ông. Trong Luận
ngữ có những khái niệm được lặp lại nhiều lần, trong đó, riêng “Nhân” được
nhắc tới tổng cộng 109 lần, khái niệm “Người quân tử” 107 lần, khái niệm “Lễ”
74 lần, khái niệm “Đạo” 60 lần.
Trong “Luận ngữ”, khái niệm “Nhân” được Khổng Tử nhắc tới nhiều lần
và tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà “Nhân” được hiểu theo nhiều nghĩa

khác nhau. Theo nghĩa sâu rộng nhất, “Nhân” là một nguyên tắc đạo đức trong
triết học Khổng Tử. “Nhân” được ông coi là cái quy định bản tính con người
thông qua “lễ”, “nghĩa”, quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc
đến ngoài xã hội. “Nhân” có quan hệ chặt chẽ với các phạm trù đạo đức khác
trong triết học Khổng Tử để làm nên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ
và do vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học
Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì “Nhân” là tâm điểm, bởi nó đã chỉ
ra cái bản chất nhất trong bản tính con người.
- “Nhân” là “yêu người” (ái nhân)
Theo Khổng tử “Nhân” là “yêu người”. Bởi có “Nhân” mới có “ái”, có
“ái” mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho vạn vật, con người bao giờ
cũng có cái khoái lạc mà sống ở đời. Vì lòng “Nhân” nên con người mới quần
hợp với nhau, mới có lòng bác ái, mới coi nhau như là anh em, xem đoàn thể
như một người, cả vũ trụ như nhất thể, đã là một thì hễ chỗ nào đau là cả người
thấy khó chịu. Người bất “Nhân” thì ai đau khổ thế nào cũng không có cảm xúc
đồng cảm.
Yêu người theo quan điểm của Khổng Tử có hai điều. Thứ nhất, yêu
người là yêu tất cả mọi người. Ông quan tâm đến sự phát triển của một xã hội từ
gốc rễ của nó là lòng yêu thương giữa con người với nhau. Yêu người bắt đầu từ
yêu mình, yêu người thân của mình, rồi mới yêu ra thiên hạ. Yêu người là đồng
cảm với người khác, đặt mình vào vị trí của người khác, thấy được nỗi đau của
7


người khác, luôn mang lòng trắc ẩn. Thứ hai, yêu người là yêu nhân dân, nhưng
phải biết ghét người vô đạo. Chỉ có những người tốt, người ngay mới xứng đáng
được yêu. Như vậy, “yêu người” theo tư tưởng Khổng Tử là yêu thương tất cả
mọi người, không phân biệt xuất thân, hoàn cảnh. Nhưng không có nghĩa là yêu
thương cả người xấu, kẻ bất nhân, mà phải yêu ghét một cách đúng mực mới
xứng với “Nhân”.

Coi “Nhân” là “yêu người”, trong “Luận ngữ”, Khổng Tử đã dành không
ít lời để nói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về “Nhân”,
Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ,
ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy
nhân là do mình, chớ há do người sao?"
Người “Nhân” trong quan niệm của Khổng Tử còn là người phải làm cho
năm điều đức hạnh được phổ cập trong thiên hạ. Năm điều đức hạnh đó là:
cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Ông nói: “Nếu mình nghiêm trang cung kính thì
chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì thu phục được lòng
người. Nếu mình có đức tín thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn,
siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân, bố đức, gia huệ thì
mình sai khiến được người”. Không chỉ thế, người “Nhân”, theo Khổng Tử, còn
là người mà “trước hết phải làm điều khéo, rồi sau mới đến thu hoạch kết quả”,
và “người cứng cỏi, can đảm, kiên tâm, quyết chí, chất phác, thật thà, ít nói thì
gần với nhân”. Với Khổng Tử, chỉ có người “Nhân” mới có thể có được cuộc
sống an vui lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào,
cũng có thể yên ổn, thanh thản. Do vậy, theo ông, bậc quân tử không bao giờ lìa
bỏ điều “Nhân”, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai
điều “Nhân”, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng cũng vẫn theo điều
“Nhân”.
Trong “Luận ngữ”, có chỗ Khổng Tử không dùng khái niệm “Nhân” (yêu
người), nhưng nội dung thể hiện ở đó lại thấm đượm tình yêu thương cao cả.
Qua những trường hợp sau có thể thấy rõ. Có lần một học trò của Khổng Tử là
8


Tử Du hỏi về “hiếu”, Khổng Tử trả lời: “Điều hiếu ngày nay chỉ có nghĩa là có
thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến loài chó ngựa cũng đều được nuôi, nếu không có
lòng kính thì làm thế nào phân biệt được”. “Hiếu” ở đây vừa có ý nghĩa là nuôi
nấng, chăm sóc cha mẹ, vừa phải có lòng kính yêu cha mẹ, yêu thương rất mực

đối với cha mẹ. Lại một lần khác, Khổng Tử xong việc ở triều đình về, nghe nói
chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông hỏi là: có ai bị thương không và không nói
gì tới ngựa cả. Điều đó cho thấy, ông quan tâm đến sinh mệnh con người (dù đó
là những người hầu hạ) hơn là sự sống còn của ngựa (tức là của cải). Tư tưởng
“Nhân” là “yêu người” của ông thực sự đã được thể hiện ra mọi nơi, mọi lúc.
- “Nhân” là “trung dung”
Theo Khổng Tử, “Trung dung” là một nguyên tắc đạo đức tối cao mà lâu
nay mọi người thiếu nó. Vì vậy, phải xây dựng được các cá thể hài hòa cho
quan hệ con người và quốc gia trở nên hài hòa. Người quân tử vì thế phải Trung
dung.
“Trung dung” là tuyệt đỉnh của “đức”. “Trung dung” là không làm cái gì
quá, không bất cập, đừng quá về nội tâm, cũng đừng thái quá về ngoại hình,
đừng thái quá về mình, cũng đừng thái quá về người. “Trung dung” là chí đức,
kiên trì nghĩa, giải quyết mọi việc cho phù hợp với hoàn cảnh. “Trung” là cái
gốc lớn của thiên hạ. Trung có “thể” và “dụng”. “Thể” là một thái độ ngay
thẳng, không nghiêng lệch mà lại có cái có cái sáng suốt, biết rõ sự thật. “Dụng”
là dung dị, đừng cầu kỳ quá, xem đó là việc tự nhiên, không quá coi thường nó.
Vậy nên phải giữ cho cái tâm của mình có tinh thần và chuyên nhất thì mới theo
được.
- “Nhân” là “trung” và “thứ”
“Nhân” cũng có thể hiểu là “trung” và “thứ”, tức là đạo đối với người,
nhưng cũng là đạo đối với mình nữa. Trong một cuộc nói chuyện với các học
trò Khổng Tử đã nói: Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Về điều này,
Tăng Tử (một học trò của Khổng Tử) cho rằng, Đạo của Khổng Tử là “trung
thứ”. “Trung” ở đây là làm hết sức mình, còn “thứ” là suy từ lòng mình ra mà
9


biết lòng người, mình không muốn điều gì thì người cũng không muốn điều đó.
“Trung thứ” là sống đúng với mình và mang cái đó ứng xử tốt với người.

Về chữ “trung”, Khổng Tử giải thích, người “Nhân” là người mình muốn
lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người
thành đạt (Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân.) Về
chữ “thứ”, ông viết: Điều gì mình không muốn, chớ thi hành cho người khác
(Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân). Như vậy, “trung thứ” tức là từ lòng mình suy ra
lòng người, phải giúp người.
- Gốc của “Nhân” là “hiếu đễ”
Phạm trù “Nhân” tuy bao chứa nhiều nội hàm khác nhau, song cái gốc và
cốt lõi của nhân là “hiếu đễ”. Theo Khổng Tử, tình cảm giữa cha mẹ và con cái,
giữa chồng và vợ, giữa anh em với nhau (quan hệ gia đình) là những tình cảm tự
nhiên, vốn có thuộc về bản tính con người.
Người có “Nhân” theo Khổng Tử trước hết phải làm tròn phận vị người
làm con, làm em trong gia đình. Phải biết thương yêu và tôn kính cha mẹ, anh
em ruột thịt. Sau đó mới yêu kính người khác. Đó là một khuôn mẫu để trở
thành người “Nhân”.
Trong mối quan hệ anh em, Khổng Tử đòi hỏi phải có đức đễ. Là anh thì
phải biết bao bọc, che chở cho em, phải biết nhường nhịn em. Là em thì phải
biết kính trọng, nghe lời anh. Về thực chất, quan hệ anh em cũng như quan hệ
cha con. Bên cạnh đó, hiếu đễ còn thể hiện rộng ra trong tông tộc, rộng hơn nữa
là ở ngoài xã hội với các địa vị khác nhau. Hiếu đễ vì vậy mang ý nghĩa tích
cực.
Coi trọng vai trò gia đình trong việc hình thành và tu dưỡng đạo đức của
con người ở Nho giáo là một khía cạnh hợp lý và vẫn còn có ý nghĩa nhất định
đối với ngày nay, bỡi lẽ, gia đình là một tế bào của xã hội, xã hội không thể ổn
định, thịnh trị nếu các gia đình lục đục và vô đạo. Vì vậy, người cầm quyền nếu
không “tề gia” (cai quản gia đình) của mình thì cũng không thể “trị quốc” (cai
trị đất nước) được.
10



- “Lễ” là hình của “Nhân”
Theo Nho giáo, “lễ” là quy định về mặt đạo đức trong quan hệ ứng xử
giữa người với người. Con cái phải có hiếu với cha mẹ, bề tôi phải trung với
vua, chồng vợ có nghĩa với nhau, anh em phải trên kính dưới nhường, bạn bè
phải giữ được lòng tin. Những quy tắc này là bất di bất dịch mà ai cũng phải
tuân theo. “Lễ” là sợi dây buộc chặt con người với chế độ phong kiến tập quyền.
Khổng Tử yêu cầu, từ vua cho đến dân phải rèn luyện và thực hiện theo “lễ”.
Đến Đổng Trọng Thư, “lễ” đã được đẩy lên đến cực điểm của sự khắt khe. Chỉ
vì giữ “lễ” mà dẫn đến những hành vi ngu trung, ngu hiếu một cách mù quáng ở
không ít người trong xã hội trước đây.
Tư tưởng “lễ” của Nho giáo có tính hai mặt. Về ý nghĩa tích cực, tư tưởng
“lễ” đã đạt tới mức độ sâu sắc, trở thành thước đo, đánh giá phẩm hạnh con
người. Sự giáo dục con người theo “lễ” đã tạo thành một dư luận xã hội rộng
lớn, biết quý trọng người có lễ và khinh ghét người vô lễ. Còn ề mặt hạn chế,
“lễ” là sợi dây ràng buộc con người làm cho suy nghĩ và hành động của con
người trở nên cứng nhắc theo một khuôn phép cũ; lễ đã kìm hãn sự phát triển
của xã hội, làm cho xã hội trì trệ. Điều này nói lên rằng, tư tưởng Nho giáo
mang tính bảo thủ, tiêu cực, phản lịch sử.
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Khổng Tử, “Nhân” không chỉ
là “yêu người”, “thương người”, mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do
vậy, “Nhân” chính là đạo làm người - sống với mình và sống với người, đức
nhân là cái bền vững như núi sông. Tuy nhiên, trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến
Quốc đã có nhiều học thuyết phê phán chữ “Nhân” của Khổng Tử. Có người
cho đó là giả dối, có người cho đó là nói suông, có người lại cho đó là nguồn
gốc của bất nhân, bất nghĩa... Thế nhưng, không phải vì thế mà tư tưởng “Nhân”
của Khổng Tử không đi vào lòng của nhiều người đương thời, gây cho họ biết
bao sự xúc động và làm cơ sở cho hành động nhân đạo của họ. Thực tế cho
chúng ta thấy, từ đời Hán trở đi, suốt trên 2.000 đạo Khổng được độc tôn, vua
chúa đời nào cũng ra sức áp dụng nó, mặc dầu không đúng. Nó thực tế hơn đạo
11



Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia. Cũng cần phải nói thêm rằng,
trong “Luận ngữ”, tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử còn bao gồm nhiều đức
khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm trang, cẩn trọng, cẩn
thận trong công việc), Nghĩa, Lễ...
Để hiểu rõ hơn về tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử cần so sánh nó với tư
tưởng “Kiêm ái” của Mặc Tử và tư tưởng “Từ bi” của đạo Phật. Nếu tư tưởng
“Kiêm ái” của Mặc Tử coi ai cũng như mình, người thân của người cũng là
người thân của mình, không phân biệt riêng tư thì“Nhân” phân biệt mình và
người, lấy mình làm khởi điểm để phân biệt từ thân đến sơ, từ gần tới xa, phân
biệt người tất, kẻ xấu. Người “Nhân” trong quan niệm của Khổng Tử coi trọng
đạo đức, chú ý phần thiện trong bản tính con người thì người “Kiêm ái” chỉ chú
trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý đến “giao tương lợi”. Tư tưởng “Nhân”
của Khổng Tử cũng khác xa tư tưởng “Từ bi” của đạo Phật. Phật thương người
và thương cả vạn vật. Lòng thương của Phật có một nỗi buồn vô hạn, buồn cho
sự mê muội của sinh linh, tìm cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh,
lão, bệnh, tử. Còn đạo Khổng tìm mọi cách giúp cho con người sống một cuộc
sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm hạnh phúc ngay trên cõi trần chứ
không phải ở trên cõi niết bàn. Chính vì vậy, ngay cả khi tư tưởng “Từ bi”, cứu
khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của
con người Đông Á thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo Khổng.
Có thể nói, chế độ phong kiến Đông Á kéo dài được mấy nghìn năm một
phần là nhờ tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử. Nhờ có đường lối “nhân nghĩa”
của Khổng - Mạnh mà xã hội đó được ổn định, con người với con người có
quan hệ hòa hợp, còn xã hội trở thành một khối bền vững. Sự trì trệ của xã hội
phong kiến đó ở giai đoạn sau là do nguyên nhân khác, chứ không phải do
nguyên nhân ở tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước. Con người ngày nay cần một thứ
nhân đạo chủ nghĩa phù hợp với thời đại mình. Nhưng không phải vì vậy mà tư

tưởng “Nhân” của Khổng Tử không còn có ý nghĩa. Xã hội ngày nay vẫn còn
12


những người nghèo khó, đói rét, cô đơn, bất hạnh, những con người này rất cần
đến sự quan tâm, thông cảm, giúp đỡ của người khác và của cả cộng đồng. Do
vậy, tư tưởng “Nhân” là “yêu người” của Khổng Tử vẫn còn có thể phát huy tác
dụng.
2. VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ TRONG
NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO HIỆN NAY
2.1 Đạo đức nghề nghiệp - yếu tố sống còn của người làm báo
Không chỉ riêng nghề báo mới đặt vấn đề về đạo đức mà bất cứ một nghề
nào cũng phải đòi hỏi người làm nghề phải có đạo đức, thậm chí, đạo đức
phải được đặt lên hàng đầu rồi sau đó mới nói đến chuyên môn nghiệp vụ. Với
nghề báo, do đặc thù của công việc, câu chuyện về đạo đức lại càng được xã hội
chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Trước hết, cần làm rõ khái niệm đạo đức nghề báo. Theo PGS. TS.
Nguyễn Thị Trường Giang, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc,
chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan
hệ nghề nghiệp. Đạo đức nhà báo bao gồm đạo đức con người và đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo. Tuy là hai khía cạnh nhưng lại tồn tại chung trong một con
người - nhà báo, và có quan hệ mật thiết với nhau, khó có thể tách rời.
Đạo đức nghề nghiệp được coi giống như chiếc máy có chức năng điều
chỉnh hành vi của phóng viên. Các tác giả Dương Xuân Sơn, Đinh Hường và
Trần Quang cho rằng, trên cơ sở lí tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành
nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo chuyên nghiệp, đạo
đức nghề nghiệp bao gồm các nguyên tắc xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những
hành vi không đúng đắn. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức này và dựa vào
tính chất của những hành vi, mỗi nhà báo sẽ phải chịu đựng sự tự xỉ vả, xấu hổ,
phải tự kết tội, hoặc được khích lệ, tự hào, phấn khởi và hạnh phúc.

Ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng
được nâng cao. Báo chí đã trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu
trong đời sống tinh thần của con người. Chính vì báo chí có vị trí và vai trò to
13


lớn, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội,
nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên những người làm nghề này trong mỗi tác
phẩm của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm và cần nhắc kỹ lưỡng
những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội. Một thông tin bị hiểu sai lệch hoặc
bị nhà báo làm cho méo mó đi thì hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến lợi
ích của một cá nhân mà còn gây hệ lụy cho cả một cộng đồng. Ngược lại, một
thông tin kịp thời, chính xác và trung thực của nhà báo, với sự lan tỏa của nó sẽ
có tác dụng tích cực đến cá nhân, tập thể và đời sống toàn xã hội.
Trong suy nghĩ của người dân, nhà báo luôn đứng về phía của người yếm
thế, đứng về phía những người bị oan khuất, những người luôn bị chịu thiệt
trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Đó chính là lí do để người dân đến với báo
chí như một sự lựa chọn trong hành trình tìm đến công lý của họ. Một khi người
dân đã đặt niềm tin vào nhà báo thì không một lý do gì để các nhà báo phản bội
kỳ vọng của họ.
Ví dụ, vụ hôi của từ một chiếc xe chở bia bị lật ở Đồng Nai, nếu không có
sự vào cuộc và lên án quyết liệt từ các cơ quan báo chí thì chắc chắn sẽ khó có
động thái tử tế đi nhặt từng tờ bạc trả lại cho chủ nhân của nhiều thanh niên ở
Phan Thiết vừa mới diễn ra. Với những thói hư, tật xấu trong xã hội, nếu báo
chí đứng ngoài cuộc thì hẳn đó sẽ là một tiền lệ xấu, và sẽ không có những
nghĩa cử rất đáng trân trọng của người dân ở những vụ tai nạn tiếp theo. Đạo
đức của nhà báo, trong câu chuyện này chính là góp phần định hướng cho cộng
đồng để mỗi người phải sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, phải biết đùm bọc
nhau trong cơn hoạn nạn.
Trên thực tế, chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội phải

bỏ ra gấp trăm nghìn lần công sức để khắc phục hậu quả. Ví dụ, những thông tin
về bưởi, cá rô đầu vuông, sầu riêng, chuối, ớt miền Trung… gây ung thư đã
khiến cả người nuôi và người tiêu dùng cùng chịu thiệt hại.
Đơn cử, lợi dụng không tin “bưởi gây ung thư vú”, nhiều thương lái đã ép
giá nhà vườn, khiến bà con phải bán đổ bán tháo. Dù thông tin sau đó đã được
14


cải chính trên báo chí, nhưng cũng làm nhiều nhà vườn thiệt hại hàng trăm triệu
đồng. Và trên bình diện cả nước, với sản lượng bưởi từ 240.000 đến 250.000
tấn/năm, trong đó có khoảng 40%-50% “Bưởi Năm Roi”, chủ yếu được trồng ở
đồng bằng sông Cửu Long, thiệt hại từ vụ “bưởi gây ung thư” chắc chắn không
nhỏ. Hay vụ bồn nước inox có chất gây ung thư cũng khiến doanh nghiệp không
những bị tổn hại uy tín thương hiệu, mà trong hơn một tháng trời, còn bị thiệt
hại mỗi ngày hàng tỷ đồng.
Trong thời điểm hội nhập, bùng nổ thông tin như hiện nay, những thông
tin sai sự thật như vậy sẽ có tác động tức khắc đến thị trường, đến sản xuất, gây
thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, làm nghèo người dân. Trách nhiệm của cơ quan
thông tin đại chúng, của nhà báo, vì thế mà vô cùng nặng nề. Người dân đòi hỏi
quyền được thông tin, nhưng phải là thông tin chính xác, được kiểm chứng, có
căn cứ khoa học, không tổn hại đến lợi ích toàn xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Văn Dững nhận định, sở dĩ đạo đức nghề báo được
nhiều người quan tâm, dễ dàng lan tỏa trong dư luận xã hội, vì đây là nghề
mang tính xã hội cao, có sức ảnh hưởng lớn. Thêm nữa, sức ảnh hưởng của
nghề báo với xã hội rất lớn nên hậu quả của việc nhà báo thiếu đạo đức cũng
không nhỏ.
Xét một cách toàn diện, nghề nào cũng cần có đạo đức. Nhưng với một
nhà báo, người luôn được coi là đại diện cho tiếng nói của nhân dân, thì đạo đức
nghề nghiệp lại càng phải được đề cao. Lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm
với sự thật là điều đầu tiên phải nghĩ đến khi đứng trước muôn nghìn sự kiện,

con chữ. Điều khiến xã hội sợ hãi là một nhà báo tài năng nhưng lại lạnh lùng
và vô cảm.
2.2 Thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay
Trước tiên, phải khẳng định một điều rằng đại bộ phận nhà báo Việt Nam
đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất của các tiêu chuẩn về
đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Trong những năm qua, những
người làm báo việt Nam đã thực sự trở thành những con chim báo bão, góp
15


phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được
thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ
đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt
của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng,
phong phú của xã hội.
Song, cũng có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề
báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha
hoá, lưu manh hoá trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là: Hiện tượng nhà
báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu
khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hoá
tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục,
thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm
quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo
chí; hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo
chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng
mình và làm trái pháp luật.
Còn nhớ, cách đây không lâu, khi những thông tin cá nhân từ tên, tuổi,
trường học, nhà riêng... bị một tờ báo mạng khai thác quá tỉ mỉ, một chàng trai
mới lớn đã cùng bạn gái đang mang thai tẩm xăng tự thiêu vì không thể chịu nổi
sức ép tâm lý quá lớn từ những đàm tiếu của dư luận bủa vây. Tương tự như thế,

cô con gái ngoan, hiền, hiếu thảo vì dính vào nghi án giúp đỡ cậu ruột cưa chân
mẹ theo cách đưa tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng của một số báo, cũng đã phải
đối mặt với quãng thời gian khổ sở, bị hiểu lầm, khiến cô mất hết niềm tin vào
cuộc sống, không dám giao lưu, tiếp xúc cùng ai... Một cô bé tuổi vị thành niên
vì xấu hổ với bạn bè đã bỏ nhà và bỏ học khi hình ảnh của em đột nhiên xuất
hiện trên đài truyền hình bên cạnh người mẹ vướng vào tội bán dâm... Không
hiếm những câu chuyện đau lòng đã xảy ra, không hiếm những số phận đã bị
đánh mất cơ hội làm lại cuộc đời chỉ vì cách khai thác thông tin vô cảm của một
số người làm báo và một số tờ báo. Ðáng báo động là xu hướng khai thác thông
16


tin ở mọi góc cạnh tiêu cực đang có vẻ lây lan nhanh chóng. Trong xu thế
thương mại hóa báo chí, khi mà nhuận bút báo điện tử được tính bằng số lượt
xem của bạn đọc- yếu tố quan trọng để thu hút quảng cáo, thì việc chạy đua với
những thông tin giật gân, câu khách là điều dễ hiểu. Thế nên, chuyện dường như
đã thành quen, hễ cứ có thiếu nữ thất tình đòi tự tử, hay ca sĩ, diễn viên nào sơ
suất “lộ hàng” thì ngay lập tức, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ báo,
trang thông tin điện tử thi nhau đăng tải, khai thác thông tin. Chính cách làm ăn
theo kiểu chộp giật, “giậu đổ bìm leo”, thậm chí là “đánh hội đồng” này đã tác
động không tốt đến môi trường truyền thông báo chí và phần nào làm thị hiếu
cũng như cách tiếp cận thông tin của công chúng trở nên lệch lạc.
Chuyện đạo đức của nghề báo nhiều khi không hẳn là câu chuyện quá to
tát mà nó nằm ngay trong cái cách nhà báo đưa tin. Cũng sự việc ấy, nhưng sao
có nhà báo chuyển đến bạn đọc thông điệp ấm áp nhân văn. Ngược lại có nhà
báo khai thác ở góc độ khiến cho bạn đọc hoang mang, lạc lối trong cảm xúc lẫn
định hướng.
Không ít chuyện tình dục, câu chuyện phòng the bị đẩy đi quá xa, thậm
chí còn bịa đặt, thêm thắt “mắm muối” vào để câu chuyện thêm ly kỳ nhưng vô
tình, nhà báo đã thiên về chủ nghĩa tự nhiên, tầm thường hoá và vô hình trung

khơi gợi những dục vọng thấp hèn với sự suy đồì phản văn hoá. Đó là chưa nói,
nó đã bôi nhọ nhân phẩm của người khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, để trở thành một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp
không phải là điều đơn giản. Không phải cứ tuân theo đầy đủ các quy định của
pháp luật là đã trở thành nhà báo có đạo đức. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường
phức tạp như hiện nay, báo chí nói chung và nhà báo nói riêng luôn phải chịu sự
tác động hai chiều: tích cực và tiêu cực, khi nó vừa tạo cơ cơ hội, nhưng cũng
tạo ra những thách thức và cám dỗ mà chỉ nhà báo có đạo đức và đủ bản lĩnh
mới có thể vượt qua.
2.3 Vận dụng tư tưởng “Nhân” của Khổng Tử trong nâng cao đạo
đức nghề báo hiện nay
17


2.3.1 Gắn bó với công chúng và hết lòng phục vụ công chúng
Mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng là mối quan hệ mang tính liên
kết trong các hành vi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Trong khi làm nhiệm vụ
cung cấp thông tin, nhằm thoả mãn đầy đủ các nguyện vọng, nhu cầu và lợi ích
của công chúng, nhà báo phải đối mặt với một loạt các câu hỏi mang tính đạo
đức. Không chỉ có thế, việc cân nhắc, tính đến mức độ hiệu quả thông tin cũng
là trách nhiệm đạo đức của nhà báo đối với công chúng. Khi viết bài, nhà báo
còn phải trả lời một loạt các câu hỏi nhằm xem xét, phân tích đầy đủ các khía
cạnh, suy xét nghiêm túc trọn vẹn mọi mặt để cung cấp thông tin tốt nhất cho
công chúng.
Trong các bài viết của mình, nhà báo trước khi viết phải luôn phải trả lời
các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”, văn phong báo chí
phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát”. Nhà báo cần viết những cái hay,
cái tốt của xã hội, đồng thời phát hiện, phê bình khuyết điểm còn tồn tại. Chỉ
viết những gì có lợi cho đất nước, cho người dân. Thực hiện vai trò tuyên
truyền, cổ động tập thể của báo chí, các nhà báo cần khởi phát nhiều phong trào

mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc trong mỗi
cá nhân, tập thể và cả xã hội.
Báo chí có mục đích của mình và công chúng cũng có nhu cầu thông tin
phong phú của họ. Đáp ứng được nhu cầu ấy là nhà báo đã gặp công chúng. Báo
chí được coi là sản phẩm hàng hoá đặc biệt, công chúng là người tiêu thụ đặc
biệt các sản phẩm báo chí - “đầu ra” của hoạt động báo chí. Không có công
chúng, tờ báo sẽ không tồn tại, khi đó, sự tồn tại của nhà báo cũng trở nên thưa
thãi. Vì thế, người làm báo càng phải luôn phải hiểu rõ ai là người đang tiêu thụ
sản phẩm của mình, bám sát thực tế để nắm bắt được nhu cầu và những vấn đề
công chúng quan tâm để có những tin bài đáp ứng nhu cầu thông tin của họ.
2.3.2 Có tinh thần đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng,
cái tốt
18


Nhà báo cần quán triệt quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ
đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần
cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ
cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân. Cụ thể, báo chí
cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; thông tin
trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu,
định hướng dư luận...; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư
tưởng, tình cảm, đời sống xã hội.
Nhà báo phải dám đấu tranh chống lại cái ác, cổ vũ cho cái thiện, chống
lại thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội, tệ tham ô, hối lộ, các quan tham trong các
bộ máy công quyền của Nhà nước, sự vòi vĩnh, hạch sách nhân dân của một số
cán bộ các ngành, theo đuổi nghề nghiệp với trách nhiệm và lương tâm của
người làm báo.
2.3.3 Khai thác và xử lý nguồn tin: Cần có tâm và có tầm
Trong thời đại bùng nổ thông tin và chúng ta đang sống trong một thế

giới phẳng, mỗi thông tin trên báo chí đều có ảnh hưởng nhất định tới đời sống
xã hội. Những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến kinh tế, chính
trị, lợi ích quốc gia; đến một cộng đồng người hoặc cá nhân. Vì vậy người làm
báo phải giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong công đoạn khai
thác, thu thập, xử lý nguồn tin, đăng tải thông tin. Điều này đỏi hỏi người làm
báo phải có tâm và có tầm, chỉ nói sự thật và không nói gì ngoài sự thật.
Nhìn từ góc độ thực tiễn, hiện nay đội ngũ nhà báo, phóng viên đang vấp
phải những hạn chế như viết tin, bài chạy theo lợi ích kinh tế, câu khách, rẻ tiền.
Một số phóng viên và tờ báo đang coi nhẹ việc kiểm chứng và xác thực các
nguồn tin, dẫn tới hậu quả thông tin đưa lên mặt báo sai sự thật và ảnh hưởng
không nhỏ tới uy tín của nhà báo đối với nhân dân. Nhiều người đồng tình với
ý kiến này và cho rằng, một trong những phẩm hạnh, đạo đức của người làm
báo là hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Để có được đức tính
tốt đẹp đó, cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tác nghiệp báo chí
19


chân chính, đòi hỏi người làm báo phải làm việc nghiêm túc, khoa học và cẩn
trọng. Người làm báo phải thật bình tĩnh, thật sáng suốt trước mọi nguồn tin
khởi phát. Quá trình khai thác, xử lý thông tin phải thận trọng, để thông tin
không sai lệch, đạt độ chính xác cao, khâu kiểm chứng thông tin qua nhiều
nguồn là điều bắt buộc, hết sức cần thiết.
Chúng ta luôn biết, tin đồn có sức mạnh ghê gớm bởi khả năng lan truyền
và công phá của nó. Nhưng thông tin sai lệch, vu khống trên báo chí còn có sức
mạnh hủy hoại hơn rất nhiều, bởi ai cũng tin rằng, đã là thông tin được báo chí
đăng tải thì đều là sự thật. Không phải độc giả nào cũng biết rằng, nhà báo hoàn
toàn có thể phạm sai lầm trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là những phóng
viên trẻ ít kinh nghiệm và chịu nhiều áp lực về số lượng tin bài và câu view để
làm quảng cáo hiện nay. Đó là chưa kể, một số nhà báo có thể bị vật chất tác
động mà cố tình xuyên tạc, bịa đặt thông tin nhằm hạ thấp uy tín của một cá

nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đó, và thông qua đó là làm lợi cho một cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác. Cũng bởi thế mà ngày nay hình ảnh của nhà
báo trong mắt công chúng đã bị nhìn khác đi. Nhiều khi nói đến nhà báo là
người dân cho rằng đó là những người chuyên bịa đặt, nói dối, có động cơ vụ
lợi.
Nghề báo là nghề mang tính xã hội cao, có sức ảnh hưởng lớn. Sức ảnh
hưởng của nghề báo với xã hội rất lớn nên hậu quả của việc nhà báo thiếu đạo
đức cũng không nhỏ. Người Việt có câu “Mua danh ba vạn, bán danh không
đồng nào”. Đôi khi, chính sự cẩu thả trong tác nghiệp của nhà báo có thể hủy
hoại danh dự cả đời gây dựng của một con người.
2.3.4 Đối xử nhân văn với nhân vật trong tác phẩm
Báo chí khác văn học ở chỗ nhân vật trong tác phẩm không phải là hưu
cấu mà là người thật, việc thật, có tên tuổi, địa chỉ, gia đình, họ hàng và các mối
quan hệ xã hội. Điều này đồng nghĩa, đằng sau những con chữ của nhà báo là số
phận của con người, và nội dung của tác phẩm báo chí có tác động trực tiếp đến
số phận của con người đó. Tác động đó có thể là sự cảm thông, chia sẻ của toàn
20


xã hội, là sự lên án, phê phán với những hành động sai trái, nhưng cũng có thể
là sự hủy hoại cả cuộc đời.
Trong số các nhân vật của tác phẩm báo chí thì trẻ em, phụ nữ, người có
bệnh được coi là những đối tượng yếu thế và cần được tôn trọng và bảo vệ đặc
biệt. Việc công khai hình ảnh, danh tính, địa chỉ của họ trong các vụ việc mà họ
là nạn nhân như bạo hành, cưỡng hiếp, cướp giật… đều có thể để lại những hậu
quả khôn lường. Áp lực dư luận thậm chí có thể đẩy họ đến chỗ chết, và khi đó,
chính nhà báo lại là thủ phạm giết chết nhân vật của mình.
Gần đây, cộng đồng nhà báo và công chúng kịch liệt phản đối việc nhiều
tờ báo (trong đó có cả báo của ngành công an) đăng tải công khai họ tên và ảnh
trực diện cháu Nguyễn A.T. tại Nghệ An, là nạn nhân của 1 vụ xâm hại tình dục

đồng giới. Việc làm này không những không giúp ích được gì cho cháu bé mà
còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và cả tương lai của em sau này. Em
sẽ đối diện ra sao với bạn bè, hàng xóm và dư luận khi bị mang tiếng là bị một
người đàn ông cưỡng hiếp? Nếu như cháu bé bị gã đàn ông kia xâm hại 1 lần,
thì sự thiếu đạo đức của nhà báo lại khiến cháu bé bị dư luận xâm hại đến cả
nghìn lần.
Trong xã hội chúng ta ngày nay, nhà báo là người cầm nắm và xử lý
thông tin. Sản phẩm thông tin ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người
và xã hội, vì thế, hơn bao giờ hết vấn đề đạo đức nhà báo càng được đặt ra một
cách cấp thiết. Nhà báo chỉ cần sơ suất là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng
đối với đời sống, sự nghiệp một cá nhân hoặc một cộng đồng xã hội. Do đó,
ngoài những tiêu chuẩn, nguyên tắc về đạo đức, cái tâm nhà báo sẽ là cội nguồn
của vấn đề đạo đức nghề báo.
2.3.5 Giữ chữ tín và bảo vệ nguồn tin
Tin tức nhà báo không tự bịa ra được và báo chí sống bằng nhiều nguồn
tin của mình. Do vậy, các nguồn tin đóng góp vai trò rất quan trọng làm cho nhà
báo thành công trong những bài viết về tham nhũng. Theo quy định của pháp
21


luật, nhà báo cần bảo vệ nguồn tin để bảo đảm cho người cung cấp thông tin về
tham nhũng, tiêu cực không bị sợ hãi, không bị ai trả thù.
Qua báo chí, nguồn tin muốn phản ánh tâm tư nguyên vọng đến bạn đọc
vì đơn giản đây là phương tiện có nhiều người quan tâm. Trong việc phòng
chống tham nhũng, thời gian qua báo chí cũng làm được rất nhiều điều nên
được người dân tin tưởng giao tâm tư, nguyện vọng. Vì vậy, bảo vệ nguồn tin là
rất quan trọng đối với nhà báo, nó thể hiện chữ tín và và thậm chí điều 6 của
quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã nêu rõ bảo
vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
2.3.6 Khi viết sai phải cải chính

Có một thực tế là hiện nay nhiều tờ báo, khi biết mình làm sai, gây tổn
hại đến uy tín, danh dự, lợi ích, sinh mạng của người khác nhưng lại cố tình lờ
đi, cửa quyền, không chịu thừa nhận còn tìm cách cãi “cùn”; hoặc viện lý do để
trì hoàn việc cải chính, xin lỗi. Cũng có báo cải chính, xin lỗi nhưng không
đúng quy định, tìm chỗ khuất nhất, nhỏ nhất trong tờ báo để đăng cải chính
vào. Đáng lưu ý, có nhiều trường hợp những thông tin sai do báo in đăng rồi các
báo mạng điện tử và trang tin điện tử đăng lại, nhưng khi báo in đăng cải chính
thì hầu như các báo mạng điện tử và trang tin điện tử lại không hề cải chính,
thậm chí có những bài vẫn lưu trên mạng Internet.
Theo Quy chế cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa - Thông tin ban
hành, cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí phải thực hiện việc cải chính
thông tin đã đăng, phát trên báo chí trong các trường hợp thông tin sai sự thật,
thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, xúc phạm danh dự,
nhân phẩm cá nhân, thông tin gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội.
Đính chính, xin lỗi về thông tin sai không chỉ là trách nhiệm của báo chí
mà còn thể hiện sự tôn trọng độc giả. Nó chẳng khiến độc giả của báo mất đi mà
nó còn giúp tờ báo lấy được lòng tin ở độc giả vì họ cảm thấy rằng, tờ báo họ
đọc luôn hướng tới sự thật.
22


KẾT LUẬN
Nho giáo từ khi ra đời cho đến nay đã trên 2.500 năm. Trong suốt chiều
dài lịch sử ấy, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, có lúc ngự trị trên đỉnh cao của hệ
tư tưởng thống trị phong kiến Trung Quốc và phong kiến Việt Nam, ngược lại
có lúc bị phê phán và loại bỏ một cách không thương tiếc. Song, dù bị phê phán
hay loại bỏ đi, Nho giáo vẫn cứ tồn tại trong xã hội ngày nay. Sự tồn tại đó
chứng tỏ Nho giáo vẫn có những yếu tố hợp lý, với những nội dung tiêu biểu
như là đức “Nhân” của Khổng Tử đã có tác dụng giáo dục đạo đức luân lý và

trật tự kỷ cương, phép tắc lễ giáo trong mối quan hệ giữa người với người, trong
gia đình và ngoài xã hội.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước, nhưng tư tưởng “Nhân” của
Khổng Tử vẫn còn đầy đủ ý nghĩa, cho thấy, nếu mỗi người đều biết quan tâm,
nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những cuộc sống bản thân của họ
yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng cũng gắn bó, bền vững và sẽ có nhiều điều
kiện để khắc phục những chuyện thương tâm, xảy ra ngoài ý muốn.
Trong lĩnh vực báo chí, một lĩnh vực đòi hỏi người làm nghề phải quán
triệt và tuân thủ sâu sắc các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, cũng có thể dùng chữ
“Nhân” của Khổng Tử để soi sáng và căn cứ vào đó để nâng cao tinh thần trách
nhiệm và đạo đức của các nhà báo trong tác nghiệp. Những đức tính cần có là:
có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng với Nhân dân;
phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; phải trung thực,
khách quan, tôn trọng sự thật; phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình và
phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời.
Có thể nói, phạm trù “Nhân” của Khổng Tử đã ra đời trong thời đại
phong kiến, mang sắc thái của xã hội phong kiến, có những điều không còn phù
hợp với ngày nay, nhưng việc tìm hiểu và rút ra được “hạt nhân hợp lý” của nó
để vận dụng trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống vẫn là việc chúng ta
nên làm và cần làm.
23


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Thanh Hương, Nguyễn Văn Đại [2013]: Khái lược lịch sử Triết học,
Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội
2. Lê Ngọc Anh [2004]: “Nhân” trong “Luận ngữ” của Khổng Tử, Tạp chí
Triết học (11), tr.37, Hà Nội
3. Nguyễn Đức Thắng [2011]: Chữ “Nhân” của Khổng Tử trong Tác phẩm
Luận Ngữ, />4. Nguyễn Hiến Lê [2001]: Khổng Tử, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội

5. Nguyễn Thị Trường Giang [2011]: Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, Nxb.
Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
6. Trương Ngọc Nam (Chủ biên), Trương Đỗ Tiễn [2012]: Giáo trình Lịch sử
Triết học Trung Quốc thời kỳ cổ - trung đại, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà
Nội

24


×