Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Nghiên cứu phê bình văn học dân tộc thiểu số của tác giả Lâm Tiến (Luận văn thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (744.75 KB, 113 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

PHẠM THỊ HÒA

NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ
CỦA TÁC GIẢ LÂM TIẾN

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2019


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

PHẠM THỊ HÒA

NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ
CỦA TÁC GIẢ LÂM TIẾN
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Trần Thị Việt Trung

THÁI NGUYÊN - 2019



i

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm
ơn Ban Giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn
học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo
đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập.
Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên
hướng dẫn PGS.TS. Trần Thị Việt Trung đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo
trong suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đã
giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn.
Thái Nguyên, tháng 5 năm 2019
Tác giả luận văn

Phạm Thị Hòa


ii

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận
văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác.
Thái Nguyên, tháng 5 năm 2019
Tác giả luận văn


Phạm Thị Hòa


iii

MỤC LỤC
Trang
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................... i
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................ ii
MỤC LỤC ....................................................................................................... iii
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài. .............................................................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề. ................................................................................................................................... 2
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ......................................................................................... 5
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu. ........................................................ 6
5. Phạm vi nghiên cứu. ...................................................................................... 7
6. Cấu trúc của Luận văn................................................................................... 8
7. Đóng góp của luận văn.................................................................................. 8
CHƯƠNG 1. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH
VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ TÁC GIẢ LÂM TIẾN .................. 9
1.1. Khái quát về Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam và nghiên cứu, phê
bình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại. .................................. 9
1.1.1. Khái quát về Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại............ 9
1.1.2. Vài nét về nghiên cứu, phê bình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam
thời kì hiện đại. ........................................................................................................................ 13
1.2. Vài nét về nhà nhà nghiên cứu phê bình Văn học dân tộc NùngLâm Tiến. ...................................................................................................................................... 20
CHƯƠNG 2. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG CÁC TÁC
PHẨM NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH CỦA LÂM TIẾN. ............................ 30
2.1. Những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lý thuyết, lý luận về văn học

dân tộc thiểu số ........................................................................................................................... 30


iv

2.1.1. Vấn truyền thống và hiện đại trong sáng tác của các nhà văn DTTS thời
kỳ hiện đại. …………………………………………………………………30
2.1.2. Vấn đề về tiếng nói và chữ viết trong sáng tác của các nhà văn
DTTS…………………………………………………………………………43
2.1.3. Vấn đề hiện đại hóa trong sáng tác của các nhà văn DTTS………..48
2.1.4. Vấn đề con đường phát triển của văn học DTTS với từng thể
loại…………………………………………………………………………..51
2.2. Những định hướng phát triển cho văn học dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại. .......................................................................................................................................... 54
CHƯƠNG 3. LÂM TIẾN VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VỀ
VĂN HỌC DTTS VIỆT NAM HIỆN ĐẠI ................................................. 65
3.1. Khắc họa tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của văn học
dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. ............................................................................... 65
3.2. Khắc họa chân dung các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. ...... 85
PHẦN KẾT LUẬN ...................................................................................... 100
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 104


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Muốn nghiên cứu một cách toàn diện về văn học các dân tộc thiểu số
Việt Nam hiện đại thì không thể không nghiên cứu mảng nghiên cứu, lý luận
phê bình của bộ phận văn học này. Bởi nghiên cứu, lý luận, phê bình vừa là

biểu hiện của sự “Tự ý thức” về tiếng nói văn chương của cộng đồng các dân
tộc thiểu số Việt Nam (DTTS), vừa là một thành phần không thể thiếu trong
đời sống văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Nó đóng vai trò người phát ngôn tư
tưởng, người thẩm định, đánh giá và là người góp phần tổ chức, định hướng
cho bộ phận văn học này phát triển một cách mạnh mẽ và đúng hướng.
Nghiên cứu phê bình văn học DTTS đã có một quá trình hình thành và
phát triển từ những năm đầu của thập kỉ 60 (Thế kỷ XX) cho tới nay. Trong
suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động của mình, nghiên cứu phê bình văn học thiểu
số đã có nhiều đóng góp cho sự vận động, phát triển của văn học DTTS Việt
Nam hiện tại. Đã xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học DTTS
chuyên nghiệp (và không chuyên), trong đó có các tên tuổi nổi bật như: Nông
Quốc Chấn, Triều Ân, Vi Hồng, Bùi Nhị Lê, Vương Trung, Lâm Tiến, Hoàng
An, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Inrasara, Hoàng Quảng Uyên, Lộc Bích Kiệm…
Trong số các cây bút nghiên cứu phê bình đó – nổi bật lên là nhà nghiên cứu
phê bình Lâm Tiến, dân tộc Nùng – người được đánh giá là “người cầm cờ lý
luận phê bình văn học dân tộc và miền núi”(Hoàng Quảng Uyên); là nhà
nghiên cứu, phê bình DTTS tiêu biểu, đã luôn “gắn bó và tâm huyết với sự
nghiệp văn học các DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại”(Trần Thị Việt Trung).
Chính vì vậy, nghiên cứu về nhà phê bình Lâm Tiến – chính là đã nghiên cứu
một trường hợp tiêu biểu của đội ngũ các nhà văn DTTS trong lĩnh vực phê
bình văn học.
Với 4 tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học thiểu số - nhà nghiên
cứu phê bình Lâm Tiến đã để lại một “di sản” quý giá cho những ai muốn


2

tìm hiểu, nghiên cứu về văn học DTTS Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên,
nghiên cứu và đánh giá về những đóng góp của ông đối với lĩnh vực nghiên
cứu, phê bình nói riêng, với văn học DTTS nói chung – thì cho tới nay vẫn

còn rất khiêm tốn – nếu như không muốn nói là ít ỏi, chưa xứng tầm với
những đóng góp, những cống hiến của ông. Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa
chọn đề tài: “Nghiên cứu phê bình văn học dân tộc thiểu số của tác giả Lâm
Tiến” để làm đề tài luận văn Thạc sĩ của mình – với hy vọng: góp phần làm
sáng tỏ những đóng góp, những cống hiến của ông trong lĩnh vực nghiên cứu
phê bình văn học DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại.
2. Lịch sử vấn đề.
Lâm Tiến là một nhà giáo – nhà văn DTTS có nhiều cống hiến cho sự
phát triển của thể loại nghiên cứu, phê bình văn học DTTS Việt Nam hiện đại.
Ông sinh năm 1934 tại phố Mịch, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng
Sơn, là người dân tộc Nùng. Nhà văn sống tại Thái Nguyên, từng là chủ
nhiệm bộ môn Lý luận văn học của khoa Ngữ Văn, trường Đại Học sư phạm
Việt Bắc. Năm 1995, cuốn sách nghiên cứu, phê bình: “Văn học các dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại” được xuất bản ngay lập tức đã thu hút được sự
chú ý của bạn đọc và của một số nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam.
Sau đó, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam và tiếp tục xuất bản 3
tập sách nghiên cứu, lý luận phê bình khác cùng hàng loạt bài phê bình lẻ trên
các báo chí. Vì vậy, tên tuổi của ông đã được nhiều người biết đến – với tư
cách là nhà nghiên cứu, phê bình văn học DTTS Việt Nam tiêu biểu.
Cho đến nay các công trình của Lâm Tiến cũng đã trở thành một đối
tượng được quan tâm, nhưng việc nghiên cứu về ông vẫn còn rất khiêm tốn,
chủ yếu là những bài viết nhỏ lẻ tẻ, những bài tiểu luận in trên báo, tạp chí
hoặc được nhắc đến trong những cuốn sách nghiên cứu chung về văn học dân
tộc thiểu số, cũng như về mảng nghiên cứu phê bình của bộ phận văn học đặc
biệt này. Những nghiên cứu đó thực sự chưa xứng tầm với những đóng góp,


3

những giá trị mà ông đem lại cho mảng nghiên cứu phê bình văn học DTTS

nói riêng và bộ phận văn học DTTS Việt Nam nói chung. Tuy vậy, tên tuổi
cũng như các tác phẩm tiêu biểu của ông cũng được một số nhà nghiên cứu,
phê bình nhắc đến, thậm chí là có bài nghiên cứu riêng về tác giả nghiên cứu
phê bình dân tộc Nùng này. Bên cạnh đó cũng đã có một luận văn sau đại học
có viết về ông – như là một trường hợp nhà nghiên cứu, phê bình DTTS tiêu
biểu trong số các nhà nghiên cứu, phê bình DTTS Việt Nam hiện đại.
Theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, đã có 8 bài viết trực tiếp về nhà
nghiên cứu, phê bình Lâm Tiến. Đó là các bài viết của Vũ Nho, Trần Thị Việt
Trung, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Thị Hải Anh, Ma Trường Nguyên, Trần
Tác, Nguyễn Thanh Mai… Hầu hết các bài viết này đều đã có những nhận
xét, đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của nhà nghiên cứu, phê bình
Lâm Tiến.
Trong bài: “Lâm Tiến - nhà lý luận, phê bình gắn bó và tâm huyết với
sự nghiệp văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại” (của nhà
nghiên cứu, phê bình Trần Thị Việt Trung), đã ghi nhận những “phát hiện”
đúng và tinh về các nhà văn DTTS của ông.“Ông phát hiện ra một Nông Viết
Toại với những lời thơ mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày, một
Nông Viết Toại hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ cũng rất am hiểu văn học truyền
thống. Ông cũng phát hiện ra một Dương Thuấn với khát vọng tìm tòi cái xưa
cũ bao nhiêu cũng không đủ, ham, muốn phát hiện cái mới lạ bao nhiêu cũng
không vừa. Ông ghi nhận sự đóng góp của nhà thơ Triệu Lam Châu với cách
viết dễ hiểu, không cầu kỳ, không cường điệu đã làm cho quê hương bản xứ
của mình hiện lên chân thật nhưng cũng đầy hương sắc…” [1, tr. 723]. Cũng
trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra cho người đọc hình dung được những
đóng góp quan trọng của nhà lý luận, phê bình Lâm Tiến trong lĩnh vực
nghiên cứu lý luận, phê bình đối với việc thúc đẩy sự phát triển của văn học
các DTTS Việt Nam hiện đại với những gương mặt nhà văn, với những tác
phẩm tiêu biểu của họ trong đời sống văn học các DTTS thời hiện đại.



4

Tác giả Nguyễn Thị Hải Anh trong bài: “Lâm Tiến - nhà phê bình, lý
luận của dân tộc thiểu số” đã nhấn mạnh: “Là một con người dân tộc thiểu số
nên đối với Lâm Tiến, văn học dân tộc thiểu số không phải chỉ là đối tượng
nghiên cứu phản ánh mà nó còn là tâm huyết máu thịt, là một phần dòng chảy
của ông trong đó. Trò chuyện với nhà văn ông tâm sự: “Trăn trở lớn nhất của
tôi là làm được một điều gì đó thật cụ thể và thiết thực đóng góp cho sự phát
triển của nền văn học các dân tộc thiểu số” [1, tr. 739].
Trong bài: “Nhà văn Lâm Tiến với chuyên nghành văn học các dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại” của Ma Trường Nguyên cũng đã nhấn mạnh
những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học của thầy giáo
Lâm Tiến trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy qua công trình: “Văn học
các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”( Nxb.Văn hóa dân tộc. 1995). Tác
giả đã nêu ra 3 vấn đề chính trong tác phẩm của Lâm Tiến là: Thơ Hoàng Đức
Hậu, Tiếng nói và chữ viết, Truyền thống và hiện đại và đánh giá: Đây chính
là những đóng góp đáng trân trọng của nhà nghiên cứu, phê bình dân tộc
Nùng – Lâm Tiến đối với đời sống văn học các DTTS Việt Nam hiện đại.
Tác giả Trần Tác lại đưa ra những phân tích rất cụ thể về cách phê bình
rất thẳng thắn, mang tính khoa học, khách quan của nhà nghiên cứu, phê bình
Lâm Tiến: Trong bài viết: “Luận bàn về tiểu thuyết Thái Nguyên”. Tác giả
cho rằng Lâm Tiến có cách nhìn khá sâu sắc về nhà văn Vi Hồng: “Theo tôi
cách viết của Vi Hồng vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa dân gian vừa bác
học, vừa truyền thống vừa hiện đại. Nhưng thường là cái lãng mạn lấn át cái
hiện thực, cái dân gian lấn át cái bác học, cái truyền thống lấn át cái hiện
đại” [1, tr. 759].
Đặc biệt nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã đưa ra nhận định hết sức khái
quát trong bài: “Lâm Tiến - người cầm cờ lý luận, phê bình văn học dân tộc
và miền núi”, cụ thể như sau: “… một con người luôn đi ở hàng đầu… đó
đích thị là hình ảnh người cầm cờ! Đúng nhà văn Lâm Tến - “Người cầm



5

cờ”…” [1, tr. 44]. Chỉ với 3 chữ: “Người cầm cờ” thế cũng là đã nhiều về
chân dung nhà văn Lâm Tiến rồi.
Bên cạnh những bài viết trực tiếp về nhà phê bình (như trên) còn có
những nhận định của các nhà văn khác, nhà nghiên cứu khác có nhắc đến nhà
nghiên cứu, phê bình Lâm Tiến – như là một cây bút tiêu biểu của nghiên
cứu, phê bình văn học DTTS như: Hoàng An, Inrasara, Phạm Quang Trung,
Trần Thị Việt Trung, Lộc Bích Kiệm,…
Có thể thấy, đây chính là những nguồn tư liệu hữu ích để chúng tôi có
thể tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu vấn đề. Các tác giả đã chỉ ra được một số
đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của
nhà văn Lâm Tiến đối với mảng nghiên cứu phê bình văn học DTTS nói
riêng, với văn học DTTS nói chung. Tuy nhiên, đó mới chỉ dừng lại ở các bài
viết, bài báo, bài tham luận hội thảo hay chỉ là nêu lên những suy nghĩ về tác
phẩm, tác giả Lâm Tiến , trong các cuốn sách, cho tới nay, vẫn chưa có một
công trình nghiên cứu nào chuyên sâu về tác giả Lâm Tiến – một nhà nghiên
cứu, phê bình văn học DTTS tiêu biểu thời kỳ hiện đại.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài: “Nghiên cứu phê
bình văn học dân tộc thiểu số của tác giả Lâm Tiến” - với hy vọng sẽ dựng
được chân dung văn học về nhà nghiên cứu phê bình dân tộc Nùng - Lâm
Tiến. Qua đó thấy được những đóng góp quan trọng của ông đối với sự vận
động và phát triển của mảng nghiên cứu phê bình văn học DTTS nói riêng,
của văn học DTTS Việt Nam hiện đại nói chung.
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu.
- Nghiên cứu về tác giả Lâm Tiến - nhà nghiên cứu phê bình văn học
DTTS tiêu biểu thời kỳ hiện đại (đặc biệt là giai đoạn từ 1990 cho tới nay) -



6

nhằm chỉ ra những đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực nghiên cứu,
phê bình văn học DTTS.
3.2. Mục tiêu nghiên cứu.
Thực hiện đề tài này, luận văn của chúng tôi cố gắng hướng tới làm rõ
những mục tiêu sau:
- Phác thảo quá trình hình thành, vận động và phát triển của thể loại
nghiên cứu phê bình của văn học DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại; chỉ ra
những đặc điểm nổi bật; những thành tựu bước đầu và những hạn chế của
hoạt động này trong hơn nửa thế kỷ qua.
- Phác họa bức chân dung văn học của nhà nghiên cứu phê bình văn
học DTTS Lâm Tiến (dân tộc Nùng) – qua các công trình nghiên cứu, phê
bình về văn học DTTS của ông.
- Khẳng định được những đóng đáng góp trân trọng của nhà nghiên
cứu, phê bình Lâm Tiến đối với thể loại nghiên cứu phê bình văn học DTTS
nói riêng và với sự nghiệp văn học các DTTS Việt Nam hiện đại nói chung.
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu.
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu.
Đề tài cần phải giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu khái quát về quá trình hình thành và phát triển; phác thảo
diện mạo, đặc điểm của nghiên cứu phê bình văn học DTTS Việt Nam hiện đại
- Phác họa chân dung nhà nghiên cứu, phê bình văn học DTTS Lâm
Tiến cùng các tác phẩm chính của ông; chỉ ra những đặc điểm cơ bản trong
các công trình nghiên cứu của Lâm Tiến (về nội dung, về nghệ thuật, và về
giá trị và ý nghĩa...)
- Khẳng định những đóng góp về mặt lý thuyết lý luận; về mặt thực tiễn
của nhà nghiên cứu phê bình Lâm Tiến đối với sự phát triển của văn học



7

DTTS thời kỳ hiện đại. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế (nếu có) của tác
giả Lâm Tiến trong các công trình nghiên cứu của mình.
4.2. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện được đề tài này, chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm theo đặc trưng thể loại.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp khảo sát, thống kê.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành (văn học với văn hóa học, văn
học với dân tộc học, với lịch sử, với xã hội học).
5. Phạm vi nghiên cứu.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài bao gồm:
- Khảo sát toàn bộ các công trình nghiên cứu của nhà văn Lâm Tiến
bao gồm 4 cuốn sách nghiên cứu, lý luận phê bình: “Văn học các dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại”, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1995), “Về một mảng
văn học dân tộc”,( Nxb. Văn hóa dân tộc, 1999), “Văn học và miền núi”, (
Nxb. Văn hóa dân tộc , 2002), “Tiếp cận văn học dân tộc miền núi” ( Nxb.
Văn hóa thông tin, 2011). Và một số bài viết nhỏ của tác giả in trên các tờ
báo, tạp chí, trong đó đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các vấn đề cơ bản về lý
luận và phê bình văn học dân tộc thiểu số, về diện mạo nền văn học DTTS
Việt Nam hiện đại, về chân dung các nhà văn DTTS Việt Nam.
- Khảo sát một số công trình nghiên cứu về văn hóa học, dân tộc học, lý
luận phê bình để phục vụ phần cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài.
- Đọc tham khảo các tác phẩm của các nhà văn khác để so sánh, đối
chiếu ( ví dụ của Nông Quốc Chấn với các công trình nghiên cứu lú luận:
Đường ta đi (1972), Một vườn hoa hương sắc…)



8

6. Cấu trúc của Luận văn.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo thì nội dung chính
của Luận văn có cấu trúc gồm 3 chương:
6.1. Chương 1: Vài nét khái quát về nghiên cứu phê bình văn học dân tộc
thiểu số và tác giả Lâm Tiến.
6.2. Chương 2: Những vấn đề cơ bản trong các tác phẩm nghiên cứu, phê
bình của Lâm Tiến
6.3. Chương 3: Lâm Tiến với việc nghiên, cứu phê bình về văn học dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại.
7. Đóng góp của luận văn.
- Về mặt khoa học: Nếu đề tài thực hiện thành công thì đây sẽ là công
trình nghiên cứu đầu tiên nghiên cứu một cách khá toàn diện về trường hợp
nhà nghiên cứu phê bình dân tộc Nùng - Lâm Tiến với những tác phẩm cụ
thể của ông.
- Về mặt thực tiễn: Công trình sau khi được hoàn thành sẽ là một tài
liệu tham khảo hữu ích cho những người muốn nghiên cứu về văn học DTTS
nói chung, về phê bình văn học DTTS nói riêng.


9

CHƯƠNG 1
VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC
DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ TÁC GIẢ LÂM TIẾN
1.1. Khái quát về Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam và nghiên cứu, phê
bình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.

1.1.1. Khái quát về Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.
Dân tộc Việt Nam là một khái niệm được hiểu theo nghĩa rộng là dân
tộc - quốc gia, là một cộng đồng chính trị, xã hội bao gồm tất cả 54 dân tộc
anh em, mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng và cùng sinh sống trong
phạm vi lãnh thổ quốc gia Việt Nam thống nhất. Trong sự phát triển chung
của đất nước, khu vực miền núi và cuộc sống của đồng bào DTTS đã và
đang có sự phát triển về mọi mặt trong đó lĩnh vực văn học nghệ thuật và
văn học DTTS trong quá trình hoạt động của mình đã góp phần quan trọng
vào việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc.
Bộ phận văn học các DTTS Việt Nam hiện đại bắt đầu được hình thành
từ những năm sau 1945 đến nay đã có hơn 70 năm vận động và phát triển và
đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, góp phần to lớn vào sự phát triển
chung của nền văn học Việt Nam hiện đại. Cách mạng tháng Tám năm 1945
vĩ đại đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần
của toàn dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật nói chung và văn học các
dân tộc thiểu số nói riêng. Trước hết, cách mạng đã làm sống lại nền văn học
dân gian truyền thống của DTTS với những bộ sử thi các dân tộc Tây
Nguyên, Ê Đê, Ba Na (Trường ca Đam Săn, Xinh Nhã…), kho tàng truyện thơ
của người Thái, người Mường, người Tày (Đẻ đất - đẻ nước, Xống chụ xon
xao, Khảm hải, Nam Kim - Thị Đan, Quảng Tân - Ngọc Lương)…; hay những
bản tình ca với lời lẽ da diết, trữ tình, những bài lượn, bài sli trong trẻo…,
nhiều bài dân ca cùng các kho tàng tục ngữ, thành ngữ của các dân tộc: Tày,


10

Nùng, Dao, Mông... Cuốn: “Tuyển tập văn học các DTTS” (1962) - trong bộ:
“Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” ( Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành) là một minh
chứng cụ thể chứng minh rằng: Bộ phận văn học DTTS vốn rất lâu đời với sự

phong phú và đặc sắc. Tiếp nối văn học truyền thống, văn học DTTS thời kỳ
hiện đại đã được hình thành và phát triển nhanh chóng. Đặc điểm nổi bật của
văn học DTTS thời kỳ hiện đại là: phong phú, đa dạng, đặc sắc và đậm đà bản
sắc văn hóa dân tộc. Bộ phận văn học với tính chất phong phú, đa dạng, đặc
sắc ấy ngày càng phát triển được thể hiện ở trên tất cả phương diện: từ đội
ngũ sáng tác đến nội dung phản ánh, hình thức nghệ thuật, và cả ở phương
diện thể loại nữa. Trên thực tế, nền văn học các DTTS Việt Nam hiện đại tồn
tại ở 3 khu vực chính là: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Tuy vậy, thành tựu của văn học các DTTS ở 3 vùng này không thực sự đồng
đều. Đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, sau rất nhiều năm thiếu vắng người viết,
đến những năm 70, 80 của thế kỉ XX mới xuất hiện tác giả Y Điêng, Kim Nhất
(người Bahnar) và sau đó là Hlinh Niê (người ÊĐê). Sang đầu thế kỉ XXI,
xuất hiện thêm những cây bút mới như: Niê Thanh Mai, Môlô Yclavi (người Ê
Đê), Hồ Thao Khằm (Vân Kiều), Kpa Ylăng,... Cũng chung tình trạng ấy, ở
Nam Bộ, lần đầu tiên có sự xuất hiện tác phẩm văn xuôi của một số tác giả
như: Lý Lan (người Hoa), Inrasara, Trà Vigia (người Chăm), … Trong khi
đó, các DTTS miền núi phía Bắc lại có số lượng tác giả, tác phẩm khá lớn và
có nhiều thành tựu hơn cả. Tuy nhiên, ngay tại khu vực miền núi phía Bắc, sự
chênh lệch về số lượng nhà văn thuộc các dân tộc khác nhau thể hiện khá rõ,
cụ thể: Các nhà văn dân tộc Tày chiếm số lượng lớn và có nhiều thành tựu
hơn cả với các tên tuổi các nhà văn đã trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước
như : Hoàng An, Triều Ân, Vi Thị Kim Bình, Nông Quốc Chấn, Nông Minh
Châu, Bế Dôn, Nông Ích Đạt, Vi Hồng, Mai Liễu, Ma Trường Nguyên, Y
Phương, Cao Duy Sơn, Dương Thuấn, Nông Viết Toại, Bế Sĩ Uông…; kế tiếp
là dân tộc Thái có các tác giả: Cầm Biêu, Vương Trung, La Quán Miên,
Hoàng Nó, Lò Văn Sĩ, Lương Quy Nhân, Cầm Văn Ui, Mào Văn Ết, Lò Văn


11


Mười, Lò Văn Cậy, Sa Phong Ba…; tiếp đến là dân tộc Mường với: Vương
Anh, Đinh Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Thiện, Bùi Thị Tuyết Mai, Đinh Đặng
Lượng, Quách Ngọc Thiên…; dân tộc Dao có: Bàn Tài Đoàn, Triệu Kim Văn,
Bàn Thị Cúc, Phùng Chang Hồng… cùng với một số nhà văn của các dân tộc
khác như: Lò Văn Sủn, Mã Thế Vinh (Nùng)… Về thành tựu nổi bật là các tên
tuổi tác giả: Nông Quốc Chấn - nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng đã được tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà thơ Bàn Tài Đoàn ( dân tộc Dao), nhà văn Vi
Hồng (dân tộc Tày); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), nhà thơ Y Phương (dân tộc
Tày)… đều được nhận giải thưởng Nhà Nước… cùng một loạt các nhà văn
DTTS khác đều được nhận các giải thưởng về VHNT của quốc gia, thậm chí
là của khu vực Đông Nam Á (Cao Duy Sơn, Inrasara…). Về thể loại: văn học
DTTS ngày càng hoàn thiện về thể loại, chứng tỏ sự trưởng thành, sự phát
triển mau chóng và toàn diện của văn học DTTS thời kỳ hiện đại từ những
sáng tác thơ của: Hoàng Đức Hậu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông
Minh Châu, Cầm Biêu, Lương Quy Nhân, Triều Ân,Vương Trung, Vương
Anh, Y phương, Ma Trường Nguyên, Lò Ngân Sủn, Bùi Tuyết Mai, Inrasara,
Triệu Lam Châu… đến truyện ngắn, tiểu thuyết của: Nông Minh Châu – mở
đầu cho văn xuôi hiện đại các DTTS, tiếp theo đó là các sáng tác của: Vi
Hồng, Vi Thị Kim Bình,Vương Anh, Y Điêng, Kim Nhất, Hà Lâm Kỳ, Hà Lý,
Cao Duy Sơn, La Quán Miên, Hà Thị Cẩm Anh,Ma Trường Nguyên, Linh
Nga Niếk Đam, Niê Thanh Mai, Hoàng Quảng Uyên,… Thể loại Kịch DTTS
ra đời cùng với các kịch bản sân khấu của các tác giả: Nông Ích Đạt, Bế Dôn,
Bế Sĩ Uông, Vương Hùng, Dương Văn Đinh, Quách Ngọc Thiên…. Song song
với các thể loại trên, thể loại nghiên cứu, phê bình văn học cũng bắt đầu được
hình thành (từ năm 1957 với bài: “Kể ít chuyện làm thơ” của Nông Quốc
Chấn) và phát triển khá mạnh mẽ vào những năm sau Đổi Mới cho tới nay.
Các cây bút người DTTS vừa sáng tác vừa viết phê bình đã cho ra đời hàng
loạt các tác phẩm tiểu luận, phê bình văn học, ví dụ như: Lò Ngân Sủn với
“Hoa văn thổ cẩm” - 4 tập ( 1998, 1999, 2001, 2002 ); Tập tiểu luận chân



12

dung văn học “Một mình trong cõi thơ”(2000) của Hoàng Quảng Uyên; đặc
biệt là bốn cuốn nghiên cứu phê bình của tác giả Lâm Tiến: “Văn học các dân
tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1995), “Về một mảng
văn học dân tộc”, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1999), “Văn học và miền núi”,
(Nxb. Văn hóa dân tộc , 2002), “Tiếp cận văn học dân tộc miền núi” (Nxb.
Văn hóa thông tin, 2011); Tiếp đến là các cuốn: “Nghiên cứu , lý luận phê
bình văn học”(2013) của Hoàng An, “Hương sắc miền rừng” (2008) của Mai
Liễu, “Hiện đại mà dân tộc” (2010), “Trên cánh đồng chữ ngữ” (2013) của
Ma Trường Nguyên,“Cô đơn trong sáng tạo” (2006), “Song thoại với cái
mới” (2008) của Inrasara… Bên cạnh đó, có sự tham gia của các cây bút
nghiên cứu, phê bình người Kinh luôn chú ý đến việc nghiên cứu phê bình về
văn học DTTS như: Phong Lê, Đinh Văn Định, Mạc Phi, Trần Thị Việt
Trung, Đào Thùy Nguyên, Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Đức Hạnh, Phạm
Quang Trung, Nguyễn Hằng Phương, Nguyễn Kiến Thọ, Cao Thị Hảo…
Văn học DTTS trong thời kỳ Đổi Mới đã có những bước phát triển
mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của độc giả trong đó có đồng bào các
dân tộc. Có thể nói, nó đã thực sự góp phần làm phong phú thêm đời sống
tinh thần của nhân dân các DTTS và trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy
phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội vùng miền núi, vùng đông đảo các DTTS
sinh sống. Cũng nhờ đó mà vai trò của các văn nghệ sĩ DTTS cũng ngày càng
được khẳng định và có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát
triển và đổi mới miền núi tiến nhanh, tiến kịp miền xuôi về mọi mặt. Thành
tựu đạt được trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của các DTTS được thể hiện rõ
nhất là các tác giả đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay (về nội dung và nghệ
thuật), có giá trị nhân văn cao. Có thể nói, gần một thế kỷ hình thành và phát
triển văn học DTTS Việt Nam hiện đại đã có những bước đi chắc chắn và đã
đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Trong sự phát triển chung đó,

nghiên cứu, lý luận phê bình văn học cũng đã được hình thành, phát triển và


13

đã để lại dấu ấn khá sâu sắc, đã phát huy được tác dụng nhiều mặt vào đời
sống văn học DTTS Việt Nam hiện đại.
1.1.2. Vài nét về nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam
thời kì hiện đại.
Như đã biết, nghiên cứu, lý luận phê bình là một bộ phận quan trọng
trong đời sống văn học thời kỳ hiện đại. Nhà lý luận phê bình Nga - Bielinkin
đã viết: “phê bình là sự tự nhận thức của bản thân văn học” (là sự tự ý thức
của văn học). Văn học DTTS đã ra đời và nó đòi hỏi phải có nghiên cứu, phê
bình văn học – như một biểu hiện của sự “tự ý thức” của bộ phận văn học đặc
biệt này. Theo một số nhà nghiên cứu thì: Nghiên cứu, phê bình văn học các
dân tộc thiểu số mới được bắt đầu từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Cụ
thể là: Năm 1957 với bài: “Kể ít chuyện làm thơ” của Nông Quốc Chấn.
Nông Quốc Chấn là người đầu tiên và viết nhiều bài giới thiệu, phê bình về
các tác phẩm, tác giả văn học các DTTS, ví dụ như các bài viết: Hoàng Đức
Hậu và thơ tiếng Tày (1961), Quê ta anh biết chăng (1962), Đọc tung còn và
suối đàn (1968), Một số hình tượng người dân tộc thiểu số trên sân khấu
(1970), Đường ta đi (1972), Sáu mươi tuổi một tâm hồn (1973), từ Hoa trong
mường đến Trăng mắc võng (1975), Một vườn hương sắc (1977), Văn học các
dân tộc thiểu số- Tác phẩm và đội ngũ (1983), Chặng đường mới (1985), Đọc
thơ Dương Thuấn (1992). Tiếp theo sau Nông Quốc Chấn có thể kể đến: Hà
Văn Thư, Vài nhận định về văn học các dân tộc thiểu số từ Cách mạng tháng
Tám đến nay (số 6 (78), tháng 6-1966) ; Vi Hồng: Sli lượn dân ca trữ tình Tày
– Nùng (1977), Bước phát triển mới của văn học các dân tộc ít người Việt
Nam: con đường từ thơ đến văn xuôi, kịch bản (số 5 (185), tháng 9 & 101980); Y Điêng có Trường ca Tây Nguyên (1961); Bùi Nhị Lê với: Truyện cổ
Mường (1968); Lâm Qúy có tác phẩm in chung: Mấy ý nghĩ về truyện thơ cổ

Tày (1982); Triều Ân với: Giới thiệu thơ Hoàng Đức Hậu (1974), Thơ ca
cách mạng ở Việt Bắc (1936-1945) (1977); Mạc Phi có: Tiễn dặn người yêu


14

(dịch, giới thiệu thơ ca dân tộc Thái, 1961), Tiếng hát làm dâu (dịch, giới
thiệu truyện thơ dân tộc Mông, 1963), Chàng Lú và nàng Ủa (dịch, giới thiệu
truyện cổ tích dân tộc, 1964), Dân ca Thái (dịch, giới thiệu, 1977)…
Về đội ngũ những tác giả viết nghiên cứu, phê bình văn học là người
DTTS có thể kể đến: Những tác giả vừa viết nghiên cứu phê bình vừa sáng tác
có: Nông Quốc Chấn, Vương Trung, Ma Trường Nguyên, Triều Ân, Vi Hồng,
Vương Anh..; vừa sáng tác vừa viết giới thiệu, phê bình có: Lò Ngân Sủn,
Hoàng Quảng Uyên, Mai Liễu, Dương Thuấn Mầu Quốc Tiến, Lộc Bích
Kiệm…; chuyên viết nghiên cứu phê bình có: Lâm Tiến, Hoàng Triều Ân,
Hoàng An, Hoàng Tuấn Cư, Mông Ký Slay…; một số cây bút thỉnh thoảng có
các bài viết phê bình tác phẩm văn học DTTS như : Nông Thị Ngọc Hòa, Cao
Duy Sơn, Mai Liễu, Triệu Kim Văn… Trong các cuốn sách, bài viết của mình
các cây bút nghiên cứu, lý luận phê bình DTTS đã đề cập đến nhiều vấn đề
mang tính lý luận và thực tiễn của quá trình sáng tạo. Lò Ngân Sủn đã có 4
tập tiểu luận phê bình văn học (Hoa văn thổ cẩm I, II, III, IV) đã có những
nhận xét, đánh giá khá cụ thể, sâu sắc về văn học các DTTS. Tuy nhiên, là
một nhà thơ nên Lò Ngân Sủn có phần nào còn dễ dãi, phóng bút khi viết về
thể loại này. Nông Quốc Chấn vốn là một nhà văn hóa, một nhà lý luận nên
viết có phần thận trọng, sâu sắc hơn. Ông có thế mạnh là rất am hiểu về đội
ngũ văn nghệ sĩ các DTTS và những sáng tác của họ cùng tình hình văn học
các DTTS hiện nay. Vì thế, tuy ông viết phê bình văn học không nhiều nhưng
ý kiến trong bài viết của ông đã góp phần thiết thực và cụ thể trong việc xây
dựng và phát triển văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Nhiều câu phê bình trong
các bài viết của ông đã trở thành những trích dẫn không thể thiếu trong những

công trình nghiên cứu về văn học dân tộc sau này. Được đánh giá là “Người
cầm cờ” lý luận phê bình văn học các DTTS – Nhà văn Lâm Tiến ( dân tộc
Nùng ) đã xuất 4 cuốn sách nghiên cứu, phê bình là : “Văn học các dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại ”( 1995), “Về một mảng văn học dân tộc”, (Nxb.
Văn hóa dân tộc, 1999), “Văn học và miền núi”, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 2002


15

), “Tiếp cận văn học dân tộc miền núi” (Nxb. Văn hóa thông tin, 2001). Đọc
các cuốn sách nghiên cứu, phê bình của ông chúng ta có thể hình dung được
một cách khá rõ nét diện mạo của văn học DTTS thời kỳ hiện đại (vừa mang
tính khái quát vừa mang tính cụ thể). Nhà nghiên cứu, phê bình Hoàng An
(dân tộc Tày) với công trình nghiên cứu, phê bình là: “Nét đẹp trong thơ văn
và ngôn ngữ dân tộc” với từng tập là: “Một vùng trời thơ văn của đất nước”
(tập 1-1999); “Hương sắc núi rừng” (Tập 2- 2003); “Hương rừng” (Tập 32008) luôn thể hiện sự chuyên nghiệp trong các bài nghiên cứu, phê bình của
mình. Đọc các cuốn sách của ông, người đọc luôn nhận thấy sự chắc chắn,
tính khách quan, sự khoa học trong việc bình phẩm, đánh giá các tác phẩm
văn học. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (1950, Nùng, Cao Bằng) khá sắc sảo,
tài hoa với: “Một mình trong cõi thơ” (tiểu luận, 2000)… Có một nhà thơ tiêu
biểu của dân tộc Hmông đó là Mã A Lềnh – nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa,
đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu phê bình DTTS khá tiêu biểu. Mã A
Lềnh luôn đi sâu vào phân tích, mổ sẻ rất nhiều vấn đề lớn của văn học DTTS
như: Sự tồn tại và mất mát của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn chương;
sự rơi rụng hoặc phai nhạt của các phong tục, tập quán, của bản sắc dân tộc
trong cuộc sống cộng đồng các DTTS cũng như trong văn học DTTS … Ông
cũng hướng ngòi bút của mình vào việc giới thiệu các cây bút mới, chỉ ra cái
hay, cái đặc sắc, cũng như những hạn chế trong các sáng tác của các nhà văn
DTTS... Nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình dân tộc Chăm Inrasara - rất hay
đưa ra những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn trong quá trình sáng tạo,

ông quan tâm nhiều đến vấn đề tiếng nói, chữ viết, vấn đề bản sắc dân tộc
trong sáng tác (đặc biệt là mảng văn học Chăm)… Và còn nhiều các tác giả
khác như : Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Triều Ân, Vương Anh, Vương
Trung, Dương Thuấn, Bàn Tài Đoàn… cũng đã có nhiều cố gắng trong việc
giới thiệu các cây bút mới. Một điều dễ nhận ra đó là các tác giả là người
DTTS đều có sự am hiểu về bản sắc dân tộc, lại rất tâm huyết, có sự dày công
sưu tầm, nghiên cứu từ các thể loại văn học dân gian cho đến văn học hiện đại


16

với mong muốn giới thiệu đến đông đảo bạn học nền văn hóa – văn học đậm
đà bản sắc dân tộc của mình. Các tác giả là người DTTS viết về chính nền văn
học của mình nên họ bình phẩm, đánh giá, nghiên cứu tác phẩm văn chương
thường sâu sát với thực tế cuộc sống, tâm hồn của con người dân tộc, miền
núi hơn, đúng như PGS.TS. Trần Thị Việt Trung nhận xét: “Trên cơ sở vốn
kiến thức rộng về xã hội học, dân tộc học và đặc biệt là từ trái tim, tâm hồn
vốn rất nhạy cảm, hồn hậu, đậm đặc chất dân tộc và miền núi” [39, tr. 130].
Vì vậy, các bài viết của họ rất dễ đi vào lòng người, được công chúng độc giả
người DTTS nhiệt tình đón nhận. Bên cạnh những tác phẩm nghiên cứu, phê
bình của các tác giả tiêu biểu trên thì còn có một số công trình nghiên cứu,
đánh giá tổng kết về văn học DTTS của các tổ chức Hội với sự tham gia của
nhiều nhà văn người DTTS với tư cách là những người sưu tầm, biên dịch,
biên soạn, giới thiệu và cố vấn như là: Inrasara, Bùi Nhị Lê, Sầm Văn
Chương, Nông Quốc Thắng, Bùi Hy Vọng,Vi Văn Kì, Vi Văn Bàn… Ví dụ:
Một số công trình tiêu biểu như: “Tổng hợp văn học dân gian các DTTS Việt
Nam” (Viện Nghiên cứu Văn hóa phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học Xã
Hội tổ chức biên soạn và xuất bản trong 4 năm ( từ năm 2007 đến 2010)) gồm
4 tập; Cuốn “Tiếng nói các nhà văn DTTS” (1997); “Văn học DTTS Việt
Nam hiện đại” (1998) ; “Nhà văn DTTS Việt Nam- Đời và văn” (2 tập-2003,

2004), “Văn học các DTTS thời kỳ đổi mới” (2007) …
Từ năm 1985 trở lại đây, có nhiều nhà văn người Kinh viết giới thiệu
phê bình các tác giả, tác phẩm các DTTS như: Phong Lê, Tô Hoài, Nguyên
Ngọc,Tế Hanh, Trúc Thông, Trinh Đường, Phạm Quang Trung, Vũ Quần
Phương, Trần Mạnh Hảo, Trần Lê Văn, Lê Thị Mây, Lưu Khánh Thơ, Tô
Phương Lan, Vũ Tuấn Anh, Phạm Phú Phong, Nguyễn Văn Toại, Phan Diễm
Phương, Nguyễn Ngọc Phú, Trần Thị Việt Trung, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn
Đức Hạnh, Cao Thị Hảo… Có thể nhận thấy các tác giả người Kinh là những
người có trình độ học vấn cao và cũng có sự am hiểu về văn học Việt Nam
hiện đại nói chung, văn học DTTS nói riêng cho nên việc nghiên cứu, phê


17

bình về văn học các DTTS sẽ khách quan và khoa học hơn. GS. Phong Lê
viết: “Mỗi nhà văn phải là bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc mình. Nhưng vai trò
ngôn ngữ dẫu quan trọng đến đâu, vẫn chưa phải là yếu tố quyết định duy
nhất, hàng đầu. Bởi lẽ trên thế giới hôm nay, nếu có ngôn ngữ chỉ được dùng
cho một dân tộc…, thì lại có ngôn ngữ được dùng cho nhiều dân tộc, nhiều
khu vực như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Bồ
Đào Nha… nhưng không vì vậy mà văn học của mỗi dân tộc, mỗi nước lại
mất đi bản sắc riêng của mình và lẫn vào nhau” [11, tr. 220-221]. Nhà Văn
Tô Hoài đã phát hiện ra sự khác nhau giữa nhà văn người Kinh và nhà văn
người DTTS cùng viết về đề tài dân tộc và miền núi. Ông viết: “Cho tới nay,
tôi có viết một số tác phẩm về đề tài miền núi... Tôi cho rằng dẫu tôi đã cố
gắng nhưng tác phẩm ấy cũng chỉ đạt tới đôi nét chấm phá của một bức ký
họa thông qua cảm xức mới mẻ của mình. Tôi không thể có được tâm hồn và
những hiểu biết để thể hiện như Đinh Ân (Mường), Vi Hồng (Tày), Mã Thế
Vinh (Nùng), Mã A Lềnh (Mông). Văn học các dân tộc thiểu số có thực sự
phong phú, lớn mạnh phải do chính các nhà văn dân tộc xây dựng, góp phần

vào nền văn học đa dân tộc chúng ta” [7, tr. 3]. Tô Hoài còn viết: “Bây giờ
tôi viết cuốn “Miền Tây”, trong ngôn ngữ cụ thể từng câu, anh em ở trên đấy
đọc nói rằng tôi không bắt chước tiếng nói, lối nói của người H'Mông, nhưng
lại có vẻ H'Mông” [8, tr. 209]. Sự khác biệt này có lẽ xuất phát từ tư duy,
ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Như vậy, những tác giả người Kinh viết về dân
tộc và miền núi chỉ thể hiện bản sắc dân tộc (Kinh) trong tác phẩm ấy. Trừ
một số nhà thơ sống ở miền núi lâu năm, họ đã dân tộc hóa, họ hiểu sâu sắc
và thông thạo về văn hóa, tư duy và ngôn ngữ của dân tộc, có được tâm hồn
đồng điệu với dân tộc đó như Ngọc Anh viết “Bóng cây Kơ nia”; Cầm Vĩnh
Ui, Bạc Văn Ùi viết: “Nhớ vợ”và “Em tắm”; Đỗ Thị Tấc viết “Khèn tình”...
Những bài viết giới thiệu và phê bình của: Tế Hanh, Vân Long, Nguyễn
Trọng Hoàn, Trần Mạnh Hảo… về thơ Y Phương, của Vũ Quần Phương,
Phạm Quang Trung, Trần Mạnh Hảo, Trần Ninh Hồ… về thơ Lò Ngân Sủn;


18

của Trúc Thông, Thịnh Đường, Vũ Quần Phương, Trần Lê Văn… về thơ
Inrasara… đã nêu bật lên những giá trị riêng độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc,
cùng với những thành tựu đáng ghi nhận và những đóng góp phong phú, đa
dạng của những tác phẩm các nhà văn dân tộc thiểu số vào nền văn học Việt
Nam nói chung. Gần đây nhất các nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình tại Đại
học Thái Nguyên đã có khá nhiều công trình nghiên cứu có quy mô và hệ
thống về văn học DTTS Việt Nam hiện đại. Nhà nghiên cứu phê bình Trần
Thị Việt Trung với sự đam mê nghiên cứu về văn học DTTS, với tâm huyết
của một nhà giáo, nhà phê bình cùng sự tài hoa và vốn am hiểu sâu sắc về văn
học DTTS đã có nhiều cuốn sách cùng nhiều bài nghiên cứu phê bình về văn
học DTTS nói chung và về các tác giả DTTS nói riêng như: Nông Quốc
Chấn, Mã A Lềnh, Hà Thị Cẩm Anh, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn,
Vi Thị Kim Bình, Hà Lâm Kỳ, Nông Thị Ngọc Hòa…rất khách quan, sâu sắc,

tinh tế (trong các cuốn: “Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt
Nam hiện đại”, Nxb. Đại học Thái Nguyên, 2010; “Nghiên cứu, lý luận phê
bình văn học Thái Nguyên - 25 năm đổi mới”, Nxb. Đại học Thái Nguyên,
2013; “Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số”, Nxb, Đại học Thái
Nguyên, 2016); Tác giả Nguyễn Đức Hạnh với các cuốn sách nghiên cứu phê
bình về văn học DTTS khá công phu, dày dặn: “Văn học dân tộc thiểu số Việt
Nam – Truyền thống và hiện đại” (2014); “Văn học địa phương miền núi
phía Bắc” (2015); Tác giả Đào Thủy Nguyên với cuốn: “Bản sắc văn hóa
dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam” (2015);
Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Kiến Thọ với cuốn sách nghiên cứu chuyên
sâu: “Thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại” (2015)…
Vào đầu những năm 90 đến nay, văn học DTTS thực sự được quan tâm
và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ cả về số lượng và chất lượng tác phẩm
cùng với đội ngũ sáng tác ngày càng thêm đông đảo. Nói như vậy, cũng
không có nghĩa công tác nghiên cứu, phê bình văn học các dân tộc trong hơn
nửa thế kỉ qua chỉ toàn thành tựu, không có những hạn chế, nhược điểm nào.


19

Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc thì mặc dù đã có rất
nhiều cố gắng, lại có nhiều thế mạnh, mặc dù cũng đã đạt được một số thành
tựu nhất định, song nghiên cứu- phê bình văn học thiểu số mới chỉ đề cập tới
những vấn đề trong nội bộ của nền văn học đó. Những nghiên cứu, phê bình
văn học DTTS còn nặng về giới thiệu, phê bình tác giả (chủ yếu là khen ngợi,
động viên); ít có bài chỉ ra những giới hạn cần nhận biết và khắc phục, vượt
qua của các nhà văn DTTS. Bên cạnh đó, thấy rất rõ một điều: Các bài nghiên
cứu, phê bình đó ít có tính lý luận và thực sự chưa phát huy hiệu quả được vai
trò tổ chức, định hướng cho văn học DTTS phát triển mạnh mẽ, vừa đảm bảo
tính truyền thống, vừa phải hiện đại, đổi mới cho phù hợp với các xu hướng

phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, đương đại nói chung.
Nói tóm lại, nghiên cứu, phê bình văn học DTTS đã có sự hình thành,
vận động và phát triển trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Trong quá trình hoạt
động của mình, bộ phận nghiên cứu, phê bình văn học DTTS cũng đã đạt
được những thành tựu đáng ghi nhận và đáng trân trọng. Trước hết, là sự
khẳng định có mặt đầy ý nghĩa của mình trong đời sống văn học các DTTS
Việt Nam, giúp cho nhiều người hiểu thêm, hiểu rõ và hiểu đúng hơn về văn
học DTTS; nó cũng chỉ ra biết bao vẻ đẹp lung linh, kỳ diệu ẩn chứa trong các
tác phẩm văn chương của các DTTS Việt Nam. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều
vấn đề quan trọng, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của văn học DTTS
trong thời kỳ hiện đại, thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay và trong tương lai.
Bên cạnh đó, nó cũng cất tiếng nói về cả lý luận và thực tiễn trong việc giữ
gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, về vấn đề song ngữ trong sáng tác, về
vấn đề đổi mới văn chương DTTS để làm sao có thể hòa nhập vào dòng chảy
chung của văn học nước nhà... Vì vậy, không thể không nói rằng: “Nghiên
cứu, phê bình văn học DTTS thời kỳ hiện đại đã xuất hiện kịp thời và góp
phần không nhỏ vào việc tổ chức, định hướng xây dựng một nền văn học
DTTS ngày càng hoàn thiện, phát triển và đạt nhiều thành tựu” (PGS.TS.
Trần Thị Việt Trung) [39, tr. 198].


×