Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

DI MI PHNG PHAP DY VA HC MON DC h

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (73.5 KB, 6 trang )

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC MÔN ĐỌC HIỂU TIẾNG ANH
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở lý luận:
Ngày nay, tiếng Anh đã trở thành công cụ giao tiếp không thể thiếu trên toàn thế giới.
Một khi tiếng Anh đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình trong đời sống
cũng như trong trường học thì vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ
này lại càng trở nên quan trọng hơn. Nhiều năm trở lại đây, việc đổi mới phương pháp
dạy - học luôn là một vấn đề được quan tâm và bàn luận sôi nổi, đặc biệt là đối với bộ
môn tiếng Anh - bộ môn luôn phải đi đầu trong sự đổi mới.
Làm thế nào để sinh viên có thể học tiếng Anh một cách chủ động và sử dụng nó một
cách thành thạo đang là vấn đề mà giảng viên chúng ta cần phải quan tâm. Chúng ta
đều biết rằng học Tiếng Anh không đơn thuần chỉ là học một ngôn ngữ, mà còn phải
sử dụng ngôn ngữ đó để tìm hiểu về đất nước, con người và các nền văn hóa khác nhau
trên thế giới. Muốn sử dụng thành thạo một ngôn ngữ thì người học phải rèn luyện bốn
kĩ năng cơ bản: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Trong đó, kĩ năng Đọc giữ vai trò quyết định và
không thể tách rời đối với ba kĩ năng còn lại. Kĩ năng đọc là rất cần thiết đối với quá
trình tiếp thu ngôn ngữ. Nếu sinh viên hiểu ít nhiều những gì họ đọc, càng đọc nhiều,
họ càng lĩnh hội được nhiều hơn. Việc đọc cũng có ảnh hưởng tích cực đến khả năng
phát triển vốn từ vựng, khả năng đánh vần và kả năng viết của sinh viên. Các văn bản
đọc hiểu cũng là những văn bản mẫu rất phù hợp và hữu ích cho sinh viên trong quá
trình thực hành kĩ năng viết. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, giảng viên có thể khuyến
khích sinh viên tập trung vào từ vựng, ngữ pháp hay dấu chấm câu. Các tài liệu đọc
cũng có thể được dùng để minh họa cho cách thành lập câu, đoạn hay cả một bài văn.
Từ đó sinh viên có thể tự viết nên những bài văn tốt nhất dựa trên các văn bản mẫu
nay. Ngoài ra, các tài liệu đọc hiểu có chọn lọc cũng đem đến những chủ đề hay, tạo
hứng thú cho sinh viên tìm tòi, thảo luận và phát triển khả năng nghe-nói của mình
(Hammer, 2007).
2. Cơ sở thực tiễn:
2.1. Đối với sinh viên:
Trong việc đổi mới phương pháp dạy học thì sinh viên đóng vai trò trung tâm của các
hoạt động dạy và học trên giảng đường đại hoc. Chất lượng giờ học phụ thuộc rất


nhiều vào năng lực, tính chủ động và tích cực của sinh viên. Trong quá trình dạy kĩ
năng đọc hiểu cho sinh viên, tôi nhận thấy được một số điểm còn hạn chế sau:
– Đa số sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh trong
thời kỳ hội nhập, do đó không chủ động, tích cực trong học tập. Ý thức tự học, tự bồi
dưỡng, rèn luyện còn thấp.
– Nhiều sinh viên chưa quan tâm đúng mức đến kĩ năng đọc hiểu do suy nghĩ rằng học
tiếng Anh chỉ cần giao tiếp được là đủ.
– Khối lượng từ vựng tích lũy của sinh viên còn khiêm tốn, cộng với kiến thức nền
tảng và sự hiểu biết còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến khả năng phán đoán và
nắm bắt nội dung bài đọc.
– Sinh viên thường không thích các giờ đọc hiểu do không có nhiều các hoạt động
giao tiếp như các môn học khác.
– Hầu hết sinh viên chưa nắm được kĩ thuật đọc hiểu, ví dụ như:
+ Đọc và cố gắng dịch từng từ một; chỉ quan tâm đến từ mà không đi sâu tìm hiểu
nội dung bài đọc.


+ Chú ý quá nhiều đến những chi tiết nhỏ dẫn đến bỏ qua các ý chính quan trọng
trong bài.
+ Tâm lý ngại đọc các bài đọc dài, nhiều từ mới.
Từ đó dẫn đến tình trạng cảm thấy chán nản khi làm bài đọc hiểu và gây ra tâm lý thụ
động, khó tiếp thu khi học môn đọc hiểu.
2.2. Đối với giảng viên:
Không chỉ sinh viên mà chính bản thân giảng viên cũng gặp phải rất nhiều khó khăn
trong quá trình giảng dạy. Cụ thể:
– Sự chênh lệch về năng lực giữa các sinh viên là rất lớn. Ngoại trừ một số lớp đã
được thi xếp lớp đầu vào, hầu hết sinh viên các lớp còn lại có sức học không đồng đều,
gây trở ngại rất lớn cho giảng viên trong quá trình truyền đạt kiến thức.
– Có quá nhiều sinh viên trong một lớp, vì thế giảng viên rất khó bao quát tất cả các
đối tượng sinh viên.

– Có nhiều bài đọc nội dung quá dài nên giảng viên thường phải dạy lướt ở một số
phần, không giúp đỡ được sinh viên trong quá trình rèn luyện kĩ năng đọc.
– Không có nhiều thời gian để sử dụng những câu hỏi gợi mở, không khai thác được
năng lực và khả năng tư duy của sinh viên.
– Giảng viên chưa chú trọng hướng dẫn và cho sinh viên luyện tập các kĩ thuật đọc
hiểu.
– Giảng viên chưa chủ động tạo hứng thú cho sinh viên trong quá trình giảng dạy.
– Nguồn tài liệu tham khảo còn nhiều hạn chế.
Từ những khó khăn thực tế trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng tìm tòi, thảo
luận và trao đổi để tìm ra những giải pháp khác nhau nhằm khắc phục tình trạng này.
Trong học kỳ vừa qua tôi đã điều chỉnh một số nội dung hạn chế của một số bài đọc
hiểu trong sách giáo trình sao cho phù hợp với năng lực và trình độ của sinh viên nhằm
khai thác những điểm mạnh và hạn chế những mặt còn yếu kém.
II. NỘI DUNG:
1. Hướng dẫn sinh viên tìm hiểu về kĩ năng đọc hiểu:
Để có thể giúp sinh viên phát triển kĩ năng đọc có hiệu quả, trước hết giảng viên cần
giúp sinh viên của mình phân biệt được những kĩ năng đọc cơ bản được sử dụng trong
việc dạy và học ngoại ngữ.
Brown (2001) đã chia các hoạt động trong lớp học đọc hiểu theo sơ đồ sau (trang 312):

Classroom reading performance
Oral

Silent
Extensive

Intensive
Linguistic

Content


Skimming

Scanning

Global

1.1. Đọc to và đọc thầm:
a) Đọc to (Oral reading):
Đôi khi trong lớp học, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên đọc to một đoạn văn trong
bài đọc hiểu với mục đích truyền đạt lại thông tin người khác đã viết ra. Kĩ năng này
thường chỉ giúp sinh viên rèn luyện cách phát âm và được sử dụng như là một cách để
giúp sinh viên tập trung hơn vào một trích đoạn nhất định trong bài đọc.


Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động chính để luyện tập kĩ năng đọc hiểu và nếu
được sử dụng quá nhiều dễ gây ra tình trạng mất tập trung cho các sinh viên khác trong
khi một sinh viên được yêu cầu đọc to.
b) Đọc thầm (Silent reading):
Theo Brown (2001), đọc thầm có thể chia thành 2 loại là “đọc sâu” (intensive reading)
và “đọc rộng” (extensive reading).
“Đọc sâu” (intensive reading) là hoạt động thường được sử dụng trong môi trường lớp
học, nhằm giúp sinh viên chú trọng hơn đến các chi tiết liên quan ngôn ngữ học
(linguistic) và ngữ nghĩa học (sementic) nhằm tìm hiểu nội dung (content) bài đọc.
“Đọc rộng” (extensive reading) thường giúp sinh viên “giải quyết” các bài đọc dài
hơn. Các hoạt động đọc hiểu bên ngoài lớp học mà sinh viên có thể sử dụng kĩ năng
đọc lướt để lấy ý chính (skimming), đọc để lấy thông tin cần thiết (scanning) hoặc để
tìm ra ý nghĩa chung nhất (global meaning) từ các bài đọc dài đều có thể xem là hình
thức “đọc rộng”.
1.2. Đọc phân tích và đọc tổng hợp:

Hammer (2007) chia các kĩ năng đọc hiểu thành ba loại:
a) Đọc để lấy thông tin cần thiết (scanning):
Với kĩ năng này, sinh viên không cần đọc từng chữ hay từng dòng mà chỉ cần “quét”
(scan) qua bài đọc một cách nhanh chóng để tìm thông tin cần thiết phục vụ cho mục
đích của mình.
b) Đọc để lấy ý chính (skimming):
Khi sử dụng kĩ năng này, sinh viên chỉ cần đọc lướt qua nội dung để nắm được ý chính
của bài đọc.
c) Đọc phân tích để hiểu nội dung chi tiết hoặc để nghiên cứu (reading for detailed
comprehension):
Khác với 2 kĩ năng nói trên, kĩ năng này giúp sinh viên tập trung hơn vào từng chi tiết
nhỏ của bài văn mà họ đang đọc.
Tóm lại, mỗi khi đọc một bài văn tiếng Anh, những câu hỏi hữu ích mà sinh viên cần
đặt ra dưới sự hướng dẫn của giảng viên là:
– Đọc để làm gì? (Why do you read?)
– Đọc như thế nào? (How to read?)
– Mục đích đạt được sau khi đọc là gì? (What goals do you want to get after reading?)
2. Thực hiện tiến trình dạy kĩ năng:
Để việc đọc có kết quả tốt, tiến trình dạy một bài đọc thường được tiến hành qua 3 giai
đoạn: trước khi đọc (pre-reading), trong khi đọc (while reading) và sau khi đọc (postreading).
2.1. Các hoạt động trước khi đọc (Pre-reading activities):
– Gây hứng thú, tạo sự chú ý từ sinh viên: Trong giai đoạn này giảng viên có thể đặt
một số câu hỏi gợi mở liên quan đến nội dung bài đọc sắp tới nhằm gây sự tò mò, lôi
cuốn sinh viên tham gia tìm hiểu. Giảng viên cũng có thể bắt đầu bằng một số trò chơi,
tạo sự hứng khởi, thích thú cho các em trước khi đi vào bài học.
– Thiết lập ngữ cảnh: giảng viên cần giới thiệu tổng quát về chủ đề mà sinh viên sắp
đọc, dùng các dữ kiện có liên quan đến kinh nghiệm sống của các em để giúp các em
đoán trước nội dung của bài đọc. Không chỉ dùng biện pháp diễn giảng thông thường,
giảng viên còn có thể linh động đưa ra những câu hỏi gợi ý để các em tự do tìm hướng
trả lời. Nếu không giảng viên có thể tận dụng các loại đồ dùng trực quan sẵn có như

tranh ảnh, mô hình đơn giản để giúp các em đưa ra những phán đoán chính xác.


Những phán đoán này có thể là của một cá nhân nhưng cũng có thể là của từng nhóm
cặp, có thể đúng nhưng cũng có thể chưa chính xác, không ngoài mục đích dắt dẫn các
em đi vào bài học.
– Liên kết bài học trước với bài học hiên tại nhằm củng cố bài cũ và giới thiệu bài mới
cho các em. Ngoài ra cũng có thể liên kết nội dung bài sắp đọc với những ví dụ minh
chứng cụ thể trong cuộc sống, xã hội…
– Tạo nhu cầu, lí do, mục đích của việc đọc: đây là điều quan trọng nhất mà giảng viên
không thể bỏ qua. Một khi sinh viên hiểu rõ mục đích và lợi ích mà bài đọc đem lại
cho các em sau khi đọc thì chắc chắn các em sẽ chú tâm hơn đến bài học và sẽ không
từ chối hợp tác với giảng viên trong quá trình học.
– Giới thiệu trước những từ mới cần thiết: trước khi cho sinh viên đọc bài, giảng viên
cần lưu ý những từ vựng khó, ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung bài đọc mà các em khó
có thể đoán nghĩa trong quá trình đọc.
– Gợi ý, hướng sự chú ý vào những điểm chính của bài đọc: mỗi bài đọc, nhất là
những bài đọc dài, thường có rất nhiều nội dung. Giảng viên cần giúp đỡ các em tập
trung vào nhưng nội dung quan trọng trong bài đọc.
Các hoạt động trong giai đoạn này có thể thay đổi tuỳ theo tình hình thực tế của lớp
học và trình độ của sinh viên. Giảng viên có thể linh động thực hiện một, hai hay nhiều
hoạt động trong giai đoạn này tùy vào thời lượng giờ giảng và trình độ sinh viên.
2.2. Các hoạt động trong khi đọc (While-reading activities):
Trong giai đoạn này giảng viên có thể rèn luyện kĩ năng đọc hiểu của từng sinh viên
qua thủ thuật gợi ý một số hoạt động liên quan đến nội dung bài học. Đây là lối mở để
dẫn dắt sinh viên vào bài một cách tự nhiên, không gò bó và cơ bản giúp các em nắm
bắt nội dung thấu đáo hơn.
– Vừa đọc vừa thực hiện bài tập:
+ Trong khi dạy đọc giảng viên có thể xen kẽ một số câu hỏi nhằm hướng dẫn sinh
viên đọc hiểu nội dung thông tin của bài đồng thời cũng có thể biết được khả năng học

tập của sinh viên từ đó giảng viên cũng có thể giải thích thêm về các chi tiết còn chưa
rõ. Vì vậy nội dung các câu hỏi cần phải hướng sự chú ý của sinh viên đến những ý
chính trong bài và giúp các em hiểu rõ ý nghĩa bài đọc. Không nên đặt các câu hỏi quá
dài và quá khó để đánh đố sinh viên.
+ Trong giai đoạn này, giảng viên có thể tổ chức lớp thành nhiều hoạt động theo
nhóm từ 2 sinh viên trở lên để thảo luận câu trả lời. Bằng cách này, tất cả sinh viên
trong lớp đều phải tham gia hoạt động và có cơ hội làm việc chung, giúp đỡ lẫn nhau.
Hình thức trả lời có thể viết hoặc nói.Việc trả lời nói sẽ ít mất thời gian hơn và được
nhiều giảng viên áp dụng. Nhưng trong một lớp đông, giảng viên gặp nhiều khó khăn
trong việc kiểm soát sinh viên xem liệu tất cả các em có hiểu bài hay không nên hình
thức viết câu trả lời sẽ giúp sinh viên có nhiều thời gian để suy nghĩ, và giúp giảng
viên kiểm tra cách dùng từ của sinh viên có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, hình thức
này mất rất nhiều thời gian nên giảng viên nên khuyến khích sinh viên viết những câu
trả lời ngắn, vì mục đích của bài tập này chỉ nhằm kiểm tra mức độ hiểu bài đọc.
+ Một số bài tập phổ biến:
 Hỏi và trả lời (Answer the Questions)
 Đọc và điền vào chỗ trống (Gap filling)
 Câu Đúng/Sai (T/F statements)
 Chọn câu trả lời đúng (Multiple choice)
 Nối hai cột với nhu (Matching)
 …


– Tùy vào mục đích và mức độ khó dễ của bài đọc mà giảng viên có thể thay đổi cách
khai thác về nội dung bài đọc hoặc từ vựng có trong bài.
– Sinh viên có thể tự sửa bài, nhận xét cho nhau, hoặc tự sửa bài cho mình bằng cách
đọc lại nhằm phát triển kĩ năng đọc. Điều quan trọng là giảng viên phải luôn luôn động
viên, khích lệ các em sinh viên trong quá trình học tập, cho các em những lời khuyên
hữu ích, chỉ ra những chỗ các em cần khắc phục dựa trên tiêu chí góp ý xây dựng
(constructive feedbacks).

2.3. Các hoạt động sau khi đọc (Post- reading activities):
Để kiểm tra mức độ đọc sâu hiểu rộng của sinh viên, giảng viên có thể thiết kế bài
giảng theo nhiều phương pháp khác nhau cho phù hợp:
– Luyện tập củng cố về cấu trúc, nội dung.
– Liên hệ thực tế.
– Chuyển hóa vốn kiến thức, nhận thức hoặc thông tin, dữ liệu vừa nhận qua bài đọc.
– Luyện tập: tóm tắt nội dung bài(summarize), thực hiện một cuộc phỏng vấn dựa vào
nội dung bài (interview), thảo luận nội dung bài đọc (disscuss)….
3. Một số cách khai thác bài đọc để rèn luyện và phát triển kĩ năng đọc hiểu:
– Giảng viên cần phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy của mình bằng cách sử dụng
thêm các giáo cụ trực quan như hình ảnh, video, trình chiếu powerpoint… Giảng viên
cũng nên điều chỉnh cách dẫn nhập, cách giải thích và lựa chọn các dạng bài tập, hoạt
động, nhiệm vụ… sao cho phù hợp với trình độ và tình hình thực tế của từng lớp học,
– Chọn tài liệu:
+ Một trong những nội dung quan trong nhất trong việc chọn tài liệu là nội dung bài
đọc phải đảm bảo tính chính xác và quy chuẩn về cấu trúc, từ vựng. Ngoài ra, nội dung
bài đọc phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ đúng nhu cầu học tập của sinh viên.
+ Giảng viên có thể điều chỉnh bài đọc bằng cách bỏ bớt những nội dung quá xa rời
thực tế địa phương, sắp xếp lại, thay thế, kết hợp hoặc thêm vào những nội dung cần
thiết để giúp các em có cái nhìn thấu đáo hơn về chủ đề đang đọc…Tất cả những điều
chỉnh của giảng viên đều phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với trình độ sinh, đúng
chủ đề bài học và không vi phạm về cắt xén chương trình.
– Đa dạng hóa các dạng bài tập và bổ sung tài liệu tham khảo cho sinh viên. Giảng
viên có thể khuyến khích sinh viên đọc thêm nhằm mở rộng kiến thức cho các em
bằng cách giao thêm bài tập về nhà, bài tập nghiên cứu, thuyết trình… cho các em.
– Tuy nhiên để chuẩn bị tốt cho bài giảng của mình người dạy phải luôn luôn tự trau
dồi, bồi dưỡng và nâng cao trình độ bản thân một cách thường xuyên và liên tục.
– Hướng dẫn các thủ thuật (tips), chiến lược (strategies) khi làm bài: Đây là việc làm
rất quan trọng mà giảng viên không thể bỏ qua. Bởi vì dù giảng viên có dạy nhiệt tình
đến đâu, nội dung bài giảng có phong phú đến đâu, sinh viên học tập có hào hứng và

say mê đến đâu mà không chú ý đến kĩ năng đọc này thì kết quả các em đạt được cũng
không thể theo như mong muốn. Vì thế, chúng ta cần thiết phải rèn luyện cho sinh viên
phát triển kĩ năng đọc để các em có niềm say mê trong khi học bộ môn này .
– Kiểm tra kiến thức và rút kinh nghiệm: Đây là giai đoạn cũng rất quan trọng trong
quá trình luyện kĩ năng đọc, bởi vì hoạt động kiểm tra sẽ giúp giảng viên đanh giá
được khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên đạt đến mức độ nào.Việc rút kinh
nghiệm sau mỗi bài kiểm tra cũng rất cần thiết. Từ những lần rút kinh nghiệm này,
sinh viên có thể nhận ra mình còn yếu ở phần nào để có thể khắc phục trong những bài
tiếp theo.
III. KẾT LUẬN:
1. Kết quả:


Sau một thời gian băn khoăn trăn trở với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tôi đã
thu được nhưng kết quả tương đối khả quan:
– Có thể thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy kĩ năng đọc hiểu đã giúp các em
sinh viên tập trung hơn trong quá trình học.
– Nội dung bài đọc được chọn lọc kĩ lưỡng giúp các giờ học bớt nhàm chán và trở nên
hào hứng, đạt hiệu quả cao hơn.
Nói tóm lại để thành công trong giờ dạy Tiếng Anh nói chung và dạy kĩ năng đọc nói
riêng, đòi hỏi giảng viên phải biết kết hợp hài hoà, khéo léo giữa các bước lên lớp với
với lượng kiến thức trong sách giáo trình. Để làm cho giờ dạy thêm sinh động, ngoài
những phương pháp giảng dạy cụ thể, giảng viên nên sử dụng tranh ảnh minh hoạ, các
giáo cụ trực quan và các bài tập thực tế. Ngoài ra, để tạo thêm hứng thú học tập cho
sinh viên, giảng viên có thể kể các mẩu chuyện liên quan đến bài học gợi mở cho sinh
viên những nội dung chính trước khi đọc.
2. Kiến nghị đề xuất:
– Đối với nhà trường: cung cấp thêm một số đầu sách, tạp chí, tài liệu tham khảo tạo
điều kiện cho giảng viên có thêm nguồn tư liệu tham khảo, bổ sung vào bài giảng của
mình.

– Đối với giảng viên: tự trau dồi kĩ năng; chủ động trong giảng dạy và đổi mới
phương pháp; cập nhật thông tin, làm phong phú và sinh động hơn nội dung bài giảng;
khuyến khích sinh viên hình thành thói quen đọc sách; hướng dẫn sinh viên chọn lọc
tài liệu tham khảo và khích lệ sinh viên tự đọc tại nhà bằng cách cho điểm cộng hay
bài tập về nhà…
– Đối với sinh viên: nâng cao tinh thần tự học, tự tìm tòi thêm tài liệu tham khảo: chủ
động tìm kiếm thông tin, trau dồi từ vựng và mở rộng kiến thức về đời sống, xã hội…
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Brown, H. D. (2001). Teaching by principles: An interactive approach to language
pedadogy. New York: Addision Wesley Longman.
Hammer, J. (2007). How to Teach English. Harlow: Pearson Education Limited.

Người viết:
ThS. Đoàn Thị Thu Hà
Đơn vị công tác: Trường Đại Học Thái Bình Dương, TP. Nha Trang, Khánh Hòa
Số điện thoại: 0914485521
Email:



×