Tải bản đầy đủ (.pdf) (66 trang)

Khoá luận tốt nghiệp tìm hiểu nội dung và nghệ thuật tác phẩm “thời thơ ấu” của macxim gorki

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (365.84 KB, 66 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON

NGUYỄN THỊ DUNG

TÌM HIỂU NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
TÁC PHẨM “THỜI THƠ ẤU”
CỦA MACXIM GORKI

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học trẻ em

HÀ NỘI – 2019


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON

NGUYỄN THỊ DUNG

TÌM HIỂU NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
TÁC PHẨM “THỜI THƠ ẤU”
CỦA MACXIM GORKI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học trẻ em

Người hướng dẫn khoa học

TS. Dương Thị Thúy Hằng

HÀ NỘI – 2019




LỜI CẢM ƠN

Đề tài: Tìm hiểu nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Thời thơ ấu” của
Macxim Gorki là nội dung tôi chọn để nghiên cứu và làm khóa luận tốt nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trường ĐHSP Hà Nội 2,
các thầy cô giáo khoa Giáo dục Mầm non đã giúp đỡ tôi trong quá trình học
tập tại trường và tạo điều kiện cho tôi thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Đồng thời tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cô giáo - TS. Dương Thị
Thúy Hằng, người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo tôi trong quá trình học tập,
nghiên cứu và hoàn thành khóa luận này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình, bạn bè đã luôn giúp đỡ
động viên tôi trong quá trình học tập và thực hiện khóa luận.
Quá trình nghiên cứu đề tài, tôi không tránh khỏi những thiếu sót và
hạn chế. Kính mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy cô giáo và các
bạn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày tháng năm 2019
Người thực hiện

Nguyễn Thị Dung


LỜI CAM ĐOAN

Đề tài Tìm hiểu nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Thời thơ ấu” của
Macxim Gorki là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự hướng dẫn của cô
giáo - TS. Dương Thị Thúy Hằng không trùng với kết quả nghiên cứu nào
khác. Đề tài chưa được công bố trong bất cứ một công trình khoa học nào.

Nếu sai, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hà Nội, ngày tháng năm 2019
Người thực hiện

Nguyễn Thị Dung


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU..........................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài............................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề............................................................................2
3. Mục đích - Phạm vi nghiên cứu....................................................................4
4. Phương pháp nghiên cứu...............................................................................4
5. Bố cục khóa luận...........................................................................................4
CHƯƠNG 1: TÁC PHẨM “THỜI THƠ ẤU” NHÌN TỪ PHƯƠNG
DIỆN NỘI DUNG............................................................................................5
1.1. Vài nét về tác giả Macxim Gorki và tác phẩm “Thời thơ ấu”....................5
1.1.1. Nhà văn Macxim Gorki...........................................................................5
1.1.2. Tác phẩm “Thời thơ ấu”..........................................................................7
1.2. Một số phương diện về nội dung của tác phẩm “Thời thơ ấu”..................9
1.2.1. Tác phẩm về những số phận bất hạnh, bi thảm.......................................9
1.2.1.1. Số phận cậu bé Alexei và những đứa trẻ bất hạnh...............................9
1.2.1.2. Số phận bất hạnh của những người phụ nữ........................................18
1.2.1.3. Những số phận khốn khổ khác...........................................................23
1.2.2. Câu chuyện về cái xấu trong xã hội Nga cũ..........................................27
1.2.3. Tác phẩm về tình người, tình đời..........................................................31
Chương 2: TÁC PHẨM “THỜI THƠ ẤU” NHÌN TỪ MỘT SỐ
PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT................................................................43

2.1. Nghệ thuật kể chuyện trong tự truyện......................................................43
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật..................................................................48
2.2.1. Miêu tả ngoại hình.................................................................................48
2.2.2. Khắc họa nội tâm...................................................................................51
2.3. Kết cấu......................................................................................................53
2.4. Thời gian và không gian nghệ thuật.........................................................55
KẾT LUẬN....................................................................................................59
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................61


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. “Tuổi thơ ta là nơi hiền hậu nhất” (Lưu Quang Vũ). Tuổi ấu thơ
chính là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Những dấu
ấn thời thơ bé sẽ theo con người trên suốt cả chặng đường sau này. Trong thế
giới tuổi thơ ấy, những câu chuyện, những bài thơ… thật sự có ý nghĩa bồi đắp
và làm giàu có đời sống tinh thần của các em. Nó sẽ là tấm gương để các em học
tập và xây đắp những khả năng của mình. Những câu chuyện về tuổi thơ luôn có
khả năng mang lại rung động hồn nhiên, cảm động cho người đọc, người nghe,
bởi nó chạm đến miền thân thuộc mà đầy kỷ niệm của mỗi một con người.
1.2. Macxim Gorki (1868 - 1936) là nhà văn kiệt xuất người Nga cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông là người khai sinh ra nền văn học hiện thực
xã hội chủ nghĩa, tạo ra một huyền thoại trong văn học thế giới thế kỷ XX:
một con người từ dưới đáy xã hội, không được học hành, bằng nghị lực và ý
chí của mình đã vươn lên trở thành một trong những cây bút vĩ đại nhất của
văn học Nga thế kỷ XX. Người ta biết đến ông không chỉ là một nhà văn mà
còn là một nhà hoạt động cách mạng, nhà thiết kế văn hóa của nước Nga nói
riêng và của toàn nhân loại nói chung. Tuy nhiên, vinh quang không làm mất
đi vẻ bình dị trong con người Gorki. Ông tự nhận xét một cách khiêm tốn về
tài năng của bản thân: chỉ là một người thợ trung thực trong công việc của

mình. Và người thợ đó, cho đến cuối cuộc đời vẫn hết sức cần cù, nhẫn nại
cày xới, vun đắp cho cánh đồng văn chương. Mỗi trang văn của Macxim
Gorki thực sự là một trang đời, lấp lánh ánh sáng của tinh thần nhân văn,
hướng đến vẻ đẹp cao cả của “Con Người viết hoa”. Nhiều tác phẩm của ông
trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, tạo ra những dấu ấn không
phai nhạt.
“Thời thơ ấu” là tác phẩm nổi tiếng của Macxim Gorki nói riêng, của
văn học thế giới nói chung. Đó là câu chuyện vô cùng xúc động và ý nghĩa kể
về một cậu bé tên là Alexei với tuổi thơ bất hạnh, tủi nhục và đầy cơ cực.
“Thời thơ ấu” cũng chính là tác phẩm tự truyện về chính tuổi thơ bất hạnh của
Macxim Gorki. Macxim Gorki từng nói rằng “Đọc Thời thơ ấu các em sẽ thấy

1


rằng tôi hoàn toàn là một con người nhỏ bé như các em, chỉ khác ở chỗ: Ngay
từ bé tôi đã duy trì được lòng ham muốn học tập và không sợ bất cứ thứ lao
động nào”.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, “Thời thơ ấu” đã trở thành cuốn sách gối
đầu giường của thế hệ tuổi thơ nhiều quốc gia trên thế giới, để lại những dấu
ấn tốt đẹp trong tâm trí độc giả. Tìm hiểu nội dung và nghệ thuật tác phẩm
“Thời thơ ấu” của Macxim Gorki là một trong những con đường để khám phá
thế giới nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm nổi tiếng này.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cùng với “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”; “Thời thơ ấu”
của Macxim Gorki đã nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều tác giả trong
và ngoài nước. Qua bộ ba tiểu thuyết mang tính chất tự truyện này, Macxim
Gorki đã tái hiện lại quá khứ của bản thân, tái hiện lại quá trình trưởng thành
của một người lao động từ dưới đáy xã hội vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh
cao văn hóa và đấu tranh cho tự do.

Trong bộ ba tiểu thuyết mang tính tự truyện ấy, “Thời thơ ấu” là khúc
đầu tiên, dấu ấn đầu tiên, những buồn vui cay đắng đầu tiên trên hành trình
kiếm sống, mưu sinh, bị đày đọa khổ ải và trưởng thành của Macxim Gorki.
Khi đọc “Thời thơ ấu”, nhà văn Pháp R. Roland từng khẳng định rằng:
“Chưa bao giờ chúng tôi đọc trong văn học Nga một tác phẩm nào hay hơn
cuốn thời thơ ấu của anh… Chưa bao giờ anh khéo léo sử dụng nghệ thuật
của mình một cách thành thạo như thế”.
Ở Việt Nam, Macxim Gorki và tác phẩm của ông sớm được giới thiệu
như là một minh chứng của “cánh chim báo bão”, “lá cờ đầu” của văn học
hiện thực xã hội chủ nghĩa. Macxim Gorki là một huyền thoại: một con người
từ "dưới đáy" xã hội, hoàn toàn bằng con đường tự học đã vươn lên thành một
nhà văn vĩ đại. Mọi người nói ông là người vô thần, ông không tin vào Chúa.
Điều đó có lẽ cũng không hoàn toàn đúng. Trong ông luôn có một vị Chúa
toàn năng: đó là "Con Người viết hoa" - con người của lao động, của tự do,
con người luôn kiếm tìm sự thật, kiếm tìm chân lý - con người đó luôn có thể
vượt lên tất cả, làm được tất cả” (Trần Thị Phương Phương - Macxim Gorki
2


huyền thoại về một con người). Tác giả Nguyễn Văn Chiến (vanvn.net) trong
bài viết “Nhớ về Macxim Gorki” đã khẳng định: “sức sống nơi con người
ông và tính nghệ thuật lẫn tính nhân văn cao cả của truyện ngắn, truyện vừa,
tiểu thuyết, kịch, tùy bút, chính luận… của ông vẫn nóng bỏng, vẹn nguyên và
phát triển vì sách của ông vẫn được dịch, được in ở khắp nơi trên thế giới.
Độc giả các thế hệ vẫn đang tìm tới ông với tư cách người bạn, người thầy,
người hướng đạo trong văn chương, sự nghiệp và sự sống!”.
Về bộ ba tiểu thuyết tự truyện nói chung, tác phẩm “Thời thơ ấu” nói
riêng, các ý kiến nhìn chung đều đề cao tài năng của Macxim Gorki. Trong
cuốn “Lịch sử văn học Nga”, phần viết về Macxim Gorki, các tác giả (Đỗ
Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Trường Lịch, Huy

Liên) đã dành ra khoảng 5 trang để điểm qua về bộ ba tiểu thuyết tự truyện
của Gorki, trong đó có “Thời thơ ấu”. Đặc biệt, khi nói về nghệ thuật của bộ
ba tiểu thuyết, ở trang 550, các tác giả khẳng định: “Cũng như những hồi kí
tự thuật khác, bộ tiểu thuyết của Gorki không có một cốt truyện theo nghĩa
thông thường, quen thuộc trong tiểu thuyết. Từ chương này qua chương khác
trong suốt ba tập, trước mắt chúng ta, tái hiện lại những cảnh đời, những con
người mà Aliosa từng gặp trên bao chặng đường phiêu lưu của mình” [2;
550]. Khi nói về nghệ thuật kể chuyện, cuốn sách có viết: “Mở đầu là âm
điệu “đau buồn, chết chóc (bố chết, nghĩa địa hoang vắng, huyệt sâu
thẳm…), nhưng rồi tiếp ngay sau đó, một âm điệu khác vang lên, âm điệu của
sức sống phong phú, của vẻ đẹp đa dạng (hình ảnh người bà với mái tóc đen
nhánh, ánh xanh kỳ lạ” (…). Hai âm điệu đó tạo nên hợp âm mở đầu cho giai
điệu toàn tác phẩm” [2; 551]. Trong cuốn “Văn học Nga trong nhà trường”,
tác giả Hà Thị Hòa cũng từng nhận xét: “Viết tự truyện, khai thác đề tài quá
khứ, Gorki muốn miêu tả quá trình phức tạp, gian khổ của một con người
xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động nỗ lực không ngừng vươn tới đỉnh
cao văn hóa, trở thành con người ưu tú của thời đại mới” [5; 76]. Dịch giả
Trần Khuyến cho rằng, “Thời thơ ấu” giúp hiện lên trước mắt chúng ta “một
phòng trưng bày những mẫu người với những tính cách muôn màu muôn vẻ một bộ bách khoa toàn thư về con người của nước Nga cũ. Gorki gọi văn học
nghệ thuật là “nhân học” và “dân tộc học”.

3


Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tìm hiểu về Macxim Gorki ở Việt Nam chủ
yếu dừng lại trên các phương diện lớn về mặt nội dung và nghệ thuật trong
toàn bộ sáng tác của ông. Việc tìm hiểu các tác phẩm riêng biệt của Macxim
Gorki còn là một khoảng trống. Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào tìm
hiểu chi tiết về nội dung và nghệ thuật tiểu thuyết mang tính tự truyện “Thời
thơ ấu”. Đây chính là gợi ý để chúng tôi thực hiện đề tài: Tìm hiểu nội dung

và nghệ thuật tác phẩm “Thời thơ ấu” của Macxim Gorki. Thực hiện đề tài
này, chúng tôi hi vọng hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của một tác
phẩm nổi tiếng, có ý nghĩa giáo dục cao đối với trẻ em.
3. Mục đích - Phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Khóa luận được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu nội dung và nghệ
thuật của tác phẩm “Thời thơ ấu” (Macxim Gorki). Từ đây, khóa luận bước
đầu rút ra một số giá trị giáo dục đối với trẻ em từ tác phẩm này.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của khóa luận tập trung vào tác phẩm “Thời thơ
ấu” của Macxim Gorki. Trong quá trình thực hiện khóa luận, để làm nổi bật
hơn nội dung tìm hiểu, chúng tôi có đối chiếu, so sánh với một số tác phẩm
của Macxim Gorki nói riêng, một số tác phẩm mang tính chất tự truyện về
thời thơ ấu của các tác giả khác nói chung.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thống kê, phân loại
Phương pháp phân tích, đánh giá
Phương pháp so sánh, đối chiếu
5. Bố cục khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, khóa luận chia
thành 2 chương như sau:
Chương 1: Tác phẩm “Thời thơ ấu” nhìn từ phương diện nội dung.
Chương 2: Tác phẩm “Thời thơ ấu” nhìn từ một số phương diện nghệ
thuật.
4


CHƯƠNG 1: TÁC PHẨM “THỜI THƠ ẤU” NHÌN TỪ PHƯƠNG
DIỆN NỘI DUNG
1.1. Vài nét về tác giả Macxim Gorki và tác phẩm “Thời thơ ấu”

1.1.1. Nhà văn Macxim Gorki
Cuộc đời
Macxim Gorki tên thật là Aleksey Maksimovich Peshkov. Ông sinh
ngày 28 tháng 3 năm 1868, là con trai của một người thợ mộc Maxim
Savatievich Peshkov tài ba và có hiểu biết tại thành phố Nizhnii Novgorod
nước Nga.
Tuổi thơ của Macxim Gorki đầy bất hạnh. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ khi
chỉ vừa tròn 11 tuổi. Thời thơ ấu ông phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác
nhau như rửa chén bát, gác đêm, công nhân, làm thợ lò rèn,… bởi chẳng có sự
thành công nào dễ dàng có được nếu không được trải qua sự tôi luyện, rèn giũa
thậm trí nghiêm khắc đến tàn bạo. Năm 13 tuổi, Macxim Gorki đọc cuốn
“Eugenie Grandet” của Balzac và hiểu ra ý nghĩa thực sự của văn chương.
Trong những năm tháng cơ cực ấy, ông không ngừng trau dồi vốn tri thức của
mình qua sách và kinh nghiệm của trường đời đầy khắc nghiệt. Năm 16 tuổi,
Macxim Gorki đã đến thành phố Kazan với dự định thi vào trường đại học.
Nhưng chính cái nghèo đã khiến ông không thể thực hiện ước mơ. Tại đây, ông
phải làm phu thợ tại các bến tàu, chính những người công nhân, những tên
trộm cướp lưu manh đã vô tình trở thành những “người thầy bất đắc dĩ” mài
giũa, tôi luyện tâm hồn ông và đó cũng chính là “ngôi trường đại học” đầu
tiên của Macxim Gorki.
Macxim Gorki là một đại văn hào của dân tộc Nga, là người truyền
cảm hứng và động lực cho nhân loại về tinh thần tự học, vượt khó, vượt khổ,
ông đã khẳng định rằng “Dòng sông Volga và thảo nguyên là trường đại học
lớn nhất của tôi”. Cuộc đời ông trải qua nhiều biến cố thăng trầm nên ông rất
hiểu và đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân, với khát vọng lớn lao của
họ. Dưới góc nhìn của một nhà văn, ông nhận ra rằng chẳng có thứ “vũ khí”
nào “sắc nhọn” như văn học. Nó có thể làm thay đổi tích cực một tư tưởng
hoặc “giết chết” một tâm hồn. Và quả đúng như vậy, với tình yêu nước nồng
5



nàn, ông đã cho ra đời những đứa con tinh thần giàu tính nhân văn, truyền tải
những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, là động lực giúp những người dân Nga
vươn lên giành lấy lợi ích chính đáng về mình. Có thể nói, nếu như lịch sử nước
Nga cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX được ví như một dòng sông thì Macxim
Gorki chính là cây cầu bắc ngang dòng chảy phức tạp đó. Ông là “nhân chứng
sống” cho ta cái nhìn toàn vẹn về cách mạng Nga và văn học Nga.
Ngày 18 tháng 6 năm 1936, Macxim Gorki qua đời. Gần nửa thế kỉ
miệt mài lao động trí óc, ông đã cống hiến cho nhân loại vốn sống vừa hiện
thực, vừa lãng mạn, thức tỉnh sự tự ý thức vươn lên tìm ánh sáng của nhân
dân lao động.
Sự nghiệp sáng tác
Nhắc đến Macxim Gorki là nhắc đến “người anh cả mẫu mực” của văn
chương thế giới, người sáng lập ra khuynh hướng sáng tác văn học hiện thực
xã hội chủ nghĩa. Ông là cha đẻ của một kho tàng đồ sộ những tác phẩm mang
đậm giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Hòa cùng dòng chảy văn học đa dạng
nước Nga, ngòi bút Macxim Gorki luôn tạo ra dấu ấn riêng.
Ngòi bút của Macxim Gorki để lại dấu ấn mạnh mẽ ở nhiều thể loại:
truyện ngắn, tiểu thuyết, soạn kịch, thơ,... Trong đó văn xuôi mang cho ông
nhiều thành công hơn cả.
Ngày 12 tháng 9 năm 1892, truyện ngắn đầu tay “Makar Chudra” được
đăng tải trên tờ báo Kavkaz ở Tiflis với nghệ danh Macxim Gorki đã gây
tiếng vang lớn. Nó chính là “quả bom” đầu tiên được “kích nổ” mở đường
cho sự nghiệp sáng tác sau này của ông.
Năm 1898, bộ truyện ngắn đầu tiên được xuất bản gồm 2 tập, mỗi tập
khoảng 10 truyện. Với giọng văn mới mẻ, chân thực nó khiến độc giả nước
Nga không khỏi “giật mình” chú ý.
Năm 1899, tiểu thuyết đầu tiên của ông mang tên “Foma Gordev” ra
đời nhằm phê phán thói tham lam, ích kỉ, hống hách của bọn trưởng giả.
Năm 1901, vở kịch mang tên “Dưới đáy” đánh dấu bước ngoặt trên con

đường sáng tác của ông.

6


Tên tuổi của ông còn gắn liền với với 2 cuốn tiểu thuyết “Người mẹ”
(1906 - 1907) và “Cuộc đời Klim Xamghin” (1925 - 1936).
Cùng với đó, Macxim Gorki gây được tiếng vang lớn với bộ 3 tác phẩm tự
thuật “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống” và “Những trường đại học của tôi” (1913 1923). Ông nổi tiếng với câu nói “văn học là nhân học”. Do đó, xuyên suốt
trong các tác phẩm của mình tính nhân văn, nhân đạo được ông phác họa rất
rõ nét. Và ta có thể dễ dàng nhận thấy các sáng tác của Macxim Gorki đi theo
hai khuynh hướng đó là văn học lãng mạn và văn học hiện thực.
Sự nghiệp sáng tác của Macxim Gorki có thể ví như một “tấm thảm”
rộng lớn, trải dài khắp dải đất Nga màu mỡ mà những dấu chân của người dân
Nga, chế độ Nga, lịch sử nước Nga thời đó chính là những con chữ sống động
tạo ra một Macxim Gorki tài năng mà chúng ta có như ngày hôm nay.
1.1.2. Tác phẩm “Thời thơ ấu”
Hoàn cảnh ra đời
Năm 1908, Lenin đã có chuyến thăm đến nơi ở của người bạn Macxim
Gorki. Được sự gợi ý và động viên của Lenin, ông đã viết bộ tự thuật nổi
tiếng, trong đó có “Thời thơ ấu” (1913 - 1914).
Cuộc đời Macxim Gorki được gói gọn trong bộ ba cuốn tiểu thuyết tự
thuật đó là “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”.
Trong đó, “Thời thơ ấu” được viết năm 1913 - 1914, đó là những trang hồi kí
vừa bi thương vừa hài hước của cuộc đời cậu bé có nghị lực sống phi thường.
Bi thương ở chỗ cậu bé ấy còn quá nhỏ để phải chứng kiến sự ra đi của những
người cậu yêu thương và những trận đòn roi “nhẫn tâm” giáng xuống cơ thể
non nớt ấy. Hài hước ở chỗ mặc dù cuộc sống tàn nhẫn là thế nhưng chẳng
thể nào vùi lấp được những suy nghĩ ngờ nghệch đáng yêu cậu bé Alexei hay
những thói xấu của xã hội thật khiến người ta bật cười. Tất cả những điều ấy

tạo thành những vết sẹo chằng chéo nhau giày xéo tâm can cậu bé mà không
ai khác chính là Macxim Gorki.
“Thời thơ ấu” là một tác phẩm kinh điển của nhân loại. Truyện dài 13
chương với 350 trang. Cũng giống như nghệ danh Gorki nghĩa là cay đắng thì
13 là một con số có dụng ý mà nhà văn lựa chọn để kể về cuộc đời mình.
7


Theo quan niệm của người châu Âu 13 là con số không may mắn và xui xẻo.
Macxim Gorki đã dùng chính con số đó để nói về cuộc đời mình, đó là một
tuổi thơ bất hạnh và đầy đau khổ.
“Thời thơ ấu” là câu chuyện xúc động kể về một cậu bé tên là Alexei với
một tuổi thơ tủi nhục, cơ cực và đầy bất hạnh. Cậu mồ cô cha khi mới lên 4, mẹ
đi lấy người khác, cậu trưởng thành trong tình yêu thương của bà và sự dạy dỗ
nghiêm khắc của người ông. Với tâm hồn nhạy cảm của một nhà văn, ông đã
sử dụng khéo léo ngòi bút tài hoa của mình để khắc họa nên hình ảnh chân thực
về cuộc đời của một cậu bé tên là Alexei trong cuốn tự truyện “Thời thơ ấu”.
Cách mở đầu và kết thúc của tác giả vô cùng ấn tượng, với cảnh chết
chóc của cha và mẹ Alexei. Cái chết ấy cũng chính là cái chết của đại bộ phận
người dân Nga bởi sự nghèo đói, dịch bệnh và sự vô tình của con người lúc
bấy giờ. Alexei khi ấy còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được sự mất mát đó,
những câu hỏi ngờ nghệch của cậu bé thật khiến người ta đau lòng.
Sau khi mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình, cậu theo bà và mẹ
rời Astrakhan về thị trấn Nijni xinh đẹp sinh sống. Cũng chính từ đây cuộc
đời cậu bước sang một trang mới với những nỗi buồn không báo trước.
Không xinh đẹp như vẻ bề ngoài mà nó khoác lên, Nijni thực chất là
mảnh đất u tối và xám xịt nuôi lớn những con người sống trong đau khổ. Đó
là nơi Alexei luôn phải chịu những trận đòn chết đi sống lại từ tay ông ngoại,
hay những trận cãi vã xung đột xảy ra triền miên trong chính gia đình cậu và
thậm trí những cái chết cũng đến như cơm bữa. Nhưng may thay, cậu lại có

một người bà vô cùng nhân từ, luôn yêu thương cậu hết mực.
Cuộc sống khắc nghiệt chẳng đủ sức để bóp méo “phần người” của
cậu bé Alexei. Càng đau khổ bao nhiêu, những giá trị của cuộc sống càng trỗi
dậy mạnh mẽ bấy nhiêu. Nó đã giúp cậu tìm thấy những người bạn đáng quý,
bồi đắp lòng nhân ái, bao dung con người, hoàn thiện nhân cách, dám đứng
lên vì chính nghĩa.
Mãi về sau này, nhà văn mới hiểu “Người dân Nga, do quẩn quanh
sống trong sự nghèo khổ và buồn tẻ, người ta bèn nghĩ ra cách giải trí bằng
sự đau khổ. Họ đùa cợt với đau khổ vui như chơi đùa với lũ trẻ và hiếm khi
8


cảm thấy sự xấu hổ hay nhục nhã về những nỗi bất hạnh. Giữa những chuỗi
ngày nhàm chán vô tận thì sự đau khổ chính là ngày hội và cháy nhà là một
trò vui. Trên bộ mặt nhẵn thín thì vết trầy xước cũng trở thành một thứ đồ
trang sức hiếm hoi…” [3; 249].
Thời thơ ấu là một cuốn tự truyện lạ, lạ từ hình ảnh cho đến ngôn từ và
cách ứng xử của người Nga lúc bấy giờ. Truyện không có cao trào, chỉ có
những chuỗi ngày đau buồn không chấm dứt.
1.2. Một số phương diện về nội dung của tác phẩm “Thời thơ ấu”
1.2.1. Tác phẩm về những số phận bất hạnh, bi thảm
1.2.1.1. Số phận cậu bé Alexei và những đứa trẻ bất hạnh
Alexei
Alexei là nhân vật chính trong cuốn tự truyện “Thời thơ ấu” của
Macxim Gorki. Hay nói cách khác, cuộc đời của cậu bé cũng là cuộc đời của
chính nhà văn. Tất cả diễn biến trong tác phẩm đều được tái hiện thông qua
cái nhìn đầy cảm xúc của cậu bé Alexei.
Với ngòi bút chân thực, hình ảnh cậu bé Alexei hiện lên thật đáng
thương và lấy đi nước mắt của nhiều độc giả. Đó là một cậu bé hồn nhiên,
ngây thơ. Cuộc đời cậu trải qua nhiều biến cố thăng trầm khi phải tận mắt

chứng kiến sự ra đi của từng người mà cậu yêu quý nhất. Song cũng không
thế phủ nhận một điều rằng nếu như không có một quá khứ tàn nhẫn như vậy
thì chắc gì nhân loại đã có một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nước Nga
nói riêng và của toàn nhân loại nói chung như ngày hôm nay.
Tuổi thơ của Alexei vô cùng bất hạnh, cậu sớm mồ côi cha khi mới lên
bốn. Khung cảnh “Thời thơ ấu” mở ra khi ấy thật ngột ngạt, bi thảm, đó là
hình ảnh cha cậu nằm bất động trên sàn, còn bà và mẹ khóc thảm bên cạnh.
Alexei thật đáng thương bởi sự ngô nghê của cậu bé bốn tuổi khi ấy vẫn chưa
hiểu được nỗi đau mất cha và tương lai khắc nghiệt khi thiếu vắng trụ cột
trong gia đình là như nào “Tôi chưa từng thấy người lớn khóc bao giờ, cũng
không tài nào hiểu nổi những lời bà cứ lặp đi lặp lại với tôi: “Kìa, từ biệt cha
đi con. Con sẽ không bao giờ nhìn thấy cha con nữa đâu. Khổ thân, cha con
mất sớm quá” [3; 6]. Khi chôn cất cha xong, Alexei vẫn không rơi nước mắt,

9


khi được bà hỏi lí do, cậu đáp rất thản nhiên “Con không muốn” [3; 10], bởi
“Điều này làm tôi cực kì ngạc nhiên. Tôi hiếm khi khóc, mà nếu có thì cũng
vì tức giận nhiều hơn là vì buồn rầu. Vả lại, cha thường bật cười khi trông
thấy tôi giọt vắn giọt dài” [3; 10]. Cậu cũng không hiểu tại sao cha lại biến
mất “Tôi vừa mới ốm dậy, hay nói đúng hơn, tôi vừa mới bò ra được khỏi
giường. Nhưng tôi vẫn nhớ hồi tôi mới ốm, cha vẫn luôn quanh quẩn bên
giường để chăm sóc và đùa giỡn với tôi. Thế rồi một ngày nọ đột nhiên cha
biến mất, thay vào đó là bà ngoại tôi - người vô cùng lạ lẫm, tôi chưa từng
thấy bao giờ” [3; 6]. Sự đáng thương của cậu còn được thể hiện ở hình ảnh
những con ếch nhái bị chôn vùi cùng chiếc quan tài của cha cậu, đến khi rời
khỏi cậu vẫn không ngừng lo lắng cho đám ếch ấy mà tuyệt nhiên không có
một lời nào nhắc về cha “Thế lũ ếch ấy có thoát ra được không hở bà?” [3;
10]. Những suy nghĩ non nớt, ngây ngô của cậu bé như ngàn mũi dao chĩa

thẳng vào trái tim của những người đang sống.
Sau khi cha mất, cậu về quê ngoại sống, đó là một thị trấn xinh đẹp
nằm ở ngã ba sông nhưng mảnh đất ấy vốn chẳng bình yên như vẻ bề ngoài
của nó. Những con người ở đó tạo ra cảm giác khó chịu với Alexei “Tôi
không thích bọn họ, cả người lớn lẫn trẻ con. Tôi cảm thấy mình như người
lạ ở giữa họ. Thậm chí ngay cả bà cũng bằng một cách nào đó mà trở nên xa
cách và lạ lẫm với tôi. Đặc biệt tôi rất không thích cậu. Vừa gặp, tôi đã cảm
thấy cậu ở phía đối nghịch với mình, với cậu tôi chỉ cảm thấy vừa tò mò vừa e
ngại” [3; 22]. Và ngay cả ngôi nhà mà cậu sống cũng vô cùng đáng ghét “Từ
ngoài đường nhìn vào ngôi nhà trông có vẻ rộng rãi, nhưng bước vào bên
trong mới biết nó đã bị ngăn thành nhiều phòng hẹp tối om và chật chội. Mọi
người ra ngấm vào nguýt lẫn nhau, ai nấy đều cáu bẳn chẳng khác gì ở chỗ
cầu tàu, và có một mùi gì kinh tởm bao trùm cả căn nhà. Tôi bước ra ngoài
sân, nhưng ngay cả nó cũng đáng ghét” [3; 22]. Ngay từ đầu Alexei đã không
thể hòa hợp với cuộc sống nơi đây, bầu không khí cũng làm cậu cảm thấy
chán ghét, ngôi nhà ấy và cả những con người ấy chính là những nỗi đau cũng
vừa là nguồn cảm hứng văn chương sau này của cậu.
Những người trong gia đình cậu bé Alexei thật kì lạ, họ “yêu thương”
nhau bằng bạo lực và sự ghanh ghét đố kị “Người nhà Kashmirin không thích
10


những ai tốt đẹp đâu. Họ ghen ghét, họ khó chịu, họ tìm cách tống khứ đi cho
khuất mắt” [3; 61]. Và Alexei cũng không phải là ngoại lệ, cậu thường xuyên
“được” ông ngoại dạy dỗ bằng những trận đòn roi như mưa đến chết đi sống
lại “Tôi chết ngất đi giữa trận đòn của ông. Tôi ốm suốt mấy hôm sau, phải
nằm sấp trên một chiếc giường rộng nhưng ngột ngạt, bí bức trong căn
phòng bé tẹo chỉ có mỗi một cửa sổ cùng ngọn đèn tù mù đặt ở góc phòng”
[3; 38]. Và cũng chính trận đòn ấy đã mở đường cho trái tim cậu “Nhưng
cũng chính những ngày đen tối ấy lại là quãng thời gian đáng ghi nhớ nhất

của cuộc đời tôi. Bản thân tôi đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi
bắt đầu biết quan tâm đến người khác, trái tim tôi giống như vừa bị xé toạc
và trở nên đặc biệt nhạy cảm với mọi nỗi đau đớn cùng sự sỉ nhục dù là của
bản thân tôi hay người khác” [3; 38]. Ai rồi cũng sẽ khác, dù là nỗi đau hay
niềm vui, nước mắt hay nụ cười thì tất cả đều khiến chúng ta mạnh mẽ hơn,
thấu hiểu hơn.
Nhưng đòn roi chẳng thể dập tắt hơi thở sống mãnh liệt của cậu bởi tâm
hồn ấy luôn được nuôi lớn từng ngày bằng tình yêu thương vô bờ bến của bà
ngoại - một người phụ nữ hiền hậu “Lời nói của bà nhỏ nhẹ bổng trầm khắc sâu
trong tâm trí tôi như những đóa hoa ngát hương tươi thắm vĩnh hằng” [3; 16].
Bà chẳng khác nào một bà tiên xuất hiện đúng giây phút cậu cần một người
quan tâm, vỗ về thay thế cho người cha quá cố của cậu.
Ngay từ nhỏ Alexei đã bộc lộ bản chất là một cậu bé thông minh “Tôi
học đọc và viết khá dễ dàng” [3; 110]. Không chỉ vậy Alexei còn là một cậu
bé có tấm lòng nhân ái “Những vết bầm tím, xây xước không làm tôi sợ, song
sự tai ác của lũ trẻ cùng các lề luật tàn bạo của đường phố luôn khiến tôi
điên tiết. Tôi không sao kìm lòng nổi khi chứng kiến chúng trêu chọc chó và
gà, hành hạ mèo, dọa lũ dê của mấy người Do Thái sợ chạy toán loạn, trêu
chọc những người lang thang say xỉn, và nhất là khi chúng vui sướng hét
váng lên “Lão Igosha - Tử thần trong túi!” [3; 152]. Nhưng trái tim cậu đau
lòng hơn cả là “cảnh tượng bác thợ cả Gregory Ivanovithch, nay đã mù, phải
ăn xin trên phố” [3; 154].
Alexei vẫn đang độ tuổi trẻ thơ, mà đã là trẻ thơ thì sẽ vô cùng bướng
bỉnh và nghịch ngợm. Mặc cho sự cấm đoán của ông, Alexei không thể từ bỏ
11


thú vui của mình với những “trận chiến” cùng lũ trẻ hàng xóm “Bọn trẻ con
tụ tập ở bờ dốc lập tức ném tới toi những viên đá hay sỏi nho nhỏ, tôi cũng
ném trả lại bọn nó đầy hứng thú” [3; 109]. Chúng luôn coi cậu là “kẻ thù” và

một mình cậu không ngại “chiến đấu” với tất cả “Tôi đang hào hứng bước
vào trận chiến mà một mình chơi lại cả lũ, càng hào hứng hơn bởi những
viên đá nhỏ trong tay tôi ném bao giờ cũng trúng đích khiến tụi kia bỏ chạy
tán loạn hoặc phải lẩn trốn vào các bụi cây” [3; 110].
Ở độ tuổi của Alexei, đáng nhẽ ra cậu phải có một cuộc sống vô tư, hồn
nhiên như bao đứa trẻ cùng trang lứa, thời điểm ấy ít ai có thể hiểu được trong
hình hài nhỏ bé ấy luôn tồn tại sự cô đơn đáng sợ đến nhường nào “Cuộc
sống của tôi thật nặng nề, tôi cảm thấy tuyệt vọng khi cố gắng tìm người đồng
cảm với mình. Tôi tìm mọi cách che giấu tâm trạng của mình đi, để bên ngoài
tôi vẫn là một đứa trẻ vô tư, hiếu động, ngang bướng” [3; 232]. Alexei có
một gia đình nhưng chính những con người ấy lại khiến cậu cảm thấy cô độc
với nỗi buồn nội tâm giằng xé. Nghịch ngợm, hiếu động là thế nhưng tất cả
chỉ là vỏ bọc che đi đôi mắt đượm buồn và một trái tim thơ trẻ đang rỉ máu.
Alexei cô đơn đến mức đã có những lúc khi nhìn những đứa trẻ khác chơi đùa
vui vẻ, cậu “đã chơi cùng chúng trong ý nghĩ, và có lúc đã say sưa đến mức
không biết rằng mình đã hét lên hoặc cười thật to” [3; 199].
Alexei là một đứa trẻ rất liều lĩnh, cậu phản ứng dữ dội để trả thù những
kẻ dám bắt nạt người thân của cậu. Đó là khi mụ chủ quán ném củ cà rốt vào
người bà và chửi rủa độc ác khiến Alexei vô cùng căm phẫn, cậu quyết trả thù
bằng được “Rình lúc mụ vợ chủ quán xuống hầm, tôi sập cửa và khóa trái lại
ngay. Tôi sung sướng nhảy nhót trên nắp hầm một hồi rồi ném chìa khóa lên
mái nhà” [3; 140]. Hay cậu sẽ nổi giận ném chăn gối, ủng vào người ông ngoại
và cắt nát cuốn lịch mà ông yêu quý khi ông dám đánh bà. Tệ hại hơn là có lần
cậu đã dùng con dao đâm vào cha dượng khi ông ta đánh đập mẹ “Tôi nghe
thấy tiếng ông ta đánh mẹ tôi, và khi chạy vào tôi thấy mẹ khuỵu ngã xuống
đất” [3; 321]. Cảnh tượng mất nhân tính ấy diễn ra ngay trước mắt Alexei nó
khiến cậu không chịu đựng được nữa “Tôi chộp lấy con dao cán bạc ở trên
bàn vốn dùng để cắt bánh mì. Đây là vật duy nhất còn lại thuộc về bố tôi mà
mẹ vẫn còn giữ đến tận lúc bấy giờ. Và tôi lấy hết sức bình sinh đấm tới. May
12



mắn thay mẹ tôi đã kịp đẩy Maximov ra khỏi tầm dao, khiến nó chỉ làm cái áo
khoác rách một lỗ và làm ông ta bị trầy xước” [3; 321]. Cậu không độc ác,
cũng không phải là một đứa trẻ hư, trong người cậu không chứa mầm mống
của một tên lưu manh, những phản ứng mỗi lúc một dữ dội của cậu chỉ là hệ
quả tất yếu bởi những tổn thương dồn nén quá sức chịu đựng của một đứa trẻ,
nó thôi thúc cậu phải đứng lên bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu.
Alexei cũng là một đứa trẻ “cá biệt” đến mức đáng yêu, những suy
nghĩ và trò “trả đũa” của cậu thật khiến người ta phải bật cười. Khi được đến
trường học, cậu nhanh chóng kết bạn được với lũ con trai nhưng trong mắt
giáo viên cậu là một thằng nhóc cá biệt và cái tên của cậu đã được đưa vào
“danh sách đen” khiến Alexei cảm thấy vô cùng khó chịu “Điểm khó ưa
nhất trên gương mặt của thầy có lẽ là đôi mắt màu xám lạnh như chì. Nó luôn
dán vào tôi đến mức tôi ước gì có thể dùng tay để bóc toạc ánh nhìn khỏi mặt
mình mà quoẳng đi” [3; 309]. Và cậu được các thầy quan tâm đến mức dành
cho cậu một vị trí đặc biệt ngay tại bàn đầu đối diện bàn giáo viên, ông thầy
“dường như chả buồn đếm xỉa đến đứa học trò nào khác” [3; 309] chỉ săm
soi có riêng Alexei “Trò Pyeshkov, không được mặc đồ dơ đến lớp… Trò
Pyeshkov, đừng có mà lấy chân làm ồn… Trò Pyeshkov, em chưa buộc dây
giày kìa” [3; 309]. Sự “quan tâm” thái quá của thầy mỗi lúc một tăng dần và
khiến Alexei không chịu đựng được nữa. Có lẽ thầy không biết rằng trò
Alexei của thầy là một thằng nhóc không dễ bị người khác bắt nạt, cậu sẽ
phản kháng lại ngay bằng những cách trả thù hết sức oái oăm và vô cùng sáng
tạo “Một ngày nọ, tôi lấy nửa quả dưa hấu đã đông lạnh, nạo phần thịt dưa
đi, rồi buộc nó vào sợi dây treo ngay ở cửa ra vào. Lúc thầy giáo mở cửa,
quả dưa bị rút lên cao, nhưng khi vừa đóng cửa lại thì nó rơi ụp ngay xuống
đầu thầy như một cái mũ ngộ nghĩnh” [3; 309]. Chưa dừng lại ở đó, vào một lần
khác cậu “rải bột thuốc lá lên bàn thầy giáo, khiến ông ta hắt hơi đến mức phải
bỏ dở tiết giảng và nhờ người em rể đến trông lớp hộ” [3; 309]. Cậu bé Alexei

bé bỏng không ngờ rằng trường học giống như “kẻ thù” không đội trời chung
với cậu, bởi lẽ ngay đến cả giáo viên dạy môn Thần học cũng không ưa cậu vì
cậu không có sách Kinh Thánh nhưng cậu lại vô cùng yêu mến thầy. Những
tưởng rằng cậu sẽ bị sớm đuổi học nhưng may thay vào những thời điểm Alexei

13


cảm thấy tuyệt vọng nhất thì luôn có những bàn tay sẵn sàng chia ra để giúp đỡ
cậu bé. Đó là chuyến viếng thăm không báo trước của ngài giám mục
Khrisanph, ông đã mở ra ánh sáng cho con đường tăm tối của cậu, tiếp thêm sức
mạnh để cậu vững bước trên con đường khai hóa văn hóa cho bản thân.
Khi được bác Peter hỏi về ước mơ sau này, cậu không ngại ngần trả lời
rằng sẽ đi lính. Một lần khác, khi được Sascha con trai cậu Michael rủ cậu bỏ
nhà để gia nhập hội của bọn cướp, Alexei đã từ chối, bởi lúc này cậu “Đã
muốn trở thành một sĩ quan có thanh gươm lóe sáng” [3; 258] để diệt những
kẻ ác. Điều này cho chúng ta thấy được ngay từ nhỏ mặc dù phải sống trong
những điều dơ bẩn của xã hội nhưng tâm cậu luôn sáng và phân biệt được
những gì nên làm. Với tư duy của một đứa trẻ sớm trải qua những nỗi đau cắt
da xé thịt cậu không cho phép mình lầm đường lạc lối. Và quả thật như vậy,
khi lớn lên cậu bé ấy đã đi theo ánh sáng của cách mạng, đi theo con đường
chân chính đưa người Nga thoát khỏi những tư tưởng sai lệch và giúp họ tìm
thấy một cuộc sống hạnh phúc hơn, ấm no hơn.
Khi phải chứng kiến thường xuyên những giọt nước mắt, những tiếng cãi
cọ hay những sự giày vò lẫn nhau trong gia đình, cậu bé Alexei bé bỏng ngày
nào còn cảm thấy đau đớn thì giờ đây trái tim cậu trở nên chai sạn và quen dần
với chúng, những chuyện ấy không còn làm cậu kích thích hay đau lòng nữa.
Cậu thu mình và trở nên lạnh nhạt với cuộc sống “Tôi cũng trở nên thờ ơ hơn,
không muốn kết thân với ai hết. Ngay cả tiếng reo vui vẻ của lũ trẻ con nhà
Ovsyanikov cũng không còn mời gọi được tôi nữa. Và tôi thấy khó chịu khi

mấy đứa em họ đến chơi… Những cuộc trò chuyện của ông tôi dần tẻ nhạt, chỉ
toàn những lời càm ràm ai oán. Chúng khiến tôi chán ngấy” [3; 299]. Phải
chăng nỗi đau nối tiếp nỗi đau khiến trái tim cậu trở nên vô cảm và tê liệt, cậu
như người sống dở chết dở lạc lõng giữa dòng đời.
Ngay từ nhỏ, Alexei đã bộc lộ ra bên ngoài là một đứa trẻ ham hiểu biết,
thích học hỏi. Những vụ rắc rối ở trường học liên tiếp xảy ra, bị thầy ghét, các
bạn trêu chọc, chế nhạo, nào là “Thằng ăn xin” [3; 340] hay “Thằng nhặt giẻ
rách” [3; 340]. Trái tim cậu đã tổn thương biết nhường nào khi ngay cả ở
trường không cũng không nhận được sự đồng cảm. Nhưng với lòng quyết tâm
và nghị lực phi thường, lòng ham hiểu biết, yêu tri thức không chịu khuất phục
14


trước những thử thách của cuộc sống cuối cùng cậu cũng vượt qua được kì thi
lên lớp 3. Những nỗ lực của cậu đã được đền đáp bằng quả ngọt “Tôi được nhà
trường thưởng cho cuốn Phúc Âm cùng tập ngụ Thơ Ngụ Ngôn của Krilov đóng
bìa cứng hẳn hoi, và cuốn Fata-Morgana, tuy còn mới nhưng lại không có bìa”
[3; 341]. Cậu cũng được thưởng cả tấm bằng khen khiến ông ngoại vui khôn tả
“Lúc tôi đem những phần thưởng ấy về nhà, ông tôi mừng lắm” [3; 341]. Đó
chính là minh chứng sống của một con người vượt nghèo, vượt khổ bước đầu
dành được sự vẻ vang cho bản thân và gia đình.
Cuộc đời nhiều đau buồn nhưng Alexei lại có những suy nghĩ tích cực,
lạc quan về cuộc sống. Đó là khi cậu được chơi với lũ bạn nghèo trong những
năm tháng cậu đi nhặt rác và trộm gỗ cùng ván trên sông Oka “Và nhìn đi
nhìn lại thì tôi thấy rằng chúng tôi sống cũng chẳng khổ. Bởi theo tôi, thì tôi
rất thích cuộc sống tự do tự tại theo ý mình. Tôi càng quý mến mấy đứa bạn
này, chúng đã cho tôi những cảm tình sâu sắc, và tôi luôn mong mỏi được
làm những điều tốt nhất cho chúng” [3; 340].
Sau cái chết của mẹ, ông ngoại “đuổi” Alexei ra khỏi nhà và cách cậu
chấp nhận nó vô cùng thản nhiên “Và thế là tôi bước vào đời” [3; 350]. Cậu

chấp nhận bị “tống cổ” ra khỏi nhà như một điều hiển nhiên không sớm thì
muộn, như thể cậu đã chờ câu nói này từ rất lâu. Alexei bước vào đời với hai
bàn tay trắng, cậu kiếm sống bằng đủ mọi nghề với những đắng cay, tủi nhục.
Càng đau khổ bao nhiêu, trái tim cậu càng cứng cáp và trưởng thành bấy
nhiêu. Bóng tối không làm ta mù đường, càng tối bao nhiêu những chân lí
sống đẹp đẽ càng sáng bấy nhiêu.
Là con đẻ của nhân dân lao động nghèo khổ, Alexei đã mang đầy đủ
những đặc tính di truyền của “người mẹ” sinh ra cậu. Chính vì vậy, mặc dù tuổi
còn rất nhỏ, nhưng cậu đã chẳng sợ bất cứ thứ lao động nào. Cậu không ngừng
miệt mài lao động và học tập. Đôi bàn tay nhỏ bé ấy trở nên thô ráp nhưng thứ
mà cậu nhận được còn đáng quý hơn nhiều. Người ta nhìn thấy ở cậu lấp lánh lí
tưởng sống cao đẹp và khát vọng vươn lên chinh phục giành lấy sự sống.
Số phận của Maxim - em trai ruột của Alexei, Sacha và em Nikolai em cùng mẹ khác cha của Alexei

15


Maxim, Sacha và Nikolai là những đứa trẻ mang kiếp người khốn khổ.
Ngay từ khi sinh ra các em đã mang theo gánh nặng của số phận.
Maxim là một đứa trẻ đáng thương, đáng nhẽ ngày mà em ra đời em
phải được chào đón bằng nụ cười ấm áp của gia đình. Nhưng không, ông trời
thật nhẫn tâm khi đó lại là ngày cánh cửa tử thần mở ra và đón người bố em
thân yêu của em ra đi. Ra đời chưa được bao lâu, chưa cảm nhận trọn vẹn
được ánh sáng mặt trời thì em chết “Maxim, đứa em trai mới đẻ của tôi đã
chết. Em được quấn trong mảnh vải trắng, bên ngoài buộc chặt lại bằng sợi
dây vải màu đỏ và được đặt trên chiếc bàn trong góc cabin” [3; 11] em được
đặt trong một chiếc hòm con và được chôn cất tại Saratov.
Sascha là đứa em đầu tiên cùng mẹ khác cha của Alexei. Em dường
như là sản phẩm được hóa công gọt đẽo sơ sài với cái đầu to kì quoặc và vô
cùng vụng về, em bẩm sinh yếu ớt đến nỗi chẳng thể bò loang quanh. Nhưng

em lại có đôi mắt xanh sẫm đẹp tuyệt vời và mỉm cười bẽn lẽn thật đáng yêu.
Có lẽ cuộc sống quá nghèo khổ và một người cha tồi tệ luôn khiến mẹ đau
buồn nên khi em sinh ra em không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
Em biết nói từ rất sớm nhưng em lại “hạnh phúc với việc im lặng” [3; 320].
Sacha tuy còn nhỏ nhưng nó đã biết thể hiện tình cảm với những người xung
quanh và dường như nó vô cùng yêu mến người anh Alexei của nó “Sascha
luôn vui vẻ khi thấy tôi và thường đòi được tôi bế lên. Thằng bé hay sờ tai tôi
bằng những ngón tay bé xíu thơm mùi hoa violet” [3; 320]. Và rồi hạnh phúc
cũng không mỉm cười với em “Thằng bé bất ngờ qua đời mà chẳng hề ốm
đau gì. Buổi sáng hôm ấy nó vẫn im lặng như bao ngày khác, nhưng đến buổi
tối, đúng khoảnh khắc tiếng chuông chiều vang lên, chúng tôi tìm thấy thằng
bé nằm bất động trên bàn” [3; 320].
Sau cái chết của Sascha, một thời gian sau em Nikolai ra đời. Nhưng em
cũng chẳng may mắn hơn người anh là bao khi em sinh ra cũng yếu ớt và mắc
bệnh lạ “Thằng em tôi thì bệnh gì chả biết, song mắt cá chân cứ lở loét ra. Nó
yếu đến nỗi khóc không ra tiếng, bị đói thì cứ rên ư ử còn no thì nằm ngửa ra
thiu thiu. Đôi lúc đang ngủ nó cũng buột miệng thở dài, meo nhẹ một cái y như
con mèo” [3; 324]. Em tuy yếu ớt nhưng đáng yêu vô cùng “Nó nhoẻn miệng
cười, một nụ cười thực hiếm hoi trên cái gương mặt nhăn nheo bé xíu” [3; 343].
16


Khi được anh Alexei vùi vào trong cát, Nikolai tỏ vẻ vô cùng thích thú “Nó cứ
ngồi, không khóc, không đòi ăn, mắt lại còn lim dim ra chiều thú vị, thỉnh
thoảng lại mở to đôi mắt hầu như không có tròng trắng, chỉ thấy hai con ngươi
xanh biếc với đường viền mắt sáng màu bao quanh” [3; 343], “Tôi ngắm nhìn
nó chĩa ngón tay bé xíu về phía mấy con gà và con mèo đang mon men lại
gần, lắc lắc cái đầu nhỏ trắng hếu lơ tha lơ thơ vài cọng tóc, thằng bé rất ít
tóc, hầu như là không có” [3; 343]. Em sinh ra trong hoàn cảnh thật đáng
thương, nghèo khổ sinh ra bệnh tật, em còn quá nhỏ nhưng thứ em ăn hằng

ngày chẳng có gì ngoài vài mẩu khoai và bánh. Em cũng chẳng được hưởng
trọn tình yêu thương trọn vẹn. Mẹ em ốm còn cha thì biệt tích, người em luôn
gắn bó hằng ngày là anh trai Alexei.
Không chỉ Maxim, Sascha hay em Nikolai, chúng ta có thể dễ dàng bắt
gặp những đứa trẻ bất hạnh giống các em ở mọi nơi mọi ngóc ngách trên
mảnh đất Nga. Các em là những đứa trẻ đáng thương, tạo hóa đã cho em được
làm người nhưng lại sớm cướp các em đi bằng sự chết chóc, các em ra đi khi
tuổi đời còn rất nhỏ.
Số phận bất hạnh của Sascha Yaakovitch - con trai cậu Jaakov và
Sascha Michailovitch - con trai cậu Michael
Sascha Yaakovitch và Sascha Michailovitch cũng là những đứa trẻ
đáng thương và tội nghiệp. Số phận đã không chịu mỉm cười khi chúng sinh
ra trong một gia đình không hạnh phúc, đến cả nụ cười cũng trở nên giả tạo,
cả ngôi nhà toát nên một thứ mùi kinh tởm và sự ghen ghét, đố kị lẫn nhau
giữa những người lớn, bao trùm cả ngôi nhà là sự ngột ngạt đến khó thở.
Những đứa trẻ ấy là những nạn nhân vô tội khi phải hứng chịu những hậu quả
đau lòng mà người lớn gây ra.
Sascha Michailovithch ít nói, đôi mắt đượm buồn và nụ cười hiền lành.
Nó thường tách biệt với mọi người bằng một thế giới riêng “Ban ngày nó hay
trốn trong những xó xỉnh tối tăm, chiều tối lại ngồi hóng bên cửa sổ” [3; 34].
Dường như nó cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và chẳng thể tìm được
sự đồng điệu ở nơi đây. Mẹ mất vì khó sinh, cha lấy vợ kế. Những trận đòn
của ông ngoại và sự hành hạ của mụ dì ghẻ độc ác ám ảnh cả vào trong tấm
trí. Nó sợ hãi đến nỗi ngay cả trong giấc mơ cũng mơ thấy bị ông ngoại đánh
17


“Cháu chừa rồi, chừa rồi ạ” [3; 255]. Sau đó vì xấu hổ mà nó bỏ học, đi lang
thang khiến ông bà ngoại lo lắng tong tả khắp thành phố để tìm đứa cháu nhỏ.
Trái tim nó đã tổn thương quá lớn khiến cho đòn roi cũng chẳng còn khiến nó

e sợ nữa. Những hành động tưởng như vô hại của người lớn đã vô tình xé nát
trái tim thằng nhỏ khiến nó mất niềm tin vào cuộc sống, và những người ruột
thịt nhất cũng chẳng còn khiến nó muốn ở bên “Trước thì dì ghẻ ghét tao, bố
đẻ cũng ghét tao, nay thì cả ông lẫn bà đều ghét tao, thế thì tao sống với
những người này làm gì? Tao sẽ hỏi ở quán rượu xem bọn ăn cướp ở đâu để
đến sống với họ. Khi đó tất cả sẽ biết tao ra sao…” [3; 257]. Đó dường như là
một lời thông báo cũng như thách thức số phận của một đứa trẻ khi cuộc sống
dồn nó vào bước đường cùng.
Sascha Yaakovitch “Đen và gầy nhẳng. Mắt nó lồi thô lố, mỗi khi nói
chuyện giọng nó líu ríu còn mắt thì đảo quanh dáo dác như muốn tìm sẵn
đường để đánh bài chuồn. Hai con ngươi nâu sẫm của nó hầu như luôn bất
động, chỉ trừ những lúc phấn khích lắm thì chúng mới giãn ra như hòa vào
tròng trắng của mắt” [3; 33]. Nó là một đứa trẻ “chu đáo ,biết cách để chiều
ý những người lớn hơn, luôn tốt bụng, sốt sắng, và sẵn sàng giúp đỡ mọi
người” [3; 33]. Trong mắt mọi người “nó sáng dạ lại biết vâng lời” [3; 33].
Nhưng số phận nó cũng đáng thương như bao đứa trẻ khác, mồ côi mẹ khi
còn nhỏ, luôn phải chịu những trận đòn từ tay ông ngoại.
Trẻ con giống như những tờ giấy trắng, mọi thứ tác động từ bên ngoài
vào cho dù là nhỏ nhặt nhất cũng sẽ in hằn thành dấu ấn khó phai theo chúng
đến suốt cuộc đời. Những dấu ấn ấy có thể sẽ mở ra cho chúng một tương lai
tươi sáng hoặc là những tấn bi kịch của dòng đời “Ngôi nhà của ông tôi thuở
ấy bị vây bọc trong bầu không khí thù hằn lẫn nhau. Sự thù hằn không chỉ
đầu độc người lớn mà còn tiêm nhiễm cả vào lũ trẻ” [3; 23].
Những đứa trẻ ấy đều vô cùng đáng thương dù chúng có bày ra đủ trò
nghịch phá thì đó cũng chỉ là cách để chúng khỏa lấp nỗi cô đơn. Mọi điều mà
những đứa đứa trẻ ấy phải gánh chịu do hệ lụy của xã hội để lại. Khi thiếu
vắng sự quan tâm của người thân yêu rồi cuộc sống của chúng sẽ ra sao?
1.2.1.2. Số phận bất hạnh của những người phụ nữ
Mẹ Varusha của Alexei


18


Thời thơ ấu của cậu bé Alexei là một câu chuyện bi thảm, cuộc đời của
những nhân vật hiện ra thật thảm khốc và cái chết đến với họ như một điều
hiển nhiên. Mẹ Varusha của cậu bé Alexei là một người đàn bà tội nghiệp.
Trái tim bé bỏng của bà từng ngày bị lột trần ra thành từ mảng khi những điều
bất hạnh cứ thế đến dồn dập khiến bà trái tim bà chằng chịt những vết cắt đau
đến xé lòng.
Là con gái của một gia đình làm nghề nhuộm vải giàu có tiếng trong
thành phố, đáng nhẽ ra bà xứng đáng có một cuộc sống sung túc với một nhà
quý tộc hay một viên sĩ quan cao cấp. Nhưng tạo hóa an bài đã để bà gặp và
yêu con trai của một người lính quèn, đó chính là Maxim - cha của Alexei. Và
cũng chính từ đây, số phận của mẹ cậu bé Alexei bước sang một trang mới,
điều mà chẳng ai mong muốn sau này.
Mẹ Varusha đã có một tình yêu thật đẹp và ngọt ngào với người chồng
của mình “Lúc nào họ cũng quấn quít bên nhau, và luôn ngồi gần nhau. Hai
người cười suốt, và buổi tối họ thường ngồi bên cửa sổ hát rống lên làm
người đi đường cứ túm tụm lại mà nhìn” [3; 62]. Những tưởng rằng tình yêu
ấy sẽ có một kết cục tốt đẹp viên mãn, nào ngờ quãng thời gian hạnh phúc
ngắn ngủi bên nhau của họ chẳng được bao lâu. Thần chết đã cướp đi người
đàn ông mà bà hằng yêu thương “Mẹ quỳ bên cạnh cha. Mẹ mặc độc cái váy
lót màu đỏ, tay cầm chiếc lược đen tôi vẫn hay dùng để cứa vỏ dưa hấu chầm
chậm chải mái tóc dài mềm mại của cha từ trán ra sau gáy. Vừa chải, mẹ vừa
nói không ngừng, giọng khản đặc. Mắt mẹ sưng mọng như được gột rửa bởi
hai hàng nước mắt ròng ròng” [3; 5]. Bà đau đớn, tuyệt vọng, từ một người
phụ nữ xinh đẹp và mạnh mẽ, bỗng chốc bà trở thành một con người hoàn
toàn khác, yếu đuối đến đáng thương, bà giống như cây thông khô héo đã trơ
trụi cành lá “Với tôi mẹ lúc nào cũng nghiêm khắc và kiệm lời, mẹ luôn gọn
gàng, chỉn chu và mạnh mẽ như một con ngựa, cơ thể cùng hai cánh tay mẹ

rất khỏe. Thế mà giờ đây mẹ rũ ra, toàn bộ sức lực như bị rút kiệt. Mái tóc
vẫn được búi gọn trên đầu như một chiếc mũ lớn vàng óng giờ xổ tung, xõa
xuống đôi vai trần, lòa xòa trước mặt mẹ còn phần đuôi tóc hãy còn thắt bím
nhè nhẹ đung đưa trên gương mặt say ngủ của cha tôi. Dù tôi ở trong buồng
đã một lúc lâu song mẹ dường như không hề để ý đến tôi. Mẹ chẳng biết làm
gì ngoài việc chải tóc cho cha trong tiếng khóc nức nở nghẹn ngào” [3; 7].

19


Trái tim của Varusha cứ thế tan ra thành từng mảnh khi lần lượt phải
chứng kiến cái chết của chồng và hai đứa con. Thần chết thật nhẫn tâm hay
chính xã hội Nga thối nát khi ấy đã cướp đi niềm hạnh phúc và sự sống còn
của họ. Để rồi dần dần người mẹ trẻ “Trông càng thêm ủ rũ, nhìn mọi người
bằng cặp mắt xa lạ. Mẹ thường ngồi rất lâu bên cửa sổ, yên lặng nhìn ra khu
vườn, và tất cả những màu sắc rực rỡ tỏa ra từ mẹ dường như cũng phai nhạt
đi” [3; 232]. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến bà trở nên thờ ơ không để ý
đến những người xung quanh và trở nên gắt gỏng hơn. Ánh mắt của bà mỗi
lúc một thêm yếu đuối, sự chán chường, tuyệt vọng còn toát ra cả từ lời nói
lẫn hơi thở của bà.
Nỗi đau này chưa kịp nguôi ngoai thì Varusha đáng thương lại phải
hứng chịu thêm nỗi đau khác. Với một người đàn bà góa chồng luôn khao
khát được yêu thương thì việc bà tái hôn với một người đàn ông kém tuổi
tưởng rằng sẽ là một món quà mà số phận bù đắp cho người đàn bà tội
nghiệp. Nhưng cuộc sống vốn chẳng tốt đẹp như người ta nghĩ và nó chẳng
suôn sẻ theo ý muốn con người. Eugen Vassilev - tức dượng của Alexei là
một tên khốn, hắn là một tên nghiện cờ bạc và thẳng tay đánh đập mẹ Alexei
không thương tiếc “Tôi thấy mẹ ngã khụy xuống đất, lưng và khủy tay bám
ghế, ngực ưỡn ra còn đầu thì ật ngửa về sau. Mẹ ho khan liên tục, đôi mắt
hằn lên vẻ đáng sợ. Đã thế, ông ta còn nhấc cao cái cẳng dài đạp vào giữa

ngực mẹ tôi” [3; 321]. Cảnh tượng ấy thật khiến người ta xót thương và
nghẹn ngào, những lời chửi bới khinh miệt cùng những trận đòn không
thương tiếc giáng xuống người Varusha và đứa con trong bụng khiến cảm xúc
của bà mỗi lúc chai sạn và uất ức tột cùng, niềm tin vào cuộc sống càng lúc
càng mờ nhạt khiến đôi mắt bà như muốn nhanh khép lại để sang một thế giới
khác, nơi tồn tại sự công bằng và không có những khổ đau.
Cái đói, cái nghèo đã cướp đi sinh mạng của một người đàn bà mà cả
một đời chẳng có những phút giây bình yên. Mẹ Alexei mất vào một buổi
sáng chủ nhật, trước khi chết mẹ cậu chỉ kịp uống một ngụm nước nhỏ rồi trút
hơi thở cuối cùng trước sự chứng kiến của cậu con trai đáng thương “Mẹ nhìn
về phía mấy bức tượng thánh một lúc, rồi quay sang nhìn tôi, đôi môi mấp
máy như đang nở một nụ cười, và đôi hàng mi dài của mẹ từ từ khép lại. Hai

20


×