Tải bản đầy đủ (.pdf) (55 trang)

Nghiên cứu nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống quân minh xâm lược do nhà hồ lãnh đạo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (447.45 KB, 55 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

ĐÀO NHẬT LINH

NGHIÊN CỨU NGUYÊN NHÂN
THẤT BẠI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC
DO NHÀ HỒ LÃNH ĐẠO

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Giáo dục quốc phòng và an ninh

HÀ NỘI - 2018


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

ĐÀO NHẬT LINH

NGHIÊN CỨU NGUYÊN NHÂN
THẤT BẠI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC
DO NHÀ HỒ LÃNH ĐẠO
TÓM TẮT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Giáo dục quốc phòng và an ninh
Người hướng dẫn khoa học

Đại tá, TS. Phan Xuân Dũng


HÀ NỘI - 2018


LỜI CẢM ƠN
Em xin cảm ơn Đại tá, TS. Phan Xuân Dũng đã cung cấp tài liệu và tận
tình giúp đỡ, hướng dẫn em hoàn thành khóa luận.
Em xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc, các cán bộ, giảng viên
Trung tâm GDQPAN Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện
thuận lợi cho em trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại Trung tâm và hoàn
thành khóa luận tốt nghiệp.
Em xin được cảm ơn sự giúp đỡ, động viên, khích lệ của gia đình, bạn
bè, người thân trong quá trình học tập, rèn luyện và thực hiện khóa luận.
Do điều kiện thời gian nghiên cứu có hạn, nên khóa luận không tránh
khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô
và các bạn để khóa luận hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2018
Tác giả đề tài

Đào Nhật Linh


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan: Những nội dung trong khóa luận này là do tôi thực
hiện dưới sự hướng dẫn của Đại tá, TS. Phan Xuân Dũng. Nếu sai tôi xin chịu
hoàn toàn trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2018
Tác giả đề tài

Đào Nhật Linh



MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU

1

CHƯƠNG 1: BỐI CẢNH DIỄN RA CUỘC KHÁNG CHIẾN

4

CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC LẦN THỨ NHẤT
1.1. Tình hình đất nước dưới triều Hồ (1400- 1407)

4

1.1.1. Tình hình chính trị, quân sự

4

1.1.2. Tình hình kinh tế - xã hội

6

1.2. Hoàn cảnh lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh

11


1.2.1. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh

11

1.2.2. Hoạt động chuẩn bị chiến tranh

13

CHƯƠNG 2: DIỄN BIẾN CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN

18

MINH XÂM LƯỢC DO NHÀ HỒ LÃNH ĐẠO
2.1. Diến biến cuộc chiến tranh

18

2.1.1. Quân Minh tiến quân sang lần thứ nhất

18

2.1.2. Đại quân Minh tiến sang

19

2.1.3. Trận Mộc Hoàn

20

2.1.4. Trận Đa Bang


21

2.1.5. Trận Mộc Phàm

23

2.1.6. Trận Hàm Tử

25

2.1.7. Sự thất bại của nhà Hồ

26

2.2. Kết quả cuộc chiến tranh

27

CHƯƠNG 3: NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA NHÀ HỒ TRONG

29

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC VÀ
BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ
QUỐC HIỆN NAY
3.1. Nguyên nhân thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống

29


quân Minh xâm lược
3.1.1. Những hạn chế trong chính sách cải cách của nhà Hồ

29


3.1.2. Sự sai lầm về chiến lược quân sự cũng như chỉ đạo tác chiến

35

3.2. Những bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống quân

38

Minh dưới triều Hồ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay
3.2.1. Quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong

38

tình hình mới
3.2.2. Những bài học kinh nghiệm

39

KẾT LUẬN

47

TÀI LIỆU THAM KHẢO


48


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, nhà Hồ là triều đại có thời
gian cầm quyền ngắn ngủi nhất (1400 - 1407). Ngay từ khi thành lập, đất
nước chưa ổn định, nhà Hồ đã mạnh dạn tiến hành một loạt các biện pháp cải
cách, thể hiện một ý tưởng tốt đẹp, đó là ý tưởng canh tân đất nước. Tuy
nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực như dùng chính sách hạn điền hạn nô
để hạn chế việc chiếm đoạt ruộng đất và nông nô, nô tỳ, sử dụng tiền giấy để
nhà nước có nhiều đồng để đúc súng, phục vụ quốc phòng,… những cải cách
của nhà Hồ cũng chứa đựng những mặt hạn chế lớn, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến uy tín quốc gia. Chính vì vậy đã vô tình tạo ra thời cơ cho các thế
lực thù địch âm mưu xâm chiếm nước ta, trong đó có nhà Minh - một quốc
gia phong kiến giàu mạnh trên thế giới.
Trước cuộc xâm lược của nhà Minh, nhà Hồ không kịp có những điều
chỉnh và biện pháp nhằm khắc phục hạn chế của công cuộc cải cách. Hơn thế,
nhà Hồ lại nôn nóng, chủ trương dùng biện pháp mạnh để đánh địch, muốn “ăn
to, thắng lớn” mà chưa có sự nhận định và chuẩn bị chu đáo về chiến lược
quân sự cũng như chỉ đạo tác chiến. Bởi những sai lầm và hạn chế đó, nhà Hồ
liên tiếp thất bại trong các trận đánh với quân Minh như trận Mộc Hoàn, trận
Đa Bang, trận Hàm Tử,… dẫn đến thất bại hoàn toàn, nước mất nhà tan.
Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình thế giới và trong nước có
nhiều diễn biến phức tạp, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong
tình hình mới… việc nghiên cứu truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc
Việt Nam nói chung và nguyên nhân thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng
chiến chống quân Minh xâm lược lần thứ nhất nói riêng có ý nghĩa thực tiễn
rất quan trọng. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát triển và vận

dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của đất nước, xây dựng thế trận lòng dân

1


củng cố lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xuất phát từ vấn đề trên, tác giả lựa chọn “Nghiên cứu nguyên nhân
thất bại của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do nhà Hồ lãnh
đạo” làm khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Mục đích nghiên cứu
Phân tích và làm rõ hơn nguyên nhân thất bại của nhà Hồ trong cuộc
kháng chiến chống quân Minh xâm lược lần thứ nhất. Rút ra bài học kinh
nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn
hiện nay.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm
lược lần thứ nhất do nhà Hồ lãnh đạo.
- Nghiên cứu diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược
lần thứ nhất do nhà Hồ lãnh đạo.
- Nghiên cứu nguyên nhân thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến
chống quân Minh xâm lược. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để vận
dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Đối tượng nghiên cứu
Nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược
do nhà Hồ lãnh đạo.
5. Phạm vi nghiên cứu
Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược lần thứ nhất.
6. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên

cứu tài liệu, phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp.

2


7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
7.1. Ý nghĩa khoa học
Kết quả nghiên cứu đã góp phần làm sâu sắc hơn những điểm còn
hạn chế trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của nhà Hồ, dẫn đến
thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, khiến cho
nước mất nhà tan.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng, hoàn thiện và phát triển nghệ
thuật quân sự Việt Nam, đồng thời vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
8. Kết cấu của khóa luận
Gồm phần mở đầu, 3 chương, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo.
- Chương 1: Bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm
lược lần thứ nhất.
- Chương 2: Nghiên cứu diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Minh
xâm lược lần thứ nhất do nhà Hồ lãnh đạo.
- Chương 3: Nghiên cứu nguyên nhân thất bại của nhà Hồ trong cuộc
kháng chiến chống quân Minh xâm lược và bài học kinh nghiệm trong xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

3


Chương 1
BỐI CẢNH DIỄN RA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MINH

XÂM LƯỢC LẦN THỨ NHẤT
1.1. Tình hình đất nước dưới triều Hồ (1400 - 1407)
Nhà Hồ do Hồ Quý Ly, một đại quý tộc và đại thần nhà Trần thành
lập. Từ năm 1371, Hồ Quý Ly, khi đó mang họ Lê, được tham gia triều
chính nhà Trần, được vua Trần Dụ Tông cho làm Trưởng cục Chi hậu. Sau,
vua Trần Nghệ Tông đưa ông lên làm Khu mật đại sứ, lại gả em gái là công
chúa Huy Ninh.
Nhà Trần, sau biến cố Dương Nhật Lễ, cái chết của Trần Duệ Tông và
sự cướp phá của Chiêm Thành, ngày càng suy sụp. Thời hậu kì nhà Trần, mọi
việc chính sự do Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định. Trần Nghệ Tông
lại rất trọng dụng Hồ Quý Ly nên khi về già thường ủy thác mọi việc cho Quý
Ly quyết định. Dần dần binh quyền của Quý Ly ngày một lớn, Nghệ Tông
tuổi cao sức yếu cũng không kìm chế nổi.
Năm 1394, Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly được phong làm Phụ
chính Thái sư nhiếp chính, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn
quyền hành trong nước.
Sau khi vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa và giết hàng
loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ
Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc
hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
1.1.1. Tình hình chính trị - quân sự
Tư tưởng cải cách về chính trị - quân sự là nội dung rất quan trọng
trong hệ tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly. Tư tưởng cải cách này hầu như
bao trùm trên tất cả các mặt hoạt động của ông, là động lực quan trọng nhất

4


và cũng là sự trăn trở lớn của Hồ Quý Ly trong suốt thời gian ông tham chính
dưới vương triều Trần và bảy năm trong triều đại nhà Hồ do ông tạo dựng.

Khi Quý Ly mới tham dự chính quyền thì binh lực của Nhà nước rất
là suy yếu. Ở trong thì những cuộc nông dân khởi nghĩa chưa dẹp yên hết;
ở ngoài thì quân Chiêm xâm lược luôn luôn. Trước tình hình đó, Hồ Quý
Ly luôn tìm mọi giải pháp thực tiễn để củng cố thế và lực, xây dựng chính
quyền trung ương vững mạnh và tăng cường sức mạnh quốc phòng đất
nước. Sự nghiệp cải cách chính trị được thực hiện vào thời kì cuối của nhà
Trần, đặc biệt nhất là vào thời Trần Dụ Tông, khi mà tệ nạn tham nhũng, ăn
chơi xa xỉ bùng phát làm triều đình suy yếu. Lúc này, Hồ Quý Ly chủ
trương xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Để làm được
điều đó, ông tập hợp một đội ngũ quan lại bao gồm những người trung
thành với ông, trong những Nho sĩ và không Nho sĩ, mà được chọn lọc, cơ
cấu sắp đặt từ cuối thời nhà Trần để làm nòng cốt cho bộ máy quản lý của
mình về sau. Sau đó, ông lại nhanh chóng bổ sung lực lượng này bằng cách
tuyển chọn qua con đường khoa cử, để từ đó có được đội ngũ quan lại quản
lý chính quyền mạnh, có tri thức, được đào tạo bài bản, có chất lượng mới.
Hồ Quý Ly cũng chủ trương dựa hẳn vào đội ngũ quan lại này để hoạch
định chính sách và chỉ đạo chiến lược.
Trong việc điều hành quản lý đất nước, năm 1392, Quý Ly cho đặt quân
thủ vệ tại khắp các nơi bến sông, cửa nguồn, cửa quan, mỗi nơi đặt 4, 5 đô để đề
phòng ngoại xâm.
Trong quản lý nhà nước, với chủ trương dùng tư tưởng pháp trị, Hồ
Quý Ly rất quan tâm đến việc xây dựng luật pháp, từng bước định ra luật
pháp, làm cơ sở cho chính sách trị nước yên dân của triều đình.
Trước sự đe dọa xâm lược quân sự của nhà Minh ở phía Bắc, Hồ
Quý Ly lại càng dốc sức tập trung xây dựng lực lượng quân sự, xúc tiến

5


thêm việc chỉnh đốn võ bị, thường nói với người tả hữu rằng: “Ta làm thế

nào để có 100 vạn quân thì địch nổi giặc Bắc”. Năm 1401, Hồ Quý Ly hạ
chiếu cho các lộ làm lại hộ tịch, bắt con trai hai tuổi trở lên đều phải trước
tịch, và bắt người trung châu đi buôn ngụ ở phiên trấn đều phải trở về khai
tên ở nguyên quán. Sổ làm xong, điểm số dân từ 15 đến 60 tuổi được hơn
gấp mấy lần khi trước. Quân đội nhà Hồ lúc bấy giờ là quân đội có số
lượng rất lớn trong lịch sử nước ta.
Cùng với việc tổ chức lực lượng quân đội và tăng cường sức mạnh về
số lượng, nhà Hồ còn rất chú trọng đến việc cải tiến vũ khí kĩ thuật, trang bị
quân sự. Hồ Quý Ly ra lệnh mở xưởng đúc vũ khí, phát hành tiền giấy, thu
hồi tiền đồng để đúc súng, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng
quân sự. Vũ khí, thiết bị quân sự thời kì này của nước ta, do vậy đã có những
bước tiến quan trọng về mặt kĩ thuật và tính năng quân sự.
Nhờ cải cách về quân sự như thế, không những đã trấn áp được những
cuộc nông dân khởi nghĩa, mà nhà Hồ lại trừ được mối ngoại hoạn ở phía Nam.
Có thể nói, những cải cách của Hồ Quý Ly vào thời kì này đã có nhiều
điểm tiến bộ, thậm chí có mặt còn vượt trước cả thời đại. Đây cũng là một
biện pháp thực tiễn để tăng cường quyền lực cho nhà Hồ trong thời kì đổi
mới, xây dựng chính quyền, bảo vệ đất nước.
1.1.2. Tình hình kinh tế - xã hội
Từ cuối triều Trần, khi nắm quyền điều hành triều chính, Hồ Quý Ly
bước đầu đã có những tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội Đại Việt.
1.1.2.1. Cải cách về kinh tế, tài chính
Kinh tế của nhân dân cũng như tài chính của Nhà nước đều đã cùng
kiệt. Mới đầu Quý Ly phải dùng phương pháp chắp vá tạm thời là đặt lệ
quyên lúa thưởng tước. Việc cấp bách là chỉnh đốn nền tài chính, mà nguồn
tài chính căn bản vốn là thuế khóa. Năm 1378, Quý Ly đặt lại ngạch thuế

6



đinh, bắt phàm kẻ đinh nam, vô luận có ruộng hay không, đều phải mỗi năm
nộp thuế nhân đinh 3 quan.
Sau khi xưng đế, năm 1402, Quý Ly định lại thuế pháp. Đối với ruộng
tư vốn từ thời Trần sơ đã phải nộp thuế mỗi mẫu 3 thăng (nhẹ hơn ruộng công
nhiều), thì nhà Hồ đã tăng lên mỗi mẫu phải nộp 5 thăng. Thuế đinh thì bấy
giờ những người không có ruộng hay trẻ mồ côi, đàn bà góa dẫu có ruộng
cũng được miễn, người có 2 mẫu 6 sào trở lên thì phải nộp 3 quan, không đủ
số ấy thì nộp ít hơn, so với ngạch thuế định năm 1378 thì có nhẹ hơn, nhưng
so với thời Trần sơ thì nặng. Có thể thấy việc đánh thuế của nhà Hồ có sự
phân biệt, phân loại rõ ràng hơn so với trước đây. Quý Ly lại đặt thêm ngạch
thuế thuyền buôn, chia làm ba hạng: thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng, mỗi
mái chèo phải nộp mỗi năm từ 3 đến 5 quan.
Năm 1403, nhà Hồ ban hành chính sách đặt tiêu chuẩn cho cân, thước,
thưng, đấu, định giá tiền giấy, cho dân mua bán với nhau.
Phép cải cách tài chính táo bạo nhất của Hồ Quý Ly là việc phát
hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. Việc ban hành tiền giấy được Hồ Quý
Ly thực hiện khi ông nắm thực quyền trong triều đình nhà Trần và đã cho
ban hành ngay từ năm 1396 thời Trần Thuận Tông. Sang thời Hồ, chính
sách này tiếp tục được thực hiện. Năm 1397, Quý Ly cho in bảy hạng tiền
giấy (từ giấy 10 đồng đến giấy 1 quan). Tiền giấy in xong, Quý Ly hạ lệnh
cho nhân dân mang tiền đồng đến đổi, cứ một quan tiền đồng thì lấy một
quan hai tiền giấy. Tiền đồng thì cấm tuyệt không được dùng nữa, phải
đem nộp hết cho quan, ai dùng riêng hay cất riêng thì bị tử hình cũng như
người in tiền giấy giả. Do phép ấy Nhà nước đã thu được nhiều tiền đồng
(một số đồng ấy dùng để đúc súng). Phép ấy lại cho phép Nhà nước muốn
tiêu bao nhiêu thì in ra bấy nhiêu. Để đề phòng nạn hạ giá vì lạm phát, Quý
Ly lại cấm các nhà buôn không được tự ý đóng cửa hàng hay bán hàng giá

7



cao, và đặt chức Thị giám ở kinh kỳ để kiểm soát việc buôn bán, cốt không
cho nhà buôn phá giá tiền giấy.
1.1.2.2. Cải cách về xã hội
Đứng trước tình trạng mâu thuẫn giai cấp sâu sắc, Quý Ly tất phải lo
giải quyết vấn đề về phương diện xã hội.
Trước hết, để tránh được sự oán giận của dân và nạn dân nghèo tụ tập
cướp phá, năm 1371, Quý Ly xin Trần Phủ ra lệnh rằng phàm những cung
điện bị quân Chiêm phá hủy, chỉ tu bổ sơ sài và bắt người tôn thất và các quan
hạ cấp ra làm, không được bắt dân phục dịch; đồng thời lựa những dân lưu
vong làm thuê ở Thanh Nghệ để sung vào quân đội vào năm 1373. Cũng
trong mục đích trừ nạn ấy, năm 1403, Quý Ly định phép di dân, dời một số
dân không có ruộng vào miền đất mới chiếm được của Chiêm Thành, hai xứ
Chiêm Đỗng và Chiêm Lũy (Quảng Nam và Quảng Ngãi) để khẩn đất lập ấp.
Di dân được tổ chức thành đội ngũ như quân đội, mỗi người phải thích ở cánh
tay hai chữ tên châu mình ở, như thế để đề phòng đào ngũ. Năm sau, Quý Ly
cho vợ con những người này di dân vào, nhưng thuyền đi giữa biển gặp bão,
chết đuối rất nhiều.
Hồ Quý Ly cũng rất chú trọng đến việc xã hội cứu tế. Năm 1401, Quý
Ly hạ chiếu lập ở mỗi lộ một kho lúa gọi là kho thường bình như một hình
thức dự trữ quốc gia về lương thực, hễ khi lúa hạ thì lấy tiền công đong lúa
của dân, đến khi đói kém lúa cao thì đem bán giá rẻ cho dân, hoặc đem chẩn
cứu những người đói khổ. Năm 1403, Quý Ly lại đặt Quảng tế thự, giao cho
Nguyễn Đại Năng là một tay danh y làm Thự thừa để trông nom việc chữa
bệnh cho dân chúng.
Trong vấn đề cải cách về xã hội, việc hạn điền và hạn nô là những việc
có tính chất xã hội nhất.
Một mặt để tước giảm thế lực của bọn đại quý tộc nhà Trần, một mặt để
thủ tiêu chế độ đại điền trang đã suy tệ bấy lâu, Hồ Quý Ly đặt phép hạn điền


8


năm 1397 và phép hạn nô năm 1401. Theo phép hạn điền, các vị Đại vương
và Trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế; đến thứ dân thì số ruộng là
10 mẫu, người nào có nhiều nếu có tội, thì cho lấy ruộng để chuộc tội. Số
ruộng thừa phải hiến cho Nhà nước. Phép ấy đã khiến Nhà nước được thêm
nhiều ruộng công.
Năm 1398, Quý Ly dùng cách đo lại ruộng đất bắt chủ ruộng phải khai
số mẫu và tiêu đề tên họ lên trên thửa ruộng của mình, ruộng nào không có
người khai thì lấy làm công điền. Cách ấy thu được một số ruộng của tư nhân
làm ruộng của Nhà nước. Hành khiển Hà Đức Lân nói rằng “đặt phép ấy chỉ
là cướp ruộng của dân mà thôi”.
Theo phép hạn nô thì phàm quý tộc và quan liêu, mỗi bực phẩm chỉ
được giữ một số gia nô nhất định, còn dư thì xung làm quan nô. Phép ấy cũng
hại lớn đối với bọn vương hầu quý tộc nhà Trần, mỗi nhà có hàng trăm nghìn
gia nô, chứ đối với lớp tiểu quý tộc thì không hại mấy. Một số lớn gia nô của
bọn đại quý tộc chuyển làm quan nô để canh tác ruộng công của Nhà nước.
Do việc ấy, một số lớn tư nô chuyển thành quan nô.
Về vấn đề tôn giáo, thế lực phong kiến tôn giáo bấy giờ lấn lướt cả thế
lực phong kiến đại quý tộc. Trong khi đại điền trang của đại quý tộc đã suy
đốn thì các tự viện vẫn giàu có, làm nơi tập trung rất nhiều phần tử bình dân
mượn cớ đi tu để trốn tránh việc quan và việc binh và chứa chấp rất nhiều dân
nghèo phá sản làm điền nô và nô tỳ. Trong tình trạng nguy cơ của Nhà nước,
Quý Ly lại càng thấy rõ trong hành động của bọn tăng đồ một mối đe dọa lớn
nên cương quyết đối phó. Năm 1381, Quý Ly bắt các tăng nhân phải chịu
binh dịch, lại bắt thiền sư chùa Đại Than (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)
thống suất đạo binh nhà chùa đi đánh Chiêm Thành. Năm 1386, Quý Ly ra
lệnh sa thải tăng đồ để cho nhà chùa khỏi biến thành nơi dung nạp dân du thủ
du thực và những kẻ trốn việc quan. Phàm tăng nhân chưa đầy 50 tuổi đều


9


phải hoàn tục. Ai muốn xuất gia đi tu thì phải qua một kỳ thi, trúng tuyển thì
được giao các chức Tăng đường, Đầu mục. Tri cung, Tri quán, Tri tự, còn thì
cho làm kẻ hầu của người tu hành. Chính sách hạn điền và hạn nô tất cũng
không tha nhà chùa.
1.1.2.3. Cải cách về văn hóa - giáo dục
Trong công việc cải cách về các mặt, và trong sự chuẩn bị cướp ngôi,
Quý Ly thấy có những trở ngại lớn về tinh thần, tắc là những tư tưởng cầu an,
thủ cựu của bọn quý tộc quan liêu, nhất là các tư tưởng chính thống trong Nho
giáo. Quý Ly vốn tôn Nho nhưng chủ trương là phải nắm lấy phần thực học và
rất mạt sát cái thái độ trọng hình thức, trọng hư văn. Năm 1392, Hồ Quý Ly
soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên dâng lên Thượng hoàng Trần Phủ. Sách ấy
nêu lên mấy điểm nghi vấn đối với sách Luận ngữ của Khổng Tử, phê phán
thói giáo điều của các nhà Nho, cho rằng bọn Chu Trinh cùng các đại nho thời
Tống như Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Hiệu là những người học rộng, nhưng
tài sơ, không thiết đến thực tế, chỉ chuyên lột cắp tư tưởng, “cóp nhặt văn
chương”, đồng thời ông đề nghị khuyến khích thực học, kén người tài năng.
Hồ Quý Ly vốn có ý muốn bỏ chế độ khoa cử mà dùng lối tuyển cử
(tức do các quan cử người tài năng cho triều đình chọn). Năm 1400, Quý Ly
chỉ mới thay đổi phép thi, ngoài bốn trường chính (thi kinh nghĩa, thi thơ phú,
thi chế, chiếu, biểu, thi văn sách), đặt thêm một trường thứ năm để thi hai
môn học thực dụng là viết và tính. Đây là lần đầu tiên môn toán được đưa vào
nội dung thi chính thức.
Những đối tượng không được đi thi gồm quân nhân, phường chèo và
người có tội.
Quý Ly lại có hoài bão xây dựng một nền học thuật dân tộc, và có ý
đem dịch những sách Nho học ra chữ Nôm để dạy học. Ông là vị vua đầu

tiên phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan

10


trọng. Điều đó được xem là biểu hiện của ý chí nêu cao tinh thần dân tộc.
Năm 1394, khi làm Phụ chính Thái sư, Hồ Quý Ly dịch cả thiên Vô dật
trong Kinh thư là thiên chép lời Chu công dạy Thành vương nhà Chu, để
dạy Trần Ngung (Thuận Tôn). Năm 1396, Quý Ly lại dịch cả Kinh thi để
cho các nữ quan dạy hậu phi và cung nữ, đầu sách bỏ bài tựa của Chu Hy
và đề một bài tựa khác, đại khái nói sách ấy dịch và giải theo ý kiến riêng
của mình, chứ không theo tập truyện của Chu Hy. Việc chú trọng chữ Nôm
của Hồ Quý Ly trong hệ thống giáo dục đương thời đã góp phần rất lớn vào
thành tựu văn học của dân tộc.
Bấy giờ, hệ thống trường lớp tại các địa phương được Hồ Quý Ly
thúc đẩy mở rộng từ cuối thời Trần và tiếp tục duy trì sang thời Hồ. Ông
cho mở thêm trường học ở các lộ để cho con em nhà bình dân có thể học dễ
dàng. Theo đó, tại các lộ xa như Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông, mỗi phủ
đều đặt một học quan, ban ruộng công cho phủ, châu lớn 15 mẫu, vừa 12
mẫu và nhỏ 10 mẫu để chi dụng dạy học ở lộ, phải đốc thúc học quan dạy
dỗ học trò để cho thành tài nghề. Mỗi cuối năm phải chọn người học giỏi
tiến vào triều. Hệ thống trường học này do các nhà Nho và thái học sinh
không làm quan, về nhà dạy học.
Việc cải cách giáo dục là một phần của chương trình cải cách toàn diện
mà Hồ Quý Ly đề xướng thực hiện. Những cải cách của Hồ Quý Ly trong thi
cử, tuyển chọn quan nhằm xây dựng nền giáo dục, văn hóa mang bản sắc dân
tộc Việt. Những định hướng của ông về một nền giáo dục của đất nước là “tỏ
rõ giáo hóa, giữ phong tục”, với những quy định cụ thể nhằm nâng cao dân
trí và đào tạo nhân tài cho đất nước.
1.2. Hoàn cảnh lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh

1.2.1. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh
Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần kể từ vua Trần Dụ Tông cai trị nước Đại
Việt suy yếu nghiêm trọng. Nước Chiêm Thành phía Nam nhiều lần tấn

11


công, cướp phá kinh thành Thăng Long, nhà Trần không ngăn cản được, lại
thêm trong nước nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Ở Trung Quốc, Chu Nguyên
Trương đánh thắng người Mông Cổ lập nên nhà Minh, thế lực hùng mạnh.
Sau cái chết của vua Trần Duệ Tông tại đất Chiêm Thành cùng thất bại
nặng nề tại chiến trường phía Nam của nhà Trần, năm 1377, Minh Thái Tổ
có ý định xâm chiếm Đại Việt. Thái sư triều Minh Lý Thiện Trường can
ngăn, vua Minh tạm thôi.
Từ năm 1384, nhà Minh nhiều lần ra yêu sách đòi nhà Trần cống nạp,
đòi cung cấp nhà sư, phụ nữ xoa bóp, giống cây hoặc giúp quân lính, lương
thực, voi chiến,… để đánh người Man ở biên giới Việt - Trung. Nhà Trần đáp
ứng các yêu sách đó, có lúc hoàn toàn, hoặc một phần.
Năm 1400, Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, không lâu sau nhường
ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên làm thượng hoàng. Nhà Minh tiếp tục
ra yêu sách khiến Hồ Hán Thương phải vất vả cung ứng. Dù được đáp ứng
nhà Minh vẫn không thôi ý định đánh chiếm nước Đại Ngu để biến trở thành
quận huyện như các thời Bắc thuộc trước đây.
Nhà Minh chỉ cần một cái cớ để khởi binh thì cái cớ ấy tự đến ngay
trước mắt. Nguyên là trước đây, vào năm 1390, quân Chiêm Thành tấn công
vào Thăng Long, một số tôn thất nhà Trần ngầm thông mưu với giặc. Khi giặc
tan, việc bại lộ, những kẻ phản bội này bị đem ra xét xử. Kẻ cầm đầu là Trần
Tôn sợ quá nhảy xuống giếng tự tử. Gia nô của Tôn là Nguyễn Khang hoảng sợ
chạy sang Lào, sau đó theo đường Vân Nam tìm đến Kim Lăng của nhà Minh.
Nguyễn Khang đổi tên là Trần Thiêm Bình, mạo xưng là con của Trần

Nghệ Tông, sang tố cáo với vua Minh tội họ Hồ tiếm ngôi và xin “thượng
quốc” đem binh trừng phạt để trả lại ngôi báu cho họ Trần. Vua Minh nhân cớ
đó đưa thư hặc tội. Hồ Hán Thương bèn cử Nguyễn Cảnh Chân dâng sớ tạ tội
và giả vờ xin đón Trần Thiêm Bình về nước làm vua.

12


Tháng 5 năm 1406, dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, một đạo quân
xâm lược Minh do Hàn Quan chỉ huy, hộ tống tên phản bội Trần Thiêm Bình
về nước, định dựng lên một chính quyền bù nhìn, tái diễn lại mà kịch Trần Di
Ái của nhà Nguyên hồi thế kỷ XIII. Nhưng nhà Hồ đã bố trí quân mai phục,
đánh tan, bắt Thiêm Bình xử tội.
“Ngày 19 tháng 11 năm 1406, khoảng 50 vạn quân Minh, trong đó có
hơn 21 vạn quân chiến đấu, do các tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân…
chỉ huy theo hai hướng Bắc và Tây Bắc tiến vào nước ta” [1].
1.2.2. Hoạt động chuẩn bị chiến tranh
Từ năm 1403, nhà Minh sai những người bị nhà Trần mang cống nạp
sang phương Bắc trước đây, vốn thông thạo đường sá ở Đại Ngu, như Nguyễn
Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo trở về do thám tình hình và chuẩn bị làm nội
ứng. Tuy nhiên, việc này bị nhà Hồ phát hiện và bắt giết hết các thân thuộc
của mấy người do thám cho nhà Minh.
1.2.2.1. Nhà Minh chuẩn bị lực lượng chiến tranh
“Để chuẩn bị lực lượng đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ cho điều động
lực lượng từ Nam Kinh, theo đường Thủy xuống hội binh với các lực lượng
đang tập trung tại Quảng Tây, gồm 95.000 quân từ các tỉnh Triết Giang,
Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, cộng với 10.000 kỵ binh và
bộ binh từ các đơn vị cấm binh, 30.000 thổ binh từ Quảng Tây. Nhà Minh
cũng huy động chuẩn bị tác chiến 75.000 quân kỵ binh và bộ binh từ Vân
Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên. Các xứ Vân Nam và Quảng Tây được lệnh mỗi

xứ phải chuẩn bị 20 vạn thạch lương (một thạch khoảng 60 ki-lô-gam) cung
ứng cho quân. Vân Nam cũng được lệnh huy động 10.000 quân tiếp viện. Có
khoảng một phần mười binh lính Minh được trang bị hỏa khí” [18].
Quân Minh khi sang đến Đại Ngu cũng đóng thuyền chiến để chuẩn bị
đánh đường thủy. Với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”, quân Minh cũng được

13


hỗ trợ bởi một số lực lượng người Việt giúp đỡ, như Đèo Cát Hãn, thổ ty châu
Ninh Viễn (nay là Lai Châu) xin dẫn 4000 bộ thuộc theo đánh giúp. Nhà
Minh còn mang vàng bạc, lụa gấm vào Champa dụ Champa giúp sức, và hạ
lệnh đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông vượt biển vào Champa để chặn
đường vua tôi nhà Hồ bỏ chạy.
1.2.2.2. Nhà Hồ chuẩn bị kháng chiến
Trước nguy cơ bị quân Minh tiến công, nhà Hồ chuẩn bị ráo riết để cự
địch. Nhà Hồ lo lắng tăng cường quân lực, đồng thời lo phòng thủ biên
cương, chuẩn bị đối phó.
Trong khi bị nhà Minh uy hiếp ở phía Bắc, năm 1403, nhà Hồ bèn sai
bọn Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn đem 20 vạn quân thủy lục vào đánh
Chiêm Thành, một là để nắm chắc được nước ấy, hai là để có rộng đất hậu
phương để kháng chiến với quân Minh. Tướng Phạm Nguyên Khôi nhanh
chóng tiến đến bao vây kinh thành Chà Bàn của Chiêm Thành. Quân nhà Hồ
vây hãm Chà Bàn trong 9 tháng nhưng vì hết lương, không hạ nổi thành, đành
phải rút quân về. Quân nhà Hồ về nửa đường gặp 9 chiến thuyền của quân
Minh đến cứu Chiêm Thành, nhưng Nguyên Khôi đi thẳng, không giao chiến
với quân Minh. Công cuộc mở mặt trận phía Nam để mở rộng đất đai từ
Chiêm Thành của nhà Hồ đã bị thất bại.
Về mặt đất vùng biên phía Bắc thì năm 1404, nhà Minh đòi nhà Hồ trả
lại những đất Lộc Châu, Tây Bình châu và Vĩnh Bình trại ở miền Lạng Sơn

mà họ cho vốn là đất cũ của châu Tư Minh của nhà Minh. Năm sau, họ lại đòi
nhà Hồ phải trả lại đất bảy trại Mãnh Man ở miền Ninh Viễn, nhưng Hồ Quý
Ly không nghe. Trước tình thế không thể chối từ, để hoãn binh, nhà Hồ phải
sai Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ đến miền Lạng Sơn, cắt một dải 59 thôn
thuộc Lộc Châu cho nhà Minh. Khi Hối Khanh trở về lại bị Quý Ly trách rằng
đã trả đất quá nhiều, rồi sai người ngầm bỏ thuốc độc giết bọn thổ quan của

14


Minh đặt ở đó. Về mặt Ninh Viễn thì Quý Ly không chịu, cự tuyệt hẳn yêu
sách của Minh và cho quân đóng giữ các cửa ải.
Về mặt quân sự, năm 1404, nhà Hồ định lại quân hiệu, đồng thời điều
động thêm quân trong nước. Nhà Hồ đã sai tuyển những người khỏe mạnh mà
nghèo chia làm hai quân Tả Hữu, lấy những quan văn võ cùng họ cho quản lĩnh.
Tháng 10 năm 1405, nhà Hồ định lại binh chế: Nam Bắc quân chia làm
12 vệ, Đông Tây quân chia làm 8 vệ, mỗi vệ làm 8 đội, mỗi đội 18 người. Đại
quân thì gồm 30 đội, trung quân thì gồm 20 đội, mỗi doanh gồm 15 đội, đoàn
gồm 10 đội, cấm vệ thì đều 5 đội. Tất cả chịu sự chỉ huy của Đại tướng quân.
Về trang bị vũ khí lúc bấy giờ cũng được nhà Hồ hết sức chú trọng chuẩn
bị. Tháng 6 năm 1404, Hồ Hán Thương lại mở bốn xưởng quân khí, lấy người
giỏi bất kể là quan hay dân, những người khéo nghề thì đến đó phục dịch. Nhà
Hồ bí mật cho đóng chiến thuyền. Năm 1404, Hồ Hán Thương lại sai đóng thêm
chiến thuyền, gọi là thuyền cổ lâu để đề phòng quân Minh, lấy tiếng là tàu tải
lương, trên có đường sàn để đi lại, ở dưới thì cứ hai người chèo một mái chèo,
rất tiện cho việc chiến đấu. Cùng với đó là sự phát minh, chế tạo ra loại súng có
sức công phá sấm sét của Hồ Nguyên Trừng là súng thần cơ. Đây được coi là
một thứ vũ khí vô cùng quan trọng lúc bấy giờ của nhà Hồ.
Vấn đề phòng thủ trong thời điểm lúc bấy giờ cũng là một trong những
vấn đề được nhà Hồ đặt lên vị trí hàng đầu.

Tháng 8 năm 1405, Hồ Hán Thương đi xem xét các núi sông và các cửa
biển ở các kinh lộ để kiểm tra sự bố phòng, đặc biệt để nghiên cứu sự đóng
cọc ngăn các cửa biển và mặt sông để phòng bị tấn công. Nhà Hồ chú trọng
phòng thủ dọc sông Cái, sông Thao, sông Đà, đồng thời hạ lệnh cho các cửa
nguồn thuộc các trấn phải nộp cọc gỗ, giao cho các quân giữ sẵn để đóng ở
các cửa biển và những nơi yếu hại trên sông để ngăn giặc. Tháng 9 năm 1405,
Hồ Hán Thương còn sai đóng cọc giữ cửa sông Bạch Hạc để ngăn quân địch
tiến đến theo đường Tuyên Quang.

15


Để phòng bị giặc xâm chiếm, Hồ Quý Ly cho xây dựng hệ thống công
trình phòng thủ có quy mô lớn, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà,
sông Hồng, sông Luộc và sông Thái Bình. Đó là hệ thống chướng ngại vật
gồm những bãi cọc, những xích sắt, cùng với các đồn quân tại khắp các cửa
sông, cửa nguồn, quan ải,… nhằm ngăn chặn các trục đường thủy, bộ mà Hồ
Quý Ly dự kiến quân Minh sẽ đánh vào.
Trong các tuyến chặn giặc đó, quan trọng nhất là tuyến phòng thủ dọc
bờ nam sông Hồng và khu vực thành Đa Bang, nơi tập trung phần lớn binh
lực nhà Hồ. Có thể thấy, nhà Hồ đã rất coi trọng vấn đề phòng thủ của đất
nước, bước đầu đã sẵn sàng đối phó với sự xâm lược của giặc Minh.
Tháng 10 năm 1405, trước việc nhà Minh lăm le xâm lược nước ta, nhà
Hồ cũng tiến hành một “Hội nghị Bình Than” để bàn mưu tính kế đánh quân
xâm lược. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Hán Thương xuống chiếu truyền
gọi các quan an phủ ở các lộ về triều để cùng với các quan ở kinh họp bàn kế
nên đánh hay nên hòa. Có người chủ trương đánh để đứt mối lo cho ngày sau,
có người chủ trương tạm hòa để hoãn binh. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng
nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Quý Ly cho là
đúng, liền ban thưởng cho cái hộp trầu bằng vàng.

Điều đó cho thấy cái nhìn sáng suốt và nỗi lo của Hồ Nguyên Trừng
trước tình thế đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Đồng thời cũng chứng tỏ Hồ
Quý Ly không phải không biết đến điều thiết yếu ấy. Nó có tác động rất lớn
đến việc đưa ra chiến lược kháng chiến cũng như các quyết định sau này
của nhà Hồ.

16


Tiểu kết chương 1
Chương 1 đã nghiên cứu được bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống
quân Minh xâm lược lần thứ nhất. Trong đó đã chỉ rõ tình hình đất nước dưới
triều nhà Hồ và hoàn cảnh lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược diễn ra trong bối cảnh
tình hình đất nước dưới triều nhà Hồ có nhiều biến động sâu sắc.
Hồ Quý Ly là một người thông minh, có tham vọng xây dựng một nền
văn hóa dân tộc, lợi dụng triều đình nhà Trần suy yếu đã mưu tính thu vén
quyền lực về tay mình, sau đó lên làm vua. Nắm trong tay quyền trị vì đất
nước, Hồ Quý Ly tiếp tục thực hiện hàng loạt các biện pháp cải cách, canh tân
đất nước về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, quân sự… nhưng chưa được triệt để.
Nhà Minh lợi dụng đất nước Đại Ngu còn chưa ổn định, trên danh
nghĩa “phù Trần diệt Hồ” đem quân sang xâm lược nước ta. Hai bên đã tiến
hành các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng đối phó với chiến tranh.

17


Chương 2
DIỄN BIẾN CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MINH XÂM
LƯỢC DO NHÀ HỒ LÃNH ĐẠO

2.1. Diến biến cuộc chiến tranh
2.1.1. Quân Minh tiến quân sang lần thứ nhất
Tháng 5 năm 1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, nhà Minh
sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình
làm vua.
“Ngày 8 tháng 4 âm lịch, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh. Hai
cánh quân thủy bộ nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân Đại Ngu khinh địch
nên bị bại trận, các tướng Phạm Nguyên Khôi, Chu Bỉnh Trung, Trần Nguyên
Huyên, Trần Thái Bộc tử trận. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng xuống
thuyền đi thoát” [18].
Nhưng đúng lúc đó, tướng Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao (Bắc Giang)
đánh úp quân Minh. Hoàng Trung không chống nổi, đêm đến bèn rút quân về.
Song các tướng nhà Hồ là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi
Lăng. Hoàng Trung cho quân qua ải, gần đến Cần Trạm (trước ải Chi Lăng)
thì đường núi dốc hiểm, rừng cây um tùm, quân không thể giữ hàng lối mà đi,
lại gặp trời mưa lụt cho nên đội ngũ lại càng lộn xộn. Bất thình lình phục binh
nổi lên (do Thánh Dực tướng quân Hồ Vấn chỉ huy), la vang rừng núi, cướp
lấy Thiêm Bình. Bọn Hoàng Trung chỉnh đốn hàng ngũ để đánh, nhưng quân
ta đã chặt cầu, ngăn đường, chặn ải Chi Lăng, quân địch không tiến được,
buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng
thư, đề nghị mở đường cho về nước.
Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho
quân Minh rút lui. Quân Đại Ngu bắt được nhiều tù binh, đưa vào Nghệ An
cho làm ruộng. Trần Thiêm Bình bị mang về xử lăng trì.

18


Như vậy, nhà Hồ bước đầu đã làm phá sản âm mưu “phù Trần diệt
Hồ”, mà thực chất là âm mưu xâm chiếm nước ta của nhà Minh; đồng thời

tiếp thêm sức mạnh chuẩn bị cho sự chiến đấu về sau.
Bằng tầm nhìn sâu xa và nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước, Hồ Hán
Thương cho rằng thế nào nhà Minh cũng sẽ tiến công ngay. Chính vì vậy,
ông đã cho tổ chức một quân đội riêng là “dũng hãn quân”, bao gồm
những dân đào vong, đặt chức thiên hộ để quản lãnh, một mặt cho đóng cọc
ở bờ phía nam sông Hồng, đặc biệt ở các khúc sông hiểm yếu và ở cửa
biển. Mặt khác, lại khiến nhân dân các miền Bắc Giang và Tam Đái tìm đất
hoang ở phía nam sông Cái làm sẵn nhà cửa để phòng quân giặc tiến công
thì làm chước vườn không nhà trống mà di cư sang và nhổ bỏ hết lúa để
làm tuyệt lương địch. Điều đó cho thấy, dù thắng trận nhưng nhà Hồ không
những không chủ quan mà còn dự đoán trước hành động của địch, chuẩn bị
tâm thế sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh để không bị bất ngờ, nâng
cao khả năng thắng trận của quân đội. Đây là việc làm quan trọng và vô
cùng sáng suốt của vua quan nhà Hồ.
2.1.2. Đại quân Minh tiến sang
Được tin Trần Thiêm Bình bị bắt, vua Minh rất tức giận, ra lệnh cho
các tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân,… chỉ huy theo hai hướng Bắc và
Tây Bắc, tức thì tiến quân xâm lược nước ta.
Theo Minh thực lục, ngày mùng 9 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4, tức
tháng 11 năm 1406, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc đem 40 vạn quân
xuất phát từ Bằng Tường, qua ải Ba Lũy (tức ải Nam Quan), sai bọn đô đốc
Quảng Tây đóng dinh ở dưới cửa quan để lo chở lương và sửa đường bắc cầu.
Mộc Thạnh, Lý Bân cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần
thị xã Hà Giang ngày nay), hai đạo quân tổng cộng là 80 vạn. “Đến cửa Ải
Lưu, quân Minh gặp quân ta cự chiến: đắp lũy, đắp hào, đặt máy bắn tên độc,

19



×