Tải bản đầy đủ (.pdf) (63 trang)

Không gian thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết giã biệt bóng tối của tạ duy anh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (836.67 KB, 63 trang )

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------

BÙI THỊ NGOÃN

KHÔNG GIAN-THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT GIÃ BIỆT BÓNG TỐI
CỦA TẠ DUY ANH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP


2

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây kết quả khóa luận này là sự nỗ lực nghiên cứu, tìm
tòi của bản thân, dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo: ThS Phạm Thị Thu
Hương. Tôi xin bảo đảm về tính trung thực của lời cam đoan trên.
Đà Nẵng, tháng 05 năm 2012
Tác giả

Bùi Thị Ngoãn


3

LỜI CẢM ƠN
Đầu tiên tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của cô giáo:
ThS. Phạm Thị Thu Hương – người đã luôn bên cạnh đóng góp, sửa chữa


những thiếu sót, khuyết điểm mà tôi mắc phải và đề ra hướng giải quyết tốt
nhất giúp tôi hoàn thành khóa luận một cách thuận lợi.
Xin bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn
trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã tận tụy truyền dạy kiến thức cho tôi
trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng lời cảm ơn chân thành và sâu sắc, tôi xin gửi đến gia đình,
bạn bè đã giúp đỡ, động viên tôi trong suốt thời gian vừa qua.

Bùi Thị Ngoãn


4

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trong thế giới khách quan, mọi vật thể đều chiếm lĩnh một không
gian cho riêng mình, đều vận động trong một thời gian nhất định. Nhiệm vụ
của văn học là phản ánh thế giới khách quan, vì vậy nó luôn mang trong mình
cả hai yếu tố không gian và thời gian của thế giới khách quan ấy. Trong tác
phẩm văn học, không - thời gian luôn gắn bó với nhau và đóng vai trò quan
trọng trong cấu trúc tác phẩm. Thời gian là yếu tố xác định sự có mặt của
nhân vật, không gian là nơi nhân vật tồn tại. Cũng thông qua đó nhà văn thể
hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Chính vì vậy khi tìm hiểu một tác phẩm nghệ
thuật, chúng ta không thể không tìm hiểu không - thời gian và cách xử lý
không - thời gian của nhà văn ấy.
1.2. Trong số những nhà văn tạo nên tên tuổi của mình trong nền văn học
Việt Nam sau 1975, Tạ Duy Anh được coi là một cây bút mới mẻ. Luôn xem
hoạt động sáng tạo nghệ thuật là công việc cao cả, với ông nghệ thuật không
phải là tháp ngà để nhà văn chạy trốn vào đó phát ngôn tùy tiện, buông thả,
mà đằng sau những câu chữ ấy là không ít dư vị chua cay. Với mục đích

hướng con người đến một thế giới tốt đẹp hơn, ông không ngần ngại phơi bày
lên trang giấy những thói hư tật xấu, những lừa lọc giả dối, những đê tiện của


5

cuộc đời. Với một thái độ tỉnh táo, lạnh lùng; ông sẵn sàng xát muối vào lòng
người đọc chứ không hề vuốt ve, ca tụng họ. Do đó hầu hết các sáng tác của
Tạ Duy Anh, từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, đã trở thành những sự kiện,
hiện tượng văn học đáng chú ý trong đời sống văn chương.
1.3. Giã biệt bóng tối là tiểu thuyết thứ năm của Tạ Duy Anh. Tác phẩm
ngay từ khi ra đời đã nhận được sự bình phẩm rộng rãi của dư luận, được xem
là “bản ca tụng về lòng khoan dung và tha thứ”. Tuy dung lượng không lớn
nhưng tiểu thuyết lại chứa đựng những vấn đề mà cả thời đại quan tâm, đó là
sự xuống cấp về nhân phẩm, sự tha hóa về nhân cách con người. So với
những cuốn tiểu thuyết trước đây thì trong Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh đã
tìm được cho mình một lối thể hiện mới với sự hòa trộn giữa hiện đại và dân
gian, giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả đã góp phần tạo nên giá trị thành công
của tác phẩm.
Chính vì vậy, người viết đã chọn thực hiện đề tài Không gian-thời gian
nghệ thuật trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh; với mong
muốn khám phá một trong những yếu tố thuộc hệ thống thi pháp đã góp phần
làm nên thế giới nghệ thuật độc đáo, riêng biệt mang phong cách, cá tính sáng
tạo của nhà văn.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
2.1.Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của đề tài này là hai phương diện quan trọng của thi pháp tiểu
thuyết, đó là không gian và thời gian nghệ thuật.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Để hoàn thành đề tài này chúng tôi tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Giã

biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, (Nxb Hội nhà văn, 2008).
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3.1. Về tác giả Tạ Duy Anh


6

Là người chuyên tâm với nghiệp văn của mình, trong hai mươi năm
cầm bút, Tạ Duy Anh đã xuất bản hàng chục tập truyện ngắn, tản văn, truyện
thiếu nhi. Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn, Tạ Duy Anh còn tiếp
tục khẳng định mình trong lĩnh vực tiểu thuyết. Những tiểu thuyết của ông
mỗi khi xuất bản ít hay nhiều đều tạo được dư luận và gây được sự chú ý của
độc giả, đặc biệt là của giới báo chí.
Năm 2006, nhà xuất bản Hội nhà văn khi tái bản cuốn tiểu thuyết Thiên
thần sám hối đã thêm vào cuối sách phần phụ lục Đối thoại văn chương, tập
hợp những bài viết, phỏng vấn của Tạ Duy Anh trên báo chí trong nước.
Chẳng hạn như báo Thể thao & Văn hóa số 47 năm 2004 đã gọi Tạ
Duy Anh là “nhà văn của đạo đức. Văn chương ông có lúc hiện lên bằng
gương mặt thế sự, đau đáu riết róng chuyện thánh thiện, tàn ác, liêm sỉ và vô
lương…nhưng không phải như những khái niệm truyền bảo chết khô, mà
thông qua sự cảm nhận đau đớn về số phận” [3, tr.132].
Hay báo Pháp luật số 140 năm 2004 đã nhận xét: “Tạ Duy Anh là tác
giả của những tác phẩm luôn làm bạn đọc giật mình bởi những vấn đề gai góc
của xã hội hiện đại. Ông cũng là tác giả tâm huyết, trăn trở với số phận con
người nhất là khi họ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân cách” [3, tr. 243].
Ngoài ra người đọc còn tiếp xúc và hiểu hơn về Tạ Duy Anh trong các
bài phỏng vấn trên internet như Tạ Duy Anh giữa lằn thiện ác, Nhà văn Tạ
Duy Anh không từ bỏ gốc gác quê nhà, Tôi là người không dễ khuất
phục…
Bên cạnh đó, hiện nay Tạ Duy Anh cũng bắt đầu được giới nghiên cứu

chú ý. Thể hiện ở chỗ hiện nay có khá nhiều những đề tài luận văn, luận án đã
chọn sáng tác của Tạ Duy Anh làm đối tượng nghiên cứu như:


7

- Sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại qua ba tác giả Hồ
Anh Thái, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo (Nguyễn Thị Thu Hiền, luận văn thạc
sĩ ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế, 2006).
- Phong cách tiểu thuyết Tạ Duy Anh (Phạm Thị Thu Hương (2010),
luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Huế, 2010).
3.2. Về tiểu thuyết Giã biệt bóng tối
Trước các ý kiến đánh giá khác nhau về các sáng tác của Tạ Duy Anh,
ngày 15/5/2008, phòng Văn học Việt Nam đương đại - Viện Văn học đã tổ
chức tọa đàm Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu thuyết Việt
Nam đương đại. Tất cả những ý kiến đóng góp của các nhà lí luận phê bình
văn học đã được tuyển chọn và đưa vào cuốn Giã biệt bóng tối -Tác phẩm và
lời bình. Hầu hết tất cả các nhà phê bình đều ghi nhận những nỗ lực của Tạ
Duy Anh trong việc đổi mới tiểu thuyết như Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đăng
Điệp, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Thị Bình…
PGS.TS. Bích Thu nhận xét: “Điểm nổi bật của Giã biệt bóng tối là nghệ
thuật trần thuật và đặc biệt gây ấn tượng ở sự tổ chức điểm nhìn. Có rất nhiều
điểm nhìn mà mỗi điểm nhìn nói lên một khía cạnh của cuộc sống, của thế
giới con người. Điểm đáng chú ý thứ hai là ngôn ngữ và giọng điệu. Đó là thứ
ngôn ngữ linh hoạt, ám ảnh, rất thông tục nhưng cũng có nhiều chất thơ với
những triết lý khá sâu sắc” [5, tr.12].
PGS.TS. Tôn Phương Lan cho rằng: “Giã biệt bóng tối là sự tiếp tục
những nỗ lực làm mới mình của tác giả. Với Giã biệt bóng tối, gương mặt Tạ
Duy Anh tiếp tục ghi nhận trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” [5, tr.35].
Trong bài Vài suy nghĩ về sự đổi mới của tiểu thuyết, Hữu Đạt đã đề

cập đến sự quan tâm của Tạ Duy Anh trong việc thay đổi cấu trúc điểm nhìn,
cấu trúc thời gian, không gian nghệ thuật. Kết thúc bài viết tác giả khẳng định
“Đọc Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, có cảm giác, tiểu thuyết Việt Nam


8

hiện đại dường như đang muốn trở mình tìm một lối thoát trước sự quay lưng
dần của bạn đọc” [5, tr.78].
Đỗ Ngọc Thống trong Mấy ý nghĩ khi đọc Giã biệt bóng tối cho rằng
điểm nổi bật vang vọng trong Giã biệt bóng tối là “âm hưởng nhân bản”.
Bên cạnh đó còn có một số ý kiến trái chiều của Nguyễn Hòa, Phùng Gia
Thế. Nhưng nhìn chung tất cả các ý kiến đều khẳng định Giã biệt bóng tối là
cuốn tiểu thuyết thể hiện những nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc đổi mới cách
viết, đổi mới tư duy, góp phần hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay Tạ Duy Anh và các sáng tác của ông
không chỉ nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng mà còn bắt đầu trở
thành đối tượng của các công trình nghiên cứu khoa học. Điều này chứng tỏ
Tạ Duy Anh đang dần khẳng định phong cách và vị trí của mình trong nền
văn học nước nhà.
Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì vẫn chưa có công
trình nào nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về không gian và thời gian nghệ
thuật trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh. Chính vì vậy, trên
cơ sở tiếp thu ý kiến của những người đi trước, chúng tôi đã và đang cố gắng
nghiên cứu vấn đề đó trong phạm vi cho phép của đề tài.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thống kê - phân loại: Thống kê, khảo sát các chi tiết, sự
kiện trong tiểu thuyết, xem các lớp sự kiện này thuộc loại nào. Từ đó phân
loại theo từng mục cụ thể phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài.
- Phương pháp phân tích: Phân tích các dữ kiện trong tác phẩm sau đó

dựa trên cơ sở lý thuyết thi pháp học và tự sự học để chỉ ra nghệ thuật xử lý
không - thời gian nghệ thuật góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.
Ngoài ra trong luận văn này chúng tôi còn sử dụng thêm một số phương
pháp hỗ trợ khác như: Phương pháp so sánh, chứng minh...


9

5. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, khóa luận
gồm ba chương chính:
Chương 1. Tạ Duy Anh và tiểu thuyết Giã biệt bóng tối
Chương 2. Cách tổ chức không-thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết
Giã biệt bóng tối
Chương 3. Hiệu quả của việc tổ chức không-thời gian nghệ thuật trong
tiểu thuyết Giã biệt bóng tối


10

CHƯƠNG I
TẠ DUY ANH VÀ TIỂU THUYẾT GIÃ BIỆT BÓNG TỐI
1.1. Tạ Duy Anh - hành trình từ truyện ngắn đến tiểu thuyết
1.1.1. Một Tạ Duy Anh thành danh từ truyện ngắn
Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn nổi bật của nền văn học Việt
Nam đương đại. Ông sinh ngày 9/9/1959, trong một gia đình nông dân nghèo
tại làng Đồng Trưa, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay
thuộc Hà Nội). Ngay từ khi sinh ra ông đã được thừa hưởng một điều không
ai muốn, ấy là sự thất học. Sống ở một vùng quê hẻo lánh, lớn lên với nỗi ám
ảnh về một lời nguyền “khi nào đá có thể nổi trên mặt nước thì làng mới có

người đỗ đạt, vậy mà cuối cùng số phận đã chọn ông, một kẻ còi cọc, nhút
nhát, đầy bênh tật từ khi ra đời” [3, tr.142], để đương đầu với lời nguyền
khủng khiếp ấy và trở thành tác giả của những tác phẩm luôn làm bạn đọc
phải giật mình suy ngẫm bởi những vấn đề gai góc của xã hội hiện đại.
Ngay từ khi còn là cậu học sinh trường huyện ông đã từng ấp ủ ước
mong trở thành nhà văn nổi tiếng. Tốt nghiệp trường trung cấp thí nghiệm đất
đá rồi làm cán bộ giám sát bê tông các công trình ngầm tại nhà máy thủy điện
Hòa Bình, niềm say mê văn chương trong ông vẫn không hề lụi tắt mà trái lại
càng lớn dần lên. Từ một “truyện ngắn” viết theo đề tài cô giáo cho sẵn của
cậu học sinh lớp 8, đến những năm 80 của thế kỉ XX, ông đã có một số truyện
ngắn đầu tay đăng trên báo Lao động. Bút danh Tạ Duy Anh cũng bắt đầu
hình thành từ những truyện ngắn này. Dù đó chưa phải là những tác phẩm
xuất sắc để có thể đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông,
nhưng tất cả như những hạt cát nhỏ bé xây nên nền móng vững chắc đầu tiên
đưa đến cho ông những thành công sau này.


11

Là nhà văn thuộc thế hệ thứ hai sau đổi mới, cùng với các nhà văn thành
danh trước đó như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn, Bảo
Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái…; Tạ Duy Anh đã dần khẳng định
mình ở thể loại truyện ngắn với những đột phá mới trong nhận thức, trong
quan niệm nghệ thuật và đặc biệt là trong sự đổi mới lối viết. Hầu hết các
truyện ngắn của Tạ Duy Anh đều lấy bối cảnh từ những vùng quê nghèo khắc
khổ, với những con người luôn luôn thù hận lẫn nhau. Đặc biệt là truyện ngắn
Bước qua lời nguyền, với sự tái hiện bức tranh toàn cảnh nông thôn Việt
Nam đầy máu và nước mắt bởi những mối thù truyền kiếp do chính con người
tạo ra. Tác phẩm đã được giáo sư Hoàng Ngọc Hiến dùng để đặt tên cho dòng
văn học “bước qua lời nguyền” trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Sau thành công của Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh tiếp tục khẳng
định mình ở thể loại truyện ngắn với việc cho ra đời hàng loạt các tác phẩm
có giá trị như: Truyền thuyết viết lại (1991), Luân hồi (1994), Ánh sáng
nàng (1996), Người khác (2000), Ngày hội cuối cùng (2000), Bố cục hoàn
hảo (2004)…Ngoài ra ông còn viết tản văn và truyện ngắn cho thiếu nhi.
Bằng lối viết hiện thực phê phán, nhà văn đã can đảm nhìn lại quá khứ
đau đớn của mình, của một thế hệ lớn lên trong hai lớp hận thù là hận thù
dòng họ và hận thù giai cấp. Truyện ngắn của ông thường đặt ra những câu
hỏi về quá khứ nông thôn Việt Nam thời cải cách ruộng đất. “Nó không cho
rằng cải cách ruộng đất là một sai lầm, một “thủ đoạn chính trị”, mà sâu sắc
hơn, nó xoáy vào sự đổ vỡ của nhân tính khi con người bị đẩy vào tình thế
buộc phải lựa chọn. Bi kịch của người nông dân Việt Nam là ở đấy, trong thế
giới u minh của mình” [5, tr. 57]. Tuy nhiên, kết thúc mỗi tác phẩm, bằng ánh
sáng của tình yêu, nhân vật đã tìm được cho mình một nguồn sáng: “ngày mai
sẽ tạnh ráo bởi đêm nay những thiên thần đang ào ạt lao xuống. Nàng đã cho
tôi một giấc mơ kì lạ. Tôi thấy nàng bồng lão Mị xuống trần, đỏ hỏn. Tôi thấy


12

cha tôi bồng mẹ tôi trong tiếng cười giòn tan của bà nội. Chúng tôi rồng rắn
đi về phía bên kia tiếng hú. Sau lưng chúng tôi là ác mộng, là những cơn mưa
trước phút luân hồi” [1, tr. 143].
1.1.2. Tạ Duy Anh và những thử nghiệm táo bạo cùng thể loại tiểu thuyết
Khi nhà văn có được một tác phẩm nổi tiếng, họ thường quay về nhấm
nháp niềm vinh quang và ngủ quên trên đỉnh cao ấy. Sớm thành danh trên văn
đàn từ những năm 90 với thể loại truyện ngắn và công lao mở đầu dòng văn
học bước qua lời nguyền nhưng Tạ Duy Anh không dừng lại. Trong những
năm gần đây, nguời đọc lại bắt gặp một Ta Duy Anh đang thể nghiệm mình ở
thể loại tiểu thuyết. Và ở thể loại này, Tạ Duy Anh cũng dần dần định hình

được phong cách cho mình.
Trong quá trình sáng tác, Tạ Duy Anh “thường không chọn cách thể hiện
của lối viết tiểu thuyết truyền thống mà trăn trở đi tìm một lối thể hiện mới [5,
tr.71], trong đó dường như ông cố tình lồng ghép các hình tượng vào nhau để
tô đậm dòng ý tưởng cách tân, điều này được thể hện rõ nhất trong năm cuốn
tiểu thuyết của ông.
Khúc dạo đầu (1991) lấy bối cảnh từ công trường thủy điện sông Đà để
làm nổi bật lên những mâu thuẫn giữa tiền tài và quyền lực, thế hệ cũ và giới
trí thức mới, sự bội bạc và tình yêu trong sáng, thánh thiện. Tiểu thuyết
“mang phẩm tính của loại tiểu thuyết lãng mạn, nó lấy bối cảnh đời thường
bụi bặm để làm bật lên cái lãng mạn, diễm kiều giữa mảnh đất hiện thực trần
trụi. Đó hoàn toàn là sản phẩm của một cái tôi nghệ sĩ trẻ trung, hăm hở và
không thiếu tài năng” [5, tr.53].
Không còn là sự liền mạch của câu chuyện như kiểu kết cấu cổ điển, Tạ
Duy Anh đã thể hiện một kiểu tư duy khác, một lối viết tiểu thuyết khác trong
tiểu thuyết thứ hai - Lão Khổ. Nhân vật chính của tiểu thuyết là lão Khổ, có
xuất thân bần cố nông, mang nặng mối tư thù của dòng họ bị giai cấp địa chủ


13

bóc lột, hành hạ. Rồi khi cờ đã đến tay, lên đến đỉnh cao quyền lực, lão bắt
đầu trả thù những người trước đây đã hành hạ mình. Đi hết kiếp của cuộc đời
với một hành trình tội ác và trừng phạt nhưng cuối cùng lão tay trắng vẫn
hoàn tay trắng. Nhân vật lão Khổ là đại diện cho cái khổ có thể nhìn thấy
được từ bên ngoài của con người. Về mặt hình thức, tiểu thuyết Lão Khổ là sự
lắp ghép từ các phiến đoạn khác nhau, là nhiều “truyện ngắn” trong một “tiểu
thuyết” [5, tr. 55]. Tác phẩm được dựng lên bởi một chuyện chính yếu thay
cho lời mở đầu dài 9 trang viết về những suy tư, trải nghiệm mà lão Khổ rút
ra được từ chính cuộc đời của mình, và nhiều chuyện ngoài rìa với dung

lượng 201 trang, là sự điều tra để tìm ra những khổ đau của con người, những
nguyên nhân đưa đến thù hận dòng họ đã giết chết biết bao thế hệ. Với ý
muốn đào sâu các chuyện vụn vặt, muốn nhân vật mình là những con người
“đời thường” chứ không phải những “anh hùng”, Tạ Duy Anh đã bắt đầu có
sự tiếp nhận lý thuyết phương Tây đưa vào tiểu thuyết Lão Khổ.
Sau gần 10 năm lăn lộn khá vất vả, Tạ Duy Anh đã làm xôn xao dư
luận với tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (1999). Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật
nhà báo Chu Quý và quá trình điều tra của anh về vụ việc một đứa bé đánh
giày bị đâm chết dã man ở phố G. Từ điểm tựa đó, tiểu thuyết mở rộng dần ra
với câu chuyện của nhiều nhân vật khác như tiến sĩ N, nhà văn Trần Bân,
Thảo Miên… và cuối cùng khép lại với sự hoang mang của các nhân vật trong
khát vọng tìm một lối thoát, để ra khỏi cái mê cung của phần vực tối trong
tâm hồn con người. Cuốn tiểu thuyết đã rung lên tiếng chuông cảnh báo về sự
phi lý của cuộc sống khi xã hội chỉ còn lại những bản sao, có những điểm y
hệt nhau, ngay cả các chỉ số kích thước cũng hầu như trùng khít, khi cá nhân
bị đánh đồng, không thể nào cảm thông và thấu hiểu nhau, khi họ không có
đủ tự tin để trả lời câu hỏi mình là ai, mình có phải là mình nữa không. Đi tìm
nhân vật là một tiểu thuyết phức tạp bởi tính đa âm của tác phẩm. Thành công


14

của Tạ Duy Anh trong tiểu thuyết này không chỉ thể hiện ở việc đặt ra một
vấn đề nhân sinh mang tầm phổ quát mà còn ở nỗ lực đổi mới ngòi bút.
"Người đọc có thể thấy được những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện sinh, của thủ
pháp dòng ý thức và có chương xuất hiện lời thoại kiểu kịch phi lý. Nhưng cái
thế giới nghệ thuật được tạo lập từ những thành tố vừa độc lập vừa xen cài
của cuộc đời các nhân vật trong sự hướng đến một chủ đề chung thì là của
riêng Tạ Duy Anh” [5, tr.62].
Vào thời điểm mở đầu thế kỉ XXI, Tạ Duy Anh góp thêm cho nền văn

học Việt Nam cuốn tiểu thuyết Thiên thần sám hối (2004). Tác phẩm là “câu
chuyện của một đứa trẻ còn trong bụng mẹ” [5, tr.6] kể về bảy mươi hai giờ
trước khi chào đời. Trong thời gian ngắn ngủi đó nó đã nghe được rất nhiều
câu chuyện có vui, có buồn, có cả đắng cay ghê tởm. Đó là chuyện một người
đàn bà nông dân đồng ý cho ngâm cồn bốn đứa con chưa thành người để lấy
bốn triệu đồng, là câu chuyện một cô gái bị một gã sở khanh lừa nên có bầu
và đã vào bệnh viện trút con ra như một nghiệp chướng, chuyện những y tá
trong bệnh viện ăn hối lộ của bệnh nhân ra sao… Những chuyện đau lòng ấy
khiến đứa trẻ đâm ra hoài nghi, hoang mang và nảy sinh mong muốn quay trở
lại thế giới của những thiên thần. Nhưng cuối cùng, nhờ tình yêu thương vô
bờ cùng niềm trông đợi kiên định của người mẹ mà nó cảm nhận được: “con
có thể nguyền rủa cái thế giới còn đầy tội ác bất công này nhưng cuộc sống là
ân sủng lớn nhất thì không thể dừng lại” [5, tr.118], đứa bé đã quyết định ra
đời. Tiếp tục chịu ảnh hưởng của văn học phi lý phương Tây, tiểu thuyết đặt
ra vấn đề về mối quan hệ giữa khoái lạc và trách nhiệm với kết quả của những
giây phút khoái lạc, Tạ Duy Anh đã bày ra trước mắt người đọc một thế giới
hiện thực nghiệt ngã và phi lý. Tuy nhiên, điểm khác biệt của tiểu thuyết này
chính là ở việc lựa chọn đối tượng phản ánh và thái độ của tác giả đối với
hiện thực. Với giọng điệu khách quan và lạnh lùng, tác phẩm đã gieo vào lòng


15

người đọc một nỗi buồn mênh mang về kiếp người mà cái kết thúc có hậu
cũng không xoa dịu nổi.
Sau một thời gian dài tiếp nhận văn học phương Tây, Tạ Duy Anh ý
thức được sự cần thiết phải có một lối viết thực sự của mình. Từ đó ông đã cố
gắng đổi mới tư duy tiểu thuyết, đổi mới cách nhìn thế giới và con người.
Điều này được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối (2008). Tiểu
thuyết kể về cuộc đời của một thằng bé lang thang, không người thân thích

phải tự mình bươn chải để kiếm sống, nhưng đi đến đâu cũng gặp phải sự tráo
trở của lòng người. Qua tác phẩm, hiện thực xã hội Việt Nam hiện lên với đủ
mọi hạng người tốt xấu trắng đen lẫn lộn, mang lại cảm giác mãnh liệt về sự
tha hóa đang len lỏi vào từng con người. Điều này chúng tôi sẽ trình bày kĩ
hơn ở những phần sau.
Từ Khúc dạo đầu cho đến Đi tìm nhân vật, tài năng của Tạ Duy Anh
rõ ràng đã được khẳng định ở thể loại tiểu thuyết. Đó là kết quả của cả một
hành trình tiếp nhận văn học phương Tây để tìm lối viết thích hợp. Từ dấu ấn
lãng mạn trong Khúc dạo đầu qua hiện thực phi lý trong Thiên thần sám hối,
từ lối viết mang màu sắc cổ điển trong Đi tìm nhân vật đến lối viết hiện đại ở
Giã biệt bóng tối; Tạ Duy Anh đã thể hiện rõ nét sự cách tân táo bạo cùng
những thể nghiệm của mình ở lĩnh vực tiểu thuyết.
1.1.3. Quan niệm nghệ thuật Tạ Duy Anh
Không chỉ mang đến cho độc giả những tác phẩm văn chương có giá
trị, Tạ Duy Anh còn thẳng thắn bày tỏ quan niệm sáng tác của mình thông qua
những lần đối thoại văn chương nhân dư luận xung quanh tiểu thuyết Thiên
thần sám hối, qua các lần trả lời phỏng vấn trên báo Thể thao & Văn hóa,
báo Pháp luật, báo Giáo dục & Thời đại, qua lần nói chuyện với Lê Thiếu
Nhơn trong bài Lê Thiếu Nhơn hỏi chuyện Tạ Duy Anh xung quanh việc
tiểu thuyết Giã biệt bóng tối được xuất bản.


16

Với Tạ Duy Anh, một tác phẩm tiểu thuyết đích thực không phải là tác
phẩm hướng đến những điều cao xa, huyền ảo và thơ mộng mà phải đi vào
khám phá các căn bệnh của xã hội; từ những gian trá, đớn hèn, vật dục, tàn ác
đến những bí ẩn về sự tồn tại của con người và nhân thế. Nhờ vậy, văn
chương mới có khả năng làm nổi lên gương mặt thế sự đau đáu, riết róng
chuyện thánh thiện, tàn ác, liêm sỉ và vô lương, để rồi qua đó con người nhận

ra được thực trạng xã hội, tìm cách thoát khỏi nó nhằm vươn tới những điều
công bằng, lương thiện. Chính vì vậy, các sáng tác của Tạ Duy Anh mặc dù
nhìn hiện thực một cách lý trí, lạnh lùng nhưng cũng tràn đầy niềm cảm thông
thương xót con người.
Nhưng muốn tác phẩm làm được những điều đó, theo Tạ Duy Anh, nhà
văn phải là người có niềm đam mê nghề nghiệp, phải vật lộn khá vất vả, trước
hết để vượt qua thói tự mãn bởi “văn đàn của ta giống như cái ổ rơm mời gọi
và dường như luôn sẵn sàng mở cửa để nhà văn đến yên nghỉ, nhấm nháp chút
vinh quang còm cõi” [3, tr.161]. Nhà văn phải có đủ bản lĩnh “quay lưng lại
miếng mồi danh vọng, tiền tài” để theo đuổi những điều mình thích. Là người
“dám đi theo những thứ có sẵn bên ngoài” để chấp nhận sự hắt hủi hoặc “dám
xông vào những vùng cấm kị” [3, tr.188-189], ông cho rằng “viết văn, ở một
khía cạnh nào đấy, cũng như người leo dây. Vừa phải dò dẫm từng bước theo
lối tập đi cổ điển, vừa phải tạo ra những cú tung mình mạo hiểm…Chẳng thể
định rõ cho mình theo lối “lên kế hoạch” lúc nào cần tạo ra sự đột biến” [3,
tr.160]. Trong quá trình sáng tác ông không bao giờ cho phép mình ngồi vào
bàn viết mà thiếu nghiêm túc, thiếu tỉnh táo. Dù là bài báo hay tác phẩm nghệ
thuật ông cũng đều chú ý từng chữ một, bởi bất cứ sự buông thả nào đều phải
trả giá. Để tác phẩm đến được với công chúng một cách hoàn chỉnh nhất, ông
thường giành thời gian để chỉnh sửa gấp 5-7 lần thời gian viết ra nó.


17

Trong nghề văn của mình, những bậc đại thụ mà ông chịu ảnh hưởng là
Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Dostoievski… Bởi theo ông, “họ dám và có đủ
tài để sáng tác trong cô độc, không cần được đương thời chiếu cố và đều chọn
khổ đau thay vì hạnh phúc. Họ dám đi con đường mà người khác từ chối, trả
giá cho những phát hiện bằng cả cuộc đời mình…” [3, tr.140].
Đồng ý với tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao rằng “văn chương

không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho.
Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi
những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” [6, tr.341], Tạ Duy
Anh luôn viết với sự tìm tòi nỗ lực không ngừng để tự làm mới mình. Theo
ông, “mỗi tác phẩm đã được sinh ra vĩnh viễn đem theo chiếc áo chỉ mình nó
mặc vừa. Muốn tạo ra tác phẩm, khác, phải có chiếc áo dành riêng cho nó” [3,
tr.164]. Một cuốn tiểu thuyết hiện đại là tác phẩm “mời người đọc đối thoại
với nó. Thay vì cảm giác đang nghe kể lại một câu chuyện (độc giả thường là
đối tượng theo dõi một cách thụ động) là cảm giác câu chuyện đó của chính
mình cần một sự sáng tạo thứ hai trước khi có được những phát ngôn chân lý.
Tiểu thuyết hiện đại ít tìm kiếm sự khẳng định về mặt thể loại hơn là cách
trình bày vấn đề, ít tuân thủ những nguyên tắc kết cấu, nhân vật, bố cục…và
vì thế nó tự do hơn” [3, tr.164].
Chỉ có thể tạo ra tác phẩm có giá trị khi nhà văn sống hết mình với tác
phẩm, biết trăn trở với hiện thực, với những nỗi đau của thân phận con người.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà văn trong việc kiến giải những
vấn đề xã hội. Ông từng nói: “Tôi không phải là nhà chính trị để có thể và cần
phải đưa ra những giải pháp cụ thể. Nhưng có một giải pháp chính trị nào
tuyên bố có thể thay đổi số phận con người thì đấy chính là lúc cần vai trò của
nhà văn với tư cách một người cảnh báo sớm về những thảm họa không thể
thay đổi từ sự thay đổi đó” [3, tr.151]. Không thích dạy dỗ, xoa đầu người


18

khác mà nhà văn chỉ âm thầm, lặng lẽ bằng các tác phẩm của mình nói lên sự
phô diễn của các biến cố khủng khiếp, những bóng ma tinh thần cứ ngày một
đè bẹp con người, khiến họ bị dị dạng, tha hóa về nhân cách và phẩm giá. Và
rồi cũng bằng những tác phẩm ấy, nhà văn hướng con người đến những cái
nhìn mới mẻ, tươi sáng hơn, đến một cuộc sống khác đầy nhân văn, nhân bản.

Có thể nói, Tạ Duy Anh là một nhà văn có những quan niệm nhân sinh,
quan niệm văn chương khác lạ và tiến bộ so với kinh nghiệm văn chương
truyền thống.
1.2. Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối - “bản ca tụng về lòng khoan dung và
tha thứ”
Là tác giả của những tác phẩm gây xôn xao dư luận như Đi tìm nhân vật,
Thiên thần sám hối, đến đầu tháng 3-2008, Tạ Duy Anh lại tiếp tục mang
đến cho độc giả những cảm xúc mới trong cuốn tiểu thuyết thứ năm Giã biệt
bóng tối.
Cùng nằm trong số những tác phẩm viết về vấn đề thiện ác, nhưng nếu ở
Thiên thần sám hối con người vì lòng vị kỉ, vì những ham muốn dục vọng
tầm thường đã tàn ác với chính thế hệ tương lai của mình, thì Giã biệt bóng
tối lại kể về cuộc đời của một cậu bé đánh giày lang thang phải đối mặt với sự
tráo trở, nhẫn tâm của lòng người.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là thằng bé Thượng - một đứa trẻ ngay
từ khi sinh ra đã không biết mặt mẹ, lang thang theo bà ngoại đi quét thóc vãi,
khi bà mất phải làm đủ nghề để kiếm sống. Cả cái thành phố rộng lớn, sang
trọng nhưng chất chứa biết bao cạm bẫy bủa vây thằng bé. Rồi số phận đưa nó
trôi dạt đến ngôi miếu hoang của làng Thổ Ô. Ở đây, trong một lần lên cơn
sốt, mê man bất tỉnh nó đã gặp “kẻ ẩn mình trong bóng tối” [4, tr.67], vốn là
hồn ma của một lão ăn mày đã chết mà trong lòng còn mang đầy thù hận, đã
nằm ở dưới mồ nhưng vẫn ngày đêm tìm cách trả thù cuộc sống. Lão gặp


19

thằng bé lang thang và ban cho thằng bé điều ước “hễ kẻ nào hại mày, lập tức
nó bị chết bất đắc kì tử” [4, tr.79]. Từ đó mỗi khi thằng Thượng bị kẻ nào ức
hiếp, dù chỉ là những lời nguyền rủa thoáng qua trong đầu thì lập tức kẻ đó
chết bất đắc kì tử. Trong một lần tình cờ biết được mình là nguyên nhân gây

ra những cái chết của người dân trong làng, thằng Thượng vô cùng ân hận, nó
quyết tâm chống lại lời ước ma quỷ mà lão già ban cho bằng cách âm thầm
chịu đựng những lời mắng mỏ, những sự đánh đập dã man của người khác.
Cuối cùng Thằng Thượng đã chiến thắng tất cả bằng lòng tha thứ và đức
khoan dung: “tôi nhớ là mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng
tối đang lụi tàn. Tôi biết chắc như vậy không phải nhờ tiếng con gà nào đó sẽ
cất cao tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu
mặt. Ông ta và đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống
chỉ còn lại lòng tha thứ , khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt
chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến…Tôi đã chờ cái ngày này. Tôi chụm
tay lại, hướng về phía mặt trời hét lên một tiếng thay cho lời giã biệt bóng tối”
[4, tr.257].
Điều làm nên giá trị của Giã biệt bóng tối khác với những tác phẩm
trước đây của Tạ Duy Anh, là ngoài việc phê phán những vấn đề bức xúc của
xã hội, tác phẩm còn làm nổi bật lên vẻ đẹp của tình người. Đó là khi chị
điếm “có vẻ hốt hoảng, lia mắt ra bốn phía xung quanh” để tìm thằng bé lang
thang [4, tr.53]. Chính thằng bé lang thang đã đánh thức trong chị cảm giác
của tình mẫu tử: “nhìn vào cặp mắt nó người tôi muốn nhũn ra. Đó là ánh mắt
của kẻ sắp tắt hết mọi hy vọng…Có thể từ trong sâu xa tôi đã từng ao ước có
một đứa con trai như nó” [4, tr.229-230], làm bùng lên trong chị niềm khát
khao về một cuộc sống khác. Chị chấp nhận đi cải tạo để có một cuộc sống
lương thiện và trong sạch hơn, sau biết bao năm bôn ba với cuộc đời chị đã
biết nghĩ về cuộc sống tương lai. Còn đối với thằng bé lang thang, cuộc gặp


20

gỡ với cô gái điếm cũng giúp nó có thêm động lực để vượt qua những sự hành
hạ đáng sợ của bọn nghiện ngập và tránh xa cạm bẫy của lão Vua chuột.
Tuy vẫn chưa thoát khỏi tính chất luận đề “lời nguyền - tội ác” và có

phần lặp lại lối viết, lối kể chuyện ở các tiểu thuyết trước; Giã biệt bóng tối
vẫn cho thấy rõ nỗ lực đổi mới của Tạ Duy Anh trong việc chuyển hướng
không gian, từ không gian làng quê đến không gian thành thị, từ không gian
thực đến không gian ảo nhằm bao quát một cách toàn diện hiện thực cuộc
sống, cùng sự phát triển về kỹ thuật thời gian.
Chính vì vậy, trong khóa luận này, chúng tôi tập trung vào mặt kỹ thuật
tiểu thuyết, ở những điều Tạ Duy Anh đã làm được về mặt không gian và thời
gian, để thấy được sự tìm tòi đổi mới của nhà văn nhằm đem lại những đóng
góp tích cực cho nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại.


21

CHƯƠNG II
CÁCH TỔ CHỨC KHÔNG - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT GIÃ BIỆT BÓNG TỐI
2.1. Tổ chức thời gian trần thuật trong tiểu thuyết
2.1.1. Các lớp thời gian trong tiểu thuyết
Dưới quan điểm tự sự học, G.Genette đã định nghĩa thời gian như sau:
Thời gian nghệ thuật là một chuỗi thời gian kép, có thời gian của cái được kể
lại và thời gian của truyện kể, tức là thời gian của cái được biểu đạt và thời
gian của cái biểu đạt. Như vậy thời gian nghệ thuật của tác phẩm được cấu
thành từ hai lớp: lớp thời gian trần thuật và lớp thời gian được trần thuật. Thời
gian trần thuật chính là thời gian của truyện kể, thời gian được trần thuật là
thời gian của cốt truyện, của câu chuyện.
Trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh đã tổ chức những kiểu
thời gian khác nhau: thời gian sự kiện gắn với cuộc đời của các nhân vật và
thời gian tâm tưởng.
2.1.1.1. Thời gian sự kiện riêng tư của các nhân vật
Thời gian sự kiện trong Giã biệt bóng tối chủ yếu được nhà văn xây

dựng và thể hiện gắn với cuộc đời của các nhân vật, trải dài từ thành thị cho
đến làng Thổ Ô nhỏ bé. Đó là quỹ thời gian xảy ra nhiều sự kiện lớn làm thay
đổi cuộc đời của các nhân vật.
Trước hết đó là thời gian cuộc đời nhân vật Thượng - một thằng bé lang
thang, không nhà cửa, ở với bà ngoại đến năm mười hai tuổi thì phải tự mình
bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống. Sống trong cái xã hội mà “có kiếm
được bao nhiêu đi nữa thì cũng đừng mong ngóc nổi đầu lên ở cái thành phố
thối tha này chỉ nhờ những đồng tiền lẻ” [4, tr.30], với đủ các hạng người từ
gã làm nghề xe ôm, mấy mụ cave đến đám trí thức “luôn luôn tưởng mình là


22

tầng lớp tinh hoa của xã hội” [4, tr.40], những kẻ vừa kiêu ngạo vừa hèn mạt,
số phận của thằng bé lang thang luôn luôn biến động, không ngừng quay
cuồng trong cái xã hội ấy. Đi đến đâu nó cũng phải đối mặt với sự tráo trở của
lòng người. Một bà lớn sang trọng lừa nó đi bán ma túy, một tên chủ quán bia
bóc lột sức lao động còn ăn quỵt tiền lương và đẩy nó ra đường khi đèn
đường đã bật sáng, một đám nghiện hút hành hạ nó bằng những mũi dao sắc
lẻm trong khi lên cơn nghiện…Thành phố là cả một cạm bẫy lớn rình rập
thằng bé.
Lưu lạc đến làng Thổ Ô tình cảnh của nó cũng chẳng khá hơn là mấy.
Lấy ngôi miếu từ lâu không còn ai hương khói làm nơi tá túc, “ngày ngày nó
vào làng chờ xem có ai gọi, thỏa thuận công xá rồi từ đấy chả ai trông thấy nó
đâu cho đến khi nhập nhoạng tối mới thấy trong miếu leo lét ngọn đèn dầu”
[4, tr.92]. Thời gian đầu nó đẩy xe cho lão Tung nhưng vô tình đánh rơi chùm
chìa khóa của lão vào sọt phân, nó đã bị lão hất cả muỗng phân vào người.
Sau đó nó lại bị San chó bắt dọn hết chuồng phân ở góc vườn. Rồi mụ Hường,
lão Thìn cũng lần lượt hành hạ thằng bé. Sống ở làng Thổ Ô niềm vui duy
nhất của nó để quên đi nỗi cô độc là ngày ngày, sau khi nhập thêm những

đồng tiền lẻ kiếm được, nó lại moi cả gói tiền lên, giở ra đếm dù biết rằng có
đếm hàng ngàn lần thì cũng chỉ có bằng ấy. Đối với thằng bé mồ côi như nó,
những đồng tiền ấy giống như những niềm hy vọng, cần phải được nhìn thấy
hằng ngày. Nhưng rồi cuối cùng niềm vui duy nhất ấy cũng bị lão Định lấy
mất. Nằm trong ngôi miếu nước mắt chảy đầy một khoảnh đất, giờ đây không
có tiền dự trữ nó đâm ra sợ tất cả “từ vết đốt của con muỗi vằn nhiều vô kể
cho đến một con ho lúc nửa đêm” [4, tr.126]. Cũng trong ngôi miếu hoang
này nó đã gặp kẻ ẩn mình trong bóng tối trong những giấc mơ, người đã ban
cho nó điều ước giết người, đẩy nó vào tình cảnh khốn cùng của bóng đêm để
tăng thêm sức mạnh.


23

Khi biết mình là nguyên nhân gây ra những cái chết, nằm trong ngôi
miếu thằng Thượng chỉ muốn “gục xuống ngủ một giấc và không dậy nữa,
chẳng cần biết thêm bất cứ sự gì trên đời” [4, tr.132]. Nó cảm thấy mình sống
thế cũng đủ mệt rồi. Lang thang kiếm ăn, ở chui rúc, ngày ngày bị làm cho sợ
hãi khiến nó trở thành một ông già quá sớm, nó muốn thoát ra khỏi cuộc sống
đó bằng cách nhịn đói để không trở dậy nữa. Nhưng khi biết rằng vẫn có
người lo lắng cho mình, thằng Thượng đã âm thầm chịu đựng sự hành hạ của
gã Bính để không phải thốt lên những tiếng kêu than, không phải tiếp tay cho
lão già.
Tiếp theo tác giả đưa người đọc đến với thời gian sự kiện của cuộc đời
chị điếm, một người sinh ra và lớn lên trong gia đình không có tình thương.
Chỉ có mẹ là thương chị nhưng mẹ có quá nhiều nỗi nhọc nhằn nên cũng đành
bỏ mặc. Khi mẹ mất chị bỏ lên thành phố làm nghề “bán trôn nuôi miệng”,
hoạt động trong các động chứa bí mật phục vụ đủ mọi loại người, trải qua biết
bao thăng trầm, sóng gió cuối cùng phải ra đứng đường hành nghề tự do.
Trong cái đêm khốn khổ vì mất đi vị khách cuối cùng, trong túi không còn

một đồng, chị điếm đã định trút tất cả nỗi oán hận lên đầu thằng Thượng.
Nhưng khi nhìn vào mắt nó, trong giây phút đã khiến chị thèm khát một cuộc
sống khác. Từ đây, hồi ức và tâm sự của nhân vật cứ nhập nhằng lên nhau, có
khi chị vượt qua hiện tại để hướng đến tương lai sau bao nhiêu năm ê chề
nhục nhã: “ước gì nó nhận tôi là mẹ nó, tôi sẽ kiếm một công việc gì đó như
bới rác ngoài bãi thải, bưng bê bô chậu trong bệnh viện, lau dọn nhà vệ sinh ở
bến xe, bến tầu, chăm sóc người bị bệnh hiểm nghèo ở các khu cách ly, vào
làm việc trong trại hủi…” [4, tr.232]. Cách hành xử của chị trong trại phục
hồi nhân phẩm hoàn toàn là để chờ đợi tương lai đó, cao quý đúng như một
con người. Chị cảm thấy những ngày tháng dài lê thê cứ dần trôi qua và tìm


24

thấy niềm thanh thản, khoái lạc trong sự đau khổ, trong sự nhẫn nhục chịu tội
thay, trong sự xả thân.
Cùng nằm trong dòng thời gian sự kiện riêng tư của từng nhân vật, thời
gian của nhân vật Bính cũng được miêu tả rõ nét. Là dân chính cư của làng
Thổ Ô, học hết phổ thông trung học theo bạn bè ra thành phố làm cửu vạn,
chấp nhận làm trai bao cho một bà lớn trên thành phố, vốn là người nghèo
khổ nay bị tiền làm cho mờ mắt, gã “dự định hốt một mẻ đẫy rồi lặn thẳng về
quê, không sủi tăm”. Bị bà chủ phát hiện, vừa run sợ vừa xấu hổ lẫn tiếc nuối,
gã bỏ về quê thực hiện giấc mơ làm thành hoàng của làng bằng việc xây dựng
ngôi nhà đại đồng. Trong giấc mơ hôm đầu tiên về làng gã gặp lão già trong
bóng tối, bị lão điều khiển linh hồn, gã hành hạ thằng bé lang thang bằng
những đòn tra tấn dã man. Nhưng vào giờ phút quyết định nhất, hình ảnh cô
gái điếm với cặp mắt u buồn và tha thứ đã kéo gã ra khỏi khoảng tối đen
ngòm ấy, giúp gã tránh xa khỏi cạm bẫy của lão già để trở về với con người
thực của mình: “Tôi sẽ tìm nàng bằng được bất kể nàng từng có một quá khứ
lầy lội, bất kể giờ đây cơ thể nàng lở loét do bệnh tật phát tác, như vẫn thường

xảy ra với những người làm nghề gái điếm” [4, tr.257].
Mỗi người một cuộc đời, một số phận riêng, một biến cố riêng nhưng ở
họ có một điểm chung là đều bị chà đạp lên nhân phẩm và thể xác, bị nghi
ngờ và xa lánh trong một xã hội vô cảm. Họ đã lựa chọn cách nhẫn nhịn và
chịu đựng để cuối cùng, nhờ cái đẹp của lòng khoan dung họ đã chiến thắng
cạm bẫy mà lão Vua chuột giăng ra.
2.1.1.2. Thời gian tâm tưởng
Thời gian tâm tưởng hay còn gọi là thời gian tâm lý, xuất hiện bên trong
nhân vật, bên trong tâm trạng của người kể chuyện. Đó có thể là dòng hồi ức
triền miên của nhân vật, chứa đầy những tâm trạng vui buồn, những ước mơ
của nhân vật. Thời gian tâm tưởng có vai trò vô cùng to lớn. Nó như một cách


25

thức, một con đường nhận thức và biểu hiện thực tại cũng như tương lai, là
sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai. Nó có thể là dưỡng khí tinh
thần để nâng đỡ tâm hồn, là chỗ bấu víu đáng tin cậy khi con người mất hết
niềm tin trong cuộc đời, khi phải đối mặt với những khó khăn mà chúng ta
tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, là sự an ủi cho hiện tại đau
khổ, bế tắc và cay nghiệt.
Trong Giã biệt bóng tối, thời gian tâm tưởng chiếm một phạm vi không
nhỏ số trang trong toàn bộ tác phẩm. Đây được coi là mảng thời gian sống
động và đặc sắc góp phần thể hiện tâm hồn nhân vật. Tạ Duy Anh đã để cho
nhân vật của mình lên tiếng và để cho thời gian vật lý ngừng trôi. Đó là
những dòng suy nghĩ của thằng Thượng, của cô gái làm tiền hay của gã Bính.
Trong cái hiện tại mà con người sống chỉ biết đến tiền, cuộc đời thằng
Thượng là những chuỗi ngày khổ đau, đi đến đâu nó cũng phải đối mặt với
những tráo trở của lòng người. Xã hội đầy rẫy những cạm bẫy bủa vây lấy
thằng bé, đầy rẫy “bọn ma cô, bọn buôn người, bọn thích tình dục với trẻ em,

bọn hút hít tiêm chích, bọn chủ các xới vàng, bọn đầu gấu đầu trâu, bảo kê
bảo kiệc, bọn bóc lột sức lao động, bọn cướp ngày rồi bày ra trò làm từ thiện
dưới đủ loại danh nghĩa…” [4, tr.75]. Nó cố vùng vẫy để thoát khỏi cái thực
tại ấy nhưng càng chạy trốn thì càng bị bóng đen bao phủ. Những lần như vậy
nó lại đắm mình trong dòng suy nghĩ về những miền đất xa xôi trong những
câu chyện cổ tích mà bà ngoại hay kể: “Nó thấy mình nhẹ bẫng, bay lơ lửng
trên bầu trời giống như một quả bóng bay. Nó bay mãi, bay mãi, qua các miền
đất, chỗ nào cũng hao hao như miền đất bà ngoại thường mô tả trong những
truyện cổ tích bà kể” [4, tr.34].
Cũng trong những lúc đau khổ nhất, thằng Thượng thường hay nghĩ đến
bà và thời gian được sống với bà ngoại: “buổi sáng tôi đến trường...còn bà cắp
thúng và chiếc chổi bằng rễ tre ra đi…buổi tối tôi rúc vào nách bà và thiếp đi


×