Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Phong tục tập quán Việt: Tết Đoan Ngọ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (47.8 KB, 2 trang )

TẾT ĐOAN NGỌ
Ca dao có câu:
Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm...
Chứng tỏ rằng tết Đoan Ngọ là một tết cũng được sự chú ý của người Việt Nam ta xưa, nay.
Theo sách "Phong thổ ký" thì Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa. Đoan Ngọ là bắt đầu
lúc giữa trưa. Sở dĩ được gọi như thế vì tháng Năm là tháng có nắng to, khí dương đang
thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch.
Cũng như các tết khác, tết Đoan Ngọ cũng có cúng lễ (lễ đền, miếu, thần linh, tổ tiên và ông
bà). Ngoài cúng lễ còn có nhiều tục lệ như: tục giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, tục
đeo bùa tui, bùa túi, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ, tục
treo ngải cứu để trừ tà, tục đi sêu... Trong tám tục lễ trên, có lẽ tục người ta chú ý nhất là tục
lễ sêu- một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha
mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo.
Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới thường đi sêu bố mẹ vợ nhân
ngày Tết Đoan Ngọ.
Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm.
Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao
giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa
hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa.
Chàng rể đi sêu, lẽ tất nhiên bố mẹ vợ nhận đồ lễ, nhưng bao giờ cũng hoàn lại một phần,
thường chỉ nhận một nửa. Bởi lễ trọng ở lòng thành, chứ không trọng ở chỗ nhiều ít. Theo
tập quán ít ai nhận đồ biếu tết mà không lại quả, nghĩa là để lại cho người biếu một nửa. Có
những trường hợp các chàng rể nài nỉ để bố, mẹ vợ nhận hết, bố mẹ vợ sẽ nói: "Thầy mẹ đã
nhận cả, nhưng đây là thầy mẹ gửi biếu ông, bà đằng nhà...".
Thật là lịch sự vậy thay!
Chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới đi lễ sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lễ
sêu, nhưng trong dịp tết Đoan Ngọ (hoặc các dịp lễ, tết khác) các chàng rể dù nghèo vẫn cố
chạy món quà nhỏ để biếu bố, mẹ vợ. Lễ biếu này nhiều, ít tuỳ tâm và không quan trọng
bằng lễ sêu.
Các ông đồ xưa dạy học thường không lấy học phí. Hàng năm vào dịp mồng 5 tháng Năm


các học trò đều có đồ lễ tết thầy. Thúng gạo, đôi ngỗng, phong chè, gói bánh hoặc túi hoa
quả, tuỳ tâm bố mẹ học trò. Những gia đình giàu có thường phong bao một số tiền. Học trò
cũ đã làm nên danh vọng cũng không quên thăm thầy vào dịp này.
Các con bệnh được các ông lang chữa khỏi bệnh, mặc dù đã trả tiền thuốc, nhưng cũng
không quên ơn cứu mệnh cho mình, nên trong dịp tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết hái thuốc)
cũng mang quà tết thầy lang. Đồ lễ cũng gồm: đậu xanh, gạo nếp, ngỗng, chim ngói... như đồ
lễ học trò tết thầy học.
Thế đấy, người Việt Nam ta ăn tết Đoan Ngọ để mừng mùa lúa chiêm bội thu, rau, đậu sai
quả, chim, thú nảy nở, ăn mừng kết quả của những ngày lao động chống nắng, thắng mưa,
đem về cái no, cái ấm của mọi nhà.
Cùng với nhiều tục lệ cổ truyền về tết, những tục lệ này đã bảo tồn được tính chất đặc biệt
của nền văn hoá Việt Nam, xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức.
Những tục tết thầy học, tết thầy thuốc tết nhạc phụ, nhạc mẫu, biếu tặng những người đã tri
ân cho mình, chứng tỏ rằng lễ giáo của ta đẹp, giàu tính nhân văn, đáng được tôn trọng, giữ
gìn và phát huy; những ân sâu, nghĩa trọng không bao giờ chúng ta quên.
Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ với tục lễ đi sêu vẫn tồn tại trong lòng
nhân dân với ý nghĩa thiêng liêng, riêng biệt và đặc biệt của người Việt xưa, nay.
Việt Báo(Theo Monngonhanoi.com)

×