Tải bản đầy đủ (.pdf) (218 trang)

Kế thừa dân ca người Việt xứ Thanh trong ca khúc về Thanh Hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.69 MB, 218 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Vi Minh Huy

KẾ THỪA DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH
TRONG CA KHÚC VỀ THANH HÓA

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN

Hà Nội - 2019


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Vi Minh Huy

KẾ THỪA DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH
TRONG CA KHÚC VỀ THANH HÓA
Chuyên ngành: Văn hóa dân gian
Mã số: 9229041
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC


PGS.TS. Từ Thị Loan

Hà Nội - 2019


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện dưới sự
hướng dẫn của PGS.TS. Từ Thị Loan. Các tư liệu và trích dẫn đều được trích
nguồn chính xác và đầy đủ. Kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án là
trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu
nào khác.
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2019
Tác giả luận án

Vi Minh Huy


ii

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................................ i
CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU NHẠC TRONG LUẬN ÁN .................................. iv
MỞ ĐẦU......................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ
KHÁI QUÁT VỀ DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH, CA KHÚC VỀ
THANH HÓA .............................................................................................................. 11
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................... 11
1.1.1. Các công trình mang tính lý luận về cách tiếp cận của nghiên cứu văn

hóa dân gian ..................................................................................................... 11
1.1.2. Nghiên cứu về dân ca và ca khúc Việt Nam ........................................... 14
1.1.3. Nghiên cứu về việc sử dụng, khai thác chất liệu dân gian trong ca khúc
Việt Nam ........................................................................................................... 19
1.1.4. Nghiên cứu dân ca và ca khúc viết về Thanh Hóa ................................. 24
1.1.5. Nhận xét, đánh giá về tình hình nghiên cứu ........................................... 27
1.2. Cơ sở lý luận .......................................................................................................... 29
1.2.1. Các khái niệm cơ bản ............................................................................. 29
1.2.2. Một số lý thuyết vận dụng trong luận án ................................................ 39
1.3. Khái quát về dân ca người Việt xứ Thanh và ca khúc về Thanh Hóa.……..44
1.3.1. Dân ca người Việt xứ Thanh .................................................................. 44
1.3.2. Ca khúc về Thanh Hóa ........................................................................... 51
Tiểu kết .......................................................................................................................... 59
Chương 2: TÌNH HÌNH KẾ THỪA DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH
TRONG CA KHÚC VỀ THANH HÓA TỪ NĂM 1965 ĐẾN NAY ..................... 60
2.1. Kế thừa các yếu tố ngữ văn dân gian trong dân ca .............................................. 60
2.1.1. Khai thác hình ảnh, biểu tượng, huyền thoại trong dân ca người Việt xứ
Thanh ................................................................................................................ 61
2.1.2. Kế thừa ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ địa danh trong dân ca ........... 65
2.1.3. Khai thác nghệ thuật sử dụng từ đệm, điệp từ của dân ca ..................... 68
2.2. Kế thừa các yếu tố âm nhạc dân gian trong dân ca ............................................. 73
2.2.1. Kế thừa yếu tố giai điệu của dân ca xứ Thanh ....................................... 73
2.2.2. Kế thừa thang âm - điệu thức của dân ca xứ Thanh .............................. 81
2.2.3. Kế thừa nhịp điệu và âm hình tiết tấu của dân ca xứ Thanh ................. 84


iii

2.3. Đánh giá của công chúng và giới chuyên môn về các ca khúc viết về Thanh
Hóa mang âm hưởng dân ca......................................................................................... 85

2.3.1. Đánh giá của công chúng ....................................................................... 85
2.3.2. Đánh giá của giới chuyên môn ............................................................... 88
Tiểu kết .......................................................................................................................... 90
Chương 3: BÀN LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC KẾ
THỪA DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH TRONG CA KHÚC HIỆN NAY . 93
3.1. Một số bàn luận về việc kế thừa dân ca người Việt xứ Thanh trong ca khúc về
Thanh Hóa thời gian qua .............................................................................................. 93
3.1.1. Bàn luận về phương thức kế thừa chất liệu dân ca trong ca khúc ............... 93
3.1.2. Bàn luận về vai trò của chủ thể sáng tạo các ca khúc khai thác chất liệu
dân ca................................................................................................................ 97
3.1.3. Bàn luận về vai trò của ca sĩ thể hiện dòng ca khúc mang âm hưởng dân
gian ................................................................................................................. 104
3.1.4. Bàn luận về các thành tố khác liên quan đến phương diện trình diễn tác
phẩm mang âm hưởng dân ca ........................................................................ 108
3.1.5. Bàn luận về xu hướng kế thừa chất liệu dân ca trong sáng tác ca khúc
viết về Thanh Hóa hiện nay ............................................................................ 112
3.2. Những vấn đề đặt ra đối với việc kế thừa dân ca trong ca khúc đương đại về
Thanh Hóa hiện nay....................................................................................................114
3.2.1. Về môi trường dung dưỡng dân ca và âm nhạc dân gian .................... 114
3.2.2. Sự biến động của đội ngũ nhạc sĩ sáng tác dòng âm nhạc dân gian
đương đại ........................................................................................................ 116
3.2.3. Việc đào tạo âm nhạc dân gian trong nhà trường và giáo dục dân ca
cho công chúng ............................................................................................... 117
3.2.4. Vấn đề tạo không gian mới cho các trình diễn âm nhạc dân gian đương
đại ................................................................................................................... 121
3.2.5. Vai trò của Nhà nước, các cơ quan văn hoá và tổ chức xã hội ........... 123
Tiểu kết ........................................................................................................................127
KẾT LUẬN.................................................................................................................130
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ .......................136
TÀI LIỆU THAM KHẢO .........................................................................................137

PHỤ LỤC ....................................................................................................................149


iv

CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU NHẠC TRONG LUẬN ÁN
Chữ viết tắt
Chữ viết đầy đủ
GS
: Giáo sư
HN
: Hà Nội
HSSV
: Học sinh sinh viên
KHXH
: Khoa học xã hội
NCS
: Nghiên cứu sinh
NSND
: Nghệ sĩ nhân dân
NSUT
: Nghệ sĩ ưu tú
Nxb
: Nhà xuất bản
PGS
: Phó giáo sư
TH
: Thanh Hóa
Tp. HCM
: Thành phố Hồ Chí Minh

TS
: Tiến sĩ
TW
: Trung ương
UBND
: Ủy ban nhân dân
VHNT
: Văn hóa nghệ thuật
VHTT
: Văn hóa thông tin
VHVN
: Văn hóa văn nghệ
xb
: Xuất bản
Ký hiệu nhạc
a
c
d
e
fis
g
Q
1c
1,5c

Tên gọi
: Nốt La
: Nốt Do
: Nốt Re
: Nốt Mi

: Nốt Fa thăng
: Nốt Sol
: Quãng
: Một cung
: Một cung rưỡi


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Dân ca xứ Thanh là sản phẩm bắt nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp
lúa nước, từ thực tiễn lao động và sinh hoạt tín ngưỡng, tập tục của mỗi vùng
dân cư đã góp phần hình thành nên nhiều sắc thái dân ca, dân vũ khác nhau
như: Vùng lưu vực sông Mã có Hò sông Mã - một loại hình dân ca sông nước
độc đáo; vùng Đông Sơn, nơi khởi phát của một nền văn hóa lớn của dân tộc,
được mệnh danh là cái nôi của những trò diễn, diễn xướng xứ Thanh; vùng
Thọ Xuân có trò Xuân Phả...; vùng Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương,
Thiệu Hóa, Yên Định… có hát ghẹo, trò diễn dân gian về nghề biển, làng
nghề…; vùng Trung du nối liền châu thổ Thanh Hóa với châu thổ Nghệ An có
hát khúc (hát ru) Tĩnh Gia mang bóng dáng của phong cách hát giặm Nghệ
An. Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có lề
lối hát và ngôn từ riêng của dân tộc mình, nhưng đáng chú ý là xường của
người Mường và hát khặp của người Thái.
Dân ca là tiếng nói tâm tư tình cảm từ trái tim con người được cất lên
bằng giai điệu mang âm hưởng môi trường sống, không khí lao động và sinh
hoạt hàng ngày của ông cha ta từ xa xưa. Vì vậy, trong từng làn điệu dân ca
đều có tiếng nói, tình cảm riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, được chắt
lọc qua thời gian, qua lăng kính của nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian để làm
nên những bài ca còn lưu truyền mãi cho muôn đời sau.

Ca khúc Việt Nam ra đời dựa trên sự giao lưu, tiếp biến văn hóa
phương Tây, nhưng đồng thời vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa
dân tộc nhờ biết kế thừa và phát huy âm nhạc cổ truyền của cha ông. Có nhiều
ca khúc đã đạt được những thành công lớn, trở thành những bài ca đi cùng
năm tháng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe - đó chính là những ca
khúc viết về các vùng đất, miền quê mang đậm nét âm hưởng dân ca của các


2

vùng quê ấy. Có thể kể ra một vài ca khúc tiêu biểu như: Thơ tình của núi của
An Thuyên; Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi của Văn Ký; Tình ca Tây Bắc
(Nhạc: Bùi Đức Hạnh, Lời: Cầm Giang); Làng Quan họ quê tôi (Nhạc:
Nguyễn Trọng Tạo, Phỏng lời: Nguyễn Phan Hách); Những cô gái Quan họ
của Phó Đức Phương; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (Nhạc: Trần
Hoàn, Thơ: Đỗ Quý Doãn); Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh của
Nguyễn Văn Tý; Quảng Bình quê ta ơi của Hoàng Vân; Câu hò bên bờ Hiền
Lương của Hoàng Hiệp; Cô gái vót chông (Nhạc: Hoàng Hiệp, Thơ:
Moloyclavi); Em là hoa Pơlang của Đức Minh; Dáng đứng Bến Tre của
Nguyễn Văn Tý; Chiếc áo bà ba của Trần Thiện Thanh; Vàm Cỏ Đông
(Nhạc: Trương Quang Lục, Thơ: Hoài Vũ)…
Đối với Thanh Hóa cũng có không ít những ca khúc mang đậm âm
hưởng dân gian như vậy, chúng có sức sống mãnh liệt và trở thành những bài
ca mang tính biểu tượng về vùng đất và con người Thanh Hóa như: Chào
sông Mã anh hùng của Xuân Giao; Thanh Hóa anh hùng của Hoàng Đạm;
Cây lúa Hàm Rồng của Đôn Truyền; Đi giữa đại lộ Lê Lợi của Nguyễn
Cường; Kỷ niệm giọng hò của Minh Quang; Tự tình sông Mã của Thuận Yến;
Hàm Rồng mây bay của An Thuyên; Yêu người Thanh Hóa của Đoàn Bổng;
Về thăm sông Mã quê em của Minh Khang; Về theo câu Hò sông Mã của Huy
Thục; Hát về quê Thanh của Tố Hải; Những cô gái tỉnh Thanh của Phúc

Minh; Về làm dâu sông Mã của Đồng Tâm; Xuân về trên đất Hàm Rồng và
Hỡi em cấy lúa dưới trăng của Nguyễn Liên; Nồng nàn khúc hát tỉnh Thanh
của Thế Việt; Âm vang giọng hò của Hoàng Sâm; Tiếng trống trò mùa xuân
của Đỗ Hoài Nam; Hát về quê Thanh của Xuân Chung; Âm vang giọng hò của
Hoàng Sâm…
Trong những năm qua, các ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Thanh
đã được khẳng định trong lòng công chúng. Chúng không những là niềm tự


3

hào, là động lực thúc đẩy người dân xứ Thanh vượt lên mọi gian nguy, vất vả
để chiến thắng thiên tai, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương đất
nước giàu đẹp, mà còn làm cho hàng triệu trái tim trên khắp mọi miền tổ quốc
xích lại gần nhau hơn để xây dựng ngôi nhà hạnh phúc chung cho mọi người.
Sự thành công của các ca khúc đó đã tạo động lực cho các thế hệ nhạc
sĩ tiếp tục khai thác vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc, phát huy những tinh
hoa của âm nhạc dân gian, giới thiệu kho tàng dân ca phong phú của xứ
Thanh để làm nên những ca khúc vừa có giá trị nghệ thuật lâu bền, đồng thời
bổ sung những sắc thái mới phù hợp với nhu cầu tình cảm, thẩm mỹ của công
chúng đương đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng kể trong hướng sáng tác
này vẫn có những ca khúc đơn giản, dễ dãi với những chất liệu dân ca quen
thuộc. Hoặc những nỗ lực chưa thành công trong việc khai thác những chất
liệu âm nhạc dân gian kén người nghe thường khó thể hiện, đòi hỏi người hát
phải có kỹ thuật nghề nghiệp và đủ ngấm nghệ thuật ca nhạc dân tộc... Do
vậy, vấn đề tìm tòi, khai thác chất liệu mới, tài năng sáng tạo của người nghệ
sĩ (cả nhạc sĩ sáng tác lẫn người biểu diễn), năng lực thụ cảm nghệ thuật của
công chúng... là những vấn đề còn nhiều khoảng trống cần đi sâu nghiên cứu,

phân tích, lý giải.
Trên phương diện khoa học, đã có một số công trình nghiên cứu quan
tâm tìm hiểu vấn đề khai thác giá trị, chất liệu dân ca trong nền âm nhạc mới
Việt Nam, tuy nhiên những nghiên cứu về kế thừa và phát huy dân ca xứ
Thanh của người Việt trong sáng tác ca khúc viết về Thanh Hóa thì còn rất
thưa vắng và còn nhiều phương diện cần được nghiên cứu làm rõ như: chất
liệu dân ca xứ Thanh được khai thác, vận dụng vào sáng tác ca khúc của các
nhạc sĩ như thế nào và nhằm mục đích gì; đặc điểm, giá trị, vai trò của các ca


4

khúc đó trong đời sống người dân Thanh Hóa qua các chặng đường lịch sử;
những vấn đề đặt ra đối với việc kế thừa và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền
của cha ông trong đời sống hiện nay...
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu đi trước chủ yếu đặt ca khúc
viết về Thanh Hóa trong một không gian văn hóa cụ thể và nghiên cứu một
cách tách biệt dưới góc nhìn âm nhạc học hoặc nghệ thuật học. Chưa có một
công trình nào xem xét vấn đề này từ góc nhìn của văn hóa dân gian, trong
mối quan hệ với âm nhạc dân gian truyền thống và trên phông nền của văn
hóa dân gian địa phương. Chính vì vậy, NCS đã lựa chọn đề tài Kế thừa dân
ca người Việt xứ Thanh trong ca khúc về Thanh Hóa làm đề tài luận án.
Thông qua việc triển khai đề tài nghiên cứu, luận án góp phần làm rõ một
trong những cội nguồn quan trọng của âm nhạc đương đại Việt Nam chính là
dân ca nói riêng, âm nhạc dân gian nói chung, bên cạnh việc tiếp thu và tiếp
biến âm nhạc phương Tây, do đó nó vừa có các yếu tố tiên tiến, hiện đại, vừa
giữ được các yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong cơn lốc toàn
cầu hóa hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá việc kế thừa chất liệu dân ca người Việt
xứ Thanh trong các sáng tác ca khúc viết về Thanh Hóa, luận án đưa ra những
bàn luận và làm rõ những vấn đề đặt ra hiện nay đối với việc khai thác và phát
huy các giá trị của dân ca người Việt xứ Thanh trong đời sống đương đại, góp
phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án tập trung giải quyết
các nhiệm vụ nghiên cứu sau:


5

- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận liên quan đến kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong ca khúc viết về Thanh Hóa, giới thuyết các khái
niệm cơ bản, trình bày các lý thuyết vận dụng trong luận án, giới thiệu quá
trình hình thành và phát triển, đặc điểm của dân ca xứ Thanh và ca khúc viết
về Thanh Hóa, giá trị, vai trò của các sáng tác khai thác chất liệu dân ca xứ
Thanh trong đời sống cộng đồng.
- Khảo sát, làm rõ việc kế thừa dân ca người Việt xứ Thanh trong ca
khúc viết về Thanh Hóa qua các yếu tố thuộc về ngữ văn dân gian (hình ảnh,
biểu tượng, huyền thoại, từ đệm, điệp từ, ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ địa
danh trong dân ca…) và các yếu tố thuộc về phương diện âm nhạc dân gian
(giai điệu, thang âm - điệu thức, nhịp điệu, âm hình tiết tấu…).
- Đưa ra những bàn luận khoa học về các thành tố tham gia vào sự
thành công của một tác phẩm ca khúc mang âm hưởng dân gian, xu hướng kế
thừa chất liệu dân ca trong các ca khúc đương đại, làm rõ những vấn đề đặt ra
trong việc kế thừa dân ca xứ Thanh trong sáng tác ca khúc hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là việc kế thừa dân ca người Việt xứ

Thanh trong các ca khúc viết về Thanh Hóa thời gian qua.
Về khách thể nghiên cứu, sức sống và sự thành công của một ca khúc
được quyết định bởi nhiều yếu tố: tác phẩm, tác giả, người thể hiện tác phẩm
và công chúng thưởng thức. Do vậy, bên cạnh việc tập trung phân tích, tìm
hiểu thực trạng kế thừa dân ca của người Việt xứ Thanh trong các tác phẩm ca
khúc, luận án cũng chú ý đi sâu phân tích, làm rõ vai trò của nhạc sĩ sáng tác,
nghệ sĩ thể hiện tác phẩm và công chúng tiếp nhận tác phẩm.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Không gian nghiên cứu


6

Không gian nghiên cứu của luận án về cơ bản được giới hạn trong
không gian vùng văn hóa “xứ Thanh”. Từ cái nhìn địa - văn hóa, do tính chất
trung gian (nằm giữa) Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, xứ Thanh thực sự có những
đặc trưng văn hóa riêng, để lại dấu ấn nhiều mặt trong đời sống vật chất cũng
như tinh thần của con người và vùng đất nơi đây, trong đó có dân ca xứ
Thanh. Hiện nay, về mặt hành chính, Thanh Hóa có 2 thành phố trực thuộc
tỉnh, 1 thị xã và 24 huyện.
Bên cạnh đó, để có cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ hơn, trong những
trường hợp cần thiết, khi cần có những nghiên cứu so sánh, tham khảo, tìm
hiểu về những vấn đề liên quan, luận án cũng có sự mở rộng không gian và
biên độ nghiên cứu rộng hơn không gian nêu trên.
3.2.2. Thời gian nghiên cứu
Luận án xác định thời gian nghiên cứu việc kế thừa dân ca người Việt
xứ Thanh trong ca khúc viết về Thanh Hóa là từ năm 1965 đến nay, bởi đây là
giai đoạn xuất hiện nhiều nhất các sáng tác của các nhạc sĩ viết về vùng đất
Thanh Hóa mang chất liệu dân gian truyền thống.
Bên cạnh đó, để có cái nhìn toàn cảnh về dân ca xứ Thanh và ca khúc

viết về Thanh Hóa trên phông nền của dân ca và ca khúc Việt Nam nói chung
phục vụ cho nghiên cứu so sánh, trong quá trình tìm hiểu, thu thập, tham khảo
tài liệu và các công trình nghiên cứu có liên quan, luận án cũng mở rộng
phạm vi thời gian đến những giai đoạn sớm hơn.
4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
Để thực hiện mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên,
luận án sẽ tập trung giải quyết các câu hỏi nghiên cứu sau:
- Dân ca xứ Thanh và các ca khúc viết về Thanh Hóa có quá trình hình
thành và phát triển như thế nào, có những đặc điểm, giá trị, vai trò gì trong
đời sống cộng đồng?


7

- Thực trạng kế thừa các giá trị của dân ca người Việt xứ Thanh trong
ca khúc viết về Thanh Hóa trong đời sống đương đại ra sao?
- Những bàn luận và vấn đề gì có thể rút ra từ thực tiễn kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong ca khúc viết về Thanh Hóa, góp phần xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?
Từ những câu hỏi nghiên cứu trên, luận án đưa ra giả thuyết nghiên cứu
như sau:
Một số ca khúc viết về Thanh Hóa tạo được thành công và trở thành
những bài ca đi cùng năm tháng là do biết kế thừa những giá trị đặc sắc của
dân ca xứ Thanh kết hợp với tinh thần của cuộc sống đương đại. Đó là những
ca khúc thể hiện được những nét bản sắc của vùng đất và con người Thanh
Hóa, nên dễ đi vào lòng công chúng và sống mãi với thời gian.
5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cách tiếp cận
Luận án sử dụng cách tiếp cận chính là tiếp cận của nghiên cứu văn hóa
dân gian. Bên cạnh đó, do dân ca và ca khúc đều là những hiện tượng văn hóa

mang tính chỉnh thể nguyên hợp, nên luận án cũng sử dụng cách tiếp cận liên
ngành, phối kết hợp các phương pháp và thành tựu nghiên cứu của văn hóa
học, nhân học văn hóa, âm nhạc dân tộc học để giải quyết các nhiệm vụ
nghiên cứu đề ra.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu
Luận án thu thập, tổng hợp, phân tích các nguồn tài liệu, văn bản, công
trình nghiên cứu, đề tài khoa học, luận án, luận văn, bài báo có liên quan, để
từ đó xác định được cơ sở lý luận và thực tiễn của luận án, tìm ra các lý thuyết
có thể vận dụng trong quá trình triển khai đề tài, kế thừa những kết quả
nghiên cứu đi trước, đồng thời có sự mở rộng, phát triển để tìm ra những đóng
góp mới của luận án.


8

5.2.2. Phương pháp điền dã thực địa, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu
NCS trực tiếp tham gia quan sát, tìm hiểu, trải nghiệm về sinh hoạt dân
ca của các nghệ nhân dân gian, hoạt động sáng tạo của các nhạc sĩ, ca sĩ, tham
gia các buổi biểu diễn…; đã tiến hành 59 cuộc phỏng vấn sâu gồm: 7 nhạc sĩ
sáng tác, 5 ca sĩ biểu diễn, 11 nhà quản lý văn hóa và các chuyên gia hoạt
động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 36 khán thính giả ở Thanh Hóa để
tìm hiểu, thu thập những ý kiến, quan điểm khác nhau về việc kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong các ca khúc viết về Thanh Hóa. Đối tượng phỏng
vấn sâu gồm những người ở các độ tuổi khác nhau (người cao tuổi, trung
niên, giới trẻ), giới tính, nghề nghiệp và các khu vực (nông thôn, đô thị) để
thu được những kết quả mang tính đại diện, xác thực thể hiện nhận thức, suy
nghĩ, đánh giá của họ về việc kế thừa dân ca trong ca khúc viết về Thanh Hóa,
vai trò, giá trị của các ca khúc đó trong đời sống đương đại. Đây là phương
pháp định tính quan trọng nhằm lắng nghe “tiếng nói của người trong cuộc”

để có được những nhận định, đánh giá mang tính khách quan, thực tế, đa
chiều trong quá trình nghiên cứu.
5.2.3. Phương pháp xử lý số liệu thứ cấp
Để bổ trợ cho các nghiên cứu định tính, NCS cũng kế thừa các kết quả
điều tra định lượng, các số liệu thứ cấp rút từ ra các báo cáo tổng kết, số liệu
thống kê, các Đề án, Dự án của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, Chi
hội nhạc sĩ Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa…
5.2.4. Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh được NCS sử dụng trong luận án khi nghiên cứu
so sánh giữa ngôn ngữ, ca từ, giai điệu, thang âm - điệu thức, nhịp điệu, âm
hình tiết tấu... của dân ca người Việt xứ Thanh với các ca khúc viết về Thanh
Hóa, để từ đó thấy được mức độ và các phương thức khai thác chất liệu dân
ca của các nhạc sĩ. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng được sử dụng khi đối


9

chiếu, so sánh dân ca xứ Thanh với một số thể loại dân ca khác ở một số địa
phương ở Việt Nam.
5.2.5. Các phương pháp và thao tác kỹ thuật khác
Ngoài ra, luận án cũng sử dụng các phương pháp chung trong nghiên
cứu khoa học như: thống kê, đối chiếu, diễn giải, biện luận và các thao tác kỹ
thuật như: ký âm, ghi âm đối với tác phẩm âm nhạc.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa khoa học
Luận án góp phần hệ thống hóa những vấn đề lý luận về mối quan hệ
giữa dân ca và ca khúc trong âm nhạc Việt Nam hiện nay, làm rõ một trong
những cội nguồn quan trọng của âm nhạc đương đại chính là âm nhạc dân gian,
bên cạnh việc tiếp thu và tiếp biến âm nhạc phương Tây, giúp cho nền âm nhạc
dân tộc “hòa nhập mà không hòa tan” trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đưa ra những bàn luận về vai trò của nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ thể hiện và
các yếu tố bổ trợ khác góp phần tạo nên sự thành công của các ca khúc mang
âm hưởng dân ca trong bối cảnh đương đại.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án làm rõ những phương diện cụ thể trong việc kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong sáng tác ca khúc về Thanh Hóa thời gian qua.
Luận án cũng chỉ ra những đặc điểm, giá trị, vai trò của các ca khúc
theo hướng sáng tác này đối với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của địa
phương. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề đặt ra đối với việc kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong sáng tác ca khúc viết về Thanh Hóa, luận án góp
phần định hướng việc bảo tồn và phát huy những vốn quý của di sản âm nhạc
dân tộc trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Luận án cũng góp thêm một cách nhìn, một tiếng nói mang tính tham
khảo cho các nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa và
hoạt động văn hóa tại địa phương cũng như trung ương về lĩnh vực này.


10

Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho khoa học chuyên
ngành và các đối tượng quan tâm đến vấn đề của luận án.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (6 trang), Tài liệu tham khảo
(12 trang) và Phụ lục (63 trang), luận án gồm có ba chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát
về dân ca người Việt xứ Thanh, ca khúc về Thanh Hóa (49 trang).
Chương 2: Tình hình kế thừa dân ca người Việt xứ Thanh trong ca
khúc về Thanh Hóa từ năm 1965 đến nay (33 trang).
Chương 3: Bàn luận và những vấn đề đặt ra đối với việc kế thừa dân ca
người Việt xứ Thanh trong ca khúc hiện nay (38 trang).



11

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ
KHÁI QUÁT VỀ DÂN CA NGƯỜI VIỆT XỨ THANH,
CA KHÚC VỀ THANH HÓA
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Các công trình mang tính lý luận về cách tiếp cận của nghiên
cứu văn hóa dân gian
Công trình Nghiên cứu folklore Mĩ của Jan Harold Bruvand, xuất bản
lần đầu vào năm 1968 và lần thứ hai năm 1985, là một công trình nghiên cứu
cơ bản về văn hóa dân gian được đánh giá cao, là cuốn sách hàng đầu được
chọn làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên và cho các khóa học về folklore.
Trong công trình tác giả đưa ra định nghĩa, giới thuyết, phạm vi nghiên cứu,
phương pháp nghiên cứu, phương pháp phân loại và các tiểu loại của
folklore… Công trình này đã khẳng định vị trí Jan Harold Bruvand trong giới
nghiên cứu folklore Mĩ cũng như trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu
folklore, Jan Harold luôn chú trọng tính nguyên hợp và đề cập đến một khía
cạnh rất quan trọng, đó là phương diện đạo lý, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp
lý của người sưu tầm đối với người cung cấp thông tin và tư liệu của họ…
[126].
Về lịch sử phát triển của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, trong bài
viết “Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc”, tác giả Ngô Đức Thịnh viết:
Thuật ngữ quốc tế "folklore (phôn-clo)" - Văn hóa dân gian, được W. J.Thom
sử dụng đầu tiên vào năm 1846 để chỉ "phong tục, tập quán, nghi thức, mê tín,
ca dao, tục ngữ... của người thời trước". Từ đó đến nay, bộ môn văn hóa dân
gian học đã ra đời và phát triển với ba trường phái lớn: trường phái phôn-clo
Anh - Mỹ chịu ảnh hưởng nhân học, trường phái phôn-clo Tây Âu chịu ảnh

hưởng xã hội học (điển hình là Pháp và I-ta-li-a) và trường phái phôn-clo Nga
chịu ảnh hưởng ngữ văn học [134].


12

Ở Việt Nam, thuật ngữ "phôn-clo" đã được sử dụng từ lâu và tùy theo
mỗi thời kỳ được dịch ra tiếng Việt là "văn học dân gian", "văn nghệ dân
gian" và nay là "văn hóa dân gian". Việc quan niệm rộng hẹp và chuyển ngữ
sang tiếng Việt khác nhau như vậy là do sự thay đổi nhận thức của chúng ta
về văn hóa dân gian và cũng do sự tiếp thu ảnh hưởng của các quan niệm
phôn-clo từ các trường phái khác nhau trên thế giới [134].
Cuốn Image - Music - Text (Hình ảnh - Âm nhạc - Văn bản) tập hợp
các bài tiểu luận lớn của Roland Barthes về phân tích cấu trúc của tự sự và về
các vấn đề trong lý thuyết văn học, về ký hiệu học của nhiếp ảnh và phim, về
thực hành âm nhạc và giọng nói. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác
giả đã mô tả hình thức thể hiện trong âm nhạc dân gian là một loại thanh nhạc
được đặc trưng bởi âm lượng giọng hát và giọng nói, không gian mà ý nghĩa
phát sinh “từ trong tiếng nói và bối cảnh tình cảm của nó” và nó được định vị
ở cổ họng, lưỡi và răng… [125].
Năm 2006, Viện Văn hóa - Thông tin (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật
Quốc gia Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy dân ca
trong xã hội đương đại (qua trường hợp Quan họ ở Bắc Ninh). Hội thảo thu
hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân gian trên thế giới
như Marina Roseman, Oshio Satomi, Bountheng Souksavatd… Học giả Max
Peter Baurmann, đến từ trường Đại học Bamberg - Cộng hòa liên bang Đức,
có bài viết “Di sản văn hóa phi vật thể - các truyền thống truyền miệng, tính
đa dạng và bản thuyết trình toàn cầu về sự hiểu biết liên văn hóa. Ông đã đưa
ra quan niệm: “… Lịch sử của truyền thống âm nhạc dân gian vì thế trước hết
là lịch sử của sự thờ ơ. Đồng thời nó luôn là lịch sử của việc trau dồi những

giá trị truyền thống tưởng tượng, của sự kính trọng hay vô lễ đối với những
biểu đạt của dân tộc cũng như cuộc đấu tranh để được thừa nhận bởi những
người ngoài cuộc và những nhóm chi phối họ” [73, tr.121].


13

Về tư liệu nghiên cứu văn hóa dân gian trước cách mạng tháng Tám
phải kể đến công trình của Nguyễn Văn Huyên. Luận án tiến sĩ Hát đối đáp
của nam nữ thanh niên An Nam (Les chants alternés des garcons et de s filles
en Annam) năm 1932 là một công trình tổng hợp về ngôn ngữ, dân tộc, âm
nhạc, sử học, văn học dân gian… “ Có chương chuyên nghiên cứu nhạc cụ,
lời hát dân gian trong các ngày hội lễ. Có chương chuyên phân tích phân tích
các kết cấu của từng thể ca trong lời hát đối đáp”… Sách đề cập đến tài ứng
tác văn chương của người bình dân, so sánh các lễ hội giao duyên ở nước ta
với các lễ hội giao duyên ở Lào, Thái, Tây Tạng Trung Quốc… [48, tr.23].
Tác giả Đinh Gia Khánh được giới nghiên cứu văn hóa dân gian đánh
giá là đã “đặt nền móng cho sự phát triển của ngành folklore học Việt Nam”
với công trình Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian xuất bản năm 1989. Một
trong những đóng góp quan trọng của cuốn sách là giới thuyết khái niệm “văn
hóa dân gian”. Tác giả là người đầu tiên đưa ra “tính chất nguyên hợp” của
văn hóa dân gian và phân tích các thành tố cơ bản của nó như nghệ thuật tạo
hình dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian và nghệ thuật ngữ văn dân gian.
Ông cũng viết về sinh hoạt văn hóa dân gian; các vấn đề lớn của văn hóa dân
gian như: lịch sử, lý luận, phương pháp luận trong nghiên cứu văn hóa dân
gian; vai trò của folklore học Việt Nam hiện nay trong sự nghiệp xây dựng
nền văn hóa mới… [33].
Theo ông, tác phẩm folklore tồn tại và vận động như một chỉnh thể
nguyên hợp. Vì vậy, cần tiếp cận nó theo hướng tiếp cận chỉnh thể. Chỉnh thể
ấy được cảm thụ bằng tất cả các giác quan trong cùng một lúc. Ông cho rằng:

“Tác phẩm folklore trong cùng một lúc tác động vào thị giác, vào thính giác,
vào cảm xúc nhịp điệu. Tác phẩm folklore lại có mối quan hệ hữu cơ với môi
trường, với sinh hoạt văn hóa, với thế ứng xử và lối ứng xử, với tập tục và
truyền thống lâu đời của cộng đồng…” [118, tr.10]. Để nghiên cứu một tác


14

phẩm folklore thì cần phải phân tích chỉnh thể nguyên hợp ấy ra các thành tố,
hơn nữa cần phải phân tích từng thành tố ra các yếu tố nhỏ hơn để có thể đi
sâu tìm hiểu nội dung cũng như cấu trúc của từng thành tố nói riêng, của
chỉnh thể nguyên hợp nói chung [118, tr.11].
Trong bài viết “Nghiên cứu âm nhạc từ góc độ phôncơlo học”, tác giả
Tô Đông Hải cho rằng: “Âm nhạc dân gian là một bộ phận không thể chia cắt
nổi của toàn bộ sinh hoạt phôncơlo của một tộc người, một dân tộc. Nó gắn
chặt với lễ hội, với múa, với những hoạt động diễn xướng, với nghệ thuật tạo
hình, với phong tục, tập quán của tộc người, dân tộc đó” [114, tr.234]. “Trong
khi nghiên cứu các loại hình âm nhạc, dân ca của người Việt, chúng tôi thấy
hiện tượng gồm 2 bộ phận, 2 yếu tố, 2 đơn vị lại tồn tại không phải trong cao
độ của âm thanh, mà ở trong nhịp điệu và tiết tấu của các âm thanh ấy” [114,
tr.232].
Theo tác giả Nguyễn Xuân Kính, nhiều công trình nghiên cứu khẳng
định rằng thành phần ngôn từ trong tác phẩm phôncơlo có thể không tồn tại
mà không có giai điệu, nhưng nếu giai điệu mà thiếu lời thì không tồn tại…
trong sự thống nhất giữa lời ca và giai điệu, yếu tố quyết định thường là phần
lời… [114, tr.147].
Nhìn chung các công trình nghiên cứu trên đã cung cấp những kiến
thức nền tảng, các phạm trù nhận thức, lý thuyết nghiên cứu, phương pháp
nghiên cứu, các khái niệm và thuật ngữ cơ bản rất cần thiết và hữu ích để
NCS có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình triển khai luận án.

1.1.2. Nghiên cứu về dân ca và ca khúc Việt Nam
1.1.2.1. Nghiên cứu về dân ca Việt Nam
Hiện nay đã có khá nhiều công trình của các nhà nghiên cứu đi trước
quan tâm tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, dân ca Việt
Nam nói riêng. NCS chỉ đi sâu phân tích một số công trình nghiên cứu về dân
ca Việt Nam có liên quan đến luận án.


15

Với đối tượng nghiên cứu là Việt Nam và mối quan tâm nghiên cứu
bao gồm: chính trị, văn hóa, biểu diễn, âm nhạc dân gian, sân khấu, nhân học
hình ảnh…, tác giả Lauren Meeker đã đưa ra nhiều vấn đề nghiên cứu mới
qua luận án Musical transmissons folk music, mediation and modernity in
Northern Vietnam (Sự chuyển tải âm nhạc: âm nhạc dân gian, sự điều chỉnh
và quá trình hiện đại hóa ở miền Bắc Việt Nam) (2007). Từ cách tiếp cận
nhân học, tác giả xem xét yếu tố diễn xướng trong âm nhạc dân gian, sự trao
truyền, kỹ thuật thể hiện…(trong đó có đề cập đến dân ca Việt Nam) [135].
Bài viết “Dân ca Việt Nam - dòng sữa mẹ” [60] của tác giả Tú Ngọc
cung cấp một cái nhìn tổng quan về kho tàng dân ca trên khắp đất nước Việt
Nam. Tác giả đã cho độc giả hiểu biết về sự phong phú của các thể loại, sự
gắn bó của từng thể loại với môi trường và phương thức diễn xướng cụ thể;
cũng như chức năng thực hành xã hội và giá trị nghệ thuật của dân ca.
Trong chuyên khảo Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam [61] tác giả Tú
Ngọc đã giải quyết một cách khoa học các vấn đề: Mối quan hệ giữa ngữ âm
tiếng Việt và giai điệu dân ca – sự hình thành những phong cách giai điệu,
những hình thái âm điệu đặc trưng, ý nghĩa biểu hiện và vai trò điệu tính của
chúng, những phương thức phát triển giai điệu trong dân ca. Bài viết đã cung
cấp một cách tiếp cận mới, các kiến thức nền tảng, những khái niệm cơ bản để
nghiên cứu dân ca Việt Nam.

Công trình nghiên cứu Dân ca Việt Nam những thành tố của chỉnh thể
nguyên hợp của tác giả Lê Văn Chưởng đã sử dụng thuật ngữ dân ca với
phương pháp tiếp cận nghiên cứu chỉnh thể. Tác giả quan niệm dân ca là
những bài thơ dân gian được diễn xướng theo nhiều làn điệu, trên nhiều môi
trường khác nhau. Do vậy, công trình không những chỉ tiếp cận những bài thơ
dân gian mà còn âm nhạc và trình diễn dân gian bởi dân ca vốn là một tổng
thể hoàn chỉnh (chỉnh thể) có tính nguyên hợp [12].


16

Giáo trình Âm nhạc cổ truyền Việt Nam của tác giả Nguyễn Thụy Loan
(2005) gồm ba chương và riêng chương ba trình bày sơ lược về các vùng dân
ca Việt Nam. Ở chương này, tác giả nêu lên đặc trưng, vai trò và giá trị của
dân ca Việt Nam, đặc biệt là phần các vùng dân ca: Dân ca đồng bằng, trung
du Bắc Bộ và cực Bắc Trung Bộ; Dân ca vùng đồng bằng và ven biển Bắc
Trung Bộ; Dân ca vùng đồng bằng và ven biển Nam Trung Bộ; Dân ca vùng
đồng bằng Nam Bộ; Dân ca miền núi phía Bắc; Dân ca Trường Sơn – Tây
Nguyên [53].
Giáo trình Hát dân ca của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2008) dùng
cho đối tượng trung cấp âm nhạc cũng đã giới thiệu sơ lược về các vùng dân
ca Việt Nam. Tác giả đã chia dân ca thành hai bộ phận chính: Dân ca dân tộc
Việt (gồm: Dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) và dân ca các dân tộc thiểu
số (gồm: Dân ca các dân tộc vùng Việt Bắc, vùng Tây Bắc, dân ca Tây
Nguyên, dân ca Chăm, dân ca Khmer Nam Bộ, dân ca người Hoa Nam Bộ)
[40].
Trong công trình nghiên cứu Cấu trúc dân ca người Việt, tác giả Huyền
Nga đã đề cập đến lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc trong dân ca và đối tượng để
xem xét, phân tích là dân ca người Việt. Tư liệu để phân tích là các thể loại:
Hát ru, Đồng dao, Nghi lễ phong tục, hát Giao duyên, Lý, Hò, Ngâm, Nói

thơ… ba miền Bắc - Trung - Nam. Công trình đã đi sâu nghiên cứu cấu trúc
của dân ca với các chủ đề: Khái niệm và tiêu chí phân tích cấu trúc trong dân
ca, sự khởi nguồn của cấu trúc dân ca; lời ca trong mối quan hệ qua lại với
cấu trúc dân ca. Trên cơ sở đó, công trình đi sâu khảo sát các dạng cấu trúc
chính trong dân ca người Việt gồm: cấu trúc nguyên sơ; cấu trúc làn điệu; cấu
trúc ca khúc dân gian [57].
Đây là những công trình quý giá cung cấp cho NCS những kiến thức
nền tảng, những hiểu biết cơ bản về dân ca Việt Nam nói chung, dân ca các
vùng miền nói riêng.


17

1.1.2.2. Nghiên cứu về ca khúc Việt Nam
Nhằm đi đến thống nhất nhận định về một số vấn đề cơ bản trong cách
nhìn nhận sự hình thành một dòng nhạc mới của nền âm nhạc Việt Nam vào
giai đoạn những năm 30 - 50 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu âm nhạc đã
tìm ra những cơ sở lịch sử - khoa học cho việc đánh giá giai đoạn lịch sử này,
đánh giá những tác phẩm ra đời trong giai đoạn ấy, đánh giá những nhạc sĩ
Việt Nam trong các giai đoạn, mà thời kỳ những năm 30 - 50 là rất quan
trọng, vì đó là bước ngoặt, một biến đổi có tính quyết định cho sự phát triển
tiếp tục của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và nền âm nhạc chuyên nghiệp
- bác học Việt Nam nói riêng.
Liên quan đến vấn đề này, NCS đi sâu tìm hiểu một số công trình
nghiên cứu của các nhà khoa học có liên quan đến luận án, cụ thể như:
Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học của Vũ Tự Lân (1996) Những ảnh
hưởng của âm nhạc châu Âu trong ca khúc Việt Nam giai đoạn những năm
1930 – 1950 đề cập đến những đặc trưng cấu thành ngôn ngữ âm nhạc châu
Âu và ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam (chủ yếu trong loại hình ca khúc) trong
giai đoạn những năm 1930 – 1950 như: cấu trúc thang âm – điệu thức, hình

thức, phương pháp xây dựng và phát triển giai điệu, xây dựng lời ca nhằm tìm
ra sự tương đồng và khác biệt của hai ngôn ngữ âm nhạc, những ảnh hưởng
tích cực của âm nhạc Pháp – châu Âu tác động vào sáng tác âm nhạc Việt
Nam (chủ yếu là ca khúc) và sự phát triển tự thân, chủ động của nhạc sĩ Việt
Nam trong khi tiếp thu những ảnh hưởng đó [37].
Một công trình đồ sộ khác là Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và
thành tựu (2000) của nhóm tác giả: Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân,
Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên. Đây là công trình khoa học đầu tiên được
tổng kết dưới dạng chuyên luận, mang tính hệ thống, đánh giá cả một quá
trình hình thành và phát triển của âm nhạc mới Việt Nam trải dài gần toàn


18

toàn bộ thế kỷ XX. Mặc dù công trình đã coi âm nhạc là một hiện tượng văn
hóa, nhưng do đặc thù của chuyên ngành và tính chất của đề tài, nên các tác
giả hầu như thiên về thủ pháp của chuyên ngành âm nhạc học, mà ít đề cập tới
tầng nền văn hóa, xã hội…[63].
Luận án tiến sĩ của Nguyễn Đăng Nghị (2009), Những đặc trưng của ca
khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 – 1975 đã tìm ra một số đặc trưng
của ca khúc cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến 1975. Qua nghiên cứu
này, tác giả đã lý giải, khẳng định những đặc trưng này chỉ có thể xây dựng
trên cơ sở tầng nền của truyền thống văn hóa Việt Nam. Để làm rõ vấn đề
nghiên cứu, tác giả đã phân tích chỉ ra sự tác động của lịch sử, xã hội, điều
kiện tự nhiên… chính là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến
sự hình thành những nét riêng của ca khúc cách mạng Việt Nam [59].
Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam
thế kỷ XX (2003) do Viện âm nhạc xuất bản được chia thành 5 tập gồm 7 phần
tư liệu về các mảng khác nhau trong âm nhạc. Hợp tuyển là những bài viết
tiêu biểu về âm nhạc Việt Nam được in trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt

san, nội san, tạp chí… và được xuất bản tại Việt Nam trong khoảng thời gian
từ đầu nǎm 1901 đến hết nǎm 2000. NCS đã tham khảo được nhiều bài viết có
giá trị của các tác giả từ tuyển tập này.
Trong bài viết “Phổ thơ là nâng cao chất lượng văn học và nghệ thuật
trong ca khúc” của tác giả Văn Chung đã giới thiệu kinh nghiệm phổ thơ của
một số dân ca hý khúc lưu truyền trong dân gian của ta và trình bày những
quan niệm của ông về phổ thơ:
Mặc dầu nhạc có quy luật của nhạc, thơ có quy luật của thơ, nhưng
hai cái có thể phối hợp được bằng cách dựa trên thơ làm nhạc, trong
đó nhạc vẫn có khả năng phát huy được đặc tính của âm nhạc.
Trường hợp này, cần có sự cộng tác mật thiết giữa thi sĩ và nhạc sĩ


19

để lựa chọn, gọt giũa, cắt xén, phát triển… để cho những quy luật
khác nhau giữa thơ và nhạc đó trở nên phù hợp, gắn bó hữu cơ với
nhau [11, tr. 410].
Bài viết “Về việc đặt lời cho ca khúc” của tác giả Nguyễn Đình San nói
về mối quan hệ mật thiết giữa phần nhạc với phần lời trong một ca khúc.
Thông qua một số dẫn chứng từ các ca khúc, tác giả đã nhận định rằng: “Lời
trong ca khúc chỉ là cụ thể hóa ý tình nằm trong giai điệu, nó không thể thay
thế giai điệu để nói hộ tác giả” [83, tr.901]. Thực tế cho thấy nhiều ca khúc
phần lời minh họa dài dòng nội dung vấn đề, sử dụng những danh từ trừu
tượng, những từ ngữ vay mượn hoặc chuyên môn thuần túy, thanh điệu của
lời không sắp xếp hợp lý để ứng với các quãng của giai điệu… [80].
1.1.3. Nghiên cứu về việc sử dụng, khai thác chất liệu dân gian trong
ca khúc Việt Nam
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có những ngôn ngữ riêng để xây
dựng và truyền tải nội dung nghệ thuật của mình, nếu như nghệ thuật tạo hình

có ngôn ngữ đường nét, hình khối, màu sắc; nghệ thuật múa có ngôn ngữ là
hình thể con người... thì nghệ thuật sáng tác ca khúc cần có ngôn ngữ âm
nhạc và ngôn ngữ lời ca.
Đã có nhiều nhạc sĩ sử dụng văn học dân gian làm lời ca trong nghệ thuật
sáng tác ca khúc của mình, nhất là từ khi nghệ thuật dân gian ngày càng được
quan tâm và đánh giá đúng mức, thì việc làm này diễn ra thường xuyên hơn, có
tính trào lưu, hệ thống và ngày càng khẳng định giá trị nhất định của nó.
Trong bài viết “Âm nhạc dân gian với tác phẩm chuyên nghiệp”, tác giả
Nguyễn Viêm đã có những dẫn giải để làm rõ tính dân tộc trong âm nhạc
được tạo nên từ việc người nhạc sĩ đưa chất liệu âm nhạc cổ truyền vào tác
phẩm mới và từ việc phát triển những hình tượng thơ ca dân gian. Ông khẳng


×