Tải bản đầy đủ (.pdf) (88 trang)

Luận văn tổ chức và hoạt động của thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học ngành y tế ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (734.1 KB, 88 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN ĐỨC THẮNG

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TRONG
CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGÀNH Y TẾ Ở VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ
LUẬT HIẾN PHÁP VÀ LUẬT HÀNH CHÍNH

Hà Nội, 2019

HÀ NỘI - năm


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN ĐỨC THẮNG

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TRONG
CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGÀNH Y TẾ Ở VIỆT NAM

Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Mã số: 8.38.01.02

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN HUY HOÀNG

Hà Nội, 2019




LỜI CAM ĐOAN
Luận văn thạc sĩ “Tổ chức và hoạt động của Thanh tra trong cơ sở giáo
dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam” chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật
Hành chính, mã số 8.38.01.02 là công trình nghiên cứu của tôi. Các thông tin
số liệu, nêu trong luận văn là trung thực, chính xác. Việc tham khảo số liệu,
thông tin, ví dụ trong luận văn đều có trích dẫn nguồn cụ thể, chính xác.
Tác giả luận văn

Nguyễn Đức Thắng


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ THANH TRA VÀ TỔ CHỨC HOẠT
ĐỘNG THANH TRA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ...........................8
1.1. Một số khái niệm cơ bản .............................................................................8
1.2. Đặc điểm của thanh tra và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học
ngành Y tế .........................................................................................................12
1.3. Yếu tố tác động đến tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở
giáo dục đại học ngành Y tế .............................................................................27
Chương 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA
TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGÀNH Y TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN
NAY ..........................................................................................................................32
2.1. Khái quát về các cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế Việt Nam ................32
2.2. Thực trạng tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học
ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay ......................................................................37
2.3. Ưu điểm và hạn chế của tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo
dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay...................................................47

Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG THANH TRA TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGÀNH
Y TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ...........................................................................55
3.1. Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở
giáo dục đại học ngành Y tế .............................................................................55
3.2. Giải pháp đổi mới tổ chức thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại
học ngành Y tế ở Việt Nam. .............................................................................58
3.3. Giải pháp đổi mới hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại
học ngành Y tế ở Việt Nam ..............................................................................63
3.4. Kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo
dục đại học ngành Y tế thời gian tới ................................................................ 68
KẾT LUẬN ..............................................................................................................78
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................... 79


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CSGDĐH : Cơ sở giáo dục đại học
ĐH

: Đại học


DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 2.1. Một số tổ chức thanh tra các CSGDĐH ngành Y tế ở Việt Nam. . 39
Bảng 2.2. Thực trạng số lượng cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ trong các
cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Y tế năm 2018 ..................................... 41
Hình 2.1. Sơ đồ vị trí các cơ sở giáo dục đại học trong ngành Y tế .............. 33
Hình 2.2. Biểu đồ tỷ lệ tổ chức thanh tra nội bộ CSGDĐH ........................... 40
Hình 2.3. Biểu đồ cơ cấu nhân sự làm công tác thanh tra nội bộ các
CSGDĐH ngành Y tế theo trình độ và chuyên ngành đào tạo năm 2018 ...... 42



MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, thanh tra được coi là một hoạt động
thiết yếu, đóng vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng
và sự quản lý của Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống con người.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, hoạt động trên được biết đến với
hình thức thanh tra nội bộ và được quy định cụ thể tại Thông tư số
51/2012/TT-BGDĐT ngày 8/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đến
việc phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, tìm ra những sai phạm và
các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị biện pháp khắc phục và phòng ngừa,
nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần không nhỏ vào công
cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xuất phát
từ phương châm này, thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học giúp
các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nhà trường thực hiện chính sách pháp luật
về giáo dục và chính sách pháp luật có liên quan; giải quyết khiếu nại tố cáo
và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ sở
giáo dục đại học theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện quyết để các cơ sở
này hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực
trạng tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong những cơ sở giáo dục đại
học còn bộc lộ hạn chế trên nhiều phương diện. Về công tác tổ chức, mô hình
tổ chức thanh tra không có sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, cơ sở pháp lý về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các
tổ chức thanh tra trong môi trường này cũng chưa được hoàn thiện, gây nhiều
khó khăn trong thực tiễn hoạt động.
Nhìn chung, hoạt động trên không quá mới mẻ, nhất là trong giai đoạn
nền giáo dục mạnh mẽ đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ với chất


1


lượng đang ngày càng được nâng cao không ngừng. Tuy nhiên, nhận thức của
các cá nhân tổ chức về ý nghĩa của hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở
giáo dục đại học còn tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, nó chưa nhận được sự
quan tâm đúng mức, dẫn đến việc xuất hiện tình trạng đối phó, hoạt động
mang tính hình thức, chưa đạt được hiệu quả tương xứng với vị trí, vai trò vốn
có.
Xã hội phát triển đòi hỏi ngành Y tế cần phải chú trọng đến chất lượng
và số lượng trong bối cảnh tăng nhanh và già hóa dân số. Nhu cầu chăm sóc
sức khỏe của người dân ngày một nâng cao khiến chất lượng chăm sóc, dịch
vụ y tế cần phải được cải thiện từng ngày. Trước những thời cơ và thách thức
song hành, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống ngành Y tế cần
phải hoạch định kịp thời các giải pháp để đảm bảo, nâng cao số lượng lẫn chất
lượng nguồn nhân lực ngành Y tế, theo kịp nhịp thở của thời đại cũng như
những đòi hỏi muôn màu mà xã hội đã và đang đặt ra. Trong đó, công tác
thanh tra nội bộ góp một vai trò quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục
tiêu này.
Cùng với yêu cầu đổi mới tổ chức và cải thiện hoạt động của thanh tra
nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học cả nước nói chung, cũng như từ thực
tiễn các cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế nói riêng, các cấp quản lý cần tiếp
tục nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác thanh tra trong quá
trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục; kiện toàn tổ chức, đội ngũ làm
công tác thanh tra nội bộ, cộng tác viên thanh tra; nâng cao chất lượng và hiệu
quả của hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng,
chống tham nhũng. Hơn hết, hoạt động thanh tra nội bộ cần tập trung tập
trung chủ yếu vào việc thanh - kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao,
nhất là những vấn đề công luận quan tâm; chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tăng cường xử lý sau thanh tra.


2


Để làm được những yêu cầu trên, trước hết, chúng ta cần đánh giá một
cách trung thực tình hình thực tiễn của công tác thanh tra nội bộ trong những
cơ sở giáo dục đại học ngành y tế, từ đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc
nhằm đề xuất các giải pháp để đổi mới tổ chức và nâng cao hoạt động thanh
tra nội bộ trong thời gian tới.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài “Tổ chức và hoạt
động của thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam” làm
đề tài luận văn thạc sĩ.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Thông qua quá trình tổng quan tình hình nghiên cứu, chúng tôi nhận
thấy rằng cần phải phân chia các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
thành những nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất là nhóm các công trình nghiên cứu về thanh tra và tổ
chức hoạt động thanh tra:
Đề tài: “Các nguyên tắc trong hoạt động thanh tra - Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn” do Nguyễn Thái Hồng làm chủ nhiệm năm 2011 là đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Đề tài đã phân tích thực trạng các quy định pháp
luật và việc thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động thanh tra trên thực tế.
Từ đó, đề tài đã đánh giá những quy định của pháp luật, những tồn tại, hạn
chế trong việc thực hiện, đưa ra các giải pháp phương hướng hoàn thiện các
nguyên tắc trong hoạt động thanh tra thông qua việc bổ sung, hoàn thiện
những quy định của hoạt động này.
Đề tài: “Hoàn thiện pháp luật về thanh tra trong giai đoạn hiện nay” là
một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Văn Tiến Mai làm chủ nhiệm năm
2016. Trên cơ sở làm rõ lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về thanh tra;
phân tích thực trạng pháp luật về hoạt động này trong giai đoạn hiện nay,


3


thông qua đó, đề tài đưa ra quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về thanh
tra trong thời gian tới.
Nhóm thứ hai là nhóm các công trình nghiên cứu về thanh tra nội bộ cơ
sở giáo dục đại học:
Luận văn thạc sỹ Quản lý giáo dục “Quản lý hoạt động thanh tra nội bộ
ở trường đại học công nghệ giao thông vận tải” của tác giả Trịnh Thanh Bình
năm 2018. Trên cơ sở nghiên cứu công tác quản lý hoạt động thanh tra nội bộ,
tác giả đã đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy, tạo những bước tiến mới
trong công tác quản lý hoạt động thanh tra nội bộ ở Trường Đại học Giao
thông vận tại nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học nói chung. Từ việc phân
tích mối quan hệ các biện pháp và đánh giá tác động các biện pháp đến hiệu
quả hoạt động thanh tra nội bộ, đề tài đã cho thấy các biện pháp được đề xuất
đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả trong đổi mới hoạt động thanh tra nội bộ
đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Nhóm thứ ba là nhóm các công trình nghiên cứu về tổ chức và hoạt
động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học:
- Đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức
hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học”, là đề tài khoa học cấp Bộ
do Lê Quán Tần làm chủ nhiệm. Đề tài đã phân tích rõ những bất cập trong hệ
thống thanh tra giáo dục đại học, trên cơ sở đó tác giả đưa ra những đề xuất,
giải pháp xây dựng tổ chức và hoạt động cho hệ thống thanh tra trong cơ sở
giáo dục đại học.
Luận văn thạc sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính “Tổ chức và hoạt
động của thanh tra nội bộ từ thực tiễn Đại học Quốc gia Hà Nội” của tác giả
Vũ Hải Uyên năm 2018. Luận văn đã chỉ ra những nội dung trong hoạt động
của thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết

định thành lập qua việc nghiên cứu thực trạng tổ chức và hoạt của thanh tra

4


nội bộ từ thực tiễn Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đó chỉ ra những hạn chế như
sau: hạn chế trong việc triển khai thực hiện hoạt động thanh tra nội bộ và
nguyên nhân của hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới tổ
chức và hoạt động thanh tra nội bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như vậy, có thể thấy ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về
tổ chức và hoạt động của thanh tra nói chung. Tuy nhiên đối với tổ chức và
hoạt động thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học vẫn là đối tượng nghiên
cứu còn nhiều điểm mới để khai thác. Do vậy, trên cơ sở những kết quả
nghiên cứu trước đây và các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về tổ chức
và hoạt động thanh tra, việc nghiên cứu về đề tài này sẽ góp phần đóng góp
thêm những luận cứ khoa học, cũng như cơ sở thực tiễn trong tổ chức và hoạt
động của thanh tra nội bộ trong cơ sở đào tạo đại học nói chung và cơ sở đào
tạo đại học ngành Y tế Việt Nam nói riêng.
Qua quá trình tổng quan tình hình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng
các công trình nghiên cứu trực diện về đề tài “Tổ chức và hoạt động của thanh
tra trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam” còn tương đối ít ỏi
và khan hiếm. Vì vậy đây là vấn đề luận văn cần tập trung giải quyết.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là trình bày và phân tích về tổ chức
và hoạt động của thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế
Việt Nam hiện nay từ đó góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nội
bộ cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ cụ thể của Luận văn để thực hiện mục đích trên, là:

Nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về thanh tra và tổ chức hoạt
động của thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.

5


Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt của thanh tra nội bộ trong các
CSGDĐH ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay; chỉ ra được những ưu điểm, hạn
chế và nguyên nhân của những hạn chế.
Đưa ra phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động thanh
tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tổ chức và hoạt động của thanh
tra nội bộ cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế Việt Nam hiện nay.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về nội dung nghiên cứu:
Về không gian: Luận văn nghiên cứu tổ chức và hoạt động của thanh
tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục Đại học ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay.
Về thời gian: Luận văn được nghiên cứu dựa trên các số liệu từ năm
2015 đến nay
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về
giáo dục và đào tạo đối với hoạt động thanh tra.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích và nghiên cứu tổng hợp: Đây là phương pháp
được sử dụng xuyên suốt trong toàn bộ luận văn để giải quyết những vấn đề
mang tính lý luận. Phương pháp này chủ yếu tập trung nghiên cứu, tham

khảo, phân tích sách, tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử để làm
rõ thêm lý luận về thanh tra, thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.

6


Phương pháp hệ thống được sử dụng để hệ thống các quan điểm, quan
niệm xung quanh các nội dung cần giải quyết trong đề tài.
Phương pháp khảo sát thực tiễn: để đưa ra các số liệu thực tế, cần thiết
phản ánh thực trạng công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học
ngành Y tế để đánh giá một cách khách quan trung thực và đánh giá tính khả
thi của các giải pháp được xây dựng.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa về lý luận
Luận văn là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống trên cơ sở lý
luận về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học
ngành Y tế Việt Nam, tổng quát từ lý luận đến thực tiễn, từ quy định của pháp
luật đến việc áp dụng pháp luật trong tổ chức và hoạt động của thanh tra nói
chung và của tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục đại học
nói riêng.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Làm sáng tỏ thực trạng công tác tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ
ở các trường đại học nói chung và các trường đại học ngành Y tế nói riêng.
Đề ra các biện pháp khả thi để góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động
thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế.
7. Kết cấu của luận văn
Kết của luận văn gồm 03 chương cụ thể như sau:
Chương 1: Lý luận chung về thanh tra và tổ chức hoạt động của thanh
tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.
Chương 2: Thực trạng tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ từ

thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động
thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế ở Việt Nam hiện nay.

7


Chương 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ THANH TRA VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
THANH TRA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Thanh tra
Thanh tra theo tiếng Anh (Inspect) – nguồn gốc Latinh (Inspectar) có
nghĩa là “nhìn vào bên trong", mô tả một sự kiểm tra, xem xét từ bên ngoài
đối với hoạt động của một số đối tượng nhất định.[30, tr10]
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học năm 2000, thanh tra có
nghĩa là “kiểm soát, xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, cơ quan, xí
nghiệp” [31, tr.944]. Với nghĩa này, khái niệm thanh tra bao hàm nghĩa kiểm
soát nhằm “xem xét và phát hiện ngăn chặn những gì trái quy định”. Thanh
tra thường đi kèm với một chủ thể nhất định: “người làm nhiệm vụ thanh tra”,
“đoàn thanh tra” và “đặt trong phạm vi quyền hành của một chủ thể nhất
định”. Tuy nhiên, cách hiểu này dễ gây tâm lý sợ hãi hoạt động thanh tra do
phát sinh suy nghĩ thanh tra chỉ nhằm tìm ra lỗi sai.
Hiện nay, Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thanh tra là hoạt động
xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Từ quy định này, ta có
thể thấy được khái niệm thanh tra được cấu thành từ các yếu tố sau:
- Là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý.
- Được thực hiện theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định.

- Do một số cơ quan nhà nước thực hiện.
Hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý đều phải trên cơ sở pháp luật, mang
tính khách quan, công bằng.

8


Như vậy, Thanh tra là hoạt động xem xét trực tiếp hoạt động của đối
tượng, căn cứ theo các quy định của pháp luật có liên quan để đánh giá hoạt
động đó đúng hay sai. Đây là khái niệm hoàn chỉnh nhất trong các khái niệm
nêu trên vì có ý nghĩa định hướng cả về mục đích, tổ chức và hoạt động thanh
tra. Hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước bao gồm thanh tra hành chính
và thanh tra chuyên ngành.
- Thanh tra hành chính là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý của cơ
quan cấp trên đối với cơ quan, tổ chức cá nhân cấp dưới trực tiếp.
- Thanh tra chuyên ngành là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý của cơ
quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức cá nhân
tham gia hoạt động trong lĩnh vực đó.
1.1.2. Cơ sở giáo dục đại học
Đại học có nghĩa là “Học vấn chuyên nghiệp bậc cao gồm học vấn
khoa học cơ bản, khoa học cơ sở, khoa học và lí thuyết kĩ thuật chuyên ngành,
kinh nghiệm và kĩ năng hoạt động nghề nghiệp diện rộng, hoạt động nghiên
cứu khoa học - công nghệ, tổ chức - quản lí công tác chuyên môn, phương
pháp và kĩ năng tự học tập, nâng cao nghiệp vụ”.[14, tr.18]
Giáo dục đại học (tiếng Anh: higher education)[14, tr.18] là giai đoạn
giáo dục bậc cao thường diễn ra ở các trường đại học, trường cao đẳng, học
viện, và viện công nghệ, bao gồm các bậc sau trung học phổ thông như cao
đẳng, đại học, và sau đại học.[31]
Từ hai khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu cơ sở giáo dục theo nghĩa là
trường, nơi đào tạo học vấn chuyên nghiệp bậc cao gồm học vấn về các lĩnh

vực khoa học cơ sở, khoa học và lí thuyết kĩ thuật chuyên ngành, kinh nghiệm
và kĩ năng hoạt động nghề nghiệp diện rộng, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức - quản lí công tác chuyên môn, phương pháp và kĩ năng tự

9


học tập, nâng cao nghiệp vụ; được thực hiện theo các bậc cao đẳng, đại học và
sau đại học.
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ban hành
ngày 19/11/2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 quy định chi tiết khái niệm về
cơ sở giáo dục đại học:
“Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc
dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động
khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”. Trong luận văn này, chúng tôi
sẽ sử dụng khái niệm “Cơ sở giáo dục đại học” theo các hiểu trên.
1.1.3. Thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học
1.1.3.1. Khái niệm thanh tra nội bộ
Thanh tra nội bộ là tổ chức thanh tra được thành lập trong cơ quan
không có chức năng quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh
nghiệp nhà nước. Hoạt động thanh tra nội bộ được hiểu là hoạt động xem xét,
đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cá nhân, tổ
chức có thẩm quyền nhằm giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý toàn
diện việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của
các cá nhân tổ chức trong nội bộ cơ quan đơn vị đó.
Điều 78 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra như sau: “Cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được
giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước
thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra
nội bộ để giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà

nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình.
Căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và Nghị định này, Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ

10


chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị
mình”. Như vậy, trong luận văn này, khái niệm “thanh tra nội bộ” mà chúng
tôi sử dụng sẽ được hiểu theo nội dung Nghị định 86/2011/NĐ-CP đã quy
định.
1.1.3.2. Khái niệm thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục đại học
Điều 2 Thông tư 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ
sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp quy định: “Hoạt động
thanh tra của trường là hoạt động thanh tra nội bộ, giúp Giám đốc, Hiệu
trưởng, Viện trưởng (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) phát hiện sơ hở trong
cơ chế quản lý của trường để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa,
phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của trường; giúp đơn
vị, tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục
và chính sách, pháp luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng,
chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của trường theo quy
định của pháp luật”.
Do đó, Thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học là hoạt động
thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học giúp Thủ trưởng, người đứng đầu
cơ sở giáo dục đại học trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và
phòng, chống tham nhũng với mục đích nhằm phát hiện các sơ hở trong cơ
chế quản lý của đơn vị để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát
hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị; giúp đơn vị, tổ
chức, cá nhân thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và chính sách, pháp

luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của
pháp luật.

11


1.2. Đặc điểm của thanh tra và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo
dục đại học ngành Y tế
1.2.1. Đặc điểm của thanh tra
1.2.1.1. Thanh tra mang tính khách quan
Về bản chất thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá một cách khách
quan việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân. Từ đây, thanh tra đưa ra kết luận đúng sai, đánh giá
ưu, khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm, góp
phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân.
Hoạt động thanh tra mang tính khách quan thể hiện trong việc xem xét,
đánh giá đối tượng, nội dung thanh tra đúng thực tế, không suy diễn, phản ánh
ở sự minh bạch và công bằng. Đây là những dấu hiệu cơ bản nhất “biểu đạt”
tính khách quan của thanh tra.
1.2.1.2. Thanh tra mang tính quyền lực nhà nước
Có thể nói, thanh tra là một chức năng của quản lí nhà nước. Như vậy,
tính quyền lực nhà nước của hoạt động thanh tra luôn gắn bó chặt chẽ với
quyền uy và phục tùng. Thuộc tính này thể hiện qua việc đoàn thanh tra có
quyền yêu cầu đối tượng phải thực hiện những vấn đề thuộc nội dung thanh
tra, tuân thủ các kiến nghị thanh tra; được phép kiến nghị cấp có thẩm quyền
giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, đề nghị truy cứu trách
nhiệm pháp lý đối với những cá nhân vi phạm pháp luật. Trong những trường
hợp cần thiết được quy định bởi pháp luật, đoàn thanh tra có thể trực tiếp áp

dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước.
Ngoài ra, tính quyền lực còn thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của từng tổ chức thanh tra, phương thức tiến hành thanh tra, xử lý kết quả
thanh tra…

12


1.2.1.3. Thanh tra mang tính độc lập tương đối
Tính độc lập tương đối là một trong những đặc điểm nổi bật của thanh
tra. Đây là thuộc tính căn bản của thanh tra. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra
cũng không hoàn toàn biệt lập, tách rời vai trò quản lý nhà nước, mà nó phục
vụ quản lý nhà nước.
Chủ thể của thanh tra độc lập với chủ thể quản lý nhà nước trong việc
xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý. Việc lệ thuộc quá lớn vào Thủ
trưởng cơ quan quản lý nhà nước sẽ khiến hoạt động thanh tra khó bảo đảm
tính chính xác, khách quan, dân chủ và kịp thời. Do đó, theo quy định của
pháp luật thanh tra Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra phải
độc lập với đối tượng thanh tra.
Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý
trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Giữa cơ quan thanh tra và
đối tượng thanh tra có thể phát sinh các mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý
nhà nước. Tính khách quan, chính xác trong hoạt động thanh tra sẽ không
được đảm bảo bởi mối quan hệ trên. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ, cơ quan thanh tra căn cứ vào các văn bản pháp luật để thực đảm
bảo đúng chức trách, quyền hạn của mình.
Ngoài ra, tính độc lập tương đối trong hoạt động thanh tra còn thể hiện
trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi ra các quyết định, cơ
quan này phải chịu trách nhiệm với quyết định thanh tra; với các cuộc thanh
tra theo thẩm quyền hoặc theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt tự

mình tổ chức. Nó còn độc lập trong việc áp dụng biện pháp nghiệp vụ thanh
tra; độc lập về tài chính, vật chất, phương tiện và các điều kiện khác, không bị
phụ thuộc vào đối tượng thanh tra về nơi ăn, ở, phương tiện đi lại.
Như vậy, tính độc lập của thanh tra không đồng nghĩa với sự biệt lập,
tách rời mà nó luôn hòa quyện trong trật tự pháp chế thống nhất với các thuộc

13


tính quyền lực nhà nước và gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, tức là có
tính độc lập tương đối. Sự tồn tại của thuộc tính này xuất phát từ nguyên nhân
trong hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra phải căn cứ vào pháp luật và
chính sách hiện hành, đồng thời phải xuất phát từ thực tế cuộc sống. Do vậy,
tính độc lập của thanh tra ở đây cần được hiểu là tính độc lập của hoạt động
thanh tra nói chung và độc lập về nguyên tắc hoạt động nói riêng.
Nhìn chung, tính độc lập tương đối của quá trình thanh tra được thể
hiện trên các điểm sau: (1) Hoạt động thanh tra chỉ tuân theo pháp luật; (2) Cơ
quan thanh tra tự tổ chức các cuộc thanh tra theo thẩm quyền đã được pháp
luật quy định; (3) Trên cơ sở các kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra ra kết
luận kiến nghị, quyết định xử lí theo các quy định của pháp luật về thanh tra,
đồng thời phải chịu trách nhiệm về những quyết định này trước pháp luật.
1.2.2. Đặc điểm thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế
Về cơ bản thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế không
có nhiều điểm khác biệt so với thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học
nói chung. Vì đây đều là hoạt động thanh tra nội bộ tại đơn vị, giúp Thủ trưởng
trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng, phát hiện
những sơ hở, sai phạm trong cơ chế quản lý để kiến nghị các biện pháp khắc phục.
Do vậy đặc điểm thanh tra nội bộ trong CSGDĐH ngành Y tế cũng có những đặc
điểm chung với các CSGDĐH nói chung như sau:
Thứ nhất, các CSGDĐH là đơn vị sự nghiệp không mang quyền lực

nhà nước cũng không có chức năng quản lý nhà nước. Do đó, thanh tra nội bộ
được thành lập trong CSGDĐH không phục vụ công việc của quản lý nhà
nước. Nó chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng - người đứng đầu
CSGDĐH. Trên thực tế, tính độc lập tương đối của tổ chức thanh tra nội bộ ít
được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật mà phụ thuộc rất
nhiều vào thủ trưởng, người đứng đầu CSGDĐH.

14


Thứ hai, tổ chức thanh tra nội bộ có chức năng giúp thủ trưởng, người
đứng đầu CSGDĐH thanh tra kiểm tra, việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ được giao đối với CSGDĐH, đồng thời giám sát cá nhân trong
phạm vi quản lý của thủ trưởng - người đứng đầu CSGDĐH. Bên cạnh đó,
người đứng đầu tổ chức thanh tra nội bộ cũng có nhiệm vụ tham mưu, giúp
việc cho thủ trưởng đơn vị theo đúng thẩm quyền của mình.
Người đứng đầu CSGDĐH phải xây dựng kế hoạch hoạt động thanh tra
phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như điều kiện cụ thể cho phép của đơn
vị để đảm bảo nguyên tắc tính khả thi của thanh tra.
Hoạt động thanh tra nội bộ do Đoàn thanh tra hoặc cán bộ làm công tác
thanh tra nội bộ tại CSGDĐH tiến hành theo quy chế hoạt động của Đoàn
thanh tra đồng thời tuân theo sự chỉ đạo của thủ trưởng – người đứng đầu
CSGDĐH và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị, trước pháp luật về
hoạt động của mình.
Thứ ba, hoạt động thanh tra và kiểm tra luôn gắn liền với nhau. Thanh
tra nội bộ CSGDĐH được lập ra đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của thủ
trưởng - người đứng đầu CSGDĐH, nói cách khác, đây là thanh tra của thủ
trưởng. Nhiệm vụ của nó là xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy trình,
quy phạm, nội quy, quy chế của các đối tượng trong phạm vi quản lí nội bộ
của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Thực chất đây là một loại hình kiểm tra

mang tính nội bộ trong các CSGDĐH. Vì vậy mà hoạt động thanh tra luôn
gắn liền và hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kiểm tra, giám sát.
Ngoài những đặc điểm chung nói trên thanh tra nội bộ trong CSGDĐH
ngành Y tế còn có một số đặc điểm riêng đó là:
Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học ngành Y tế có chức năng đào tạo các
khối ngành về chăm sóc sức khỏe tạo nguồn nhân lực ngành Y tế cho xã hội.
Bản thân việc đào tạo nguồn nhân lực Y tế là ngành đặc thù có nhiều ngành

15


đào tạo riêng biệt như: Bác sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên Y tế… Mỗi
ngành lại có các chuyên ngành đào tạo và nhiều trình độ khác nhau từ bậc trung
cấp đến đại học và sau đại học. Chính vì tính đặc thù về chức năng nhiệm vụ, lĩnh
vực hoạt động của các CSGDĐH ngành y tế nên hoạt động thanh tra nội bộ cũng
có sự thay đổi linh hoạt trong ngành đào tạo đặc thù này.
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực y tế là loại hình đặc biệt nên đội ngũ
cán bộ làm công tác thanh tra ngoài kiến thức chuyên môn về hoạt động thanh
tra cũng cần phải được trang bị những kiến thức về chuyên ngành chăm sóc
sức khỏe. Cán công tác thanh tra cũng cần phải nắm được những kiến thức cơ
bản đối với những lĩnh vực của đối tượng thanh tra. Sự hạn chế kiến thức
chuyên ngành chăm sóc sức khỏe của cán bộ làm công tác thanh tra là một
thách thức không nhỏ trong hoạt động thanh tra nội bộ ngành Y tế. Lấy ví dụ
việc đào tạo Chuyên khoa đòi hỏi cán bộ làm công tác thanh tra cần phải nắm
được những quy định về hình thức đào tạo Chuyên khoa…
Thứ ba, sự khác nhau về mô hình tổ chức hoạt động. Sự khác nhau này
không chỉ giữa cơ sở giáo dục đại học nói chung và CSGDĐH ngành Y tế nói
riêng mà ngay giữa các CSGDĐH đều có những mô hình tổ chức khác nhau
như việc thành lập các phòng thanh tra hay ban thanh tra hoặc cử cán bộ làm
công tác thanh tra… Tuy loại hình như nào nhưng đều có chung chức năng

nhiệm vụ mà hoạt động thanh tra muốn hướng đến.
1.2.3. Tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại
học ngành Y tế
1.2.3.1. Cơ sở và địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ trong CSGDĐH
ngành Y tế
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý của thanh tra nội bộ CSGDĐH ngành Y tế
Ngoài việc được tổ chức và hoạt động áp dụng theo quy định của Luật
Thanh tra 2010 và Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành Luật Thanh tra 2010, hiện nay công tác tổ chức và hoạt động Thanh

16


tra trong CSGDĐH được quy định cụ thể tại Thông tư 51/2012/TT-BGDĐT
ngày 18/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức và hoạt động thanh
tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong CSGDĐH
hiện nay còn dựa trên những cơ sở pháp lý sau: Luật giáo dục đại học năm 2012
và Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học 2018; Nghị định 42/2013/NĐ-CP
về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm học của ngành giáo dục; hướng dẫn của
Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra nội bộ hàng năm
học đối với CSGDĐH và các văn bản khác có liên quan.
Thứ hai, về địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ trong CSGDĐH ngành
Y tế
Thủ trưởng - người đứng đầu CSGDĐH trong phạm vi quyền hạn được
giao, thành lập tổ chức thanh tra nội bộ trong CSGDĐH, ban hành văn bản
quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động thanh tra. Cá nhân này cũng tổ chức,
chỉ đạo công tác thanh tra trong toàn đơn vị. Các CSGDĐH có trách nhiệm
thực hiện pháp luật về thanh tra đối với đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý

trực tiếp của CSGDĐH.
Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi, chức năng nhiệm vụ của CSGDĐH có
thể thành lập Phòng hoặc Ban thanh tra nội bộ gọi chung là Phòng thanh tra
hoặc bố trí viên chức, người lao động làm công tác thanh tra nội bộ. Việc
thành lập hoặc bố trí người chuyên trách làm công tác thanh tra nội bộ do
người đứng đầu CSGDĐH quyết định.
1.2.3.2. Thẩm quyền và đối tượng của thanh tra nội bộ trong CSGDĐH
ngành Y tế
Thủ trưởng - người đứng đầu CSGDĐH (Hiệu trưởng các trường Đại
học, Cao Đẳng; Giám đốc Học viện) là người có thẩm quyền tổ chức thanh rta
nội bộ trong CSGDĐH.
17


Đối tượng của Hoạt động Thanh tra nội bộ trong CSGDĐH là tất cả các
nhân tố cấu thành hệ thống sư phạm trong CSGDĐH, mối quan hệ giữa chúng
tạo ra một phương thức hoạt động đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện tốt
mục tiêu, kế hoạch đào tạo nhằm đạt được chất lượng đào tạo mong muốn. Như
vậy, hoạt động thanh tra nội bộ trong CSGDĐH hướng đến các đối tượng quản
lý của thủ trưởng – người đứng đầu các CSGDĐH bao gồm: các khoa, phòng,
ban, trung tâm, cán bộ, giảng viên, người lao động và người học.
1.2.3.3. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra nội bộ trong
CSGDĐH ngành Y tế
Thứ nhất, chức năng của tổ chức thanh tra CSGDĐH ngành Y tế:
Thanh tra nội bộ có chức năng tham mưu cho thủ trưởng - người đứng
đầu CSGDĐH thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động
giáo dục đào tạo trong phạm vi quản lý của mình. Nó đảm bảo việc thi hành
các chính sách pháp luật, quy định, quy chế đào tạo, việc thực hiện nhiệm vụ
của CSGDĐH, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập
thể, cá nhân trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của CSGDĐH theo quy định

pháp luật.
Thứ hai, về nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức thanh tra nội bộ trong
CSGDĐH ngành Y tế:
Thanh tra nội bộ trong CSGDĐH phải tuân theo các quy định của pháp
luật về thanh tra và các văn bản hướng dẫn. Nhiệm vụ quyền hạn thanh tra nội
bộ đã được quy định chi tiết tại Thông tư 51/2012/TT-BGDĐT ngày
18/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức và hoạt động thanh tra của
cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp; thực hiện theo quy
chế về tổ chức và hoạt động của từng CSGDĐH. Nhiệm vụ và quyền hạn của
tổ chức thanh tra nội bộ trong CSGDĐH ngành Y tế như sau:

18


(1) Trong công tác thanh tra: tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, trình
thủ trưởng CSGDĐH phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó theo quy
định của pháp luật; Thanh tra việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ được giao
đối với tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc quyền quản lý của thủ trưởng
CSGDĐH.
(2) Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: giúp thủ
trưởng CSGDĐH thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tổ chức thanh tra nội bộ
CSGDĐH có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, phòng ban chức năng chuẩn
bị nội dung, tài liệu và các điều kiện khác phục vụ công tác tiếp công dân,
tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo các quy định của pháp
luật hiện hành.
(3) Trong công tác phòng, chống tham nhũng: tổ chức thanh tra nội bộ
giúp thủ trưởng CSGDĐH thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện các hoạt động
thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý

nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tập trung vào những lĩnh vực
trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như: tài chính - ngân
sách, mua sắm công, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm.
Ngoài những nhiệm vụ trên, tổ chức thanh tra nội bộ trong CSGDĐH
còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị giao: thực hiện
chế độ báo cáo tổng kết kinh nghiệm về công tác tiếp công dân, công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng của trường theo
yêu cầu của thủ trưởng CSGDĐH và thanh tra cấp trên; kiến nghị việc sửa đổi
bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục; làm đầu mối
giúp thủ trưởng CSGDĐH phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên
quan về công tác thanh tra.

19


×