Tải bản đầy đủ (.docx) (111 trang)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (406.24 KB, 111 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------o0o--------

NGUYỄN THỊ NGÂN

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC


Hà Nội - 2018
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------o0o--------

NGUYỄN THỊ NGÂN

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Bá Thành


Hà Nội - 2018



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đến PGS.TS Nguyễn Bá Thành người đã tận
tình giúp tôi trong quá trình thực hiện đề tài này.
Tôi xin cảm ơn các thầy các cô trong Khoa Văn học, Phòng Sau đại học,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc Gia Hà Nội, đã tạo
điều kiện cho tôi được học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tác giả, cùng gia đình,
bạn bè và người thân đã luôn bên cạnh, cổ vũ động viên nhiệt tình giúp tôi
hoàn thành luận văn này.
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2018
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Ngân


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU......................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài.................................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề..................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu......................................................................5

3.1 Đối tượng nghiên cứu.............................................................................5
3.2 Phạm vi nghiên cứu................................................................................5
4. Mục đích nghiên cứu...........................................................................................5
5. Phương pháp nghiên cứu....................................................................................5
6. Kết cấu luận văn..................................................................................................6
CHƯƠNG 1: TIỂU THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY TRONG BỐI CẢNH
CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI.................................................7
1.1 Bức tranh chung của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới...........................7


1.1.1 Quá trình đổi mới đất nước và đổi mới văn học...................................7
1.1.2 Sự đổi mới về tiểu thuyết Việt Nam đương đại....................................11
1.1.2.1 Đổi mới về quan niệm hiện thực...........................................................11
1.1.2.2 Đổi mới quan niệm về con người..........................................................14
1.1.2.3 Đổi mới quan niệm nghệ thuật..............................................................19

1.2.1 Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Khuất Quang Thụy.........22
1.2.2 Quan niệm văn học của Khuất Quang Thụy.......................................24
1.2.3 Tiểu thuyết Khuất Quang Thụy...........................................................26
Tiểu kết chương 1..................................................................................................30
CHƯƠNG 2: HIỆN THỰC XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU
THUYẾT CỦA KHUẤT QUANG THỤY...........................................................31
2.1 Hiện thực trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy...........................................31

2.1.1 Hiện thực chiến trường hào hùng – khốc liệt......................................31
2.1.2 Cái nhìn lãng mạn thời chiến tranh....................................................37
2.1.3 Bức tranh cuộc sống đời thường.........................................................42


2.2 Nhân vật trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy............................................45

2.2.1 Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Khuất
Quang Thụy..................................................................................................45
2.2.2 Con người mang cảm hứng sử thi anh hùng.......................................46
2.2.3 Con người mang cảm hứng sử thi và đời tư thế sự.............................49
2.2.4 Nhân vật kẻ thù dưới cái nhìn đa chiều..............................................58
Tiểu Kết Chương 2................................................................................................65
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU
THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY.....................................................................66
3.1 Nghệ thuật xây dựng nhân vật........................................................................66


3.1.1 Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật....................................................66
3.1.2 Nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật.............................................71
3.2 Ngôn ngữ và giọng điệu...................................................................................75

3.2.1 Ngôn ngữ người kể chuyện..................................................................75
3.2.2 Ngôn ngữ đối thoại..............................................................................79
3.2.3 Giọng điệu triết lý...............................................................................82
3.3 Kết cấu.............................................................................................................. 85

3.3.1 Kết cấu theo thời gian.........................................................................86
3.3.2 Kết cấu dòng ý thức.............................................................................87
3.3.3 Kết cấu song tuyến..............................................................................90
3.4 Biểu tượng nghệ thuật qua nhan đề tác phẩm..............................................92
Tiểu kết chương 3..................................................................................................96
PHẦN KẾT LUẬN................................................................................................97
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................100


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tiểu thuyết đang ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu ở cả
hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Không chỉ phản ánh đời tư, thế sự
tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính thời hậu chiến cũng là một trong
những chủ đề được nhiều nhà văn khai thác trong nhiều năm trở lại đây. Các
nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn mặc áo lính trong đó có Khuất Quang
Thụy đã tái hiện thành công mảng đề tài này.
Khuất Quang Thụy viết về chiến trận dưới thời bình, những tác phẩm
của ông có “độ lùi” về thời gian đủ để người đọc có thể chiêm nghiệm về thời
kỳ gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Đối với Khuất Quang Thụy viết về

chiến tranh là niềm khao khát, say mê và cũng là dịp để trả nợ đồng đội, đồng
chí. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ở chiến trường ông đã cố gắng ghi chép lại
thật nhiều kỷ niệm về hiện thực, về con người, cùng với sự khắc nghiệt của
chiến tranh. Bước chân ra khỏi cuộc chiến ngay từ năm 1980, Khuất Quang
Thụy đã cho ra đời tiểu thuyết đầu tay là “Trong cơn gió lốc” và gần đây nhất
là tiểu thuyết “Đỉnh cao hoang vắng” nhận được sự quan tâm, yêu mến của
nhiều độc giả.
Cũng giống với thế hệ nhà văn đi trước như: Anh Đức, Nguyên Ngọc,
Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh… Các sác tác của Khuất Quang Thụy có giá
trị to lớn đóng vai trò quan trọng trong nền văn học nước nhà. Khuất Quang
Thụy khai thác rất thành công đề tài người lính trong kháng chiến và cuộc
sống đời thường, đồng thời mở ra những quan điểm mới về con người, đặc
biệt là hình ảnh đối phương như một vấn đề gợi mở cần đi sâu nghiên cứu.
Trong bối cảnh hiện nay, xã hội phát triển, văn học nghệ thuật cũng có
nhiều sự chuyển biến mạnh mẽ, nghiên cứu về đề tài chiến tranh và cuộc sống
người lính thời hậu chiến là điều hết sức cần thiết. Bởi thông qua những tác
phẩm này người đọc sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn và đúng đắn hơn về hiện thực
1


lịch sử. Đồng thời, hướng ngòi bút về chủ đề người lính cũng là cách để giải
mã về thời kỳ hào hùng của dân tộc, như một giá trị tinh thần vừa để biết ơn
thế hệ trước vừa để góp một phần giá trị vào văn học nước nhà.
Nghiên cứu về Khuất Quang Thụy đã có một số công trình song vẫn
chưa thực sự đầy đủ. Các công trình mới chỉ đưa ra được những vấn đề về
nhân vật, phong cách, nội dung mà chưa đi sâu một cách có hệ thống. Vì
vậy, thông qua tìm hiểu tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy chúng tôi
muốn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để chỉ ra được đặc điểm chính về nội
dung và hình thức nghệ thuật cũng như những đóng góp mới của tác giả
cho nền văn học Việt Nam.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Khuất Quang Thụy có nhiều sáng tác về đề tài chiến tranh, ngay từ năm
1980 ông đã cho ra đời tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” nhưng phải đến những
năm gần đây người ta mới bắt đầu chú ý nhiều đến ông. Vốn là một người
khiêm tốn, không phô trương, khoe mẽ những tác phẩm ông viết ra như để tri
ân đến những người đồng đội của mình. Người ta mệnh danh ông là người
“thợ lặn” bởi ông viết rất hay nhưng lại rất ít xuất hiện trên các thi đàn. Mỗi
tác phẩm ông viết ra đều rất gần gũi và chân thực. Có lẽ, bởi sự từng trải trong
kháng chiến và đổi mới về quan niệm sáng tác nên tiểu thuyết của ông dễ
dàng đi sâu vào trái tim người đọc.
Tìm hiểu về Khuất Quang Thụy cũng đã có một số bài viết trên báo in,
báo mạng tuy nhiên phải đến năm 2007 khi ông được giải thưởng Nhà nước
về Văn học nghệ thuật cho cụm 3 tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không
phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng” thì mới có nhiều người biết đến và
đã thu hút các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ. Một trong
số đó mà chúng ta phải kể đến là bài viết “Con mắt người đối chiến” của
Nguyễn Chí Hoan. Tác giả đã chỉ ra nét đặc biệt ở tiểu thuyết “Đối Chiến”:

2


“Cuốn tiểu thuyết này, lần đầu tiên trong các sáng tác văn học hậu chiến, đã
nỗ lực hết mức trong việc tạo dựng một hệ thống nhân vật có thể giúp hình
dung diện mạo quân đội đối phương. Những trang viết này có thể làm ngạc
nhiên bất cứ ai từng quan tâm đến văn học về đề tài chiến tranh ở xứ sở này,
dù rằng trên tổng thể vẫn không sai lệch với tinh thần chung của truyền thống
văn học ấy”[25].
Văn Chinh với bài viết Chiến tranh dưới góc nhìn xã hội học của
Khuất Quang Thụy đã đề cập đến các tác phẩm: “Trong cơn gió lốc”,
“Góc tăm tối cuối cùng”, “Những bức tường lửa” và “Đối chiến”. Văn

Chinh đã chỉ ra được quan điểm của Khuất Quang Thụy về chiến tranh:
“Cái khía cạnh xã hội của chiến tranh mà Khuất Quang Thụy tìm được là
đặc biệt quan trọng, nó là cơ may của hết thảy chúng ta. Khi chiến tranh
chỉ được phản ánh từ góc nhìn chính trị, nó sẽ bầy ra những thiên kiến,
nó đơn giản hóa chiến thắng cũng như cả cái ác cái thiện; nó cắt nghĩa
tại sao văn học của ta thì ta tốt nó xấu, ta thắng địch thua”[6].
Viết về “Đối chiến” Nguyễn Công Quang có bài “Đối chiến – Khuất
Quang Thụy: Cái nhìn đầy sòng phẳng”. Tác giả đã có những nhận định:
“Tôi nghĩ trong tác phẩm này với ngòi bút vững chãi và kiên định, nhà văn
không có ý ca ngợi một trận đánh thắng, không ca ngợi một lý tưởng sống, cái
ông muốn ca ngợi chính là con người trong thủa chiến tranh. Những người lỡ
sinh ra thời loạn lạc nhưng họ đã sống hết mình với tất cả đức tính của con
người Việt Nam. Đối chiến với hai đối thủ ngang tài, tôn trọng lẫn nhau, kẻ
giỏi hơn sẽ là người chiến thắng, nhưng không vì thế mà kẻ thua trận lại
không đáng được tôn trọng”. (Nguyễn Công Quang đăng trên Website:
ngày 4/10/2016).
Với tiểu thuyết “Đỉnh cao hoang vắng” tác giả Nguyên An có bài viết
“Từ Đỉnh cao hoang vắng, nhìn lại tiểu thuyết viết về chiến tranh”. Trước
3


hết, Nguyên An đã khẳng định được sự thành công của tác phẩm, một cuốn
tiểu thuyết đã lột tả chân thực về những góc khuất của cuộc chiến. Đây không
chỉ là những trang viết kể chuyện chiến tranh mà còn là câu chuyện lý giải về
chiến tranh là những trang viết suy ngẫm về cuộc chiến. Điều đặc biệt là
“Đỉnh cao hoang vắng” là một kiểu chuyện về “bí mật mỗi cuộc đời”,
“chuyện bây giờ mới kể” về số phận trần ai đau đớn của người Việt thật
không dễ vừa chia sẻ, cảm thông trong chiến tranh”[1].
Nghiên cứu về “Đỉnh cao hoang vắng” còn có bài viết “Chiến thắng
của văn hoá” của Bùi Việt Thắng. Bài viết đã nhận định “Đỉnh cao hoang

vắng bề ngoài là một tiểu thuyết chiến tranh. Tất nhiên. Nhưng, theo tôi, đặt
trong bối cảnh văn chương hôm nay nó lại nghiêng về thế sự - đời tư, chiến
tranh chỉ là cái đường viền mà thôi”. Theo ông đó là sự chiến thắng của văn
hóa bởi “Văn chương là nhịp cầu văn hóa, qua con đường thẩm mĩ, nối kết
những người luôn luôn tri nhận được chân lí hận thù làm đời người ngắn
lại”[48].
Ngoài ra, nghiên cứu về Khuất Quang Thụy còn một số Luận văn như:
Lê Thị Thúy Lan (2013), “Nghiên cứu về Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết
Khuất Quang Thụy”[29]. Nguyễn Thị Lệ (2013), “Tiểu thuyết của Khuất
Quang Thụy trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết viết về chiến tranh”[33].
Luận văn của Nguyễn Thị Hoa Lê (2015), “Cái nhìn về chiến tranh trong tiểu
thuyết của Khuất Quang Thụy qua Những bức tường lửa, Không phải trò đùa
và Đối chiến”[32]. Những bài viết đã chỉ ra sự đổi mới của tiểu thuyết Khuất
Quang Thụy về nghệ thuật tự sự, đổi mới về góc nhìn chiến tranh trong văn
học sau 1975.
Nghiên cứu về Khuất Quang Thụy còn có những bài viết đăng trên các
báo, tạp chí và một số khóa luận tốt nghiệp khác. Tuy nhiên, luận văn chỉ nêu
ra một số công trình và bài viết tiêu biểu.
4


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Luận văn lấy đối tượng nghiên cứu là các tiểu thuyết Trước ngưỡng
cửa bình minh, Trong cơn gió lốc, Không phải trò đùa, Góc tăm tối cuối cùng,
Giữa ba ngôi chúa, Những bức tường lửa, Đối chiến, Đỉnh cao hoang vắng
của Khuất Quang Thụy. Đồng thời tiến hành nghiên cứu những đặc điểm của
các tiểu thuyết trên phương diện nội dung và nghệ thuật.
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này bên cạnh tập trung nghiên cứu tiểu thuyết của

Khuất Quang Thụy chúng tôi đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu, từ các giáo
trình đến các bài nghiên cứu trên báo, tạp chí, các trang mạng và một số
nguồn tư liệu khác để triển khai đề tài. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát một
số tác phẩm khác trong giai đoạn trước và sau năm 1975 để có những nhận
định đánh giá và so sánh sâu sắc hơn.
4. Mục đích nghiên cứu
Đi sâu nghiên cứu chỉ ra những nét độc đáo, sáng tạo và đổi mới của
tiểu thuyết Khuất Quang Thụy từ đó khẳng định vị trí và vai trò của tác giả
trong tiến trình phát triển văn học.
Cũng từ đó nêu ra những quan điểm và tư tưởng đổi mới của tác giả
trong việc miêu tả hình ảnh người lính và hiện thực chiến trường.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau:
+Phương pháp nghiên cứu loại hình:
Dựa vào đặc trưng thể loại nói chung để so sánh với đặc trưng thể loại
tiểu thuyết Khuất Quang Thụy. Từ đó, tìm ra những đặc điểm thể loại của
5


tiểu thuyết Khuất Quang Thụy trên các phương diện như: Ngôn ngữ, cấu
trúc, nghệ thuật.
+ Phương pháp thi pháp học:
Sử dụng phương pháp thi pháp học nhằm để tiếp cận tác phẩm như một
chỉnh thể nghệ thuật để từ đó làm nổi bật hình tượng nhân vật, kết cấu tác
phẩm, không gian, thời gian.
+ Phương pháp nghiên cứu lịch sử xã hội:
Nghiên cứu bối cảnh xã hội, những sự kiện lịch sử để tạo nên tính
chân thực, đồng thời đưa nhân vật vào trong một bối cảnh lịch sử nhất định
làm nổi bật lên nhân cách, hình tượng nhân vật.

+ Phương pháp phân tích tổng hợp và cảm thụ tác phẩm văn học:
Nhằm đưa ra những đánh giá, phân tích về phương diện nội dung và
nghệ thuật của tác phẩm đồng thời nêu bật lên những thông điệp và tư tưởng
mà tác giả muốn truyền tải.
+ Phương pháp so sánh:
Dựa trên kết quả đã khảo sát được, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích nội
dung đồng thời có sự so sánh với các tác giả khác. Từ đó chỉ ra những đặc
điểm riêng, đặc sắc trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy.
6. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo luận văn triển
khai nội dung thành ba chương.
Chương 1: Tiểu thuyết Khuất Quang Thụy trong bối cảnh của tiểu
thuyết Việt Nam đương đại.
Chương 2: Hiện thực xã hội và con người trong tiểu thuyết của Khuất
Quang Thụy.
Chương 3: Một số đặc điểm về nghệ thuật trong tiểu thuyết của Khuất
Quang Thụy.

6


CHƯƠNG 1: TIỂU THUYẾT KHUẤT QUANG THỤY TRONG BỐI
CẢNH CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1 Bức tranh chung của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới
1.1.1 Quá trình đổi mới đất nước và đổi mới văn học
Đất nước thống nhất từ năm 1975 nhưng phải đến năm 1986 mới có sự
thay đổi về mọi mặt của đời sống xã hội. Và Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VI (12/1986) là một dấu mốc quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn
diện đất nước. Đại hội đã chỉ ra những khủng hoảng của nền kinh tế xã hội,
những nguyên nhân dẫn đến và đồng thời đề ra chủ trương đổi mới. Đại hội

nhấn mạnh lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, trên tinh thần nhìn vào sự thật
phải xuất phát từ thực tế, hành động theo quy luật khách quan. Đường lối đổi
mới đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội những năm đầu còn nhiều khó
khăn nhưng đã có sự chuyển biến và đạt được nhiều thành tựu rõ rệt.
Từ sau cải cách quan niệm xơ cứng về quản lý kinh tế đã được tháo gỡ
phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội. Nền kinh tế phát triển theo hướng toàn
cầu, đa dạng hóa, đa phương hóa mở rộng các mối quan hệ đối ngoại. Cải
cách đã giúp đất nước đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội
kéo dài, khắc phục được vấn nạn lạm phát. Từ một nước thiếu lương thực sau
cải cách nước ta đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba
trên thế giới. Vấn đề chủ chốt được Đảng xác định là thay đổi tư duy kinh tế,
lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm. Đây chính là “chìa khóa” hàng đầu để thúc
đẩy nền kinh tế, giải quyết tốt nhu cầu trong nước góp phần tham gia vào hội
nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, năm 1986 đã mở ra một thời kỳ văn học mới đánh
dấu bước ngoặt trong đổi mới tư duy. Bởi trong văn học giai đoạn trước từ

7


1975 – 1986 đã có những thay đổi nhưng chưa thoát ra khỏi hai phạm trù “sử
thi” và “lãng mạn” của văn học cách mạng. Tuy nhiên, giai đoạn tiền đổi mới
này mà người tiên phong là Nguyễn Minh Châu đã có những tìm tòi, cách tân
làm tiền đề cho công cuộc đổi mới. Từ đây, Đại hội đã thể hiện rõ tư tưởng
sáng tác đến các văn nghệ sĩ cần phải đi sâu bám sát đời sống xã hội. Đồng
thời, cũng đánh giá cao sự thành công của nền văn học cách mạng đã phản
ánh chân thực, rõ nét những bước đi của lịch sử, xã hội và khích lệ nhà văn
tiếp tục sáng tác đóng góp cho đất nước.
Đa số các nhà văn đều xuất thân từ người lính, do đó các sáng tác
trước đó của họ bị chi phối bởi lịch sử đất nước, đến giai đoạn sau 1986 dưới

tác động của quy luật đổi mới các nhà văn đã thức tỉnh để nhận ra những hạn
chế, bất cập, thậm chí non kém của nền văn học. Thay đổi tư duy văn học
theo quan niệm mới là cơ hội để các nhà văn được tự do phát huy khả năng
sáng tác, đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra cho mỗi người viết phải có quan
niệm riêng cho phù hợp với tình hình xã hội. Trong đó yếu tố “hạt nhân”
chính là thay đổi về tư duy nghệ thuật. Vấn đề này được thể hiện trên các
phương diện như quan niệm về hiện thực, quan niệm về con người và quan
niệm về nghệ thuật.
Thay đổi quan niệm về hiện thực là yếu tố đầu tiên để phù hợp với bối
cảnh xã hội, từ hiện thực chiến trận, sử thi sang hiện thực đời sống, cá nhân.
Từ quan niệm con người cộng đồng, dân tộc, con người chiến sĩ sang cái tôi
cá nhân và con người bi kịch. Cũng từ giai đoạn này, văn học vận động theo
ba xu hướng là dân chủ hóa, nhân bản hóa và hiện đại hóa. Xu hướng dân chủ
hóa là bước chuyển mình quan trọng của văn học hiện đại nhằm khẳng định
con người cá nhân.
Văn học giai đoạn này không còn là tiếng nói chung của dân tộc, là
những áng văn khích lệ tinh thần chiến đấu mà là việc phát biểu tư tưởng,
quan niệm, đưa ra chính kiến của người nghệ sĩ về xã hội và con người. Nếu
8


như trước đây “văn học cũng là một mặt trận và anh chị em là chiến sĩ trên
mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh) thì giờ đây văn học phản ánh toàn bộ đời sống xã
hội, những tác phẩm văn học không chỉ là cái ta tập thể mà bắt đầu hướng đến
cái tôi cá nhân. Đặc biệt, văn học đã đi sâu vào tâm lý con người, soi chiếu
mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đây chính là một trong những nét đổi
mới của văn học thời kỳ hiện đại. Văn học phát triển theo xu hướng nhân
bản hóa, con người được đặt làm trung tâm của văn học, các đề tài về con
người chiếm vị trí chủ đạo, các tác phẩm ra đời xoay quanh mối quan hệ
giữa con người với xã hội, cá nhân với cộng đồng qua đó làm nổi bật lên

những bế tắc và bi kịch của đời sống xã hội.
Xã hội phát triển đồng nghĩa với lợi ích cá nhân và những nhu cầu về
đời sống cần được đáp ứng. Con người cộng đồng dần nhường chỗ cho cái tôi
cá nhân từ đó dẫn đến sự ích kỷ, tha hóa và biến chất. Văn học lúc này làm
nhiệm vụ đi sâu, bám sát và phản ánh một cách chân thực đời sống xã hội.
Song song, với dân chủ hóa và nhân bản hóa là xu hướng hiện đại hóa. Dưới
tác động của xu hướng hiện đại hóa nhiều bình diện văn học bị thay đổi như
quan điểm nghệ thuật, mối quan hệ giữa nhà văn - độc giả và tính chuyên
nghiệp của người cầm bút đều có sự ảnh hưởng. Một trong những cách tân nỗ
lực nhất mà chúng ta cần phải kể đến là cách tân về thể loại văn học và cách
tân về nghệ thuật. Sự cách tân đổi mới này đã trở thành một động lực mạnh
mẽ cho đội ngũ sáng tác trên con đường tìm kiếm cái mới. Cùng với sự đổi
mới về tư duy và xác lập một tầm nhìn mới văn học đã có bước đổi mới trước
hết là hình thành đông đảo đội ngũ sáng tác từ thế hệ nhà văn trước đó đến đội
ngũ sáng tác trẻ.
Bằng sự nỗ lực và không ngừng đổi mới của đội ngũ tác giả các thể loại
như văn xuôi, thơ, kịch, lý luận phê bình, ký, văn học dịch...đạt được nhiều
thành tựu. Các nhà văn tiếp tục thể hiện tên tuổi của mình trên văn đàn, khẳng
định được quan điểm cá nhân cũng như khai thác được vấn đề nóng bỏng nhất
9


của xã hội. Nhận định về thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới nhà phê bình
văn học Ngô Văn Giá đã đưa ra nhận xét: “Thành tựu lớn nhất là thay đổi về
quan niệm, về con người, về đời sống. Theo đó là một lối viết hoàn toàn khác
trước, cho nên họ có những tên tuổi lớn và tác phẩm lớn. Họ đã chuyển từ mỹ
học thời chiến sang mỹ học thời bình, từ một mỹ học nhằm ca ngợi cuộc
kháng chiến, đi theo hiện thực chủ nghĩa đã chuyển sang một hệ mỹ học thời
bình tức là quan tâm đến số phận con người, quan tâm đến những giá trị phổ
quát toàn nhân loại, quan tâm đến sự tra vấn và đối thoại với hiện thực” [36]

(Theo Ngọc Ngà – Phương Thúy).
Tựu trung lại, văn học giai đoạn này đã có bước chuyển mình góp phần
làm phong phú cho nền văn học nước nhà. Người nghệ sĩ đã đi sâu một cách
tế nhị nhưng không kém phần trung thực vào đời sống nội tâm của các nhân
vật. Đồng thời, phản ánh rất rõ những giằng xé, phức tạp trong mối quan hệ
với hoàn cảnh và xã hội. Cũng vì vậy mà hàng loạt các tác phẩm ra đời để lại
dấu ấn cho người đọc như “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Bến không chồng”
của Dương Hướng, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm
người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường. Ngoài ra, còn rất nhiều truyện
ngắn hay, đạt giải thưởng mà ta phải kể đến như “Cánh đồng bất tận” của
Nguyễn Ngọc Tư ra mắt bạn đọc năm 2005. Nội dung tập truyện đã bám sát
và miêu tả một cách sinh động cuộc sống nghèo khó của người dân Nam Bộ
xoay quanh đó là những mảng màu sáng tối về đời sống con người cùng sự trả
thù và sự báo ứng.
Qua đó, có thể thấy văn học thời kỳ này đã có những bước tiến nhất
định, đặc biệt là sự xuất hiện của đội ngũ sáng tác trẻ có tri thức được đào tạo
bài bản với sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm văn xuôi và thơ. Cũng từ đây,
hệ thống chủ đề, đề tài được mở ra một cách đa dạng, mỗi nhà văn thoải mái
đi sâu, tìm tòi nhằm phát huy cái tôi cá nhân, đặt ngòi bút của mình khai phá
những vùng đất mới. Người nghệ sĩ đã nắm bắt được dòng mạch chính đó là
10


chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, người nghệ sĩ biết gắn văn học vào đời sống
và nỗ lực phản ánh bức tranh đó một cách chân thực nhất. Từ đây ta cũng
nhận thấy công cuộc đổi mới là quá trình tất yếu để phù hợp với giai đoạn lịch
sử và đáp ứng thị hiếu của người đọc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các nhà
văn phải tự thân vận động làm mới bản thân, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thử
thách để những người cầm bút vươn lên, đi tìm mảnh đất sáng tác cho riêng
mình.

1.1.2 Sự đổi mới về tiểu thuyết Việt Nam đương đại
1.1.2.1 Đổi mới về quan niệm hiện thực
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật,
hoàn cảnh và sự việc nhằm phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn cùng với
những vấn đề của cuộc sống con người. Tiểu thuyết được biểu hiện bằng tính
chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ
đề xác định. Tiểu thuyết theo Hoàng Cẩm Giang - Lý Hoài Thu trong “Một
cái nhìn về tiểu thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam” thì “Tiểu thuyết là những tác
phẩm được viết bằng văn xuôi và mang tính văn xuôi rõ nét trong cả hình
thức ngôn ngữ và nội dung biểu hiện, phản ánh một cách đầy đủ và trung thực
những trải nghiệm trong đời sống con người” [16]. Theo như nhận định trên
tiểu thuyết đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới văn học. Bởi ngay
từ thời kỳ đầu, tiểu thuyết sớm khẳng định được vị trí của mình thông qua
việc tái hiện đời sống và thân phận của người nông dân. Nhấn mạnh thêm ý
kiến này Bùi Việt Thắng đã khẳng định: “Nếu nói văn xuôi là “mặt tiền” của
văn học đổi mới thời hậu chiến thì truyện ngắn là trinh sát viên, người lính
xung kích. Khi những cỗ máy cái văn học – tiểu thuyết – ngự trị văn đàn thì
đó là lúc văn học đổi mới, lên đỉnh”[49].
Đúng như vậy, khi quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật thay đổi,
tư duy được “cởi trói”. Nhà văn có thể thỏa sức khám phá, khai thác mảng đề
11


tài hiện thực cuộc sống để tạo nên quan điểm cũng như xác lập phong cách
nghệ thuật riêng biệt. Trong bối cảnh của sự thay đổi ấy, đổi mới quan niệm
hiện thực là hạt nhân đầu tiên được phản ánh thông qua sáng tác của tác giả.
Ở giai đoạn trước, văn học với nhiệm vụ khích lệ tinh thần, cổ vũ chiến đấu
bởi thế văn học chủ yếu xuất phát từ một phía, tác giả là người truyền đạt
chân lý, nội dung hướng đến lịch sử, ca ngợi người anh hùng và cuộc chiến
tranh vệ quốc. Đến thời kỳ đổi mới, quan niệm hiện thực có sự chuyển dịch từ

hiện thực chiến trận, sử thi sang hiện thực đời tư, thế sự. Đây là một trong
những yếu tố quan trọng chi phối các các vấn đề khác như con người, nghệ
thuật và chủ đề, đề tài, theo đó văn học đã trở thành một bộ phận trọng yếu
của cách mạng tư tưởng. Người nghệ sĩ đã nhìn ra mối quan hệ giữa văn học
và đời sống, gắn ngòi bút của mình với người nông dân, đồng thời đi sâu phản
ánh một cách trung thực những vấn đề xã hội đang diễn ra. Lúc này, người
nghệ sĩ không viết leo lối áp đặt, cách kết thúc câu chuyện thường để gợi mở
để người đọc có thể tô vẽ theo quan điểm và năng lực riêng của họ.
Ngay từ những năm trước cách mạng nhà văn Nam Cao trong tác phẩm
“Đời Thừa” (1943) đã từng khẳng định “Văn chương không cần đến những
người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung
nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng
tạo những gì chưa có”. Vì vậy tiểu thuyết giai đoạn sau đã đi đúng và tiếp nối
mạch nguồn sáng tác của giai đoạn trước. Người nghệ sĩ đi sâu len lỏi vào
mỗi số phận cá nhân, mỗi gia đình và làng quê để làm nổi bật lên hiện thực
cuộc sống, bi kịch đặc biệt là bi kịch người lính thời kỳ hậu chiến.
Có thể thấy rằng tiểu thuyết giai đoạn này là bước chuyển mình mạnh
mẽ, không chỉ đơn giản là cái nhìn một chiều mà mạnh dạn phanh phui những
mặt xấu của xã hội. Đến giai đoạn này tiểu thuyết đã trở về với cuộc sống đời
thường, tiếp tục giữ vị trí quan trọng là một “món ăn tinh thần không thể thiếu
của con người”. Một trong những tác phẩm tiêu biểu mà ta phải kể đến là tiểu
12


thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu, nhà văn đã khắc họa thành công bức tranh
đời sống làng quê với những quan niệm phong kiến hủ tục, đẩy con người vào
những giằng xé nội tâm. Nhân vật được khắc họa thành công là Giang Minh
Sài, con người rơi vào bi kịch trong các mối quan hệ giữa gia đình, người thân
và xã hội. Anh ta càng kháng cự càng cố gắng vùng vẫy càng rơi vào bi kịch
cuộc đời không lối thoát giống như “Tướng về hưu” và “Không có vua” của

Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài ra, còn một số tác phẩm cần phải kể tới như:
“Trong sương hồng hiện ra”, “Người đàn bà trên đảo”, "Người và xe chạy
dưới ánh trăng" của Hồ Anh Thái, “Cỏ hoang” của Nguyễn Quang Thiều,
“Ngồi”, “Kể xong rồi đi”, “Những đứa trẻ chết già” của Nguyễn Bình
Phương.
Thời kỳ này cũng đã đánh dấu sự trở lại của đề tài chiến tranh nhưng
được phản ánh trong một hiện thực sinh động. Những tác phẩm viết về chiến
tranh, nhìn lại một thời lịch sử hào hùng không chỉ có ngợi ca mà còn đi sâu
tái hiện hiện thực chiến trường khốc liệt. Nhà văn không tránh né cái đau
thương mát mà miêu tả nó như một yếu tố không thể thiếu nằm trong quy luật
có chiến thắng ắt có sự hy sinh, đau khổ. Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”
của Bảo Ninh là tác phẩm tiêu biểu đã phản ánh chân thực hiện thực chiến
trường ảm đạm, cuộc sống người lính với đầy đủ những biểu hiện từ tốt đến
cái xấu, từ những người yêu nước đến anh lính sẵn sàng rời bỏ đơn vị. Đó là
khung cảnh thê lương của những ngày mưa là những cơn sốt rét rừng, những
trận đói đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người lính chiến. Hiện thực đau
thương hơn cả là nhân vật Kiên người lính sống sót duy nhất của một trung
đội trinh sát trở về sống cuộc sống hậu chiến lại bị nỗi ám ảnh của chiến tranh
giày vò, anh sống bất an, tách biệt khỏi cuộc đời một cách vô thức.
Như vậy, tiểu thuyết thời kỳ này đã có bước chuyển biến quan trọng
trong về quan niệm hiện thực. Vẫn là những con người và bối cảnh quen
thuộc nhưng nhà văn đã bám sát đi sâu vào đời sống làm cho bức tranh thêm
13


đa dạng và nhiều màu sắc. Đó không còn là những vùng quê yên bình đầy ắp
tiếng cười, không còn là cảnh ngày mùa bội thu, thay vào đó là cái nghèo, cái
lạc hậu, sự ganh đua và lòng đố kỵ. Hiện thực ấy, cũng không còn là những
câu thơ tràn đầy nhuệ khí của Tố Hữu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà
lòng phơi phới dậy tương lai” người nghệ sĩ đã đi sâu đã nhìn thẳng vào hiện

thực chiến trường khốc liệt, cái giá của sự tự do được trả bằng quá nhiều tuổi
trẻ, máu xương và nước mắt. Phản ánh hiện thực người nghệ sĩ còn góp phần
không nhỏ trong việc đưa ra những quan điểm tư tưởng của mình để từ đó rút
ra bài học sâu sắc về đạo đức và nhân cách con người.
1.1.2.2 Đổi mới quan niệm về con người
Đổi mới quan niệm về con người là một yếu tố quan trọng nằm trong
quy luật đổi mới tư duy. Văn học thời kỳ đổi mới lấy con người là trung tâm.
Vì vậy, đến giai đoạn này các nhân vật trong tiểu thuyết được miêu tả với thế
giới nội tâm phong phú, tính cách con người được các nhà văn khai thác một
cách triệt để. Có thể thấy sự thay đổi này là điều tất yếu và đúng với quy luật,
bởi văn học cách mạng giai đoạn 1945 đến 1975 phát triển dựa trên nền tảng
ý thức cộng đồng. Cảm hứng chủ đạo của nền văn học là chủ nghĩa yêu nước,
khát vọng độc lập, tự do nên tiểu thuyết trong thời kỳ này khai thác con người
chủ yếu trên phương diện người chiến sĩ, người lính cách mạng với tất cả
những phẩm chất đáng quý, tốt đẹp. Tuy nhiên, khi đất nước hòa bình trở lại
con người phải đối mặt với những vấn đề của cuộc sống, yêu cầu bình đẳng,
quan tâm trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, do đó ý thức cái tôi cá nhân trỗi
dậy. Và yêu cầu đổi mới quan niệm về con người trở nên cấp thiết để phù hợp
với thời kỳ đổi mới.
Trong giai đoạn văn học này, cảm hứng đời tư thế sự chiếm vai trò chủ
đạo, người nghệ sĩ nỗ lực hòa mình vào đời sống người nông dân để khai thác
triệt để nhất những bi kịch và giằng xé nội tâm nhân vật. Tác giả đặt con

14


người trong nhiều mối quan hệ phức tạp như mối quan hệ giữa con người với
cá nhân, xã hội và cộng đồng. Con người không chỉ có những mặt tốt mà con
có những mặt xấu, đó là sự tha hóa về nhân cách. Con người được nhà văn
nhìn nhận trên nhiều phương diện đi vào văn chương một cách chân thực

nhưng cũng vô cùng tinh tế và sâu sắc.
Thành quả tiêu biểu trong văn học giai đoạn này là hệ thống nhân vật
trong tiểu thuyết không còn mờ nhạt và đơn tuyến như trước. Các nhân vật đã
ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả không chỉ bởi nét chân thực mà từ
những lớp bi kịch giữa nội tâm và hiện thực, giữa dục vọng và ước mơ, giữa
cái chân thành và sự ích kỷ. Văn học đã thành công trong việc đặt con người
với hoàn cảnh, mỗi một cuộc đời sẽ có những hoàn cảnh và số phận khác
nhau, họ đều có những bi kịch, mất mát và đôi khi thực tế xã hội đã biến họ
trở thành những con người tha hóa về đạo đức và nhân cách. Vẫn là những
hình ảnh về người mẹ, người chị, người nông dân, người lính cách mạng
nhưng các nhân vật này được đi sâu khai thác tâm lý và hiện lên với những
tính cách, những ưu, nhược điểm khác nhau. Nhìn nhận con người trên góc độ
hiện thực chúng ta dễ dàng nhận thấy số phận con người có thể thay đổi tùy
thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Đó là con người bản năng, khi bản năng sinh tồn
trỗi dậy con người có thể tha hóa, sẵn sàng chà đạp lên người khác để giành
giật sự sống và lợi ích cá nhân.
Viết về con người mỗi nhà văn đều đi tìm cho mình một khuynh hướng
riêng, Nguyễn Minh Châu vẫn quan niệm “Mỗi con người đều chứa đựng
trong lòng những nét đẹp kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để
nhận thức khám phá tất cả những cái đó”[37] (Theo Lã Nguyên). Và “không
chỉ là hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người” văn học đổi mới viết về
cuộc sống đời thường Nguyễn Minh Châu đã đi sâu khai thác con người ở
phương diện nghèo đói, tăm tối. Ông dành những trang dài viết về cuộc sống
mưu sinh khổ cực của người nông dân, về những con người cùng quẫn tưởng
15


chừng như không còn lối thoát. Không chỉ khai thác con người trên phương
diện đời sống, Nguyễn Minh Châu còn khai thác con người trên phương diện
người lính thời hậu chiến. Họ mang trong mình nỗi đau và ám ảnh của chiến

tranh, là cảm giác cô đơn, là sự lạc lõng khi quay trở về chính nơi mình sinh
ra và lớn lên. Và hơn hết với người lính, chiến tranh đã kết thúc từ mùa xuân
1975 nhưng với cơm, áo, gạo tiền có lẽ là đó là cuộc chiến không bao giờ
chấm dứt. Và chính Nguyễn Minh Châu đã ghi vào nhật kí trong những năm
tháng kháng chiến chống Mỹ: “Hôm nay chúng ta chiến đấu vì quyền sống
của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền
sống của từng con người… Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài”[37]
(Theo Lã Nguyên).
Với Nguyễn Huy Thiệp, ông lại đi sâu, khai thác con người bi kịch tha
hóa, biến chất. Ông dùng ngòi bút của mình để vạch trần những cái tôi thực
dụng, cái tàn ác và vô nhân tính. Từ đó giúp cho người đọc có thể cảm nhận
được một xã hội hiện lên với đầy đủ con người tốt - xấu, thật - giả, đen trắng lẫn lộn đôi khi hành động đối lập với nội tâm vô cùng bí ẩn. Nhìn từ
“Tướng về hưu” ta có thể thấy rõ được sự tha hóa và xuống cấp về đạo đức,
nhân vật trong tiểu thuyết coi đồng tiền và vật chất làm thước đo cho mọi giá
trị, con người bị đồng tiền làm cho lu mờ trở nên thực dụng và bỉ ổi. Đó là cô
Thủy cô làm công việc ở bệnh viện hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi cô Thủy
cho vào phích đá đem về nấu lên cho chó, cho lợn. Thông qua những chi tiết
này Nguyễn Huy Thiệp đã lột tả được hết bản chất thực sự của con người và
đồng thời ông cũng đưa ra một thông điệp đó là sức mạnh của đồng tiền vô
cùng lớn chúng có thể phá hủy toàn bộ nhân cách của con người. Không chỉ
dừng lại ở sự suy thoái về đạo đức đó còn là một thế giới lộn xộn, không có
tôn ti trật tự trong “Không có vua”. Đọc “Không có vua” dường như mọi
chuẩn mực của xã hội bị phá bỏ, đó là sự mâu thuẫn, bất đồng giữa các anh
em trong gia đình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong phát ngôn của nhân
16


vật Đoài khi lấy biểu quyết “Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”
vẫn còn gây ám ảnh cho người đọc. Và sự đốn mạt lên đến đỉnh điểm khi mâu
thuẫn giữa những người con lên cao ông Kiền đã thẳng thừng tuyên bố

“Chúng mày giết nhau đi, ông càng mừng”[51]. Chỉ đến với Nguyễn Huy
Thiệp người đọc mới có cơ hội biết đến những góc tối khuất lấp, biết đến sự
tha hóa đang diễn ra và gặm nhấm con người hàng ngày như vậy. Sự thật luôn
nghiệt ngã và khó chấp nhận nhưng chỉ khi phản ánh vào nó, đưa vấn đề ra
ánh sáng con người mới có dịp ngồi lại, chiêm nghiệm lại và rút ra bài học
trong cuộc sống.
Không chỉ thành công trên phương diện con người đời thường, viết về
chiến tranh về hình tượng người lính đã có sự mộc mạc và đổi mới. Một số
tiểu thuyết chiến tranh đã trở lại nhưng được soi chiếu trên một phương diện
khác. Viết về tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này các nhà văn đã đi vào cái
hiện thực trần trụi, ngổn ngang của chiến trường. Chiến tranh không chỉ có
người anh hùng, không chỉ có “đường ra trận mùa này đẹp lắm” mà còn có cả
khó khăn gian khổ, những người lính đảo ngũ, những con người hèn nhát bán
đứng đồng đội, chiến sĩ… Viết về người chỉ huy, người anh hùng không còn
thi vị hóa mang đậm chất sử thi mà là những con người không hoàn hảo, có
những góc tối về quá khứ như Hùng Phong trong “Những bức tường lửa” của
Khuất Quang Thụy. Tiểu thuyết điển hình mà ta cần phải kể tới là “Đất
trắng” của Nguyễn Trọng Oánh. Tác phẩm ra mắt độc giả năm 1979 là bước
đột phá minh chứng cho sự thay đổi tư duy sáng tạo thời kỳ tiền đổi mới.
“Đất trắng” - Tác giả đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề như: mô tả cảnh
chiến trường ác liệt, đề cập đến những khó khăn, mất mát và cả sự hy sinh.
Viết về người anh hùng chiến đấu có sự kiên cường, bất khuất nhưng cũng có
sự hèn nhát, đảo ngũ, phản bội đồng độ. Điều đáng nói trong “Đất Trắng”
cuốn tiểu thuyết lần đầu tiên dám đưa một sĩ quan cao cấp đầu hàng quân
địch, một vấn đề mà trước đó chưa có tác giả nào đề cập đến. Trong khi cả
17


trung đoàn đang cố gắng cầm cự chống lại địch, tuy chỉ còn lại khoảng 20
người nhưng họ đã làm cho kẻ thù run sợ thì nhân vật Tám Hàn đã dao động

và đầu hàng địch. Có lẽ phải đến “Đất trắng” người đọc mới có cái nhìn đa
chiều và xác thực hơn về chiến tranh. Viết về “Đất trắng” Tôn Phương Lan
có nhận định: “Cùng với việc đề cập đến cái ác liệt của chiến tranh, điều mà
trước đó chưa từng có trong tiểu thuyết, “Đất trắng” còn cho thấy tác động
nhiều mặt của chiến tranh đến đường đi của mỗi con người”[31]. Xu hướng
sử thi “nguyên phiến” bắt đầu bị rạn nứt. Có thể thấy tiểu thuyết “Đất trắng”
của Nguyễn Trọng Oánh đã mở đầu cho lối viết mới, suy nghĩ mới về chiến
tranh sau những ngày độc lập.
Tiếp bước cho sự đổi mới tư duy sáng tác này sau này ta có “Biên bản
chiến tranh 1-2- 3-4.75” của Trần Mai Hạnh. Tiểu thuyết tượng trưng cho lối
viết hoàn toàn mới, lần đầu tiên tác giả đề cập đến con người phía bên kia
chiến tuyến, miêu tả chân thực cả một bộ máy sụp đổ. Toàn bộ những tướng
lĩnh Sài Gòn được soi chiếu dưới góc độ khách quan. Và với một tư tưởng
mới không đi theo lối viết cũ ta thắng địch thua, ta tốt địch ác, Trần Mai Hạnh
đã viết dưới một quan điểm công bằng, minh bạch, dựng lai rõ ràng bản chất
thực sự của lịch sử.
Nhận định về tác phẩm Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá: “Biên
bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có cách nhìn “ngược sáng”. Trước đây viết về
chiến tranh người viết thường chọn góc nhìn “thuận” nhưng với Trần Mai
Hạnh ông chọn khía cạnh khác đi ngược lại quy luật truyền thống ấy. Đúng
như quy luật của tư tưởng đổi mới trong buổi tọa đàm ngày 16/4/2014. Tác
giả Trần Mai Hạnh đã chia sẻ quan điểm của mình về tác phẩm: “Biên bản
chiến tranh 1-2-3-4.75” nhằm tái hiện và phục dựng trung thực sự thật đã diễn
ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” và
thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình là “Tôi mong
muốn tác phẩm có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững
18


chắc về sự thật lịch sử. Bởi sự tưởng tượng của nhà văn dù có phong phú đến

đâu, một khi đã xác định xây dựng một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử thì sự
thật lịch sử, tính trung thực, khách quan, không thiên kiến của ngòi bút khi tái
hiện lại các sự kiện, sự việc cũng như con người cụ thể phải được đặt lên hàng
đầu”[19] (Theo Thanh Hà).
Như vậy, ta có thể thấy rõ rằng thay đổi quan niệm về con người, đã tác
động không nhỏ đến xu hướng sáng tác của đội ngũ tác giả. Nhiều chủ đề, đề
tài rộng lớn mở ra giúp nhà văn khai thác vấn đề ở nhiều khía cạnh và góc
nhìn khác nhau. Người nghệ sĩ không chỉ đi sâu vào bi kịch người nông dân,
mà còn đề cập đến vấn đề thân phận, tình yêu và khát vọng. Ngoài ra, tiểu
thuyết viết về chiến tranh đã đánh dấu bước chuyển mình vô cùng quan trọng.
Người viết không còn tư duy theo lối cũ viết về phía ta với tất cả những vẻ
đẹp hoàn mỹ, với cái nhìn chủ quan mà là cái nhìn khách quan bao trùm toàn
bộ giai đoạn lịch sử. Tiểu thuyết ở giai đoạn này còn xây dựng được nhân vật
điển hình, họ là đại diện của cái tốt lẫn cái xấu, đồng thời là còn là phát ngôn
của tác giả nhằm đưa ra những bài học về đạo đức và cuộc sống. Ngoài đổi
mới về hiện thực, về con người, văn học giai đoạn này còn có những đổi mới
quan trọng về tư duy nghệ thuật.
1.1.2.3 Đổi mới quan niệm nghệ thuật
Đổi mới quan niệm nghệ thuật là yếu tố quan trọng góp phần hoàn
thiện tư duy sáng tạo của nhà văn. Bởi khi tư duy thay đổi thì quan niệm nghệ
thuật của nhà văn cũng thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Để đáp ứng với sự thay đổi của thời cuộc, đổi mới quan điểm nghệ thuật là
điều kiện cần để các nhà văn thoát khỏi lối viết cứng nhắc, nhằm phát huy
tinh thần sáng tạo trong văn chương. Trước đây, văn học với vai trò là người
“thư ký” trung thành của thời đại các tác phẩm rơi vào khuôn mẫu, miêu tả
theo cảm hứng sử thi luôn thi vị hóa người anh hùng và hướng tới đời sống

19



×