Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Bài văn đạt điểm 10 HS gioi Tỉnh TTHuế năm 2005

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (107.12 KB, 5 trang )

LTS: Trong kỳ thi chọn HS giỏi lớp 12 năm học 2005-2006 của Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, em
Nguyễn Thị Hường, HS lớp 12 trường THPT Vinh Lộc, đã đạt điểm tối đa 20/20. Sau đây, BBT xin
giới thiệu đề bài và bài làm nói trên của em Nguyễn Thị Hường.
Đề bài:
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
“Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
Anh (chị) hãy bình luận ý thơ trên.
Từ đó, chọn phân tích một bài thơ mà theo anh (chị) là đẫm vị mặn của chất muối cuộc đời.
Bài làm:
Không biết thơ ca sinh ra tự thuở nào, nhưng nó đã được biết đến, bàn đến rất nhiều. Có lẽ bởi thơ ca là
hình thái nghệ thuật dễ đi vào lòng người nhất, dễ rung cảm bể cả tình người nhất. Điều làm cho thơ ca có
sức quyến rũ như vậy? Bởi thơ ca được chưng cất lên từ nước biển, nó nói hộ bao cung bậc tình cảm con
người. Vì thế, Chế Lan Viên cho rằng “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!”. Chế Lan Viên đã
đề cập đến vấn đề quan hệ giữa “đời” và “thơ”.
Tôi còn nhớ câu nói của Biêlinxki “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Tư tưởng của
những nhà thơ, nhà văn chân chính đã gặp nhau. Tất cả mọi hình thái nghệ thuật đều bắt nguồn từ trực quan
sinh động qua lăng kính của nhà văn nhà thơ rồi mới phản chiếu vào tác phẩm. “ Vị muối” cuộc đời ấy là
hiện thực cuộc sống, là những trăn trở, lo âu, buồn phiền, sung sướng, hạnh phúc…Là nhà thơ chân chính,
anh phải lăn lộn ngoài cuộc đời sương gió kia, phải cảm nhận hết nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc của con
người rồi thổi hồn vào tác phẩm, thơ anh mới mặn mà, mới neo chặt vào bến hồn người đọc. Tác phẩm của
anh phải bắt chặt, phải cắm rễ vào mảnh đất hiện thực ngoài kia mới có thể trở thành dòng suối trong trẻo
chảy vào lòng bạn đọc. Khi Nguyễn Du viết truyện Kiều chẳng phải từ “những điều trông thấy” mới “đau
lòng” đó sao? Những vần thơ ông như có máu rỏ đầu ngọn bút, chẳng phải từ điều “sở kiến” đó sao? Tác
phẩm văn học là con đẻ của nhà văn, do đó, nó là sự kết tinh của những cảm xúc mãnh liệt, nó phải là
“Tiếng thét khổ đau hay lời ca tung hân hoan”(Biêlinxki). Nếu nhà thơ sống bàng quan, lãnh đạm, không
nếm trải mùi vị của cuộc đời thì thơ anh ta chẳng qua là một kỹ xảo ngôn từ, anh ta sẽ tự giết chết đứa con
của mình, hay tồn tại thì chỉ “lừa được một người, may mắn là một thời” (Diệp Tiếp). Những vần thơ thiết
tha, sôi nổi của Xuân Diệu, những vần thơ đầy ắp thương mến của Tố Hữu…tất cả đều từ bầu sữa của bà
mẹ cuộc sống. “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, thơ chỉ trào ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy” (Tố
Hữu). Cái chất mặn của những vần thơ ấy chính là cái tình của tác giả gửi gắm. Có rung động sâu xa trước


những nỗi đau nhất, trước những biến đổi tinh vi nhất của tình cảm con người. Có bám chặt vào vị muối
cuộc đời, độc giả mới tìm đến thơ anh để thấy mình trong đó. Khi Hồ Xuân Hương kêu lên:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
thì đó là lời thét của một hồng nhan đã trải qua bao sóng gió của cuộc đời, đã từng làm lẽ khắp nơi để rồi
“trơ cái hồng nhan với nước non”. Lời rủa thống thiết làm rung cảm bao bạn đọc ấy phải chăng cũng từ
hiện thực chua cay mà Hồ Xuân Hương phải trải qua?
Nguyễn Du khi đau đớn thốt lên:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
(Truyện Kiều)
thì cũng là từ những đắng cay mà thi sĩ Tố Như đã cùng Thuý Kiều trải qua trong mười lăm năm đoạn
trường, để rồi viết nên thiên tình sử làm rung động bao thế hệ người đọc.
Nhưng nếu chỉ là “vị muối của đời” mà không có tài năng, không có con tim nhạy cảm hơn người của nhà
thơ thì cũng khó làm nên những vần thơ nóng bỏng. Cái vị muối cuộc đời ấy phải xuyên qua trái tim thi sĩ,
thấm nhuần trong tâm hồn thi sĩ thì mới thành những vần thơ bất hủ. Nguyễn Du viết nên những trang
“Kiều” đẫm lệ nhưng cũng thật lung linh tuyệt đẹp. Nhà thơ phải có tài mới biến cái vị mặn của cuộc đời ấy
thành viên muối, để nó dễ dàng thâm nhập vào trái tim bạn đọc. Những vần thơ tuyệt bút của Nguyễn Du
chẳng phải là mẫu mực cho ngôn ngữ Việt đó sao? Nếu chỉ biết nếm trải cái vị muối cuộc đời mà không có
ngòi bút tài hoa, làm sao Nguyễn Du lột tả hết nỗi cô đơn của Kiều sau những đêm “mưa Sở mây Tần”:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Do đó, một nhà thơ vĩ đại phải là một nhà thơ có tài, và trên hết, anh phải có vốn sống, phải tắm mình trong
bể muối để những nỗi đau, niềm vui, niềm hạnh phúc sáng bừng trong thơ anh, thế mới trở thành mạch
nguồn trong trẻo qua tim người đọc.
Để viết nên những nhận định chân thực ấy, hẳn Chế Lan Viên đã từng trăn trở, băn khoăn, từng nếm mùi vị
của “muối đời”. Chàng thi sĩ của “Ánh sáng và phù sa” ấy đã trải qua biết bao thăng trầm, đã một thời “điêu
tàn” trong mộng tưởng, trong nỗi đau nhân thế. Những vần thơ anh chẳn hẳn cùng được chưng cất lên từ bể
muối cuộc đời? Trước Cách mạng tháng Tám, anh quan niệm thi sĩ không phải là người thường, đó là
người mơ, người điên, người say, là Tiên là Ma, là Quỷ…Nhưng khi ánh sáng cách mạng chiếu vào hồn thơ

“Điêu tàn” ấy thì “Xưa phù du mà nay đã phù sa, xưa bay đi mà không trôi mất”. Và từ những vị muối của
cuộc đời, chàng thi sĩ ấy đã viết nên “Tiếng hát con tàu”.
Vị muối của cách mạng, của niềm tin mới đã thổi vào thơ anh một nhân sinh quan mới mẻ:
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.
Nhận ra chân lí cách mạng, thơ anh đã thật sự đổi mới, từ những vần thơ đầy ắp tình yêu quê hương, đất
nước. Tâm hồn của thi sĩ thực sự đã “hoá những con tàu”, đã hoá thành Tây Bắc. Lời thơ (phần đề từ) mang
một quan niệm hết sức nhân văn. Là một con người, nhất là một nhà thơ, anh phải đi ra cuộc đời ngoài kia,
phải hoà tiếng hát mình vào bản hợp xướng của dân tộc:
Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng.
Lời thơ thúc giục, mang ý nghĩa triết lý – “gió ngàn rú gọi” hay lời đất nước gọi? Không biết Chế Lan Viên
đã trải qua bao nhiêu suy tư trước cuộc đời mới viết nên được những dòng thơ đầy triết lý như thế? Phải
sống chân thực, phải cảm nhận sự đổi thay lớn lao của đất nước, chàng thi sĩ “Điêu tàn” khi xưa mới nhận
rõ chân lý: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép, tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”. Và đây, hiện thực
cuộc đời đã hiện ra:
Xứ thiêng liêng, rừng núi hoá anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân.
Dưới ngòi bút của thi sĩ, hiện thực cuộc đời ở rừng núi Tây bắc đã hoá “anh hùng”. Tây Bắc - miền sơn
cước anh dũng đấu tranh chống giặc, nay lại anh hùng đứng lên xây dựng lại cuộc đời mới. “Tâm hồn ta
thấm đất”, cách nói thật mới mẻ, có tính biểu cảm cao. Từ “rỏ” đọc lên sao mà xúc động đến tận tim gan,
đến từng thớ thịt, từng ngóc ngách sâu xa nhất của trái tim. “Rỏ” biểu hiện cái gì nó kiên nhẫn quá, bền bĩ
quá! Trái tim thi sĩ như hoà cùng dòng máu Tây Bắc để cuộc sống mới “dạt dào trái chín của đầu xuân”.
Trái đầu xuân hay trái hạnh phúc, trái cuộc đời? Lời thơ thiết tha, dạt dào tình cảm. Đúng là “xưa phù du
mà nay lại phù sa”. Ở đây có sự biến đổi rất lớn lao, sâu sắc trong tư tưởng Chế Lan Viên. Để có được nhận

thức như vậy, chàng thi sĩ ấy đã trải qua biết bao trăn trở, để cùng hoà mình vào đất mẹ:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bổng gặp cánh tay đưa
Cách so sánh thật độc đáo! Cuộc đời cách mạng đã cho anh lẽ sống, niềm vui mới. Chế Lan Viên thực sự đã
hoà mình vào dòng chảy cuộc đời, “Gặp lại nhân dân như nai về suối cũ” thể hiện niềm vui tột đỉnh, niềm
sung sướng hân hoan khi được sống giữa tình nhân dân trìu mến trên mảnh đất anh hùng. Không còn là
“con nai bị chiều giăng lưới” (Xuân Diệu) hay “con nai vàng ngơ ngác” (Lưu Trọng Lư), mà bây giờ là con
nai của cuộc sống thời đại, của hơi thở lịch sử. Phải yêu thương chân thành, tha thiết, phải có xúc cảm mãnh
liệt với “xứ thiêng liêng” ấy Chế Lan Viên mới viết nên được dòng thơ độc đáo như vậy. Con người Tây
Bắc lần lượt hiện ra trong tâm tưởng nhà thơ:
Con nhớ anh con, người anh du kích
(…) Con nhớ em con, thằng em liên lạc.
Lời thơ tha thiết, chan chứa tình cảm, cứ thủ thỉ, thủ thỉ như lời con nói với mẹ. Những con người gan góc,
anh hùng lần lượt xuất hiện. Chiếc “áo nâu” của người anh du kích biểu hiện cho con người Việt Nam “Gái
trai cũng một áo nâu nhuộm bùn” và bây giờ “cởi lại cho con” như sự tiếp nối truyền thống yêu nước, như
sự trao gửi tình yêu thương. Những con người hiện ra thật đẹp, thật anh hùng…
Lời thơ thắm thiết như chính tấm lòng yêu thương, cảm phục của tác giả gửi đến những con người Tây
Bắc. Nếu không sống trong bể đời dân tộc, không tắm trong dòng chảy lịch sử, thì những lời thơ như có ánh
sáng ấy làm sao có thể đẹp đến như vậy. Cảm động nhất là hình ảnh người mẹ:
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Trái tim ta như bổi hổi, bồi hồi cùng thi sĩ. Tình cảm như tràn ra khỏi câu thơ, dạt dào chảy vào tim ta.
Ngọn lửa hồng ấy phải chăng là ngọn lửa của tình thương mà người mế thức suốt mùa dài để sưởi ấm cho
đứa con nuôi? Nếu Chế Lan Viên không có xúc cảm mãnh liệt thì không thể vẽ nên bức tranh giản dị, chân
thực và xúc động đến thế! Chính tình thương của người mế đã thổi vào hồn thi sĩ những xúc cảm chân
thành. Nỗi nhớ chồng chất nỗi nhớ, tình thương dồn dập tình thương. Tình cảm thi sĩ cứa tuôn trào, tuôn

trào không dứt. Bên cạnh “nhân dân”, “anh du kích”, “em liên lạc” và “mế” là “em”:
Anh bổng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng.
Lại nỗi nhớ! Nhưng được biểu đạt bằng một cách riêng: Nhớ “như đông về nhớ rét”. “đông” và “rét” là hai
hiện tượng tự nhiên luôn gắn liền với nhau. Cách ví von thật chính xác. “Tình yêu” ấy có thể là tình yêu đôi
lứa, tình bạn hay tình quê hương, đất nước, nghĩa nào cũng đúng cả. Chất suy tưởng nhiều tầng nghĩa vốn là
một bút pháp của Chế Lan Viên. Hai câu “thi nhãn” theo tôi là câu:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !
Có thể nói Chế Lan Viên đã thấm hồn trên câu chữ. Hai câu thơ đọc lên sao cứ rưng rưng! Nếu không có
lòng yêu quê tha thiết, nếu không nếm trải chất muối vùng Tây Bắc thì làm sao thi sĩ có thể hạ bút thế được.
Cũng như chàng Lý Bạch xưa kia, xa quê hương, khi ngắm vầng trăng quê người thì “Ngẩng đầu nhìn
trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”. Mảnh đất nơi ta đã rỏ máu, nơi nhân dân đã không tiếc xương máu để
“giăng lúa chín rì rào” ấy đã gắn chặt nơi trái tim ta, đã hoá vào tâm hồn ta. Câu thơ là nỗi niềm riêng của
nhà thơ hay nỗi lòng của bao người con xa xứ? Chất muối của tình yêu, của sự gắn bó đã kết tinh trên câu
chữ:
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Có người cho rằng: ngoài Chế Lan Viên không còn ai có thể viết được hai câu thơ hay đến như thế. Âu
cùng là từ tấm lòng thi sĩ đã cảm tình người, tình quê Tây Bắc.
Trở lên là những tình cảm, những nỗi nhớ dồn dập của nhà thơ. Nỗi nhớ ấy không “chơi vơi” như Quang
Dũng, mà nó cụ thể, nó hiện thực, nó bắt nguồn từ cuộc sống xưa – nay của miền Tây Bắc. để rồi từ nỗi
nhớ ấy tác giả đã biến thành một lời ước nguyện:
Tình em đang mong tình mẹ đang chờ
(…) Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tây Bắc ơi người là mẹ của hồn thơ
Mười năm kháng chiến vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.
Lời nguyện ước chân thành, xúc động. Tác giả nguyện đến vùng núi xa xôi ấy để chung tay xây dựng cuộc
sống mới, hay nguyện hoà vào lòng nhân dân, vào lịch sử về hồn thơ được sống cùng bầu sữa mẹ Tổ quốc.
“Đất nước gọi” - đó là khách quan, “lòng ta gọi” - đó là chủ quan. Và cái quý nhất ở thi sĩ chính là “lòng ta

gọi” - thể hiện một sự tự nguyện của nhà thơ.
Cuộc sống đã cho nhà thơ cái nhìn mới, thời đại đã cho nhà thơ cảm xúc mới: “Mười năm kháng chiến vàng
ta đau trong lửa”. Cách nói mang đầy chất triết lý, suy tưởng. Thi sĩ ơi! Cuộc đời đã về với anh, thơ đã thực
sự là thơ, không còn “đau trong lửa”. Trái tim Chế Lan Viên như reo mừng: “nay trở về ta lấy lại vàng ta”.
Trái tim cô đơn, điêu tàn không còn nữa! Tình yêu con người và cuộc sống thời đại đã cho anh ánh sáng
mới, bồi đắp cho anh nguồn phù sa màu mỡ, để thơ anh thật sự đi vào lòng người. Đoạn cuối cũng lại là
một dòng suy tưởng:
(…) Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đem khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.
Đến đây thì lòng thi sĩ, mùa xuân của thi sĩ đã thực sự hoà mùa xuân đất nước.
Bài thơ khép lại, nhưng lại mở ra bao suy nghĩ cho người đọc. Những vần thơ giàu tính triết lý, giàu hình
ảnh ấy thật sự là trái tim thi sĩ được bóc ra. Chế Lan Viên đã thực sự hoà trong dòng chảy lịch sử, đã cảm
nhận tinh tế tình cảm của con người Tây Bắc, đã sống trong những ngày gian khổ của dân tộc, nên thơ anh
cứ như bản nhạc lúc thanh lúc trầm dội vào lòng độc giả. Há chẳng phải thơ anh được cất lên từ vị muối của
đời đó sao?
“Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn”, âu đó cũng là châm ngôn sáng tác cho toàn bộ giới văn
nghệ sĩ vậy!
Theo Tập san Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

×