Tải bản đầy đủ (.pdf) (137 trang)

Chuyên đề ngữ văn trại hè hùng vương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.1 MB, 137 trang )

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ VI

Tập san
Văn học

Thái Nguyên tháng 8 năm 2010
Page 1


LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta đang có trên tay tập Tiểu luận về các tác giả và tác phẩm chủ yếu thuộc
chương trình Ngữ văn 11 cải cách. Chắc chắn đây mới chỉ là một phần kết quả nghiên
cứu của một số thầy cô đang trực tiếp đứng lớp, song qua đó chúng ta có thể vui mừng
về tính chất đúng đắn của hướng đi gắn nghiên cứu với giảng dạy, về tiềm lực đáng quí
cần được phát huy tối đa của đội ngũ giáo viên trong “không gian trại hè Hùng Vương”.
Các bài viết thể hiện cả tình yêu, niềm say mê cũng như sự tinh tường, am hiểu
của những lão nông tri điền trên cánh đồng chữ nghĩa. Tính chuẩn mực của kiến thức
vốn là một đòi hỏi của nhà trường phổ thông được kết hợp với những trăn trở suy nghĩ,
tìm tòi khám phá đã đem lại nét đặc sắc của tập san này. Kiến thức ấy và tình yêu ấy
của các tác giả, các thầy cô trao truyền cho học sinh chuyên văn nhất định sẽ đem lại
những kết quả tốt đẹp. Theo nghĩa là ‘cơ quan ngôn luận” chính thức, Tập san đã gián
tiếp tạo cảm hứng, kích thích cho các bài luận, mời gọi và tạo sự tự tin chính đáng để
những bài luận khác sẽ xuất hiện trong Tập san tiếp theo.
Nếu cần nói về điều chờ đợi như một độc giả thì tôi sẽ nói đến mong muốn rằng
các thầy cô sẽ tích cực hơn nắm bắt, chiếm lĩnh được nhiều hơn nữa các thông tin mới
về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu mới mẻ xuất hiện trong thời gian gần đây và ứng
dụng có hiệu quả hơn vào công việc giảng dạy của mình. Bởi chúng ta làm việc trong
môi trường đặc biệt, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, thì sự nỗ lực đổi mới không bao
giờ là đủ. Và tôi nghĩ Tập san này cấp cho cơ sở để hy vọng vào những thành công lớn
hơn sẽ đến với thầy trò “Trại hè Hùng Vương” trong các kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia.
Xin trân trọng giới thiệu Tập san với các thầy cô và các em học sinh.


PGS TS Trần Nho Thìn

Page 2


QUY CÁCH BIÊN TẬP
1. Tôn trọng quan điểm học thuật và phương pháp trình bày của các tác giả, Ban
biên tập về cơ bản chỉ sửa chữa các lỗi vi tính trong các bài viết.
2. Các bài tiểu luận được xếp theo trật tự abc tên tác giả.
3. Vì lý do nội dung, có một vài bài chưa đưa vào tập san lần này sẽ được sử dụng
vào một bộ sách khác của bộ môn ngữ văn, Trại hè Hùng Vương.

Page 3


MỤC LỤC
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG BÀI VIẾT CHỌN LỌC CỦA CÁC THẦY CÔ
-Bài cô Dậu
-Nguyễn Thị Thanh Hải. Thế giới nhân vật tài hoa nghệ sĩ trong tập truyện “Vang bóng một thời của
Nguyễn Tuân”…………………………………………………………………………………….tr.5

-Phùng Hạnh. Suy nghĩ về việc dạy-học tác phẩm “Đàn ghita của Lorca” (Thanh Thảo)…….. tr.15
-Mai Thị Thúy Hòa. Một số nét đặc sắc đổi mới về nội dung và nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu trước
Cách mạng tháng Tám…………………………………………………………………………….tr.26
-Phạm Thị Thanh Huyền. Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) ………………………………………….tr.38
-Lưu Quốc Hương. Đò Lèn- sức ám ảnh của thơ………………………………………………..tr. 47
-Đặng Thị Minh Ngọc. Ảnh hưởng của văn học dân gian với thơ Hồ Xuân Hương………….....tr. 53
-Trần Minh Quý, Đọc “Chiều tối” của Hồ Chí Minh…………………………………………....tr. 77
- Phạm Kim Sơn. Nguyễn Du và Truyện Kiều trong trang phê bình văn học của Xuân Diệu….tr.81

-Đàm Thanh Thủy. Chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam…………………. tr. 87
-Nguyễn Phú Thành. Tâm sự của Tú Xương qua những đêm dài không ngủ…………………… tr. 92
-Nguyễn Thị Thủy. Chất người – những khám phá của Nam Cao qua tác phẩm “Chí Phèo”…… tr.97
-Nguyễn Thị Bích Thủy. Một số suy nghĩ về đề mở trong trường phổ thông…………………….tr. 110
-Bùi Thị Hoàng Yến. Quan niệm nghệ thuật của nhà thơ Thanh Thảo……………………………tr.115

PHẦN THỨ HAI
ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG 2007-2009………………………………tr.124

Page 4


THẾ GIỚI NHÂN VẬT TÀI HOA, NGHỆ SĨ TRONG TẬP TRUYỆN
“VANG BÓNG MỘT THỜI” CỦA NGUYỄN TUÂN
Nguyễn Thị Thanh Hải
Trường THPT Chuyên Tuyên Quang

Nguyễn Tuân (1910-1987) là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn
học Việt Nam hiện đại. Ông được người đọc biết đến như một nhà văn có sở trường ở
thể loại tùy bút, nhưng gắn với tên tuổi của Nguyễn Tuân nhiều hơn cả không phải là
“Một chuyến đi” hay “Sông Đà” mà lại là “Vang bóng một thời” - tập truyện ngắn viết
trước Cách mạng tháng Tám (1939), được in lần đầu (1940) gồm 11 truyện ngắn- tác
phẩm kết tinh tài năng và tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước
Cách mạng: chất tài hoa, uyên bác. Đọc tác phẩm này, Vũ Ngọc Phan cho rằng đó là
“Một văn phẩm đạt gần tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ”.
Nguyễn Tuân đã cắt nghĩa đầu đề tập truyện ngắn của mình: vang là dư âm,
bóng là dư ảnh. “Vang bóng một thời” là những dư âm và dư ảnh còn rơi rớt lại của một
thời đã qua, trong đó tác giả lang thang về quá khứ tìm kiếm những vẻ đẹp xưa cũ. Toàn
bộ tập truyện đem lại cảm giác về một thời đại tàn úa, hiu hắt. Nhưng dưới ngòi bút tài
hoa của mình, Nguyễn Tuân vẫn vẽ lại “cái đẹp” xưa của thời phong kiến suy tàn, mà

cái đẹp đầu tiên ở đây chính là thế giới nhân vật rất đặc trưng cho phong cách nghệ
thuật Nguyễn Tuân: thế giới nhân vật tài hoa nghệ sĩ.
Nói đến thế giới nhân vật có thể hiểu là một hệ thống những nhân vật mang một
đặc điểm chung nào đó. Chẳng hạn như Nguyễn Du, thế giới nhân vật mà ông thường
quan tâm, phản ánh bao giờ cũng là những người tài hoa, bạc mệnh, đặc biệt là người
phụ nữ. Đó là nàng Kiều, Đạm Tiên (Truyện Kiều), Tiểu Thanh (Độc Tiểu Thanh kí), là
người con gái gảy đàn ở đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca) hay người hát rong ở
đất Thái Bình … mặc dù họ khác nhau về giai tầng, thời đại … nhưng phần lớn họ là
những người phụ nữ tài sắc, bạc mệnh, họ trở thành thế giới nhân vật trong sáng tác của
Nguyễn Du. Đọc các sáng tác của Thạch Lam, thế giới nhân vật là những người nghèo
Page 5


khổ có cuộc sống tối tăm, bế tắc như chị em Liên, cụ Thi điên, bác Xẩm, mẹ con chị Tý
(Hai đứa trẻ), cô Tâm (Cô hàng xén), mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) … Nguyễn Tuân là nhà văn
ưa thích sự độc đáo nên ông buộc phải tự tìm một cách thể hiện khác đời, hơn người là
chơi “ngông” bằng văn chương. Với Nguyễn Tuân viết văn là đứng ở đỉnh cao của sự
tài hoa, uyên bác để thiên hạ thấy mình không giống ai. Xuất phát từ quan niệm ấy, cho
nên thế giới nhân vật mà ông thường quan tâm phản ánh là lớp người tài hoa, nghệ sĩ
cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt những nhân vật ấy đã theo suốt cuộc đời và sự nghiệp
văn chương của ông. Chỉ có điều sau cách mạng ông vẫn tiếp cận con người thiên về
phương diện tài hoa nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông không đối lập với xưa và nay, mà tìm
thấy chất tài hoa, nghệ sĩ không chỉ ở những con người đặc biệt, những tính cách phi
thường, mà ở cả nhân dân đại chúng: anh bộ đội, chị dân quân, ông lái đò … Trong
khuôn khổ có hạn, bài viết chỉ đề cập đến thế giới nhân vật trong “Vang bóng một
thời”.
Đọc “Vang bóng một thời”, ban đầu có cảm giác như thế giới nhân vật trong đó
có phần như tẻ nhạt, bởi hầu hết họ là những nho sĩ cuối mùa - những con người tài hoa
bất đắc chí. Gặp lúc Hán học suy vi, sống giữa buổi ‘Tây Tàu nhố nhăng” nên họ bày tỏ
thái độ buông xuôi, quay lưng lại với xã hội đương thời. Đó là tay đao phủ già Bát Lê

(Bữa rượu máu), cụ Sáu (Những chiếc ấm đất), cụ Phủ (Thả thơ), Mộng Liên, Phó Sứ
(Đánh thơ), cụ Hồ Viễn, cậu Chiêu, cô Tú (Ngôi mả cũ), cụ Kép (Hương cuội). Huấn
Cao, viên quản ngục (Chữ người tử tù), Cai Xanh, Lý Văn, Phó Kình trong (Một đám
bất đắc chí), cụ Ấm (Chén trà trong sương sớm), cụ Thượng, ông cử Hai (Đèn đêm thu)
… Họ là những con người sống thanh cao, nhàn tản nhưng uể oải, buồn chán. Về sau,
người đọc phát hiện thấy trong cái thế giới nhân vật ban đầu có phần tẻ nhạt ấy lại có
cái gì rất lung linh, cuốn hút. Đó là sự cuốn hút bởi chất tài hoa, tài tử cùng với những
thú chơi tao nhã cầu kỳ của những nhà Nho cuối mùa và trên hết là những con người ấy
không chịu a dua theo đời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ “thiên lương” và “sự trong
sạch của tâm hồn”. Những nhân vật ấy, dù làm bất cứ nghề gì, lứa tuổi, địa phương nào
… thì họ đều là những người tài hoa. Nguyễn Tuân khám phá, khai thác chất tài hoa, tài
Page 6


tử ở hai kiểu nhân vật: những người nghệ sĩ hành nghề nghệ thuật và những người
không phải là nghệ sĩ nhưng sống một cách tài hoa, nghệ sĩ, để từ đó nhà văn đưa ra
quan điểm của mình trong sáng tạo nghệ thuật.
1.Trước hết là những người nghệ sĩ hành nghề nghệ thuật.
“ Nghệ sĩ là những người biểu diễn hay sáng tạo nghệ thuật. Tài năng nghệ
thuật, phương thức hoạt động đặc thù là điều kiện quan trọng nhất để trở thành nghế sĩ”
và “Nghệ thuật là hình thái đặc thù của ý thức xã hội và của các hoạt động con người,
một phương thức hoạt động để con người chiếm lĩnh các giá trị tinh thần của hiện thực,
nhằm mục đích tạo thành phát triển các năng lực chiếm lĩnh và cải tạo bản thân và thế
giới xung quanh theo quy luật của cái đẹp”.
Ở “Vang bóng một thời”, người ta nhận thấy chất tài hoa nghệ sĩ của vợ chồng
Mộng Liên, Phó Sứ trong “Đánh thơ”, ông Cử Hai trong “Đèn đêm thu” và Huấn Cao
trong “Chữ người tử tù”.
Vợ chồng Mộng Liên, Phó Sứ xứng đáng là một cặp vợ chồng nghệ sĩ tài tử làm
nghệ thuật. Mộng Liên vốn là một người đàn bà đẹp, rất lẳng lơ và có tài đàn hát,
“bằng cái sắc, bằng tiếng ca, bằng cái tiểu xảo, bằng cái duyên lúc kín đáo, lúc lộ liễu,

ba người đàn bà ấy đã từng điểm tô cho xứ Huế một thời”. Còn Phó Sứ là một người
giữ lăng nhưng từ khi kết bạn trăm năm với Mộng Liên, ông bỏ nghề giữ lăng và cùng
vợ đi chu du thiên hạ với tiếng hát, lời thơ của hai vợ chồng. Ông Phó Sứ là một thi sĩ,
bởi một trong những “mánh” làm ăn của ông trong cuộc đánh thơ là lấy thơ của ông giả
cổ thi lừa “những quan to có tiếng là hay chữ”. Điều này chứng tỏ ông Phó Sứ sáng tác
thơ phải rất hay thì những kẻ “có tiếng là hay chữ” ấy mới tưởng là thơ của cổ nhân
thật. Và mỗi lúc ngâm lên, cái hay của câu thơ đã làm cho người khác lạnh cả người.
Kiểu làm thơ của ông Phó Sứ không phải là để kiếm tiền hay làm giàu mà đây chỉ là
một cách chơi với thiên hạ mà thôi. Bởi “cái giống lãng tử cầm tiền thường không nóng
lòng bàn tay”. Đôi vợ chồng ấy chưa bao giờ nghĩ đến việc làm một cái tổ ấm nhất định
nào. “Quê hương của họ là cờ bạc và đờn hát. Nhà cửa đôi lưu đãng ấy gửi vào trong
cái truy hoan của thiên hạ”. Nguyễn Tuân gọi cặp vợ chồng Mộng Liên, Phó Sứ là “một
Page 7


lứa đôi tài tử”, tài tử ở chỗ họ dám sống bằng lời thơ, tiếng hát, một kiểu sống rất bấp
bênh có lúc kiếm được nhiều tiền có lúc thua đau nhưng đáng kể gì, “Nhà con nhà cái
đều ngâm vang cả nhà, chừng như muốn thi nhau một cái giọng tốt chứ đồng tiền mất đi
hay thu về, thời có đáng kể là gì”. Cặp vợ chồng ấy không tài tử sao được khi họ đánh
bạc bằng thơ và “giữa hai tiếng bạc trên một chiếc chiếu la liệt những mảnh thơ đề,
Mộng Liên đêm đêm kề đùi, tựa má ông Phó Sứ, lại đánh đàn, ca Nam Ai, Nam Bình”.
Tiềng hát của Mộng Liên dã làm vui cho cuộc đỏ đen trí thức.
Ông Cử Hai cũng là một nghệ sĩ tài hoa, tài tử. “Ông ta sinh ra để mà đùa vui
với cuộc sống bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra mà đùa nhả với sự
nghiệp thân thế của mình”. Ông làm nghề dạy học, đã lấy việc dạy học làm một “mưu
hồ khẩu” mà y như việc đi ngoạn cảnh hay là đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích.
Thậm chí những lúc mỏi chân phải dừng lại ở một nơi nào đó “ông lại còn thỉnh thoảng
ngừng cả cái miệng giảng sách hoặc ngừng chấm nét son lên quyển bài, để đề một bức
châm lên lá quạt tặng bạn đồng song, để khắc chữ triện và chạm trổ một hòn đã xù xì
cho thành một con thạch ấn, để dùng ngón tay trỏ vào chậu mực vẽ một bộ tứ bình thuỷ

mặc có đủ bốn thứ cây cỏ tứ hữu: cúc, trúc, lan, mai treo chơi trên vách đất quán trọ nơi
ngồi dạy học.” Vì tài hoa, tài tử nên ông Cử Hai không ưa những gì nhợt nhạt, bằng
phẳng, nửa vời, đi khắp Đông Nam Đoài Bắc, có lúc giảng bài chưa ấm phòng học ông
đã khăn gói lên đường vì ông cho rằng cảnh của vùng đấy không dung được người “cái
gì mà nước chỉ chảy xiết không bao giờ tụ, cây trồng ba năm bói không có quả; ớt chấm
mà không thấy cay; hoa chỉ có mùi thơm về phần đêm; núi chỉ bằng đầu chứ không
chỏm ngọn và mây trời không bao giờ hiện đủ năm sắc”. Nguyễn Tuân đã gọi ông Cử
Hai là người nghệ sĩ. “Cái hành tung của người nghệ sĩ không chịu sống cho người khác
và hùa theo người xung quanh ấy thực là khó đòi hỏi”. Chất nghệ sĩ bộc lộ rõ nhất ở
nhân vật này là việc ông làm đèn xẻ rãnh để rước vào đêm trung thu cho cậu con trai
Ngộ Lang . Tài làm đèn xẻ rãnh của ông nổi tiếng, truyền rộng ra khắp xứ Kinh Bắc từ
việc ông diễn lại cái tích “Triệt giang phò A Đẩu” trông giống như thật. Lần này, làm
đèn ông muốn diễn lại một tích khác không phải là để trổ tài năng của mình với thiên hạ
Page 8


mà vì ông không muốn lặp lại những gì mình đã làm và trên hết “người tài hoa giang hồ
đến cái tuổi chán sự bay nhảy, nghĩ đến chuyện vui cùng gia đình.” Trong cuộc đối
thoại của ông Cử Hai với người cha, ta thấy được ý đồ nghệ thuật của người nghệ sĩ này
với tích “Phạm Lãi đem Tây Thi sang dâng cho Ngô Phù Sai”. Khi bắt tay vào việc làm
đèn ông coi đó là một công trình nghệ thuật thực thụ chứ không phải là một thứ đồ chơi
bình thường của trẻ con trong ngày rằm. Vì thế mà ông bận rộn lựa chọn vật liệu, trăn
trở nghĩ đầu đề, khi chọn được tích để diễn ông lại tính đến chuyện dàn quân, sắp xếp vị
trí của từng quân đèn sao cho thật giống như thật (Vị trí của nàng Tây Thi, Phạm Lãi,
Phù Sai, Ngũ Tử Tư...). Lúc gọt đến mặt Phạm Lãi, ông Cử Hai “ nghĩ đến cái thú vị
của một đời người như lúc Phạm Lãi dám bỏ lại sau mình cả một cái giàu sang nhất thì
mà đi chu du giang hồ, nghĩ đến phút ấy trong cái bình sinh của một người xưa, ông Cử
Hai cũng làm luôn cho Phạm Lãi một khuôn mặt rất đẹp.” Khi làm cốt hình người cho
nhân vật Thái Tể Bá Hy ông để mặt trắng mốc có điểm mấy vệt đỏ nhờ nhờ vì Bá Hy là
một kẻ phản nịnh góp phần đưa nước Ngô vào con đường diệt vong theo đúng kế hoạch

của Việt vương Câu Tiễn. Có thể thấy, người nghệ sĩ này đã sáng tạo nghệ thuật không
chỉ theo đúng cái nhìn chủ quan mà còn bằng cả tài năng và tâm huyết của mình. Đó là
phẩm chất của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
Nhân vật tiêu biểu nhất trong “Vang bóng một thời” là Huấn Cao trong “Chữ
người tử tù”. Huấn Cao là một nghệ sĩ tài năng – tài viết chữ. Chữ của ông Huấn Cao
viết là chữ Hán, loại văn tự rất giàu tính tạo hình. Người viết chữ Hán rất nhiều nhưng
đạt đến trình độ nghệ thuật cao thì rất hiếm hoi. Bởi mỗi một chữ viết ra không chỉ thể
hiện tài năng, tâm huyết mà còn bộc lộ tâm sự, ý chí và cả những khát khao thầm kín
nhưng mãnh liệt của người viết. Từ đó chữ của người nghệ sĩ gắn liền với nghệ thuật
thư pháp.Huấn Cao thực sự là người nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp, Bởi tài viết chữ
của ông đã lan truyền như một huyền thoại, nổi tiếng tỉnh Sơn, đến tận chốn ngục tù
tăm tối “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông Huấn Cao mà treo,
là có một vật báu trên đời”. Chữ ông Huấn Cao đẹp đến nỗi viên quản ngục bất chấp
hiểm nguy đến sự nghiệp, tính mạng, cạy cục để xin bằng được chữ ông Huấn Cao.
Page 9


Chất tài tử trong con người Huấn Cao thể hiện ở chỗ, ông viết chữ đẹp nhưng trừ chỗ tri
kỷ ông mới cho chữ. Chữ ông rất đẹp nhưng đời ông mới chỉ viết “có hai bộ tứ bình và
một bức trung đường cho ba người bạn thân”. Huấn Cao không vì tiền bạc hay quyền
thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đó là quan niệm sống rất cao đẹp của người nghệ
sĩ có “thiên lương” trong sáng. Chất tài tử của người nghệ sĩ còn thể hiện ở khí phách
hiên ngang. Là một thủ lĩnh cầm quân khởi nghĩa chống lại triều đình, chí lớn không
thành bị bắt giam, Huấn Cao không sợ tra tấn hay cái chết. Trước hôm ra pháp trường
ông đã viết những nét chữ tung hoành cuối cùng của một đời con người để đáp lại tấm
lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục. Huấn Cao là nhân vật tiêu biểu cho những
con người mang đạo lí truyền thống Việt Nam từng “Vang bóng một thời”: có nhân, có
trí, có dũng, những người “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng
khuất”. Bởi thế, Huấn Cao đã trở thành hình tượng nhân vật tuyệt đẹp trong đời văn của
Nguyễn Tuân, là kết quả của một tài năng sáng tạo mà Nguyễn Tuân dành cho bạn đọc

bao thế hệ.
Nhân vật ông Huấn Cao, ông Cử Hai, vợ chồng Mộng Liên, Phó Sứ là những
người nghế sĩ hành nghề nghệ thuật, thuộc kiểu nhân vật thứ nhất trong thế giới nhân
vật tài hoa nghệ sĩ của “ Vang bóng một thời”. Họ là những ca sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ với
những hoạt động nghệ thuật rất đặc sắc của mình, nhân vật nào cũng tài hoa, tài tử. Họ
là hình ảnh của một Nguyễn Tuân: tài hoa, tài tử đến kiêu bạc, khinh đời, chơi ngông
với thiên hạ để phủ nhận trật tự xã hội thực dân đương thời, từ đó ông bày tỏ tấm lòng
yêu nước theo cách riêng của mình.
2. Kiểu nhân vật thứ hai, xuất hiện chủ yếu trong “Vang bóng một thời” là những
người không phải là nghệ sĩ nhưng lại sống một cách tài hoa, nghệ sĩ.
Họ là những nhà Nho cuối mùa, những anh hùng hảo hán, thất thế....như cụ
Sáu (Những chiếc ấm đất); cụ Ấm (Chén trà trong sương sớm); cụ Kép (Hương cuội),
cụ Hồ Viễn (Ngôi mả cũ); Cai Xanh, Lí Văn, Phó Kình (Một đám bất đắc chí) và viên
quản ngục (Chữ người tử tù). Mỗi một nhân vật ở các truyện đều gắn với một thời đại,
một giai đoạn nào đó trong xã hội cũ. Họ dường như là một mảnh vỡ của thể giới gắn
Page 10


với những vẻ đẹp xưa cũ: nghệ thuật uống trà, chơi hoa thuỷ tiên, hay cả những anh
hùng tài hoa...
Một loạt những ông Nghè, ông Cử, những nhà Nho “cuối mùa” dù không phải
là nghệ sĩ thực thụ nhưng cách sống của họ lại mang đầy màu sắc nghệ sĩ. Cụ Sáu trong
“Những chiếc ấm đất” có thói quen phong lưu rất cầu kì. Uống trà Tàu phải pha bằng
nước giếng chùa Đồi Mai “chỉ có nước giếng đây là pha trà không lạc mất hương vị” và
vài ngày cụ lại phải cho người nhà lên xin nước giếng của chùa đem về. Danh và lợi cụ
không màng, phá gần hết cơ nghiệp của ông cha để lại, cụ thực sự đã coi “ phú quý
nhỡn tiền” không bằng một ấm trà tàu. Cụ tài tử đến nỗi chỉ vì uống trà mà khuynh gia
bại sản, đến khi nghèo đói cụ phải mang bán những chiếc ấm đất quý giá của mình để
kiếm sống nhưng vẫn giữ thói quen phong lưu “Thỉnh thoảng có xin được người nào
quen vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói dắt kỹ lấy trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một

mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn có thói quen phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen
nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn bứt lấy ít nhị sen mang về ướp luôn và gói trà dắt
trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ”. Cũng ở tác phẩm này, còn xuất hiện một người ăn
mày rất tài hoa, tài tử, kiểu ăn xin cũng hết sức độc đáo.: cho cơm thừa, canh cặn rồi xôi
gấc đều không lấy, chỉ xin chủ nhà được “uống trà tàu với!”, Xin được nắm trà, người
ăn mày giở bị lấy ra lấy ra cái “ấm đất độc ẩm” đun nước, pha trà, rồi vắt chân chữ ngũ
rất đúng quy cách để thưởng thức ấm trà Tàu. Tài tử ở chỗ hắn còn phát hiện bình trà
của nhà chủ có lẫn mùi vỏ trấu ở trong. Điều làm cho chủ nhà ngạc nhiên là đến chiều
hôm ấy “lọ trà đánh đổ tung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh
trấu”. Cụ Sáu đã tin người ăn mày là có thật, cụ khẳng định chắc chắn “cái lão ăn mày
đã tiêu cả một sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới rành thế và mới đến nỗi
cầm bị gậy”. Cụ đoán biết cái kết cục của người ăn mày và chính bản thân cụ sau này
nhưng cụ không thể từ bỏ cái thú chơi phong lưu tài tử ấy được.
Vẫn là thú uống trà, cụ Ấm ở “Chén trà sương”cũng rất tài tử từ cách pha trà,
đun nước đến cả người ngồi uống với cụ. Nước pha trà phải là thứ nước đọng trên mỗi
lá sen buổi sớm, phải gạn vét nhiều là mới đủ đun một ấm, đun nước phải đun bằng
Page 11


than tàu trong ấm đồng, rồi cụ thử nước xem sôi già chưa, cụ pha trà và thích ống với
những người tao nhã. Cụ Ấm sợ nhất khi uống trà gặp phải ông khách tạp, uống trà rất
“tục” mà lại ồn ào. Cụ cho rằng “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi
thơ và một mùi vị triết lí”. Cụ Kép trong “Hương cuội” cầu kì ở thú uống rượu với viên
cuội bọc mạch nha ủ trong chậu lan. “Cụ Kép nguyện đem cái quãng đời xế chiều của
một nhà Nho để phụng sự cho hoa thơm cỏ quý”, cho thú uống rượu hương cuội, cho
việc ngâm thơ trong cái êm ấm của buổi chiều, xuân sớm.
Ở truyện“Ngôi mả cũ” cụ Hồ Viễn vốn là một tướng quân Cờ Đen một thời
tung hoành ngang dọc giờ đây thất thế , về già cụ trở thành một ông thầy địa lí nhưng
vẫn giữ phong cách sống tài tử, giang hồ. “Thuốc phiện nếu không phải là thứ một lạng
đựng vào cóng thì không hút”, móng tay để dài, riêng móng tay út lá lan của cụ uốn hai

vòng như râu rồng, sáng nào cũng phải có chanh để cụ rửa móng tay. Cụ thuộc nước cờ
như lòng bàn tay, ngồi trên cáng đi đủng đỉnh song song với nhau và đánh cờ miệng, đi
đường có thể đánh xong vài ván … là thầy địa lí nhưng cụ Hồ Viễn rất khái tính. Có rất
nhiều nhà giàu chèo kéo cụ nhưng cụ không màng tới. Cụ Hồ Viễn cho rằng việc cụ
đang làm là “phân phát hạnh phúc bằng cách tìm đất để mả cho những người đã thất thế
và lúc nhàn rỗi uống một đôi rượu của những người biết nhớ ơn mình”.
Truyện “Một đám bất đắc chí” Nguyễn Tuân lại viết về những tên cướp tài hoa
giang hồ, phóng khoáng. Đi ăn cướp nhưng rất được nể trọng, vào quán lỡ thiếu tiền thì
Cai Xanh – “một tay ăn chơi nổi tiếng ở mấy vùng Thanh nội và Thanh ngoại” lễ phép
nói với nhà hàng xin để lại vật gì đó để làm tin nhưng không một chủ quán nào dám
nhận, họ xoa tay nói “Dạ không dám. Khi nào ông anh sẵn có thì cho đàn em xin. Cái
đó có là bao nhiêu mà dám phiền ông anh”. Chất tài hoa ở những tên cướp này là nghệ
thuật “phóng bút chì” của Lý Văn và Phó Kình. Để chặt một cây chuối Phó Kình buộc
cổ cán mai vào dây thừng, đầu kia dây thừng cuốn vào cuốn vào cánh tay và chỉ “một
tiếng phập thân cây chuối đã gục xuống mặt đất kêu đánh roạt” và cán mai đã nằm gọn
trong lòng bàn tay y từ lúc nào. Lý Văn trổ tài “phóng bút chì” của mình bằng lưỡi dao

Page 12


phóng đi tiện đứt hai chân con gà đang bay tà tà, đầu và cặp giò chưa lìa hẳn vẫn còn
dính vào đùi bởi làn da hoen máu”
Nhân vật viên quản ngục trong ‘Chữ người tử tù” mặc dù sống giữa gông
xiềng, tội ác, hàng ngày phải chứng kiến bao điều tàn nhẫn lừa lọc, sống giữa một đống
cặn bã nhưng tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên
quan coi ngục này là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật
đều hỗn loạn, xô bồ”. Quản ngục là người có “thiên lương” trong sáng, có thú chơi
thanh cao của những bậc tài hoa nghệ sĩ: thú chơi chữ. Vì muốn có được chữ của ông
Huấn mà quản ngục đã liều lĩnh vượt qua phép nước để đến được với cái đẹp. Qua nhân
vật quản ngục, Nguyễn Tuân muốn khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao

thượng đối với cái xấu xa, thấp hèn đồng thời nhà văn thể hiện niềm tin mang màu sắc
lãng mạn về sự cảm hóa kỳ diệu của cái đẹp.
Có thể khẳng định rằng, mỗi khi cầm bút dường như Nguyễn Tuân luôn muốn
chứng tỏ cho bạn đọc thấy được cái tài hoa uyên bác, hơn đời của mình và vì thế mà
nhà văn phải tìm đến loại nhân vật tài tử, độc đáo.Còn gì độc đáo hơn khi thế giới nhân
vật mà ông khai thác khám phá lại là những người không phải là nghệ sĩ nhưng lại sống
một cách tài hoa, nghệ sĩ. Qua kiểu nhân vật này, Nguyễn Tuân muốn gửi gắm một
quan niệm của mình về nghệ thuật: không phải những người hành nghề nghệ thuật mới
trở thành nghệ sĩ mà cả những người làm những nghề không liên quan gì đến nghệ thuật
cũng trở thành nghế sĩ nếu như họ tâm huyết với nghề nghiệp của mình và lao tâm khổ
tứ với nó.
“Vang bóng một thời” cùng với thế giới nhân vật tài hoa, nghệ sĩ đã đem đến
cho tác giả một vị trí vững chãi trong nền văn học dân tộc. Tác phẩm chỉ nói về thú
tiêu dao hưởng lạc của cổ nhân, thế giới nhân vật là những con người sống ngông
nghênh, phóng phiếm, tuy cam chịu thất bại nhưng chưa muốn làm lành với xã hội thực
dân tư sản nên họ sống một cách tài tử, đề cao những thói ăn chơi cầu kì, đài các, đóng
vai quý tộc bằng nghệ thuật hành lạc ở đời. Qua đó thấy được tấm lòng yêu nước, thái
độ trân trọng và tự hào những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc của nhà văn. Đặt thế
Page 13


giới nhân vật ấy bên cạnh cuộc đời và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, ta thấy
mỗi nhân vật thể hiện một nét tài hoa, một nét ngông nghênh kiêu bạc của chính tác giả
- một nghệ sĩ tài hoa.

Page 14


SUY NGHĨ VỀ VIỆC DẠY - HỌC TÁC PHẨM
" ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA"

(Thanh Thảo)
Phùng Hạnh
Trường THPT Chuyên Sơn La.
Sự đổi mới chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 12 có bổ sung rất nhiều những tác
phẩm văn chương giai đoạn đổi mới như “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải; “Đàn ghi ta
của Lorca” – Thanh Thảo; “Chiếc thuyền ngoài xa”- Nguyễn Minh Châu... Phải thừa nhận
quá trình đón nhận những tác phẩm đó ở người dạy và cả người học cũng thật nhiều cung bậc,
từ dè dặt đến hào hứng, thách thức đến say sưa. Song đây cũng là những thách thức với cả hai
phía, nhất là với không ít người dạy học văn đã quen với kiểu tư duy của văn học thời
chiến…Tôi đã từng gặp khá nhiều những ý kiến thắc mắc của bạn đồng nghiệp xung quanh
những tác phẩm mới. Đối với "Một người Hà Nội”, người dạy băn khoăn về tiêu chí đánh giá
nhân vật bà Hiền. “Nên đánh giá theo kiểu nào để không mâu thuẫn với một thời ta nhìn nhận
về Hoàng trong Đôi mắt của Nam Cao ? Với tác phẩm “Đàn ghi ta của Lorca”, người học nói
rằng phải chăng bài thơ chỉ là một bài ca bi tráng về một trái tim chính nghĩa bị tử thương ?
Cho đến nay, ít nhất những tác phẩm văn xuôi đã tìm được tiếng nói chung. Nhưng
riêng “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo) vẫn như là một án ngữ với người dạy. Trước hết,
bài thơ chính là một bài ca bi tráng về Ga-xi-a Lorca – nhà thơ Tây Ban Nha, có ý nghĩa giáo
dục rất cần thiết giữa thời đại mà người ta quan tâm và đôi khi cổ vũ nhầm tưởng rằng những
cái đời thường, bé mọn, khuất lấp của con người mới là giá trị của sự sống khiến cuộc sống
đang thực sự thiếu đi những hình tượng chính nghĩa. Nhưng cái khó là bài thơ có cách biểu đạt
không đơn giản. Bởi thế cái khó của người dạy không phải chỉ ở chỗ phải đối diện với một thứ
thơ phi tuyến tính, mà ở chính việc làm thế nào chuyển tải cho học sinh một cách thuyết phục
? Không phải cứ thuyết giảng một cách hào hứng, bát ngát về cái chất chính nghĩa của hình
ảnh rồi áp đặt lên học sinh. Học sinh bây giờ thích tìm hiểu vấn đề một cách cặn kẽ, đành rằng
văn thơ nói riêng và kiến thức nói chung có những cái không thể cắt nghĩa một cách rạch ròi.
Song bất kể tác phẩm nào dẫu bất định đến mấy trong cảm xúc và sự thể hiện thì chiều sâu của
nó vẫn phải là một liên kết bên vững có đầy đủ lí do. Bởi vậy cách tiếp cận tốt đối với thi

Page 15



phẩm này trước hết cần nhận thức được các yếu tố liên quan chi phối tới bài thơ như: phong
cách thơ Thanh Thảo, cội nguồn cảm hứng của bài thơ – nhân vật Lorca; yếu tố tượng trưng.
Trước hết phải giúp học sinh hiểu được phong cách và vị trí của nhà thơ Thanh Thảo.
Bởi lẽ phong cách thơ chi phối tới sự sáng tạo cụ thể của bài thơ. Và Thanh Thảo là nhà thơ
tạo cho mình được cái hồn riêng. Thanh Thảo đến với công chúng bằng những bài thơ, những
trường ca đi tìm “những gương mặt” “lấp lánh chất người”, đi tìm những nghĩa khí và trung
trực như còn kết đọng đâu đây (“Những người đi tới biển” (1977), “Dấu chân qua trảng cỏ”
(1978), “Khối vuông ru-bic” (1985). Thế nhưng lại gây tiếng vang bằng những đột phá về cách
thể hiện thơ. Thơ Thanh Thảo chính là tiếng nói trăn trở của người trí thức về chất Người, về
các vấn đề sâu xa của thời đại. Tuy nhiên, những trăn trở ấy lại được thể hiện bằng những tìm
tòi đổi mới: Vượt lên trên những kí thác chân dung thời đại và con người một cách đơn giản
bằng việc đào sâu vào thế giới nội cảm, thể hiện những suy tư sâu sắc; Mở đường cho những
liên tưởng phóng túng, mãnh liệt bằng việc giải phóng hình thức câu thơ (câu thơ tự do hơn);
Đề xuất một mĩ cảm tươi mới cho thơ hiện đại bằng thi ảnh và ngôn từ mới lạ, mang màu sắc
siêu thực, bằng nhịp điệu bất thường.
Yếu tố thứ hai liên quan tới bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”, cần phải kể đến đó là nhân
vật Lorca. Bài thơ được rút từ tập “Khối vuông ru-bic”(1985) là một trong những sáng tác tiêu
biểu cho lối thơ giàu suy tư, mãnh liệt trong cảm xúc. Tập thơ nói đến nhiều những tấm gương
chính nghĩa. Và nhân vật Lorca, một người anh hùng đơn độc đấu tranh không mệt mỏi cho tự
do, dân chủ chống lại nền độc tài; một nhà thơ khát khao cách tân nghệ thuật để đổi thay một
nền nghệ thuật đã quá già nua của Tây Ban Nha đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để tạo
nên sáng tạo của Thanh Thảo. Ở yếu tố này cần cho học sinh thấy được Thanh Thảo tìm được
niềm đồng cảm ở Lorca trên cả hai tư cách: Tư cách con người công dân và tư cách nghệ sĩ.
Với tư cách công dân, Lorca là biểu tượng của chính nghĩa, đấu tranh chống lại nền độc tài phát
xít Frang-co (Kiểu con người này luôn là nguồn cảm hứng của thơ Thanh Thảo). Với tư cách
nghệ sĩ, Lorca là một tài năng thơ ca, luôn khát khao cách tân nghệ thuật. Ở điểm này Thanh
Thảo tìm được nơi gửi gắm tiếng nói tri âm của một nhà thơ Việt Nam trong những năm đổi
mới. Với tư cách con người, Lorca là một thân phận gặp nhiều bi kịch, một hệ quả tất yếu của
những nhân cách trên. Ở phương diện này, Thanh Thảo không chỉ thấy Lorca là biểu tượng của

cái đẹp mà còn là một hiện thân bi xót cho cái đẹp đơn độc bị chà đạp giữa cuộc đời. Song cũng

Page 16


cần phải thấy từ Lorca của nền thơ Tây Ban Nha đến một Lorca của Thanh Thảo là một quá
trình sáng tạo.
Cùng với những yếu tố nền, quá trình khám phá bài thơ chính là ở quá trình giáo viên
dẫn dắt học sinh giải nghĩa hệ thống hình ảnh phi tuyến tính, giàu màu sắc biểu trưng, nhất là
hình ảnh tiếng đàn, cây đàn. Mặt khác cũng phải thấy, xét trên phương diện kết cấu, bài thơ có
cấu trúc đặc biệt gồm 6 khổ thơ 3 khổ đầu mỗi khổ 6 câu, 3 khổ sau mỗi khổ 4 câu, không có
dấu câu, các chữ đầu dòng không viết hoa. Tuy nhiên, ý thơ vận động theo một mạch tự sự rất
rõ. Nắm được hệ thống thi ảnh, kết cấu và mạch vận động, giáo viên có thể thiết kế một hệ
thống câu hỏi khá logic giúp học sinh khai phá được mạch thơ, nhập cảm được với hình tượng.
Ví như ở phần đầu bài thơ có thể đặt những câu hỏi: Mở đầu bài thơ là hình ảnh nào ? Có đặc
điểm gì ? Nó được gợi tả trong sự tương phản với hình ảnh nào ?...Sự liên kết những hình ảnh
“tiếng đàn”, “áo choàng đỏ”, âm thanh “li la”- loài hoa li la có sức gợi như thế nào ?
Ở phần đầu bài thơ, chỉ bằng vài nét chấm phá nhà thơ đã gợi lên hình tượng Lorca cô
đơn mà kiêu hãnh trên cái nền đặc trưng của văn hoá Tây Ban Nha.
Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nhà áo choàng đỏ gắt
li-la li- la li-la
Để tạo dựng một không gian văn hóa Tây Ban Nha, Thanh Thảo chọn những hình ảnh tiêu
biểu nhất, giàu sức gợi. Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh miêu tả âm thanh: “những tiếng
đàn bọt nước”. “Tiếng đàn”- âm thanh vô hình, được miêu tả gắn liền với hình ảnh “bọt
nước” - cái hữu hình mà mong manh. Đây là cách cảm nhận của bút pháp tương giao vừa
bằng thính giác vừa bằng thị giác có tác dụng gợi tả tiếng đàn ghi ta bồng bềnh ngân vang
trong không gian, tạo âm đệm cho sự xuất hiện của người nghệ sĩ hát lên bằng thơ ngợi ca sức
sống mãnh liệt của dân tộc mình đồng thời cũng mở ra một không gian văn hóa Tây Ban Nha,
quê hương của đàn ghi ta. Không chỉ thế "tiếng đàn” gắn liền với “bọt nước" còn biểu trưng

cho cái đẹp phù du, mong manh, dễ vỡ và cô đơn biết bao trước không gian, tạo ấn tượng sơ
khai về đối tượng cảm xúc Lorca – người nghệ sĩ có số phận oan khuất.
Tương phản với chi tiết “tiếng đàn bọt nước” là hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ
gắt.” Đây là một mã văn hóa gợi đến khung cảnh của một đấu trường giữa võ sĩ và bò tót,
một hoạt động văn hóa độc đáo của của đất nước Tây Ban Nha. Nhưng hơn thế, nó gợi liên

Page 17


tưởng đến một đấu trường đỏ máu giữa khát vọng dân chủ, niềm thiết tha được cách tân nghệ
thuật của người công dân - nghệ sĩ Lor-ca với nền chính trị độc tài và một nền nghệ thuật già
nua của đất nướcTây Ban Nha. Dòng thơ thứ ba mô phỏng một chuỗi âm thanh ngân vang như
một điệp khúc “li la li la li la” gây ấn tượng sâu sắc, đem đến cho người đọc một hình dung
về người nghệ sĩ hát rong những bản đàn đã từng vang lên say đắm lòng người . “Li-la” cũng
là tên loài hoa tím huyền ảo thường thấy trong tác phẩm nghệ thuật châu Âu. Sự liên kết của
ba hình ảnh tưởng chừng như không logic: “tiếng đàn”, “áo choàng đỏ gắt”, âm thanh hay loài
hoa “li la”đã mở ra một không gian văn hóa đậm chất Tây Ban Nha, nơi nuôi dưỡng tâm hồn
Lorca.
Trên nền cảnh ấy, nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy một con người tự do, một nhà
cách tân nghệ thuật thật mong manh và đơn độc:
li la li la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Đây là những dòng thơ kí họa hình tượng Lorca bằng ấn tượng. Thanh Thảo đã khắc
chạm sự cô đơn của Lor-ca thật hữu hình, cụ thể. Những từ láy gợi cảm “chếnh choáng”,
“lang thang”, “mỏi mòn” xuất hiện như nét vẽ liên tục phác họa chân dung và cảm xúc của
Lorca. Lorca hiện ra như một kẻ du ca, điển hình cho hình ảnh người nghệ sĩ chân chính theo
quan niệm phương Tây: “đơn độc” và vô hại. Hai chữ “đơn độc” diễn tả nỗi cô đơn khắc khoải
của người nghệ sĩ chỉ có “vầng trăng”, dấu chân “yên ngựa” kia làm bạn trên khắp nẻo đường

Tây Ban Nha. Đơn độc là thế ! Nó vang lên thành âm thanh lạc điệu của tiếng đàn giữa không
gian ngột ngạt Tây Ban Nha. Nó in dấu trên yên ngựa “mỏi mòn”, “lang thang”. Nó đồng hành
cùng với “vầng trăng chếnh choáng” cô thương. Dĩ nhiên, đó không phải là nỗi cô đơn nhỏ bé
của cá nhân giữa cuộc đời mà là nỗi cô đơn cao cả của một con người nghệ sĩ chân chính đi
tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn, một mình đi trên con đường đấu tranh chính nghĩa mà không
phải ai cũng hiểu và cảm thông. Cùng với các từ láy tạo hình và gợi cảm xúc cao, hình ảnh
“vầng trăng chếnh choáng” trên “yên ngựa” là hình ảnh đẹp, hấp dẫn vừa tiếp tục gợi tả Lorca
như một nghệ sĩ lãng du vừa diễn tả một trạng thái xúc cảm say mê, hưng phấn của người nghệ
sĩ và còn mang tính biểu trưng cho cái đẹp mà người sĩ đang kiếm tìm. Khép lại đoạn thơ, từ

Page 18


láy “mỏi mòn” đưa người đọc đến một kênh cảm xúc khác của người nghệ sĩ Lorca. Hóa ra trên
hành trình cô thương đi tìm và đấu tranh vì cái đẹp đâu chỉ có nỗi cô đơn, có những giây phút
bay bổng, chếnh choáng của cảm xúc mà còn có bao mỏi mệt. Và dường như đó là sự trả giá
mà người nghệ sĩ phải nếm trải trên con đường đến với nghệ thuật. Giọng thơ theo từ ngữ này
mà trĩu xuống, dự báo chuyển mạch cảm xúc tất yếu ở đoạn thơ thứ hai nói về cái chết của
Lorca, sự trả giá đắt nhất của một con người đơn độc trên hành trình đấu tranh cho chính nghĩa
và sáng tạo nghệ thuật.
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời Lorca được nhà thơ Thanh Thảo tái hiện lại
ngắn gọn và đặc sắc như thế. Có một sự thật đơn giản mà tàn nhẫn được hé mở trong câu thơ.
Chính tiếng “hát nghêu ngao”, tiếng hát vô tư ngợi ca tự do, dân chủ đâu ngờ lại là nguyên cớ
đưa người nghệ sĩ Lorca đến cái chết tàn khốc, kinh hoàng: “Áo choàng bê bết đỏ”. Lại một
lần nữa, hình ảnh áo choàng đỏ xuất hiện, nhưng không gợi cảm giác chói lọi ngột ngạt hư
vinh của một đấu trường chính trị mà nó là hoán dụ độc đáo cho một cảnh tượng bi tráng về

cái chết đầy oan khuất, bất ngờ của Lorca. Nghe trong ý thơ như có niềm đồng cảm sâu kín
của Thanh Thảo về nỗi đau thơ Việt trong những năm đổi mới đã phải trải qua những trả giá
xót xa. Điều thú vị là khi diễn tả khoảnh khắc bi phẫn này nhà thơ sử dụng lối kết hợp từ cô
đúc và phóng khoáng mở ra một biên độ liên tưởng rộng rãi cho người đọc. Cụm từ “Tây Ban
Nha” trong câu thơ “Tây Ban Nha bỗng kinh hoàng” không có định ngữ xác định cụ thể nên
cho phép người đọc liên tưởng theo nhiều chiều. Có thể đó là một "Tây Ban Nha áo choàng đỏ
gắt" ở đoạn thơ trên, diễn tả hình ảnh một dân tộc đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu.
Nhưng theo mạch cảm xúc có lẽ nên hiểu đây là hình ảnh hoán dụ cho thân phận Lorca, gợi
ấn tượng về cái chết kinh hoàng, oan khốc. Thế mới thấy sức gợi của hình ảnh thật phóng
túng, bất ngờ nhưng tất cả cùng hòa cảm diễn tả thật bi xót giây phút ra đi đau đớn, đầy bi
phẫn của một tinh anh.

Page 19


Trong khoảnh khắc bi phẫn này, chân dung Lorca hiện lên cũng bi thương. Dường như
con người thường xuyên bị ám ảnh về cái chết ấy cũng kinh hoàng, cũng không ngờ được rằng
cái chết đến với mình sớm đến vậy. Âm điệu thơ rung lên trong những đau đớn, căm uất.
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du.
Những câu thơ giản dị như lời kể hé mở một hiện thực phi lí, không thể chấp nhận nổi
ngay kể cả với bản thân Lorca. Lorca sống đơn côi và chết cũng đơn côi, lặng thầm. Sự thật là
cái chết của chàng đã từng mãi nằm trong màn bóng tối.
Cùng với việc tái hiện khoảnh khắc bi phẫn nhất của cuộc đời của Lor-ca, nhà thơ
Thanh Thảo bất ngờ chuyển mạch liên tưởng, một liên tưởng giống như một giấc mơ về tiếng
đàn - sinh mệnh nghệ thuật của cuộc đời Lor-ca:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

Ở đoạn thơ này Thanh Thảo cũng đang nỗ lực làm một cuộc kiếm tìm nhịp điệu hài
hoà giữa những giấc mơ về âm nhạc và ngôn từ. Tiếng đàn là linh hồn, là định mệnh của
Lorca. Sinh thời Lorca từng viết về cây đàn
Ghi ta bật khóc
như nước chảy theo mương
như gió trườn trên tuyết
Không thể nào
dập tắt
Ghi ta khóc
không ngừng
những chuyện đời xa lắc
Ôi ghi ta
trái tim ngươi tử thương
dưới năm đầu kiếm sắc.
(Cây đàn Ghi ta)

Page 20


Tuy nhiên ở Thanh Thảo suy tưởng về tiếng đàn thật phóng túng không nhằm mục đích
mô phỏng, minh hoạ cái trong cái đục của âm thanh như câu thơ của Nguyễn Du “Trong như
tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời”. Ngược lại, nhà thơ diễn tả nhạc điệu
tiếng đàn bằng nhịp điệu của ngôn ngữ dồn dập :“tròn bọt nước”, “vỡ tan”, “ròng ròng”,
“máu chảy”.Nhưng đẹp nhất vẫn là cách diễn tả âm thanh bằng màu sắc (nâu, xanh), bằng
hình ảnh liên tưởng (“bầu trời cô gái ấy”, “ tròn bọt nước”).Tiếng đàn vì thế hiện lên trong
hoài cảm của nhà thơ như một bản tình ca yêu cuộc sống, biểu trưng cho cái Đẹp. Đó là tiếng
đàn “ghi ta nâu”. Nâu là mầu vỏ quen thuộc của chiếc ghi ta, cũng là sắc mầu của đất đai, gợi
buồn thương da diết. Đó là tiếng đàn “ghi ta lá xanh” , xanh sắc mầu của bầu trời, cây lá, của
sự sống mênh mang, của hy vọng, lung linh vẻ đẹp tình yêu cuộc đời và con người. Đó là tiếng
đàn ghi ta “tròn bọt nước”, vóc hình của âm thanh trong veo, tròn trịa... Mỗi so sánh là mỗi

lần nữa làm nổi bật hơn tình yêu, cái đẹp trong tư tưởng, khát vọng tình cảm của Lor- ca.
Song trong cảm thức của Thanh Thảo, giây phút bi phẫn của cuộc đời Lorca thì tiếng
đàn của chàng cũng đã hóa thành thân phận, trở thành một linh hồn mang nỗi đau.
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Bản tình ca da diết về tình yêu sự sống chợt đứt đoạn. Hai chữ "vỡ tan" đánh dấu thời
điểm đổ vỡ ấy. Ôi ! Lor- ca, con người đã sống đơn thương trên con đường đấu tranh, Lor-ca
con người đã từng hát những điệu đàn đấy sức mạnh quả cảm, tự do trong cuộc đời đã chết rồi
! Có thể đọc trong âm điệu thơ những nghẹn ngào tiếc xót trong lòng Thanh Thảo về số phận
bi kịch của một người nghĩa khí, những căm giận bức bối đối với tội ác của bọn phát xít. Tiếng
đàn nâu, xanh, mầu sự sống đất trời mênh mang, mầu của buồn vui tha thiết cũng biến sắc
thành màu của cái chết: “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”. Nó là tiếng van vỉ than khóc của
trái tim bị một tử thương. “Ghi ta ròng ròng máu chảy” là một hình ảnh nhân hóa nhức nhối
về sắc màu, đau đớn về cả cảm giác, gợi suy tưởng về cái chết đau thương của người nghệ sĩ.
Lor-ca bị hành quyết, tiếng đàn – bản tình ca yêu sự sống của chàng cũng bị hành quyết. Giờ
đây, nỗi đau nghệ thuật đã hòa cùng nỗi đau thân xác... Câu thơ gợi nhắc những ý thơ quen
thuộc trong một số sáng tác của Nguyễn Du:
- “ Bốn dây như khóc như than…”

Page 21


- “…Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
(Truyện Kiều)
- “Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương vô mệnh đốt còn vương.”
(Độc "Tiểu Thanh kí")
Với người nghệ sĩ sản phẩm của họ là tinh thần họ, thân xác đau đớn nghệ thuật cũng
đau đớn. Lor-ca và tiếng đàn đã hòa làm một.

Như vậy ở phần thơ thứ 2, giáo viên phải giúp học sinh cảm nhận được giờ khắc bi
phẫn của cuộc đời Lorca - đối tượng trữ tình, trong đó phải thấy đoạn thơ như lời hồi tưởng,
khóc thương cho một người nghệ sĩ chân chính, và nỗi đau thân phận oan khuất của tiếng đàn.
Vượt lên trên bề mặt câu chữ giáo viên của phải cho học sinh nhận thức được những đối lập
ghê gớm giữa tự do của người nghệ sĩ và thế lực tàn bạo của phát xít, giữa tiếng hát yêu đời,
vô tư và hiện thực phũ phàng đến kinh hoàng (áo choàng bê bết máu), giữa tình yêu, cái đẹp
với hành động tàn ác, dã man. Trên nền đối lập ấy Lor ca đi về trong suy tư của tác giả bi
thương nhưng là sự bi thương bất tử.
Ở phần thơ thứ 3 dòng cảm xúc đi từ xót thương chuyển hóa thành niềm tin về sự bất tử
của Lorca , của những bài ca đẹp mà chàng đã dâng tặng cho cuộc đời.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang.
Những câu thơ nhắc tới lời thơ như lời tuyệt mệnh, dự báo cái chết bi kịch ngay khi
còn sống của Lor-ca:
“Khi tôi chết
hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta
trong cát .”
(Ghi nhớ)
Tuy nhiên, ý thơ Thanh Thảo không chỉ nhằm mục đích tái hiện tình yêu say đắm của
Lorca với nghệ thuật, với đất nước Tây Ban Nha hay chạm khắc lại bằng ngôn ngữ cái tư
tưởng sâu sắc, có tính tiến bộ của Lorca: cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để thi ca đó

Page 22


không trở thành vật án ngữ cản trở sự sáng tạo nghệ thuật, giúp nghệ thuật đi tới, vươn cao
hơn. Vượt lên ý nghĩa này, Thanh Thảo muốn khẳng định sự vĩnh hằng của Lor-ca bằng hình
ảnh so sánh quen thuộc mà độc đáo có khả năng khơi gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc: “tiếng
đàn như cỏ mọc hoang”. Cỏ là một biểu tượng quen thuộc trong thế giới nghệ thuật, tượng
trưng cho sự đơn sơ khiêm nhường dân dã, sức sống mãnh liệt, trường tồn bất diệt. Vì thế, so

sánh này trước hết nhằm bất tử hóa tiếng đàn của Lorca, tài năng sáng tạo nghệ thuật của
Lorca, và khẳng định một chân lí: Có thể giết chết một con người nhưng không thể tiêu diệt
được khát vọng sống và khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Đàn có thể bị đập vỡ nhưng
tiếng đàn - Cái Đẹp không thể bị hủy diệt, nó sẽ được truyền tụng mãi mãi. Song cũng có thể
hiểu so sánh này còn mang ý nghĩa bày tỏ nỗi xót xa tiếc nuối trước sự ra đi đột ngột của
Lorca. Lorca ra đi đã để lại sự nghiệp dở dang, những khát vọng cách tân còn bỏ ngỏ, từ đây
nền nghệ thuật Tây Ban Nha sẽ không còn ai dẫn đường - như cỏ hoang.
Đồng hành với những suy tư về tiếng đàn sinh mệnh nghệ thuật của Lorca, Thanh Thảo
cũng suy tư về cái chết của Lorca: “Giọt nước mắt vầng trăng - long lanh trong đáy giếng”.
Hình ảnh này gợi nhắc lại cái chết oan khuất của Lorca. Chàng bị bọn phát xít giết, xác của
chàng cũng bị ném xuống giếng sâu để phi tang. Nhưng cảm xúc đậm đặc gợi lên từ câu thơ
vẫn là một vẻ đẹp cao khiết, rạng ngời. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng phép tỉnh lược ngôn ngữ,
xóa bỏ liên từ một cách tối đa tạo ra những lớp ý nghĩa mới. “Giọt nước mắt” của ai ? Của
Lorca ? Của vầng trăng ? Hay của nhân dân Tây Ban Nha ? Vầng trăng nơi đáy giếng hay
vầng trăng soi xuống đáy giếng ? Dù hiểu theo cách nào, hình ảnh vẫn chơi vơi giữa hai miền
cảm xúc: thương cảm và ngợi ca, nỗi đau và cái đẹp. Nó long lanh soi tỏ và khóc thương một
con người đã chết cho quê hương, cho sự hồi sinh của nền dân chủ. Và dường như nó còn là
hoá thân của huyền thoại Lorca. Nếu tiếng đàn chàng nghệ sĩ Lorca đã hoá thân thành cỏ dại
bất diệt, thì phải chăng thân xác chàng đã hoá thành giọt nước mắt - vầng trăng, biểu tượng
của nỗi đau oan khuất, của cái đẹp bất diệt có khả năng tái sinh tình yêu, và giải oan cho thân
phận Lorca.
Suy tư về sự bất tử của Lorca, nhà thơ cũng dựng lên một huyền thoại về cuộc giã từ
của Lorca với cuộc đời.
đường chỉ tay đã đứt

Page 23


dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang

trên chiếc ghi ta màu bạc
Đây là hai hình ảnh có tính chất liên kết giữa thực và hư. Hình ảnh “đường chỉ tay đã
đứt” tượng trưng cho định mệnh nghiệt ngã, dự báo cái chết. Thật vậy, sinh thời Lorca hay nói
về cái chết. Còn hình ảnh “dòng sông rộng vô cùng” mang màu sắc huyền thoại, là dòng sông
thời gian, tượng trưng cho đường biên ngăn cách hai thế giới: thế giới của người sống và thế
giới của người chết, thế giới của thực tại ngắn ngủi và thế giới của huyền thoại bất tử. Trong
cảm nhận của Thanh Thảo, Lorca nắm được định mệnh của mình, nên chàng đã về với thế giới
vĩnh hằng trong dáng vẻ nghệ sĩ, bình thản, chủ động: “Lorca bơi sang ngang”. Dòng thơ toàn
thanh bằng, giọng điệu mênh mang, phiêu diêu diễn tả tư thế của cuộc giã từ thật tráng lệ.
Chính “chiếc ghi ta màu bạc”, sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của ông đã là con thuyền thơ
tuyệt đẹp trở người nghệ sĩ ấy phù du về cõi bất tử. Trong giây phút giã từ như một giấc mơ
này, hình ảnh chiếc ghi ta cũng chuyển màu từ những sắc màu đậm nét của sự sống: “nâu”,
“xanh”, của nỗi đau “ròng ròng máu chảy” chuyển thành “màu bạc”, màu của huyền thoại, cao
khiết, sang trọng.
Nhưng để bước qua thế giới ấy, Lor-ca cũng phải từ bỏ tất cả những gì đã từng gắn bó
thiết tha:
chàng ném lá bùa cô gái Di -gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li- la li -la li -la...
Giã từ thế nào đây khi sau lưng là tất cả những gì thân thương ? Một loạt những hình
ảnh đầy tính siêu thực xuất hiện đoạn thơ. "Lá bùa cô gái Di-gan", lá bùa định mệnh biểu
tượng của niềm tin vào sự cứu rỗi, "trái tim" biểu tượng của sự sống, tình yêu, "xoáy nước",
hiện thân của những sóng gió, những vang động bất thường. Lor-ca cũng phải “ném” tất cả
những gì mà cuộc đời mình đã từng đa mang để đi vào huyền thoại. Động từ "ném" diễn tả
một hành động mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ dù dằn lòng đau đớn. Bởi lá bùa cứu rỗi kia nó
không còn chức năng cứu rỗi nổi con người. Định mệnh đã sắp đặt trên lòng bàn tay. Bởi trái

Page 24



tim kia đã lặng im bất chợt trước nhịp sống. “Xoáy nước” hãy cuốn đi, lặng im để cho nhịp
thời gian chảy mãi: li-la li-la..., để cho sự sống ở lại vẫn tiếp tục hành trình vô tận của nó, sự
sáng tạo nghệ thuật mãi tiếp diễn hồi sinh. Sứ mệnh của Lor-ca đã hoàn thành.
Chợt thấy thấp thoáng dư âm của một khúc tống biệt hành “Mẹ thà coi như chiếc lá
bay…”. Bi tráng biết bao! Nhưng giọng thơ còn khắc khoải một tâm sự đồng cảm của chính
Thanh Thảo về một khát khao đổi mới thơ Việt. Để bước đến một thế giới mới, một thời đại
mới của sáng tạo đôi khi con người nghệ sĩ phải dám từ bỏ cả chính mình, tình yêu một thời,
niềm tin một thời, sự sống một thời – một khi tình yêu ấy, niềm tin ấy, sự sống ấy đã “lặng
im”. Đó là cách mở đường cho những âm vang mới li- la li-la...
Bài thơ kết thúc bằng việc láy lại chuỗi âm thanh của tiếng đàn trong khúc dạo đầu của
bài thơ: “li-la li-la li-la”. Một lần nữa điệp khúc này vang lên vừa gợi liên tưởng về sự bung
nở bát ngát mênh mang của sắc tím hoa li-la huyền ảo, vừa khiến cho bài thơ vừa có hình thức
vĩ thanh của bản nhạc giao hưởng bè trầm bi tráng, mang dáng dấp của một khúc ca tưởng
niệm về một con người có nhân cách thanh cao. Đó chẳng phải là cách bày tỏ chân thành và
cảm động nhất sự tri âm và lòng kính trọng của Thanh Thảo đối với người nhạc sĩ, nhà thơ
Tây Ban Nha Phê-đê-ri-cô Ga-xi-a Lor-ca hay sao ?

Page 25


×