Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.72 MB, 10 trang )

TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM
TRONG CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG
1. Đặt Vấn Đề
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018 khởi đầu vào ngày vào ngày
22 tháng 3 năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô
la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn
chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China
2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin và robot. Nó cho phép tổng
thống có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt hoặc các hình phạt khác đối với một đối tác
thương mại nếu nó được cho là không công bằng gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ.
Trong ngắn hạn, có thể Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu có lẽ
chưa phải khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc. Vấn đề nằm ở nhập khẩu công nghệ của nước
này sẽ bị gián đoạn. Các quốc gia nhỏ láng giềng với Trung Quốc như Việt Nam, trong ngắn hạn,
có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung nếu như có chính sách tỷ giá phù
hợp cũng như tận dụng được làn sóng đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang. Bài nghiên cứu
tập trung phân tích các nội dung bao gồm (i) Quan hệ thương mại Mỹ - Trung và nguyên nhân
dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, (ii) Chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc trước
rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, (iii) Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
đến tỷ giá hối đoái và xuất khẩu khẩu của Việt Nam.
2. Quan Hệ Thương Mại Mỹ - Trung
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ khi hai
nước chính thức bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, ký kết Hiệp định Thương mại song phương
vào năm 1979 và cung cấp quy chế ưu đãi tối huệ quốc vào năm 1980. Ngay trong năm đó tổng
kim ngạch thương đạt xấp xỉ 5 tỷ đô la và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại thứ 24 của
Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 và thị trường nhập khẩu thứ 36. Kể từ đó đến nay, kim
ngạch xuất nhập khẩu liên tục gia tăng giữa hai bên và năm 2017, tổng thương mại hàng hóa của
Mỹ với Trung Quốc là 636 tỷ đô la.

Đơn vị tính: tỷ USD



Hình 1: Thương mại hàng hóa Mỹ-Trung Quốc
Nguồn: CRS[5].

Hiện Mỹ và Trung Quốc đều đang là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Cụ
thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc với giá trị lên tới 506 tỷ USD trong
năm 2017, tăng 9,3% so với năm 2016. Thị phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc tại Mỹ đã gia
tăng liên tục, từ mức chỉ 8,2% vào năm 2000 đã tăng lên mức 21,6% vào năm 2017, duy trì là
đối tác xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ kể từ năm 2007 đến nay. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc
hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ (chiếm tỷ trọng hơn 8,4%, chỉ sau Canada và
Mexico) với giá trị đạt hơn 130 tỷ USD trong năm 2017. Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp thì Trung
Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ với giá trị 19,6 tỷ USD trong năm ngoái (trong đó
mặt hàng đậu tương chiếm tỷ lệ 63%).
5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ

5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ

Hình 2: Cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Mỹ năm 2017
Nguồn: CRS[5].

Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản không mang tính đối kháng mà
bổ trợ cho nhau nhiều hơn. Trung Quốc xuất sang Mỹ các mặt hàng mang tính tiêu dùng phổ


thông, sử dụng nhiều lao động và nặng tính lắp ráp như điện thoại, hàng điện tử, hàng dệt may,
da giày, đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, hàng tạp hóa, các sản phẩm chế biến gỗ… trong khi lại
nhập từ Mỹ các mặt hàng nông sản trong nước không trồng được nhiều như các loại hạt (đậu
tương, cao lương) hoặc các mặt hàng công nghệ cao như máy bay dân dụng (chủ yếu là Boeing),
ô tô, chất bán dẫn, máy móc công nghiệp, dầu thô và khí thiên nhiên.
Về cán cân thương mại, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa rất lớn với Trung Quốc, từ

mức 10 tỷ USD năm 1990 đã tăng mạnh lên mức 375 tỷ USD trong năm 2017. Mức thâm hụt với
Trung Quốc cũng vượt xa so với các đối tác thương mại khác của Mỹ như Mexico thâm hụt 71 tỷ
USD, Nhật Bản thâm hụt 69 tỷ USD, Đức thâm hụt 64 tỷ USD và Việt Nam thâm hụt 38 tỷ USD.
Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc đều đang là đối tác hàng đầu và vô cùng quan trọng của
nhau. Vậy mà chính quyền Donald Trump thay đổi hiện trạng này bằng cách liên tiếp tuyên bố
các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ đầu tháng 03/2018
cho đến nay. Hai nguyên nhân chính dẫn đến động thái trên:
(i) Xét từ góc độ kinh tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã liên tục gia
tăng mạnh trong hơn 20 năm qua và lên tới mức 375 tỷ USD trong năm 2017. Chỉ tính riêng
trong 6 tháng đầu năm 2018 thì con số này cũng đã ở mức 185,7 tỉ đô la. Do đó, trong nỗ lực để
đạt được cân bằng thương mại với Trung Quốc, chính quyền tổng thống Trump đã tiến hành áp
thuế nhập khẩu lên các mặt hàng từ Trung Quốc, tạo sức ép để Trung Quốc phải tăng mua hàng
hóa của Mỹ, qua đó giảm thâm hụt thương mại. Ngoài ra, việc đánh thuế sẽ khiến hàng hóa sản
xuất ở Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ít nhiều mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, buộc các công ty
đa quốc gia đang đặt phần lớn nhà máy sản xuất tại Trung Quốc phải xem xét di dời về Mỹ. Điều
này giúp hỗ trợ sách lược đưa việc làm trở về Mỹ và khuyến khích sản xuất nội địa của chính
quyền Trump. Điều oái ăm là thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ liên tiếp phá kỷ lục
mức thặng dư một tháng và đạt 31 tỷ USD vào tháng Tám. Nguyên do có thể vì các bên đối tác
đẩy nhanh giao dịch mua bán trước khi các mức thuế mới được Mỹ áp dụng. Việc thặng dư
thương mại đạt kỷ lục có thể trở thành cái cớ để Tổng thống Trump tiếp tục leo thang cuộc chiến
thương mại nhằm tăng sức mặc cả trên những khía cạnh khác.
(ii) Theo nhiều chuyên gia thì từ góc độ cũng cố vị trí siêu cường của Mỹ trên bản đồ
địa chính trị thế giới, Mỹ đang theo dõi sát sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Rất
nhiều chính sách về công nghiệp của Trung Quốc đã được thành hình và thực thi kể từ năm 2006
khi Ủy ban Nhà nước Trung Quốc cho ra đời bản kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ
trong trung và dài hạn giai đoạn 2006-2020. Kế hoạch này thể hiện tham vọng lớn của Trung
Quốc trong việc hiện đại hóa cấu trúc kinh tế bằng cách đưa Trung Quốc từ trung tâm sản xuất
với kỹ thuật thấp lên thành trung tâm đổi mới chính của thế giới vào năm 2020 và vươn lên thành
nước dẫn đầu đổi mới của toàn cầu vào năm 2050. Một kế hoạch khác là “Made in China 2025”
cũng được Trung Quốc đưa ra vào năm 2015, trong đó trọng tâm là phát triển các ngành công



nghệ cao với hàm lượng 70% nguyên liệu sản xuất thuộc về khu vực nội địa. Các sản phẩm được
hướng đến trong kế hoạch này là: tàu cao tốc, máy bay, xe điện tự lái, rô bốt, trí tuệ nhân tạo và
mạng viễn thông 5G. Nếu thành công trong những kế hoạch này, nhiều doanh nghiệp của Trung
Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh và thách thức vị trí số một hiện nay của các
doanh nghiệp Mỹ.
Sau khi Trung Quốc liên tục có những động thái đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ,
Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế lên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung
Quốc vào Mỹ. Trung Quốc xuất khẩu khoảng 1/5 hàng hóa của mình sang Mỹ. Ở chiều ngược
lại, Mỹ xuất khẩu khoảng 1/10 hàng hóa sang Trung Quốc. Rõ ràng, khi chiến tranh thương mại
leo
thang, Trung Quốc sẽ dễ bị tổn thương nghiêm trọng hơn khi đối đầu Mỹ.
3. Chính Sách Tỷ Giá Của Trung Quốc Trước Rủi Ro Thương Mại Mỹ - Trung
Kể từ năm 1994 sau khi công bố cải cách tỷ giá, chính sách điều hành tỷ giá của Trung
Quốc đã có nhiều lần thay đổi với các mốc cụ thể như sau:
Giai đoạn 1994-1997: Năm 1994, Trung Quốc công bố chế độ đa tỷ giá được thay bằng
một tỷ giá, chính sách tỷ giá cố định chuyển sang thả nổi có kiểm soát với mức công bố là 8,7
NDT đổi 1 USD (trước đó tỷ giá chỉ ở mức 5,8 NDT/USD). Đây được coi là một trong những
lần phá giá mạnh nhất của đồng nhân dân tệ với tỷ lệ lên tới 50%. Giới đầu tư thế giới nhận định
động thái thay đổi chính sách tỷ giá năm 1994 của Trung Quốc không chỉ đơn thuần muốn điều
chỉnh để đồng nhân dân tệ phản ánh đúng sức mua của nó, mà còn có một chủ ý khác là thúc đẩy
mạnh xuất khẩu và tạo thặng dư thương mại.
Giai đoạn 1997-2005: Đến cuối năm 1996, đồng nhân dân tệ đã có thể được chuyển đổi
hoàn toàn trên tài khoản vãng lai để phục vụ cho các mục đích liên quan đến thương mại. Đồng
nhân dân tệ tăng ở mức chậm nhưng đều đặn lên mức 8,3 NDT đổi một USD vào năm 1997. Tuy
nhiêm, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã buộc chính phủ Trung Quốc phải tạm dừng định
hướng cải cách chính sách tỷ giá nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng
này đến kinh tế trong nước. Theo đó, Trung Quốc đã quay trở lại chế độ tỷ giá cố định với việc
ấn định 8,27 NDT đổi 1 USD. Trong 8 năm tiếp theo (đến tháng 7/2005), tỷ giá này vẫn được

duy trì nhằm tạo ra môi trường ổn định cho ngoại thương và đầu tư vào quốc gia này.
Giai đoạn 2005-2008: Sau 8 năm duy trì tỷ giá cố định, ngày 21/7/2005, Trung Quốc tiếp
tục thực hiện chính sách cải cách tỷ giá lần thứ hai bằng việc công bố giá trị đồng nhân dân tệ sẽ
được tham chiếu với một rổ gồm nhiều đồng tiền khác nhau theo quy luật cung cầu của thị
trường với biên độ dao động hàng ngày là 0,3% (sau đó được nâng lên 0,5% vào năm 2007). Từ
năm 2005 đến năm 2008, đồng nhân dân tệ đã liên tục tăng giá với tổng mức tăng khoảng 20%.


Giai đoạn 2008-2010: Chính sách cải cách tỷ giá lần 2 của Trung Quốc chỉ được duy trì
trong khoảng thời gian hơn 3 năm. Giữa năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chính
thức bắt đầu, buộc Trung Quốc phải giới hạn lại phạm vi dao động của NDT bằng việc quay trở
lại “neo” NDT theo đồng USD với tỷ lệ giữ ở khoảng 6,84 NDT đổi 1 USD trong vòng 2 năm.
Giai đoạn 2010-2015: Sau khoảng 2 năm NDT được “neo” theo đồng USD, đến ngày
19/6/2010, NHTW Trung Quốc mới khởi động lại các cuộc cải cách nhằm vào tỷ giá đồng NDT
nhằm làm dịu căng thẳng với nhóm nước G20 khi thặng dư thương mại của Trung Quốc liên tục
tăng mạnh. Cụ thể, biên độ dao động giữa tỷ giá USD/NDT lần lượt được nới lên mức 1% (vào
tháng 4/2012) và 2% (tháng 3/2014). Theo đó, tỷ giá hối đoái của NDT so với USD liên tục tăng
trở lại và đạt mức cao nhất 6,05 NDT đổi 1 USD (tương đương mức tăng khoảng 13% trong
khoảng thời gian này).
Giai đoạn 2015 cho đến nay: Sau khi liên tục tăng giá, đồng nhân dân tệ bắt đầu có xu
hướng giảm trở lại từ cuối năm 2014 khi dòng vốn nước ngoài có xu hướng rút ra khỏi thị trường
Trung Quốc trước lo ngại về việc FED bắt đầu quá trình bình thường hóa lãi suất và đà giảm tốc
của nền kinh tế Trung Quốc. Đến tháng 8/2015, trong ba ngày liên tiếp từ 11 đến 13, Ngân hàng
nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tiếp hạ giá đồng nhân dân tệ, trước khi tăng trở lại vào
ngày 14/8. Mục đích phá giá lần này của Trung Quốc được xem là giúp đồng NDT phản ánh sát
hơn và linh hoạt hơn với diễn biến từ đầu năm 2017 đến tháng 4/2018, nhân dân tệ tăng giá trở
lại do xu hướng yếu đi của USD trên thị trường thế giới nhưng kể từ giữa tháng 4/2018. Trong
hai tháng 6 và 7/2018, tỷ giá hối đoái chịu tác động mạnh bởi sự mất giá của đồng nhân dân tệ so
với đô la Mỹ. Ngày 14-6-2018 một đô la Mỹ còn tương đương 6,4 nhân dân tệ, ngày 30-7-2018
hơn sáu tuần sau 1 đô la Mỹ đổi được 6,83 nhân dân tệ, đồng nhân dân tệ đã giảm giá tới

6,72%. Nhân dân tệ giảm giá mạnh do dòng vốn nước ngoài có xu hướng rút ra khỏi các thị
trường mới nổi và đặc biệt là rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Hình 3: Chính sách tỷ giá của Trung Quốc
Nguồn: BVS [2].


Xét ở khía cạnh rủi ro thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng giá trị hàng hoá mà
Tổng thống Trump đã và dự định áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính là 250 tỷ
USD (áp mức thuế 25% lên 50 tỷ USD trong vòng đánh thuế đầu tiên và 10%, thậm chí có thể có
thể tăng lên 25% lên gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD bắt đầu từ tháng 9). Tổng mức thuế cao
nhất mà chính quyền Trump dự kiến áp dụng sẽ có giá trị tuyệt đối khoảng 62,5 tỷ USD. Điều
này đồng nghĩa với việc tổng giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc sau khi Mỹ áp thuế sẽ đắt
hơn khoảng 62,5 tỷ USD so với trước khi có thuế. Với tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung
Quốc năm 2017 là 2.300 tỷ USD thì để trung hoà rủi ro tăng thuế và giữ cho giá hàng hóa xuất
khẩu nói chung của Trung Quốc ra thị trường thế giới ở mức như cũ (tức vẫn đảm bảo khả năng
cạnh tranh của hàng xuất khẩu) thì đồng NDT cần giảm giá khoảng 2,7% (62,5 tỷ USD/2300 tỷ
USD). So sánh với mức mất giá khoảng 7% kể từ khi rủi ro thương mại leo thang thì đà lao dốc
vừa qua của Nhân dân tệ đã có phần thái quá.
4. Ảnh Hưởng Của Chiến Tranh Thương Mại Mỹ - Trung Đến Tỷ Giá Và Hoạt Động Xuất
Nhập Khẩu Của Việt Nam
Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn nhất nhì của Việt Nam. Tỷ giá hối đoái
USD và VND không thể đứng yên khi tỷ giá USD và NDT lên xuống với biên độ rộng vì chúng
ta đang nhập siêu lớn từ quốc gia đông dân láng giềng cả trên bình diện chính thức cũng như tiểu
ngạch. Việc NDT lao dốc so với USD đang mang đến lo ngại hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ
mất đi lợi thế cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc nếu VND không được điều chỉnh với mức
giảm tương ứng. Để bảo vệ nền sản xuất trong nước ngay trước mắt, ngay trên sân nhà, ngắn hạn
và trung, dài hạn, tỷ giá hối đoái đang và sẽ bắt buộc phải biến động hợp lý.
Hình 4 cho thấy cả NEER và REER của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hàm ý VND
lên giá trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7. Điều này chủ yếu do VND có xu hướng

tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu khi các đồng tiền này đều yếu đi
rõ nét so với USD. Nhằm ứng phó với diễn biến tăng nhanh của REER cũng như căng thẳng của
tỷ giá USD/VND trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái điều hành
khá linh hoạt. Sau khi bán ra USD nhằm bình ổn thị trường kể từ ngày 03/07/2018, vào ngày
23/07/2018, NHNN đã tăng mạnh giá bán ra USD (thêm 223 đồng, tương đương 0,9%). Đây là
tín hiệu cho thấy NHNN quyết định tạm thời dừng việc bình ổn thị trường bằng cách bán ra USD
với giá thấp. Điều này cũng nhằm mục đích đưa giá tỷ giá về đúng diễn biến của thị trường, nhất
là trong bối cảnh đồng NDT vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá trong ngắn hạn.


Hình 4: Diễn biến NEER và REER của VND so với rổ tiền tệ gồm 8 đối tác thương mại chính
Nguồn: BVS [2].

Sau đợt tăng giá bán ra USD của NHNN ngày 23/07 vừa qua, tổng mức mất giá của VND
so với USD kể từ đầu năm 2018 đến nay đã hơn 2,5%. Trong khi đó, nếu so với thời điểm đáy
ngắn hạn vào tháng 04/2018 (tức thời điểm trước khi dòng vốn ngoại bắt đầu rút mạnh khỏi thị
trường mới nổi và rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung chưa leo thang) thì chỉ số NEER và
REER của Việt Nam đã lần lượt tăng 3,3% và 3,8%. Sự gia tăng của NEER và REER phản ánh
hàng hóa Việt Nam đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa của các đối tác thương mại
chính của Việt Nam. Mặc dù vậy, nếu so với cuối năm 2017 thì mức hiện tại của NEER và REER
cao hơn không nhiều (lần lượt chỉ là 0,3% và 1,5%). Điều này hàm ý, NHNN không nhất thiết
phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp
xuất khẩu. Biến động tỷ giá hiện nay đang theo chiều hướng đồng tiền của các thị trường nhập
khẩu chính của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc) mất giá mạnh, và đồng tiền ở các quốc
gia Việt Nam xuất khẩu tăng giá (điển hình là Mỹ). Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập được hàng hóa đầu vào rẻ
hơn tương đối, trong khi xuất khẩu vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, hàng hóa của
Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các quốc gia khác có cùng nhóm hàng xuất
khẩu do đồng tiền nhiều quốc gia đang mất giá mạnh hơn so với VND. Do vậy, nhằm đảm bảo
tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tỷ giá vẫn cần điều chỉnh nhưng sẽ không cần ở mức quá

lớn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Cụ
thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 15,2% và 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý
3/2018 cũng đánh dấu quý thứ năm liên tiếp có thặng dư thương mại, đạt hơn 2 tỷ USD. Cán cân
thương mại thặng dư góp phần tạo ra nguồn cung ngoại tệ để cùng với chính sách tiền tệ của


NHNN đã giữ cho tỷ giá USD/VND không biến thiên quá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
Quý 3 ước đạt 64,73 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng
chủ yếu. Xuất khẩu từ khu vực này đạt 46,98 tỷ USD, chiếm 72,6% tổng kim ngạch và tăng
17,5% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện khi tăng
11,5%. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu Quý 3 ước đạt 62,7 tỷ USD. Trong đó, nhập
khẩu của khu vực FDI chiếm 38,97 tỷ USD và khu vực trong nước là 23,32 tỷ USD. Điều này
dẫn tới tình trạng xuất siêu 8,01 tỷ USD của khu vực vốn đầu tư nước ngoài và nhập siêu 5,32 tỷ
USD của khu vực trong nước trong Quý 3. Việc khu vực FDI tiếp tục là đầu tàu thương mại của
kinh tế Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Hình 5: Cán cân và tăng trưởng thương mại
Nguồn: VERP[4].

Hình 6: Cán cân thương mại theo khu vực
Nguồn: VERP[4].

Xét theo mặt hàng xuất khẩu 9 tháng đầu năm, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu
trên 1 tỷ USD. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực có mức tăng khá như: Điện thoại và linh kiện
đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và
linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm
4,6% do sản lượng khai thác giảm tới 45,2%. Đây là kết quả từ định hướng giảm sự phụ thuộc
của nền kinh tế vào tài nguyên có sẵn của Chính phủ dù giá năng lượng thế giới đang tăng cao.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu ba quý đầu năm, nhập khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng tư liệu sản xuất

phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đạt 159,2 tỷ USD và chiếm 91,8% tổng kim ngạch
nhập khẩu. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 72,8 tỷ
USD và tăng 4,6%.
Theo đối tác thương mại 9 tháng đầu năm 2018, Mỹ vượt qua EU thành thị trường xuất
khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 34,9 tỷ USD (tăng mạnh 12,5%). Điều này có thể
giống với tình trạng của Trung Quốc khi các bên xuất nhập khẩu đẩy mạnh giao thương trước khi
hàng rào thuế quan mới của chính quyền Donald Trump đi vào hiệu lực. Trong khi đó, về nhập
khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 47,1 tỷ USD (tăng


12,4%). Hàn Quốc đã trở lại thay thế Trung Quốc thành đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt
Nam. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đồng NDT liên tục mất giá, đã xuất
hiện những lo ngại về việc hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây bất lợi cho
cán cân thương mại. Nhập siêu với một nước có trình độ cao như Hàn Quốc có thể tạo cơ hội cho
Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ mới, thay vì chỉ đón nhận làn sóng hàng tiêu dùng giá
rẻ. Tuy nhiên, việc căng thẳng Mỹ- Trung có nguy cơ kéo dài nhiều năm khiến cho xu thế Trung
Quốc quay trở lại thành đối tác nhập siêu lớn nhất là khó tránh khỏi nếu VND vẫn tăng giá so với
CNY như hiện nay.
Đơn vị tính: tỷ USD

Hình 7: Kim ngạch xuất nhập khẩu ở các thị trường chính của Việt Nam quý 3/2018
Nguồn: GSO và tính toán của tác giả

Có thể thấy trong 9 tháng đầu năm, với vai trò là nhà điều hành NHNN đã hoàn thành tốt
mục tiêu giữ VND ở mức mất giá thấp hơn tương đối so với các nước trong khu vực. Mục tiêu
này được dự báo sẽ hoàn thành cho cả năm 2018 khi NHNN còn nhiều dư địa chính sách để can
thiệp cũng như định hướng thị trường trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ sẽ không xảy ra tình
trạng mất cân đối khi các nguồn cung liên quan đến giải ngân đầu tư FDI; kiều hối hay thặng dư
cán cân thương mại vẫn ghi nhận các số liệu tích cực. Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, với nguồn
lực hiện có cùng thông điệp rõ ràng về định hướng điều hành, NHNN hoàn toàn có thể giữ mức

giảm giá của VND quanh 2%-2,5% cho năm 2018- thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu
vực thời điểm này. Ở các thời điểm căng thẳng tỷ giá có thể bám sát biên độ 3% được quy định
bởi NHNN.
5. Kết Luận
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ
đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ
và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi


suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian
qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong
ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của
Việt Nam còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế.
Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020. Vì
vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của NDT so với USD là
cần thiết để Việt Nam động tiền Việt Nam không bị mất giá lớn mà vẫn đảm bảo hoạt động xuất
nhập khẩu của các doanh nghiệp không bị giảm. Trong dài hạn, Việt Nam cần nhanh chóng cải
cách chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đẩy đủ để tránh những đối xử
bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra tiền lệ với Trung Quốc. Có thể nói, cuộc đụng độ giữa
Mỹ và Trung Quốc hiện nay chính là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải
thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bảo Việt Securities (2018), “Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, báo cáo chuyên đề
[2]. Bảo Việt Securities (2018), “Cập nhật diễn biến đồng NDT và dự báo tỷ giá VND”, báo cáo chuyên
đề
[3]. Lê Mai Trang (2017), “Chính sách tỷ giá thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam”, luận án tiến sỹ.
[4]. VERP (2018), “Báo cáo kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý 3/2018”
[5]. Wayne M. Morrison (2018), “China-US Trade Issues”, Congressional Research Service Report




×