Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Một số khiếm khuyết - bất thường răng hàm mặt và đặc điểm bệnh lý di truyền

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (309.13 KB, 10 trang )

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC

MỘT SỐ KHIẾM KHUYẾT - BẤT THƯỜNG RĂNG HÀM MẶT
VÀ ĐẶC ĐIỂM BỆNH LÝ DI TRUYỀN
Hoàng Đạo Bảo Trâm¹, Tạ Thành Văn²
¹Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, ² Trường Đại học Y Hà Nội

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các bất thường răng hàm mặt có thể biểu
hiện đơn lẻ hoặc nằm trong một hội chứng, có
thể liên quan đến nhiều yếu tố như môi trường,
bệnh lý trong quá trình hình thành và phát triển,
gen, di truyền… Bài tổng quan trình bày về một
số bất thường răng hàm mặt: dịch tễ, nguyên
nhân, đặc điểm bệnh lý và biểu hiện tại chỗ và
toàn thân. Việc phát hiện, chẩn đoán chính xác
và kịp thời, tiên lượng và theo dõi thích hợp có
thể giúp người bệnh cải thiện các tình trạng
khiếm khuyết về cấu trúc, chức năng và thẩm
mỹ, phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc
sống của người bệnh.

II. NỘI DUNG TỔNG QUAN
1. Oligodontia
Thiếu răng là một bệnh lý thường gặp, và
là một bất thường phát triển ở người hay gặp
nhất, với tỷ lệ xấp xỉ 1/18 trên dân số châu Âu
[1]. Thiếu răng được định nghĩa là bất thường
về số lượng răng do không có sự phát triển của
một hay nhiều mầm răng. Trong đó, phần lớn
các trường hợp thiếu bẩm sinh dưới 6 răng.


Một bộ răng hoàn chỉnh, với quá trình phát triển
và thiết lập một khớp cắn sinh lý, liên quan đến
sự phát triển hài hòa của mặt, giúp hệ thống
Địa chỉ liên hệ: Hoàng Đạo Bảo Trâm - Đại học Y
Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Email:
Ngày nhận: 07/04/2017
Ngày được chấp nhận: 26/6/2017

138

nhai thực hiện được các chức năng, ngăn cản
các rối loạn và các hoạt động cận chức năng,
đồng thời có vai trò quan trọng về thẩm mỹ.
Oligodontia là một trong các thể bệnh lý
thiếu răng, biểu hiện thiếu bẩm sinh tối thiểu 6
răng, không kể các răng khôn. Bệnh có nguyên
nhân chủ yếu về gen, có thể đơn lẻ hoặc là
một phần của một hội chứng đa bất thường về
hình thái. Bệnh lý này ảnh hưởng đến cả chức
năng, thẩm mỹ và tâm lý xã hội của người
bệnh. Bệnh hiếm gặp và có tỷ lệ bệnh thay
đổi tùy theo răng, hàm, loại khớp cắn, giới, và
chủng tộc. Đối với răng vĩnh viễn, tỷ lệ trong
dân số châu Âu thay đổi từ 1/1250 đến 1/625
tùy theo nghiên cứu. Trong một phân tích meta
năm 2004, Polder và cộng sự ghi nhận tỷ lệ
chung của bệnh lý oligodontia là 0,14%, tương
đương 1/714 [2]. Ở bộ răng sữa, bệnh lý này
rất hiếm gặp và chưa có số liệu báo cáo. Việc

điều trị bệnh thường đòi hỏi sự phối hợp của
nhiều chuyên ngành như nha khoa trẻ em,
chỉnh hình răng mặt, phục hình, phẫu thuật
hàm mặt và cấy ghép, cũng như chẩn đoán
hình ảnh, bệnh lý gen, liệu pháp vận động và
cả tâm lý học.
Oligodontia có thể được phân ra hai loại
chủ yếu :
Oligodontia đơn lẻ biểu hiện ở những
người không có hội chứng lớn, đa số có nguyên
nhân về gen, tuy nhiên ở một số trường hợp
có thể liên quan đến yếu tố môi trường như
TCNCYH 108 (3) - 2017


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
tia ion, hóa chất, chấn thương sọ mặt, nhiễm
khuẩn khi sinh, sử dụng Thalidomide® trong
thai kỳ, phơi nhiễm dioxin….
Oligodontia thường có các biểu hiện bất
thường về răng, rối loạn khớp cắn và bất
thường hình thái xương sọ - mặt. Các bất
thường về răng có thể bao gồm bất thường
về hình thái và kích thước như răng hình nón,
răng ít múi, răng bò tót, răng nhỏ, chân răng
ngắn, bất thường về cấu trúc mô răng như
thiểu sản men răng, kém khoáng hóa men
răng, bất thường về quá trình mọc và thay răng
như mọc muộn, lạc chỗ, hoán đổi chỗ, trồi răng
quá mức, răng xoay, các răng cối sữa thấp.

Các bất thường về răng và xương ổ răng
đưa đến hậu quả bất thường về cung răng và
khớp cắn, như răng xoay, nghiêng, sai chỗ,
khe hở giữa các răng, sống hàm và cung răng
hẹp, cắn sâu, giảm độ cắn chìa, hàm nhỏ, xu
hướng khớp cắn hạng III. Các bất thường về
xương và răng dẫn đến tình trạng bệnh nhân
có tầng mặt dưới thấp, tầng mặt giữa lùi sau,
mặt lõm, gò má lép, môi trên tụt ra sau, môi
dưới trề, rãnh môi cằm rõ. Bệnh nhân có các
rối loạn chức năng như nhai, nuốt, phát âm,
hô hấp.

Hình 1. Oligodontia đơn lẻ ở một bệnh
nhân nữ 12 tuổi [1]
Oligodontia thuộc hội chứng xảy ra ở
những bệnh nhân có thiếu nhiều tổ hợp gen
và có biểu hiện hội chứng đa bất thường hình
TCNCYH 108 (3) - 2017

thái. Các tác giả Bloch-Zupan và Cardinaux
liệt kê tới 15 hội chứng đa bất thường hình
thái thường có kèm biểu hiện oligodontia: loạn
sản ngoại bì giảm tiết mồ hôi (DEH), loạn sản
ngoại bì có suy giảm miễn dịch, incontinentia
pigmenti, loạn sản ngoại bì - ngón chẻ - khe
hở khẩu cái (BEC), hội chứng CLPED1, hội
chứng Van der Woude, hội chứng Williams,
hội chứng Witkop, hội chứng Rieger, loạn sản
răng-móng-da (OODD), loạn sản đầu xương

và đầu chi (ASPED), hội chứng Kallmann, hội
chứng Bloom, hội chứng Johanson-Blizzard,
hội chứng Kabuki [1]. Bên cạnh các biểu hiện
ở vùng răng hàm mặt như bất thường số
lượng, hình dạng, cấu trúc, kích thước răng,
bất thường phát triển xương hàm, lưỡi, khe hở
môi vòm miệng, bệnh nhân còn có thể có các
biểu hiện bất thường ở các cơ quan, hệ thống
khác như da, tóc, móng, tuyến mồ hôi, chi và
ngón, tai, mắt, hô hấp, cơ xương khớp, tâm
thần. Các bất thường này gây ra những ảnh
hưởng quan trọng đối với chức năng, thẩm mỹ
và vấn đề tâm lý xã hội của bệnh nhân.
Việc tiên lượng và điều trị bệnh nhân mắc
oliogodontia liên quan đến nhiều chuyên
ngành. Đối với bệnh nhân nhỏ tuổi, bác sỹ nha
khoa trẻ em có vai trò quan trọng, thường là
người đưa ra chẩn đoán đầu tiên và theo dõi
quá trình phát triển của trẻ. Ở người lớn, các
điều trị liên quan đến thẩm mỹ, chức năng và
có tính lâu dài. Tùy theo tình trạng tại chỗ, toàn
thân, kinh tế - xã hội, phục hình có thể thuộc
loại cũ hay là phục hình trên implant, cố định
hay tháo lắp. Phục hình trên implant thường là
lựa chọn đối với bệnh nhân oligodontia, song
các loại phục hình khác cũng không loại trừ.
Chỉnh hình răng mặt cũng thường giữ vai trò
quan trọng. Ở trẻ đang phát triển, cần có các
can thiệp hướng dẫn đối với các vấn đề rối
loạn chức năng và cận chức năng miệng - mặt,

điều chỉnh các bất thường hình thái xương, rối
139


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
loạn khớp cắn, khe hở giữa các răng, phục
hình ban đầu. Các điều trị này cũng có vai trò
thiết yếu đối với phục hình ở giai đoạn trưởng
thành, đặc biệt lưu ý về khoảng cách giữa
các thân răng và khoảng cách giữa các chân
răng trong trường hợp thực hiện implant-phục
hình. Chỉnh hình răng mặt cũng cần thiết trước
và sau các phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt.
Chuyên gia về phát âm, cùng với bác sỹ chỉnh
hình và bác sỹ phẫu thuật, sẽ có những can
thiệp và bài tập nhằm cải thiện về phát âm và
các chức năng khác như nuốt, thở của bệnh
nhân. Các can thiệp phẫu thuật miệng như
nhổ răng, lấy răng ngầm, cấy ghép răng cũng
có thể được chỉ định. Cuối cùng, phẫu thuật
chỉnh hình hàm mặt được đặt ra đối với các
trường hợp chẩn đoán muộn khi đó các can
thiệp chỉnh hình không thể thực hiện hiệu quả,
hoặc trong trường hợp điều trị chỉnh hình chưa
đủ để điều chỉnh các bất thường về xương.
Các can thiệp xương, tùy trường hợp, có thể ở
hàm trên (Le Fort 1 hoặc Le Fort 2), hàm dưới
(chẻ dọc cành lên xương hàm dưới), hoặc phối
hợp cả hai hàm.
Chẩn đoán về gen là cần thiết, giúp xác

định thể bệnh và hỗ trợ cho kế hoạch điều trị,
bên cạnh đó là các yếu tố cần lưu ý liên quan
đến gia đình, di truyền. Việc điều trị và phục
hồi răng miệng ở bệnh nhân oligodontia, thuộc
một hội chứng hoặc đơn lẻ, đòi hỏi sự phối
hợp đa chuyên ngành và tùy theo từng trường
hợp cụ thể. Tuy nhiên, quá trình điều trị có
đặc điểm chung là kéo dài, có thể từ thời điểm
được chẩn đoán lúc nhỏ cho tới tuổi trưởng
thành, tới cả chục năm. Do đây là bệnh hiếm
gặp và không quen thuộc, bác sỹ thường gặp
khó khăn trong việc thiết lập một kế hoạch điều
trị phù hợp. Chìa khóa thành công của việc
điều trị bệnh nhân oligodontia là vấn đề phối
hợp các chuyên khoa, từ khi được chẩn đoán
ở giai đoạn sớm cho đến phục hình sau cùng.
140

2. Incontinentia pigmenti (IP)
Incontinentia pigmenti (OMIM308300; ORPHA464) là một bệnh genodermatose liên
quan đến nhiễm sắc thể X, do đột biến gen
IKBKG. Đây là một bệnh hiếm (có khoảng
700 trường hợp được báo cáo), có thể gặp
ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó hay gặp ở
người caucasien. Tỷ lệ bệnh ước tính khoảng
0,2/100.000, thấy nhiều hơn ở nữ và thường
gây sẩy thai ở người [3].
Bệnh biểu hiện rối loạn về sắc tố, tác động
đến hệ thần kinh trung ương, da, mắt và răng.
IP đặc trưng bởi các bất thường ở các mô và

cơ quan nguồn gốc ngoại bì và trung bì. Bệnh
được Garrod mô tả năm 1906, và thuật ngữ IP
hay hội chứng Bloch - Sulzberger được BlochSulzberger đưa ra năm 1926 [3]. Tên IP được
hình thành do có sự biểu hiện các vết sắc tố
melanine ở biểu bì và da. Các biểu hiện ở da
thường lành tính và giảm dần. Ngược lại, các
bất thường về mắt và thần kinh có thể nặng và
kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng
sống của người bệnh.
Có 2 gen được xác định liên quan đến bệnh
này, nằm trên nhiễm sắc thể X là gen X locus
p11 và gen X locus p28. IP type I, ít gặp, do
chuyển vị trên nhiễm sắc thể X, và IP type II,
thường gặp hơn, do mất đoạn ở nhiễm sắc thể
X. Trong 80% trường hợp, sự mất đoạn này
đưa exon 4 qua vị trí 10 và sinh đột biến gen
IKBKG (yếu tố ức chế κB kinase γ), trước đây
gọi là NEMO (yếu tố điều hòa thiết yếu NF-κB)
[4; 5]. Trước nhận diện nhiều sai lệch nhiễm
sắc thể, liên quan đến đoạn ngắn và đoạn dài
của nhiễm sắc thể X, Berlin và cộng sự xác
định được mối liên quan có ý nghĩa giữa Xq28
và bệnh IP, cho phép loại trừ đoạn ngắn (đặc
biệt là Xp11) trong bệnh nguyên của IP. Hiện
giờ, chỉ có type II đáp ứng tiêu chuẩn chẩn
đoán IP [5].
Gen IKBKG mã protein IKKγ, là một yếu
TCNCYH 108 (3) - 2017



TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
tố điều hòa thứ cấp liên quan đến 2 protein
kinase IKKα và IKKβ. IKKγ, IKKβ và IKKα tạo
nên phức hợp enzyme IKK. Phức hợp enzyme
này thiết yếu đối với con đường tín hiệu NF-κB.
Dòng yếu tố chuyển NF-κB là một yếu tố chìa
khóa trong điều hòa thể hiện gen. Nó tác động
trong giai đoạn truyền tín hiệu phản ứng miễn
dịch bẩm sinh, bám dính tế bào, biệt hóa sau
cùng của các tế bào keratin và bảo vệ chống
lại quá trình apoptose [4; 5].
Ở tình trạng sinh lý, NF-κB được điều hòa
ở khoảng gian bào bởi IKK. Khi đáp ứng với
các kích thích, như cytokine viêm, các tín
hiệu sẽ được truyền đến IKKγ, cho phép hoạt
hóa phức hợp enzyme (IKK) và sinh ra quá
trình phosphoryl hóa. Quá trình này dẫn đến
hoạt động phosphoryl hóa protein ức chế IκB
kinase, kết hợp với yếu tố dẫn truyền của dòng
NF-κB (ví dụ p50/p65). Con đường tín hiệu
NF-κB được hoạt hóa và yếu tố dẫn truyền của
dòng NF-κB có thể được truyền vào nhân tế
bào. Khi đã tới nhân tế bào, yếu tố dẫn truyền
này sẽ kiểm soát biểu hiện bộ gen được mã
hóa cho các protein liên quan trong hệ miễn
dịch, đáp ứng viêm và apoptose [6].
Trong bệnh IP, đột biến gen IKBKG luôn
cho phép tương tác của protein IKKγ với phức
hợp enzyme nhưng không cho phép hoạt hóa
tiếp tục con đường tín hiệu NF-κB. Các tế bào

câm không đáp ứng các kích thích hoạt hóa
con đường tín hiệu này nữa và không tiếp
tục phá hủy IκB Kinase. Hơn nữa, các tế bào
này rất nhạy cảm với TNF và quá trình chết
tế bào theo chương trình. Do đó khi tiếp xúc
với TNF-α chẳng hạn, chúng chuyển biến theo
hướng apoptose [6].
Ở da, các tế bào câm, trong đó chứa gen
câm, không được cơ thể nhận biết và dẫn đến
quá trình viêm. Sự tăng trưởng tế bào dừng
lại và các tế bào da bị phá hủy do tăng tổng
hợp interleukine 1 β (IL1β) ở biểu bì. Ở hệ thần
TCNCYH 108 (3) - 2017

kinh, yếu tố dẫn truyền NF-κB không còn giữ
vai trò của nó trong việc bảo vệ chống lại phản
ứng miễn dịch và phản ứng apoptose, chẳng
hạn bị gây ra bởi xuất huyết não ví dụ như tình
trạng thiếu oxy tế bào hay hiện tượng độc với
tế bào trong cơn động kinh.
Biểu hiện phenotype của đột biến này rất
thay đổi ngay cả ở các bệnh nhân có cùng loại
đột biến gen. Sự đa dạng này rất có thể do sự
hoạt hóa của một trong hai nhiễm sắc thể X
ở người nữ. Bệnh truyền chủ yếu theo nhiễm
sắc thể X. Người phụ nữ mắc IP có thể có bất
thường gen do mẹ truyền hoặc là một đột biến
mới. Khi phát hiện bất thường gen ở trẻ, cần
khảo sát bố mẹ. Dù cha mẹ có biểu hiện bệnh
IP hay không, vẫn cần thực hiện xét nghiệm

phân tử đối với người mẹ. Một số bà mẹ có
thể mang đột biến gen nhưng biểu hiện bệnh
ở mức rất nhẹ. Ngược lại, trường hợp cả mẹ
và con đều mắc bệnh, khả năng di truyền cao
tới mức 50%. Xác suất truyền cho con trai thấp
hơn, ở mức 33%.
Khi bà mẹ mang thai mắc IP, cần thực hiện
karyotype trước sinh:
- Nếu karyotype phôi là 46,XX: tỷ lệ mắc
của con là 50% [4]
- Nếu karyotype phôi là 46,XY: có nguy cơ
sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong một
bài tổng quan các tài liệu từ 1993 đến 2010,
Minić và cộng sự ghi nhận tình trạng bệnh ở
nam. Trong 1286 bệnh nhân mắc IP, 83 nam
được chẩn đoán [7]. Giải thích có thể là các
biểu hiện IP ở nam có dạng khảm thể postzygotic của gen IKBKG. Đột biến gen biểu hiện
ở một số lượng giới hạn tế bào [4; 8].
- Nếu karyotype phôi là 47,XXY: nguy cơ
sảy thai. Sự hiện diện thêm một nhiễm sắc thể
X ở người nam mắc IP đã được ghi nhận trong
y văn, như hội chứng Klinefelter (47,XXY).
Trong những trường hợp này, như ở nữ, một
trong các nhiễm sắc thể X đã bị bất hoạt [8].
141


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
Tổn thương da có thể tiến triển qua 4 giai
đoạn:

Giai đoạn 1: bóng nước đỏ hồng ở đầu chi
và vùng da có lông tóc, xuất hiện trong khoảng
4 năm đầu đời của trẻ, biến mất trong vòng
4 tháng. Giai đoạn biểu hiện này thấy ở 90%
người mắc bệnh.
Giai đoạn 2: thấy trong khoảng tuần đầu
tiên tới tuần thứ 20 của trẻ. Biểu hiện bằng các
nốt mụn quá sừng và các tổn thương dạng hột
cơm, chủ yếu ở vùng da có lông tóc.
Giai đoạn 3: da biểu hiện sắc tố quá mức,
thấy ở tuần thứ 12 đến 20, là giai đoạn đặc
hiệu nhất.
Giai đoạn 4: có thể xuất hiện trong khoảng
thời gian từ khi ra đời đến khi trưởng thành,
biểu hiện bằng các tổn thương da mất màu,
thường chạy theo chiều dài chân, thường thấy
ở mặt phía sau chân, và mất dần theo thời
gian. Các tổn thương này nhạt màu so với da
xung quanh, do giảm các hạt sắc tố và mạch
máu, có thể chạy theo hình chữ V ở lưng và
dạng chữ S ở ngực, theo đường thần kinh,
mạch máu và bạch huyết.
Các tổn thương da trong bệnh IP có thể
phối hợp bệnh lý da khác như viêm nhiễm,
herpes, thủy đậu, bóng nước biểu bì. Các tổn
thương thường tự biến mất, có thể dùng kháng
sinh và kháng viêm trong một số trường hợp.
Ngoài ra, cũng có thể thấy biểu hiện ở tóc và
móng: 50% bệnh nhân có biểu hiện ở tóc, tóc
khô gãy mất độ bóng, có thể không có lông

mày và lông mi, móng chân và móng tay có thể
bị phá hủy, mỏng, vằn, hoặc phì đại.
Các tổn thương thần kinh là biến chứng
nặng nề nhất của bệnh IP, có thể xuất hiện từ
sơ sinh hoặc trong giai đoạn nhỏ tuổi. Thống
kê của Carney năm 1976 trên 653 bệnh nhân
IP cho thấy có 142 người có ảnh hưởng thần
kinh, 13,3 đến 25% bệnh nhân IP có biểu hiện
co giật [9]. Các vấn đề thần kinh có thể dẫn
142

đến chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, liệt nửa
người, mất điều hòa vận động do não, bệnh lý
vi mạch não, thiếu máu não cục bộ ở trẻ. Các
biểu hiện này có thể được chẩn đoán từ khi
ra đời đến khi trẻ 10 tuổi. Theo một số khảo
sát, các biểu hiện thần kinh thấy ở 66,9% các
trường hợp trong tháng đầu tiên trẻ ra đời [10].
Trong một tổng quan hệ thống, Minić và
cộng sự thấy rằng 30,44% bệnh nhân IP có
bất thường thần kinh, trong đó 25,7% có thiểu
năng tâm thần, 20,36% chậm phát triển tâm
thần và 4,07% có não nhỏ [7]. Minić và cộng
sự đặt ra giả thuyết có thể các tổn thương ở
não có dạng hình tương tự như tổn thương
trên da theo mô tả của Blaschko, có thể tương
tự ở xương, răng, mắt, do cấu trúc của các cơ
quan này có liên quan về nguồn gốc phôi thai,
điều này ủng hộ quan điểm khảm di truyền do
bất hoạt nhiễm sắc thể X. Trong các bệnh nhân

IP có ảnh hưởng thần kinh trung ương, 54,3%
bệnh nhân có ảnh hưởng bệnh lý ở mắt; và
trong các bệnh nhân IP có biểu hiện bệnh lý
đặc hiệu về răng miệng, 69,56% có ảnh hưởng
ở hệ thần kinh trung ương.

Hình 2. Hàm trên và hàm dưới
một bệnh nhân IP, nữ, 13 tuổi [3]
Ở các bệnh nhân IP, 95,05% có biểu hiện
bất thường về răng và 4,95% có bất thường
về miệng. Các bất thường răng có thể về hình
dạng, điển hình là răng cửa và răng năng hình
nón, về số lượng (31,22%) như thiếu răng,
oligodontia, và răng mọc muộn (17,87%) [7].
Các bất thường có thể thấy cả ở răng sữa và
răng vĩnh viễn. Bệnh nhân có thể có khe hở
TCNCYH 108 (3) - 2017


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
vòm miệng, khẩu cái hình cung. Các biểu hiện
bệnh lý ở mắt là tiêu chuẩn chẩn đoán thứ
yếu, 90% bệnh nhân có thị lực bình thường.
Bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng mắt một bên
(7%) hoặc 2 bên (23%); ở bệnh nhân có bệnh
lý ở 2 mắt, thông thường có kèm ảnh hưởng
thần kinh [11]. Theo Minić và cộng sự, các bất
thường võng mạc (53%) trong IP chủ yếu có
nguyên nhân mạch máu như giãn mao mạch,
chảy máu hoặc vô mạch ở võng mạc. Các bất

thường không thuộc võng mạc (47%) có thể
là bất thường thủy tinh thể (3,38%), mắt nhỏ
(2,3%) [7]. Các biểu hiện khác có thể có như
về phát triển vú, công thức máu bất thường...
Việc chẩn đoán IP đôi khi khó khăn, nhất là
ở thời kỳ sơ sinh. Dấu hiệu phát hiện bệnh chủ
yếu là biểu hiện ở da. Tiên lượng IP không chỉ
liên quan đến vấn đề thần kinh và chậm phát
triển tâm thần, mà còn có thể về mắt và thị
giác. Các bất thường về răng là loại bất thường
ngoài bất thường da hay gặp nhất. Cần phối
hợp nhiều chuyên ngành như nhi khoa, da liễu,
thần kinh, nha khoa, nhãn khoa trong điều trị
và theo dõi.
3. Hội chứng loạn sản ngoại bì, ngón chẻ,
khe hở khẩu cái (EEC)
Hội chứng loạn sản ngoại bì, ngón chẻ, khe
hở khẩu cái (Ectrodactyly Ectodermal Cleft)
đặc trưng bởi các bất thường phôi thai có
nguồn gốc gen, do đột biến gen TP63 (3q27)
mã hóa yếu tố chuyển TP63. Do gen này tham
gia vào quá trình phát triển của ngoại bì và các
chi, đột biến gen này dẫn đến bất thường về
ngón và nhập ngón chân và tay. Có thể thấy
các bất thường ở cơ quan khác như khe hở
môi - xương ổ răng - vòm miệng, thiếu răng,
răng mọc muộn, lạc chỗ, bất thường hệ tiết
niệu sinh dục, điếc do dẫn truyền hoặc nhận
cảm, hẹp lỗ mũi sau, thiểu năng tuyến vú, bất
thường ở nhãn cầu, bất thường về nội tiết,

chậm phát triển tâm vận động, lymphome ác
TCNCYH 108 (3) - 2017

tính.[12]
4. Hội chứng Beckwith-Wiedemann
Hội chứng Beckwith-Wiedemann có tỷ lệ
bệnh khoảng 1/13.700, đặc trưng bởi sự phát
triển quá mức bẩm sinh, lưỡi to, thoát vị rốn.
Nguyên nhân liên quan đến sự biến đổi vùng
p15 của nhiễm sắc thể 11: demethyl đơn lẻ
vùng khởi phát của KCNq10T1 hoặc ICF2.[13]
5. Cherubism
Cherubism là một bệnh hiếm gây tổn
thương sợi-xương ở xương hàm dưới hoặc ở
cả hai hàm. Bệnh thường biểu hiện bằng khối
phồng hai bên hàm, không đau. Khi tổn thương
ở hàm trên, mắt bị đẩy lên trên. Bệnh do đột
biến gen SH3BP2, thường xuất hiện khoảng từ
2 đến 7 tuổi, và tiến triển cho tới thời điểm dậy
thì, sau đó có thể ổn định hoặc có những thời
kỳ tiến triển một phần hoặc toàn thể ở tuổi đã
trưởng thành. Các thể lâm sàng rất thay đổi và
chưa nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ với
genotype và phenotype. Tỷ lệ bệnh cũng chưa
được xác định, có thể thấp hơn 1/10.000 [14].
Chẩn đoán dựa trên hai yếu tố chính: dấu hiệu
phồng má hai bên không đau và bất thường
răng (thiếu răng, tiêu chân răng, răng kẹt,
răng nằm trong lòng tổn thương). Hạch dưới
hàm lớn cũng là dấu hiệu thường thấy trong

giai đạn tổn thương tiến triển. Hình ảnh phim
tia X cho thấy các tổn thương đối xứng, nhiều
ổ, giới hạn rõ, như “bong bóng xà phòng„. Về
mô học, mô xương bị thay thế bởi mô sợi giàu
mạch máu, chứa các tế bào khổng lồ đa nhân
dạng tế bào hủy xương.
Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh
hệ thống khác như hội chứng Ramon, là một
dạng cherubism có thể kèm theo u sợi nướu,
rậm lông tóc, thiểu năng tâm thần, động kinh,
hoặc hội chứng Noonan với biểu hiện bất
thường hình thái mặt đôi khi tương tự, hay khối
u tế bào khổng lồ. Bất thường hình thái mặt

143


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
đặc trưng bởi đột biến gen khác (PTNN11 và
50511). Trên phim tia X, có thể thấy các hình
ảnh thấu quang một bên và khu trú, như các
khối u men, u hạt tế bào khổng lồ hoặc nang
tạo ngà cần được loại trừ.

Hình 3. Bệnh nhân cherubism (8 tuổi và 15
tuổi), hình ảnh 3D (10 tuổi) [15]
6. Răng trong răng
Răng trong răng là một bất thường răng về
hình dạng, tương đối hiếm, hình thành do cơ
quan men chìm một phần vào nhú răng trong

giai đoạn phát triển răng. Bất thường này do
một nha sỹ được gọi tên là “Socrates„ mô tả
lần đầu tiên năm 1856. Bất thường này thường
thấy ở răng vĩnh viễn, hay gặp nhất ở răng cửa
bên hàm trên, ở cả hai bên, tiếp theo là các
răng cửa giữa, răng cối nhỏ, răng nanh, ít gặp
nhất ở răng cối. Tỷ lệ biểu hiện trong quần thể
khoảng 0,3 đến 10%, nữ nhiều gấp 3 lần so
với nam [16]. Răng trong răng thường có liên
quan đến các bất thường phát triển khác, như
răng dư, răng nhập chung, răng bò tót, răng to,
răng nhiều múi, thiếu răng, u ngà răng, thiểu
sản ngà răng [17].
Nguyên nhân của răng trong răng chưa
được xác định. Nhiều yếu tố được đưa ra
144

như nhiễm khuẩn, chấn thương, áp lực của
mầm răng kế cận, hoặc yếu tố về gen. Một số
tác giả giải thích bất thường này là do có sự
phát triển tế bào không bình thường. Rushton
(1937) cho rằng nguyên nhân là do có sự kích
thích tăng sinh tế bào quá mức trong giai đoạn
phát triển phôi [18]. Trong khi đó, theo Kronfeld
(1934), bất thường liên quan đến sự chậm
tăng sinh của một nhóm tế bào ở lớp biểu mô
men trong, trong khi biểu mô men ngoài tiếp
tục tăng sinh [19]. Một số tác giả khác lại cho
rằng bất thường này là kết quả của sự xoắn
vặn cơ quan men. Nhiều nghiên cứu ghi nhận

tác động về di truyền. Bất thường này được
xác định về mặt gen, có tính gia đình (di truyền
trội). Một khảo sát trên 3020 trẻ ở Thụy Sĩ ghi
nhận trong số trẻ có răng trong răng (2,7%
mẫu khảo sát), 43% trẻ có cha/mẹ và 32% trẻ
có anh/chị cũng có bất thường này [16].
Trên lâm sàng, răng có thể có hình dạng
bình thường hoặc khác thường, như kích
thước gần xa lớn, hay cingulum to và có thể có
nhiều thùy. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bất
thường được phát hiện ngẫu nhiên qua phim
tia X. Trong một số trường hợp, hình dạng răng
bất thường nhiều có thể làm chậm hoặc ngăn
cản quá trình mọc răng [17].
7. Răng sơ sinh
Thông thường, các răng cửa hàm dưới
mọc đầu tiên, khi trẻ vào khoảng 6 tháng tuổi.
Các răng sơ sinh là những răng xuất hiện
sớm hơn bình thường, có thể thấy ngay khi
trẻ ra đời hoặc xuất hiện trong những tháng
sau sinh [20]. Tỷ lệ răng sơ sinh vào khoảng
1:3500 đến 1:2000, và có xu hướng tăng lên
trong những năm gần đây [21]. Răng sơ sinh
được phân loại dựa theo thời điểm mọc răng
hoặc đặc điểm về mức độ trưởng thành của
răng. Răng sơ sinh có thể là răng sữa xuất
hiện sớm, hoặc là răng dư. Răng thường gặp
nhất là răng cửa dưới (85% đến 100%). Khảo
TCNCYH 108 (3) - 2017



TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
sát của Bodenhoff và Gorlin trên 359 trường
hợp ghi nhận: 85% là răng cửa dưới, 11% là
răng cửa trên, 3% là răng nanh hoặc răng cối
hàm dưới, 1% là răng nanh hoặc răng cối hàm
trên [22]. Kết quả nghiên cứu của Anneroth và
cộng sự (1978) và Bodenhoff và Gorlin (1963)
không ghi nhận có sự khác biệt về tỷ lệ răng sơ
sinh giữa nam và nữ [22]. Trong khi đó, nhiều
nghiên cứu khác lại cho thấy biểu hiện gặp
ở nữ nhiều hơn nam (Anderson và cộng sự,
1982) [23]. Anegundi và cộng sự, năm 2002,
cũng ghi nhận tỷ lệ nghiêng về nữ (66%) so
với nam (31%) [24]. Đa số trường hợp, răng
sơ sinh liên quan đến lá răng tiên phát. Răng
xuất hiện ngay khi trẻ ra đời có tỷ lệ cao gấp 3
lần răng mọc sau đó, 90 đến 99% là răng sữa,
1 đến 10% là răng dư [24].
Nhiều nguyên nhân được giả định: vị trí
mầm răng ở nông, dẫn đến sự hoạt hóa quá
mức nguyên bào men ở giai đoạn khởi đầu
hoặc giai đoạn tăng sinh trong quá trình hình
thành răng, các răng sơ sinh đa số nằm trong
vùng có quá trình tái tạo mạnh và có thể là
nguyên nhân gây ảnh hưởng đến các mầm
răng gần kề. Các mầm răng cửa giữa hàm
dưới nằm ở vùng chịu những tác động cơ
học lớn hơn so với các răng nằm trong vùng
xương hàm cứng chắc. Các răng gần khe hở

môi xương ổ răng cũng chịu những tác động
tại chỗ tương tự. Một số nguyên nhân khác có
thể được nhắc đến như chấn thương liên quan
đến can thiệp sản khoa, u, viêm nhiễm, thiếu
vitamin, suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết. Tuy
nhiên cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào
xác định được mối liên hệ nhân quả.
Răng sơ sinh là một dấu hiệu có thể thấy
trong rất nhiều hội chứng bất thường phát
triển, trong đó thường gặp nhất ở hội chứng
Hallermann-Streiff hay rối loạn sọ-mắt-hàm
dưới, hội chứng Wiedemann-Rautenstrausch,
hội chứng Elli-Van Creveld hay rối loạn sụnTCNCYH 108 (3) - 2017

ngoại bì, rối loạn sọ-mặt, pachyonychia bẩm
sinh, trisomie 13, khe hở khẩu cái. Điều này
cho thấy nhiều khả năng bất thường này có
liên quan đến yếu tố gen di truyền trội.

III. KẾT LUẬN
Theo y văn, các khiếm khuyết, bất thường
răng hàm mặt có tỷ lệ xuất hiện thấp, tuy nhiên
các biểu hiện này có thể ảnh hưởng không nhỏ
đến cuộc sống của người bệnh, từ khía cạnh
chức năng, sức khỏe toàn thân, cũng như về
thẩm mỹ và các yếu tố tâm lý, xã hội. Việc phát
hiện và chẩn đoán kịp thời, điều trị phối hợp,
toàn diện và liên tục có thể giúp giảm nhẹ gánh
nặng về nhiều mặt cho người bệnh, gia đình và
cộng đồng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về di

truyền và dịch tễ của bệnh cũng là những lĩnh
vực cần được quan tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cardinaux D., Houchmand-Cuny
M., Deumier L. et al (2015). Patients atteints
d’oligodontie: caractéristiques oro-faciales
et principles de traitement. Rev. Francoph.
Odontol. Pediatr. 10, 75 - 85.
2. Polder B.J., Van’t H.M., Van der
Linden F.P. et al (2004). A meta-analysis of the
prevalence of dental agenesis of permanent
teeth. Community Dent. Oral. Epidemiol. 32,
217 - 226.
3. Bray E., Giumelli B., Wojtiuk F. et al
(2015). Incontinentia Pigmenti. Rev. Francoph.
Odontol. Pediatr. 10, 66 - 74.
4. Shastry B. (2000). Recent progress in
the genetics of incontinentia pigmenti (BlochSulzberger syndrome). J. Hum. Genet. 45, 323
- 326.
5. Berlin A.L., Parller A.S., Chan
L.S. (2002). Incontinentia pigmenti: a
review and update on the molecular basis of
pathophysiology. J. Am. Acad. Dermatol. 47,
145


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
169 - 187.
6. Raynaud F. (1999). NF-kappaB:

fonction, activation, rôle en physiopathologie
et implication en thérapeuthique. Médecine
thérapeuthique. 5, 385 - 392.
7. Minić S., Trpinac D., Gabriel H.
et al (2013). Dental and oral anomalies in
incontinentia pigmenti: a systematic review.
Clin. Oral. Investig. 17, 1 - 8.
8. Pacheco T.R., Levy M., Collyer J.C.
et al (2006). Incontinentia pigmenti in male
patients. J. Am. Acad. Dermatol. 55, 251 - 255.
9. Carney R.G. (1976). Incontinentia
pigmenti: A world statistical analysis. Arch.
Dermatol. 112, 535 - 542.
10. Hardi-Rabia S., Froidevaux D.,
Bodak N. et al (2003). Clinical study of 40
cases of incontinentia pigmenti: a review. Eur.
J. Med. Genet. 139, 1163 - 1170.
11. Poziomczyk C.S., Recuero J.K.,
Bringhenti L. et al (2014). Incontinentia
pigmenti. An. Bras. Dermatol. 89, 26 - 36.
12. Renaux M., Moulis E., Fauroux M-A.
(2015). Le syndrome ectrodactylie, dysplasie
ectodermique et fentes orofaciales (EEC) et sa
prise en charge en médecine bucco-dentaire.
À propos d’un cas. Rev. Francoph. Odontol.
Pediatr. 10, 186 - 191.
13. Ngo B.T., Vandomme J., Trentesaux
T. et al (2015). Prise en charge bucco-dentaire
d’un enfant atteint du syndrome de BeckwithWiedemann. Rev. Francoph. Odontol. Pediatr.
10, 184 - 185.

14. Papadaki M.E., Lietman S.A., Levine
M.A. et al (2012). Cherubism : best clinical
practice. Orphanet. J. Rare. Dis. 7(Suppl1), 56.

146

15. Boulé-Montpezat C., Boileau M-J.,
Marteau J-M. (2015). Le chérubisme. À propos
d’un cas. Rev. Francoph. Odontol. Pediatr. 10,
154 - 159.
16. Alani A., Bishop K. (2008). Dens
invaginatus. Part 1 : classification, prevalence
and aetiology. Int. Endod. J. 41, 1123 - 1136.
17. Khammal H.E., Amezian R., Fawzi R.
(2015). Prise en charge des dents invaginées.
À propos d’un cas clinique. Rev. Francoph.
Odontol. Pediatr. 10, 34 - 41.
18. Rushton M.A. (1937). A collection of
dilated composite odontomas. British Dental
Journal. 63, 65 - 85.
19. Kronfeld R. (1934). Dens in dente.
Journal of Dental Research. 14, 49 - 66.
20. Benkarroum F.Z., Khammal H.E.,
Zouaidi K. et al (2015). Les dents natales et
néonatales. À propos d’un cas clinique. Rev.
Francoph. Odontol. Pediatr. 10, 14 - 19.
21. Mhaske S., Yuwanati M.B., Mhaske
A. et al (2013). Natal and neonatal teeth :
an over view of the literature. ISRN Pediatr.,
956269.

22. Bodenhoff J., Gorlin R.J. (1963).
Natal & neonatal teeth: folklore and fact.
Pediatrics. 32,1087 - 1093.
23. Aderson R.A. (1982). Natal and
neonatal teeth: histologic investigation of two
black femals. ASDC J. Dent. Child. 49, 300 303.
24. Anegundi R.T., Sudha R., Kavedi H.
et al. (2002). Natal and neonatal teeth: a report
of four cases. Journal of the Indian Society of
Pedodontics and Preventive Dentistry. 20, 86 92.

TCNCYH 108 (3) - 2017


TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC

summary
OROFACIAL ANOMALIES AND CHARACTERISTIC OF
GENETIC DISTURBANCES
Orofacial anomalies can be exposed separately or composed in a systemic syndrome. These
can be related to various factors such as environmental, developmental or genetic disturbances.
Although the prevalence is low, these anomalies influence seriously to affected patients in many aspects
including physical, functional and psychosocial points. Investigating causes and revealing clinical
features are essential to establish appropriate diagnostics following by multidisciplinary approach of
treatments for obtaining more comprehensive improvements for patients in medical and social contexts.

Keywords: Orofacial anomalies, genetic disturbances

TCNCYH 108 (3) - 2017


147



×