NHÌN LẠI CHÂN DUNG THỊ NỞ
Trông xa thì tưởng Thúy Kiều
Lại gần mới rõ người yêu Chí Phèo
Ai đó quả thật rất thông minh khi đặt ra câu lục bát ấy, nhưng cũng khá tàn nhẫn nếu nói
thẳng nó, như một nhận xét, trước một cô gái nào đó. Thị Nở xấu đến mức kỳ lạ, hiếm hoi.
Ngay trong cuộc sống, chúng ta cũng khó có "cơ may"để gặp được một người như thế:
Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công; nó ngắn đến nỗi người ta có thể
tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính
thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn... Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa
sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to
cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố qua quá cho nên chúng nứt nở như rạn rạĐã thế thị lại
ăn trầu thuốc, hai môi dày được bôi cho dày thêm một lần, cũng may chất trầu sánh lại,
che được cái màu thịt trâu xám ngoách.
Nam Cao là thế đấy, ông luôn chọn cho mình thế đứng chênh vênh đến chóng mặt nhưng
cuối cùng thiện căn tâm hồn ông đã giúp ông đứng vững và trở thành một trong những nhà
nhân văn nhất trong thế kỷ này ở nước ta. Đọc Nam Cao chúng ta hiểu con người trong
những tình huống quẫn bách, cùng cực của sự tha hóa nhân cách trên ranh giới của người
và thú. Trong trường hợp này, nhân vật Thị Nở, Nam Cao muốn gửi gắm điều gì mà ngay
từ đầu ông đã đặt nhân vật vào thế như là không phải con người nữa? Tâm hồn Nam Cao
không cho phép ông tung phá ngòi bút trên khuôn mặt một người phụ nữ như thế nếu ông
không đặt vào đó tất cả tình yêu của trái tim ông.
Khoan kết luận vội, chúng ta hãy đọc tiếp. Các nhà văn vẫn thường thế, tìm các xóa mờ
các tư tưởng, các vấn đề trung tâm bằng cách tô thật đậm các chi tiết phụ. Sau lần mô tả
chân dung ấy chúng ta như gặp một Thị Nở hoàn toàn khác: đằm thắm, dịu dàng và thẹn
thùng. Nói chung là một Thị Nở đầy ắp nữ tính.
Đây là phản ứng của Thị khi đang ngủ mà bị một thằng đàn ông vồ lấy: Thị vùng vẫy để
ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra Chí Phèo. Thị vừa thở vừa vật nhau với hắn vừa
hổn hển: "Ơ hay... Buông ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra. Tôi kêu làng lên bây
giờ". Không, Thị Nở không ngớ ngẩn dở hơi một chút nào cả. Phản ứng của thị, của một
người đàn bà trong những tình huống như thế ngẫm kỹ, thật đẹp. Chẳng ít người tỉnh táo,
xinh đẹp, có học hẳn hoi lại kêu toáng lên ngay phút đầu. Trước hết phải đe đã. Và thị đã
cư xử như một người có học, nếu không thì cũng rất văn hóa.
Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập
yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống. Chao ôi! chúng ta thử hình dung
nụ cười của người đàn bà ba mươi tuổi, không chồng, trong những tình huống như thế. Nó
chất chứa bao nhiêu dồn nén của một thời như lửa cháy, mãn khai!
Và bây giờ, sau cái đêm yêu dưới ánh trăng trong vười chuối ấy chúng ta hãy xem Thị Nở
nghĩ gì. Thị lăn ra lăn vào, Thị trằn trọc một lát thị bỗng nhiên nghĩ rằng: Cái thằng liều
lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm cong queo một
mình. Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống cho một
người. Vâng, Thị hoàn toàn có quyền kiêu ngạo như thế, còn hơn thế nữa, thị không những
cứu sống một con người, thị còn trả lại nhân tình cho một tâm hồn đã bị tha hóa đên cùng
cực. Cải tạo hắn, cái thằng Chí Phèo ấy, huy động toàn bộ sức mạnh của cường quốc La
Mã cổ đại chưa chắc đã làm được gì. ấy thế mà Thị Nở làm nổi. Dường như Nam Cao đã
đặt vào cho Thị Nở tất cả những gì mà ông đã biết về đàn bà. Nghe nói rằng có một thời
gian Nam Cao vào Sài Gòn và bị ốm nặng. Phải chăng xuất phát từ những ngày cô đơn, ốm
đau ấy, thèm một bàn tay chăm sóc nên Nam Cao đã có những dòng thật cảm động về Thị
Nở, về bát cháo hành: Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mặt hình như
ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho...
Chí Phèo đã khóc! Thượng Đế chí công trên cao chắc cũng phải nhìn Thị Nở mỉm cười hài
lòng. Còn Chí Phèỏ thì: Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ hơi khói xông vào mũi cũng
đủ làm người nhẹ nhõm. Còn hơn thế nữa, sau khi mong muốn làm một người bình thường
nhưng không được, người đời không chấp nhận hắn vào cộng đồng của họ nữa, hắn lại
thoang thoảng nhớ hơi cháo hành. Đó là đã sáu ngày sau khi được ăn bát cháo cứu độ của
Thị Nở. Tức quá hắn lại uống rượu: nhưng càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi,
buồn! Hơi rượu không sặc sụa. Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt
khóc rưng rức.
Thị Nở đã bước vào cuộc đời hắn và đã thay đổi tất cả. Từ một thằng người chỉ biết đập
đầu, rạch mặt, chửi đời, hắn đã trở thành một triết gia khi ngẫm nghĩ về cộng đồng, về
thiện và ác, về về sự hoàn lương. Và khi lắng nghe tiếng chim sớm mai, tiếng gõ vào be
thuyền chài, tiếng của những người đàn bà đi chợ Nam Định về hỏi nhau giá vải, thì hắn đã
thành một thi sĩ. Công trình như có phép màu ấy hoàn toàn thuộc về Thị Nở. Nhưng muốn
hỏi Nam Cao vô cùng rằng tại sao ông lại cho Thị Nở xấu làm vậy? Ngẫm nghĩ mãi, đọc
Nam Cao mãi rồi đến một lúc nào đó ta sẽ thấy Nam Cao cúi mặt, lắc đầu nói giọng buồn
bã:
- Biết làm sao được. Chẳng ai yêu hắn cả!
Chao ôi! Thì ra không có ai yêu hắn cả. Ông phải tưởng tượng ra một nhân vật như thể để
chiều lòng người đời. Thì phải xấu ma chê quỉ hờn và ngớ ngẩn dở hơi mới đi yêu một
thằng Chí Phèo. Nhưng rồi sau khi chiều lòng người đời như thế, nhân vật của ông lại sống
và hành động như bao nhiêu người đàn bà khác. Rõ ràng ở một góc độ nào đó, Thị Nở đã
trở thành nhân vật chính, tư tưởng chính, vấn đề trung tâm của Nam Cao trong truyện này.
Goeth, nhà thơ vĩ đại Đức, trong Phaoxtơ có câu: "Cái nữ tính vĩnh cửu dẫn dắt chúng ta
đi". Trong trường hợp này chúng ta có thể nói đó là tất cả quan niệm của Nam Cao khi viết
truyện "Chí Phèo".
Quan niệm về sự bền vững của cái thiên tính nữ, chúng ta còn thấy trong cách hội ý của từ
An, trong chữ Hán. An, trong an ổn, bình an, gồm hai chữ miên và nữ ghép lại. Điều đó có
nghĩa rằng dưới một mái nhà có người đàn bà thì mới An được. Thảo nào hơn bốn mươi
tuổi rồi Chí Phèo vẫn cứ lông bông mãi thế, cho dẫu hắn có một mái nhà, vườn tược đàng
hoàng như ai.
Nam Cao cũng đã dành cho Thị Nở những dòng thật trữ tình và hiện thực đến mức Thị Nở
xứng đáng là đại diện của một cái gì đó rất tốt đẹp, trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Lời cuối cùng của người viết bài này là lòng ao ước: Giá có một nơi nào đó dựng tượng đài
Thị Nở. Sao lại không nhỉ nhỉ? Đông Kisôt đánh nhau với cối xay gió còn được nhiều nơi
trên thế giới dụng tượng đài kia mà! Huống hồ đây là chiến công trong tất cả những chiến
công vĩ đại mà con người làm được. Có khi trên thiên đình Thị Nở đã được phong thánh
rồi cũng nên! Hãy để thị đứng đó nhìn mọi người qua lại, nhìn cái thắng Chí Phèo trong
mỗi người. Ngày xưa Chí Phèo bán lương tâm từ năm xu, năm hào đến năm đồng, bây giờ
người ta bán lương tâm còn rẻ hơn nhiều, có khi chỉ cầm một điếu thuốc thơm thôi - và Thị
lắc đầu thương hại.
Huỳnh Quốc Chí @ 15:06 19/04/2009
Số lượt xem: 28
Thị đây rồi ! Cớ sao ta tìm mãi
Ngược thời gian ta chưa thấy Thị về....
Thoáng một chiều...! Trong chút gió bơ vơ...
Ta lại ước ! Người một nhà....thích