Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM CẦN CHUẨN GÌ ĐỂ ỨNG PHÓ TRƯỚC DIỄN BIẾN LEO THANG CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (79.82 KB, 7 trang )

HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM CẦN CHUẨN GÌ ĐỂ
ỨNG PHÓ TRƯỚC DIỄN BIẾN LEO THANG CĂNG THẲNG
THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG?
DIỄN BIẾN LEO THANG CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã được khơi mào từ ngày 22-3-2018 sau khi Tổng thống
Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, vì cho
rằng Trung Quốc đã có hành vi thương mại không công bằng và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ngay hôm sau, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh đánh thuế 25% đối với thép nhập khẩu
và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ, nhưng cho miễn trừ đối với Mexico và Canada.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tuyên bố đánh thuế các mặt hàng của Mỹ có tổng
kim ngạch nhập khẩu vào Trung Quốc trị giá 3 tỷ USD mỗi năm.
Ngày 2-4-2018, cơ quan thuế của Trung Quốc đã quyết định áp thuế suất 15% đối với 120 mặt
hàng nhập khẩu từ Mỹ bao gồm trái cây, cùng các sản phẩm liên quan và thuế suất 25% đối với 8
mặt hàng nhập khẩu trong đó có thịt lợn, cùng các sản phẩm liên quan.
Ngay hôm sau, Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố danh sách hơn 1300 mặt hàng
nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD bao gồm chi tiết máy bay, pin, TV màn hình phẳng,
thiết bị y tế, vệ tinh và vũ khí bị áp thuế.
Để trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc đã cho áp mức thuế suất 25% bổ sung đối với mặt hàng
xuất khẩu chủ lực của Hoa Kỳ sang Trung Quốc bao gồm máy bay, ô tô và đậu nành.
Ngày 5-4-2018, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho USTR xem xét thêm các mức thuế bổ
sung đối với hàng hóa trị giá 100 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, trong hai tuần kết thúc vào ngày 19-4-2018,
Trung Quốc đã hủy hợp đồng mua 62.690 tấn đậu nành Mỹ cho năm mùa vụ kết thúc vào ngày
31-8-2018.
Ngày 29-5-2018, Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng nước này sẽ áp đặt mức thuế 25% trên 50 tỷ đô la Mỹ
hàng hóa của Trung Quốc bao gồm các mặt hàng công nghệ quan trọng trong công nghiệp. Hoa
Kỳ cũng cho biết sẽ áp đặt các hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu cho các cá
nhân và tổ chức Trung Quốc để ngăn chặn họ mua lại công nghệ của Mỹ.
Ngày 3-6-2018, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng tất cả các cuộc đàm phán thương mại giữa
Bắc Kinh và Washington sẽ bị vô hiệu nếu Hoa Kỳ thiết lập các biện pháp trừng phạt thương
mại.




Ngày 15-6-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế 25% trên
50 tỷ đô la trị giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó 34 tỷ đô la sẽ bắt đầu vào ngày 6-2018 và 16 tỷ đô la sẽ bắt đầu vào một ngày sau đó. Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc Hoa
Kỳ gây ra cuộc chiến thương mại và nói rằng Trung Quốc sẽ đáp trả tương tự đối với hàng nhập
khẩu của Hoa Kỳ và cũng bắt đầu từ ngày 6-7-2018.
Ba ngày sau, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 200
tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa các mức thuế của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố
rằng Trung Quốc sẽ phản công cứng rắn.
Ngày 6-7-2018, Tổng thống Donald Trump đã cho áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ
USD của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng việc áp đặt thuế quan
này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời
có tác dụng làm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc Đại Lục.
Để đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.
Ngay sau đòn trả đũa của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho USTR áp thêm
thuế nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD để trừng phạt Trung Quốc. Không dừng ở đó, ông Trump
tuyên bố sẵn sàng đánh thuế 500 tỷ USD bằng tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Thương
mại Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ không ngần
ngại.
Ngày 1-8-2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã bổ sung 44 công ty và tổ chức của Trung Quốc
vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có
khả năng phát triển công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực quân sự. Quyết định này của Bộ trưởng
Thương mại Hoa Kỳ là nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, thông tin vệ tinh, bán dẫn và hàng không
của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ cũng cấm các doanh nghiệp Mỹ bán cho các công ty Trung
Quốc những sản phẩm quan trọng như vật liệu hạt nhân, các thiết bị laser và cảm biến. Cùng
ngày, USTR chỉ trích Trung Quốc đã không thực hiện những đòi hỏi của Hoa Kỳ mà còn có hành
động đáp trả một cách phi pháp gây ảnh hưởng đến công nhân, nông dân, các chủ doanh trại và
doanh nhân Mỹ. USTR cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần thực hiện những biện pháp phòng vệ
cứng rắn để bảo vệ vị thế dẫn đầu của mình trong công nghệ sáng tạo.
Trưa ngày 24-9-2018 theo giờ Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức triển khai kế hoạch

đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỷ USD hàng
hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD
hàng hóa Mỹ. Các sản phẩm từ Trung Quốc trong danh sách 200 tỷ USD bị Mỹ áp mức thuế
quan bổ sung 10% bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng từ máy hút bụi tới các thiết bị kết nối
Internet. Hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế theo kế hoạch 60 tỷ USD gồm 5.207 sản phẩm,
với mức thuế bổ sung dao động từ 5-10%, trong đó có khí hóa lỏng và một số loại máy bay.
Mức thuế 10% mà Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tự động tăng lên 25% từ năm
sau. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đã dọa áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa
Trung Quốc nữa nếu Bắc Kinh trả đũa.


Như vậy, tính đến nay Mỹ đã áp thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu
sang Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc.
TÁC ĐỘNG CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG ĐẾN NỀN KINH TẾ
CỦA CẢ HAI NƯỚC VÀ KINH TẾ TOÀN CẦU
Leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được nhiều chuyên gia cho rằng có ảnh
hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của hai nước này cũng như kinh tế toàn cầu. Đối với nền kinh tế
Mỹ, cuộc chiến thương mại này gây thiệt hại nặng nề nhất cho những người nông dân và những
doanh nghiệp xuất khẩu các nhóm hàng bị Trung Quốc áp thuế như thịt lợn, hoa quả, ngô, đậu
nành, xe hơi, xe máy và thủy sản. Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Ohio, nếu quy mô
xung đột thương mại Mỹ - Trung ở mức 100 tỉ USD giá trị sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc
thì lợi tức của nông dân Mỹ sẽ giảm 15% và Mỹ sẽ mất 181.000 việc làm trong lĩnh vực nông
nghiệp. Ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi hai hãng xe lớn gần
đây của Mỹ là Tesla và Chrysler đã phát đi cảnh báo cho thấy những thay đổi trong chính sách
thương mại của Mỹ đang khiến việc kinh doanh của họ chịu nhiều tác động. Mặt khác, nghiên
cứu của Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng (CTA) và Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc (NRF) của
Mỹ cho thấy khi nước này đánh thuế với 50 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng trưởng
kinh tế của Mỹ sẽ bị giảm gần 3 tỉ USD và làm mất 134.000 việc làm trong những ngành xuất
khẩu sang Trung Quốc bị trả đũa và những ngành sử dụng đầu vào từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế
gặp khó khăn vì chi phí tăng. Nếu quy mô đánh thuế lên tới 100 tỉ USD, nền kinh tế Mỹ có thể

mất 455.000 việc làm và giảm 49 tỉ USD tăng trưởng kinh tế (Quang San, 2018).
Trung Quốc không chỉ trả đũa với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ mà còn có thể khiến các doanh
nghiệp Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại nước này gặp khó khăn. Theo một số chuyên gia, Trung
Quốc có thể trả đũa bằng cách gây khó dễ những công ty Mỹ đang làm ăn tại nước này. Những
biện pháp tiềm tàng khác bao gồm làm gián đoạn chuỗi cung ứng, bán tháo trái phiếu chính phủ
Mỹ để đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên hoặc làm yếu đồng nhân dân tệ để hỗ trợ
xuất khẩu. Số liệu mới nhất cho thấy giá trị lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang
nắm giữ đã giảm từ 1.180 tỉ USD trong tháng 6-2018 còn 1.170 tỉ USD trong tháng 7-2018 (Lyly
Cao, 2018).
Về phía Trung Quốc, thiệt hại cũng không nhỏ. Theo một cuộc khảo sát được công bố ngày 13-92018, khoảng 1 phần 3 trong số 430 công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc cho biết đã hoặc đang
cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó Đông Nam Á là điểm đến được xem
xét nhiều nhất. Nỗi lo bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng xuất
hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc. Theo
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại
Trung Quốc đang xem xét chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á (Hoàng Phương,
2018).
Chỉ số quản trị mua hàng, chỉ số sản suất, chỉ số đơn hàng xuất khẩu và chỉ số việc làm chính
thức cũng liên tục giảm điểm trong nhiều tháng liền gần đây. Thị trường chứng khoán Trung
Quốc cũng đã mất tới 30% giá trị so với đầu năm 2018. Nhân dân tệ cũng đã giảm giá khoảng
8% từ cuối tháng 4-2018 đến nay trong bối cảnh có những nghi ngờ cho rằng Bắc Kinh muốn
đồng nội tệ mất giá để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan Mỹ.


Các tổ chức tài chính nổi tiếng cũng đã đưa ra những dự báo bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn
cầu. Morgan Stanley ước tính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến GDP toàn cầu mất
0,81%. Đây là kịch bản nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên toàn bộ hàng từ Trung Quốc và EU,
kể cả các biện pháp trả đũa tương tự (Hà Thu, 2018).
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 9-10-2018 đã hạ dự báo tăng trưởng của mình đối với Mỹ và
Trung Quốc. Mặc dù Mỹ hiện đang tăng trưởng tốt do tác động của việc cắt giảm thuế gần đây
nhưng các chuyên gia kinh tế của IMF nhận định mức tăng trưởng sẽ chậm lại 2,5% trong năm

tới so với mức 2,9% của năm nay. IMF dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,6%
năm 2018 xuống còn 6,2% trong năm 2019. Mức giảm này phản ánh tác động của những làn
sóng thuế quan mới sắp có hiệu lực. IMF cũng đưa ra nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng
trưởng 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra cách đây 3 tháng.
IMF cũng giảm dự báo về quy mô thương mại toàn cầu. Tổng dòng chảy hàng hóa và dịch vụ
năm nay và năm 2019 ước tính lần lượt tăng 4,2% và 4%, thấp hơn dự báo trước đó 0,6% và
0,5% (Hương Giang, 2018).
CƠ HỘI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ
TRUNG ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Theo các chuyên gia và các nhà phân tích thì xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra những
tác động tiêu cực lên nền kinh tế và các ngành hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung thì
những tác động tiêu cực này là không đáng kể do chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dòng chảy
thương mại khó có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với quy mô 200 tỷ USD
nếu diễn ra có thể khiến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2019 giảm 0,61% so
với kịch bản gốc (không có chiến tranh thương mại), năm 2020 và 2021 giảm trên dưới 0,9%
năm, sau đó giảm dần mức độ tác động. Đối với nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, mức tác động
năm 2019 là giảm 0,52%, năm 2020 giảm 0,87%, 4 năm sau đó giảm trên 1% năm so với kịch
bản gốc. Mức độ ảnh hưởng giảm đến GDP năm 2019 là 0,33%, năm 2020 là 0,4%, sau đó giảm
dần. Với thu hút FDI, mức độ ảnh hưởng không nhiều. Ông Thắng lưu ý rằng đây là dự báo tác
động sử dụng mô hình Nigem được hầu hết các quốc gia trong khối OECD và nhiều nước khác
sử dụng, nhưng sẽ có nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng đến kết quả dự báo (Trí Dũng, 2018).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 26-9-2018 cho biết họ đã hạ thấp dự báo tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam cho năm nay xuống 6,9% so với mức 7,1% như đã đưa ra trước đây, một
phần là do những mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. ADB cũng dự báo tỷ lệ lạm
phát cho năm tới của Việt Nam được dự đoán ở mức 4,5%, cao hơn so với dự báo trước đó là
4%, trong khi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2019 được duy trì ở mức 6,8%.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong một báo cáo về tình hình tài khóa, ngân hàng của Việt
Nam công bố gần đây cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động lên nợ công và nợ
quốc gia của Việt Nam trên hai phương diện: Thứ nhất, do Nhân dân tệ giảm giá và có thể còn

tiếp tục giảm giá hơn nữa trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang gây áp lực lên tỷ giá
trong nước, từ đó tác động tới chi phí trả nợ vay của Chính phủ, Thứ hai, dư nợ vay nước ngoài


ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả nếu tăng đột biến
như năm 2017 có thể ảnh hướng đến giới hạn nợ nước ngoài của Quốc gia hiện đang ở mức 49%
GDP, tiệm cận ngưỡng 50% GDP (Phương Dung, 2018).
Một tác động tiêu cực khác là khi Trung Quốc không xuất hàng được sang Mỹ thì họ sẽ giảm giá
và xuất khẩu vào các thị trường khác mà Việt Nam là một trong các thị trường thay thế, khi đó
không chỉ có các mặt hàng trung gian máy móc thiết bị mà có cả hàng tiêu dùng như nội thất,
hóa chất, nhựa, cao su, nông thủy sản, hàng dệt may, máy móc cơ khí, thép và các sản phẩm cho
ngành xây dựng cũng tràn sang Việt Nam. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, đồng
nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục mất giá thêm nữa, trong khi nếu đồng Việt Nam vẫn giữ ổn định so
với đô la Mỹ thì hàng Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn khiến hàng Việt sẽ không cạnh tranh lại hàng
Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc có thể mượn Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng Trung
Quốc sang Mỹ để tránh thuế suất cao. Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì không chỉ
có doanh nghiệp mà cả nhóm hàng Việt cũng có thể bị trừng phạt tương tự như thép và nhôm.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong nước cho rằng
xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn
các mặt hàng tiêu dùng như hóa chất, nhựa, cao su, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, nội thất, thiết bị
điện, điện tử, túi xách sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Việt Nam cũng có cơ
hội đón nhận xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Một số
doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt
Nam.
Chuyên gia kinh tế Massimiliano Cali của Ngân hàng thế giới (WB) thì cho rằng Việt Nam
hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Những mặt hàng mà Việt Nam có
thể thay thế Trung Quốc trở thành nguồn cung mới cho thị trường Mỹ bao gồm ghế, thủy sản, túi
du lịch, máy ảnh, đồ gỗ,… Nếu các sản phẩm này của Việt Nam có thể thay thế hàng xuất khẩu
Trung Quốc, giá trị của chúng tương đương với 4,4% GDP. Các nước hưởng lợi tiếp theo là
Philippines với 4,1% GDP, Campuchia với 3,6% GDP và Indonesia với chỉ khoảng 1% GDP.

HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM CẦN CHUẨN GÌ ĐỂ ỨNG PHÓ TRƯỚC DIỄN
BIẾN LEO THANG CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG?
Các nhà phân tích cũng đã đưa ra các kịch bản khác nhau về diễn biến leo thang trong căng thẳng
thương mại Mỹ - Trung thời gian tới bao gồm: (1) Hai bên nhượng bộ; (2) Trung Quốc nhượng
bộ; (3) Mỹ nhượng bộ và; (4) Chiến tranh thương mại toàn diện. Các chuyên gia của công ty
phần mềm và dữ liệu tài chính FactSet Research Systems Inc có trụ sở chính tại Norwalk,
Connecticut, Hoa Kỳ trong mô hình phân tích tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
đối với các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đã đưa ra 3 kịch bản bao gồm: (1) Kịch
bản cơ sở (căng thẳng thương mại leo thang từ từ); (2) Kịch bản lạc quan (Mỹ và Trung Quốc
đạt thỏa thuận thương mại cho tương lai, nhưng thuế quan mới được áp bổ sung vẫn được giữ
nguyên); (3) Kịch bản xấu (quan hệ thương mại Mỹ- Trung xấu đi nhanh chóng và tác động
mạnh mẽ tới thị trường). Với ba kịch bản nói trên, FactSet dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ khiến chứng khoán toàn cầu giảm từ 3-17% tùy từng trường hợp.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi
gần đây Washington đưa ra điều kiện phải nhìn thấy “thiện chí” từ Bắc Kinh mới ngồi vào bàn
đàm phán. Wall Street Journal hôm 25-10-2018 loan tin, nếu Trung Quốc không đưa ra kế hoạch
cụ thể về việc ngưng đánh cắp bí mật công nghệ, Mỹ sẽ không mặn mà với việc tái khởi động
đàm phán chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai nước. Đây được xem là một bế
tắc nguy hiểm trong bối cảnh đã xuất hiện ít nhiều hi vọng về việc giải quyết tình trạng căng
thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Một trong những tác động tiêu cực đáng kể một khi xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang
kéo dài, theo các nhà phân tích, là tác động tiêu cực đến tỷ giá giữa USD và VND cũng như lạm
phát ở Việt Nam trong thời gian tới. Một khi Nhân dân tệ (CNY) xuống giá so với Đô la Mỹ
(USD) sẽ tạo sức ép lên Đồng Việt Nam (VND). Khi đó VND sẽ tăng giá so với CNY càng gây
bất lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời hàng Trung Quốc càng
có cơ hội để xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của hàng Việt
so với hàng Trung Quốc ngay trên sân nhà, thâm hụt thương mại của Việt Nam so với Trung
Quốc càng nhiều hơn. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên chủ động và
linh hoạt trong điều hành chính sách tỷ giá giữa USD và VND thời gian tới theo hướng không để

VND lên giá so với CNY quá mức 5%. Nếu CNY xuống giá 8% so với USD thì VND có thể
xuống giá từ 2-3% so với USD, nhưng nếu CNY xuống giá 10% so với USD thì VND có thể
xuống giá từ 4-5% so với USD. Việc để VND mất giá trên 5% so với USD sẽ là vượt ngoài kỳ
vọng của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, và có thể gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế.
Mặt khác, rủi ro tiền tệ do biến động của USD và CNY lên VND cũng khiến cho lạm phát ở Việt
Nam trong năm tới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự đoán ở mức 4,5%, cao hơn so
với dự báo trước đó là 4%. Điều này cũng đặt ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
trong điều hành chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lãi suất ở Việt Nam trong năm 2019 được dự
báo có thể tăng lên, lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế, phí bảo vệ môi trường, …
dự kiến diễn ra trong năm 2019. Trên thế giới, giá dầu được dự báo có thể vượt ngưỡng 100
USD/thùng và Ngân hàng trung ương các nước sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt sau một
thời gian dài nới lỏng.
Đối với các Ngân hàng thương mại và các Tổ chức tín dụng khác ở Việt Nam, cần phải có các
biện pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đề phòng trường hợp tỷ giá giữa USD và VND
và lãi suất tăng cao ngoài dự kiến. Các Tổ chức tín dụng cũng cần đề phòng trường hợp doanh
nghiệp Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng hóa bằng cách mượn Việt Nam làm nơi trung chuyển
hàng hóa sang Mỹ để né thuế suất cao trong các hoạt động thanh toán và tài trợ xuất nhập khẩu
cho các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng hàng Việt. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng
cần cập nhật đầy đủ danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, để từ đó có những
phân tích và nhận định chính xác về những nhóm hàng mà Việt Nam được hưởng lợi, cũng như
những nhóm hàng mà Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc ngay trên sân
nhà, để từ đó có những điều chỉnh chính sách tín dụng kịp thời ứng phó với các diễn biến leo
thang trong căng thẳng thương mại Việt – Trung./.
Tài liệu tham khảo:


Cấn Văn Lực và Trung tâm Nghiên cứu BIDV (2018), Việt Nam chịu ảnh hưởng gì từ chiến
tranh thương mại Mỹ - Trung, truy cập ngày 25/10/2018;
Quang Sang (2018), Tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam, truy cập ngày
25/10/2018;

Nguyễn Xuân Thành (2018), Toàn cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Phân tích ảnh
hưởng Việt Nam, truy cập ngày 25/10/2018;
Các nguồn thông tin khác từ internet.



×