Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.38 KB, 5 trang )

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 quy định Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng
trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, để đáp ứng
yêu cầu hoạt động của NHNN Việt Nam, cơ chế tài chính của NHNN Việt Nam
được xây dựng với các nội dung đặc thù, là sự kết hợp giữa nguyên tắc quản lý
ngân sách nhà nước với các thông lệ quốc tế về tài chính ngân hàng trung ương,
và được ban hành theo một Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ - Quyết
định số 07/2013/QĐ-TTg.
Một số đặc điểm của cơ chế tài chính NHNN Việt Nam:
Thứ nhất, NHNN có vốn pháp định theo quy định của pháp luật với hạn
mức là 10.000 tỷ đồng; được trích lập khoản dự phòng rủi ro, các quỹ thực hiện
chính sách tiền tệ quốc gia, quỹ dự phòng tài chính từ chênh lệch thu chi hàng
năm của NHNN theo một tỷ lệ cố định lần lượt là 10% chênh lệch thu chi trước
dự phòng, 20% và 10% chênh lệch thu chi sau dự phòng để thực hiện các giải
pháp điều hành chính sách tiền tệ và xử lý rủi ro trong hoạt động.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ Ngân hàng Trung
ương, NHNN phát sinh nguồn thu từ nghiệp vụ thị trường mở, điều hành tỷ giá,
lãi suất,.. Nhìn chung, nguồn thu này hàng năm là tương đối lớn, đủ để bù đắp
các chi phí nghiệp vụ và chi phí hoạt động quản lý công vụ. Do vậy, NHNN
không được cấp kinh phí hoạt động từ Ngân sách Nhà nước thông qua Kho bạc
Nhà nước như các Bộ, ngành khác mà sử dụng nguồn thu từ hoạt động nghiệp
vụ để bù đắp các khoản chi phí phát sinh trong năm. Chênh lệch thu trừ chi còn
lại, sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro và trích lập các quỹ, được nộp về
Ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, NHNN được áp dụng cơ chế khoán kinh phí hoạt động khác với
các cơ quan hành chính nhà nước khác. Theo đó, NHNN được giao khoán theo
hạn mức kinh phí cần thiết cho hoạt động trong năm, bao gồm 02 cấu phần riêng
biệt: (1) Số kinh phí tuyệt đối là kinh phí hoạt động thường xuyên của NHNN
như: tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi phí hoạt động công vụ, chi


mua sắm và bảo dưỡng tài sản (trừ mua sắm tài sản cố định),…(2) Khoản trích
bổ sung từ chênh lệch thu chi sau trích lập dự phòng theo tỷ lệ do Bộ Tài chính
xác định hằng năm.
Thứ tư, NHNN có nguồn vốn đầu tư XDCB và mua sắm TSCĐ (thuộc
thành phần Vốn pháp định) được hình thành và bổ sung hàng năm từ chi phí với
tỷ lệ 12% giá trị tài sản cố định bình quân. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu
tư xây dựng mới, nâng cấp trụ sở làm việc, kho tiền, mua sắm các trang thiết bị
làm việc cho hệ thống Ngân hàng nhà nước. Việc NHNN có nguồn vốn đầu tư
xây dựng riêng đã tạo thế chủ động, linh hoạt cho NHNN cũng như giảm thiểu


thời gian, thủ tục trong quá trình lập kế hoạch và quyết định đầu tư, mua sắm so
với quy trình sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước.
2. Một số bất cập của cơ chế tài chính NHNN Việt Nam
Nhìn chung, cơ chế tài chính đặc thù giai đoạn vừa qua đã phát huy được vai trò
quan trọng và phù hợp với đặc thù hoạt động của NHNN; tạo nguồn lực tài
chính ổn định cho NHNN để thực hiện vai trò quản lý, điều hành và dẫn dắt thị
trường tiền tệ, dần xây dựng và xác lập vị thế của một ngân hàng trung ương
hiện đại; đồng thời, tạo thế chủ động, linh hoạt cho NHNN trong quản lý, điều
hành tài chính. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, cơ chế tài chính của NHNN đã
nảy sinh một số bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động chung của NHNN
hiện nay và trong thời gian tới, cụ thể như sau:
(i) Về vốn pháp định của NHNN: Hiện nay, vốn pháp định thực tế của
NHNN đã vượt hạn mức Vốn pháp định theo quy định của pháp luật là 10.000
(mười nghìn) tỷ đồng. Do vậy, kể từ năm tài chính 2018, NHNN sẽ không được
trích bổ sung nguồn vốn đầu tư XDCB và mua sắm TSCĐ (là một thành phần
của Vốn pháp định) với tỷ lệ 12% giá trị TSCĐ. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư
XDCB và mua sắm TSCĐ hiện nay đã được sử dụng hết (tương đương với giá
trị TSCĐ đã đầu tư) nên NHNN không còn nguồn để đầu tư nâng cấp, xây dựng
mới trụ sở, kho tiền và mua sắm trang thiết bị làm việc theo các yêu cầu hiện đại

hóa mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng ban hành theo Quyết định
986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
(ii) Cơ chế quản lý, sử dụng Vốn pháp định, các Quỹ thực hiện chính sách
tiền tệ quốc gia, Quỹ dự phòng tài chính, khoản dự phòng rủi ro hiện nay còn
chưa cụ thể, có một số điểm bất cập và chưa khả thi trong thực tế dẫn đến việc
khi sử dụng các Quỹ này, NHNN phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê
duyệt theo từng trường hợp cụ thể.
(iii) Về khoản dự phòng rủi ro của NHNN: Theo quy định hiện hành,
NHNN thực hiện trích lập khoản dự phòng rủi ro bằng tỷ lệ cố định 10% chênh
lệch thu chi hàng năm. Mặc dù, ngày 31/12 năm tài chính, NHNN có đánh giá,
xác định mức dự phòng rủi ro phải trích lập của NHNN theo từng khoản mục tài
sản theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, mức dự phòng rủi ro phải trích
lập này không được sử dụng để trích lập khoản dự phòng rủi ro mà chỉ là hạn
mức tối đa của khoản dự phòng rủi ro của năm tài chính đó. Trên thực tế, khoản
dự phòng rủi ro NHNN trích lập (10% chênh lệch thu chi) chỉ đạt 3,3% số dự
phòng rủi ro phải trích lập (theo số liệu năm 2018). Do vậy, cơ chế trích lập dự
phòng rủi ro hiện nay của NHNN chưa đúng với bản chất khoản dự phòng rủi
ro, chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như thông lệ của NHTW
các nước. Trường hợp phát sinh các rủi ro lớn, mang tính hệ thống, khoản dự
phòng rủi ro hiện nay của NHNN không đủ để xử lý các rủi ro thực tế có thể
phát sinh.
(iv) Cơ chế phân phối kết quả tài chính của NHNN chưa tạo sự độc lập về
mặt tài chính của NHNN với Ngân sách Nhà nước. Với tỷ lệ chênh lệch thu chi
giữ lại NHNN hiện nay là quá nhỏ (30% chênh lệch thu chi để bổ sung Quỹ thực


hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Quỹ dự phòng tài chính; 70% nộp về NSNN),
không tạo ra nguồn lực dự trữ vững mạnh cho NHNN để thực hiện các giải pháp
điều hành chính sách tiền tệ và xử lý rủi ro hoạt động mang tính hệ thống có thể
phát sinh.

(v) Việc “neo” kinh phí giao khoán của NHNN theo chênh lệch thu chi
hàng năm đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt và tổ
chức thực hiện kế hoạch kinh phí khoán hàng năm của NHNN do phải đến cuối
năm mới xác định được kết quả tài chính để tính toán số kinh phí được bổ sung;
dẫn đến sự bị động, kém linh hoạt trong việc điều hành, cân đối tài chính cũng
như chưa phù hợp với nguyên tắc và bản chất của việc giao khoán kinh phí. Cơ
chế bổ sung kinh phí khoán từ chênh lệch thu chi hàng năm để chi bổ sung thu
nhập cho cán bộ, công chức NHNN sẽ không còn phù hợp khi Nhà nước triển
khai cơ chế tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương
Đảng.
3. Một số giải pháp và khuyến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính
NHNN Việt Nam
Với sự phát triển không ngừng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và
của Ngân hàng Nhà nước nói riêng, bên cạnh những thách thức về việc đổi mới,
hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý hoạt động, tổ chức bộ máy của NHNN trong
giai đoạn hiện nay và giai đoạn 2025-2030, chế độ tài chính của NHNN cũng
cần có sự điều chỉnh kịp thời nhằm có nguồn lực vật chất phù hợp để NHNN
đương đầu với các thách thức đó. Đồng thời, cơ chế tài chính của NHNN cũng
cần được nghiên cứu, đổi mới nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của
BCH Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quản lý tài chính, ngân sách,
quản lý đầu tư công và cơ chế tiền lương mới cho cán bộ, công chức vào năm
2021. Trên cơ sở các yêu cầu đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp để sửa đổi,
bổ sung cơ chế tài chính hiện hành của NHNN trên một số phương diện sau:
Một là, về Vốn pháp định: Theo Luật doanh nghiệp 2014, Vốn pháp định
là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập một doanh
nghiệp. Đối với các ngân hàng, khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động,
phải có biện pháp bảo đảm có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu
tương đương với mức vốn pháp định quy định. Nghĩa là, về mặt bản chất, vốn
pháp định là mức vốn tối thiểu cần thiết để doanh nghiệp hoạt động, không phải
là mức vốn tối đa. Do vậy, cơ chế tài chính của NHNN cần được sửa đổi theo

hướng: mức vốn pháp định 10.000 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu của NHNN cần
phải có; và NHNN tiếp tục được trích lập bổ sung nguồn vốn đầu tư XDCB và
mua sắm TSCĐ hàng năm của NHNN. Bên cạnh đó, để thực hiện quy định tại
khoản 10, khoản 22 Điều 4, Luật Ngân hàng Nhà nước về góp vốn thành lập
doanh nghiệp đặc thù và đóng góp vào các tổ chức quốc tế, Chế độ tài chính của
NHNN cần được bổ sung thành phần “Vốn góp vào các tổ chức quốc tế và
doanh nghiệp đặc thù” vào Vốn pháp định. “Vốn góp vào các tổ chức quốc tế và


doanh nghiệp đặc thù” được bổ sung từ chênh lệch thu chi hàng năm và ghi nhận
theo số vốn góp thực tế phát sinh trong năm.
Hai là, NHNN cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng các Quỹ thực hiện
chính sách tiền tệ quốc gia, Quỹ dự phòng ổn định tài chính, đảm bảo khoa học,
cụ thể và có tính khả thi trong thực tế, đặc biệt là việc sử dụng Quỹ thực hiện
chính sách tiền tệ quốc gia trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp
vốn, mua cổ phần của các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Ba là, NHNN cần phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu cơ chế phân
phối kết quả tài chính hàng năm, cơ chế xử lý chênh lệch thu chi âm và mối
quan hệ giữa tài chính của NHNN với Ngân sách Nhà nước. Theo đó, có 02
phương án xử lý:
(i) Phương án 1: Kết quả tài chính dương (thu lớn hơn chi) hàng năm của
NHNN, sau khi trích lập các khoản vốn, quỹ sẽ được nộp về NSNN; đồng thời,
khi NHNN phát sinh chênh lệch thu chi âm (chi lớn hơn thu), NSNN sẽ bố trí
kinh phí để cấp bù cho NHNN.
(ii) Phương án 2: Theo thông lệ quốc tế, kết quả tài chính hàng năm của
NHTW, sau khi trích lập các khoản dự trữ cụ thể, các quỹ theo quy định, số còn
lại được phân bổ một phần lớn vào Quỹ dự trữ chung do NHTW nắm giữ, tích
lũy qua các năm nhằm bù đắp các “lỗ” phát sinh (nếu có do điều hành chính
sách tiền tệ) và một phần nộp về NSNN.
Đối với NHNN Việt Nam, chênh lệch thu, chi hàng năm cần được tích lũy

tại NHNN nhằm các mục đích: bù đắp chênh lệch thu chi âm nếu có phát sinh;
bổ sung vào các quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, quỹ dự phòng tài
chính nhằm xử lý các tổn thất, rủi ro mang tính hệ thống mà số dư hai quỹ này
không đủ để bù đắp; xử lý dần các khoản thanh toán với NSNN.
Bốn là, khoản dự phòng rủi ro của NHNN cần được trích lập dựa trên cơ
sở tính toán, xác định rủi ro có thể phát sinh của NHNN tại thời điểm đánh giá
nhằm đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính để xử lý khi rủi ro thực tế xảy ra. Việc
trích lập dự phòng rủi ro hàng năm của NHNN theo số dự phòng rủi ro phải trích
lập là phù hợp với bản chất của khoản dự phòng rủi ro, phù hợp với chuẩn mực
kế toán quốc tế cũng như thông lệ tài chính của NHTW các nước.
Năm là, về cơ chế khoán kinh phí của NHNN: Triển khai Đề án tiền
lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH Trung ương, NHNN cần
nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tiền lương mới cho NHNN,
trong đó: xem xét, đề xuất chuyển các khoản bổ sung thu nhập hiện nay thành hệ
số lương đặc thù ngành nghề. Tuy nhiên, dưới giác độ tài chính, với chủ trương
bãi bỏ các khoản thu nhập đặc thù để chuyển vào thành tiền lương sẽ làm thay
đổi cơ cấu chi phí và tài chính của NHNN. NHNN cần có một phương án tài
chính hợp lý nhằm khuyến khích và thu hút nguồn chất xám cho hoạt động của
cơ quan này.
Để thực hiện được các giải pháp này, NHNN cần có sự phối hợp chặt chẽ
với các đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để nghiên cứu, trình Thủ tướng


Chính phủ sửa đổi Chế độ tài chính của NHNN ban hành theo Quyết định
07/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và NHNN thực
hiện sửa đổi Thông tư 195/2013/TT-NHNN ngày 18/12/2013 hướng dẫn chế độ
tài chính của NHNN, các Thông tư của NHNN về đánh giá, xác định và trích lập
dự phòng rủi ro, các quy định nội bộ về tài chính của NHNN để áp dụng kể từ
năm 2021.




×