1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM
LÊ XUÂN HIỀN
PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM
Chuyên ngành : Kinh tế Tài chính Ngân hàng
Mã số : 60.31.12
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
Người Hướng Dẫn Khoa Học
GS.TS Dương Thị Bình Minh
TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2010
2
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU.............................................................................................................3
U
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ RỬA TIỀN VÀ PHÒNG, CHỐNG RỬA
TIỀN QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG..................................................................6
1.1.
Tổng quan về rửa tiền. ...................................................................................6
1.2.
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.................................................................16
1.3.
Hệ thống ngân hàng và phương thức phòng, chống rửa tiền qua hệ
thống ngân hàng. .................................................................................................23
1.4.
Phòng, chống rửa tiền ở một số nước trên thế giới và bài học kinh
nghiệm cho Việt Nam..........................................................................................28
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN QUA HỆ
THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA.....................38
2.1.
Khái quát về hệ thống ngân hàng Việt Nam................................................38
2.2.
Tình hình rửa tiền tại Việt Nam...................................................................40
2.3.
Thực trạng rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam...............................46
2.4.
Thực trạng phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam........50
2.5.
Đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân
hàng Việt Nam trong thời gian qua. ....................................................................60
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN QUA HỆ
THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM......................................................................67
3.1.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và định hướng phòng, chống rửa
tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. ..............................................................67
3.2.
Dự báo tình hình rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.....................70
3.3.
Các giải pháp phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. ..71
KẾT LUẬN ...............................................................................................................83
TÀI LIỆU THAM KHẢO
3
LỜI MỞ ĐẦU
Tính cấp thiết của đề tài.
Hoạt động rửa tiền đã và đang trở thành một mối nguy cơ lớn đối với nhiều
quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và thống
kê của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), hàng năm số tiền được bọn tội phạm tẩy rửa
khoảng 400-500 tỷ USD, trong đó khoảng 60-70% là tiền mặt. Một trong những
thủ đoạn rửa tiền phổ biến là thông qua hệ thống ngân hàng, điều đó có nghĩa là
những quốc gia có hệ thống tài chính ngân hàng sơ khai, lỏng lẻo luôn là điểm đến
tiềm năng của bọn tội phạm rửa tiền. Tác hại của việc rửa tiền không chỉ làm mất
sự kiểm soát của các chính sách kinh tế, mà còn làm suy yếu khu vực kinh tế tư
nhân, lũng đoạn hệ thống tài chính, bóp méo hoạt động ngoại thương, ngăn cản
hội nhập quốc tế …. Chính tác hại to lớn của việc rửa tiền như trên, rất nhiều các
tổ chức chính phủ và phi chính phủ được phân công thực hiện công tác phòng,
chống rửa tiền như: Ngân Hàng Thế Giới (WB), Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ủy
Ban Giám Sát Ngân Hàng Basel, Lực Lượng Đặc Nhiệm Tài Chính (FATF),
v.v… Ở các nước phát triển như : Mỹ, Anh, Nga, Úc, Pháp, … Luật Phòng, chống
rửa tiền đã được hình thành và triển khai một cách hiệu qủa.
Tại Việt Nam, vấn đề phòng, chống rửa tiền là một trong những vấn đề
tương đối mới mẻ. Trước đây phòng, chống rửa tiền được đề cập đầu tiên thông
qua Công Ước Viên (Công ước của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp
pháp ma túy và chất hướng thần năm 1988) mà Việt Nam tham gia. Và sau này
là Nghị Định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 6 năm 2005 của Chính Phủ về
phòng, chống rửa tiền.
Nghị định 74/2005/NĐ-CP được ban hành năm 2005, tạo cơ sở pháp lý
ban đầu cho công tác phòng, chống rửa tiền. Đến nay, nghị định này đã ban hành
được hơn 5 năm, tuy nhiên hiệu quả của việc ngăn chặn rửa tiền nói chung và
rửa tiền qua hệ thống ngân hàng nói riêng còn rất hạn chế. Trong thời gian tới
nếu chúng ta không có những giải pháp đúng đắn, Việt Nam sẽ trở thành điểm
4
đến của tội phạm rửa tiền, mà ngân hàng được xem như là công cụ để thực hiện
hành vi đó. Vì vậy, vấn đề phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ở Việt
Nam đang được đặt ra như một đòi hỏi bức xúc trong công tác quản lý hiện nay.
Đó chính là lý do tác giả lựa chọn đề tài “Phòng, chống rửa tiền qua hệ thống
ngân hàng Việt Nam” làm luận văn thạc sĩ của mình.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu: rửa tiền và công tác phòng, chống rửa tiền
- Phạm vi nghiên cứu: hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở dùng các phương pháp như:
- Phương pháp mô tả nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình rửa tiền
tại các nước trên thế giới và Việt Nam.
- Phương pháp thống kê nhằm tập hợp các số liệu và đánh giá thực trạng
rửa tiền.
- Phương pháp lịch sử nhằm so sánh, đối chiếu các thông tin trong quá khứ
để tìm hiểu nguyên nhân và có các kết luận phù hợp.
Nguồn dữ liệu của luận văn chủ yếu được lấy từ:
- Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
- Nhóm châu Á Thái Bình Dương về phống rửa tiền (APG).
- Tổng cục thống kê.
- Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam.
- Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.
Kết quả nghiên cứu chủ yếu nhằm đạt được:
- Thứ nhất: phản ánh trung thực những tác động của việc rửa tiền.
- Thứ hai: nêu lên thực trạng rửa tiền tại Việt Nam và những ảnh hưởng của
nó đến kinh tế xã hội.
5
- Thứ ba: trên cơ sở đó đưa ra một số đóng góp để đẩy lùi nạn rửa tiền đang
có nguy cơ phát triển mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân
hàng.
Kết cấu của luận văn.
Ngoài lời mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận
văn trình bày theo 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về rửa tiền và phòng chống rửa tiền qua hệ thống
ngân hàng.
Chương 2: Thực trạng phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt
Nam trong thời gian qua.
Chương 3: Các giải pháp phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
Việt Nam.
6
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ RỬA TIỀN VÀ PHÒNG, CHỐNG RỬA
TIỀN QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG.
1.1. Tổng quan về rửa tiền.
1.1.1. Khái niệm về rửa tiền.
Ở Châu Mỹ Latinh vào khoảng năm 1935, đã xuất hiện loại tội phạm mới,
mà theo tiếng Tây Ban Nha gọi là “blanqueo” được dịch ra tiếng anh là
“whitening” (tẩy trắng). Đây là hành vi nhằm chuyển tiền và tài sản bất hợp pháp
thành tiền và tài sản hợp pháp. Loại tội phạm này thường xảy ra trong các lĩnh
vực ngân hàng, thuế, hải quan và được các nhà làm luật gọi là “tẩy trắng các
đồng tiền bẩn thỉu”
Về sau loại tội phạm này đã xuất hiện ở nhiều nước và được gọi bằng
nhiều tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ như: “riciclaggio” (tiếng Italia, dịch
ra là “tái chế lại”), “blanchiment de fonds” (tiếng Pháp, dịch ra là “tẩy trắng
đồng tiền”). Đến năm 1970, loại tội phạm này xuất hiện tại Mỹ và được gọi là
“money laundering” (tẩy rửa tiền).
Có thể nói, định nghĩa có tính pháp lý đầu tiên về rửa tiền được nhắc đến
trong một văn bản pháp lý mang tính chất quốc tế là Công Ước Viên năm 1988.
Theo đó, rửa tiền là “hành vi chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài
sản đó có được từ buôn bán ma tuý hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội,
với mục đích che dấu nguồn gốc tài sản hoặc giúp người nào đó liên quan đến tội
phạm hoặc hành vi phạm tội để né tránh trách nhiệm pháp lý từ các hành vi của
mình; hành vi che dấu hoặc ngụy trang hình thái tự nhiên, nguồn gốc, địa điểm,
việc định đoạt, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hoặc các quyền liên quan đến
tài sản mà biết rõ là tài sản do phạm tội buôn bán ma tuý mà có; hành vi mua, tàng
7
trữ hoặc sử dụng tài sản khi biết rõ tài sản do phạm tội mà có”[
1
]
Tuy nhiên, định nghĩa về rửa tiền được nhiều quốc gia đồng thuận nhất, đó
là định nghĩa rửa tiền theo Công ước Palermo (2000), rửa tiền được quy định là
hành vi: “(i) Chuyển đổi hay chuyển nhượng tài sản, cho dù biết đó là tài sản do
phạm tội mà có, nhằm che dấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài
sản đó hoặc nhằm giúp đỡ bất kỳ ai có liên quan đến việc thực hiện tội phạm gốc
để lẩn tránh trách nhiệm pháp lý do hành vi của người này mang lại; (ii) Che dấu
hoặc ngụy trang bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm sự chuyển nhượng, sự vận
chuyển hoặc sở hữu hoặc các quyền liên quan đến tài sản, dù biết tài sản đó do
phạm tội mà có; (iii) Nhận, sở hữu hoặc sử dụng tài sản, mà tại thời điểm nhận đã
biết rằng tài sản đó do phạm tội mà có; (iv) Tham gia, phối hợp hoặc có âm mưu
thực hiện hành vi, cố gắng thực hiện hành vi hay giúp sức, xúi giục, tạo điều kiện
thuận lợi và lập kế hoạch để thực hiện bất kỳ một tội phạm nào tương ứng với quy
định tại điều này khi biết rõ là tài sản do phạm tội buôn bán ma tuý mà có”[
2
].
Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) thì: “rửa tiền là việc xử lý
thu nhập có được do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của
chúng”[
3
].
Theo Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005 của Chính phủ về
phòng, chống rửa tiền thì: “rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp
pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động: (i) tham gia
trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội
mà có; (ii) thu nhận, chiếm dữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận
chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; (iii)
đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm
1
UN (1988), Convention Against Illicit Traffic In Narcotic Drugs And Psychotropic Substances, p.p 3.
2
UN (2000), Convention Against Transnational Organized Crime, Palermo.
3
FATF, What is Money Laundering?,
_33659613_1_1_1_1,00.html
8
cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất
thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do
phạm tội mà có”.
Tuy nhiên theo tác giả thì “rửa tiền là hành vi nhằm chuyển những tài sản
dễ bị nhận biết là có nguồn gốc bất hợp pháp thành những tài sản khó bị nhận
biết là có nguồn gốc bất hợp pháp”
1.1.2. Tác động của việc rửa tiền đối với nền kinh tế xã hội.
Rửa tiền gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng cho các
nước đang phát triển đặc biệt là những nước có hệ thống tài chính yếu kém. Mặc
dù không thể lượng hóa hết tác động của việc rửa tiền, nhưng chúng ta có thể liệt
kê tương đối đầy đủ những tác động của rửa tiền đối với nền kinh tế như sau:
Làm mất sự kiểm soát các chính sách kinh tế
Tại một số nước mới nổi hay đang trong quá trình chuyển đổi, những
khoản tiền bất hợp pháp này làm cho ngân khố của chính phủ nhỏ lại do bị thất
thoát từ nguồn thu thuế. Kết quả là chính phủ rơi vào tình trạng mất kiểm soát
các chính sách kinh tế.
Làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân.
Bọn tội phạm rửa tiền sử dụng những công ty ngụy trang để trộn lẫn những
khoản tiền bất hợp pháp với những khoản tiền hợp pháp. Với những khoản tiền
bất hợp pháp, công ty ngụy trang có thể đưa ra những sản phẩm với giá thấp hơn
giá thành sản xuất. Điều này làm cho những doanh nghiệp hợp pháp rất khó khăn
trong việc cạnh tranh với công ty ngụy trang, và có thể dẫn đến phá sản.
Lũng đoạn hệ thống tài chính.
Hoạt động rửa tiền gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các
ngành kinh tế tài chính vì hai lý do: (i) hoạt động rửa tiền làm gia tăng các hành
vi gian lận của các nhân viên trong định chế tài chính phục vụ cho mục đích rửa
tiền của bọn tội phạm. Hành vi thông đồng tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của
9
nhân viên cũng là yếu tố đầu tiên của chu trình rửa tiền qua hệ thống ngân hàng;
(ii) ở các nước đang phát triển, uy tín của định chế tài chính tác động tới tâm lý
khách hàng, đến lượt nó tác động trở lại tới sự phát triển và lớn mạnh của định
chế tài chính đó.
Nguy hại đến nền kinh tế vĩ mô.
Trong một nghiên cứu, tổ chức tư vấn dịch vụ John Walker đã sử dụng
mô hình I-O để phân tích những kịch bản của tác động rửa tiền. Trong một kịch
bản trung hòa nhất cho thấy tác động như sau: 1 tỷ USD rửa tiền làm giảm đi
1,13 tỷ USD giá trị sản lượng, 609 ngàn USD thu nhập và 25 việc làm[
4
].
Bóp méo hoạt động ngoại thương.
Hoạt động rửa tiền có liên hệ mật thiết tới việc làm biến tướng các hoạt
động xuất nhập khẩu của một quốc gia. Trong lĩnh vực này, bọn tội phạm thường
sử dụng các khoản tiền bất hợp pháp đã được tẩy rửa để nhập khẩu các mặt hàng
sang trọng, đắt tiền, những mặt hàng này không hề sinh lợi cho nền kinh tế hay
tạo ra công ăn việc làm cho người dân thậm chí trong một số trường hợp còn tạo
ra một số cơn sụt giá giả tạo, điều đó dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp
sản xuất trong nước bị giảm sút.
Ngăn cản hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập, nhiều vấn đề đã trở thành thách thức toàn cầu
như bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phòng, chống dịch bệnh, chống
khủng bố, chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó có đấu
tranh phòng, chống rửa tiền luôn được quan tâm hàng đầu. Tiêu chí để đánh giá
một quốc gia tích cực đấu tranh chống rửa tiền là quốc gia đó phải: (i) Công
4
TS. Nguyễn Trọng Hoài, Nguyễn Hoài Bảo (2005), “Rửa tiền trở ngại cho phát triển kinh tế”, Tạp chí kinh tế phát
triển, (số 186), TPHCM.
10
nhận và tham gia ký kết các công ước quốc tế về phòng, chống rửa tiền; (ii) Có
hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền được xây dựng trên cơ sở 40+9
khuyến nghị của FATF; (iii) Có tổ chức chuyên trách về đấu tranh phòng, chống
rửa tiền và tổ chức tốt cuộc đấu tranh này. Nếu không có những điều kiện trên và
để cho hoạt động rửa tiền phát triển thì quốc gia đó không phải là một đối tác tin
cậy và không thể tham gia thị trường tài chính thế giới một cách toàn diện.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, thì rửa tiền cũng có những tác động
tích cực đối với nền kinh tế như: cơ sở vật chất ở nước nhận đầu tư được cải
thiện, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn …
Tóm lại, những tích cực của rửa tiền mang lại là nhất thời, nhưng các tác
hại của nó gây ra là lâu dài. Do vậy, hoạt động chống tội phạm rửa tiền là một
hoạt động rất cần nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới.
1.1.3. Nguyên nhân và điều kiện phát triển nạn rửa tiền trên thế giới.
Nhu cầu hợp pháp hóa các tài sản bất hợp pháp.
Theo các chuyên gia IMF, nhu cầu tẩy rửa tiền hàng năm trên thế giới
khoảng 1040 tỷ USD đến 2600 tỷ USD, và con số này tăng khoảng 5% qua các
năm. Để xóa bỏ mọi dấu vết của tài sản bất hợp pháp, bọn tội phạm thường dấu
biệt danh tính của mình, tìm cách đầu tư vào các dự án hợp pháp và cố gắng thu
hồi trong thời gian nhanh nhất số tiền đầu tư đó.
Sự khiếm khuyết, chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật
Ngày 20/12/1988, lần đầu tiên tội phạm rửa tiền được định nghĩa trong
Công ước Viên của Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 7/1989 nhóm hành động tài
chính (GAFI) được thành lập với sự tham gia của 130 chuyên gia đến từ 15 quốc
gia, và nhóm này đã đưa ra 14 nghị quyết về phòng, chống lạm dụng hệ thống
ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp, củng cố hệ thống hình sự của các nước
thành viên và phát triển hợp tác quốc tế.
Ở góc độ quốc gia, mãi đến cuối những năm 80 và 90, hầu hết các quốc
11
gia trên thế giới mới quy định tội rửa tiền trong bộ luật hình sự. Một số nước
như: Trung Quốc, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Luxembourg quy định rửa tiền chỉ
liên quan tới ma túy. Trong khi đó các nước như: Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp
quy định rửa tiền nằm trong các tội phạm nghiêm trọng như: buôn bán ma túy,
vũ khí, mại dâm, buôn người. Và một số nước như: Mỹ, Thụy Điển, Pháp, Bỉ,
Áo … và Việt Nam lại quy định tội rửa tiền cho các loại tội phạm.
Chính sách nới lỏng kiểm soát ngoại hối.
Kể từ đầu những năm 1990, hầu hết các quốc gia đều có chính sách nới
lỏng kiểm soát ngoại tệ. Lượng tiền trao đổi hàng ngày đã tăng từ 590 tỷ USD
(năm 1989) lên 1880 tỷ USD năm 2004. Đi xa hơn, nhiều quốc gia đã sử dụng
hoặc công nhận Đô La Mỹ hay Euro như là một nội tệ bán chính thức của họ.
Nhờ thế một lượng tiền khổng lồ có thể được chuyển từ nước này sang nước
khác trong nháy mắt, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan thẩm quyền.
Mức độ mở của nền kinh tế
Mức độ mở của nền kinh tế ở hầu hết các nước đã tăng vọt, nhất là 10-15
năm gần đây. Đi liền với sự gia tăng độ mở của nền kinh tế là sự đa dạng hóa các
loại hình dịch vụ tài chính với độ phức tạp cũng tăng lên. Dĩ nhiên, càng nhiều
loại hình dịch vụ tài chính thì càng nhiều cơ hội để chuyển tiền phi pháp.
Cạnh tranh thu hút vốn ngày càng gia tăng giữa các ngân hàng. Đây là yếu
tố mà bọn rửa tiền rất quan tâm, vì chúng biết rằng sớm muộn gì cũng có ngân
hàng sẵn sàng nhận tiền của chúng mà không cần biết nguồn tiền ấy có từ đâu.
Tác động của cuộc cách mạng thông tin.
Ở nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng thương mại đã áp dụng những
tiến bộ của công nghệ thông tin sớm và nhanh nhất. Ngày nay, hầu hết dịch vụ
tài chính đều có thể thực hiện trong nháy mắt từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Phí
giao dịch cũng hạ thấp: phí ngân hàng có thể được giảm tới 40% khi khách hàng
giao dịch qua fax thay vì đích thân đến ngân hàng, và giảm tới 98% khi dịch vụ
12
ấy được thực hiện qua internet. Với những thành quả này đã được bọn tội phạm
rửa tiền lợi dụng triệt để. Trong khi đó, các cơ quan công quyền, đặc biệt là ngân
hàng trung ương tỏ ra chậm chạp hơn nhiều, nhất là khi thực hiện sự phối hợp
với các ngân hàng thương mại hay với các nước khác.
Do vậy, để đảm bảo cho các nền kinh tế trên thế giới được phát triển một
cách bền vững, công tác phòng, chống rửa tiền phải đặt ra ở tất cả các nước trên
thế giới, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển,
thông qua việc xây dựng luật phòng, chống rửa tiền và các văn bản quy phạm
pháp luật hướng tới kiểm soát chặt chẽ, hạn chế những điều kiện như trên. Qua
đó đẩy lùi nạn rửa tiền.
1.1.4. Quy trình và các phương thức rửa tiền.
1.1.4.1. Quy trình rửa tiền.
Về mặt quy trình, rửa tiền được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: đưa tiền bất hợp pháp vào hệ thống kinh tế tài chính, gọt tắt
là “gài đặt”, “gửi tiền”. Giai đoạn này được coi là khó khăn nhất đối với bọn tội
phạm, vì tiền và tài sản bất hợp pháp đang được các cơ quan điều tra theo dõi.
Hơn thế nữa, nhà nước thường đặt ra nhiều quy chế để đón lõng bọn tội phạm
rửa tiền, ví dụ như: quy định lượng tiền mặt được đưa qua biên giới, được phép
thanh toán và thực hiện các quy định về khai báo ngân hàng.
Giai đoạn 2: tích tụ và quay vòng các khoản tiền sau khi chúng đã thâm
nhập hệ thống tài chính, gọi tắt là “chuyển dịch”, “sắp xếp”. Trong công đoạn
này, nhiều thao tác nghiệp vụ được thực hiện làm cho đồng tiền chuyển dịch
khắp nơi, quay vòng nhiều lần để xóa đi dấu vết tội phạm. Quốc gia nào có hệ
thống luật doanh nghiệp càng thông thoáng, thì càng dễ bị lợi dụng thông qua
việc thành lập công ty “ma”.
Giai đoạn 3: đầu tư hợp pháp, gọi tắt là “hòa nhập”. Đây là lúc bọn tội phạm
sử dụng tiền, tài sản đã được tẩy rửa để đầu tư một cách hợp pháp vào hoạt động
13
sản xuất kinh doanh dưới các hình thức như: đầu tư vào các doanh nghiệp, mua cổ
phiếu, tín phiếu, bất động sản … việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ làm gia
tăng giá trị đồng tiền tội phạm, trộn lẫn đồng tiền hợp pháp và bất hợp pháp, đây
cũng là công đoạn khó khăn để có thể xác định hành vi cấu thành tội phạm.
1.1.5.2. Các phương thức rửa tiền.
Theo phạm vi thực hiện, thì có 5 trường hợp rửa tiền cơ bản:
Trường hợp 1: “tiền bẩn” được tẩy rửa và sử dụng ngay trong nước. Đây
là quá trình mà số tiền bất hợp pháp được hình thành, được tẩy rửa cũng như
được tái đầu tư qua hệ thống tài chính của nước đó.
Trường hợp 2: “tiền bẩn” được hình thành ở trong nước, sau đó chuyển ra
nước ngoài để tẩy rửa trong hệ thống tài chính khác và cuối cùng đem trở lại lưu
thông trên thị trường trong nước.
Trường hợp 3: “tiền bẩn” được hình thành ở nước ngoài, được tẩy rửa ở
nước đó hay nước khác và cuối cùng được đầu tư cho các nước đang phát triển.
Trường hợp 4: “tiền bẩn” được rửa và rút khỏi hệ thống tài chính của một
nước đang phát triển để sử dụng ở nước khác, không quay lại đầu tư cho nước đó.
Trường hợp 5: “tiền bẩn” sau khi rửa được chuyển vào một nước đang phát
triển nhưng không phải để đầu tư mà được lưu thông tản mạn, tiêu thụ khắp nơi.
Theo nội dung hoạt động, rửa tiền biểu hiện theo một số phương thức
như:
Rửa tiền thông qua đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, pháp luật đầu tư nước ngoài của những nước đang phát
triển được xây dựng và thường được bổ sung, sửa đổi theo hướng ngày càng
thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Thậm chí độ thông thoáng đến mức
người ta không cần quan tâm đến nguồn gốc vốn đầu tư. “Tiền sạch”, “tiền bẩn”
đều được chấp nhận thông qua hoạt động đầu tư. Đây là mảnh đất màu mỡ để
14
rửa tiền. Về phía bọn tội phạm, hiệu qủa đầu tư lại không phải là mục đích và lỗ
lãi không quan trọng nên hoạt động đầu tư chỉ được xem như là một công cụ rửa
tiền. Chúng đưa tiền vào nước các nước đang phát triển để mua bất động sản,
mua lại nhà máy, công ty phá sản, thành lập các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài mới … lợi nhuận sau đầu tư được chuyển đến các địa chỉ mong
muốn đã có bề ngoài hợp pháp.
Với thủ đoạn rửa tiền thông qua đầu tư nước ngoài, các tổ chức tội phạm
đã hoàn tất 3 công đoạn của quá trình rửa tiền. Duy trì các kết quả đầu tư càng
lâu dài thì bóng dáng của đồng vốn bất hợp pháp càng phai mờ.
Rửa tiền thông qua các công ty bảo hiểm.
Theo đó, bọn tội phạm dùng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp mua bảo
hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm. Khoản tiền này được nằm trong tài
khoản của công ty bảo hiểm một thời gian nhất định. Tiền có nguồn gốc bất hợp
pháp không được sử dụng trong thời gian dài cũng đã tạo ra cho nó một điều
kiện an toàn nhất định. Sau đó, kẻ tẩy rửa sẽ viện một lý do nào đó để yêu cầu
rút tiền trước thời hạn hoặc dùng giá trị của hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo chi
trả cho một nhu cầu giao dịch nào đó như mua bất động sản.
Trên thực tế bọn tội phạm còn biến hóa để nó trở nên rối rắm hơn nhiều.
Trong trường hợp khi yêu cầu công ty bảo hiểm rút tiền, chúng không rút tiền
cho chính bản thân mình mà sẽ chỉ định một người khác là người thụ hưởng như
con, cháu, đồng bọn, luật sư.
Rửa tiền bằng cách sử dụng hóa đơn, chứng từ giả.
Theo quy định pháp luật của nhiều nước, việc thành lập và hoạt động của
các doanh nghiệp hầu như không chịu sự kiểm soát nào từ phía nhà nước. Muốn
thành lập doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua mạng, qua điện thoại, qua luật sư
đại diện. Ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp có thể mua hóa đơn từ chi cục
thuế để hoạt động. Những công ty bình phong có thể được lập ra, bằng cách thuê
người khác đứng tên để được thành lập, thuê địa chỉ làm trụ sở hoặc khai gian
15
địa chỉ rồi biến mất, những doanh nghiệp này được gọi là doanh nghiệp “ma”
hay doanh nghiệp “ảo”. Hoạt động của chúng không chỉ gắn với rửa tiền mà còn
có thể lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng …Và theo đó, bọn tội phạm sử
dụng tư cách pháp nhân của doanh nghiệp “ma” để ký kết các hợp đồng thương
mại “ma”, cung cấp các dịch vụ khống và xuất hóa đơn, chứng từ theo các yêu
cầu rửa tiền hay mục đích phạm tội. Ở hình thức khác, do có nhiều công ty ở
nhiều nước nên chúng chuyển tiền bất hợp pháp vào công ty ở nước này, rồi từ
công ty đó mua tài sản hoặc dịch vụ của công ty đặt ở nước khác (bề ngoài có
thể khác chủ, nhưng thực tế cùng chủ), với giá rất cao so với giá trị thực của tài
sản. Kỹ thuật này giúp chúng lý giải được nguồn gốc của số lãi giả tạo.
Rửa tiền tại các sòng bạc.
Tại các sòng bạc hầu như không có bất cứ hành động nào nhằm kiểm soát
nguồn gốc tiền của khách mang đến chơi bạc. Do vậy, sòng bạc được xem là
thiên đường để bọn tội phạm thực hiện tẩy rửa tiền bằng cách bỏ tiền có nguồn
gốc bất hợp pháp để mua vé, mua thẻ chơi bạc. Nếu thắng, chúng sẽ được trả
bằng séc để đưa tiền thắng bạc vào tài khoản của mình. Như vậy, bọn tội phạm
sẽ có séc của sòng bạc để hợp pháp hóa những đồng tiền bất hợp pháp. Ở khía
cạnh khác, nhiều khi việc đánh bạc chỉ là hình thức bên ngoài, thực chất bọn tội
phạm đang thỏa thuận với chủ sòng bạc để có được xác nhận các khoản tiền
thắng bạc với một tỷ lệ chi phí nhất định.
Rửa tiền thông qua xổ số và cá cược hợp pháp.
Việc hợp thức hóa tiền có nguồn gốc phạm tội đôi khi được thực hiện
thông qua mua lại những giải thưởng xổ số với giá lớn hơn giá trị thực mà người
trúng thưởng có thể được hưởng. Khoản chi phí lớn hơn đó là khoản chi phí đảm
bảo cho tính hợp pháp của đồng tiền bất hợp pháp. Sau khi sở hữu vé xổ số trúng
thưởng, bọn tội phạm vào Công ty phát hành xổ số là có thể nhận tiền hợp pháp.
Trong điều kiện của cơ chế thị trường, nhiều trò chơi cá cược được thừa
nhận là nhu cầu giải trí như: đua ngựa, đua chó, trọi gà, trọi trâu …., hoạt động
16
cá cược này sử dụng tiền mặt với số lượng lớn. Đây cũng là mảnh đất tốt cho
việc rửa tiền.
Rửa tiền thông qua đầu tư chứng khoán.
Thị trường chứng khoán cũng là nơi bọn tội phạm chú ý lợi dụng để rửa
tiền, nhất là thị trường chứng khoán ở những nước chưa có quy định chặt chẽ về
kiểm soát nguồn gốc tài chính và pháp luật về rửa tiền. Bọn tội phạm sử dụng
các khoản tiền bất hợp pháp để đầu tư cổ phiếu được niêm yết tại các trung tâm
giao dịch chứng khoán. Sau một thời gian đầu tư, các cổ phiếu trên sẽ được bán
ra với giá có thể thấp hơn giá đầu tư ban đầu, nhưng dấu vết tội phạm của đồng
tiền bất hợp pháp đã dần phai mờ. Do những đồng tiền này được nhận qua hệ
thống tài chính, nên nó có được bề ngoài hợp pháp.
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng đã và đang trở thành một trong những
mô hình rửa tiền mà bọn tội phạm ưa thích sử dụng. Rửa tiền qua hệ thống ngân
hàng là việc lợi dụng những kẻ hở trong các quy định giao dịch, cho vay của
ngân hàng để thực hiện tẩy rửa tiền. Một trong những ưu điểm nổi bật của
phương thức này là nếu thực hiện trót lọt, dấu vết của đồng “tiền bẩn” gần như
được xóa bỏ hoàn toàn. Đồng tiền đội lốt hợp pháp được bổ sung vào dòng chảy
vốn của nền kinh tế một cách tự nhiên. Hơn nữa, trên thế giới hầu như nước nào
cũng có hệ thống ngân hàng. Càng ở những nước có quy định về phòng, chống
rửa tiền sơ khai, việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền càng thuận lợi
hơn.
1.2. Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.
1.2.1. Các dấu hiệu nhận biết rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là một trong những phương thức mà bọn
tội phạm thường sử dụng. Tuy nhiên, để có thể rửa tiền qua kênh này, bọn tội
phạm thường sử dụng các thủ thuật hết sức tinh vi. Do vậy, việc đưa ra các dấu
17
hiệu nhận biết rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết.
Có thể phân loại, định dạng và nhận biết một số dấu hiệu đáng ngờ ở các
giao dịch mà bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền như sau:
Thứ nhất, thông qua thông tin về khách hàng
Ngân hàng hoàn toàn có đủ cơ sở để nghi ngờ bất cứ một khách hàng nào
có thái độ miễn cưỡng khi cung cấp các thông tin, chứng từ thông thường theo
quy định của ngân hàng trong quan hệ giao dịch với khách hàng. Đặc biệt là
những khách hàng cung cấp ít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, hoặc khi
nộp đơn xin mở tài khoản tại ngân hàng, những khách hàng này đã cung cấp
những thông tin mà nếu muốn xác minh được những thông tin đó thì ngân hàng
sẽ gặp khó khăn hoặc phải trả chi phí rất cao.
Thứ hai, các tài khoản giao dịch đang bị điều tra hoặc bị khởi kiện.
Nhân viên ngân hàng thường chú ý đến các chủ tài khoản đang bị điều tra,
khởi kiện hoặc liên quan đến các vụ án đang được xét xử tại tòa án, hoặc nằm
trong danh sách cảnh báo rửa tiền.
Thứ ba, thông qua tính chất, đặc điểm của giao dịch.
Các giao dịch không mang lợi ích về mặt kinh tế
Các giao dịch này có đặc điểm không phù hợp với các hoạt động thông
thường của khách hàng. Ví dụ như việc sử dụng thư tín dụng và một số biện
pháp tài chính thương mại để chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Tuy nhiên, việc chuyển tiền này lại không phù hợp với các hoạt động kinh doanh
thông thường của khách hàng. Một trường hợp điển hình khác là các giao dịch
qua các tài khoản mà trước đó hầu như không có giao dịch nào, nhưng hiện tại
lại có rất nhiều giao dịch một cách bất thường mà chủ tài khoản này không đưa
ra được sự giải thích hợp lý cho việc liên tục sử dụng tài khoản ở mức độ cao.
Các giao dịch gồm nhiều khoản tiền mặt giá trị lớn.
18
Một là, mua hoặc bán ngoại tệ bằng tiền mặt với số lượng lớn cho dù
khách hàng có tài khoản trong ngân hàng.
Hai là, thường rút tiền mặt từ tài khoản với số lượng lớn, mà số tiền này
dường như không phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Ba là, rút tiền mặt với số lượng lớn từ tài khoản vừa mới bất ngờ nhận
được một khoản chuyển tiền vô cùng lớn từ nước ngoài.
Bốn là, gửi tiền mặt với số lượng lớn vào tài khoản bằng cách chia nhỏ số
tiền mặt muốn gửi thành nhiều khoản khác nhau. Tuy nhiên, nếu tính tổng số tất
cả các khoản tiền gửi đã chia nhỏ thì giá trị rất lớn.
Năm là, các khách hàng thường xuyên gửi tiền mặt với số lượng lớn vào
ngân hàng, nhưng tiền rút ra khỏi tài khoản thường bằng séc chi trả cho các cá
nhân, hay công ty không có quan hệ kinh doanh với khách hàng.
Các giao dịch liên quan đến các tài khoản trong ngân hàng có một số đặc
điểm bất thường. Sau đây là hai trường hợp tiêu biểu:
Một là, tài khoản có tốc độ chu chuyển tiền trong ngày rất cao. Điều này
thể hiện ở việc thay đổi đột biến doanh số giao dịch trên tài khoản. Doanh số
giao dịch lớn trong một thời gian ngắn nhưng số dư tài khoản nhỏ.
Hai là, các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác
nhau về một tài khoản thành một khoản tiền lớn và ngược lại. Trong một thời
gian rất ngắn, tiền được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau.
Các giao dịch liên quan đến các cuộc chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, các
giao dịch liên quan đến chuyển tiền ra nước ngoài là phổ biến. Tuy nhiên trong
số các giao dịch đó, cũng có những giao dịch với mục đích bất thường. Nhân
viên ngân hàng có thể nhận biết được qua mục đích, tính chất của việc chuyển
tiền. Sau đây là một số dấu hiệu điển hình mà ngân hàng cần quan tâm, lưu ý:
19
Việc một khách hàng vãng lai chuyển tiền ra nước ngoài mà không đưa ra
lý do hợp pháp.
Một khách hàng chuyển tiền tới chi nhánh nước ngoài, công ty con, hoặc
ngân hàng có trụ sở tại một quốc gia nơi mà buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và
buôn bán ma túy thường xuyên diễn ra.
Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư.
Một là, hoạt động mua bán chứng khoán không phù hợp với vị thế hiện tại
của khách hàng, hoặc khách hàng đầu tư chứng khoán bằng tiền mặt một cách
khác thường với số lượng lớn.
Hai là, vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có nguồn
gốc từ các nước có tỷ lệ tội phạm cao như: Ý, Nga, Macao ….. hay từ các nước có
hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền còn yếu kém như các nước Châu Phi.
Thứ tư, thông qua các khoản vay có hoặc không có thế chấp
Các khoản vay được trả bằng tiền mặt, ngoại tệ hoặc các công cụ thanh
toán khác mà người cho vay không được tiết lộ.
Các khoản cho vay được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba mà không
có mối liên hệ minh bạch với khách hàng.
1.2.2. Điều kiện phát sinh rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa đầy đủ.
Rửa tiền là một vấn đề mang tính toàn cầu. Bọn tội phạm thường lợi dụng
những sơ hở trong các quy định về giám sát của ngân hàng để thực hiện hành vi
rửa tiền. Do đó, điều đầu tiên phải kể đến đó là hệ thống tài chính tiền tệ đang
trong giai đoạn phát triển với những quy định lỏng lẻo trong cơ chế giám sát từ
phía các tổ chức tài chính là một trong những nguyên nhân tạo cơ hội thực hiện
rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, bộ máy tổ chức về phòng, chống rửa tiền còn hạn chế
20
Về công tác quản lý: ngân hàng trung ương thiếu một cơ quan đầu mối về
phòng, chống rửa tiền. Cơ quan này có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về các giao
dịch đáng ngờ từ các ngân hàng thương mại trong nước, cũng như tập hợp danh
sách các giao dịch đáng ngờ từ các nước trên thế giới.
Về phía các ngân hàng thương mại: thiếu cán bộ, hệ thống công nghệ
thông tin còn tương đối lạc hậu và chưa có quy trình về phòng, chống rửa tiền.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thường phải đối
mặt với nhiều rủi ro. Do đó, các ngân hàng phải xây dựng các quy trình giám sát,
kiểm toán nội bộ thực sự chặt chẽ. Tuy nhiên, trong hầu hết các ngân hàng, việc
xây dựng các quy trình giám sát về phòng, chống rửa tiền còn thiếu hoặc chưa
được quan tâm đúng mức. Các ngân hàng không áp dụng các quy định trong việc
nhận dạng và thực hiện nguyên tắc hiểu biết khách hàng.
Thứ ba: một số quy định về thanh toán tạo thuận lợi cho hoạt động rửa tiền.
Tín dụng chứng từ (LC) là một trong những công cụ được bọn tội phạm
rửa tiền ưa thích sử dụng nhất, là vì các giao dịch “ma” thanh toán bằng phương
thức này ít bị nghi ngờ và có thể qua mặt ngân hàng và cơ quan pháp luật. Một
trong những yếu tố hấp dẫn của LC là “các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các
chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác có liên
quan đến chứng từ” [
5
], tức là ngân hàng phát hành LC sẽ thanh toán khi nhận
được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của LC chứ không
phải chờ khi hàng đến rồi mới thanh toán. Đối với những LC thanh toán bằng
vốn tín dụng, ngân hàng có thể tham gia can thiệp vào một số điều kiện, điều
khoản của LC nhằm tránh rủi ro cho khách hàng và gián tiếp là tránh rủi ro cho
ngân hàng tài trợ. Ngoài ra, sau khi cho vay thanh toán LC, ngân hàng còn theo
dõi, kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, đối với LC thanh toán bằng vốn tự có và ký
5
International Chamber Commerce (2007),
the Uniform Customs and Practice for Documentary
Credits, Art 5
21
qũy đủ 100% thì các ngân hàng thường chỉ tư vấn chứ không can thiệp vào nội
dung LC và cũng không phải kiểm tra, theo dõi hàng hoá đã được nhận hay
chưa. Thêm vào đó ngân hàng không yêu cầu nhà nhập khẩu bổ sung tờ khai hải
quan sau khi hoàn tất thủ tục nhận hàng. Điều này tạo điều kiện tội phạm mở LC
“ma” với yêu cầu về chứng từ đơn giản để người thụ hưởng là đồng bọn của
chúng có thể dễ dàng xuất trình chứng từ yêu cầu thanh toán. Theo điều 15 của
UCP 600: “khi ngân hàng phát hành xác định việc xuất trình là phù hợp, thì nó
phải thanh toán”, khi đó ngân hàng phát hành thực hiện ghi nợ tài khoản thanh
toán của nhà nhập khẩu. Đến thời điểm này ngân hàng đóng hồ sơ LC mà không
có tờ khai hải quan, nhà nhập khẩu nhận bộ chứng từ nhưng không đi nhận hàng
vì thực tế đó chỉ là giao dịch “ma”, tiền được chuyển ra nước ngoài không gặp
trở ngại nào.
Phương thức nhờ thu chứng từ cũng được bọn tội phạm lợi dụng để rửa
tiền. Thủ thuật có thể được thực hiện như sau: nhà xuất khẩu là đồng bọn của
nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng chuyển giao chứng từ và chỉ thị nhờ thu.
Theo đó, bộ chứng từ được gửi đến ngân hàng xuất trình để nhờ thu, ngân hàng
này xuất trình bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và yêu cầu thanh toán. Biết rằng
bộ chứng từ là giả mạo nhưng nhà nhập khẩu vẫn đồng ý thanh toán cho nhà
xuất khẩu, và tất nhiên nhà nhập khẩu cũng sẽ không đi nhận hàng. Những giao
dịch không có thật này, thường được bọn tội phạm thanh toán bằng vốn tự có để
tránh việc ngân hàng kiểm tra hàng hóa như trong trường hợp giao dịch nhập
khẩu được ngân hàng tài trợ bằng vốn tín dụng.
Ứng trước một phần tiền hàng là một trong những điều kiện mua bán bình
thường trong hợp đồng thương mại quốc tế. Để nhà xuất khẩu có thể ứng trước
một phần tiền hàng từ nhà nhập khẩu, thì giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu phải
có hợp đồng mua bán hàng hóa với điều khoản thanh toán trước cho nhà xuất
khẩu một số tiền nhất định, để làm cơ sở cho việc ngân hàng chuyển tiền thanh
toán. Như vậy tại thời điểm thanh toán ngân hàng chưa có đầy đủ chứng từ thanh
toán. Nếu đây là những giao dịch thật thì không có vấn đề gì phải bàn, nhưng
22
nếu đó là thủ thuật của bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền thì là chuyện khác.
Ngân hàng có thể bị cáo buộc là đã tiếp tay cho bọn tội phạm rửa tiền. Có ngân
hàng cẩn thận hơn yêu cầu khách hàng bổ sung tờ khai hải quan và các chứng từ
khác khi hoàn tất việc nhận hàng. Nhưng giao dịch “ma” nhằm mục đích rửa tiền
thì làm gì có hàng để nhận. Do vậy nhà nhập khẩu sẽ không thể bổ sung các
chứng từ theo yêu cầu của ngân hàng. Ngân hàng chỉ còn biết rút kinh nghiệm
lần sau sẽ không chấp nhận chuyển tiền cho nhà nhập khẩu này nữa.
Lợi dụng bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Nhà xuất khẩu A (trong nước) ký
hợp đồng xuất khẩu “ma” với nhà nhập khẩu B (nước ngoài), trong đó quy định
nhà xuất khẩu A phải cung cấp cho nhà nhập khẩu B một bảo lãnh ngân hàng trị
giá 10% giá trị hợp đồng để đảm bảo cho việc giao hàng. Nhà xuất khẩu A ký
qũy 100% để ngân hàng phát hành bảo lãnh. Khi đến hạn giao hàng nhà xuất
khẩu A cố tình không giao hàng và để cho ngân hàng phải thanh toán cho nhà
nhập khẩu B tiền phạt không thực hiện hợp đồng. Như vậy, tiền được chuyển ra
nước ngoài, với bề ngoài có vẻ hợp pháp. Trong trường hợp ngân hàng quan tâm
đến tổn thất của khách hàng thì được nhà xuất khẩu A trả lời rằng: “mặc dù phải
thanh toán tiền phạt không thực hiện hợp đồng nhưng trong thương vụ này công
ty vẫn có lãi vì đã ký hợp đồng với nhà nhập khẩu khác với giá cao hơn nhiều”.
Lý giải này có vẻ xóa tan nghi ngờ của ngân hàng.
Lợi dụng bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước: nhà nhập khẩu B (trong nước)
ký hợp đồng nhập khẩu “ma” với nhà xuất khẩu A (nước ngoài), trong đó quy
định nhà nhập khẩu B phải trả trước 20% trị giá hợp đồng khi nhận được bảo
lãnh hoàn trả tiền ứng trước do ngân hàng của nhà xuất khẩu A phát hành. Khi
nhận được bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, nhà nhập khẩu B xuất trình thư bảo
lãnh và đề nghị ngân hàng của mình thực hiện chuyển tiền cho nhà xuất khẩu A
bằng vốn tự có của mình. Tất nhiên nhà nhập khẩu B chẳng bao giờ yêu cầu
ngân hàng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước mặc dù nhà xuất khẩu A
không thực hiện các cam kết theo hợp đồng.
23
Bên cạnh rửa tiền thông qua các giao dịch “ma”, bọn tội phạm còn thực
hiện rửa tiền thông qua những giao dịch có thật, nhưng thủ thuật tinh vi hơn, đó
là hạ giá hoặc nâng giá hàng hóa. Khoản chênh lệch giữa giá thực tế và giá nhập
khẩu chính là khoản tiền phi pháp mà bọn tội phạm muốn tẩy rửa. Sau vụ 11/9,
Mỹ nghi ngờ mạng lưới Al Qaeda có thể đã sử dụng thủ thuật nâng giá xuất khẩu
mật ong để chuyển tiền giữa Mỹ và Trung Đông. Phân tích của hai giáo sư Đại
học quốc tế Florida cho thấy giá xuất khẩu mật ong đến Các Tiểu Vương Quốc
Ả Rập, Cô-oét, Ả Rập xê-út, Yemen cao hơn giá xuất khẩu mật ong đến các
nước khác đáng kể. Bộ Ngân khố Mỹ đã ra lệnh cho các ngân hàng phong tỏa tài
khoản của ba Công ty bán mật ong cho Yemen, vì nghi ngờ các Công ty này có
thể là một bộ phận của mạng lưới Al Qaeda.
1.3. Hệ thống ngân hàng và phương thức phòng, chống rửa tiền qua hệ
thống ngân hàng.
1.3.1. Hệ thống ngân hàng.
Tại hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng được
chia thành hai cấp: cấp 1 là ngân hàng trung ương, cấp 2 là ngân hàng trung gian.
Ngân hàng trung ương
Ngân hàng trung ương là một định chế quản lý nhà nước về tiền tệ tín
dụng, nó nằm trong bộ máy quyền lực quốc gia. Hiện nay, các nước trên thế giới
dù lớn hay nhỏ đều có ngân hàng trung ương, nó có thể được xây dựng ngay sau
khi hình thành quốc gia, hoặc có thể có nguồn gốc từ các ngân hàng thương mại
tư nhân được quốc hữu hóa [
6
]
Với tư cách là một bộ máy của Chính phủ, ngân hàng trung ương có nhiệm
vụ và quyền hạn như một cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà
6
TS.Lê Vinh Danh (1997), Chính sách tiền tệ và sự điều tiết vĩ mô của ngân hàng trung ương ở các nước tư bản phát
triển, tr 46
24
nước trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Nhiệm vụ cụ thể khi thực hiện chức năng
này bao gồm: (i) Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã
hội của nhà nước; (ii) Xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; (iii) Xây dựng các dự án luật, pháp
lệnh và các dự án khác về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo sự phân công của
chính phủ; (iv) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng và trình các
cơ quan nhà nước có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và
hoạt động ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra các văn bản quy phạm
pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; (v) Xây dựng chính sách tiền tệ quốc
gia trong từng thời kỳ trình chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện; (vi) Chủ
động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, các biện pháp khác để thực hiện
chính sách tiền tệ quốc gia; (vii) Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động
của các tổ chức tín dụng; (viii) Thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý các vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp
luật; (ix) Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế
hoạch phòng, chống rửa tiền và tổ chức thực hiện; (x) Quản lý ngoại hối và hoạt
động ngoại hối; (xi) Đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về tiền tệ và
hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật; (xii) Tổ chức thực hiện hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và thực hiện các nhiệm vụ
quyền hạn khác theo quy định pháp luật của từng quốc gia.
Với tư cách là ngân hàng trung ương, cơ quan này thực hiện các chức
năng có tính chất nghiệp vụ như : (i) Phát hành tiền và điều tiết lưu thông tiền tệ;
(ii) Thực hiện chức năng ngân hàng của các ngân hàng; (iii) Thực hiện chức
năng ngân hàng của chính phủ.
Ngân hàng trung gian.
Thuật ngữ “ngân hàng trung gian” dùng để ám chỉ nhiều loại ngân hàng.
Tùy theo mỗi quốc gia, các loại ngân hàng này có thể có những tên gọi khác
nhau, nhưng nhìn chung hệ thống ngân hàng trung gian gồm có: ngân hàng
25
thương mại, ngân hàng đầu tư và phát triển, ngân hàng đặc biệt, các định chế tài
chính trung gian phi ngân hàng khác.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, ngân hàng trung gian thực hiện các
chức năng cơ bản như sau:
Thứ nhất là trung gian tín dụng, vì ngân hàng là cầu nối giữa khách hàng
gửi tiền và vay tiền, ngân hàng chuyển hóa những khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm,
tài sản tạm thời chưa sử dụng của một số chủ thể kinh tế này đến tay chủ thể
kinh tế khác đang cần tiền để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng. Với chức năng
trung gian tín dụng, ngân hàng trung gian là một thiết chế kinh doanh chuyên
nghiệp, giúp cho cung cầu tín dụng trong nền kinh tế có thể dễ dàng gặp nhau.
Thứ hai là là trung gian thanh toán. Theo chức năng này, ngân hàng trung
gian thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như trích tiền từ tài
khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập vào tài
khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và các khoản thu khác theo lệnh
của họ. Để thực hiện tốt chức năng này, ngân hàng cung cấp cho khách hàng
nhiều phương tiện thanh toán tiện lợi như: séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ
rút tiền, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn
cho mình phương thức thanh toán phù hợp.
Thứ ba là trung gian giữa ngân hàng trung ương và nền kinh tế. Thông
qua ngân hàng trung gian, tiền mặt từ ngân hàng trung ương cung ứng ra lưu
thông và việc điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương sẽ tác động
trực tiếp đến nền kinh tế. Cũng thông qua ngân hàng trung gian, tình hình về nhu
cầu tiền, tổng cung tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, gian lận thương mại, đặc biệt là việc
lợi dụng hệ thống ngân hàng để tiến hành rửa tiền được phản hồi về ngân hàng
trung ương.
1.3.2. Phương thức phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng.
Với những tác hại to lớn của việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để tiến