Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

LỊCH SỬ THỜI GIAN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (158.39 KB, 16 trang )

Tuy vào năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 [1054] vua Lý Thái Tông đặt tên
nước ta là Đại-Việt, nhưng quốc hiệu này chỉ được dùng trong nội bộ; bấy
giờ Trung-Quốc vẫn gọi nước ta là Giao-Chỉ. Thời vua Lý Anh Tông Chính
Long Báo Ứng năm thứ 2 [1164], nhà Tống đổi Giao-Chỉ thành An-Nam
quốc. Kể từ đó cho đến cuối thời Hậu Lê, tên nước An-Nam được dùng
trong việc bang giao với Trung-Quốc; Riêng trong nước, muốn chứng tỏ sự
độc lập, vẫn dùng quốc hiệu là Đại-Việt (ngoại trừ thời nhà Hồ đặt quốc
hiệu là Đại-Ngu). Điều này giải thích tại sao hai nhà viết sử dưới đời nhà
Trần, Sử-thần Lê Văn Hưu đặt tên cho bộ sử là Đại-Việt sử ký; trong khi Lê
Trắc, sống lưu vong tại Trung-Quốc, phải đặt tên cho bộ sử là An-Nam chí
lược.
Trong văn thư giao dịch với nước ta dưới thời Tây Sơn, nhà Thanh vẫn
dùng quốc hiệu An-Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Gia Long gửi biểu
văn sang nhà Thanh xin đặt lại tên nước là Nam-Việt. Việc làm này khiến
vua Gia Khánh cực lực phản đối, vì sợ Gia Long dùng tên nước cũ thời
Triệu Đà để đòi lại đất của Nam-Việt gồm cả hai tỉnh Quảng-Đông, Quảng-
Tây. Gia Khánh lại còn lo Gia Long thừa thắng xông lên, dùng võ lực để
dành lại đất, nên ra lệnh báo động đề phòng tại hai tỉnh này. Dưới đây là chỉ
dụ của vua Gia Khánh ra lệnh cho Tổng-đốc Lưỡng-Quảng Tôn Ngọc Đình
phải đối phó với tình hình, cùng bác bỏ điều xin của Gia Long:
Ngày 20 tháng 12 năm Gia Khánh thứ 7 [13/1/1803]
Dụ các Quân Cơ Đại Thần: Hôm qua Tôn Ngọc Đình tấu dâng biểu văn
thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh [Gia Long], Trẫm đã duyệt đọc kỹ, việc
xin phong tên nước hai chữ “Nam-Việt” không thể chấp nhận được. Địa
danh “Nam-Việt” bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng-Đông,
Quảng-Tây đều nằm ở trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu Di nơi biên giới,
tuy hiện nay có được toàn đất An-Nam, bất quá lãnh thổ bằng đất Giao-Chỉ
xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam-Việt. Biết đâu đây không phải là
ý muốn khoe khoang tự thị của ngoại Di, xin thay đổi quốc hiệu, để thử
bụng [Thiên triều] trước, đương nhiên đáng bác đi. Đã ra lệnh cho Quân Cơ
Đại-thần soạn thay một tờ hịch dụ, cùng mang nguyên biểu giao cho Tôn


Ngọc Đình trả lại; để xem sau khi nhận được chúng sẽ bẩm báo phúc đáp
ra sao, rồi đợi chiếu chỉ mà liệu biện. Ngoài ra Nguyễn Phúc Ánh cầu phong
quốc hiệu Nam-Việt, rõ ràng tự thị võ công muốn đòi xin thêm đất. Sợ bọn
chúng âm mưu bất trắc, nên lệnh truyền các quan địa phương tại hai tỉnh
Quảng-Đông, Quảng-Tây lưu tâm phòng bị vùng biển cùng biên giới, quan
ải; không được trễ nải lơ là. Nay truyền dụ các nơi để hay biết.
Nội dung chỉ dụ nêu trên cho thấy triều đình nhà Thanh xử sự theo lối trịch
thượng, vua Gia Khánh không trực tiếp gửi chỉ dụ cho vua Gia Long, chỉ
giao cho viên Tổng-đốc Lưỡng-Quảng trả lời mà thôi. Gia Long cũng không
vừa, coi như văn thư nhận được chỉ là ý kiến riêng của Tôn Ngọc Đình,
không xứng đáng là một quốc thư, nên lại một lần nữa yêu cầu thẳng vua
Gia Khánh cho đặt tên nước là Nam-Việt.
Ngày 6 tháng 4 năm Gia Khánh thứ tám [26/5/1803]
Dụ các Quân Cơ Đại-thần: Tôn Ngọc Đình dâng tấu triệp xin chiếu chỉ để
tuân hành về việc tờ bẩm phúc đáp của Nguyễn Phúc Ánh. Trẫm đã đọc kỹ,
Nguyễn Phúc Ánh cho rằng lời dụ lần trước là ý kiến riêng của Tôn Ngọc
Đình, biểu văn của y chưa tấu lên trên để được nghe quyết định [của
Hoàng-đế], nên lần này vẫn thỉnh phong quốc hiệu Nam-Việt và khẩn xin
tấu thay. Trẫm duyệt biểu văn, lời và ý rất mềm dẻo, hết sức cung thuận.
Xưng rằng nước y trước kia có đất Việt-Thường, nay lấy thêm đất An-Nam
[của Tây Sơn]; không dám quên gốc đã giữ đời nối đời, bèn dùng tên cũ
Nam-Việt, đấy là tình thực. Tôn Ngọc Đình hãy truyền hịch cho viên Quốc-
trưởng rằng:
“Lần trước đến xin thỉnh phong quốc hiệu, danh nghĩa chưa hợp, nên không
dám mạo muội tấu đầy đủ. Nay nhận được biểu phúc đáp, tường thuật đầu
đuôi việc dựng nước, xin được phong tên mới, đã thể theo thực tình tâu lên
đại Hoàng-đế. Nay nhận được chỉ dụ rằng:
“Viên Quốc-trưởng có lòng thành, lần trước cung kính giao nạp sắc ấn
trước đây ban cho [An-Nam] bị Nguyễn Quang Toản bỏ lại, cùng trói giải
bọn giặc cướp ngoài biển; lại cung kính thỉnh mệnh, nên được soi xét kỹ

tấm lòng thành. Việc cầu phong và dâng biểu cống; đặc dụ chấp thuận. Đến
việc xin đặt tên nước là Nam-Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt-
Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An-Nam; vậy Thiên-triều phong quốc
hiệu cho dùng hai chữ “Việt-Nam”; lấy chữ “Việt” để đằng trước tượng
trưng cương vực thời xưa; dùng chữ “Nam” để đằng sau, biểu tượng đất
mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách-Việt; không lẫn lộn
với tên nước cũ “Nam-Việt”. Một khi tên nước đã chính, nghĩa của chữ
cũng tốt lành; vĩnh viễn thừa hưởng ân trạch của Thiên triều. Hiện đã ra
lệnh cho Bồi-thần đến kinh khuyết thỉnh phong, sắc ấn ban sẽ lấy hai chữ
đó làm tên. Nước ngươi được ban tên đẹp, xếp vào nước ngoại phiên thần
phục, càng đầy đủ sự vinh hiển.”
Tôn Ngọc Đình tiếp nhận chiếu chỉ này, một mặt truyền hịch dụ Nguyễn
Phúc Ánh, một mặt sai Ủy-viên bạn tống Sứ-thần nước này đến kinh đô
dâng biểu tiến cống. Lưu ý tiết trời nắng nóng, nên cho đi từ từ để tỏ lòng
thể tuất. Vào khoảng cuối tháng 7 đến kinh đô, lúc này Trẫm tránh nóng tại
sơn trang, gặp dịp Cáp Tát Khắc vào triều cận, lệnh cùng dự yến luôn một
thể. Vẫn để viên Sứ-thần khởi trình từ Quảng-Tây, nhật kỳ nhớ báo trước
khi đi. Đem dụ này truyền để hay biết.”
Văn bản nêu trên đề cập lời đối đáp khéo léo giữa hai lãnh tụ Việt, Trung.
Gia Long tránh né bàn về tên nước thời nhà Triệu, giải thích một cách hợp
lý rằng Nam-Việt là tên ghép đất cũ Việt-Thường của cha ông [địa danh xưa
thuộc miền nam Việt-Nam từ Thanh-Hóa trở vào] và An-Nam của nhà Tây
Sơn. Gia Khánh cũng không vừa, chấp nhận lời giải thích đó, nhưng ghép
hai địa danh Việt-Thường và An-Nam theo một cách khác, thành hai chữ
Việt và Nam. Kể từ đó ta có tên nước là Việt-Nam.
Theo sử Việt, Thượng-thư Lê Quang Định cầm đầu sứ bộ dâng biểu cầu
phong. Ngoài nhiệm vụ này, sứ bộ đã cố gắng bắt liên lạc với người Việt
lưu vong tại Trung-Quốc để tìm hậu thuẫn. Lúc bấy giờ, có một di thần nhà
Lê tên là Lê Quýnh rất nổi tiếng tại Trung-Quốc, vì khẳng khái không chịu
theo lệnh vua Càn long cạo đầu tết tóc theo phong tục Mãn Thanh. Lê

Quýnh bị giam hơn mười năm tại nhà tù Bắc-Sở, Bắc-Kinh; đến đời Gia
Khánh thì được tha, nhưng bi quản chế tại một trại lính trong thành. Có lẽ
tiếng tăm Lê Quýnh được nhóm phản Thanh phục Minh truyền sang Nông-
Nại [Đồng-Nai], nên vua Gia Long biết tiếng Lê Quýnh . Con Lê Quýnh là Lê
Doãn Trác xin gia nhập vào phái đoàn để được sang Trung-Quốc tìm cha,
được chấp thuận cho làm Hành-nhân.
Chắc Sứ-bộ Lê Quang Định đã bố trí gặp Lê Quýnh tại Trác-Châu để bàn
bạc, trước khi vào cung đình triều yết. Nhưng chẳng may việc Lê Quýnh
đến Trác-Châu bị tiết lộ; căn cứ vào chỉ dụ của vua Gia Khánh đề cập sau
đây, vụ án liên lụy đến một số người:
Ngày 30 tháng 7 năm Gia Khánh thứ tám [15/9/1803]
Dụ Nội Các: Bọn Miên Chí tâu “Người An-Nam tên Lê Quýnh ngầm đến
Trác-Châu tìm gặp con y, nay xin giao cho phủ Thuận-Thiên chiếu theo lệ
xét xử.”
Lê Quýnh là viên quan của phiên bang nơi biên giới, phạm tội nên bị giam.
Vào năm Gia Khánh thứ 5 [1800] được Trẫm đặc cách phóng thích, mệnh
an sáp tại ngoài doanh hỏa khí, cấp lương tiền như lính Bát Kỳ; vẫn giao
cho quan phụ trách trông coi, không được tự ý đi ra ngoài. Nay Lê Quýnh
cùng Lý Bỉnh Đạo nói dối xin đi thăm mộ Lê Duy Kỳ [vua Lê Chiêu Thống],
được doanh này cho hai người lính hộ tống. Đi đến khoảng phụ cận cầu
Lư-Cấu, Lê Quýnh thừa lúc sơ hở bỏ đi, quân hộ tống chỉ đưa được Lý
Bỉnh Đạo trở về, riêng Lê Quýnh thì đi thẳng đến Trác-Châu. Qua viên Tri-
châu này thẩm vấn, y khai rằng “Nhân nghe tin trong số Cống-sứ Việt-Nam
có con y là Lê Doãn Trác giữ chức Hành-nhân, trên đường đến kinh đô; nên
y đi thăm hỏi sự tình.” Bọn Lê Quýnh trú tại xưởng Lam-Điện, làm sao biết
được Lê Doãn Trác theo phái đoàn Cống-sứ Việt-Nam đến kinh đô? Huống
Sứ-thần nước này đến Trác-Châu vào ngày 25, Lê Quýnh đến ngay vào
ngày hôm sau, cớ sao được tin nhanh như vậy? Vả lại bọn Lê Quýnh muốn
đi ra ngoài để thăm gặp, thì cứ bẩm lên viên Đại-thần cai quản, để được tâu
lên, đợi chiếu chỉ chấp thuận mới có thể đi được. Sao y chưa trình rõ ràng

lại ngầm đi [đi chui], quả thực không tuân lệnh quản thúc. Ngoại trừ việc
giáng chỉ đem các quan viên trong doanh phân biệt xét xử; nay truyền lệnh
doanh phụ trách cùng phủ Thuận-Thiên giải giao bọn Lê Quýnh, Lý Bỉnh
Đạo hai người đến bộ Hình để thẩm vấn.
Lời đàn hạch nêu trên có vẻ nghiêm trọng, nhưng cuối cùng chỉ là “giơ cao
đánh sẽ.” Những câu hỏi quan trọng như “Tại sao Lê Quýnh biết được con
mình đến kinh đô? Tại sao biết Sứ-thần Việt-Nam đến vào ngày 25?” ắt
phải liên quan đến sứ bộ Việt-Nam lúc bấy giờ, nhưng có lẽ vì lý do ngoại
giao nên lờ đi không nhắc đến. Sau khi thẩm vấn, Lê Quýnh được tha, cho
quản chế tại xưởng Lam-Điện như cũ, riêng viên quan chuyên trách quản lý
Lê Quýnh thì bị đày đi Ô-Lỗ-Mộc-Tề; nội dung được đề cập qua chỉ dụ dưới
đây:
Ngày 15 tháng 8 năm Gia Khánh thứ tám [30/9/1803]
Lại dụ Nội Các: Bộ Hình đã đem viên Tham-lãnh Bảo Thiện đối chất xác
minh với Lê Quýnh rồi soạn tấu triệp trình lên như sau:
“Bọn người An-Nam Lê Quýnh cư trú tại xưởng Lam-Điện, do Tham-Lãnh
Bảo Thiện chuyên trách quản lý. Nhân Lê Quýnh xin phép đi thăm Cống-sứ,
Bảo Thiện không bẩm lên quan Đại-thần cai quản, bèn tự chấp thuận cho
đi, hành động thuộc loại chuyên quyền tự ý. Khi Lê Quýnh cung khai việc
này, viên Đại-thần cai quản đích thân hỏi viên Tham-lãnh, y không thừa
nhận; rồi Quân Cơ Đại-thần chuyển chiếu chỉ hỏi tường tận, sau ba bốn lần
cung khai y vẫn không nói rõ sự thực. Đến khi giải giao Bảo Thiện đến bộ
Hình đối chất với Lê Quýnh, y không còn bao che được, rốt cuộc phải thừa
nhận.”
Y thuộc lọai giảo hoạt, nếu chỉ giao về bộ nghị xử thì e quá nhẹ; nay truyền
lệnh cách chức Bảo Thiện, phát vãng đến Ô-Lỗ-Mộc-Tề hiệu lực, để chuộc
tội. Còn bọn Lê Quýnh, Lý Bỉnh Đạo đã được hỏi rõ và cũng không phải
ngầm đi, mọi việc đều hợp lẽ; nay lại giao cho doanh Hỏa-Khí an sáp tại
xưởng Lam-Điện, hãy lưu tâm quản thúc, không được tự ý đi ra ngoài sinh
chuyện. Điều cung khai rằng Lê Quýnh trên đường đi tình cờ gặp viên quan

Mông-Cổ họ A, còn đơn vị hiệu cờ cùng tên thì không nhớ rõ; cũng không
cần tra cứu thêm nữa.
Hồ Bạch Thảo
Câu chuyện bắt đầu bằng chiếc cầu ván bắc qua con mương nhỏ dẫn
lối vào những không gian lịch sử trải dài qua 2.500 năm và kết thúc
bằng bức tranh kinh tế sôi động.
Việt Nam! Từ Huyền thoại đến Hiện đại, chặng đường dài của một dân tộc
được gói gọn sinh động trong không gian trưng bày đặc biệt tại Bảo tàng
văn minh châu Á ở Singapore. Hơn 200 hiện vật được bố trí theo 4 chủ đề
nối nhau qua trình tự thời gian, từ khi tổ tiên người Việt phân định "sông núi
nước Nam" và trải qua 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, sang giai đoạn
độc lập và ra đời của nước Đại Việt, rồi cuộc trường chinh bảo vệ và mở
mang bờ cõi, cho đến giai đoạn hiện đại phát triển kinh tế. Dọc theo chiều
dài hàng ngàn năm ấy, vận nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng thời nào cũng
để lại những hiện vật mà đến nay nhân loại tiến bộ vẫn trầm trồ thán phục.
Cô Heidi Tan, người phụ trách việc nghiên cứu và sưu tầm hiện vật cho
cuộc triển lãm này, nói với tôi rằng chiếc trống đồng Đông Sơn là một tuyệt
tác bởi những họa tiết tinh xảo trên mặt và thân trống khiến người ta phải
ngạc nhiên khi so sánh với những kỹ thuật của hơn 2.500 năm trước. Một
phóng viên của hãng tin Bloomberg nhận xét những con dao đá màu ngọc
bích với hơn 2.000 năm tuổi trông giống như mới được làm hôm qua. Nhiều
vật dụng, đồ trang trí khác đã phần nào nói lên được sự tinh tế và phong
phú trong tâm hồn và phong thái của người Việt xưa.
Kinnara bằng sa thạch TK 11-12. Ảnh ACM
Không chỉ có phần sáng tạo của riêng mình, văn hóa Việt Nam cũng nhận
vào mình những tinh hoa của nhân loại, từ Trung Hoa, Ấn Độ cho đến các
quốc gia vùng Đông Nam Á, để ngoài niềm tự hào Đông Sơn chúng ta cũng
có một bề dày văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, sự đa dạng về tôn giáo và triết
học, hệ thống khoa bảng và chữ viết... Cái hay của người Việt là sự cải biến
theo tâm thức và sự tinh tế của riêng mình để tạo nét độc đáo khác biệt.

Heidi so sánh sự khác nhau giữa con rồng của người Trung Hoa với con
rồng mảnh mai, uốn khúc trong tư thế bay lên, phổ biến trong các công trình
đền đài của người Việt thời nhà Lý. Cái tên Thăng Long ra đời cũng trong ý
nghĩa đó. Hay chim thần Garuda, vị thần bảo vệ theo tín ngưỡng trong văn
hóa Champa, của người Việt được tìm thấy ở Bình Dương thể hiện sức
mạnh và uy nghi hơn những bức tượng truyền thống của người Indonesia.
Gốm xanh-trắng thế kỷ 15. Ảnh ACM
Lịch sử cũng ghi nhận một giai đoạn thương mãi thịnh vượng vào khoảng
thế kỷ 15 với những sản phẩm nghệ thuật hàm chứa sự thông minh và
khéo léo của người Việt vượt biên giới đến nhiều nơi khác trên thế giới.
Loại gốm sứ hai màu xanh trắng có họa tiết tinh vi và biến tấu theo "khẩu vị"
của khách hàng có mặt khắp trong vùng Đông Nam Á. Trải qua hàng trăm
năm vùi dưới lòng đại dương ở Cù Lao Chàm, những tuyệt tác ấy vẫn giữ
nguyên lớp mạ vàng, màu men và độ bền bỉ.
Heidi cho biết, đây là cuộc triển lãm quy mô nhất từ trước đến nay về một
quốc gia tại bảo tàng này (ACM). Không chỉ nhằm mục đích kỷ niệm 35
năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Singapore, cuộc triển
lãm kéo dài hơn 4 tháng trước hết giúp thỏa mãn những người làm công
tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa. Heidi cho biết: "Ở góc độ người làm công
tác bảo tàng, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam rất độc đáo và là đề tài
chúng tôi quan tâm từ lâu. Chúng tôi đã tiến hành sưu tầm nhiều hiện vật từ
Việt Nam hàng chục năm qua". Trong số hơn 200 hiện vật trưng bày, có
khoảng 40 hiện vật của ACM. Số còn lại, ACM mượn từ 3 bảo tàng chính ở
Việt Nam là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội và Bảo
tàng Lịch sử Việt Nam ở TP.HCM, cũng như từ nhiều nhà sưu tầm cá nhân
trong, ngoài nước.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×