Tải bản đầy đủ (.pdf) (179 trang)

Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ 2002 đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.53 MB, 179 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
--------------------------------------------------

PHẠM THỊ YÊN

THỊ YÊN

VỊNH CAM RANH TRONG QUAN HỆ
ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM TỪ 2002 ĐẾN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUỐC TẾ HỌC

Hà Nội - 2018


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------------------

PHẠM THỊ YÊN

VỊNH CAM RANH TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
CỦA VIỆT NAM TỪ 2002 ĐẾN NAY
Chuyên ngành: Quan hệ Quốc tế
Mã số: 62310206
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUỐC TẾ HỌC
NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN NAM TIẾN
XÁC NHẬN NCS ĐÃ CHỈNH SỬA THEO QUYẾT NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG
ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN


Người hướng dẫn khoa học

Chủ tịch hội đồng đánh giá
Luận án tiến sĩ

GS. TS Hoàng Khắc Nam

PGS.TS. Trần Nam Tiến
Hà Nội – 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ “Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam
từ 2002 đến nay” là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là
trung thực và có nguồn gốc rõ ràng. Những kết luận của luận án là kết quả nghiên cứu
của tác giả.

TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Phạm Thị Yên


LỜI CẢM ƠN
Đề tài “Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ 2002 đến nay”
được hoàn thành với sự giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện từ các cá nhân, tập thể, các cơ
quan ban ngành khác nhau.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân quý đến PGS.TS. Trần Nam Tiến,
người đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài. Những
góp ý giá trị và sự khuyến khích của thầy là nguồn động lực lớn giúp tôi hoàn thành luận
án.

Tôi xin cảm ơn sâu sắc PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, người đã hỗ trợ tôi từ những
bước đầu trong quá trình định hướng đề tài nghiên cứu và cho tôi những gợi ý về hướng
giải quyết vấn đề trong quá trình thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên tại UBND Thành
phố Cam Ranh; Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, vì đã cung cấp cho tôi nhiều tài
liệu có giá trị thực tiễn.
Tôi xin cảm ơn tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện và hỗ trợ tôi
các công tác hành chính trong quá trình thực hiện và hoàn thành luận án.
Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn và dành tặng luận án này cho gia đình và
người thân, những người luôn hỗ trợ tôi về mặt thời gian, dõi theo và đồng hành cùng tôi
hoàn thành luận án này.
Xin chân thành cảm ơn.

Nghiên cứu sinh

Phạm Thị Yên


MỤC LỤC

Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ........................................... 13
1.1. Những công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại nói chung của Việt Nam
và quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn .................................................................. 13
1.2. Những công trình nghiên cứu trực tiếp về Cam Ranh ............................................. 23
1.3. Những công trình nghiên cứu về Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của

Việt Nam ......................................................................................................................... 28
1.4. Đánh giá chung và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu ............................ 35
Chƣơng 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ........................................................ 38
2.1. Cơ sở lý luận ............................................................................................................ 38
2.1.1. Lý luận về địa chính trị ................................................................................... 38
2.1.2. Lý luận về địa kinh tế ..................................................................................... 44
2.1.3. Quan điểm của một số lý thuyết quan hệ quốc tế ........................................... 47
2.2. Cơ sở thực tiễn ......................................................................................................... 50
2.2.1. Tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam ....................................................... 50
2.2.2. Điều kiện địa lý tự nhiên của Vịnh Cam Ranh ............................................... 52
2.2.3. Vai trò của Vịnh Cam Ranh đối với Việt Nam .............................................. 56
2.2.4. Quá trình hợp tác quốc tế của Việt Nam ở Vịnh Cam Ranh trước
năm 2002 .................................................................................................................. 62
2.2.5. Sự quan tâm của các nước lớn đối với Vịnh Cam Ranh ................................ 77
Chƣơng 3: VỊNH CAM RANH TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT
NAM TỪ 2002 ĐẾN NAY ............................................................................................ 86
3.1. Chính sách hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam từ 2002 đến nay .... 86
3.1.1. Cơ sở của chính sách hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam ...... 86
3.1.2. Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh – chính trị tại vịnh
Cam Ranh từ 2002 đến nay ...................................................................................... 91
3.1.3. Chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt
Nam từ 2002 đến nay................................................................................................ 93
3.2. Quá trình thực hiện chính sách hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt
Nam từ 2002 đến nay. ..................................................................................................... 95
3.2.1. Quá trình thực hiện chính sách hợp tác quốc tế về an ninh – chính trị tại

1


vịnh Cam Ranh từ 2002 đến nay. ............................................................................. 95

3.2.2. Quá trình thực hiện chính sách hợp tác kinh tế quốc tế tại vịnh Cam Ranh
từ 2002 đến nay. ..................................................................................................... 112
3.3. Kết quả đạt được ................................................................................................... 115
3.3.1. Về chính trị - an ninh .................................................................................... 115
3.3.2. Về kinh tế...................................................................................................... 119
Chƣơng 4: HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM Ở CAM RANH: ĐẶC
ĐIỂM, TÁC ĐỘNG VÀ TRIỂN VỌNG ................................................................... 124
4.1. Đặc điểm của quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt
Nam từ 2002 đến nay .................................................................................................... 124
4.2. Tác động của quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế tại Cam Ranh của Việt Nam từ
2002 đến nay ................................................................................................................. 128
4.3. Triển vọng hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh ..................................................... 131
4.3.1. Thuận lợi ....................................................................................................... 131
4.3.2. Thách thức .................................................................................................... 136
4.4. Khuyến nghị ........................................................................................................... 141
Kết luận ........................................................................................................................ 154
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

2


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Vịnh Cam Ranh nằm ở phía nam của tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Hồ Chí
Minh 400 km về phía Bắc, cách thành phố Nha Trang 60km về phía Nam. Đây là
vịnh nước sâu tự nhiên tốt nhất châu Á [David Scott, 2008, p.10] do có đủ các yếu
tố cơ bản là chiều rộng, độ sâu, được che chắn tốt và nằm trong vùng ít bão.

Địa thế độc đáo, được bao bọc bởi bán đảo Cam Ranh chạy dọc suốt từ Bắc
xuống Nam, khép lại Vịnh gần như bằng một cửa duy nhất thông ra biển Đông, phía
ngoài khơi còn có các bãi đá chìm, nổi che chắn. Vịnh Cam Ranh từ lâu đã được coi
như một căn cứ chiến lược, với trận đồ được thiên nhiên tạo dựng công phu, phòng
thủ hay tiến công đều thuận tiện. Nhờ những đặc điểm này, vịnh đã nổi danh trong
lịch sử quân sự thế giới và khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đã chuyển hướng trung tâm vào khu vực
châu Á – Thái Bình Dương, diễn biến trên biển Đông, biển Hoa Đông ngày một
phức tạp. Các nước lớn trên thế giới đều đã thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó,
dù có tên gọi là gì, những chính sách này cũng thể hiện một điểm chung là hướng sự
quan tâm về biển Đông, về châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam là một quốc gia
có quyền lợi trực tiếp tại vùng biển này, vịnh Cam Ranh của Việt Nam lại có vị trí
rất gần đường hàng hải quốc tế, rất gần các “điểm nóng” tranh chấp trên biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã tận dụng được lợi thế của vùng vịnh trọng điểm này
hay chưa? Việt Nam sẽ chọn lựa những đối tác nào và làm thế nào để cân bằng
quyền lực tại đây nhằm duy trì an ninh, ổn định cho quốc gia và khu vực nhưng vẫn
góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước? Đây chính là những câu hỏi
kích thích tính nghiên cứu tìm hiểu và là lý do để tác giả chọn lựa đề tài “Vịnh
Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ 2002 đến nay”. Trên cơ sở
nhận thức vịnh Cam Ranh có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh – chính trị và
kinh tế của Việt Nam cũng như của khu vực, tác giả nhận thấy việc nghiên cứu
“Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ 2002 đến nay” là vô
cùng cần thiết. Việc nghiên cứu đề tài này trở thành nhu cầu hết sức cấp thiết nhằm
có những kiến thức hệ thống, đánh giá đúng đắn về tầm quan trọng chiến lược của

3


vịnh Cam Ranh trong thúc đẩy hợp tác an ninh – chính trị và kinh tế của Việt Nam,
nhất là trong bối cảnh hiện nay tại biển Đông.

 Ý nghĩa khoa học
Luận án “Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ 2002 đến
nay” có ý nghĩa khoa học, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, luận án phân tích bức tranh đầy đủ về vị trí địa chiến lược của
vịnh Cam Ranh, làm rõ vai trò nổi bật của vùng vịnh này đối với an ninh – chính trị
và kinh tế của Việt Nam cũng như của khu vực. Liên quan đến nó, một hệ thống các
vấn đề trong quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là
khu vực biển Đông, sẽ được xem xét và phân tích chi tiết. Song song đó, luận án sẽ
lý giải nguyên nhân vì sao nhiều cường quốc thay đổi chính sách đối ngoại của
mình, tập trung về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính vì lẽ đó, Luận án sẽ
bổ sung một hàm lượng tri thức hệ thống, tích cực và chọn lọc vào tổng thể bức
tranh nghiên cứu quan hệ quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, Luận án cung cấp các quan điểm, đường lối đối ngoại của Nga, Mỹ,
Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như các quan điểm, đường
lối đối ngoại của Việt Nam đối với các quốc gia đó, đặt trong sự liên hệ với vịnh
Cam Ranh. Việc nghiên cứu và nhận thức đúng đắn các chính sách của Nga, Mỹ,
Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đối với Việt Nam tại Cam Ranh sẽ giúp hệ thống
hóa những quan điểm, cách nhìn của các nước này đối với Việt Nam cũng như
trong quan hệ của Việt Nam với các nước lớn. Bên cạnh đó, luận án còn cho thấy vị
trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại chung của Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ,
Trung Quốc và vai trò của Cam Ranh trong việc duy trì, phát huy vị trí ấy. Mặt
khác, việc nghiên cứu các đường lối, chính sách của Việt Nam với các cường quốc,
thông qua Cam Ranh, còn giúp luận án phác họa bức tranh chi tiết về chính sách
“cân bằng nước lớn” thời hiện đại, cũng như chiến lược “đa dạng hóa, đa phương
hóa” trong quan hệ quốc tế nói chung.
Thứ ba, nghiên cứu “Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam
từ 2002 đến nay” là hướng nghiên cứu hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành Quan
hệ Quốc tế, điều này khẳng định tính khoa học của công trình học thuật. Ngoài ra,
việc tiếp cận đề tài dựa trên hệ thống lý luận của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự


4


do và các phương pháp đặc thù của chuyên ngành Quan hệ Quốc tế sẽ bổ sung và
làm phong phú thêm ý nghĩa khoa học cho đề tài.
 Ý nghĩa thực tiễn
Mặc dù vịnh Cam Ranh có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh – chính trị
và kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, qua quá trình tiếp cận và nghiên cứu đề tài, tác
giả nhận thấy các công trình nghiên cứu liên quan đến Vịnh Cam Ranh tại Việt Nam
chưa nhiều, đặc biệt là các công trình thể hiện đầy đủ tính chất chiến lược của Cam
Ranh hay việc đặt Cam Ranh trong quan hệ với các cường quốc là khá hiếm, nếu có
cũng chưa được đầu tư đúng mực. Điều này tạo ra một “khoảng trống” lớn, vì với
chủ trương hiện nay, Cam Ranh rất cần một sự nhận thức đầy đủ để có thể phát huy
hết vai trò của cảng này nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trên
cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu trước đây, luận án sẽ bổ khuyết vào khoảng
trống học thuật này.
Cách tiếp cận và nghiên cứu Cam Ranh cũng như nghiên cứu quan hệ của
Việt Nam với các nước lớn tại Cam Ranh từ phía nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ giúp
các quốc gia liên quan nhận thức và đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về chính sách
đối ngoại nói chung của quốc gia mình đối với Việt Nam. Dựa trên nền tảng này,
các nước có thể đề ra những chính sách tiến bộ và các cách tiếp cận phù hợp hơn
với Cam Ranh và Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, khi mối quan tâm của các
nước lớn vào biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày một tăng thì
việc các quốc gia tiếp tục hoàn thiện chính sách đối ngoại của mình với Việt Nam –
một nước châu Á – Thái Bình Dương có vịnh Cam Ranh nằm ở trung điểm của các
vấn đề trên biển Đông, sẽ càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Xa hơn, điều này có thể
góp phần giúp các quốc gia tạo nên các mô hình liên quan đến chính sách đối ngoại
đối với toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, việc xem xét vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của
Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược cho việc thúc đẩy

các quan hệ của Việt Nam với các quốc gia này cũng như trong chính sách đối
ngoại nói chung của Việt Nam. Đi vào tìm hiểu vịnh Cam Ranh, tìm hiểu những
nguyên nhân (khách quan lẫn chủ quan) mà chính phủ các nước lớn có sự điều
chỉnh chính sách đối ngoại, tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ

5


giúp Việt Nam nhìn nhận đúng đắn hơn về các đối tác tiềm năng tại Cam Ranh và
có các quyết sách phù hợp nhất cho việc tăng cường quan hệ tại đây. Không những
thế, việc xem xét một cách có hệ thống quan hệ của từng nước lớn với Việt Nam tại
Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam đánh giá được thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại
nói chung và chính sách kinh tế hóa Cam Ranh nói riêng từ năm 2002 đến nay của
mình. Trong trường hợp đó, kết quả từ luận án có thể là nguồn tham khảo hữu ích
cho công tác điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách đối ngoại cũng như chính
sách về Cam Ranh của Việt Nam.
Ngoài việc phục vụ cho công tác đối ngoại của Việt Nam và các quốc gia liên
quan thì ý nghĩa có tính thực tiễn gần nhất mà đề tài hướng đến là việc áp dụng
những nội dung quan trọng từ kết quả luận án cho công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Những thông tin hữu ích từ luận án có thể trở thành tài liệu nghiên cứu, giảng dạy
cho các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các cá nhân có nhu cầu
nghiên cứu hay những cơ quan, ban ngành có liên quan. Trong đó, các môn học như
Địa chính trị, Lịch sử ngoại giao Việt Nam, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Chính
sách đối ngoại Mỹ, Chính sách đối ngoại Trung Quốc,…là những môn học có thể
trực tiếp sử dụng, tham khảo. Bên cạnh đó, các cơ quan phía Nga, Mỹ, Nhật Bản,
Ấn Độ, Trung Quốc cũng có thể xem đây là nguồn tài liệu tin cậy nhằm có những
đánh giá đúng đắn về tình hình, mức độ nghiên cứu các quan hệ tại vịnh Cam Ranh,
biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, việc rút kinh nghiệm
từ luận án hay khảo cứu những thông tin từ luận án cũng góp phần định hướng và
làm cơ sở cho những công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu hoặc mở rộng hơn

về phạm vi và đối tượng nghiên cứu trong tương lai.
2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu đầu tiên của đề tài là làm rõ vị trí, vai trò của vịnh Cam
Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, xem xét qua việc phân tích chính sách
của Việt Nam đối với vùng vịnh này và qua mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam
với một số nước lớn có quan tâm đến vịnh Cam Ranh. Thứ đến, việc nghiên cứu đề
tài này hướng đến mục đích có thể đưa ra những gợi mở về chính sách của Việt
Nam trong việc sử dụng vịnh Cam Ranh một cách hiệu quả, nhằm bảo đảm an ninh
biển đảo của Việt Nam, duy trì sự ổn định ở khu vực.

6


Các nhiệm vụ cụ thể sẽ là:
1. Phân tích những luận điểm về “địa chính trị”, “địa kinh tế” và những quan
điểm khác được sử dụng như là cơ sở lý luận cho việc đánh giá chính sách
Cam Ranh của Việt Nam cũng như lý giải nguyên nhân các nước lớn quan
tâm đến khu vực này.
2. Làm rõ vai trò và những lợi thế địa chiến lược của Cam Ranh trong cả lĩnh
vực an ninh - chính trị và kinh tế
3. Phân tích những chính sách đối với Cam Ranh của Việt Nam từ năm 2002
đến nay.
4. Phân tích quá trình thực thi quan hệ đối ngoại của Việt Nam tại vịnh Cam
Ranh từ 2002 đến nay
5. Đánh giá những thành quả đạt được từ quá trình thực hiện chính sách thúc
đẩy hợp tác quốc tế tại Cam Ranh, khái quát những đặc điểm của chính sách
này và nêu lên triển vọng phát triển quan hệ hợp tác tại đây.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại

của Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Không gian quan hệ đối ngoại được phân tích
trong sự liên hệ với vịnh Cam Ranh và trong phạm vi là các nước lớn có quan tâm
đến Cam Ranh nh Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian
Ở không gian nghiên cứu, đề tài tập trung vào vịnh Cam Ranh và mối quan hệ
giữa Việt Nam với các cường quốc Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc tại
hoặc liên quan đến vùng vịnh này. Sở dĩ đặt Cam Ranh trong mối liên hệ với các
cường quốc là bởi vì, do yếu tố địa chiến lược của Cam Ranh, quá trình hợp tác
quốc tế của Việt Nam tại Cam Ranh tính tới nay, hầu như chỉ tập trung hướng về
các nước lớn này. Trên thực tế, chính các quốc gia đó đã bị thu hút bởi vị thế của
Cam Ranh và chủ động tìm cách tiếp cận nó suốt chiều dài lịch sử.
Về thời gian
Định hướng về mốc thời gian nghiên cứu của đề tài được lấy từ năm 2002

7


đến nay. Năm 2002 là thời điểm Liên bang Nga rời khỏi Cam Ranh, đánh dấu giai
đoạn Việt Nam tự lực quản lý vùng vịnh nổi tiếng và phát huy vai trò của nó trong
thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Mặc dù lấy năm 2002 làm mốc
nghiên cứu, đề tài vẫn đi vào phân tích những sự kiện liên quan đến Cam Ranh ở
thời điểm trước năm 2002 nhằm phục vụ cho việc diễn giải, so sánh và phân tích
các vấn đề liên quan.
4. Phƣơng pháp luận, phƣơng pháp nghiên cứu và nguồn tƣ liệu
4.1. Cơ sở phƣơng pháp luận
Đề tài được nghiên cứu trên nền tảng áp dụng những quan điểm của nhiều lý
thuyết trong quan hệ quốc tế. Đầu tiên, những cơ sở lý luận về địa chính trị, địa
kinh tế được áp dụng để đánh giá, phân tích các giá trị chiến lược của Cam Ranh,
từ đó có thể khám phá vai trò của vịnh biển nổi tiếng này trong việc thúc đẩy hợp

tác quốc tế của Việt Nam ở lĩnh vực an ninh – chính trị và cả lĩnh vực kinh tế, cũng
như làm nổi bật vai trò của Cam Ranh trong bảo đảm an ninh quốc phòng cho Việt
Nam và khu vực nói chung.
Ngoài ra, đề tài còn áp dụng những luận điểm của chủ nghĩa hiện thực và
chủ nghĩa tự do. Quan điểm của chủ nghĩa hiện thực sẽ được sử dụng nhằm giải
thích các chính sách hợp tác quốc tế về an ninh chính trị của Việt Nam theo hướng
cân bằng quyền lực cũng như các giải pháp nhằm gia tăng vai trò của Cam Ranh. Ở
hướng bổ sung, quan điểm của chủ nghĩa tự do lại rất hữu ích trong các lý giải về xu
hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là về kinh tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn
định an ninh.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các quan hệ của Việt Nam với các nước lớn tại
Cam Ranh có liên quan trực tiếp đến chính sách, đường lối, quan điểm của Đảng và
Nhà nước Việt Nam về quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới. Vì lẽ đó,
việc nghiên cứu các vấn đề thuộc nội dung của luận án còn được tiếp cận dựa trên
cơ sở “nhận thức luận Marxist”, bao gồm: chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử.
4.2. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận án này, tác giả áp dụng phương pháp nghiên cứu định
tính là chủ yếu thông qua việc tham khảo các nguồn tài liệu như các văn kiện do

8


Đảng và Chính phủ các nước ấn hành, các tài liệu từ cục lưu trữ quốc gia, các tuyên
bố báo chí của hai bên, các ấn phẩm liên quan đến chính sách đối ngoại. Ngoài ra,
nguồn tài liệu từ sách, công trình nghiên cứu, báo, tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội
thảo, văn bản Pháp luật, Internet,… cũng được tham khảo có chọn lọc. Đồng thời,
các hệ thống lý thuyết về địa chính trị và quan hệ quốc tế cũng được áp dụng nhằm
lý giải vị trí địa chính trị của Việt Nam trong tư duy đối ngoại của các nước lớn
thông qua Cam Ranh. Các mô hình lý thuyết quan hệ quốc tế về đối tác, đồng

minh,…đều được vận dụng để phục vụ một cách tốt nhất cho đề tài.
Về phương pháp cụ thể, đề tài sử dụng một tập hợp các phương pháp nghiên
cứu quan hệ quốc tế, bao gồm: phương pháp lịch sử - logic, phương pháp phân tích
và tổng hợp, phương pháp phân tích chính sách, phương pháp phân tích lợi ích,
phương pháp đa ngành – liên ngành, phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình
(Case study). Trong đó, phƣơng pháp lịch sử - logic được sử dụng cho việc xem
xét toàn bộ tiến trình từ khi Pháp xây dựng Cam Ranh thành căn cứ hải quân những
năm cuối của thế kỷ XIX cho đến thời kỳ trước năm 2002. Các cơ sở này sẽ giúp
việc nghiên cứu hợp tác quốc tế tại Cam Ranh của Việt Nam giai đoạn sau năm
2002 mang tính tiếp nối các giai đoạn trước đó với những cơ sở khoa học được hệ
thống rõ ràng, mạch lạc.
Phƣơng pháp phân tích và tổng hợp giúp tác giả có cái nhìn toàn diện về
vấn đề qua bốn cấp độ: cá nhân, trong nước, quốc gia và toàn cầu. Bằng phương
pháp này, người viết sẽ tìm hiểu các quan điểm của lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo
các nước lớn đối với vịnh Cam Ranh; sự quan tâm của người dân, tổ chức, doanh
nghiệp với tiềm năng kinh tế tại vùng vịnh nổi tiếng; sự tương tác giữa các nước lớn
trong vấn đề Cam Ranh, những tác động có thể có từ cường quốc này khi Việt Nam
hợp tác với một cường quốc khác; đồng thời xem xét những xu thế và những lực
lượng toàn cầu trong đánh giá bức tranh toàn cảnh về Cam Ranh.
Phƣơng pháp phân tích chính sách là một trong những phương pháp chính
được đề tài áp dụng. Phân tích quan hệ giữa Việt Nam với Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn
Độ, Trung Quốc tại Cam Ranh hiển nhiên là phải phân tích chính sách đối ngoại
của mỗi nước dành cho nhau, vì quan hệ thể hiện chính sách, chính sách dẫn dắt
quan hệ, chính sách gắn liền với thực tiễn. Trên cơ sở này, luận án phân tích chính

9


sách của các cường quốc có mong muốn được hiện diện tại Cam Ranh; cụ thể là
chính sách “hướng đông” của Nga, của Ấn Độ, chính sách “xoay trục” của Mỹ,

chính sách “trở lại châu Á” của Nhật. Việc phân tích chính sách sẽ là cơ sở để đánh
giá tiềm năng hợp tác quốc tế của Việt Nam tại Cam Ranh với các quốc gia này.
Phƣơng pháp phân tích lợi ích cũng là một phương pháp đặc biệt trong
quan hệ quốc tế và là một phương pháp không thể thiếu của đề tài này. Ở đây, tác
giả đi vào phân tích các “đối tác” tiềm năng của Cam Ranh mong muốn điều gì khi
hiện diện tại đây. Nếu lợi ích của các quốc gia ở đây càng lớn thì vai trò của Cam
Ranh trong hợp tác quốc tế của Việt Nam càng lớn. Tất nhiên, việc phân tích lợi ích
này cần phải xem xét kỹ càng và thận trọng, sẽ phải tìm kiếm những tư liệu mang
tính chính xác cao, vì không phải lúc nào lợi ích cũng được thể hiện ra thành hành
vi, thành chính sách cụ thể, nhất là đối với Trung Quốc, cường quốc láng giềng đã
nổi tiếng về cách thức biết “giấu mình chờ thời”.
Phƣơng pháp đa ngành – liên ngành là cách nói của một phương pháp
nghiên cứu đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành khác nhau, vay mượn phương pháp
của lĩnh vực này để áp dụng trong lĩnh vực khác. Cho đề tài của mình, tác giả sẽ sử
dụng một số phương pháp của lĩnh vực kinh tế, điển hình như phương pháp phân
tích SWOT để đánh giá tiềm năng thúc đẩy hợp tác tại Cam Ranh.
Phƣơng pháp Case study được áp dụng trong việc đánh giá khả năng thúc
đẩy hợp tác kinh tế tại vịnh Cam Ranh. Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu đề
tài, tác giả nhận được một số ý kiến về việc kinh tế hóa Cam Ranh theo mô hình đặc
khu kinh tế, chính vì thế, trường hợp Hồng Kông sẽ được đưa vào đề tài, làm một ví
dụ điển hình so sánh trong đánh giá khả năng này.
Ngoài các phương pháp chính trên, đề tài còn áp dụng nhiều phương pháp
nghiên cứu quan hệ quốc tế khác như phương pháp hỏi ý kiến chuyên gia, phương
pháp quan sát, phương pháp xử lý thông tin, phương pháp phân tích tài liệu, phương
pháp hệ thống,… Những phương pháp này được áp dụng lồng ghép và linh hoạt
nhằm làm nổi bật vấn đề nghiên cứu và tăng tính khoa học cho đề tài.
4.3.

Nguồn tài liệu
Cho việc nghiên cứu đề tài, tác giả đã tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu


chủ yếu sau đây:

10


Thứ nhất, đó là các tài liệu gốc về vịnh Cam Ranh, về chính sách đối ngoại
của Việt Nam và chính sách đối ngoại nói chung của một số nước lớn như Nga, Mỹ,
Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đặc
biệt, đối với các văn kiện, nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Cam Ranh tác giả
đã tiếp cận một cách trực tiếp nhằm đảm bảo tính xác thực nhất cho đề tài. Bổ sung
cho nguồn tài liệu dạng này là các tuyên bố chung, các bài phát phát biểu, các bản
tuyên bố thể hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam tại vịnh Cam Ranh cũng như
những chủ trương của các nước lớn trong việc tiếp cận Cam Ranh. Những hiệp
định, văn bản ký kết hợp tác trên lĩnh vực an ninh – chính trị và kinh tế tại Cam
Ranh giữa Việt Nam với các nước cũng được khai thác toàn diện.
Thứ hai, đề tài sử dụng nguồn tài liệu là các bài nghiên cứu, các sách chuyên
khảo về địa chính trị của Cam Ranh – Khánh Hoà; các nghiên cứu về quan hệ đối
ngoại của Việt Nam với các nước lớn như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc
và các tài liệu về định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Nguồn tài liệu thứ ba của luận án là sách và những bài nghiên cứu liên quan
đến vịnh Cam Ranh từ các tác giả nước ngoài. Đây là tiền đề để tác giả có những
đánh giá từ bên ngoài về giá trị địa chiến lược của Cam Ranh cũng như vai trò của
nó trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Thứ tƣ, luận án sử dụng nguồn tài liệu là những bài nghiên cứu trên các tạp
chí khoa học, tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo,… cùng các luận văn, luận án
chuyên ngành. Đây là nguồn tài liệu thứ cấp vô cùng quan trọng, giúp đề tài có
những thông tin được cập nhật và khách quan.
Cuối cùng, luận án khai thác tài liệu từ các website chính thống về nghiên
cứu quốc tế trên mạng internet.

Tất cả những kênh tư liệu này tạo nên sự đa dạng trong tiếp cận vấn đề
nghiên cứu của tác giả, giúp tác giả bao quát được đề tài và có cái nhìn khách quan
nhất trong những phân tích và lập luận.
5. Đóng góp mới của luận án
Trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành quả nghiên cứu từ các công trình
có liên quan, luận án có những đóng góp chủ yếu như sau:
 Có thể coi luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về vịnh Cam Ranh một

11


cách có hệ thống, bao quát ở cả khía cạnh kinh tế và an ninh - chính trị.
 Làm rõ cơ sở lý luận trong phân tích tầm quan trọng chiến lược của vịnh
Cam Ranh đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Lý luận về “địa chính
trị”, “địa kinh tế” và những quan điểm về “cân bằng quyền lực”, “hợp tác
quốc tế” được phân tích cặn kẽ nhằm làm tiền đề cho những đánh giá về vị
trí địa chiến lược của Cam Ranh.
 Phân tích, đánh giá một cách toàn diện về chính sách cũng như quá trình thực
thi quan hệ đối ngoại của Việt Nam tại vịnh Cam Ranh từ năm 2002 đến nay.
Những đặc điểm, thuận lợi và khó khăn của việc thực thi chính sách này đều
được xem xét ở nhiều góc độ và phân tích chi tiết.
 Đánh giá tác động của những chính sách về Cam Ranh đối với quan hệ quốc
tế ở khu vực, đồng thời, có những khuyến nghị cụ thể nhằm phát huy hơn
nữa vai trò của Cam Ranh trong bảo đảm an ninh quốc phòng của Việt Nam.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu, luận án được chia
làm 4 chương:
Chƣơng 1: Tổng quan tài liệu: Chương này trình bày tổng quan các công
trình nghiên cứu liên quan đến đề tài nhằm rút ra những nội dung mà luận án cần bổ
sung, nghiên cứu.

Chƣơng 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn: Chương này sẽ trình bày các đặc
điểm thể hiện vai trò địa an ninh và địa kinh tế của vịnh Cam Ranh, trong đó có giới
thiệu chi tiết về giai đoạn hợp tác quốc tế tại Cam Ranh của Việt Nam từ năm 1979
đến 2002.
Chƣơng 3: Vịnh Cam Ranh trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ
2002 đến nay: Đây là chương phân tích các chính sách về an ninh cũng như kinh tế
của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh và quá trình Việt
Nam thực hiện các chính sách này từ năm 2002 đến nay.
Chƣơng 4: Đặc điểm, tác động và triển vọng: Chương này sẽ phân tích
những đặc điểm của chính sách Cam Ranh của Việt Nam, đánh giá những tác động
của chính sách này đến quan hệ quốc tế, phân tích triển vọng Cam Ranh trong
tương lai, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị.

12


CHƢƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và công khai hiện thực hóa “giấc
mơ Trung Hoa”, quốc gia này đã đẩy mạnh tiến trình mở rộng ảnh hưởng ở nhiều
khu vực chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Có một
vị trí địa chiến lược quan trọng ở Biển Đông, vịnh Cam Ranh của Việt Nam, càng
được nhắc đến nhiều và thu hút sự quan tâm của các nước lớn cũng như các học giả,
nhà nghiên cứu cả trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, do tính đặc thù của một
địa điểm chiến lược, các công trình nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi
dưới dạng sách tham khảo, bài báo cáo khoa học còn khá ít. Mặc dù vậy, qua quá
trình tìm hiểu, luận án vẫn tiếp cận được một số công trình giá trị có liên quan đến
đề tài và có thể làm làm sáng tỏ hơn các khía cạnh của vấn đề nghiên cứu:
1.1.

Những công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại nói chung của Việt

Nam và quan hệ giữa Việt Nam với các nƣớc lớn
Phạm Bình Minh (2015), Ngoại giao Việt Nam: Quá trình triển khai

đường lối đối ngoại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội. Đây là một công trình tổng hợp về ngoại giao Việt Nam trong giai
đoạn mới, với nền tảng là đường lối, chính sách của Đảng được triển khai từ Đại hội
XI (2011). Trên tinh thần này, công trình dẫn giải tới khái niệm về ngoại giao toàn
diện trong giai đoạn mới, đó là “nền ngoại giao thống nhất dưới sự lãnh đạo của
Đảng nhằm huy động mọi lực lượng/binh chủng/kênh đối ngoại; vận dụng mọi hình
thức/công cụ đối ngoại; triển khai trên nhiều lĩnh vực/địa bàn và hướng đến nhiều
đối tượng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối
ngoại của Đảng và Nhà nước” [Phạm Bình Minh, 2015, tr.18]. Đây có thể xem như
một cách diễn giải chi tiết của đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” mà luận án
có thể kế thừa trong những phân tích về chính sách của Việt Nam đối với vịnh Cam
Ranh. Thêm vào đó, những nội dung về quá trình triển khai đường lối đối ngoại của
Đại hội Đảng lần thứ XI và việc phát huy truyền thống ngoại giao Việt Nam trong
giai đoạn mới cũng có nhiều giá trị tham khảo cho luận án, nhất là những nội dung
đề cập tới Trung Quốc, Mỹ và việc phát huy vai trò của địa phương trong hội nhập
quốc tế. Đặc biệt, trong công tác đối ngoại với Trung Quốc, tác giả công trình nhận

13


định rằng, với những diễn biến mới của cả Việt Nam và Trung Quốc, hơn bao giớ
hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ mục tiêu chiến lược.
Tương lai của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực đòi
hỏi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phải phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh
đó, triển vọng quan hệ Việt – Mỹ cũng được mở ra khi tác giả công trình khái quát
những thành tựu trong 20 năm quan hệ của hai nước cựu thù. Tất cả những vấn đề
này sẽ được phân tích thêm trong luận án, làm cơ sở cho định hướng hợp tác quốc

tế tại Cam Ranh của Việt Nam. Điểm hạn chế của công trình là chỉ xoay quanh Đại
hội Đảng lần thứ XI, chính vì thế, các phần nội dung về quá trình triển khai quan hệ
đối ngoại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, ASEAN còn khá chung, gần như chỉ
mang tính định hướng mà chưa đi sâu vào chi tiết các hoạt động thể hiện mối quan
hệ. Khoảng trống này sẽ được luận án bổ sung và cập nhật.
Phạm Bình Minh (chủ biên) (2010), Định hướng chiến lược đối ngoại
Việt Nam đến 2020, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu tương đối toàn diện về chiến lược đối
ngoại nói chung của Việt Nam, tập trung vào tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại;
lợi ích quốc gia, dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam; về độc lập, tự chủ và
hội nhập quốc tế; về lòng tin trong quan hệ quốc tế và định hướng chiến lược xây
dựng lòng tin trong quan hệ đối ngoại Việt Nam. Tác giả đã đặt những chủ trương,
đường lối đối ngoại của Việt Nam trong sự kết nối, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh,
nhấn mạnh rằng, đa phương, đa dạng, làm bạn với tất cả các nước dân chủ và tiến
bộ là một tư tưởng vượt thời đại, xuyên suốt hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Đảng Cộng Sản Việt Nam [Phạm Bình Minh, 2010, tr.25]. Đây là nền tảng lý
luận quan trọng để luận án có những phân tích, đánh giá về chính sách đối ngoại nói
chung của Việt Nam, làm cơ sở cho chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế tại vịnh
Cam Ranh. Bên cạnh đó, phần nội dung về quan hệ với các nước lớn cũng có giá trị
tham khảo vô cùng quan trọng cho đề tài luận án. Như tác giả đã đề cập, trên thực
tế, quan hệ nước lớn có vị trí trung tâm trong tư duy nhận thức và hoạt động thực
tiễn đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước Việt Nam [Phạm
Bình Minh, 2010, tr.27]. Bởi vì Việt Nam nằm ở Đông Nam châu Á, có biển Đông
– một khu vực địa lý – chính trị quan trọng, vốn có nhiều nước lớn quan tâm.

14


Không những thế, Việt Nam còn nằm bên sườn phía nam của Trung Quốc. Tất cả
những đặc điểm này khiến Việt Nam, trong suốt thời kỳ hiện đại, luôn gắn liền với

việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Đây là những thông tin có giá trị tham khảo
lớn cho đề tài luận án, đặc biệt cho những phân tích về bối cảnh thúc đẩy hợp tác
quốc tế tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam và việc tại sao Việt Nam phải thúc đẩy
quan hệ với các nước lớn tại vùng vịnh này. Cũng liên quan đến quan hệ với nước
lớn, nhưng ở một nội dung khác, tác giả công trình còn nhấn mạnh đến đường lối
đối ngoại của Việt Nam trên cơ sở có sự xem xét đến vị trí địa lý của Việt Nam
cũng như tương quan lực lượng giữa Việt Nam với các cường quốc. Nhắc lại
nguyên tắc đối ngoại là giữ vững độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đẩy mạnh đa dạng
hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước;
tác giả cho rằng, nguyên tắc này xuất phát từ thực tế Việt Nam là nước nhỏ, lại ở
khu vực địa – chính trị nhạy cảm, giao thoa lợi ích của nhiều nước lớn, dễ bị tác
động, lôi kéo. Do đó, đây là nguyên tắc và phương châm hành xử mang tính sống
còn đối với đối ngoại của Việt Nam; tạo sự linh hoạt mà không cản trở việc triển
khai có trọng tâm, trọng điểm đối ngoại [Phạm Bình Minh, 2010, tr.63]. Nhận định
này thực sự hữu ích cho đề tài luận án, giúp luận án củng cố quan điểm trong những
phân tích về định hướng chính sách đối với vịnh Cam Ranh của Việt Nam, là phần
không thể thiếu của luận án.
Nguyễn Vũ Tùng (biên soạn) (2007), Chính sách đối ngoại Việt Nam, Tập
II (1975 – 2006), Nxb.Thế giới, Hà Nội. Tập sách này cung cấp những khía cạnh
đa diện của chính sách đối ngoại Việt Nam từ năm 1975 đến 2006, tập hợp các bài
viết từ các chuyên gia về đối ngoại; trong đó nhấn mạnh tới quá trình chuyển biến
tư duy, nhận thức đối ngoại trước những thay đổi của tình hình thế giới từ 1986 đến
nay. Những nội dung mà luận án có thể kế thừa, thứ nhất là những phân tích về
“vấn đề lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế” của Vũ Dương
Huân. Tác giả cho rằng, “lợi ích quốc gia là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại
của bất kỳ quốc gia nào, là nhân tố cực kỳ quan trọng để xác định chính sách đối
ngoại quốc gia”. Trong khi đó, “lợi ích dân tộc là nhu cầu tồn vong và phát triển của
dân tộc” [Vũ Dương Huân, 2007, tr.167]. Tuy nhiên, vì quốc gia đại diện cho dân
tộc trên trường quốc tế, cho nên, lợi ích dân tộc hay lợi ích quốc gia cũng là một.


15


Điều đó có nghĩa, để định hình nên chính sách đối ngoại, phải xác định cho được lợi
ích quốc gia, lợi ích dân tộc; nhưng đây không phải là một công việc dễ dàng gì.
Theo phân tích của tác giả, muốn xác định đúng lợi ích dân tộc, phải dựa vào chủ
nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp “ngũ tri” được phương Đông đúc kết, đó
là “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến” [Vũ Dương Huân,
2007, tr.181]. Đây chính là tiền đề cho tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh mà đã trở thành một “châm ngôn” đối ngoại của Việt Nam.
Nội dung thứ hai mà luận án có thể tham khảo là phần “Phát triển quan hệ
với các nước lớn trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta” của Nguyễn
Hoàng Giáp. Theo tác giả, việc Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước lớn xuất
phát từ nhận thức rằng, các quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong quan hệ
quốc tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy đang chi phối quá trình toàn cầu hóa,
nhưng các nước lớn cũng có nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác vì lợi ích của chính
mình, đồng thời giữa các cường quốc này cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn [Nguyễn
Hoàng Giáp, 2007, tr.328]. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn vì
thế cũng cần theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; theo tư tưởng chỉ đạo là “tạo
lập cân bằng lợi ích, một mặt thúc đẩy quá trình cải thiện, mở rộng và phát triển
quan hệ với từng nước lớn, mặt khác vẫn tiếp tục giữ vững độc lập, thống nhất và
định hướng xã hội chủ nghĩa, không để các nước lớn thao túng, áp đặt hoặc lôi kéo”
[Nguyễn Hoàng Giáp, 2007, tr.327]. Đây là định hướng mang tính nhất quán của
Việt Nam.
Nội dung thứ ba có giá trị tham khảo với luận án là phần “Quá trình bình
thường hoá quan hệ Việt – Mỹ: kinh nghiệm và bài học” của Lê Linh Lan. Bài viết
phác thảo lại quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, từ những nỗ lực đầu
tiên ở thời điểm sau chiến tranh đến năm 1978, tiếp tục với con đường tiến tới bình
thường hoá trong giai đoạn 1986 – 1995 và những bài học rút ra sau đó. Những gì
Việt Nam cần ghi nhớ là chỉ cần một bước “sảy chân” trong đường lối đối ngoại, cả

dân tộc sẽ phải vất vả để khắc phục. Đặc biệt, phần bài học kinh nghiệm để lại
nhiều giá trị cho luận án. Bài học của quá trình bình thường hoá quan hệ với Việt
Nam cho thấy, “chính sách của Mỹ đối với Việt Nam có tính phân tán và không tập
trung cao” và, “Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là một ràng buộc lịch sử, một

16


gánh nặng lịch sử đối với quan hệ Việt – Mỹ” [Lê Linh Lan, 2007, tr.373]. Quá
trình này cũng cho thấy bài học về quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ, Mỹ
“luôn nhìn quan hệ với Việt Nam tự góc độ lợi ích chiến lược, qua lăng kính quan
hệ của Mỹ với các nước lớn khác” [Lê Linh Lan, 2007, tr.374]. Đây là những góc
tối không thể bỏ qua khi nghiên cứu về quan hệ Việt – Mỹ nói chung cũng như
nghiên cứu về các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế với Mỹ nói riêng của Việt
Nam, nhất là khi có tác nhân là một địa điểm chiến lược như vịnh Cam Ranh.
Tất cả những nội dung kể trên sẽ được kế thừa để đào sâu phân tích trong
phần cơ sở cho việc xây dựng những chủ trương, đường lối về hợp tác quốc tế ở
vịnh Cam Ranh. Giới hạn về mặt thời gian của công trình cũng sẽ được luận án
khắc phục, đặc biệt sẽ tập trung giải quyết vấn đề quan hệ của Việt Nam với các
nước lớn trong giai đoạn sau năm 2006 đến nay.
Nguyễn Đình Liêm (chủ biên) (2012), Những vấn đề nổi bật trong quan
hệ Trung Quốc – Việt Nam 10 năm đầu thập kỷ 21 và triển vọng đến năm 2020,
Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Cuốn sách phác họa một bức tranh tổng quát về
tình hình Việt Nam và Trung Quốc từ sau bình thường hoá (1991) đến năm 2010.
Trong đó, nêu bật lên những thực trạng, những vấn đề nổi cộm của mối quan hệ có
tính lịch sử này, đồng thời đưa ra viễn cảnh tương lai trong 10 năm tới. Như tác giả
đã mô tả, quan hệ Việt – Trung giai đoạn 1991 – 2000 có những mảng màu tươi
sáng, tốt đẹp trong mọi lĩnh vực từ an ninh – chính trị, quốc phòng đến kinh tế, văn
hoá - xã hội. Thập kỷ ấy cho thấy sự nỗ lực trong cả hai phía, là quá trình phát triển
từ thấp đến cao, từ “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” đến phương châm 16

chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Tuy nhiên, giai đoạn 2000 – 2010 có nhiều vấn đề xuất hiện, đó là tình trạng
nhập siêu không cho thấy viễn cảnh đổi chiều và nổi bật là những khúc mắc từ trong
lịch sử. Trung Quốc và Việt Nam có 3 vấn đề lịch sử đó là vấn đề biên giới đất liền,
vấn đề vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông thì trong giai đoạn này, 2 vấn đề đầu tiên
đã được giải quyết dứt điểm trên cơ sở của những Hiệp ước và Hiệp định đã ký kết,
đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Tuy nhiên, điểm nhức nhối còn lại là
vấn đề biển Đông vẫn chưa được giải quyết, không những thế còn càng ngày càng
phức tạp. Tác giả cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển Đông

17


làm cho tình hình khu vực bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI hết sức phức
tạp [Nguyễn Đình Liêm, 2012, tr.247]. Phần triển vọng đề cập chủ yếu đến các nhân
tố tác động đến quan hệ Việt- Trung, đó là yếu tố quốc tế, khu vực và chính nhân tố
Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng không gian kinh tế là một
đòi hỏi khách quan của Trung Quốc trong những năm 2011 – 2020 và điều đó có
khả năng dẫn đến sự va chạm, xung đột lợi ích với các quốc gia khác, thậm chí dẫn
đến chiến tranh như đã từng diễn ra trong hai cuộc chiến thế giới đầu thế kỷ XX
[Nguyễn Đình Liêm, 2012, tr.289]. Trên cơ sở đó, quan hệ Việt – Trung sẽ có nhiều
biến động theo chiều hướng Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Việt Nam trên một
số mặt, đặc biệt về mặt kinh tế và biển đảo. Giải pháp chủ đạo cho Việt Nam là hội
nhập quốc tế, giữ vững độc lập tự chủ, phát triển bền vững, tránh phụ thuộc kinh tế
Trung Quốc và quốc tế hoá xung đột biển Đông. Đây là những nội dung mang nhiều
giá trị tham khảo cho luận án và sẽ được luận án phân tích sâu thêm, đặt trong sự
liên hệ với vịnh Cam Ranh và quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc khác là
Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc. Những tồn tại của cuốn sách là giai đoạn
phân tích đánh giá mới chỉ dừng lại ở năm 2010, trong khi đó, hơn 5 năm gần đây,
đã có quá nhiều diễn biến mới mang kịch tính trong quan hệ Việt - Trung. Điểm thứ

hai là vì bao quát nhiều khía cạnh của mối quan hệ nên phần quan hệ đối ngoại Việt
– Trung ở lĩnh vực chính trị và quốc phòng chưa được đào sâu. Tất cả những điểm
này sẽ được luận án tiếp tục bổ sung và phát triển.
Ngô Xuân Bình (chủ biên) (2014), Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác
chiến lược Việt Nam – Hoa Kỳ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Nội dung cuốn
sách tập trung ở 3 vấn đề chính. Thứ nhất, đó là các yếu tố tác động đến quan hệ
Việt – Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Các tác động được nhìn ở
4 khía cạnh lớn là bối cảnh thế giới, xu hướng hội nhập khu vực, chính sách của
Việt Nam và chính sách của Mỹ. Mỹ đã và đang thúc đẩy chính sách “tái cân bằng”,
“chuyển trục” về châu Á – Thái Bình Dương, trong khi đó, chủ trương của Việt
Nam là hội nhập tích cực. Điều này, cộng hưởng với xu hướng hội nhập khu vực
ngày một gia tăng, thể hiện ở các diễn đàn đa phương, sẽ có những tác động tích
cực đến quan hệ Việt – Mỹ. Ở bối cảnh quốc tế, xu thế đa cực hoá, sự gia tăng căng
thẳng ở biển Đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến viễn cảnh quan hệ đối tác chiến

18


lược Việt Nam – Hoa Kỳ nếu có trong tương lai. Thứ hai, cuốn sách phân tích nội
dung và ý nghĩa của quan hệ đối tác chiến lược đối với hai quốc gia, đi sâu vào
nhận thức của mỗi bên trong việc xây dựng mối quan hệ đó, đồng thời, mô tả toàn
diện hiện trạng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực. Nội dung thứ
ba tập trung vào những thách thức, trở ngại, đặc biệt trên phương diện chính trị mà
hai nước phải đối mặt, trong đó, ba yếu tố có tác động quan trọng hơn cả đến quan
hệ Việt – Mỹ là yếu tố Trung Quốc, các cơ hội kinh tế và nhân quyền. Trên cơ sở
đó, tác giả đề nghị những giải pháp và lộ trình để xây dựng quan hệ đối tác chiến
lược Việt – Mỹ trong bối cảnh mới và trong sự lưu ý đến những mặt hạn chế này.
Điểm đặc biệt, tác giả đã đưa ra một kết luận rằng, thúc đẩy quan hệ đối tác
chiến lược Việt – Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai bên và Việt Nam cần coi việc xây
dựng quan hệ “đối tác chiến lược” với Mỹ là cần thiết và phù hợp với xu thế thời

đại [Ngô Xuân Bình, 2014, tr.340]. Đây cũng là định hướng mà luận án hướng tới
cho quan hệ Việt – Mỹ nói chung và cho vấn đề hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh
của hai quốc gia nói riêng. Quan hệ đối tác chiến lược chắc chắn sẽ là một mục tiêu
tương lai của cả Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh hợp tác tốt đẹp hiện nay. Chính vì
thế, tất cả những nội dung này đều có giá trị đối với luận án và sẽ được kế thừa để
phát triển trong phần xây dựng chính sách đối ngoại nói chung với Mỹ của Việt
Nam, đồng thời là phần triển vọng hợp tác tại Cam Ranh.
Trần Nam Tiến (chủ biên) (2016), Ấn Độ với Đông Nam Á trong bối cảnh
quốc tế mới, Nxb. Văn hoá – văn nghệ. Công trình khái quát về sự trỗi dậy của Ấn
Độ, phân tích mối quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á, Ấn Độ với vấn đề biển Đông và
quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, theo nhận định của các tác giả công trình, sự
trỗi dậy của Ấn Độ sẽ tạo ra bước đột phá trong điều chỉnh chính sách đối ngoại nói
chung và khu vực Ấn Độ Dương – Đông Nam Á nói riêng. Ấn Độ sẽ gia tăng ảnh
hưởng, vị thế chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương và là “quân bài” thu hút sự chú
ý trên bàn cờ quốc tế [Trần Nam Tiến, 2016, tr.53]. Sự chuyển biến từ chính sách
“hướng Đông” đến “chính sách hành động phía đông” đã cho thấy sự gia tăng cam
kết và can dự của Ấn Độ vào khu vực này. Liên quan đến chính sách “hướng
Đông”, công trình có những phân tích quan trọng về động cơ cũng như lợi ích mà
chính sách này hướng đến, trong đó, biển Đông có một vị trí quan trọng. Bằng

19


những học thuyết và chính sách hướng đến việc xây dựng tiềm lực quốc gia xứng
tầm với một cường quốc biển liên khu vực, Ấn Độ được ghi nhận là một trong
những cường quốc tích cực nhất đang duy trì sự hiện diện của mình như một nhân
tố không thể thiếu trong vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải và cân bằng quyền lực
trên biển Đông [Trần Nam Tiến, 2016, tr.264]. Dẫn lại lời học giả Mỹ David
Brewster, công trình cho rằng Ấn Độ nhìn chung được đánh giá là đối tác “hiền
hoà” đối với các quốc gia Đông Nam Á, ngược lại với Trung Quốc luôn bị nhìn như

một mối đe dọa về an ninh. Kết quả là, các nước ASEAN mong muốn Ấn Độ liên
kết chặt chẽ với khu vực để cân bằng lực lượng và kiềm chế lẫn nhau [Trần Nam
Tiến, 2016, tr.264]. Đây là những thông tin quan trọng cho luận án, làm cơ sở cho
những định hướng để Việt Nam chọn và tăng cường hợp tác với Ấn Độ tại Cam
Ranh.
Đặc biệt, phần nội dung về quan hệ Việt - Ấn của công trình càng củng cố
thêm cho những phân tích, đánh giá của luận án. Như công trình đã đề cập, trong
chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Việt Nam được xem như một trục chính, ít nhất
là về mặt an ninh và chiến lược [Trần Nam Tiến, 2016, tr.285]. Lịch sử tốt đẹp và
lợi ích chiến lược từ cả hai phía là những thành tố quan trọng của triển vọng quan
hệ Việt - Ấn. Mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Ấn Độ đã hiện lên ngày một rõ khi
quốc gia này tăng cường xâm nhập các nước láng giềng của Ấn Độ (như thiết lập
một bán liên minh (quasi-alliance) Trung Quốc – Pakistan), đặc biệt là tiến vào Ấn
Độ Dương thông qua Sri Lanka. Nhằm giải toả những áp lực ngày càng gia tăng từ
Trung Quốc, Ấn Độ đã lựa chọn tăng cường quan hệ với Việt Nam để tiến vào châu
Á. Đổi lại, Việt Nam cũng nhận thức cần phải tăng cường quan hệ với đối tác quan
trọng là Ấn Độ để thúc đẩy sự cân bằng đa phương (multilateral balance) trong
quan hệ với các nước lớn [Trần Nam Tiến, 2016, tr.297]. Tất cả những thông tin
này sẽ được luận án tiếp tục phát triển trong phần phân tích quan hệ Việt - Ấn, đặt
trong sự liên hệ với vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, trong luận án, những thành tựu đặc
biệt về an ninh – quốc phòng, chính trị và kinh tế của mối quan hệ này sẽ được tập
trung hơn, nhằm hướng tới việc hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh của hai quốc
gia.

20


Nguyễn Quang Thuấn – Trần Quang Minh (Đồng chủ biên) (2014),
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản 40 năm - Nhìn lại và định hướng tương lai, Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội. Một công trình tổng hợp tất cả những bài viết về quan hệ

Việt Nam – Nhật Bản trong 40 năm từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973
– 2013). Mối quan hệ này được trải dài từ các vấn đề chung, các vấn đề về kinh tế,
an ninh – chính trị và văn hoá – xã hội. Việt Nam và Nhật Bản vốn là hai nước
“đồng văn, đồng chủng, đồng châu” với rất nhiều nét tương đồng về văn hoá, xã
hội; suốt 40 năm xây dựng và phát triển, hai nước đã trở thành những đối tác chiến
lược của nhau. Hiện nay, Nhật Bản đang là một trong những đối tác kinh tế hàng
đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho
Việt Nam, chiếm tới gần 1/3 giá trị viện trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, là một
trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất và cũng
là nhà đầu tư có hiệu quả nhất ở Việt Nam với tỷ lệ cao nhất về số vốn FDI đã được
đưa vào thực hiện [Trần Quang Thuấn, 2014, tr.14]. Có thể nói, quan hệ Việt –
Nhật, trừ giai đoạn lạnh nhạt kéo dài 12 năm (1979 – 1991) liên quan đến sự kiện
Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot, thì được
coi là mối quan hệ thực chất, phát triển nhanh chóng đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế
và an ninh – chính trị. Đây là những nội dung cần thiết cho phần phân tích về quan
hệ Việt – Nhật nói chung và triển vọng hợp tác Việt – Nhật tại vịnh Cam Ranh nói
riêng của luận án.
Điểm không thuận lợi của công trình đối với giá trị tham khảo của luận án
nằm ở góc độ một Kỷ yếu hội thảo. Vì xuất hiện dưới dạng Kỷ yếu Hội thảo, công
trình là một tập hợp những bài viết độc lập, chưa có sự liên kết giữa các vấn đề hay
đưa ra được một bức tranh mang tính bao quát của quan hệ Việt – Nhật. Tuy nhiên,
nội dung ở phần kinh tế và an ninh – chính trị có giá trị lớn cho đề tài luận án, đặc
biệt là bài viết “Điều chỉnh chiến lược nhằm đẩy mạnh quá trình trở thành “quốc gia
bình thường” của Nhật Bản trong hai thập niên sau Chiến tranh Lạnh”. Bài viết chỉ
ra những nhân tố tác động đến sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản bao gồm: tình
hình quốc tế, sự điều chỉnh chính sách hợp tác an ninh của Mỹ, sự trỗi dậy của
Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản. Chính những nhân tố này
thúc đẩy Nhật Bản đẩy nhanh quá trình “bình thường hoá” chính mình, tức là nâng

21



×