Tải bản đầy đủ (.docx) (117 trang)

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG GIÁO dục sức KHỎE về PHÒNG CHỐNG BỆNH TĂNG HUYẾT áp và đái THÁO ĐƯỜNG týp 2 tại TRẠM y tế xã, HUYỆN yên KHÁNH, TỈNH NINH BÌNH, năm 2019

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.36 MB, 117 trang )

1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Truyền thông giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) là nội dung quan trọng
trong các nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) mà Hội nghị quốc
tế về chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Alma-Ata (1978) đã nêu, cần tất cả các
nước trên thế giới cố gắng thực hiện [1]. Hoạt động TT-GDSK đã góp phần
quan trọng và tích cực vào kết quả đạt được của các chương trình, hoạt động y
tế dự phòng nói riêng và vào thành công của chiến lược chăm sóc sức khỏe
nhân dân (CSSKND) nói chung [2]. Đảng, Nhà nước và ngành Y tế nước ta
luôn coi trọng và khẳng định công tác TT-GDSK là một phần không thể thiếu
được trong sự nghiệp bảo vệ và CSSKND. Ban chấp hành Trung ương Đảng
đã khẳng định công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe là một
trong những nhiệm vụ quan trọng và giải pháp chủ yếu để bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới [3]. Xây dựng và
đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nhân dân thực hiện lối sống lành
mạnh; khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật; hạn chế tác hại của thuốc lá,
rượu, bia, đồ uống có cồn, có ga; thực hiện ăn chín, uống sôi; giữ gìn vệ sinh
cá nhân và môi trường sống. Củng cố, phát triển mạng lưới truyền thông
từ Trung ương đến thôn, xóm; xây dựng các thông điệp, nội dung truyền
thông phù hợp để người dân dễ nhớ, dễ hiểu, nâng cao nhận thức, thay đổi
hành vi trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình
và xã hội [4].
Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh không lây truyền từ người này
sang người khác, hoặc từ động vật sang người. Hầu hết BKLN là bệnh mạn
tính, khó chữa khỏi. Theo nghiên cứu gánh nặng về bệnh tật toàn cầu cho
thấy trong tổng số 52,7 triệu ca tử vong năm 2010, có 65,5% là do các
BKLN. Điều đáng báo động là các ca tử vong do các BKLN ở các nước


2
đang phát triển càng ngày càng xảy ra ở nhóm tuổi trẻ hơn [5]. Trong bối


cảnh hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định phê duyệt Chiến lược
quốc gia phòng chống các BKLN giai đoạn 2015-2025, với mục tiêu rất rõ
ràng: “Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại
cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN, trong đó ưu
tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tăng huyết áp (THA), đái tháo đường,
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, nhằm góp phần bảo vệ, chăm
sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất
nước” [6].
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế quận,
huyện [7]. Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam, trạm y tế xã là nơi
đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau với chức năng và nhiệm vụ cung cấp,
thực hiện các dịch vụ CSSKBĐ, các hoạt động y tế cho nhân dân trên địa bàn
[7],[8]. TT-GDSK là tiêu chí thứ 10 trong “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai
đoạn đến 2020”, các Trạm y tế xã đã có nhiều hoạt động TT-GDSK và mang
lại tác dụng rất lớn về trang bị những kiến thức phòng chống bệnh, giữ gìn
sức khoẻ tại cộng đồng [9]. Tuy nhiên, thực tế tình hình hoạt động TT-GDSK
phòng chống các BKLN nói chung và cụ thể là THA và đái tháo đường týp 2
(ĐTĐT2) của tuyến y tế xã hiện nay như thế nào? Những yếu tố nào có thể là
yếu tố thuận lợi hoặc khó khăn đối với hoạt động TT-GDSK phòng chống
bệnh THA và ĐTĐT2? Để có cơ sở khoa học trả lời các câu hỏi này và cung
cấp những thông tin nhằm đưa ra khuyến nghị về giải pháp, xây dựng các
chương trình hành động về TT-GDSK phòng chống BKLN nói chung và
phòng chống bệnh THA và ĐTĐT2 nói riêng, chúng tôi tiến hành nghiên cứu
“Thực trạng hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống
bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường týp 2 tại trạm y tế xã, huyện Yên
Khánh, tỉnh Ninh Bình, năm 2019.


3


Mục tiêu nghiên cứu:
1. Mô tả thực trạng hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về
phòng chống bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường týp 2 tại các
trạm y tế xã, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình năm 2019.
2. Phân tích một số thuận lợi, khó khăn trong thực hiện truyền thông
giáo dục sức khỏe phòng chống hai bệnh trên tại các trạm y tế xã
được nghiên cứu.


4
Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Một số khái niệm liên quan đến Truyền thông giáo dục sức
khỏe và vai trò của Truyền thông giáo dục sức khỏe trong
công tác chăm sóc sức khỏe.
1.1.1. Khái niệm chung về sức khỏe

Ngay từ khi hình thành cuộc sống của con người, sức khỏe đã trở
thành một chủ đề quan tâm chính của nhân loại, vấn đề được đề cập là sự
chống chọi với bệnh tật của con người và miêu tả những yếu tố tác động có
hại với sức khỏe, cũng như các yếu tố giúp cho con người khỏe mạnh và kéo
dài cuộc sống.
Năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập, với mong
muốn đem lại sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người. WHO đã định nghĩa:
“Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần, và xã hội
chứ không chỉ là không có bệnh tật hoặc đau yếu” [10]. Theo định nghĩa này,
tình trạng sức khoẻ tốt còn mang ý nghĩa là con người đạt được sự cân bằng
động với môi trường xung quanh, có khả năng thích ứng với môi trường [11].
Đối với cá nhân, tình trạng sức khoẻ tốt có ý nghĩa là chất lượng cuộc sống
của họ được cải thiện, ít bị đau ốm, ít khuyết tật; cuộc sống cá nhân, gia đình

và xã hội hạnh phúc; cá nhân có cơ hội lựa chọn trong công việc và nghỉ ngơi.
Đối với cộng đồng, có tình trạng sức khoẻ tốt có nghĩa là chất lượng cuộc
sống của người dân cao hơn; người dân có khả năng tham gia tốt hơn trong
việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động phòng bệnh, hoạch định chính
sách về sức khoẻ. Nói cách khác, chỉ riêng ngành y chưa thể mang lại sức
khỏe con người mà còn cần phải có sự tham gia của nhiều ngành khác nữa.
Ngoài ra định nghĩa này cũng hàm ý: Để có được sức khỏe ta không chỉ thực
hiện việc phòng bệnh, chữa bệnh mà còn phải thực hiện các hoạt động mang
lại đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú cùng các hoạt động cải thiện điều


5
kiện kinh tế, văn hóa và xã hội [12],[13].
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết trên báo Cứu Quốc một
câu: “Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái thế mới là sức khỏe”.
Như vậy, sức khỏe là sự phối hợp hài hòa cả ba thành phần: Thể chất,
tinh thần và xã hội, các thành phần này có quan hệ biện chứng với nhau tạo
nên con người có sức khỏe [14],[15].
Ngày nay con người đã có nhiều kiến thức và phương tiện để phòng
ngừa và kiểm soát bệnh tật. Nhiều người đã biết cách phòng bệnh, bảo vệ sức
khỏe cho cá nhân, cho gia đình và cho cả cộng đồng. Gần đây, khoa học y học
đã có những tiến bộ vượt bậc. Chúng ta đã hiểu biết toàn diện hơn, sâu hơn về
các yếu tố nguy cơ của bệnh tật, các thông tin dịch tễ về tình hình bệnh tật,
đau ốm ở các nhóm dân cư khác nhau trong cộng đồng. Thực tế cũng cho
chúng ta thấy rằng sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe có thể đạt được nếu các điều
kiện kinh tế và xã hội được thay đổi một cách tích cực.
Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ nặng nề
nhưng cũng rất vẻ vang, Đảng, Chính phủ và nhân dân đã tin tưởng giao phó
nhiệm vụ đó cho ngành Y tế [16]. Trên chặng đường hình thành và phát triển
của mình cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngành Y tế

cách mạng Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn rất đáng tự hào
trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mặc dù vẫn còn
những yếu kém và thách thức cần giải quyết [17]. Y tế Việt Nam lấy nền tảng
công bằng, coi trọng hiệu quả vì mục tiêu: “Mọi người đều được quan tâm
CSSK” [18]. Theo Nghị quyết Trung ương VI khóa XII nêu rõ “Sức khoẻ là
vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống
chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là


6
nòng cốt" [19].
1.1.2.

 Truyền

Một số khái niệm cơ bản về Truyền thông giáo dục sức khỏe
thông: là một quá trình giao tiếp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa

người truyền với người nhận nhằm đạt được sự hiểu biết, nâng cao nhận thức,
thay đổi thái độ và hành vi của đối tượng [20],[21],[22]. Truyền thông là một
quá trình diễn ra theo trình tự thời gian, trong đó bắt buộc phải có các yếu tố
sau:
- Người truyền thông: là yếu tố mang thông tin tiềm năng và khởi
xướng quá trình truyền thông. Người truyền thông là người hay nhóm người
mang nội dung thông tin muốn được trao đổi với người hay nhóm người khác.
- Thông điệp: thông điệp truyền thông là nội dung cơ bản được trình
bày ngắn gọn, súc tích, thuyết phục về một vấn đề nào đó mà người truyền
muốn chuyển đến người nhận nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ và hành

động của họ để đạt được mục tiêu mong muốn của người, tổ chức thiết kế
thông điệp. Thông điệp có thể là: lời nói, chữ viết; biểu cảm của khuôn mặt,
ánh mắt, hay biểu tượng, hình ảnh.
- Kênh truyền thông: là sự thống nhất của phương tiện, con đường,
cách thức chuyển tải thông điệp từ người truyền đến người nhận. Căn cứ vào
đặc điểm và tính chất cụ thể , người ta thường chia kênh truyền thông thành 2
loại hình: truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp.
- Người được truyền thông: là các cá nhân hay nhóm người tiếp nhận
thông điệp trong quá trình truyền thông.
- Phản hồi: là phản ứng của người nhận đối với thông điệp của người
truyền về những suy nghĩ, thái độ, thực hành khi nhận thông điệp.
- Nhiễu: nhiễu là các yếu tố có thể gây ra sự sai lệch thông tin trong quá
trình truyền thông.


7
- Hiệu quả của truyền thông: được xem xét trên cơ sở những thay đổi
về kiến thức, nhận thức, thái độ và thực hành của đối tượng được TT-GDSK.


Giáo dục sức khoẻ: là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến
tình cảm và lý trí con người, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ theo
hướng tích cực và thực hành các hành vi có lợi cho sức khoẻ của cá nhân, gia
đình và cộng đồng. Mục đích của giáo dục sức khỏe là nhằm giúp đối tượng
thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe [22].

 Các phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe:
- Truyền thông giáo dục sức khỏe gián tiếp: nội dung TT-GDSK được
thực hiện qua đài phát thanh, truyền hình, báo, áp phích, tranh gấp... với ưu
điểm là nội dung truyền thông thống nhất, đến được nhiều người, nhanh, tạo

được dư luận xã hội nhưng lại khó thu được thông tin phản hồi, chỉ làm tăng
kiến thức là chủ yếu, khó làm thay đổi thái độ và thực hành của đối tượng.
Đòi hỏi phải có trang thiết bị [21].
- Truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp: nội dung TT-GDSK được
thực hiện trực tiếp giữa người với người với nhiều ưu điểm như: tạo sức tin
cậy cho thông điệp, cung cấp thông tin một cách chi tiết, thảo luận được các
chủ đề nhạy cảm riêng tư, nhận được ngay các thông tin phản hồi từ đối tượng
được truyền thông, thích hợp cho các thông tin phức tạp hoặc dạy các kỹ
năng, cộng đồng có thể hỗ trợ trong việc lan truyền thông điệp tuy nhiên cần
có đủ thời gian và thông tin chỉ đến được với số ít đối tượng, đặc biệt phụ
thuộc rất nhiều vào kỹ năng của truyền thông viên (được đào tạo, tập huấn) và
đòi hỏi sự đầu tư nhiều trong thiết kế thông điệp [21].

 Các cách tiếp cận truyền thông giáo dục sức khỏe: Đối tượng truyền thông
thay đổi hành vi có thể là cá nhân, nhóm hay công chúng nói chung. Căn cứ
vào việc tổ chức tiếp cận đối tượng để tác động có các cách tiếp cận sau [21].


8
- Cách tiếp cận cá nhân: Truyền thông giáo dục sức khỏe cho trực tiếp
cho các cá nhân, hay còn được gọi là phương pháp TT-GDSK mặt đối mặt
giữa người thực hiện TT-GDSK và đối tượng được TT-GDSK như: tư vấn
trực tiếp giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng,. Truyền thông giáo dục
sức khỏe bằng phương pháp tư vấn cho cá nhân cũng có thể sử dụng phương
pháp gián tiếp qua phương tiện tiện như: tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua viết
thư, hoặc gửi thư điện tử.
- Tiếp cận nhóm: Tiếp cận nhóm là truyền thông giáo dục sức khỏe cho
một nhóm người, một tổ chức nào đó. Tiếp cận TT-GDSK theo nhóm có thể là
sử dụng phương pháp gián tiếp hoặc trực tiếp. Chẳng hạn các cuộc họp mặt,
thảo luận nhóm, giảng bài toạ đàm với nhóm... đều là TT-GDSK cho nhóm

trực tiếp. Nhưng nếu các thông điệp truyền thông được chuyển tải qua các ấn
phẩm, các phương tiện nghe nhìn tới nhóm người, thì đó là TT-GDSK gián
tiếp (qua phương tiện) [21].
- Tiếp cận xã hội (đại chúng): Tiếp cận xã hội không mang tính cá nhân
và nhóm mà là sự phát tán thông điệp diễn ra trên một diện rộng thông qua
các phương tiện in ấn (báo, tạp chí, pa-nô, tờ rơi, sách), phát thanh, truyền
hình và phim ảnh đến công chúng. Các thông điệp sử dụng trên các phương
tiện thông tin đại chúng được xây dựng có tính chất chuyên môn để phù hợp
với từng phương tiện truyền thông. Mặc dù truyền thông đại chúng không có
tính tương tác như truyền thông trực tiếp, tuy nhiên việc tiếp nhận thông điệp
vẫn diễn ra ở từng cá nhân [21].


9
1.1.3. Vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe trong công tác chăm sóc sức

khỏe
TT-GDSK được xếp là nội dung số một trong các nội dung
CSSKBĐ. Nhiều tài liệu của WHO đã đề cập đến vai trò quan trọng của
TT-GDSK trong CSSKBĐ [13]. Để đẩy mạnh công tác CSSK nói chung và
CSSKBĐ nói riêng có thể lựa chọn hai giải pháp, giải pháp thứ nhất là đầu
tư cho đào tạo nhiều loại hình cán bộ y tế để mở rộng thực hiện các nhiệm
vụ CSSK cho nhân dân; Giải pháp thứ hai là cung cấp các kiến thức, nâng
cao trình độ hiểu biết để mọi người có thể tự CSSK cho mình, cho gia đình
và cho cộng đồng. Thực tế cho thấy các cá nhân, gia đình và cộng đồng
đưa ra hầu hết các quyết định CSSK cho họ chứ không phải cán bộ y tế.
Chính vì vậy, giải pháp thứ hai mang tính khả thi cao, được nhiều người ủng
hộ vì giá thành đầu tư thường thấp và được nhân dân chấp nhận. Lựa chọn
giải pháp thứ hai có nghĩa là phải đẩy mạnh các hoạt động TT-GDSK ở các
tuyến, nhất là tuyến cơ sở, vì TT-GDSK là quá trình giúp đỡ, động viên để

mọi người hiểu và chọn được cách giải quyết thích hợp nhất vấn đề sức khỏe
của họ [23],[24].
TT-GDSK là một quá trình cần được tiến hành thường xuyên, liên tục,
lâu dài, kết hợp nhiều phương pháp. Hoạt động TT-GDSK không phải chỉ đơn
thuần là phát đi các thông tin hay thông điệp về sức khỏe, hay cung cấp thật
nhiều thông tin về sức khỏe cho mọi người, mà là quá trình tác động có mục
đích, có kế hoạch vào con người nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và cách
thực hành của mỗi người nhằm NCSK cho họ và cho cả cộng đồng. Hoạt
động TT-GDSK thực chất là tạo ra môi trường hỗ trợ cho quá trình thay đổi
hành vi sức khỏe của mỗi người nhằm đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất
có thể được [25].
Sự tập trung của TT-GDSK là vào lý trí, tình cảm và các hành động


10
nhằm thay đổi hành vi có hại, thực hành hành vi có lợi mang lại cuộc sống
khỏe mạnh, hữu ích cho mọi người. TT-GDSK cũng là phương tiện hỗ trợ
nhằm phát triển ý thức con người, phát huy tính tự lực cánh sinh và chủ động
phòng ngừa và giải quyết vấn đề sức khỏe của cá nhân và cộng đồng [26].
Làm cho mọi người thay đổi các hành vi sức khỏe có hại, thực hành các
hành vi, lối sống lành mạnh là nhiệm vụ trọng tâm của TT-GDSK. Quá trình
thay đổi hành vi thường diễn ra một cách phức tạp, quá trình này chịu tác
động của rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, diễn ra qua nhiều giai
đoạn [27]. Hầu hết các vấn đề sức khỏe không thể chỉ giải quyết bằng
thuốc hay các phương pháp điều trị, mà cần kết hợp với các biện pháp khác
trong đó có vai trò quan trọng của TT-GDSK và các hoạt động tư vấn hỗ trợ
thay đổi hành vi và duy trì hành vi lành mạnh [13].
Hoạt động TT-GDSK không thay thế được các dịch vụ CSSK khác,
nhưng nó góp phần nâng cao hiệu quả của các dịch vụ CSSK khác. Đầu tư
cho TT-GDSK chính là đầu tư có chiều sâu, lâu dài cho công tác bảo vệ và

NCSK. Hoạt động TT-GDSK thể hiện quan điểm dự phòng trong CSSK,
mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững vì nếu mọi người có hiểu biết và có
những kỹ năng nhất định về phòng chống bệnh tật, NCSK, họ có thể chủ
động quyết định hành vi CSSK đúng đắn. Hiện nay, rất nhiều chương trình
CSSK sẽ không thể thành công nếu không chú trọng đến vai trò của TTGDSK nhằm thay đổi các hành vi liên quan đến sự tồn tại của các vấn đề
sức khỏe.

1.2.

Các yếu tố làm cho Truyền thông giáo dục sức khỏe có hiệu

quả
Mục đích của truyền thông là một quá trình liên tục chia sẻ thông tin,
kiến thức, thái độ tình cảm và kỹ năng, nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau


11
giữa bên truyền và bên nhận thông điệp, dẫn đến các thay đổi trong nhận
thức và hành động.
Truyền thông bao gồm 3 khâu cơ bản liên quan chặt chẽ với nhau,
được mô tả theo sơ đồ sau:
Nguồn
phát tin

Kênh truyền tin

Nơi
nhận tin

Sơ đồ 1.1 Ba khâu cơ bản của truyền thông


Vì vậy, hiệu quả của quá trình truyền thông phụ thuộc vào cả 3 khâu
cơ bản là nguồn phát tin, kênh truyền tin và nơi nhận tin.
Nguồn phát tin:
Nguồn phát tin chính là những người thực hiện TT-GDSK. Người thực
hiện TT-GDSK là mắt xích quan trọng nhất, quyết định đến kết quả và hiệu
quả của quá trình truyền thông. Để đạt được kết quả và hiệu quả tốt, các cán
bộ làm công tác TT-GDSK trước hết cần phải có kiến thức về y học. Đó là
những kiến thức cần thiết về những vấn đề sức khỏe, bệnh tật cần TT-GDSK
để có thể soạn thảo các nội dung và thông điệp phù hợp với từng loại đối
tượng đích. Bên cạnh đó, những kiến thức về tâm lý học và khoa học hành vi,
kiến thức và kỹ năng về giáo dục học, kiến thức và kỹ năng truyền thông giao
tiếp, sự hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa xã hội và những vấn đề kinh
tế, chính trị của cộng đồng là những điều kiện cần thiết hỗ trợ cho quá trình
TT-GDSK diễn ra thuận lợi, phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Kiến thức về tâm lý học và khoa học hành vi giúp hiểu được tình cảm,
tâm lý, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi, quá trình thay đổi hành vi của các


12
đối tượng đích, từ đó chọn các cách giao tiếp, các phương tiện và phương
pháp TT-GDSK cho thích hợp với từng loại đối tượng đích. Thực chất của TTGDSK là quá trình dạy và học, vì thế người TT-GDSK cần vận dụng các kiến
thức giáo dục học, tạo điều kiện hỗ trợ cho quá trình học tập của đối tượng
đích. Kiến thức và kỹ năng truyền thông giao tiếp là điều kiện cần thiết để
thực hiện mọi hoạt động TT-GDSK hiệu quả [20]. Song, để đảm bảo có cách
tiếp cận và thực hiện giáo dục thích hợp, được sự chấp nhận của đối tượng và
của cộng đồng, người TT-GDSK cũng cần nắm được các thông tin cơ bản về
cộng đồng, bao gồm các thông tin về đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của
cộng đồng. Người cán bộ TT-GDSK phải có sự hiểu biết về phong tục tập
quán, văn hóa xã hội và những vấn đề kinh tế, chính trị của cộng đồng [13].

Thông điệp và kênh truyền thông:
Thông điệp cần chứa đựng và chuyển tải những nội dung cốt lõi cần
được truyền thông, bao gồm những từ ngữ, tranh ảnh, các hiện vật hấp dẫn,
gợi cảm và những tiếng động được sử dụng để chuyển những ý tưởng qua đó.
Để đảm bảo TT-GDSK có hiệu quả cao thì thông điệp truyền đi cần đạt một
số yêu cầu cơ bản là: Rõ ràng, chính xác, hoàn chỉnh, có tính thuyết phục, có
thể thực hiện được và đảm bảo tính hấp dẫn. Tuy vậy chỉ quan tâm đến thông
điệp chưa đủ mà cần chú ý các kênh truyền thông chuyển tải thông điệp được
sử dụng. Để chuyển tải được thông điệp, kênh truyền thông phải phù hợp với
đối tượng đích [28]. Vì vậy, khi chọn kênh truyền thông phải quan tâm đến
khả năng tiếp cận với kênh truyền thông của các nhóm đối tượng đích.
Nguyên tắc chọn kênh truyền thông là đảm bảo tối đa cho nhóm đối tượng
đích có đủ các điều kiện để thu nhận được thông tin từ kênh truyền thông đó.


13
Các phương tiện, thiết bị phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ
như các phương tiện nghe nhìn chuyển tải các hình ảnh, âm thanh, lời nói,
chữ viết phải rõ ràng, đầy đủ. Cần cố gắng để hạn chế đến mức tối đa tình
trạng trục trặc kỹ thuật xảy ra khi đang truyền thông, có thể gây gián đoạn hay
ức chế người nghe, người xem, làm cho họ không tiếp tục chú ý đến chương
trình truyền thông nữa [20].
Nơi nhận tin:
Người nhận tin trong truyền thông chính là người được TT-GDSK.
Người được truyền thông phải có khả năng tiếp nhận thông tin. Ví dụ, đối
tượng bị khiếm thị sẽ không tiếp cận được các thông điệp bằng hình ảnh. Bên
cạnh đó, để quá trình truyền thông có hiệu quả, người được truyền thông phải
nhận ra nhu cầu cần tiếp nhận thông tin của họ và sẵn sàng tiếp nhận thông
tin. Nếu đối tượng không thấy rõ nhu cầu, họ sẽ không chú ý tiếp nhận, phân
tích để hiểu nội dung của thông điệp. Ngoài ra, khi nhận thông điệp đối tượng

phải có đủ khả năng về trí tuệ để có thể phân tích thông điệp, từ đó hiểu thông
điệp và phản hồi lại người gửi thông điệp, đồng thời thực hiện hành động theo
thông điệp đã nhận.
Như vậy, chúng ta thấy hai trong ba khâu cơ bản giúp cho quá trình
truyền thông đạt hiệu quả cao đó là người làm truyền thông và kênh truyền
thông. Người thực hiện truyền thông là mắt xích quan trọng, quyết định
nhưng không thể thiếu kênh truyền thông, đó là cầu nối để chuyển tải thông
điệp truyền thông đến với đối tượng được truyền thông. Mặt khác, cơ sở vật
chất, trang thiết bị, phương tiện truyền thông tốt cũng là điều kiện thúc đẩy
đối với người làm công tác truyền thông và thu hút, kích thích sự chú ý của
đối tượng được truyền thông [24],[29].


14
1.3.

Những đóng góp của hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe trong

thành quả chung của ngành Y tế ở Việt Nam
TT-GDSK được đánh giá là có vai trò vô cùng quan trọng trong công
tác CSSKBĐ. Nhờ có TT-GDSK mà tất cả mọi người dân trong cộng đồng
đều có cơ hội tiếp cận với những thông tin, những kiến thức và dịch vụ chăm
sóc sức khỏe cho họ. Việt Nam là một trong các nước đã tham dự và cam kết
thực hiện các mục tiêu của Tuyên ngôn Alma-Ata về CSSKBĐ năm 1978.
Năm 1980 Chính phủ chỉ đạo ngành y tế triển khai thực hiện Chiến lược chăm
sóc sức khỏe ban đầu. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, với nguyên tắc
cơ bản là đảm bảo phục vụ nhân dân tốt nhất và có hiệu quả cao, các cơ sở y
tế trong ngành y tế của nước ta đã có khả năng đáp ứng được nhu cầu CSSK
thiết yếu cho nhân dân.
Công tác TT-GDSK trong những năm qua đã có đóng góp to lớn trong

thành quả chung của ngành Y tế. Cả hệ thống truyền thông đã góp phần cùng
với các đơn vị ngành y tế làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục
hậu quả của thiên tai, thảm hoạ, những nỗ lực trong việc giảm quá tải tại bệnh
viện, chuyển tải một số nội dung và chính sách của Đảng, Nhà nước, của
ngành y tế về công tác y tế đến được người dân. Nhìn chung, hoạt động của
các Trung tâm TT-GDSK tại các tỉnh/thành phố đã dần mang tính chủ động,
có định hướng và hệ thống từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Năm 2006, Bộ Y tế
cũng đã triển khai hội thảo tổng kết hoạt động giáo dục sức khỏe trong bệnh
viện và cũng đã đề cập đến nhu cầu cần đẩy mạnh và lồng ghép hoạt động TTGDSK trong công tác chăm sóc bệnh nhân [30], [31], [32].
Trong Báo cáo Bộ Y tế năm 2006 nhấn mạnh đến vai trò của TT-GDSK
được coi là một biện pháp dự phòng có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và


15
bền vững, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng trong thực hiện các chính
sách lớn về y tế. Hoạt động TT-GDSK có vai trò quan trọng trong thực hiện
một chủ trương quan trọng của ngành y tế là thực hiện xã hội hóa các hoạt
động y tế, tạo ra chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ
thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân, đồng thời cung cấp thông tin, trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi
người, mỗi gia đình mỗi cộng đồng có thể tham gia tích cực các hoạt động
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng [33]. Nhiệm vụ tăng
cường công tác TT-GDSK được thể hiện trong chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ
Chính trị và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành
Trung ương Đảng [3],[19].
TT-GDSK không chỉ quan trọng trong công tác phòng bệnh mà còn có
ý nghĩa trong công tác điều trị và quản lý các trường hợp bệnh. Hiện nay công
tác thông tin, truyền thông, giáo dục về sử dụng thuốc an toàn hợp lý và quản
lý các bệnh mạn tính đang là một trong những trọng tâm công tác của ngành y

tế. Nguy cơ sử dụng thuốc không an toàn như người dân tự mua thuốc điều trị
không theo chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng thuốc theo thói quen không có sự
hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế là khá phổ biến. Đó là do sự thiếu
tiếp cận thông tin và thiếu hiểu biết của người dân về hậu quả của việc tự
dùng thuốc.
1.4. Chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế với công tác truyền thông giáo
dục sức khỏe.
Do nhận thức rõ vai trò quan trọng của TT-GDSK nói chung và TTGDSK về BKLN nói riêng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
(BVSK) nhân dân từ trước tới nay, Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế rất quan tâm


16
đến hoạt động TT-GDSK từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở và chỉ đạo tăng
cường các hoạt động TT-GDSK.
1.4.1. Công tác Truyền thông Giáo dục sức khỏe

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng
khoá VII về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức
khoẻ nhân dân khẳng định: “ ...làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sức
khoẻ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật-chuyên môn, để nhân dân tự giác, chủ động
xây dựng nếp sống trật tự, vệ sinh, có ý thức phòng bệnh, phòng dịch, bảo vệ
môi trường, môi sinh, thường xuyên rèn luyện thân thể và tham gia tích cực
vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ở cơ sở”.
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ
Chính trị xác định nâng cao hiệu quả thông tin-giáo dục-truyền thông là một
trong những giải pháp chủ yếu để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ
nhân dân trong tình hình mới. TT-GDSK…“Tạo sự chuyển biến rõ rệt về
nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ
chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; trang bị kiến thức và kỹ năng để
mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây

dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói
quen có hại với sức khoẻ, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ chăm sóc
và nâng cao sức khoẻ nhân dân ...”[3].
Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ
tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị
lần thứ sáu BCH TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập đến rất cụ thể
về: công tác truyền thông…“Xây dựng và đẩy mạnh công tác truyền thông,


17
vận động nhân dân thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường rèn luyện thân
thể, tập thể dục, thể thao, dinh dưỡng hợp lý; lợi ích của tiêm chủng; khám,
sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật; nói không với ma túy; hạn chế tác hại của
thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có cồn, có ga; thực hiện ăn chín, uống sôi; giữ
gìn vệ sinh môi trường sống, sử dụng nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ
sinh. Củng cố, phát triển mạng lưới truyền thông từ trung ương đến thôn,
xóm, bản, làng; xây dựng các thông điệp, nội dung truyền thông phù hợp để
người dân dễ nhớ, dễ hiểu, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội”…[4]
Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ
Y tế về việc Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Bộ trưởng
Bộ Y tế chỉ thị các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các
nhiệm vụ cấp bách sau:
1- Kiện toàn mạng lưới tổ chức làm công tác truyền thông giáo dục sức
khoẻ tại tất cả các tuyến, bảo đảm đủ định mức lao động và cơ cấu viên chức
theo qui định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày
05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp
trong các cơ sở y tế nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên

quan.
2- Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo liên tục nhằm nâng cao kỹ năng
TT GDSK cho các cán bộ làm công tác truyền thông, đặc biệt ưu tiên đào tạo
cho cán bộ truyền thông tuyến huyện.
3- Nâng cao chất lượng TT GDSK bảo đảm tính chính xác, khoa học,
kịp thời với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối
tượng truyền thông và yêu cầu của thực tiễn. Nội dung truyền thông cần tập


18
trung vào một số vấn đề đang được ngành Y tế và xã hội quan tâm giải quyết
như nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; các biện pháp chống quá
tải bệnh viện, tăng cường củng cố y tế cơ sở, phòng chống các bệnh dịch nguy
hiểm đang lưu hành: cúm A (H5N1), tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết…, các biện
pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, thực
hiện công tác kế hoạch hoá gia đình giảm tỷ lệ tăng dân số.
4- Đầu tư đủ kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác TT
GDSK phù hợp với quy mô hoạt động của từng tuyến [34].
Quyết định số 1827/QĐ-BYT ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt “Chương trình hành động Truyền thông
giáo dục sức khỏe giai đoạn 2011 - 2015” với mục tiêu “Giúp người dân
được tiếp cận đầy đủ và sử dụng hiệu quả các dịch vụ truyền thông giáo dục
sức khỏe để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe cho bản
thân, gia đình và cộng đồng”[2].

1.4.2.

Công tác Truyền thông Giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh

không lây nhiễm

Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20 tháng 03 năm 2015 của Thủ
tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh
ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế
quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Giải pháp về
truyền thông và vận động xã hội như sau:
1- Sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa
phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và


19
người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn,
khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
2- Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền
thông về phòng chống bệnh không lây nhiễm phù hợp với phương thức truyền
thông và các nhóm đối tượng.
3- Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng
vùng miền và từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng trường học nâng cao
sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe và thành phố vì sức khỏe.
4- Đề xuất phát động phong trào toàn dân thực hiện lối sống tăng
cường sức khỏe gắn với phòng, chống các bệnh không lây nhiễm [6].
Quyết định số 346/QĐ-BYT ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh không lây
nhiễm giai đoạn 2015 - 2020. Nội dung hoạt động được nêu ra: “Đẩy mạnh
công tác thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các
cấp chính quyền, nhận thức của người dân về phòng, chống các BKLN”[35].
Quyết định số 4298/QĐ-BYT ngày 09 tháng 8 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt Dự án truyền thông, vận động xã hội
phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 20162020, với mục tiêu: “Nâng cao hiểu biết, thực hành của người dân và vai trò
trách nhiệm của các cấp chính quyền, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong

phòng, chống bệnh không lây nhiễm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược
phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 20152025”[36].


20
Quyết định số 4299/QĐ-BYT ngày 09 tháng 08 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt Dự án chủ động dự phòng, phát hiện sớm,
chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác,
giai đoạn 2016 – 2020. Thông tin, giáo dục, truyền thông “Đẩy mạnh công
tác truyền thông vận động chính sách để nâng cao trách nhiệm của các cấp
chính quyền, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng và thực thi cơ
chế chính sách, tạo nguồn lực bền vững để phòng chống bệnh không lây
nhiễm và nâng cao sức khỏe người dân. Sử dụng hiệu quả mạng lưới thông
tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn,
khuyến cáo người dân về phòng, chống bệnh không lây nhiễm”[37].
Quyết định số 3756/QĐ-BYT ngày 21 tháng 6 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện
sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến
cho tuyến y tế cơ sở. Quyết định ban hành có hoạt động dự phòng một số
bệnh không lây nhiễm phổ biến, trong đó nêu chi tiết công tác truyền thông
giáo dục sức khỏe cho tuyến huyện, tuyến xã và nhân viên y tế [38].

1.5.

Bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường týp 2 ở nước ta hiện nay.
Ở nước ta trong một vài thập kỷ gần đây một số BKLN có xu hướng

gia tăng. Bệnh không lây nhiễm bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau có chung

yếu tố là không phải là bệnh lây truyền từ người hoặc từ động vật sang người.
Trong số các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay ở Việt Nam, có 2 bệnh
rất đáng được quan tâm là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường týp 2.
Bệnh tăng huyết áp: Theo Tổ chức Y tế thế giới: Một người lớn được
gọi là THA khi HA tối đa, HA tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc HA tối thiểu, HA


21
tâm trương ≥ 90 mmHg hoặc đang điều trị thuốc hạ áp hàng ngày hoặc có ít
nhất 2 lần được bác sỹ chẩn đoán là THA [39],[40],[41]. Đây không phải tình
trạng bệnh lý độc lập mà là một rối loạn với nhiều nguyên nhân, các triệu
chứng đa dạng, đáp ứng với điều trị cũng rất khác nhau. THA cũng là yếu tố
nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch khác như: tai biến mạch máu não, bệnh
mạch vành...
Bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt
Nam, tỷ lệ bệnh THA rất cao và có xu hướng tăng rất nhanh không chỉ ở các
nước có nền kinh tế phát triển mà ở cả các nước đang phát triển là mối đe dọa rất
lớn đối với sức khoẻ của con người, là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng
đầu ở người cao tuổi. Chính vì thế, bệnh THA không những ảnh hưởng đến chất
lượng cuộc sống của bản thân người mắc bệnh, mà còn là gánh nặng cho gia
đình và xã hội. Trong số các trường hợp mắc bệnh và tử vong do tim mạch hàng
năm có khoảng 35% - 40% nguyên nhân do THA [42].
Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 1978, trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh THA
chiếm khoảng 10% - 15% dân số và ước tính đến 2025 là 29%. Tại Hoa Kỳ,
hàng năm chi phí cho phòng, chống bệnh THA trên 259 tỷ đô la Mỹ [42].
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của bộ môn Tim mạch và Viện Tim
mạch tại thành phố Hà Nội năm 2001-2002, tỷ lệ THA ở người lớn là 23,2%,
cao gần ngang hàng với các nước trên thế giới [43]. Tỷ lệ THA trong các
nghiên cứu về dịch tễ học luôn vào khoảng từ 20% đến 25% [42]. Bệnh THA
còn liên quan đến một số rối loạn chuyển hoá glucose máu, lipid máu... Các

rối loạn chuyển hoá này vừa là nguyên nhân gây THA vừa là hậu quả của
THA và như vậy khi bị THA bệnh ngày càng nặng lên nhanh chóng và tử
vong do các biến chứng tại tim, não, thận. Đây là vòng xoắn bệnh lý mà
chúng ta cần quan tâm và TT-GDSK cho mọi người dân.
Đái tháo đường: Theo Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2004: “Đái tháo


22
đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu
do khiếm khuyết tiết insulin, khiếm khuyết hoạt động insulin, hoặc cả hai.
Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn
chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và
mạch máu” [44]. Đái tháo đường cũng là yếu tố nguy cơ của những bệnh khác
như bệnh tăng huyết áp và bệnh thận.
Kết quả điều tra về đái tháo đường ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh
đái tháo đường lứa tuổi 30-69 tuổi toàn quốc là 2,7% vào năm 2002 [45], đã
tăng gấp đôi lên 5,4% năm 2012 [46]. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ đái
tháo đường gia tăng nhanh hơn dự báo. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng
tăng lên từ 7,7% năm 2002 lên 12,8% năm 2012 [46]. Ước tính, năm 2010 tỷ
lệ đái tháo đường ở nhóm tuổi từ 20-79 tuổi là 2,9% tương ứng 1,65 triệu
người bị bệnh và dự báo sẽ tăng lên 3,42 triệu người vào năm 2030, gia tăng
88 000 người một năm [47].
Đái tháo đường týp 1 có các yếu tố khó thay đổi (di truyền, miễn dịch)
và yếu tố môi trường có thể thay đổi được. Trong môi trường, các yếu tố được
phát hiện làm tổn thương tụy dẫn đến đái tháo đường bao gồm bệnh quai bị,
rubella, và các tác nhân độc hóa học... Đối với đái tháo đường týp 2, cũng có
các yếu tố di truyền và môi trường. Yếu tố môi trường gây nguy cơ đái tháo
đường týp 2 bao gồm tuổi cao, béo phì (nhất là béo bụng) và có lối sống tĩnh
tại, quần thể có gia tăng bất thường mô mỡ, tăng lipoprorein có tỷ trọng rất
thấp, tăng huyết áp.

1.6. Nghiên cứu hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và truyền thông
giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh không lây nhiễm.
1.6.1. Trên thế giới

Các nghiên cứu phân tích về thực trạng nguồn lực, tổ chức và hoạt
động TT-GDSK cũng như những phân tích về hiệu quả, các ưu điểm và nhược


23
điểm của các mô hình thực hiện TT-GDSK ở các nước trên thế giới còn rất ít.
Lý do là mỗi nước trên thế giới có cấu trúc tổ chức hệ thống y tế khác nhau,
các báo cáo thường chỉ mang tính chất quốc gia, thậm chí chỉ bó hẹp trong
một khu vực nào đó của một nước, vì vậy ít được phổ biến trên thế giới.
* Manoj Sharma (2005), tiến hành nghiên cứu tại Ấn Độ, nhận thấy tổ
chức hệ thống TT-GDSK được xem là hợp lý khi bao gồm đa dạng các đơn vị
kỹ thuật, khi các cơ quan TT-GDSK được thành lập ở tất cả các tuyến, các cơ
quan TT-GSDK nhà nước và các chương trình TT-GDSK của các tổ chức phi
chính phủ cùng tồn tại và có các hoạt động phối hợp với nhau. Ở nước này, cơ
quan TT-GDSK bao gồm 7 đơn vị kỹ thuật chính là: Đào tạo; truyền thông;
biên tập; giáo dục sức khỏe; nghiên cứu và đánh giá, thực địa và mô phỏng;
đơn vị giáo dục sức khỏe ở trường học [48].
Nhân lực thực hiện các hoạt động TT-GDSK ở các nước thường đa
dạng, gồm các cán bộ thuộc các chuyên ngành khác nhau như các bác sĩ
chuyên khoa, bác sĩ đa khoa, các nhà tâm lý học, y tá, bác sĩ gia đình, các nhà
dịch tễ học, các nhà quản lý, v.v... Các cán bộ này tùy theo vị trí của mình mà
tham gia vào các hoạt động TT-GDSK ở các mức độ khác nhau, từ việc thực
hiện tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân về bệnh của họ đến việc tổ chức các
chương trình truyền thông, thiết kế phương tiện truyền thông và lập kế hoạch
chiến lược cho các hoạt động TT-GDSK [48],[49].
Một số điểm hạn chế của các hệ thống TT-GDSK ở các nước đã được

các tác giả đề cập như các chương trình TT-GDSK thường chỉ dựa trên kinh
nghiệm và kiến thức chứ chưa dựa trên việc xác định nhu cầu của cộng đồng,
chưa có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch và việc thiết
kế các chương trình giáo dục sức khỏe chưa dựa trên các mô hình về sự thay
đổi hành vi [48]. Các cơ quan TT-GDSK nhà nước tập trung chủ yếu ở khu
vực thành phố trong khi đại đa số dân số lại ở các vùng nông thôn làm cho


24
các hoạt động TT-GDSK chưa tiếp cận được số lượng lớn dân số như ở một
số bang ở Ấn Độ một phần năm các cơ quan TT-GDSK đặt ở nông thôn trong
khi ba phần tư dân số sống ở các vùng nông thôn [50].
Các nghiên cứu này đã chỉ ra một số yếu tố cản trở làm cho các chương
trình giáo dục sức khỏe tốt nhất chưa đến được với người dân như sự hạn chế
về tài chính, hạn chế chất lượng và số lượng nhân lực, các hoạt động thường
không được lập kế hoạch [49].
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở một số nước, các phương pháp
chuyển tải thông điệp trong hoạt động TT-GDSK chưa phù hợp với các nhóm
đối tượng đích, cụ thể là sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong
các hoạt động truyền thông là không có hiệu quả đối với một bộ phận dân cư
vì họ không có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện này [Kannapiran,
1992].
* G. Jeet, J. S. Thakur, S. Prinja, et al (2017), tiến hành một nghiên cứu
về nhân viên y tế cộng đồng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm,
chương trình quốc gia phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở các nước
đang phát triển có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng. Một nhân viên y tế
cộng đồng cung cấp các cách phòng ngừa BKLN bằng cách sử dụng thông tin
cũng như tiếp cận hành vi. Giáo dục cộng đồng và truyền thông về thay đổi
lối sống được tập trung vào phòng ngừa BKLN và sàng lọc được thực hiện
như một phần của việc chẩn đoán và quản lý sớm. Tuy nhiên, hiệu quả của

các can thiệp sàng lọc và tăng cường sức khỏe được thực hiện thông qua nhân
viên y tế cộng đồng cần phải được bàn đến. Nghiên cứu thấy sự cần thiết
phải giải quyết các BKLN chính, bao gồm Bệnh tim mạch, Đái tháo
đường, Bệnh đường hô hấp mạn tính và Ung thư tại trạm y tế đã trở
thành những bệnh không thể không xét đến vì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong
tăng do nhóm này của bệnh [51].


25
Có bằng chứng và ý nghĩa nhưng còn hạn chế từ các nước đang phát
triển hướng đến hiệu quả của các can thiệp dự phòng nhằm vào các yếu tố lối
sống cho các BKLN khác nhau. Tổng hợp bằng chứng hiện có, đánh giá của
chúng tôi cho thấy các nhân viên y tế cộng đồng đã được trang bị kiến thức có
khả năng thực hiện các can thiệp dự phòng ban đầu BKLN thành công, đặc
biệt là kiểm soát Tăng huyết áp, với tác động ít mạnh mẽ hơn nhưng đầy hứa
hẹn cho Bệnh tiểu đường và BMI. Dự kiến những phát hiện của nghiên cứu
này sẽ giúp hướng dẫn việc ra quyết định cung cấp các biện pháp can thiệp
nhằm nâng cao sức khỏe và chính sách nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các
BKLN và qua đó định hướng phân bổ nguồn lực cho các biện pháp dự phòng
và nâng cao sức khỏe [51].
1.6.2.

Tại Việt Nam
Tuy gần đây ở nước ta đã có các nghiên cứu về TT-GDSK nhưng chủ

yếu là các nghiên cứu về thực trạng TT-GDSK nói chung ở tuyến huyện, xã;
các nghiên cứu TT-GDSK về phòng chống BKLN ở các tuyến, đặc biệt là
tuyến xã còn quá ít.
* Nguyễn Văn Hiến (2010), nghiên cứu đã đưa ra các kết luận nổi bật
như sau [52]:

- Thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực: Các phòng TTGDSK còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, rất thiếu
về số lượng cán bộ, nhân viên y tế và hạn chế về trình độ chuyên môn.
- Thực trạng hoạt động TT-GDSK: đang được phần lớn cán bộ thực
hiện với các hình thức đa dạng: Nói chuyện với cộng đồng, thảo luận nhóm
cộng đồng, tư vấn cho cá nhân/nhóm, sử dụng đài phát thanh, tài liệu in ấn.
Đồng thời hoạt động TT-GDSK có sự phối hợp với nhiều ban ngành đoàn thể
để thực hiện.


×