Tải bản đầy đủ (.pdf) (124 trang)

(Luận văn thạc sĩ) Đặc điểm thơ Phạm Quốc Ca

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.13 MB, 124 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

LƯU THỊ TUYẾT NHUNG

ĐẶC ĐIỂM THƠ PHẠM QUỐC CA

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2019


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

LƯU THỊ TUYẾT NHUNG

ĐẶC ĐIỂM THƠ PHẠM QUỐC CA
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã ngành: 8220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lưu Khánh Thơ

THÁI NGUYÊN - 2019


i



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung
thực và chưa hề được sử dụng để bảo vệ một học vị nào. Mọi sự giúp đỡ cho việc
thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đã
được chỉ rõ nguồn gốc rõ ràng và được phép công bố.
Thái Nguyên, ngày 15 tháng 5 năm 2019
Tác giả luận văn

Lưu Thị Tuyết Nhung


ii

LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, tác giả đã nhận được sự quan tâm, động viên,
giúp đỡ từ các thầy cô, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp.
Trước hết, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS Lưu Khánh Thơ, người
hướng dẫn khoa học đã dành nhiều thời gian, công sức hướng dẫn tôi trong suốt quá
trình thực hiện luận văn.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ, Nhà thơ Phạm Quốc Ca đã tận tình giúp đỡ tôi
về thông tin tư liệu và góp nhiều ý kiến quý báu để thực hiện luận văn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu cùng toàn thể các thầy cô giáo
Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã tận tình truyền đạt những kiến thức quý
báu, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Tuy đã cố gắng, nhưng luận văn không tránh khỏi thiếu sót. Kính mong quý
thầy cô, những người quan tâm đến đề tài, đồng nghiệp và bạn bè tiếp tục có những
ý kiến đóng góp để luận văn được hoàn thiện.
Xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, tháng 5 năm 2019

Tác giả luận văn

Lưu Thị Tuyết Nhung


Tiến sĩ, Nhà thơ Phạm Quốc Ca


iii

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ..................................................................................................................ii
MỤC LỤC ......................................................................................................................iii
MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................................. 1
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ............................................................................... 6
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu ........................................................................ 6
5. Phạm vi nghiên cứu ..................................................................................................... 8
6. Cấu trúc của luận văn ................................................................................................... 8
7. Đóng góp của luận văn ................................................................................................ 8
NỘI DUNG…………………………………………………………….………………..9
Chương 1: THƠ PHẠM QUỐC CA TRONG DÒNG CHẢY THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG
ĐẠI .................................................................................................................................. 9
1.1. Khái quát thơ Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay ................................................. 9
1.2. Phạm Quốc Ca – cuộc đời và văn nghiệp ............................................................... 14
1.2.1.Vài nét về tiểu sử nhà thơ Phạm Quốc Ca ............................................................ 14
1.2.2. Quan niệm thơ của Phạm Quốc Ca ..................................................................... 17
1.2.3. Hành trình thơ Phạm Quốc Ca ............................................................................ 21

Tiểu kết chương 1 .......................................................................................................... 23
Chương 2: NỘI DUNG TRỮ TÌNH THƠ PHẠM QUỐC CA ..................................... 24
2.1. Thơ thể tài lịch sử dân tộc của Phạm Quốc Ca ....................................................... 24
2.1.1.Thơ sử thi giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước........................................ 24
2.1.2. Thơ tái hiện chiến tranh sau 1975 ....................................................................... 28
2.1.3.Thơ về quê hương, đất nước ................................................................................. 30
2.2. Thơ trữ tình đời tư................................................................................................... 36
2.2.1.Thơ tình yêu .......................................................................................................... 36
2.2.2.Thơ về gia đình ..................................................................................................... 44
2.3. Thơ thế sự ............................................................................................................... 55
2.3.1. Thơ hiện thực thế sự............................................................................................. 55
2.3.2. Thơ trào lộng thế sự ............................................................................................. 62
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................................... 65


iv

Chương 3: THƠ PHẠM QUỐC CA TỪ GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT ........................ 66
3.1. Thời gian nghệ thuật ............................................................................................... 66
3.1.1. Thời gian hiện tại ................................................................................................. 66
3.1.2. Thời gian quá khứ ................................................................................................ 69
3.1.3. Thời gian tương lai .............................................................................................. 73
3.2. Không gian nghệ thuật ............................................................................................ 75
3.2.1. Không gian chiến trận ......................................................................................... 76
3.2.2. Không gian làng quê ............................................................................................ 80
3.2.3. Không gian đời tư ................................................................................................ 83
3.3. Ngôn ngữ thơ .......................................................................................................... 85
3.3.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh ...................................................................................... 85
3.3.2. Ngôn ngữ lạ hóa, giàu tính sáng tạo.................................................................... 87
3.4. Giọng điệu ............................................................................................................... 91

3.4.1. Giọng điệu hùng tráng ......................................................................................... 92
3.4.2. Giọng điệu cảm thương ....................................................................................... 93
3.4.3. Giọng điệu yêu thương, ngọt ngào....................................................................... 95
3.4.4. Giọng điệu suy tư, triết lý .................................................................................... 96
3.4.5. Giọng điệu cay đắng ............................................................................................ 97
3.4.6. Giọng điệu hài hước ............................................................................................ 98
3.5. Các thủ pháp nghệ thuật.......................................................................................... 99
3.5.1. So sánh ................................................................................................................. 99
3.5.2. Nhân cách hóa ................................................................................................... 103
3.5.3. Cường điệu......................................................................................................... 106
3.5.4. Sử dụng từ láy .................................................................................................... 108
KẾT LUẬN.................................................................................................................. 111
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................... 113


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong lực lượng sáng tác thơ đông đảo, nhiều thế hệ của nền thơ đương đại
Việt Nam, Phạm Quốc Ca là một trong những nhà thơ có nhiều thành tựu, được đông
đảo bạn đọc yêu mến.
Thơ Phạm Quốc Ca đằm sâu vẻ đẹp tâm hồn người lính không chỉ trong chiến
tranh mà còn trong cả cuộc sống thường ngày với bao trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm.
Thơ ông vừa phát huy những vẻ đẹp truyền thống, vừa nỗ lực cách tân, tạo nên một
phong cách độc đáo. Đọc thơ Phạm Quốc Ca, ta bắt gặp một trí tuệ mẫn tiệp, một tâm
hồn chan chứa tình người, tình đời, một giọng thơ đa thanh, đa sắc. Có những bài thơ
của ông khiến ta lặng người, rưng rưng cảm xúc. Đến với thơ ông, người đọc cảm
thấy xốn xang như bắt gặp những suy tư, trăn trở, những cảm xúc của chính mình.
Thơ Phạm Quốc Ca giản dị, thâm trầm, sâu sắc, được chắt lọc từ chính cuộc đời người
lính, người thầy giáo, người nghệ sĩ ngôn từ.

Thơ ông được các nhà thơ, nhà phê bình có uy tín đánh giá cao, được nhiều
bạn đọc yêu quý, mến mộ. Tìm hiểu thơ Phạm Quốc Ca- thơ của một người lính
chống Mỹ, một trí thức trong giai đoạn Đổi mới sẽ có nhiều điều bổ ích và thú vị. Vì
những lẽ trên, chúng tôi chọn đề tài "Đặc điểm thơ Phạm Quốc Ca" cho luận văn
Thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Thơ Phạm Quốc Ca đã được các nhà phê bình, các nhà thơ danh tiếng như: Chế
Lan Viên, Thanh Thảo, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Trọng Tạo, Lò Ngân Sủn, Trịnh Thanh
Sơn… đồng cảm, tri âm và đánh giá cao. Sau đây là những ý kiến tiêu biểu:
2.1.Về các tập thơ của Phạm Quốc Ca
Trong lời tựa tập thơ đầu tay Tiếng trầm (Sở Văn hoá- Thông tin Lâm Đồng,
1984), Nhà thơ Thanh Thảo đã tinh tế nhận ra một nét đặc điểm phong cách đáng
quý:“Thơ Phạm Quốc Ca chuộng những màu đạm, những nét thanh. Mỗi bài thơ với


2
mức độ thành công khác nhau đều là một giao tiếp chân tình, một lời thủ thỉ. Mong
thơ anh cứ như bông hoa đồng nội giản dị với hương thơm kín đáo” [5].
Nhà phê bình Trần Thanh Đạm đánh giá cao đặc điểm trữ tình nồng hậu, gây
xúc động sâu sắc của tập thơ:“Đọc thơ Phạm Quốc Ca tôi thấy những người tuyển
chọn và trao giải thưởng cho thơ anh quả là biết người, biết thơ. Tôi đã đọc một mạch
tập thơ "Tiếng trầm" và đã ngồi lặng đi hồi lâu vì xúc động…. Quả thật ở anh tôi đã
gặp một nhà thơ, một tâm hồn chân thành, nồng hậu và cao quý” [20].
Chân trời mở (Nxb Văn hoá- Thông tin, 1994) là tập thơ được Hội Liên hiệp
Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao Tặng thưởng hạng B năm 1995. Trong bài viết
“Chân trời mở từ những câu thơ”, Nhà thơ Lò Ngân Sủn đã chỉ ra một số đặc điểm
đáng quý. Nổi bật hơn cả là sự hài hoà cảm xúc và trí tuệ:“Thơ Phạm Quốc Ca đằm
sâu suy tưởng, dồi dào vốn sống, bố cục chặt chẽ, câu chữ chính xác, đề tài đa dạng,
phong phú. Đó là thơ của người có tình, luôn chìm đắm trong dạt dào cảm xúc. Đó
là thơ của người có học, hiểu biết sâu rộng” [58].

Làng trong nỗi nhớ (Nxb Thanh niên, Hà Nội,1996) là tập thơ về đề tài quê
hương. Nhà thơ Vương Tùng Cương đã có nhận xét: "Với Phạm Quốc Ca, điểm xuất
phát và luôn trở về của thơ anh là làng quê ven sông Bùng, Diễn Châu, xứ Nghệ. Ta
thấy rõ bản ngã thi nhân, một người con luôn trân trọng những kỷ niệm chốn quê như
báu vật riêng mình. Chính tình cảm và lẽ sống ấy đã tạo cho tác giả nguồn cảm hứng
thi ca dồi dào”[9, tr. 8].
Tập thơ Những cánh rừng những bài ca (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004)
được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I, 2013. Nhà phê bình
Trịnh Thanh Sơn đã chỉ ra đặc điểm của thơ Phạm Quốc Ca là nhiều nghĩ suy, chiêm
cảm:“Có thể thấy qua“Những cánh rừng những bài ca” một hồn thơ nhiều chiêm
cảm, mực thước mà tài hoa, rưng rưng nỗi niềm thường nhật mà suy tưởng đằm sâu.
Thơ Phạm Quốc Ca lặng lẽ đi vào lòng người, không ồn ã mà thấm thía, cẩn trọng
mà dịu dàng, minh triết mà dân dã, hồn nhiên. Thơ ấy là thơ của một người thơ thứ
thiệt, có thể đồng hành cùng thơ trong một tin cậy dài lâu”[57].


3
Phạm Quốc Ca đã có một tập thơ riêng về chủ đề tình yêu là Thơ viết trong
album (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010). Về tập thơ này, Nhà thơ Vương Tâm đã
viết:“Phạm Quốc Ca đã bày tỏ thật nhiều điều ẩn chứa trong tim… Thơ tình của anh
vừa thanh thoát, lãng mạn dành cho tình yêu của mọi lứa đôi, vừa gần gũi tình vợ
chồng”[61].
Cơn mưa mạ vàng (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018) là tuyển tập thơ sau gần
năm mươi năm sáng tác của Phạm Quốc Ca. Trong lời giới thiệu tập thơ, Nhà thơ
Vương Tùng Cương đã chỉ ra nét phong cách nổi bật: “ Vốn sống, vốn tri thức phong
phú, niềm đam mê và lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc đã hình thành ở Phạm
Quốc Ca một hồn thơ đa sắc, giàu nội lực… Nhưng điều quan trọng hơn cả là Phạm
Quốc Ca đã khẳng định được bản sắc riêng, cốt lõi trên con đường thơ của mình. Nói
một cách nôm na là một tạng thơ đã được xác lập- đó là bình dị mà ám ảnh”[9, tr. 6,7].
Gần đây nhất, ngày 17.10.2018, Phạm Tuấn Vũ với bút danh Tư Hương có bài

viết Một hồn thơ đằm sâu suy tưởng trên báo Bình Định.com.vn. Trong bài viết này,
tác giả đã đánh giá: "Đọc "Cơn mưa mạ vàng"ta thấy một hồn thơ rộng mở, giàu cảm
xúc nhưng cũng thật lắng sâu, đầy vẻ đẹp trí tuệ... Có thể nói "Cơn mưa mạ vàng" là
thành quả ngọt ngào của gần năm mươi năm lao động nghệ thuật nghiêm túc và đam
mê của Nhà thơ Phạm Quốc Ca. Tuyển tập thơ này có thể xem là chân dung toàn vẹn
của “một hồn thơ bình dị mà ám ảnh” [70].
Thơ hài hước của Phạm Quốc Ca chưa được in thành tập nhưng nhiều bài đã
được in trên các báo, tạp chí. Nhà thơ Hoàng Trọng Hà bất ngờ với gần trăm bài thơ
vui và chỉ ra những đặc điểm nghệ thuật gây cười:“Ngòi bút của Phạm Quốc Ca hết
sức dí dỏm... Thơ hài của anh cô đọng, thường mỗi bài chỉ 4 hoặc 6 câu, mỗi câu 5,
6 từ. Mỗi bài thơ đều có cấu tứ chặt chẽ, chứa đựng sự bất ngờ. Chỉ qua mấy câu thơ
ngắn gọn, vài chi tiết và từ ngữ độc đáo, anh đã tạo được tình huống gây cười”[28].
2.2.Về những bài thơ hay của Phạm Quốc Ca
Phạm Quốc Ca có nhiều bài thơ hay, trong đó một số bài đã được trao giải
thưởng.Mỗi bài thơ hay của Phạm Quốc Ca có một vẻ riêng nhưng đều có nét chung
là cấu tứ độc đáo. Nhà thơ Chế Lan Viên trong báo cáo chung khảo Cuộc thi thơ do


4
Hội Nhà văn và Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức năm 1981 đã
nhận xét:"Từ cánh cổng hố bom" là một bài thơ có tứ hay, vì vậy viết về một đề tài cũ
mà vẫn ánh lên những vẻ đẹp mới mẻ”[ 7, tr.55].
Trên báo Người Hà Nội ra ngày 24/10/2008, Nhà thơ Lý Hoài Xuân đã nhận
xét: “Thơ Phạm Quốc Ca thấm đẫm tình yêu quê hương, tổ quốc, tình bạn và tình
cảm gia đình ruột thịt. Bài thơ nào cũng có tứ, nhiều đoạn, nhiều câu thơ hay”[72].
Đọc bài thơ“Với các em tôi", Võ Vĩnh Khuyến trên tạp chí Văn nghệ Long
An, số tháng 11- 2004, đã đánh giá cao nội lực sáng tạo của Nhà thơ Phạm Quốc
Ca: “Một năng lượng tinh thần trầm tích, chất chứa bao năm chiêm nghiệm đã tạo
nên sự thăng hoa trong cảm xúc…Bản lĩnh người lính đã tạo nên bản lĩnh ngòi bút.
Phạm Quốc Ca đã chọn riêng cho mình một cách thể hiện vừa thâm trầm vừa sâu

sắc. Nhưng trước hết và bao trùm là nhãn quan biện chứng trên cơ sở một tư duy
sắc sảo, mẫn tuệ”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có lời bình rất hay bài thơ Ba cây thông và
nhận xét: "Bài thơ kết cấu theo trục thời gian tuần tự nhưng thời gian nghệ thuật
được đẩy dần lên tới đỉnh điểm qua từng nấc thang rất chắc chắn và sắc bén, gây bất
ngờ cho người đọc. Bài thơ có tình thật, hình ảnh đẹp, pha thủ pháp của thơ siêu
thực, ngôn ngữ giản dị mà xúc động lòng người" (Tuyển tập Văn học dân tộc và miền
núi, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999).
2.3.Về các phương diện khác trong thơ Phạm Quốc Ca
Nhà thơ Nguyễn Trọng Bản đã có bài viết Hình tượng người mẹ trong thơ
Phạm Quốc Ca. Ông nhận xét về đặc điểm vừa cụ thể, sinh động, vừa khái quát:
"Phạm Quốc Ca đã khắc tạc bằng ngôn ngữ thơ bức chân dung rất riêng về người
mẹ của mình. Nhưng không chỉ thế. Là nhà thơ anh còn muốn vượt lên cái riêng để
nói những điều có tính chất chung ở mọi người mẹ”[4].
Về ngôn ngữ thơ Phạm Quốc Ca, Nhà thơ Vương Tùng Cương đã nhận xét:
“ Ngôn ngữ thơ Phạm Quốc Ca nghiêng về vẻ đẹp truyền thống dễ tiếp nhận. Sự
chuyển tải nội dung trong thơ anh rất hiệu quả do ngôn ngữ giản dị nhưng là giản dị
đầy tính nghệ thuật, sàng lọc, lựa chọn cẩn trọng. Từ ngữ trong thơ anh được đặt


5
đúng chỗ và thật đắt, mang lại hiệu quả bất ngờ, đột biến cho câu thơ, tạo dư ba, ám
ảnh trong lòng người đọc”[9, tr.11].
Trần Huyền Nhung cũng đã nhận xét: “Điều làm tôi trân trọng nhất trong thơ
anh là sự chân tình trong cảm xúc, là vẻ đẹp tinh tế đến độ tự nhiên của ngôn từ,
không phô trương, đánh bóng câu thơ”[54].
Nhà thơ Lò Ngân Sủn tâm đắc với tính đa nghĩa trong ngôn ngữ thơ Phạm
Quốc Ca:“Những câu thơ đã nói lên được nỗi niềm của tác giả, tôi chẳng biết nói gì
thêm. Nhất là những câu thơ, những bài thơ chứa đựng trong đó nhiều tầng, nhiều
nghĩa, đa phương, đa chiều mà chính tác giả chưa chắc đã hiểu hết được thơ mình.

Bởi nếu thơ vừa đọc mà hiểu được ngay tất cả thì có lẽ chỉ là thơ bình dân chứ không
phải thơ thâm trầm, bay bổng, sâu xa…Chân trời sáng tạo của Phạm Quốc Ca đã
được mở ra từ những câu thơ như thế” [58].
Trong bài Người hoạ bức tranh quê bằng ngôn từ, Bùi Khánh Ly đã viết về
đặc điểm giàu hình ảnh trong ngôn ngữ thơ ông:"Thơ Phạm Quốc Ca đa dạng về đề
tài, phong phú về hình ảnh. Trong đó, bức tranh quê bằng ngôn từ của nhà thơ là một
giá trị nghệ thuật thật đáng yêu, đáng quý… Tất cả được thể hiện trong những vần
thơ thành bức tranh quê tuyệt đẹp"[48].
Năm 2009 Hồ Thị Hà (Trường Đại học Đà Lạt) làm Khóa luận tốt nghiệp Đại
học với đề tài "Tìm hiểu thơ PhạmQuốc Ca". Khoá luận đã đề cập tới những giá trị
nội dung cũng như nghệ thuật cơ bản nhất của thơ Phạm Quốc Ca. Luận văn có đoạn:
"Thơ Phạm Quốc Ca hay từ ý, tứ, điệu, tình. Hàng trăm bài thơ, mỗi bài mỗi vẻ, bài
nào cũng có cái hay riêng với nhiều cách thể hiện đa dạng. Thơ Phạm Quốc Ca là
thơ của tâm hồn yêu cuộc sống thiết tha, dù trong hoàn cảnh nào cũng le lói ánh sáng
của niềm tin và hy vọng, tin tưởng vào tương lai cuộc đời, tương lai đất nước. Ánh
sáng đó khi như ngọn đuốc không ngừng tỏa sáng, khi như đốm than hồng âm ỉ cháy
trong đám tro tưởng chừng như nguội lạnh bên ngoài”[27].
Song khoá luận mới khảo sát 5 tập thơ, chưa có tuyển tập Cơn mưa mạ
vàng(2018). Chúng tôi nhận thấy những gì khoá luận này đã viết vẫn chưa đủ để xứng
tầm với những đóng góp của thơ Phạm Quốc Ca đối với nền thơ Việt Nam đương đại.


6
Những bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình đều thể hiện cái nhìn tinh tế, sâu
sắc và đồng cảm với thơ Phạm Quốc Ca, thống nhất đánh giá tài năng và ghi nhận
những đóng góp của thơ ông. Song đó mới chỉ là những bài báo, những bài tiểu luận
đánh giá về một bài thơ, một tập thơ, hoặc những vấn đề, đề tài cụ thể trong thơ Phạm
Quốc Ca. Đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống nào
về thơ Phạm Quốc Ca. Trên cơ sở kế thừa những ý kiến nhận định sâu sắc, tinh tế của
các nhà thơ, các nhà phê bình…với luận văn này chúng tôi muốn đóng góp những

cảm nhận, suy nghĩ của riêng mình về thơ Phạm Quốc Ca một cách toàn diện và hệ
thống hơn.
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là thơ Phạm Quốc Ca được tác
giả tuyển chọn trong Cơn mưa mạ vàng, tuyển tập thơ 1970- 2017 (Nxb Hội Nhà
văn, Hà Nội, 2018).
3.2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là chỉ ra được những đặc điểm của thơ Phạm
Quốc Ca cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, đồng thời khẳng định một phong
cách thơ giàu bản sắc, đóng góp xứng đáng vào nền thơ Việt Nam đương đại.
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhằm đạt được các mục tiêu nghiên cứu, chúng tôi cần phải đọc kỹ các tập
thơ Phạm Quốc Ca, đặc biệt là tập Cơn mưa mạ vàng, tuyển thơ 1970-2017(Nxb Hội
Nhà văn, Hà Nội, 2018).Các con số thống kê, phân loại dựa trên tuyển tập thơ này.
Chúng tôi cũng phải đọc hai tập tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học của Phạm
Quốc Ca: Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000 (2003), Thơ và mấy vấn đề văn
học (2016). Trong đó, ông có nhiều ý kiến, quan niệm về thơ rất sâu sắc, giúp soi
sáng nhiều vấn đề liên quan đến đề tài. Chúng tôi cũng cần đọc và khảo sát các công
trình nghiên cứu, các bài tiểu luận, các bài báo viết về Phạm Quốc Ca và về thơ ông.


7
Phần việc chính là tìm hiểu đặc điểm thơ Phạm Quốc Ca trên phương diện nội dung
trữ tình, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu…và chỉ
ra được đóng góp của thơ Phạm Quốc Ca đối với nền thơ đương đại Việt Nam.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính sau đây:
- Phương pháp nghiên cứu văn hóa - lịch sử

Đây là phương pháp lấy trạng thái văn hóa - lịch sử của dân tộc trong một thời
đại nhất định để soi sáng những vấn đề văn học cần nghiên cứu. Chúng tôi sẽ vận
dụng phương pháp này để phân tích thơ viết về chiến tranh, về cuộc sống hậu chiến,
mở cửa, Đổi mới…của Phạm Quốc Ca.
- Phương pháp nghiên cứu, phê bình tiểu sử
Phương pháp nghiên cứu, phê bình tiểu sử lấy việc tìm hiểu con người tác giả
để tìm hiểu tác phẩm. Phương pháp này coi nhà văn, nhà thơ là một cá tính độc đáo,
một cái tôi sống động, hấp dẫn, thậm chí là đặc biệt. Chúng tôi sẽ vận dụng phương
pháp này để tìm hiểu, phân tích thơ Phạm Quốc Ca theo từng giai đoạn gắn với những
sự kiện trong cuộc đời nhà thơ.
- Phương pháp loại hình
Phương pháp này tập hợp các sự kiện có chung đặc điểm nào đó. Khoa học
nghiên cứu về loại hình giúp cho việc phân tích các hiện tượng phức tạp một cách
hợp lí. Chúng tôi sẽ vận dụng vào phân loại các tác phẩm theo từng nội dung trữ tình
của tác giả.
- Phương pháp thi pháp học
Thi pháp học là phương pháp nghiên cứu hình thức mang tính quan niệm của
văn học. Vận dụng phương pháp này chúng tôi sẽ chỉ ra nét riêng của thơ Phạm Quốc
Ca về phương diện nghệ thuật.
- Phương pháp nghiên cứu hệ thống


8
Đây là phương pháp tập hợp nhiều yếu tố cùng loại hoặc cùng chức năng có
quan hệ chặt chẽ với nhau để kết thành hệ thống hoàn chỉnh, nhìn các yếu tố nội dung
và nghệ thuật trong các sáng tác ở một hệ thống để có sự thống nhất thể hiện trên nhiều
cấp độ, bình diện. Từ đó thấy được nội dung trữ tình cũng như không gian nghệ thuật,
thời gian nghệ thuật, đặc điểm ngôn ngữ, giọng điệu của thơ Phạm Quốc Ca.
5. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là tập Cơn mưa mạ vàng, tuyển thơ 1970-2017 của nhà

thơ Phạm Quốc Ca.
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi tiến hành khảo sát thống kê, phân
loại các sáng tác của Phạm Quốc Ca từ tuyển tập Cơn mưa mạ vàng.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài Phần mở đầu và Kết luận, luận văn gồm 3 chương chính:
Chương 1. Thơ Phạm Quốc Ca trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại
Chương 2. Nội dung trữ tình thơ Phạm Quốc Ca
Chương 3. Thơ Phạm Quốc Ca từ góc nhìn nghệ thuật
7. Đóng góp của luận văn
Với đề tài“Đặc điểm thơ Phạm Quốc Ca”, luận văn của chúng tôi muốn đóng
góp một cách nhìn, cách cảm nhận mới và có hệ thống về thơ Phạm Quốc Ca trong
suốt chặng đường sáng tác gần 50 năm của nhà thơ.
Luận văn tìm hiểu, phân tích làm rõ sự vận động thống nhất của thơ Phạm
Quốc Ca trên cả hai phương diện nội dung, nghệ thuật. Từ đó góp tiếng nói khẳng
định phong cách và những đóng góp của thơ Phạm Quốc Ca đối với nền thơ đương
đại nước nhà.


9
NỘI DUNG
Chương 1
THƠ PHẠM QUỐC CA TRONG DÒNG CHẢY
THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Sáng tác của nhà văn, nhà thơ bao giờ cũng chịu sự chi phối của hoàn cảnh
văn hoá - lịch sử của thời đại và bối cảnh của giai đoạn văn học ấy. Vì vậy, trước khi
tìm hiểu đặc điểm thơ Phạm Quốc Ca cần phác họa khái quát diện mạo thơ giai đoạn
ông tham gia sáng tác để có thể "vừa thấy cây vừa thấy rừng".
1.1. Khái quát thơ Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay
Ngày 30.4.1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được toàn
thắng. Sau hơn ba mươi năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Việt Nam

được sốngtrong niềm vui thống nhất, độc lập, tự do.Đất nước bước sang trang sử mới.
Nhưng không bao lâu sau, chúng ta lại phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979).
Từ 1986 Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới, hoà nhập với đời sống quốc tế.
Trong thời kỳ chiến tranh, mọi vấn đề của cuộc sống lùi lại nhường chỗ cho
vấn đề có ý nghĩa trọng đại của dân tộc là độc lập, tự do. Trong thời bình, những quy
luật vốn có của nó đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, cách nghĩ, mối quan hệ nhân
sinh, xã hội của con người.
Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong lãnh
đạo. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã đáp ứng thực tế
yêu cầu của cuộc sống và sự vận động khách quan của quy luật kinh tế - xã hội đất
nước ta lúc bấy giờ. Đối với lĩnh vực văn nghệ, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị nêu
rõ: “Đổi mới và nâng cao sự lãnh đạo về quản lý văn hóa văn nghệ lên một bước cao
hơn”. Đổi mới là nhu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước. Nghị
quyết chỉ rõ cần đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật. Bên cạnh đó, nhà nước chủ
trương mở cửa hội nhập, giao lưu rộng rãi với các nước trên thế giới. Điều đó đã tạo
điều kiện cho giới văn nghệ sĩ tự do sáng tạo. Mối quan hệ giữa văn học và đời sống,


10
nhà văn và bạn đọc, tiếp nhận văn học có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Hơn ba mươi năm qua, văn học Việt Nam đã có nhiều đổi mới trên mọi bình diện,
đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi, bắt kịp với xu thế văn học thế giới. Trong
quá trình đổi mới đó,“Thơ bao giờ cũng là một thể loại mạnh, luôn chiếm ngôi vị đầu
bảng” (Đỗ Lai Thúy).
Trước hết phải nói đến sự đổi mới về tư duy thơ. Đổi mới tư duy thơ là nền
tảng, gốc rễ của mọi sự cách tân, đổi mới thơ. Sau 1975, đặc biệt là sau 1986 đã hình
thành một hệ hình nhận thức, sáng tạo mới trong thơ. Tinh thần Đổi mới tạo cơ sở
cho dân chủ hóa trong đời sống văn học. Cảm hứng thế sự và đời tư trở thành chủ
đạo, phổ biến. Văn học không chỉ là tiếng nói chung của thời đại, của cộng đồng mà

còn là phát ngôn của mỗi cá nhân. Văn học khám phá thực tại đa chiều, thức tỉnh ý
thức về sự thật, có vai trò dự báo, dự cảm. Vì thế thơ trở về cuộc sống bình dị, nhằm
tìm kiếm trong cái hằng ngày, cái đời thường một diện mạo mới, chân thực hơn. Cũng
do vậy, thơ có khả năng đi sâu vào cuộc sống với những thân phận, số phận đơn lẻ,
nhiều ẩn ức, tâm sự. Nhà thơ cũng khao khát tìm kiếm diện mạo cá nhân trong những
tương quan và chiều kích của văn hóa, lịch sử, mỹ học… Đây là lý do giải thích vì
sao thơ của thế hệ sau 1975 trở nên giàu tính tư tưởng - triết luận hơn so với trước
đó. Hiện thực trong thơ ca giai đoạn trước chủ yếu là hiện thực chiến đấu và lao động
sản xuất. Đến giai đoạn này, văn học quan niệm hiện thực chủ yếu là đời sống thế sự.
Hiện thực phải có tính chất toàn vẹn, nhiều mặt, không chỉ là cái bên ngoài dễ nhìn
thấy mà còn là cái bên trong, hiện thực của đời sống tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của
con người… Hiện thực được nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều phong phú, phức
tạp chằng chịt như chính cuộc sống. Mọi ngõ ngách của cuộc sống được soi rọi và
phản ánh trong văn học.
Con người được phản ánh với những suy tư, trăn trở đời thường thời hậu chiến
với vô vàn khó khăn, thiếu thốn:
Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo


11
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
(Nhà chật- Lưu Quang Vũ)
Hiện thực còn là đời sống cá nhân của con người. Con người trở thành trung
tâm phản ánh của văn học. Trong giai đoạn kháng chiến, con người được phản ánh
trong thơ là con người sử thi, con người cộng đồng. Văn học sau 1975, nhất là sau 1986
phản ánh con người ở nhiều khía cạnh trong mối quan hệ với cộng đồng, bi kịch cá
nhân hậu chiến, cả những uẩn khúc trong đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm linh. Đánh
thức tiềm lực (1982) của Nguyễn Duy, Khoảng cách giữa lời (1983) của Bằng Việt,

Bài thơ không năm tháng (1983) của Lâm Thị Vĩ Dạ, Tự hát (1984) của Xuân Quỳnh,
Người đàn bà ngồi đan (1985) của Ý Nhi…. là những tác phẩm tiêu biểu.
Nhiều nhà thơ quan niệm thơ là tiếng nói tâm linh bí ẩn, là dòng chảy của tiềm
thức. Thế giới tâm linh của con người vốn bí ẩn và đầy phức tạp được chuyển tải qua
những ký hiệu ngôn từ đa nghĩa. Nhiều bài thơ thăm dò cõi sâu vô thức, cõi bí ẩn của
tâm linh con người.
Con người trong thơ giai đoạn này hiện lên trong nhiều vị thế, nhiều mối quan
hệ, không là nhất phiến mà là con người đa diện, đan xen tốt, xấu, "rồng phượng và
rắn rết, thiên thần và ác quỷ" (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu). Từ quan điểm mỹ
học đó, Lê Ngọc Trà khẳng định: “Trong cuộc chạy đua ồ ạt của nhân loại về tương
lai, nhà văn không được quyền chỉ vỗ tay hoan hô mà còn phải cảnh tỉnh, không có
quyền chỉ chào đón những người anh hùng đang có đầy triển vọng mà còn phải nhìn
thấy trước và báo động về nguy cơ cái xấu đang về đích trước hay cùng lúc với cái
đẹp. Đó là nghĩa vụ xã hội độc đáo của văn học”[60].
Tác giả có giọng thơ sử thi cường tráng nhất là Tố Hữu cũng đã chuyển
dòng cảm hứng. Với giọng thơ thế sự, ông than thở tình người đen bạc, thay đổi
khôn lường. Ông băn khoăn trước lối sống thực dụng đang tràn ngập mọi hang
cùng ngõ hẻm:
Đời đâu phải thị trường nhân phẩm
Gian ác mang mặt nạ thánh hiền
Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm


12
Bạc vàng đo giá trị, sang hèn?
(Chân trời mới)
Thơ sau Đổi mới thường mang âm hưởng buồn. Những nỗi buồn của con người
rất đa dạng. Chủ thể trữ tình thường tách mình ra khỏi cộng đồng, mang cảm giác cô
đơn. Cái tôi trữ tình nhận ra sự nhỏ bé của mình:
Tôi nhỏ nhoi tồn tại chính mình

Nhân danh một chính mình tồn tại
(Thạch Quỳ)
Trong thơ còn xuất hiện những nỗi buồn rất khó gọi tên, khó diễn tả, phức tạp,
bí ẩn như:
Nhiều khi nỗi buồn của tôi như sợi len dài
Quấn xiết vào trái tim hỗn loạn
(Nỗi buồn của chiếc bóng- Phạm Thị Ngọc Liên)
Tóm lại, sau 1975 với sự chuyển biến của lịch sử xã hội, văn học nói chung,
thơ nói riêng có những đổi mới đáng kể trong tư duy về chủ thể sáng tạo cũng như
cách nhìn nhận hiện thực, con người. Điều đó đã đem đến những thành tựu mới. Mỗi
nhà thơ giai đoạn này đều khao khát tìm kiếm, thể hiện và khẳng định giọng điệu
riêng, phong cách riêng. Người cầm bút có nhu cầu tìm kiếm một lối viết mới phù
hợp với quan niệm và nhận thức mới về thơ. Cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ được
đề cao. Ý thức cách tân, đổi mới về hình thức nghệ thuật ở nhiều nhà thơ thật mạnh
mẽ, quyết liệt.
Trước đây, người ta thường xem thơ như là một phương tiện để chuyển tải tư
tưởng tình cảm. Nay, có nhà thơ quan niệm “Thơ là trò chơi chữ nghĩa”. Giá trị của
bài thơ nằm ở sự mới lạ về hình thức nghệ thuật. Những người nỗ lực cách tân theo
hướng thơ hiện đại là:Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường, Hoàng Hưng,
Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn…


13
Họ không còn coi trọng vấn đề văn học phản ánh hiện thực, không quan tâm
tới nghĩa đen của câu chữ. Nhiều nhà thơ không bằng lòng với những con chữ có sẵn
xưa nay. Họ sáng tạo ra những con chữ mới, mặc cho nó vô nghĩa, lệch chuẩn, bụi
bặm… Trong bài Noel 1:
Nen ren em quen
Em về phố lặng
Lòng đổ chuông

llềnh lluềnh nước
Dương Tường sáng tạo ra một kiểu thơ có thể cảm thụ bằng nhiều giác quan.
Có nhiều từ lạ lẫm (trong từ điển tiếng Việt chưa có) để mô phỏng âm thanh của phố
xá. Cách sắp xếp độ dài ngắn các câu cũng tạo ra những ấn tượng thị giác, kích thích
trí tò mò của người tiếp nhận.
Đi đôi với việc đổi mới ngôn ngữ thơ là sự mở rộng quan niệm về thể loại
thơ. Thể thơ lục bát vẫn tiếp tục được sáng tác nhưng biến thể rất nhiều. Thể thơ
tự do được sử dụng phổ biến. Sự sáng tạo thể thơ tự do chủ yếu thể hiện ở lối vắt
dòng, ngắt nhịp và tạo hình cho bài thơ. Thơ Haiku vốn là một thể thơ truyền thống
của Nhật Bản nhưng ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Nhiều nhà thơ đã vận động
sáng tác một thể loại mới là thơ Haiku Việt. Thơ văn xuôi đã được sáng tác từ
Phong trào Thơ mới 1932-1945. Từ Đổi mới, thơ văn xuôi phát triển mạnh mẽ và
có nhiều hình thức tồn tại, rất đa dạng: Nhân chứng của một cái chết (Nguyễn
Quang Thiều), Ô mai (Đặng Đình Hưng), Bài thơ hai từ (Trần Tiến Dũng), Mười
bài tập mùa xuân (Mai Văn Phấn), Phóng đãng của trí nhớ (Nguyễn Quốc
Chánh)…
Về mặt kết cấu, phổ biến trong thơ thế hệ Đổi mới là kiểu kết cấu mở, câu chữ,
hình ảnh được lắp ghép một cách như là ngẫu nhiên, phi logic, tạo nên nhiều “khoảng
trắng” trong xúc cảm và liên tưởng. Bài thơ thường được tổ chức theo hướng vận
động của vô thức, trực giác... Đấy là một kiểu kết cấu hiện đại, ở đó bài thơ được tổ
chức như một cấu trúc vận động, không mang tính hoàn tất, khép kín về nghĩa như
trong kết cấu truyền thống. Tiêu biểu như: Hồi tưởng (Nguyễn Quang Thiều), Biến


14
tấu con quạ (Mai Văn Phấn), Liên bút từ sen Huế (Nguyễn Lương Ngọc), Tiếng
địch (Dương Kiều Minh), Nhẹ (Nguyễn Bình Phương), Nơi chốn trong sự ra đi (Trần
Tiến Dũng)...Một mặt, kiểu tổ chức văn bản này khiến người đọc thực sự hoang mang
khi muốn quy tụ mọi hình ảnh, câu chữ chừng như tứ tán, hỗn loạn vào một ý nghĩa
đơn nhất, khép kín. Mặt khác, nó “giải phóng” óc liên tưởng, tưởng tượng, “vẫy gọi”

những cách lý giải đa chiều về tác phẩm.
Thơ sau 1975 đã tạo nên thời gian, không gian nghệ thuật mới, vượt ra khỏi từ
trường thơ truyền thống, giúp đa dạng hóa thời gian, không gian thẩm mỹ của thơ.
Thời gian, không gian trong văn học 1945-1975 là thời gian, không gian gắn với
những sinh hoạt chung của cộng đồng nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết tập thể, hay
thời gian, không gian chiến trận trong cuộc chiến tranh ác liệt một mất, một còn. Văn
học sau 1975 hướng vào những phạm vi thời gian, không gian nhỏ hơn thuộc về thế
giới cá nhân riêng tư của con người như thời gian, không gian của sinh hoạt gia đình,
của cá nhân. Đặc biệt không gian được mở rộng về chiều sâu - không gian tâm linh
mà văn học giai đoạn trước không có.
Nhìn chung, thơ Việt Nam sau năm 1975 đã cố gắng phá vỡ những khuôn khổ
của nền thơ sử thi. Nó đi tìm lối thể hiện mới trên tất cả các phương diện. Thơ sau
1975 là tiếng nói cá nhân đi sâu vào đời sống nội cảm của con người. Mỗi nhà thơ
đều cố gắng tạo cho mình phong cách mới mẻ, độc đáo, góp phần vào sự phát triển
của thơ.
1.2. Phạm Quốc Ca – cuộc đời và văn nghiệp
Làm thơ trong khói lửa chiến trường chống Mỹ ở Đông Nam Bộ nhưng Phạm
Quốc Ca thuộc thế hệ nhà thơ xuất hiện sau 1975 và chủ yếu góp phần vào thành tựu
của nền thơ Đổi mới.
1.2.1.Vài nét về tiểu sử nhà thơ Phạm Quốc Ca
Nhà thơ Phạm Quốc Ca sinh ngày 5 tháng 3 năm 1952 tại một vùng quê không
chỉ giàu truyền thống văn hoá, mà còn là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân giai đoạn chống Mỹ. Đó là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Làng
Thọ Khánh quê ông là một làng nhỏ xanh mát tre, dừa bên con sông Bùng - dòng


15
sông xuất hiện nhiều trong thơ Phạm Quốc Ca, dòng sông đã nuôi lớn những tâm hồn
thi sĩ: Trần Hữu Thung, Võ Văn Trực, Nguyễn Trọng Tạo…
Phạm Quốc Ca được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng hiếu học. Ông ngoại

là thầy đồ Nho thế hệ cuối cùng. Thân sinh nhà thơ là ông Phạm Bân - một người
thông thạo chữ Nho, hiền lành, nhân hậu, mất năm 1963, hưởng dương 53 tuổi. Mẹ
là bà Trần Thị Tiếu, một phụ nữ nông dân đảm đang, một từ mẫu nổi tiếng thương
con và lao động giỏi. Chồng mất khi bà mới 45 tuổi, một mình đóng hai vai, bà đã
nuôi nấng các con trưởng thành. Phạm Quốc Ca đã làm nhiều bài thơ xúc động về mẹ
như: Hương lúa miền Trung, Bình minh con sẽ lên đường, Đêm lời mẹ ru, Bên mồ
mẹ… Mẹ của nhà thơ mất năm 1982, hưởng thọ 67 tuổi. Nhà thơ có tám anh chị em.
Anh Phạm Văn Cừ kính yêu của Nhà thơ là Liệt sĩ, hy sinh tại Tây Ninh năm 1969,
được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bài thơ Viết trong ngày giỗ anh
của Phạm Quốc Ca được trao Giải Nhất Cuộc thi sáng tác về đề tài Thương binh, liệt
sĩ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 1984.
Tiến sĩ, Nhà thơ Phạm Quốc Ca là một trong những học sinh cũ nêu gương
sáng học tập và phấn đấu của Trường Trung học cơ sở xã Diễn Kỷ, Trường Phổ thông
Trung học Diễn Châu 2. Phòng Truyền thống Trường Trung học cơ sở xã Diễn Kỷ
quê nhà vinh danh gia đình nhà thơ là hiếu học và thành đạt (có bốn Tiến sĩ:Phạm
Đình Thái, Phạm Quốc Ca, Phạm Tuấn Vũ, Phạm Triều Dương). Nối nghiệp gia đình,
Thạc sĩ Phạm Quang Huy - con trai Nhà thơ sẽ bảo vệ Luận án Tiến sĩ Tin học tại
Canada trong tháng 12 năm 2019.
* Tuổi học trò
Phạm Quốc Ca mồ côi cha năm 1963, năm lên 11 tuổi. Tuổi thơ phải sống
dưới bom đạn cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồng thời chứng kiến cuộc chiến
đấu chống trả máy bay giặc ngay trên quê hương xã Diễn Kỷ anh hùng. Đây là một
vùng trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, học sinh phải học dưới hầm thùng, nhiều
lúc phải học đêm với ánh sáng le lói của ngọn đèn phòng không.Tình yêu văn chương
ở nhà thơ tương lai được nhen nhóm dưới mái trường cấp I, cấp II, được khơi dậy từ
những tác phẩm văn học Nga, văn học Xô viết, văn học Trung Quốc… do người anh
ruột là Phạm Đình Thái từ Hà Nội gửi về và từ thầy giáo Nhà thơ Nguyễn Trọng Bản


16

mà anh kính trọng và yêu mến suốt đời. Trong một hồi ức về tuổi thơ, Phạm Quốc Ca
tâm sự: “Tôi chỉ sống một nửa với thế giới hiện thực lúc bấy giờ. Một nửa tâm trí tôi
sống trong thế giới mà các nhà văn, nhà thơ đã tạo ra”.
Phạm Quốc Ca là Đội trưởng thiếu nhi xã, nhiều lần cùng các bạn nhỏ chặt lá
nguỵ trang cho bộ đội, tham gia cứu thương, cứu pháo cao xạ khi trận địa bị trúng
bom. Phạm Quốc Ca luôn dẫn đầu về thành tích học tập, tất cả các môn học đều đạt
điểm cao nhất, riêng môn Văn hai lần đoạt giải Nhất các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh
Nghệ An (1964, 1970). Năm 1965 Phạm Quốc Ca được Bác Hồ gửi tặng thưởng.
Chính tay Người viết vào cuốn sổ tay rất đẹp dòng chữ:“Phần thưởng của Bác Hồ
tặng cháu Phạm Quốc Ca”. Năm 1967, đang là học sinh lớp 7, vì thành tích học tập
xuất sắc và tham gia phục vụ chiến đấu Phạm Quốc Ca được thay mặt thiếu nhi toàn
huyện tham gia Đại hội mừng công chống Mỹ, cứu nước của Huyện đội Diễn Châu.
Phạm Quốc Ca còn được UBND tỉnh Nghệ An và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh tặng bằng khen về thành tích học tập (1970).
* Đời lính Quân giải phóng miền Nam
Ngày 21.4.1970 Phạm Quốc Ca lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước khi còn là cậu học sinh lớp 10 giàu mơ mộng, chỉ nặng 42
kg. Trong chiếc ba lô ra chiến trường, Phạm Quốc Ca lặng lẽ mang theo tập 2 bộ tiểu
thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy và ấp ủ mơ ước trở thành nhà văn,
nhà thơ. Sau 4 tháng cõng ba lô leo Trường Sơn chàng lính trẻ được bổ sung vào Tiểu
đoàn 28 Đặc công của Sư đoàn 9 Anh hùng, chiến đấu tại Campuchia và Đông Nam
Bộ. Phạm Quốc Ca đã tham gia chiến dịch Đường số 6 (Kampong Thom,
Campuchia), 1971; Chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long), 1972; Chiến dịch Hồ Chí
Minh, 1975; được Sư đoàn 9 tặng danh hiệu Dũng sĩ trong Chiến dịch Nguyễn Huệ
(1972), Quân đội tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất (1975),
Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất (1984).
* Trở thành giảng viên Đại học, nhà thơ
Năm 1977, Phạm Quốc Ca được Quân đội cho chuyển ngành, học khóa 22
(1977 - 1981) Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.



17
Năm 1983, Phạm Quốc Ca được nhận vào giảng dạy văn học Việt Nam tại
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt. Vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông
vừa hoạt động văn học; là nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả Văn học Nga, hội
viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ 1989 đến 1990 Phạm Quốc Ca là thực tập sinh tiếng Nga tại Trường Đại
học Sư phạm Ngoại ngữ Piatygorxk, Cộng hoà Liên bang Nga. Chuyến đi thực tập
để lại ấn tượng sâu sắc để nhà thơ sáng tác những bài thơ hay về nước Nga và dịch,
giới thiệu nhiều tác phẩm thơ Nga, truyện ngắn Nga.
Năm 2003 Phạm Quốc Ca bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngữ văn với đề
tài Những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam giai đoạn 1975-2000 tại Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Quốc Ca đã đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Đà
Lạt, Ủy viên UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội
Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Phạm Quốc Ca hiện là Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê
bình Hội Nhà văn Việt Nam, sống và sáng tác tại thành phố Đà Lạt.
1.2.2. Quan niệm thơ của Phạm Quốc Ca
Theo thời gian, tùy từng thời đại, từng xu hướng, từng quan niệm cá nhân mà
các nhà nghiên cứu, nhà thơ đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về thơ. Quả thật đây
là một lĩnh vực khá phức tạp. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Chả lẽ tôi hì hục làm
thơ mấy chục năm trời lại trả lời rằng thơ cũng khó định nghĩa như điện, như tình
yêu ấy. Thế thì điệu quá, làm bộ làm tịch quá. Nhưng thực ra tôi chưa hiểu hết thơ
đâu. Tôi cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi nhưng lần này
định nghĩa thì lần sau nắn lại. Chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn
nghĩ tiếp”[11].
Là nhà thơ, nhà lý luận phê bình Phạm Quốc Ca luôn trăn trở, mong muốn góp
phần mình vào thi học. Quan niệm thơ của ông được thể hiện tập trung trong các bài:
Thơ như tôi quan niệm,Văn chương tinh hoa và văn chương đại chúng và nhiều bài
viết khác trong Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000 (chuyên luận,2003), Thơ và

mấy vấn đề văn học (tiểu luận, 2016).


18
Phạm Quốc Ca quan niệm: “Viết văn, làm thơ là công việc cao quý đòi hỏi
cùng lúc cả tài lẫn tâm. Khởi đầu đó là hành động tự giải thoát những điều chất chứa
trong tâm hồn, không viết ra không được nhưng kết quả của việc sáng tác lại phải
góp phần làm giàu thêm kinh nghiệm thẩm mỹ của con người. Vì vậy văn chương
đồng nghĩa với sáng tạo và có vô vàn lối, vô vàn vẻ đẹp khác nhau. Tự do sáng tác
bao hàm trong đó sự tôn trọng cái khác mình nơi đồng nghiệp" [39, tr.117].
Theo Phạm Quốc Ca: “Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các
nguyên lý: Lạ hóa, có tính nhạc và sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệthuật, nhằm chia
sẻ với người đọc những cảm xúc, suy ngẫm trong một giá trị thẩm mỹ độc
đáo”[11,tr.10].
Điều đầu tiên Nhà thơ muốn nhấn mạnh trong địnhnghĩa của mình: “Thơ là
loại hình nghệ thuật ngôn từ…Thơ muốn mang bất cứ sứ mệnh lớn lao nào thì trước
hết phải có chất thơ" [11, tr.11]. Mỗi nhà thơ phải là nhà nghệ sĩ ngôn từ. Tài năng
của nhà thơ phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Làm thơ là quá trình lao động sáng tạo
miệt mài:
Phải tốn hàng nghìn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi.
(V. Mayacovsky)
Theo Phạm Quốc Ca, lạ hoá không chỉ là thủ pháp mà còn là nguyên lý căn
bản của thơ: “Nhà thơ là người không chịu nhìn cuộc sống theo quan niệm của số
đông, của “lẽ phải thông thường” đã trở nên quen thuộc, sáo mòn…Sứ mệnh của thơ
là sáng tạo cái mới” [11, tr.11]. Thơ ca không chấp nhận sự rập khuôn máy móc của
tư duy mà luôn đòi hỏi cái mới, gây nên sự ngạc nhiên, thú vị ở người đọc qua khả
năng tìm ra cái mới trong thế giới đã quen thuộc, khám phá những điều chưa biết
trong thế giới tinh thần của con người, mới trong cách dùng từ và các thủ pháp nghệ
thuật. Phạm Quốc Ca cho rằng: “Nhà thơ chân chính luôn là người đi trước tầm đón

nhận của công chúng bạn đọc ít nhất “nửa vành bánh xe”.
Theo Phạm Quốc Ca thơ có thể không cần vần nhưng phải có tính nhạc. Ông
viết:"Tính nhạc không chỉ phân biệt thơ với các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác


×