Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Sức sống của người Nam Bộ qua không gian Tết cổ truyền của dân tộc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (355.78 KB, 3 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP

KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH

SỨC SỐNG CỦA NGƯỜI NAM BỘ
QUA KHÔNG GIAN TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC
SV: Phan Thị Yến Nhi, Lớp ĐHVNH17
GVHD: TS. Nguyễn Thị Song Thương
Tóm tắt
Nam Bộ là một vùng đất bên cạnh vẻ hoang sơ mộc mạc, còn mang khá nhiều nét độc đáo
đặc trưng riêng biệt trong phong tục, cách thức sinh hoạt đời sống của người dân, đặc biệt là
vào dịp Tết cổ truyền. Tết ở Nam Bộ không chỉ đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, cách thức sinh
hoạt, mà còn cả trong các phong tục cúng kiến... Tết ở Nam Bộ mang một nét đặc trưng rất
riêng so với các vùng miền khác trên đất nước ta.
Từ khóa: Tết, Nam Bộ, sức sống, dân tộc, cổ truyền
1. Đặt vấn đề
Năm hết Tết đến, người dân cả nước lại hân hoan đón chào năm mới. Đối với người dân đất
Việt, Tết không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, mà còn là thời điểm để bảo tồn
bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục cổ truyền. Có trải qua ngày Tết mới thấy,
những nét đẹp trong cách thức sinh hoạt, ăn uống, phong tục ngày Tết không phải là hình thức,
mà chúng đề cao vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp cội nguồn văn hoá của dân tộc Việt. Do vậy, dù
đi xa mấy nhưng cứ đến ngày này, người người đều cố gắng trở về quê hương đoàn viên cùng
với gia đình. Dù bao nhiêu năm trôi qua, những người con đất Việt vẫn không quên đi cội
nguồn, mỗi ngày đều góp phần xây dựng và bảo trì nền văn hóa truyền thống đẹp đẽ.
Trong không khí vui tươi của một mùa Xuân mới, mỗi vùng miền lại có một nét đặc trưng
riêng tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn. Riêng đối với người dân Nam Bộ, Tết cũng có thật nhiều
điều thú vị. Dù xã hội có phát triển, cuộc sống có hiện đại đến mấy nhưng những giá trị văn
hóa, tập quán truyền thống bao đời vẫn không thay đổi, đặc biệt là ở ngày Tết cổ truyền của
người dân Nam bộ.
2. Những nét độc đáo trong ngày Tết cổ truyền của người dân Nam bộ
Khác với không khí lạnh buốt của miền Bắc thì người dân Nam Bộ đón lại đón Tết trong cái


tiết trời với không khí ấm áp với nhiều phong tục khác so với miền Bắc khi chào đón năm mới.
Tết cổ truyền là dịp để gia đình tụ họp sum vầy, vui vẻ và hạnh phúc bên nhau, đối với
miền Nam năm nào cũng vậy cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí
Tết, các chợ hoa, chợ Tết đã bắt đầu dựng sạp. Ngày Tết nhà nào cũng có một nhành mai, cây
cảnh, mâm ngũ quả cùng những món ăn đặc trưng ngày Tết của Nam Bộ. Nói về mâm ngũ quả
của người miền Nam thường có các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung theo câu “Cầu
sung vừa đủ xài”, đó không chỉ đơn thuần là những lời chúc về tài lộc mà còn nhắn nhủ khuyên
răn con người biết vừa đủ, biết tiêu xài đúng lúc đúng chỗ. Đều đặc biệt mâm ngũ quả ở miền
Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh nhằm tạo cho không gian thờ cúng thêm
phần vui tươi ấm áp rực rỡ và có ý nghĩa là cát tường tốt lành. Nói đến Tết là không thể nào
không nhắc đến hoa mai, một loại hoa mang nét đẹp đặc trưng của Nam Bộ, đối với người miền
Bắc thì không thể thiếu hoa đào trong mỗi dịp Tết đến xuân sang, thì ngược lại ở miền Nam thì
hoa mai là loại hoa mang cái hồn của Tết Nam Bộ. Vào khoảng 22, 23 Tết âm lịch ở Nam Bộ
có phong tục lặt lá mai rất độc đáo. Nhà nào cũng trồng trước cửa nhà mình một hoặc hai cây
mai vàng rồi vào khoảng 22,23 âm lịch các thành viên trong gia đình súm xít lại để nhặt lá, để
vào khoảng 28, 29 Tết mai bắt đầu khai nhị nở hoa để người dân đón Tết, bởi vì người dân Nam
Bộ quan niệm rằng hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn, sắc mai vàng rực vào những ngày đầu
năm báo hiệu đều tốt lành cho cả năm. Bên cạnh khoảng thời gian đó nhà nào ở Nam Bộ cũng
rôm rã chuẩn bị làm bánh mứt để đón Tết, có thể kể đến một vài loại bánh mứt như: Mứt bí,
mứt dừa, bánh mứt chùm ruột...bánh thì không thể nào không kể đến bánh phồng...Đây chính
là các loại bánh mứt gắn liền với người dân bởi vì những nguyên liệu để làm ra nó rất gần gũi
và gắn liền với đời sống hằng ngày, chính vì thế người dân đã tận dụng chúng để làm bánh mứt,
vừa ngon vừa rẻ vừa bình dị thân thương.
Trang 145


KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
Tôi nhớ như in cái hình ảnh “giã nếp vào ban đêm” để làm ra những cái bánh phồng thơm
ngon, cứ vấn vương mãi trong tâm trí tôi mà không thể nào quên được. Cứ sau một vụ mùa làm
lúa nếp xong thì nhà nào cũng cất giữ lại vài chục kí lúa nếp thơm ngon nhất để dành làm bánh

khi Tết đến Xuân sang, và để làm ra một chiếc bánh phồng thơm ngon, thì người dân phải chọn
lọc chắt chiu từng hạt lúa nếp ngon nhất, sau đó đem ngâm nước và vo sạch và đem đi hấp cho
nếp chín, sau đó cho nếp chín vào một cái cối dùng chày để quết cho đến khi nếp dẻo quến chặt
vào nhau, sau đó cho thêm một chút đường, một chút nước cốt dừa và khi nếp thấm đều gia vị
thì đem nắn thành viên rồi cán ra, và cuối cùng là đem phơi dưới nữa ngày nắng thì bánh đã
khô thế là đã có một chiếc banh phồng thơm ngon để dành đón Tết.
Đón Tết trên mảnh đất Nam Bộ chúng ta còn thấy sự thú vị trong món ăn. Tết Nguyên
Đán trong gia đình miền Nam, dù mâm cao cỗ đầy nhưng không thể nào thiếu nồi thịt kho tàu,
khác dưới người miền Bắc là món thịt đông. Món thịt kho tàu với miếng thịt vuông quả trứng
tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương sự vuông tròn cho cả năm, ngoài ra còn có món bánh
tét, bánh tét ở miền Nam có hình ống dài có nơi gọi là bánh đòn, bánh tét biểu trưng cho sức
sống sự trường tồn sự hùng mạnh. Miền Nam ăn kèm với bánh tét là kiệu muối chua, dưa dưa
cải muối chua, với hình dáng đơn giản nhưng không kém phần tỉ mỉ, bánh tét được bọc bên
ngoài với nhiều lớp lá chuối, ví như người mẹ đang bọc lấy người con. Ăn bánh tét lại nghĩ về
mẹ, nhớ về mẹ, không chỉ vậy bánh tét nhân xanh nhị vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê
của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm làng, gợi cho ta niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con
người về một mùa xuân an bình cho mọi nhà. Canh khổ qua cũng là một món ăn không thể
thiếu của ngươi dân Nam Bộ. Có tô canh khổ qua trên mâm cỗ tạo cho gia đình yên tâm về mặt
tâm lý, vì món canh khổ qua có ý nghĩa hy vọng về một năm mới suôn sẻ may mắn mọi khó
khăn vất vả của năm cũ qua đi. Canh khổ qua có vị ngọt thanh nhẹ, hơi nhẵn đắng, canh khổ
qua còn có tác dụng thanh nhiệt giải độc giúp giải ngán khi ăn các món ăn nhiều đạm nhiều
chất béo trong ngày Tết, loại quả này rất dân dã, bình dị, dễ trồng cách chế biến đơn giản, chỉ
cần vài ba quả khổ qua tươi nạo bỏ hột, thịt băm nhỏ trộn với các thát lát nhồi vào bên trong rồi
dùng nước hầm xương hoặc nước lã để nấu là đã hoàn tất món ăn, đơn giản đúng với chất mộc
mạc của người dân Nam Bộ. Kiệu muối chua và tôm khô là hai món ăn bình dị nhưng cũng
không thể thiếu trong dịp tết, ngày tết chỉ cần một đĩa củ kiệu và tôm khô là có thể lai rai mút
mùa, vị ngọt đậm đà của tôm khô hòa quyện với vị chua ngọt thơm thơm của kiệu rất dễ đưa
mồi, nếu có thêm đĩa lạp xưởng ăn kèm nữa thì tuyệt hảo, kiệu thì có thể kết hợp với nhiều món
ăn, ăn kèm bánh chưng bánh tét, các loại thịt luộc quay, nướng... Đây là hai món ăn vừa bình
dân vừa cao cấp, dễ mua, dễ làm, giá rẻ.

Ngoài những món ăn truyền thống kể trên của người Nam Bộ, tùy theo điều kiện của mỗi
gia đình có thêm các món khác nhau như: Lạp xưởng, giò chả, thịt khìa...cùng hòa chung với
hương vị tết của Nam Bộ. Ngày nay các món ăn tết của người Nam Bộ cũng có nhiều thay đổi,
đơn giản hơn rất nhiều, những món ăn truyền thống vẫn còn hiện diện trong ngày Tết, trên mâm
cơm thờ cúng tổ tiên của người dân Nam Bộ thể hiện tính chất thiết thực, mộc mạc, thoáng mở
của người dân vùng sông nước.
Giáp tết các gia đình sẽ tổ chức đi chạp mộ để tỏ lòng uống nước nhớ nguồn, ngày 23
tháng chạp cùng tiễn đưa ông táo về trời. Ngày 30 nấu một bữa cơm tổ tiên gọi là ngày rước
ông bà, trong những ngày Tết trên bàn thờ gia tiên luôn luôn nghi ngút khói hương và sau đó,
đến ngày mồng ba tháng Giêng thì làm lễ tiễn đưa ông bà. Trước giao thừa, gia đình thấp hương
mời vong linh ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất về ăn cơm, vui tết cùng với con
cháu, cúng tất niên chiều 30 tết thường quy tụ đủ mọi mặt người thân trong gia đình, đêm 29,
30 là lúc vui nhất mọi người thức đón giao thừa trò chuyện...Rất huyên náo, ba ngày tết là ba
ngày vui chơi ăn uống, viếng thăm chúc mừng nhau những điều mới mẻ tốt lành.
Một phong tục độc đáo được duy trì và phát triển mạnh của dân Nam Bộ mà bất cứ đứa
trẻ nào cũng thích thú, đó là tục lì xì đầu năm, tục lì xì phổ biến ở miền Nam trước sau đó lan
rộng ra các vùng khác của Việt Nam. Tiền mới được bỏ vào phong bao đỏ rực tặng trẻ nhỏ
trong gia đình để lấy may, ước mong trẻ mau ăn chống lớn mọi sự như ý, không câu nệ về giá
trị mà chủ yếu là đem lại niềm vui tốt lành may mắn.
Trang 146


TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP

KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH

Bên cạnh những điều thú vị trên, người Nam Bộ xưa có một số phong tục kiêng kị vào dịp
tết. Chẳng hạn như sáng mùng một, ngoài đường trước ngõ phải tĩnh lặng. Cãi cọ, quét nhà...
là những điều cấm kị, không được mở cửa cho tới khi có người xông đất đến, trong nhà thì
ngược lại đám trẻ thì lăng xăng diện áo mới chờ chúc tết ông bà cha mẹ để được lì xì, rồi xúm

xít ăn bánh tét, chơi lô tô, bầu cua cá cọp...Quí nhân đến xông đất đầu năm thể hiện niềm may
mắn hay xui xẻo cho gia chủ trong cả năm mới, mấy ngày tết việc cúng kiến rất được coi trọng
bữa cơm nào cúng tổ tiên xong mới được dùng. Tục tết nhà phải thức dậy trước canh năm, cứ
ba đĩa bánh ít, ba đĩa tam sên (tôm khô, thịt luộc, trứng gà), ba đĩa mứt, ba đĩa trái cây để cúng.
Chợ búa, tiệm quán tận mùng ba mới lác đác vài gánh rau lá chuối, gà để người ta mua về làm
bữa tiễn ông bà, ngày này gà bán rất đắc, vì món gà tiềm không thể nào thiếu trong mâm cúng.
Và những phong tục cổ truyền của người Nam Bộ vào dịp lễ Tết giờ có lẽ cũng được dần dần
đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.
3. Kết luận
Người dân Nam Bộ ăn mừng tết với niềm thiêng liêng. Tết luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia
đình, dù ai mua bán làm việc hay đi xa thì họ thường cố gắng dành tiền và thời gian để về ăn
tết với gia đình, đó là mong mỏi của tất cả mọi người. Ngày Tết ở Nam Bộ mang nét đặc trưng
độc đáo, nó trở nên thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. “Thịt mỡ dưa hành câu đối
đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, thêm sắc màu vàng rực của nhành mai, mâm ngũ
quả đậm tình dân tộc, nó mang tới một cái Tết bình yên đầm ấm cho miền quê của Việt Nam.
Tôi yêu Tết nguyên đán, yêu cái Tết cổ truyền của vùng Nam bộ quê tôi, nó luôn đem đến cho
con người những khởi đầu mới mẻ và mang đến những giá trị truyền thống với những nét đẹp
riêng biệt tạo nên bản sắc của cả dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Thanh Huệ - Kim Xuyến (2015), Phong tục ngày TẾT nghi lễ đi chùa đầu năm, NXB Hồng
Đức.
[2]. Nhiều tác giả (2008), Tết trong đời sống tâm linh người Việt, NXB Văn hóa thông tin.
[3]. Nguyễn Ngọc Thanh (cb) (2018), Đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ, NXB KHXH
[4]. Quảng Tuệ (2004), Phong tục nghi lễ dân gian truền thống Việt Nam, NXB Văn hóa dân
tộc
[5]. Trần Ngọc Thêm (cb) (2018) Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hóa nghệ
thuật

Trang 147




×