Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Viêm amidan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.9 KB, 10 trang )

VIÊM AMIDAN
Trần Hải Yến.
Bộ môn Tai Mũi Họng.
MỤC TIÊU:
Sau bài học này sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán viêm Amidan cấp và mạn mạn
tính.
2. Kể ra được các biến chứng của viêm Amidan.
3. Nêu được các chỉ định và chống chỉ định cắt Amidan.
1. ĐẠI CƯƠNG:
1.1. Giải phẫu:
Amidan khẩu cái (gọi tắt là Amidan) là tổ chức lympho lớn nhất trong vòng
Waldeyer, nằm ở thành bên họng miệng trong một hốc được tạo bởi cơ khẩu cái lưỡi
(tạo nên trụ trước), cơ khẩu cái họng (tạo nên trụ sau) và cơ xiết họng trên phía ngoài.
Bề mặt amidan có khoảng 10-30 rãnh ăn sâu vào nhu mô được bao phủ bởi biểu
mô vảy không sừng hoá. Cấu trúc Amidan gồm nhiều nang lympho, mỗi nang có một
trung tâm sinh sản đóng vai trò sản sinh ra các lympho B và T.
Amidan không có mạch bạch huyết đi vào. Dẫn lưu bạch huyết cho Amidan về
nhóm hạch cổ sâu trên, đặc biệt là nhóm hạch cảnh nhị than ở vùng góc hàm.
Chi phối cảm giác cho amidan do các nhánh amidan của dây thần kinh IX và
một số nhánh của thần kinh khẩu cái bé (dây V).
Hoạt động miễn dịch sinh lí của amidan mạnh nhất là trong khoảng 4-10 tuổi,
sau đó thoái triển dần sau tuổi dậy thì. Các lympho B của amidan sản xuất ra cả 5 loại
immunoglobulin nhưng IgA đóng vai trò quan trọng nhất trong miễn dịch tại chỗ cho
niêm mạc của đường hô hấp-tiêu hoá trên. Ngoài ra các tế bào lưới của hệ thống liên
võng nội mô của Amidan còn có chức năng thực bào.
Bình thường trong họng cũng như trên bề mặt Amidan có các vi khuẩn kí sinh,
chủ yếu ở trạng thái không gây bệnh (-S.pneumoniae, H.influenzae, M.catarrhallis,
Fusobacterium, Neisseria…).
Viêm Amidan là bệnh hay gặp, chiếm khoảng 10% dân số và thuộc nhóm bệnh
hay gặp hàng đầu trong các bệnh ở họng,. Viêm Amidan mạn tính là tình trạng viêm tại


Amidan kéo dài trên 3 tháng.
1.2. Nguyên nhân:
1.2.1 Viêm nhiễm
*Virus: Adenovirus, Rhinovirus, virus cúm, á cúm, virus hợp bào đường thở
*Vi khuẩn:viêm Amidan thường do vi khuẩn ái khí (tụ cầu, liên cầu, Haemophilus
influenzae …) và yếm khí kết hợp gây bệnh, đặc biệt là các vi khuẩn có khả năng tiết

1


-lactamase. Lưu ý liên cầu β tan huyết nhóm A có thể gây biến chứng thấp tim, viêm

cầu thận
1.2.2 Yếu tố thuận lợi:
- Lạnh, ẩm, thay đổi thời tiết đột ngột.
- Ô nhiễm môi trường: khói, bụi độc hại.
- Suy giảm sức đề kháng, người thể trạng tân.
- Có các ổ viêm kế cận: viêm VA, viêm xoang, viêm răng, …
2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
2.1 Viêm Amidan cấp tính: thực chất là một viêm họng khu trú, thường gặp ở trẻ em
2.1.1 Toàn thân
-Bệnh bắt đầu đột ngột với cảm giác gai rét rồi sốt, nhiệt độ có thể 39-40 ºC
-Người mệt mỏi, nhức đâu, đau mình mẩy, chán ăn
2.1.2 Cơ năng
-Nóng rát trong họng ở vị trí Amidan sau đó trở thành đau rõ rệt, đau nhói lên tai,
đau tăng khi nuốt
- Nuốt khó, nuốt vướng, tăng tiết đờm daĩ, hơi thở khò khè
- Có thể ho từng cơn
2.1.3 Thực thể
- Toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực, Amidan sưng to đỏ, thể này thường do virus. Nếu

do nhiễm khuẩn thì bề mặt Amidan có nhiều chấm mủ hoặc màng mủ như váng cháo,
nên quệt mủ để thử vi khuẩn (soi tươi và nuôi cấy), đặc biệt lưu ý đến liên cầu khuẩn β
tan huyết nhóm A vì có thể gây biến chứng thấp tim, viêm cầu thận
- Hạch góc hàm có thể sưng đau.
2.2 Viêm Amidan mạn tính
2.2.1Toàn thân:
- Thường nghèo nàn.
- Trẻ em chậm lớn, ăn uống giảm sút, chơi đùa và học tập kém.
- Đôi khi có sốt không rõ nguyên nhân, tiểu ra máu cùng với đợt viêm Amidan
cấp tính.
2.2.2 Cơ năng: thường không đặc hiệu, tùy thuộc từng bệnh nhân và thể bệnh
- Cảm giác vướng họng. Nuốt đau trong các đợt viêm cấp, có thể đau lan lên tai.
- Hơi thở hôi, có thể khạc ra các hạt bã đậu mùi rất hôi.
- Ho húng hắng.
- Ngủ ngáy to.
2.2.3 Thực thể:
- Amidan quá phát (giới hạn vượt quá hai trụ) làm hẹp eo họng hoặc thể chìm, xơ
teo (giới hạn không vượt quá hai trụ).
2


- Bề mặt có các khe hốc chứa chất bã đậu hoặc có các nang bã đậu hoặc nhẵn.
- Trụ trước amidan đỏ. Trụ sau có thể nề dày thành trụ giả.
- Hạch vùng góc hàm, dưới cằm to.
- Trẻ em thường kèm viêm VA.
3. CHẨN ĐOÁN:
3.1. Chẩn đoán xác định:
3.1.1Viêm Amidan cấp
- Hội chứng nhiễm trùng: sốt, mệt mỏi, số lượng bạch cầu tăng chủ yếu là đa
nhân tính

- Đau họng, nuốt vướng nuốt khó
- Hạch góc hàm sưng đau
- Khám họng: amidan sưng to, đỏ, trên bề mặt có nhiều chấm mủ hoặc màng mủ
Dựa vào các triệu chứng cơ năng, thực thể như trên.
3.1.2Viêm Amidan mạn
- Bệnh sử có nhiều đợt viêm cấp, tái phát
- Hay rát họng, nuốt vướng như có dị vật, hơi thở hôi
- Khám có thể thấy amidan to (quá phát), vừa hoặc nhỏ (xơ teo), bề mặt amidan có
chấm mủ như bã đậu
3.2. Chẩn đoán phân biệt:
Bạch hầu họng: thường gặp ở thanh thiếu niêun:
- Toàn thân là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc: sôt cao hoặc hạ nhiệt độ, da
xanh tái, nước tiểu ít...
- Hạch góc hàm sưng to, rất đau
- Khám họng: Amidan phủ đầy giả mạc trắng xám, dai, dính, khó bóc, bóc dễ
chảy máu, giả mạc không tan trong nước
- Soi tươi và nuôi cấy giả mạc có trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium
Diphteria)
3.2.2 Viêm hong Vincent
- Bệnh do xoắn khuẩn Vincent gây ra, hay gặp ở người có tuổi, bị sâu răng
- Đau họng
- Khám họng có giả mạc nông, dày, dễ bóc, không chảy máu
3.2.3Lao Amidan:
Thể trạng gày sút, sốt nhẹ về chiều, Amidan to một bên, hạch cổ to.
Cầnchụp XQ phổi, BK đờm, test BCG, thử tốc độ lắng máu, sinh thiết Amidan.
3.2.4 Ung thư Amidan: u sùi loét một bên Amidan, có thể lan vào các trụ và màn hầu,
u phát triển nhanh, di căn hạch cổ sớm. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết.

3



4. BIÊN CHỨNG
4.1Biến chứng tại chỗ: có thể gặp trong những đợt viêm cấp
- Viêm tấy quanh Amidan và áp xe quanh Amidan.
- Viêm tấy và áp xe khoảng bên họng
.
4.2Biến chứng kế cận:
- Viêm tai giữa.
- Viêm mũi xoang.
- Viêm thanh - khí quản.
- Viêm hạch cổ.
4.3Biến chứng xa:
- Thấp tim.
- Viêm khớp.
- Viêm thận.
- Viêm đường tiêu hoá.
5.ĐIỀU TRỊ:
5.1 Viêm Amidan cấp tính
- Nghỉ ngơi
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, an thần
- Dùng kháng sinh trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn , nguyên tắc dùng
kháng sinh phải đủ liều và đủ thời gian để đề phòng biến chứng
5.2 Viêm Amidan mạn tính: điều trị kháng sinh ít kết quả có thể phẫu thuật cắt
amidal nhưng phải tuân thủ đúng chỉ định và chống chỉ đinh
5.2.1Chỉ định cắt Amidan: trong các trường hợp sau
A) * Viêm cấp tái diễn nhiều lần:
o ≥ 7 đợt trong 1 năm.
o hoặc ≥ 5 đợt/năm trong 2 năm liên tiếp.
o hoặc ≥ 3 đợt/năm trong 3 năm liên tiếp.
*Viêm cấp tái diễn do liên cầu beta tan huyết nhóm A không đáp ứng với điều trị

nội khoa ở bệnh nhân có bệnh lí van tim.
*Gây các biến chứng tại chỗ, kế cận, toàn thân.
*Viêm mạn tính gây hôi miệng.
B)Tắc nghẽn (Amidan quá phát):
* Cản trở hô hấp: ngủ ngáy, phải thở bằng miệng, hội chứng ngừng thở khi ngủ.
4


* Cản trở ăn uống gây nuốt vướng.
* Cản trở phát âm.
C)Nguyên nhân khác:
- Khối u Amidan.
5.2.2Chống chỉ định:
- Đang có viêm amidan cấp hay đang có biến chứng cấp.
- Khi đang bị viêm, nhiễm khuẩn cấp khác (viêm mũi xoang cấp, viêm thận cấp,
thấp khớp cấp,…), địa phương có dịch lây cấp (cúm, sởi, …).
- Có các bệnh mạn tính chưa ổn định (tim mạch, dị ứng, hen...).
- Các bệnh về máu, rối loạn đông máu.
4. PHÒNG BỆNH:
- Điều trị nội khoa triệt để các bệnh lí viêm kế cận (viêm xoang, VA, viêm răng).
- Nâng cao sức đề kháng, vệ sinh mũi họng thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Ngọc Liễn (2006), “Viêm Amidan mạn”, Giản yếu bệnh học Tai Mũi Họng,
Nhà xuất bản y học, Hà Nội, trang 265-268.
2. Võ Tấn (1974), “Viêm Amidan mạn tính ở trẻ em”, “Viêm Amidan mạn tính ở
người lớn”, Tai Mũi Họng thực hành, Tập I, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, trang
204-224.
3. Bailey B.J. Johnson J.T., Newlands S.D. (2006), “Tonsillitis, Tonsillectomy, and
Adenoidectomy”, Head & Neck Surgery - Otolaryngology, 4 th Edition, Lippincott

Williams & Wilkins, pp 1184-1198.
4. Baugh R., Rosenfeld R. et al. (2011), Clinical Practice Guideline : Tonsillectomy
in Children, Otolaryngology -- Head and Neck Surgery, 144: S1.
5. Flint P. et al. (2010), “Pharyngitis and Adenotonsillar disease”, Cummings
Otolaryngology – Head and Neck surgery, Mosby Inc., pp 2782-2802.
6. Lalwani A. (2007), “Management of Adenotonsillar diseases”, Current Diagnosis
& Treatment in Otolaryngology - Head & Neck Surgery, Mc Graw Hill.

5


CASE STUDY 1
Một bé trai 6 tuổi được bố mẹ đưa đi khám TMH vì 1 năm nay cháu thường
xuyên phải há miệng để thở, đêm ngủ có tiếng ngáy, không bị chảy nước mũi hay
hắt hơi. Khám thấy cháu thể trạng bình thường không béo phì, Amidan hai bên gần
chạm đường giữa, mũi sạch, màng nhĩ hai bên bóng sáng bình thường.
Câu 1. Anh (chị) chẩn đoán bệnh cho cháu là:
A.Viêm Amidan cấp tính.
B.Viêm Amidan mạn tính thể quá phát.
C.Viêm Amidan mạn tính thể xơ teo.
D.Đợt cấp của viêm Amidan mạn tính.
[
]
Câu 2. Anh (chị) thấy cần tìm bệnh gì khác hay kèm theo viêm Amidan ở trẻ:
A.Viêm VA.
B.Viêm mũi xoang cấp.
C.Viêm hạch.
D.Viêm phế quản.
[
]
Câu 3. Anh (chị) tư vấn phương pháp điều trị cho trẻ là:
A.Cho thuốc kháng sinh, chống viêm, súc họng và hẹn khám lại sau 1 tuần.

B.Chỉ định phẫu thuật cắt Amidan vì viêm cấp tái phát nhiều lần.
C.Chỉ định phẫu thuật cắt Amidan vì gây cản trở hô hấp kéo dài.
D.Vệ sinh mũi họng và theo dõi, không nên phẫu thuật vì Amidan là tổ chức
tạo ra kháng thể miễn dịch bảo vệ cơ thể.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Đáp án B.
Chọn đáp án B vì bệnh nhân có hai Amidan gần chạm nhau ở đường giữa
nghĩa là giới hạn vượt quá hai trụ, biểu hiện triệu chứng kéo dài 1 năm nên
chẩn đoán đúng phải là viêm Amidan mạn tính thể quá phát.
Câu 2. Đáp án A.
Chọn đáp án A vì cháu bé 6 tuổi nằm trong độ tuổi phát triển sinh lý của
Amidan và VA, khi trẻ viêm Amidan sẽ thường kèm theo viêm VA.
Câu 3. Đáp án C.
Chọn đáp án C vì Amidan quá phát gây cản trở hô hấp kéo dài sẽ gây các
biến chứng như ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, biến dạng bộ mặt…

6


CASE STUDY 2
Một cháu bé 10 tuổi được bố mẹ đưa đi khám Tai Mũi Họng vì ba ngày qua đau
họng, sốt, ho húng hắng. Khám lâm sàng thấy cháu mệt mỏi, sốt 38.6 oC, niêm mạc họng
và Amidan xung huyết, bề mặt hai Amidan có mủ trắng, mũi sạch, màng nhĩ hai bên bình
thường. Khai thác tiền sử thấy khoảng 4 năm nay năm nào cháu cũng bị 3-4 đợt như vậy,
đi khám được bác sỹ kê đơn uống thuốc kháng sinh lại khỏi.
Câu 1. Theo anh (chị) chẩn đoán lâm sàng phù hợp nhất cho bệnh nhân là:
A.Viêm Amidan mạn tính.
B.Viêm Amidan cấp tính.
C.Đợt cấp của viêm Amidan mạn tính.
D.Sốt virus.

[
]
Câu 2. Anh (chị) hãy đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ ở thời điểm
hiện tại:
A.Chỉ định cắt Amidan vì viêm tái diễn nhiều lần.
B.Cho thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, súc họng và hẹn khám lại sau 1
tuần.
C.Cho thuốc giảm đau, súc họng và hẹn khám lại sau 1 tuần.
D.Làm xét nghiệm máu để quyết định có cần dùng kháng sinh hay không.
[
]
Câu 3. Bố mẹ cháu hỏi bạn cháu có cần phải cắt Amidan hay không. Anh (chị) hãy
tư vấn cho bố mẹ cháu thích hợp là:
A.Cắt Amidan ngay để ngăn ngừa viêm tái phát và các biến chứng.
B.Không nên cắt Amidan, đây là tổ chức bảo vệ cơ thể, chỉ cần uống thuốc
kháng sinh cho những đợt viêm cấp.
C.Chưa cần phẫu thuật và nên theo dõi thêm, nếu trẻ bị viêm cấp tái phát
nữa mới cần phải cắt Amidan.
D.Điều trị hết đợt viêm cấp và sau đó cần được phẫu thuật cắt Amidan.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Đáp án C.
Cháu có các triệu chứng và dấu hiệu của viêm Amidan cấp là đau họng, sốt, ho,
Amidan xung huyết và có mủ trắng trên bề mặt. Tuy nhiên cháu bị nhiều đợt tương
tự như trên trong 4 năm, vì vậy chẩn đoán đúng là đợt cấp của viêm Amidan mạn
tính. Cháu không có các biểu hiện của sốt virus như chảy nước mũi, hắt hơi, đau
mỏi người… vì vậy chẩn đoán sốt virus là không phù hợp.
Câu 2. Đáp án B.

7


Các triệu chứng và dấu hiệu cho thấy cháu bị viêm Amidan đợt cấp nhiễm

khuẩn do đó cần điều trị kháng sinh, hạ sốt, giảm đau và thuốc súc họng trong 1
tuần và khám đánh giá lại.
Câu 3. Đáp án D.
Cháu bị 3-4 đợt viêm Amidan cấp trong 4 năm là đủ tiêu chuẩn chỉ định cắt
Amidan do viêm cấp tái diễn nhiều lần. Tuy nhiên chống chỉ định cắt Amidan trong
đợt viêm cấp, vì vậy cần điều trị ổn định hết đợt cấp cho cháu rồi sẽ tiến hành cắt
Amidan.

8


CASE STUDY 3
Một bệnh nhân nam 40 tuổi đi khám vì 5-6 năm nay hơi thở hôi, hay khạc ra các hạt
như bã đậu, mùi rất khó chịu, không bị chảy nước mũi, ngạt mũi. Khám thấy Amidan hai
bên không vượt quá trụ trước và trụ sau, có nhiều hốc chứa các hạt như bã đậu màu trắng
đục. Trụ trước hai bên có màu đỏ sậm, thành sau họng có nhiều tổ chức dạng hạt, mũi sạch
thông thoáng. Bệnh nhân không có bệnh lí tiêu hoá hay răng miệng kèm theo.
Câu 1.
Anh (chị) hãy đưa ra chẩn đoán lâm sàng phù hợp nhất là:
A.Viêm họng hạt mạn tính.
B.Đợt cấp của viêm Amidan mạn tính.
C.Viêm Amidan mạn tính thể xơ teo.
D.Viêm Amidan mạn tính thể quá phát.
[
]
Câu 2. Theo anh (chị) tình trạng hôi miệng của bệnh nhân là do:
A.Viêm mũi xoang mạn tính.
B.Viêm Amidan mạn tính thể xơ teo có nhiều hạt bã đậu.
C.Viêm Amidan mạn tính thể quá phát có nhiều hạt bã đậu.
D.Viêm họng hạt mạn tính.
[
]

Câu 3.Bệnh nhân hỏi bạn anh ta có cần phải cắt Amidan hay không. Anh (chị) sẽ tư
vấn:
A.Không cần cắt Amidan, chỉ nên đốt họng hạt.
B.Không nên cắt Amidan, đây là tổ chức bảo vệ cơ thể.
C.Nên cắt Amidan để ngăn ngừa các đợt viêm cấp và biến chứng.
D.Nên cắt Amidan vì gây hôi miệng ảnh hưởng đến chất lượng sống.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Đáp án C.
Chọn đáp án C vì hai Amidan của bệnh nhân nằm gọn trong hố Amidan, bệnh
nhân bị bệnh 5-6 năm nay vậy chẩn đoán đúng là viêm Amidan mạn tính thể xơ
teo.
Câu 2. Đáp án B.
Chọn đáp án B vì bệnh nhân hay khạc ra các hạt bã đậu hôi, khám thấy Amidan
có nhiều hốc chứa các hạt bã đậu, không có biểu hiện của viêm xoang, viêm đường
tiêu hóa, răng miệng là các nguyên nhân khác có thể gây hôi miệng kéo dài.
Câu 3. Đáp án D.
Hôi miệng do nhiều nguyên nhân như viêm mũi xoang, viêm Amidan, viêm
răng lợi, bệnh đường tiêu hoá. Amidan viêm mạn tính gây hôi miệng không phải là
một chỉ định bắt buộc phải cắt Amidan. Tuy nhiên khi tình trạng hôi miệng làm ảnh

9


hưởng nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân thì chúng ta khuyên bệnh nhân
nên cắt Amidan.

10




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×