Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Việt Nam trong vòng xoáy thương mại Mỹ Trung

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (92.3 KB, 9 trang )

Việt Nam trong vòng xoáy thương mại Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang với quy mô và
phạm vi mở rộng nên mức độ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới cũng tăng lên. Mặc
dù, Việt Nam không phải là “tâm bão” nhưng chịu tác động nhiều chiều đến
thương mại, đầu tư và thị trường tài chính - tiền tệ. Trong phạm vi bài viết này
tác giả chỉ xem xét, đánh giá những tác động chủ yếu đến Việt Nam. Cụ thể là:
Diễn biến cuộc chiến thương mại
Từ ngày 24/9/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bước sang giai
đoạn II, khi biện pháp áp thuế lần thứ hai của Mỹ đã nâng tổng giá trị hàng hóa nhập
khẩu từ Trung Quốc bị tăng thuế lên 250 tỷ USD và Trung Quốc trả đũa bằng cách áp
thuế lên 110 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Các đòn phản công tức thì của Trung Quốc cho thấy, căng thẳng giữa hai nước bắt
nguồn từ vấn đề vĩ mô bao trùm, từ kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu. Cuộc chiến
thương mại chỉ là bề nổi của vấn đề, có thể mở đầu cho thời kỳ chiến tranh lạnh kéo
dài. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không thể chấp nhận yêu sách của Mỹ cũng là
điều dễ hiểu, và 4 cuộc đàm phán vừa qua vì thế đều thất bại, cuộc đàm thứ 5 bị hủy
bỏ.
Một số chuyên gia cho rằng, mức thuế hiện nay mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung
Quốc sẽ không tàn phá được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do quốc gia châu Á này
đang giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định áp thuế lên
toàn bộ trên 500 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế suất 25% từ
đầu năm 2019 và có thể lên tới 44% trong thời gian sau đó, đà tăng GDP tại Trung
Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, nhất là trong bối cảnh hệ thống tài chính tại quốc gia này
đang có nhiều vấn đề.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kinh tế Trung Quốc lao đao ngay khi chưa
xảy ra cuộc chiến thương mại. Theo dữ liệu của Công ty dữ liệu kinh tế toàn cầu
(CEIC Data Company. Ltd) và được đăng tải trên kênh truyền hình CNN, đầu tư phát
triển hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng GDP vẫn là mô hình kinh tế của Trung Quốc
trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ tính riêng tháng 12/2017, đầu tư đóng góp 44% GDP
danh nghĩa của quốc gia này, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10-25% tại các nước phát
triển như Mỹ, Nhật Bản, CHLB Đức. Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại leo


thang, Chính phủ Trung Quốc sẽ khó dùng chi tiêu công để thúc đẩy đầu tư, do nợ nần
ngày càng tăng cao. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng có mức nợ tương đối ổn
định cho đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Năm đó, Trung Quốc đã
dùng số nợ tương đương 12,5% GDP để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tình
huống khó khăn, nhất là khi thế giới bước vào khủng hoảng, Trung Quốc thường mở
rộng cho vay để thúc đẩy xuất khẩu. Nhờ đó, Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao trong nhiều thập kỷ liên tiếp. Năm 2016, các ngân hàng thương
mại Trung Quốc cho vay kỷ lục 12.650 tỷ CNY (1.880 tỷ USD).
1


Sự bùng nổ tín dụng này đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính. Vì vậy, năm
2017, giới chức Trung Quốc cam kết sẽ kiềm chế nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ của Trung
Quốc đã tăng nhanh từ mức 160% GDP trong thập niên trước lên trên 300% GDP
trong vài năm qua. Theo đánh giá của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, bất
chấp yêu cầu của Chính phủ là phải cắt giảm đòn bẩy, chính quyền địa phương tại
Trung Quốc tiếp tục gia tăng nợ bất hợp pháp trong năm nay để bù đắp ảnh hưởng của
cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong trường hợp chiến tranh thương mại kéo dài, Trung Quốc có vẻ sẽ lại dùng
đầu tư để thúc đẩy kinh tế lần nữa, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hệ thống ngân
hàng trong nước, mặc dù nợ nần tăng cao.
Ngày 23/7/2018, Chính phủ nước này quyết định triển khai kế hoạch cung cấp một
gói chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng dưới dạng trái phiếu đặc biệt
trị giá 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (gần 200 tỷ USD) cho chính quyền địa phương các
cấp để giúp nền kinh tế đối phó với “một môi trường bên ngoài đầy bất ổn.” Cũng
trong ngày 23/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) tiếp tục tung ra 502 tỷ
CNY (73,9 tỷ USD) để bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng lớn, sau khi cắt giảm
tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hàng loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ khác. Chưa hết, ngày
07/10/2018, PBC tuyên bố sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 1% từ ngày 15/10/2018 để
giảm chi phí tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, tỷ lệ dự trữ là 15,5% đối

với ngân hàng lớn và 13,5% đối với ngân hàng nhỏ. Đây là đợt cắt giảm thứ 4 trong
năm 2018, góp phần giải phóng thêm 750 tỷ CNY (109,2 tỷ USD) để các ngân hàng
thương mại mở rộng tín dụng và hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại
với Mỹ. Liên quan đến động thái này của PBC, Thời báo Toàn cầu đã đăng tải thông
điệp của Chính phủ là, Trung Quốc phải tiến hành các biện pháp kích thích mạnh mẽ
để hỗ trợ tăng trưởng.
Động thái chính sách của Trung Quốc đã phát tín hiệu về xu hướng chuyển dịch
chính sách từ ưu tiên cắt giảm nợ nần sang hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại, trong
khi gánh nặng nợ nần tại Trung Quốc đang tăng cao, cả nợ công và nợ doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, Trung Quốc dường như đang áp dụng chính sách làm cho các
doanh nghiệp nhà nước lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Kỳ vọng về “phao cứu sinh” này,
nhiều doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng thấp đã từ bỏ kế hoạch để trả nợ.
Với dân số trên 1,3 tỷ người, nền kinh tế này vẫn chủ yếu dựa vào tiết kiệm để đầu
tư sản xuất hàng xuất khẩu và cho vay lấy lãi. Nguồn tiết kiệm “vô tận” này là một
trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn
để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, tốc độ phát triển thanh
toán không dùng tiền mặt cũng phần nào có tác dụng quản lý chi tiêu dùng và ổn định
giá cả thị trường.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang nỗ lực cải thiện năng suất lao động thông qua tự
động hóa và robot. Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số đang tác động tiêu cực đến
Trung Quốc, nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ đầu tư sang tiêu dùng
khó trở thành hiện thực tại quốc gia có truyền thống tiết kiệm hàng đầu thế giới này.
2


Theo kết quả khảo sát gần đây của Bloomberg, căng thẳng thương mại được dự
báo sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mất 0,2% trong năm nay và 0,3%
trong năm 2019. GDP tại Trung Quốc được dự báo chỉ tăng 6,3% trong năm nay, thấp
hơn so với kết quả tăng 6,6% trong năm trước.
Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ khắc phục được những khó khăn bắt nguồn

từ cuộc chiến thương mại, điều này thể hiện qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á
năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong cả hai trường
hợp, sau những trục trặc ban đầu, kinh tế Trung Quốc tiếp tục mở rộng, trong khi
nhiều nước khác tiếp tục gặp khó khăn. Tương tự như vậy, chiến tranh thương mại
hiện tại có thể cuối cùng làm cho đất nước đông dân nhất thế giới mạnh mẽ hơn, do
tạo được động lực đẩy mạnh việc tái cơ cấu và tái cân bằng kinh tế theo hướng giảm
phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư và công nghệ của nước ngoài, nhất là Mỹ.
Theo quan điểm của nhận định này, nếu Mỹ tham gia vào một cuộc chiến tranh
thương mại kéo dài với Trung Quốc, nước Mỹ có thể sẽ hứng chịu tổn thất nhiều hơn
Trung Quốc. Khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm vì các công ty Mỹ bị suy giảm thu
nhập, và công dân của họ băn khoăn về việc trả giá cao hơn, sẽ có sự cân bằng quyền
lực tốt hơn, và sau đó Trung Quốc sẽ đàm phán nghiêm túc. Đây là thực tiễn đã ăn sâu
trong văn hóa và truyền thống Trung Quốc, và nó đang được tái hiện lại một lần nữa.
Liên quan đến đối sách chiến lược này, Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu chính
phủ Mỹ xuống 1.165 tỷ USD, ghi nhận ba tháng cắt giảm liên tiếp. Động thái này
phản ánh nỗ lực ngăn chặn CNY suy yếu trong bối cảnh căng thẳng thương mại,
nhưng cũng cho thấy phản ứng gay gắt của Trung Quốc trong cuộc chiến này.
Ngày 26/9/2018, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định giảm thuế trên 1.500 mặt
hàng nhập khẩu, bắt đầu áp dụng từ ngày 01/11/2018. Biện pháp này được báo chí
Trung Quốc mô tả là sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng trong nước khoảng 60 tỷ CNY
(8,7 tỷ USD).
Ngày 27/9/2018, Business Insider đăng tải nhận định của Edward Alden - thành
viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở tại New York, động thái ngày
26/9 cho thấy, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đấu với Mỹ và đã trù liệu một cuộc
chiến thương mại trường kỳ, và quốc gia này đang cố gắng xoắn kết các điều kiện
kinh tế lại với nhau nhằm làm chủ “thế trận”.
Về cơ bản, việc Trung Quốc cắt giảm thuế đối với những hàng hóa không phải của
Mỹ sẽ đóng vai trò như một van xả cho một số áp lực từ cuộc chiến thương mại. Các
doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ không thấy giá hàng hóa tăng cao,
và như vậy sức ép từ người dân lên Chính phủ phải đạt thỏa thuận với Mỹ sẽ giảm

bớt. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm thuế của Trung Quốc sẽ càng khiến các nhà sản
xuất Mỹ gặp khó khăn, vì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ từ bỏ hàng hóa Mỹ và quay
sang hàng hóa rẻ tiền hơn từ những quốc gia khác. Business Insider cũng dẫn nhận
3


định của Scott Kennedy - chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu
chiến lược và quốc tế, điều này nghĩa là lợi ích từ việc cắt giảm thuế sẽ rơi vào tay các
công ty không phải của Mỹ.
Chuyên gia Edward Alden cho rằng, giảm thuế nhập khẩu là bước đi mới trong
chiến lược lâu dài của Trung Quốc, dành cho các đối thủ cạnh tranh lợi nhuận của Mỹ
và điều đó giúp Trung Quốc tạo được thiện chí ở những nơi khác. Qua đó, Bắc Kinh
có thể gia tăng sự ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới, và dứt bỏ sự phụ thuộc kinh tế
khỏi Mỹ.
Tác động đến Việt Nam
Trong phiên giao dịch ngày 10/9/2018, các thị trường chứng khoán Trung Quốc
giảm về mức điểm chỉ cao hơn khoảng 15 điểm so với mức đáy thiết lập vào năm
2016, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố là sẽ đánh thuế lên 200 tỷ hàng hóa
nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải composite có lúc giảm
xuống 2.678,9 điểm, gần chạm đáy 2.655,66 điểm vào tháng 01/2016.
Ngày 17/9/2018, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, khi Chính
quyền của Tổng thống Doanld Trump chính thức áp đặt mức thuế mới lên khoảng 200
tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 24/9/2018. Chỉ số Thượng
Hải composite giảm 29,85 điểm (1,11%) xuống 2.651,79 điểm, xuyên thủng mức đáy
2.655,66 điểm vào ngày 28/01/2016.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 11/10 tiếp tục lao dốc, khi thị trường
chứng khoán toàn cầu bước vào đợt điều chỉnh giảm sâu. Trong đó, chỉ số Thượng
Hải composite giảm 142,38 điểm (5,27%) xuống 2.583,46 điểm, xuyên thủng đáy
2.655,66 điểm vào ngày 28/01/2016 tới gần 80 điểm; chỉ số Hang seng tại Hồng Kông
giảm 3,54% xuống 25.266,37 điểm. Trong đợt điều chỉnh này, thị trường chứng khoán

Việt Nam cũng giảm mạnh với chỉ số Vn-index và Hnx-index ngày 11/10 lần lượt
đóng cửa ở mức 945,89 điểm và 107,18 điểm.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải ngày 18/10/2018 tiếp tục
giảm xuống 2.486 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014, thấp hơn 50% so với
mức đỉnh 5.166 điểm vào năm 2015.
Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ một số diễn biến trong tuần lễ 01-05/10 đã đẩy
quan hệ giữa hai nước xuống cấp độ thấp hơn, sau khi Mỹ phát hiện Trung Quốc đã
cài chip gián điệp vào hệ thống máy tính và điện thoại của Mỹ, tuyên bố cứng rắn của
Phó Tổng thống Mỹ về cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc cũng như những đối
sách của Trung Quốc như tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế.
Các phiên bán tháo liên tiếp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến thị
trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc
chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
4


Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ
và Trung Quốc đang trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu
tư chứng khoán Trung Quốc, tiếp đến là xu hướng mất giá của CNY, xói mòn nỗ lực
của Chính phủ Trung Quốc trong việc đưa thị trường chứng khoán trở thành một kênh
huy động vốn ổn định cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời tác động tiêu cực đến
việc quốc tế hóa CNY.
Trong tuần lễ (từ 23-27/7), CNY có lúc đã giảm xuống 6,8349 CNY/USD. Đây là
ngưỡng tỷ giá sẽ buộc PBC phải sớm can thiệp để tránh CNY rơi xuống tỷ giá 7,00
CNY/USD. Sau khi Mỹ áp thuế vòng hai lên 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung
Quốc, CNY tiếp tục trượt dốc và ngày 09/10 đã lập đáy mới 6,930 CNY/USD, khi tỷ
giá tham chiếu do PBC công bố giảm xuống 6,9019 CNY/USD, và các nhà đầu tư
tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đến cuối tháng 10/2018, tỷ
giá tham chiếu tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 6,94 CNY/USD, mức thấp nhất kể
từ tháng 01/2017.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
là một yếu tố phía sau sự mạnh lên của USD và sự suy yếu của CNY. Ngoài ra, CNY
mất giá còn do những yếu kém nội tại của Trung Quốc, bao gồm sự sụt giảm mạnh
của thị trường chứng khoán trong nước. Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có
thể để CNY giảm giá xuống dưới 7,0 CNY/USD vào cuối năm nay hoặc trong năm
2019, và PBC đang nỗ lực tiến hành các biện pháp để kiểm soát tình hình, tránh để
CNY giảm quá nhanh. Trong bối cảnh GDP giảm tốc, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng
chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, và kết quả sẽ là CNY tiếp tục giảm sâu.
Xu hướng mất giá của CNY và thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm đã
khiến các nhà đầu tư phải thận trọng. Đáng chú ý là, áp lực giảm trên thị trường bất
động sản có nguy cơ sẽ tăng lên, khả năng tháo chạy các dòng vốn lớn ngày càng hiện
hữu, mặc dù giá bất động sản vẫn ở mức cao. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn tin
rằng, với nguồn dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD và tiếp tục tăng, các nhà chức trách
vẫn có đủ khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, tỷ giá sụt giảm và
những chao đảo trên thị trường chứng khoán đang tác động tiêu cực đến nguồn dự trữ
quan trọng này. Sau khi tăng lên 3,82 nghìn tỷ USD trong tháng 7/2018, dự trữ ngoại
hối của Trung Quốc giảm trong tháng 8 xuống 3,11 nghìn tỷ USD.
Mặc dù, Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp để kiềm chế tỷ giá ở mức an toàn,
nhưng đà trượt giá của CNY đang gây rủi ro cho hầu hết các nước láng giềng, đứng
đầu là Việt Nam do các mối quan hệ thương mại và đầu tư khá chặt chẽ với Trung
Quốc. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác đầu tư - thương mại hàng đầu của Việt Nam và
Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của mối quan hệ này để tránh né các đòn trừng phạt
của Mỹ.
Cùng với đà tăng giá USD, tỷ giá VND đã thiết lập mức cao mới. Ngày
25/10/2018, tỷ giá tại BIDV niêm yết ở mức 23.300 VND/USD và bán ra ở mức
5


23.390 VND/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại
tăng khoảng 2,84%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 25/10 là 22.721

VND/USD, tăng hơn 1,32% so với đầu năm. Trong khoảng thời gian này, CNY mất
giá sâu hơn so với VND. Tại BIDV, giá CNY mua vào niêm yết ở mức 3,321
VND/CNY, thấp hơn nhiều so với đầu năm nay 3,451 VND/CNY.
Từ đầu năm nay, USD phục hồi đã khiến CNY và VND mất giá cùng với hầu hết
những đồng tiền mới nổi khác trên thế giới. Tuy nhiên, CNY trượt giá khá sâu so với
VND phản ánh thực tế là, VND đang tăng giá so với CNY, đẩy Việt Nam vào vòng
xoáy rủi ro do hàng hóa rẻ hơn của Trung Quốc sẽ tràn vào, có thể xói mòn cán cân
vãng lai, vốn còn khá mong manh hiện nay. Chưa hết, để né tránh cuộc chiến thương
mại, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường chuyển dịch các cơ sở sản xuất
sang Việt Nam. Điều này cảnh báo, Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thất do căng thẳng
thương mại leo thang, do VND vẫn phụ thuộc phần nào vào các động thái can thiệp
tiền tệ của PBC. Ngoài ra, tình hình trên sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính
sách tiền tệ, gia tăng sức ép ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và vay – trả nợ
nước ngoài.
Do mối quan hệ thương mại - đầu tư khá chặt chẽ, động thái của Trung Quốc về
giảm thuế trên 1.500 mặt hàng nhập khẩu sẽ có tác dụng chia sẻ khó khăn cho các
doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu, nhất là nguyên liệu thô từ
Việt Nam. Đến lượt nó, doanh thu xuất khẩu tăng cũng khuyến khích các doanh
nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.
Ngày 22/10/2018, Bloomberg dẫn báo cáo của chuyên gia Kim Eng đến từ
Maybank cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thu hút thêm nhiều công
ty đến mở nhà máy ở Đông Nam Á để né tránh hàng rào thuế quan. Trong 9 tháng đầu
năm 2018, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến - chế tạo tại Việt Nam trong tăng
19% so với cùng kỳ năm trước, nhờ những dự án đầu tư lớn như nhà máy sản xuất
polypropylene trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn Hàn Quốc Hyosung. Theo một cuộc
khảo sát thực hiện trong thời gian từ 29/8-5/9, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty
Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết, đã hoặc đang cân nhắc việc chuyển sản
xuất sang một quốc gia khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, chắc chắn là các nước Đông Nam Á không thể “miễn nhiễm” khỏi
những tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại, trước hết là tác động đến tốc độ

tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Ngày 26/9/2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo
GDP tại Việt Nam năm 2018 xuống mức tăng 6,9%, giảm 0,2% so với dự báo trước
đó, một phần là do mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Động thái hạ dự
báo GDP là sự kiện bất lợi cho Việt Nam, do Việt Nam có nền kinh tế mở lệ thuộc
nặng nề vào xuất khẩu, trong khi Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn
nhất của Việt Nam. ADB cũng điều chỉnh nâng dự báo lạm phát tại Việt Nam trong
năm nay lên 4% (tăng 0,3% so với mức dự báo 3,7% trước đó), và tăng lên 4,5% vào
6


năm 2019 (tăng 0,5% so với dự báo trước đó). Nguyên nhân cơ bản là do giá dầu tăng
cao, và rủi ro đối với VND bắt nguồn từ những biến động của USD cũng như CNY.
Tại Việt Nam, xu hướng mất giá CNY sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất
nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam xuất
khẩu sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô như dầu thô, xi măng, than đá
và nhiều loại khoáng sản quan trọng khác. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm
qua, khi hầu như toàn bộ nguyên liệu thô được xuất sang thị trường này với giá cả
được cho là rất rẻ mạt.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đầu
năm 2018 đạt 179,47 tỷ USD, tăng 24,44 tỷ USD (15,8%) so với cùng kỳ năm 2017;
kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 173,14 tỷ USD, tăng 18,0 tỷ USD (11,6%) so với
cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 28,81 tỷ USD, tăng
29,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Mỹ đạt 35,0 tỷ USD, tăng 13,1%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 47,26 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến xuất nhập khẩu có dấu hiệu điều chỉnh tích cực (tăng cường xuất khẩu
vào Trung Quốc đồng thời hạn chế nhập khẩu từ thị trường này, xuất khẩu vào thị
trường Mỹ tăng thấp hơn so với nhập khẩu khẩu từ thị trường này), phản ánh động
thái thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam, do CNY có thể bất ngờ giảm sâu.
Trên thực tế, phần lớn hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, hoàn

thiện một vài khâu cuối cùng của quá trình sản xuất với giá trị gia tăng rất thấp, nhất
là đóng gói sản phẩm. Vì thế, hoạt động tạm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để
tiếp tục xuất khẩu sang những thị trường khác đang tiềm ẩn rủi ro thua lỗ trầm trọng.
Điều đáng lo ngại hiện nay là thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn ở mức cao,
thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi
xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nhìn chung là khó khăn (ngoại trừ khoáng
sản và các mặt hàng nguyên liệu thô).
Trong tháng 8/2018, xuất khẩu xi măng và clinker sang Trung Quốc lên đến 44,2
triệu USD, tăng 53% so với tháng trước, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang
Trung Quốc lên 203 triệu USD. Về mặt hàng này, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn
thứ 2 của Việt Nam với 25,6% thị phần, nhưng giá xuất khẩu rất thấp (35 USD/tấn,
trong khi giá xuất khẩu trung bình là 37,2 USD/tấn).
Về xuất khẩu cao su, hàng năm Trung Quốc tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su
thiên nhiên của Việt Nam, vượt xa các thị trường tiêu thụ khác. Từ đầu năm đến hết
ngày 15/9/2018, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 954.784 tấn, trị giá 1,32 tỷ
USD; tăng 7,3% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tương tự, xuất khẩu than đá, bôxít và nhiều loại khoáng sản khác cũng gây nhức
nhối dư luận, do lượng tăng nhưng giá trị đạt thấp, mà Trung Quốc vẫn là thị trường
tiêu thụ chủ yếu với giá xuất khẩu được coi là quá thấp.
Xuất khẩu khoáng sản tăng mạnh về lượng, nhưng kim ngạch rất thấp do giá xuất
khẩu rẻ mạt. Nếu diễn biến này tiếp tục kéo dài, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vụ
7


kiện tự vệ và chống bán phá giá của các nước, trong khi đó môi trường tự nhiên bị tàn
phá, ô nhiễm và tốn thêm nhiều chi phí để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, v.v.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam có thể bị tổn thương trầm trọng, nếu Mỹ
đánh giá lại chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) dành cho các nước đối tác, đây là chương
trình được khởi xướng từ tháng 10/2017, và đợt đánh giá đầu tiên sẽ nhắm vào 25
quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 16

quốc gia trên thế giới có thặng dư thương mại cao so với Mỹ. Trong ngắn hạn, Việt
Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, do Mỹ sẽ tăng cường
nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu
tiếp tục để hàng hóa Trung Quốc ồ ạt tràn vào và gắn nhãn mác Việt Nam để xuất
khẩu sang Mỹ thì Việt Nam không thể tránh khỏi các đòn trừng phạt thích đáng của
Mỹ.
Về hoạt động đầu tư, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trước năm 2010
khá khiêm tốn, nhưng sau đó bắt đầu tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân hàng năm
lên tới 18%, nhanh chóng vươn lên top 10 quốc gia và hiện đang đứng thứ 4 trong
nhóm các nước có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.
Theo dữ liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2018,
Việt Nam thu hút gần 19,7 tỷ USD vốn FDI, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu
tư FDI vào Việt Nam. Nếu tính theo số dự án, Trung Quốc xếp thứ 3, chỉ sau Nhật
Bản và Hàn Quốc.
Xu hướng gia tăng dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam phản ánh quan
điểm chiến lược của Chính phủ Trung Quốc là khuyến khích và mở rộng đầu tư ra
nước ngoài, bù đắp cho những khó khăn bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong chiến lược này, Việt Nam được coi là điểm đến quan trọng hàng đầu. Ngoài ra,
các doanh nghiệp Mỹ và các nước sẽ chuyển dịch dự án đầu tư và sản xuất ra khỏi
Trung Quốc để tránh tác động bất lợi của hàng rào thuế quan. Điều này sẽ có lợi cho
Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ thua lỗ hàng của hàng loạt dự án cũng như việc đưa
công nghệ lạc hậu vào Việt Nam khi làm ăn với Trung Quốc trong quá khứ được coi
là bài học đắt giá, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi nhận vốn đầu
tư từ Trung Quốc, nhằm tránh những hậu họa và tai tiếng về sau.
Đối với NHNN, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường trong và ngoài
nước, nhất là về giá cả và thị trường ngoại hối, kịp thời có biện pháp ngăn ngừa rủi ro
hệ thống; thận trọng trước những rủi ro mới, bao gồm công nghệ tài chính và an ninh
mạng. Các ngân hàng thương mại cần thực hiện tốt các quy định về vốn, thanh khoản,
giảm dần hệ số đòn bẩy, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tiền tệ

và ngoại hối. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài và tình
8


hình kinh tế có vẻ ngày càng xấu đi tại Trung Quốc, các biện pháp kiềm chế tỷ giá
VND so với USD ở mức nào đó có thể sẽ giúp ổn định thị trường, nhưng quan trọng
hơn là phải có cách thức quản lý ngoại hối và chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp
trong một thế giới đang có quá nhiều biến động.
Nguồn: ADB, Bloomberg, Bộ Công Thương, Busines Insider, CNBC, CNN,
Centralbank News, Cục Đầu tư nước ngoài, Financial Times, Marketwatch,
Reuters, WS. Journal

9



×