Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của đỗ bích thúy và nguyễn ngọc tư

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (933.83 KB, 87 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

LÂM HỒNG DIỆP

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN NGỌC TƢ

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Hà Nội-2018


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

LÂM HỒNG DIỆP

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN NGỌC TƢ

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam
Mã số: 60220121

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Hà Văn Đức

Hà Nội-2018



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, cán bộ trong khoa Văn
học, Bộ phận Quản lý và Đào tạo sau đại học trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn đã dạy dỗ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi học tập.
Đặc biệt, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Hà
Văn Đức, người đã động viên giúp đỡ và hướng dẫn tôi rất nhiều để tôi có
thể hoàn thành luận văn này.
Lời cuối cùng tôi cũng xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,
những người thân yêu đã luôn ở bên cổ vũ và hỗ trợ tôi trong suốt quá
trình học tập và nghiên cứu.
Lâm Hồng Diệp


MỤC LỤC
MỤC LỤC ........................................................................................................ 1
PHẦN MỞ ĐẦU .............................................................................................. 3
1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................... 3
2. Lịch sử vấn đề ......................................................................................... 4
2.1. Lịch sử nghiên cứu truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ...................... 5
2.2. Lịch sử nghiên cứu truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy ......................... 10
2.3. Lịch sử nghiên cứu so sánh truyện ngắn của hai tác giả Đỗ Bích Thúy
và Nguyễn Ngọc Tư ................................................................................. 13
3. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu ........................................... 14
3.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu......................................................... 14
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu ........................................................................ 15
4. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................... 16
5. Cấu trúc của luận văn............................................................................ 16
PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................ 17
CHƢƠNG 1: TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN NGỌC
TƢ TRONG DÒNG CHẢY CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƢƠNG

ĐẠI.................................................................................................................. 17
1.1.

Sự phát triển của truyện ngắn nữ trong văn học Việt Nam đương đại
17

1.2.

Sự nghiệp sáng tác truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc



21

1.2.1. Đỗ Bích Thúy ................................................................................. 21
1.2.2. Nguyễn Ngọc Tư ............................................................................ 25

1


1.3.

Tiểu kết .............................................................................................. 27

CHƢƠNG 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN NGỌC TƢ .............................................. 29
2.1.

Khái lược về thế giới nhân vật trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy và


Nguyễn Ngọc Tư ......................................................................................... 29
2.2.

Các kiểu nhân vật tiêu biểu ............................................................... 30

2.2.1. Nhân vật bi kịch ............................................................................. 30
2.2.2. Nhân vật tha hóa ............................................................................ 37
2.2.3. Nhân vật vượt lên số phận, hoàn cảnh ........................................... 39
2.3.

Tiểu kết .............................................................................................. 43

CHƢƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬTTRONG
TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN NGỌC TƢ ..... 45
3.1.

Nghệ thuật miêu tả ngoại hình .......................................................... 45

3.2.

Nghệ thuật biểu hiện nội tâm ............................................................ 54

3.2.1. Đối thoại và độc thoại nội tâm ....................................................... 54
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý .............................................................. 62
3.2.3. Không gian, thời gian nghệ thuật ................................................... 69
3.3.

Tình huống truyện ............................................................................. 73

PHẦN KẾT LUẬN ........................................................................................ 77

TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 79

2


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Năm 1986 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước nói
chung và văn học nói riêng. Mang đặc tính là một thể loại nhỏ gọn và linh
hoạt, truyện ngắn thích ứng rất nhanh với những yêu cầu của đời sống. Như
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định:“Yếu tố quan trọng bậc nhất của
truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang
nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Truyện ngắn là
thể loại gần gũi với đời sống hằng ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền
với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống.
Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp
sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình”[25,
tr. 134]. Khác với giai đoạn trước, ở giai đoạn này tính chất “một chủ đề” hay
“nhát cắt” – “bó hẹp” của truyện ngắn bị phá vỡ. Các tác giả đưa vào tác
phẩm của mình cái nhìn đa chiều với nhiều mảng hiện thực phức tạp, đa dạng;
bản thân truyện ngắn được mở rộng về biên độ trên nhiều phương diện. Về
mặt hình thức, một bộ phận co rút lại thành truyện cực ngắn, một bộ phận lại
đi theo xu hướng tiểu thuyết hóa nghĩa là tăng dung lượng, trải dài về mặt câu
chữ.
Một điểm thay đổi đặc biệt, đáng ngạc nhiên và đầy mới lạ của truyện ngắn
đương đại Việt Nam chính là sự phát triển và trổ bông của những cây bút
nữ.Các tác giả nữ đã tìm được khung trời sáng tạo riêng cho mình. Chưa bao
giờ, văn học Việt Nam lại có sự nở rộ của các tên tuổi nữ như ở giai đoạn này.
Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư là hai trong số rất nhiều các tác giả nữ tài
năng trong dòng chảy ấy. Không thể khẳng định rằng đây là những cái tên

tiêu biểu nhất trong đội ngũ sáng tác nữ nhưng họ thực sự là những cây bút cá

3


tính, có màu sắc riêng. Hai tác giả ở cùng một thế hệ và cùng có những mối
quan tâm chung trong sáng tác nhưng mỗi người lại mang tới cho độc giả một
cách tiếp cận khác biệt. Chọn Nguyễn Ngọc Tư người con của vùng đất mũi
Cà Mau – miền cực Nam của Tổ Quốc với những trang viết đậm phong vị
phương Nam và Đỗ Bích Thúy người đã sinh ra và lớn lên nơi rẻo cao Hà
Giang – miền cực Bắc của nước ta với những dòng văn giàu chất miền núi
phía Bắc để thấy được cuộc sống, hiện thực được phát hiện, trải nghiệm, nhìn
nhận qua lăng kính của từng miền văn hóa.
Nhà văn Tô Hoài đã từng nói: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy,
giải quyết hết thảy một sáng tác”. Đúng vậy, ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào
nhân vật đều là linh hồn của tác phẩm, được coi là người phát ngôn của tác
giả, thông qua nhân vật người nghệ sĩ biểu đạt cách nhìn của mình về cuộc
đời, thể hiện những mong muốn, khát vọng của bản thân hoặc soi chiếu tính
cách xã hội, thời đại,... Truyện ngắn cũng không ngoại lệ. “Truyện ngắn sống
bằng nhân vật. Ở một góc độ nào đó, nhân vật sáng tạo nên cốt truyện, cốt
truyện chính là sự phát triển của tính cách”[44, tr. 127]. Sự đa dạng và phức
tạp của thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn
Ngọc Tư đã cho thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật, mối quan tâm sâu sắc, sự
nhạy cảm, tinh tế của các cây bút nữ đối với con người trong vùng mỹ cảm
của các chị.
Từ những lí do trên chúng tôi lựa chọn Thế giới nhân vật trong truyện ngắn
của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư làm đề tài nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Ngay từ khi các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện
lần đầu tiên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả, đặc biệt là các

tác giả, các nhà nghiên cứu, bằng chứng là sự dày đặc của các luận văn, các

4


bài viết và các công trình nghiên cứu, phê bình và lý luận,… Trong phạm vi
quan sát có hạn, người viết xin chia những công trình mà bản thân đã tìm hiểu
được thành các đề mục cụ thể sau:
2.1. Lịch sử nghiên cứu truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện trên văn đàn Việt Nam và được những người
trong nghề chú ý ngay từ những truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Văn
nghệ Trẻ, cụ thể là Con sáo sang sông đăng trong số 40, ra ngày 30/9/2000,
Người xưa đăng trong số 20, ra ngày 19/5/2001. Khi tác phẩm Ngọn đèn
không tắt ra đời, Nguyễn Ngọc Tư đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ
các nhà văn, nhà nghiên cứu. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Lời giới
thiệu của tập truyện Ngọn đèn không tắt đã viết: “Ngọn đèn không tắt đã tạo
nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng
của Tổ quốc – mũi Cà Mau, của những con người tứ xứ, về mũi đất của rừng,
của sông nước, của biển cả mà cha ông ta đã dày công khai phá… Qua ngòi
bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, giản dị, bộc trực ấy chứa
đựng bên trong cả tâm hồn vừa nhân hậu, vừa tinh tế qua cách đối nhân xử
thế”. Hay trong lời giới thiệu về Nguyễn Ngọc Tư ở trang 4, Văn nghệ Trẻ số
44, ra ngày 29/10/2000, nhà văn Dạ Ngân cũng nhận định: “Phải nói rằng
Ngọn đèn không tắt rất dễ đọc. Nhưng tôi không đọc một lượt. Vấn vương,
xao xuyến và vì sao cứ muốn đọc tới đọc lui, vì sao? Tôi nhớ đọt dừa bụi lá
và ánh đèn ở đầm Bà Tường, nhớ rau choại luộc và màu nước diệp lục của
sông Trẹm, nhớ bông súng trắng và tiếng chim bìm bịp ở Đầm Dơi, nhớ lắm.
Cô gái đất mũi này, cô nhà báo Nguyễn Ngọc Tư này cho tôi tất cả những thứ
đó, tất cả những gì làm nên hai chữ Cà Mau, hay rộng hơn, U Minh. Có bản
sắc Nam Bộ nhưng tôi là người miền Tây tôi hiểu trong bản sắc ấy có văn hóa

tiểu vùng, người Cà Mau, dân Cà Mau làm một tiểu vùng đặc biệt nên vừa có

5


Võ Tòng, vừa có Dạ cổ hoài lang”. Giá trị của Ngọn đèn không tắt lại càng
được khẳng định rõ hơn vào năm 2001 khi đạt giải Nhất cuộc thi Vận động
sáng tác văn học tuổi 20, giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn
học Nghệ thuật Việt Nam.
Sau Ngọn đèn không tắt, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư liên tục
được đăng trên các báo tạp chí, và được xuất bản thành sách với số lượng đầu
sách ngày càng tăng. Nhiều tác giả, nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình,... dành
những trang viết nói về chị. Trần Hữu Dũng phát biểu: “Cái mới trong văn
Nguyễn Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt
thân thuộc trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không “vén màn” cho người đọc thấy
cái chưa từng thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội
tâm mà ta chưa từng biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn
khác). Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy
những sinh hoạt, tình tự rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn
cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta.”[9, tr. 1]. Nhà văn
Nguyên Ngọc nhận xét: “Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng
tràm hay rừng nước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học
một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt
“Nam Bộ” một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào cả như các tác
giả Nam Bộ đi trước” [32, tr. 1]. Nhà văn Dạ Ngân cũng không tiếc lời ca
ngợi: “Cái cách tu từ của Tư là tuyệt vời. Tôi thấy phương ngữ mà Ngọc Tư
đưa vào truyện bao giờ cũng có sự cân nhắc cho sự đóng góp vào vốn liếng
chung của ngôn ngữ quốc gia. Những người bẩm sinh có tài năng lớn thì họ
mới làm được cái đó chứ! Nó tự nhiên như không thôi! Thả cái chữ ra thì
đúng là cái chữ đó thôi không phải cái chữ nào khác.”[3, tr. 3] Nhà văn Chu

Lai thì đánh giá: “Nguyễn Ngọc Tư là một cây viết đặc biệt của miền Tây
Nam Bộ, một tài năng văn học hiếm có hiện nay của Việt Nam” [20, tr. 1].

6


Khi nói tới thị hiếu thẩm mỹ của Nguyễn Ngọc Tư, Trần Phỏng Diều nhận
định: “Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của vùng đất Nam Bộ, tuổi thơ của chị đã
gắn liền với những dòng sông uốn khúc, rừng đước bạt ngàn, đồng lúa mênh
mông... Do đó có thể nói, thị hiếu thẩm mỹ trong Nguyễn Ngọc Tư cũng
chính là hình tượng người nghệ sĩ, hình tượng người nông dân và hình tượng
con sông đưa mình uốn khúc, chở nặng tình người”[8, tr. 94]. Nguyễn Thanh
trong Nguyễn Ngọc Tư, nữ nhà văn xóm Rẫy cũng đã khẳng định: “Trong hầu
hết các truyện, Nguyễn Ngọc Tư dường như đã làm một thông điệp, nói hộ
thay cho người dân đói nghèo, cơ cực nơi vùng đất Mũi, những ước mơ thầm
kín, những nỗi lòng đau thắt của kẻ yêu thương lỡ dỡ và ngang trái của những
mối tình chân không thành bắt nguồn từ cảnh hàn vi nghiệt ngã. Và người đọc
không khó nhận ra nhân vật lãng đãng, cốt truyện tản mạn không hề mang dấu
ấn rập khuôn theo nguyên mẫu nào. Tác giả viết dễ dàng như thể đang đi bắt
sâu ở liếp rẫy ngoài đồng, luống rau trong vườn hoặc chuyện đuổi gà vịt nơi
sân nhà.”[39]
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên sức ảnh hưởng, làm dậy sóng nền
văn học nước nhà với “sự cố cánh đồng” năm 2006. Cánh đồng bất tận được
đăng lần đầu trên báo Văn nghệ số 33 ra ngày13/8/2005 và được Nhà xuất
bản Trẻ xuất bản và phát hành (cùng các truyện ngắn khác) trong tập truyện
cùng tên vào tháng 11/2005 nhưng tới năm 2006, tác phẩm mới thực sự tạo
thành cú nổ. “Công văn do phó Ban TVH (tôi viết tắt) ký, đề cập truyện Cánh
đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng
11/2005 đã bị “số đông không đồng tình, phản ứng gay gắt… không có tính tư
tưởng giáo dục, bôi đen xã hội nông thôn… đề nghị Hội Văn học - Nghệ thuật

kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc...”.”[29] Xoay quanh Cánh
đồng bất tận có nhiều ý kiến trái chiều, có khen có chê, có lên án, có ngợi ca.
Rất nhiều tác giả công nhận cái tài của Nguyễn Ngọc Tư và bênh vực ủng hộ

7


Cánh đồng bất tận của chị. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thì khẳng định: “Nếu
được chọn người có tác phẩm văn học xuất sắc nhất Việt Nam năm 2005, tôi
sẽ chọn nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”[37, tr. 1].
Nhà nghiên cứu Phan Quý Bích đã viết: “Cánh đồng bất tận dựng lại một thế
giới có khả năng chao đảo giữa văn minh và dã man, giữa hạnh phúc và khổ
đau, đúng hơn một thế giới có thể đổi màu về phía hai cực của nó, mà con
người vừa là tác giả tạo ra nó, vừa là nạn nhân. Nhân vật chính của thế giới
chao đảo ấy là người cha, người kể chuyện xưng tôi”[5, tr. 6] “Những chi tiết
vay mượn nguyên xi từ đời sống như địa danh, như dịch cúm gà là những cái
“neo” để định vị câu chuyện thành chuyện ở đây, lúc này. Mà có lẽ chuyện
cũng không chỉ có thể xảy ra ở Cà Mau lúc này, mà có thể xảy ra ở bất kỳ
đâu, bất kỳ lúc nào trên đất nước ta, trên thế giới, một khi đói nghèo, dốt nát
và thù hận cứ tạo thành một dòng chảy bất tận, một khi nhân vật chỉ có thể là
Điền (đất), Nương (cô gái), hoặc không có tên (chị gái điếm) hoặc có tên thì
lại là Hận, là Thù... hệt như tự nhiên hoang dã”[5, tr. 11]. Phạm Xuân Nguyên
cho rằng: “Cánh đồng bất tận là một truyện hay, nó chứng tỏ bút lực của
Nguyễn Ngọc Tư trong việc đào sâu vào thể hiện cuộc sống, khơi sâu vào
thân phận con người. Viết được một truyện như thế chứng tỏ Tư có tài năng
văn chương và có lòng thương người. Đúng vậy, thương người bằng những
nỗi đau của con người, bằng cái cách nhìn thẳng vào những vùng sáng tối
chồng chéo trên những khuôn mặt người và trong những cõi lòng người” [34,
tr. 1]. Nguyễn Ngọc Tư đã khai thác sâu, cảm sâu vào từng số phận, nhìn con
người bằng đôi mắt nhân ái và cảm thông với những cuộc đời bằng trái tim

quá đỗi nhân văn, bởi thế mà tác phẩm của chị khiến “Người đọc đã được bất
ngờ trước những phận người, kiếp người hôm nay, tại đây như trong truyện
kể(...), Nguyễn Ngọc Tư đã bắt đầu chạm được vào những vỉa tầng cuộc sống

8


của vùng đất cô sống và viết văn. Dữ dội và nhân tình, văn Tư bắt đầu là như
thế” [33, tr. 1].
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến chê Cánh đồng bất tận và
trách Nguyễn Ngọc Tư bởi tác phẩm của chị. Tiêu biểu là ông Vưu Nghị Lực
– người giữ chức Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cà Mau lúc bấy
giờ: “Cây bút nữ xứ Cà Mau ơi, cô phải biết những cánh đồng này chứ: Cánh
đồng hoang, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Đồng Chó ngáp... Những chuyện mà
cô kể không còn là chuyện của cánh đồng nữa; tôi nghĩ đó là “vũng lầy bất
tận” thì đúng hơn. Mọi thứ do nhân xưng “tôi” cố ý xuyên tạc bằng trí tưởng
tượng nhồi nhét, bằng thao tác lượm lặt và một mặc cảm về tính giao bệnh
hoạn. Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư tất cả đều dâm ô hết. Hình ảnh nông
dân Chí Phèo - Thị Nở trở nên lưu manh hóa bởi giai đoạn xã hội thối nát.
Còn những hình ảnh nông dân của Ngọc Tư trở nên dâm ô hóa, ngay hôm nay
bởi cái gì, vì ai mà con người chỉ còn quan hệ tính loài? Cô chửi vào họ một
cách không thương tiếc: thất học, hung hãn; nghèo đói, dốt nát tăm tối; những
đứa tên Hận, tên Thù nhàu úa, cộc cằn, chửi thề là tươi rói... Cánh đồng Việt
Nam sau 30 năm giải phóng phận người mà như thế? Ở Cánh đồng bất tận
không có vấn đề tính giao của người! Tác giả chỉ bêu rếu trên năm sự vụ ăn
nằm, năm sự vụ mà thật tình nếu có thì ở cái xứ quê cô người dân chỉ dám rỉ
tai nhau, chứ nào dám đăng (văn) đàn ong ỏng đánh “ùm” vậy.”[24]
Nhưng dù thế nào thì tới thời điểm này Cánh đồng bất tận cũng như Nguyễn
Ngọc Tư đã nhận được sự công nhận của giới văn chương và độc giả, đúng
như nhà văn Dạ Ngân trong bài Cánh đồng bất tận – Chuyện bây giờ mới kể

đã viết: “Chính công văn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đã làm
cho Cánh đồng bất tận bật lên như một tai nạn chưa từng có trong văn giới
đầu thế kỷ. Trong rủi có may là vậy. Cánh đồng bất tận là một truyện vừa mỹ

9


mãn xét về dung lượng, về phát hiện nhân sinh bên trong sự phức tạp của con
người và lấp lánh văn phong mới rợi. Báo Tuổi trẻ khi ấy còn nhiều những
nhà báo giỏi giang kỳ cựu lập tức phơi-dơ-tông Cánh đồng bất tận trên báo
ngày, một việc làm chưa từng có trong làng báo Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một bệ phóng, nhưng trước hết Cánh đồng bất tận đã mang trong mình nó
một ngòi nổ, một sức công phá, một dấu son. Một cống hiến đích thực.”[29]
Những năm gần đây có rất nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu về
Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta có thể kể đến các công trình như: Nghệ thuật tự sự
trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ của Bùi Thị Nga
(2008, Đại học Sư phạm Hà Nội), Bùi Phương Anh (2009) nghiên cứu về
Quan niệm nhân sinh của người phụ nữ qua các sáng tác văn xuôi thời kỳ đổi
mới qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư,
Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Nguyễn
Thị Bích (2009) tìm hiểu về Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2010 Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có Luận văn thạc sĩ của Lê Thị Tuyết
về Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ
Hoàng Diệu, và Vũ Thị Hải Yến (2012) với Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật trần
thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn Hà Nội),... và còn rất nhiều các công trình nghiên cứu khác.
2.2. Lịch sử nghiên cứu truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy
Năm 1999, sau khi Đỗ Bích Thúy đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của
Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1999) với chùm 3 tác phẩm: Sau những mùa

trăng, Đêm cá nổi, Ngải đắng ở trên núi , nhà văn Khuất Quang Thụy đánh
giá: “Chùm truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy được trao giải nhất bởi đó là
những truyện ngắn thuyết phục nhất viết về những gì đang diễn ra trong tâm

10


hồn con người Việt Nam hiện nay. Sự biến động của thời đại mới đã tác động
lên mọi số phận của con người Việt Nam, kể cả những người sống nơi thâm
sơn cùng cốc. Cuộc sống đã đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ, trăn trở để làm
sao vừa hòa nhập được với thời đại, với đất nước vừa không đánh mất đi
những giá trị riêng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc. Đó chính là
thử thách lớn nhất của thời mở cửa”[53]
Đỗ Bích Thúy tiếp tục khẳng định được tài năng và bản sắc của mình
qua những tác phẩm viết về miền núi. Như nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận
xét: “Tôi có cảm giác Đỗ Bích Thúy còn quá nhiều điều để viết về miền rẻo
cao xa xôi nhưng gần gũi, tuyệt vời đẹp ấy của đất nước ta. Tôi cũng là người
mê viết truyện ngắn và mê cao nguyên đá kỳ vĩ Hà Giang, nhưng đọc truyện
ngắn của Đỗ Bích Thúy, tôi thực sự ngả mũ... chào thua! Dẫu đây mới chỉ là
mở đầu. Một mở đầu mơ ước của mọi nhà văn [...] Đỗ Bích Thúy có khả năng
viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài
tình. Không truyện nào không kể về cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn ở và cả
cảnh quan sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán. Truyện nào cũng hay, cũng
mới, cũng lạ mặc dù tác giả không hề cố ý đưa vào chi tiết lạ. Thế mà đọc đến
đâu ta cũng sững sờ và bị chinh phục bởi những chi tiết rất đặc sắc chỉ người
miền cao mới có.”[12, tr. 8] Cũng nhận thấy ảnh hưởng của miền đất Tây Bắc
đối với ngòi bút Đỗ Bích Thúy, Điệp Anh viết: “Thế mạnh của Đỗ Bích Thúy
là đời sống Tây Bắc với những không gian vừa quen vừa lạ, với những phong
tục tập quán đặc thù, khiến người đọc luôn thấy tò mò và bị cuốn hút. Trong
truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, không gian Tây Bắc hiện lên đậm nét, để lại dư vị

khó quên trong lòng độc giả, dù người đọc vẫn chưa hết quyến luyến với
những áng văn thơ dặt dìu tiếng sáo, tiếng khèn la đà với rượu nồng bếp lửa
của rừng núi Tây Bắc trong sáng tác của các bậc tiền bối như Tô Hoài, Chế
Lan Viên, Tố Hữu...”[2]. Nhà văn Chu Lai trong Cái duyên và sức gợi của hai

11


giọng văn trẻ thì nhận xét: “Đọc Thúy, người ta có cảm giác như được ăn một
món ăn lạ, được sống trong một mảnh đất lạ mà ở đó tràn ngập những cái rất
riêng đậm chất dân gian của hương vị núi rừng, của con suối chảy ra từ khe đá
lạnh, của mây trời sánh đặc như “một bầy trăn trắng đang quấn quyện vào
nhau”, của mùi ngải đắng, mần tang, của những nét ăn nét ở, phong tục tập
quán còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thuần phác của ánh trăng “giữa mùa cứ rọi
vào nhà cả đêm, trăng đi một vòng cửa trước ra cửa sau”, của những trái tim
con gái vật vã, cháy bùng theo tiếng khèn gọi tình thung xa, của bếp lửa nhà
sàn và tiếng mõ trâu gõ vào khuya khoắt, của những kiếp sống nhọc nhằn và
con bìm bịp say thuốc, say rượu ngủ khì bên chân chủ...”[21, tr. 102]
Ngày 26/3/2011 Nhà xuất bản Phụ nữ đã phối hợp cùng Đoàn trường Đại học
Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi giao lưu giữa hai nhà văn Đỗ Bích Thúy,
Hoàng Anh Tú với các bạn sinh viên, Hoàng Chiến vừa ghi lại buổi giao lưu
vừa bày tỏ những cảm nhận của bản thân về nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Đau
đáu với những phận người, đặc biệt là người phụ nữ vùng cao, bằng vốn văn
hóa vùng miền cũng như điểm nhìn mang tính phát hiện, tinh tế và thuần
phác, các tác phẩm của nhà văn Đỗ Bích Thúy đã chuyên chở đến bạn đọc
đầy đủ và sắc nét về đất và người vùng núi. Sắc dân thiểu số, thân phận và
tính nhân văn trong mỗi sáng tác của chị đã làm nên một Đỗ Bích Thúy với
những câu chuyện rẻo cao, gợi và sâu lắng”[7, tr. 63] Nhắc tới không gian
trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy tác giả Lê Thành Nghị đã nhận định:
“Không gian trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đầy hoa, lá rừng, có tiếng

gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong với những viên đá
cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái quẩy tấu xuống chợ,
những nồi thắng cố nghi ngút khói trong những phiên chợ vùng cao đầy màu
sắc, những đêm trăng lóng lánh huyền ảo, những cụm mần tang mọc trong

12


thung lũng, lễ hội Gầu tào với điệu hát gầu Plềnh mê đắm của những cô gái,
những chàng trai người Mông trên đỉnh núi…”[30].
Và chúng ta có thể thấy không cần cầu kỳ, hoa mỹ, không cần quá phức tạp
hay khó hiểu, chính sự chân thực gần gũi trong cách viết của Đỗ Bích Thúy
đã giúp cho tác phẩm của chị tới gần hơn với đông đảo bạn đọc, để lại những
ấn tượng sâu sắc và lâu bền. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết
trong Lời giới thiệu tập truyện ngắn Đàn bà đẹp của Đỗ Bích Thúy: “Truyện
chị viết rất giản dị, nhiều truyện không có cốt hoặc có cốt thì cái cốt truyện
cũng rất lỏng lẻo, mờ nhạt. Bởi thế nên truyện của Đỗ Bích Thúy thường
không tóm tắt được, vì chẳng có gì để tóm tắt. Vậy mà chị vẫn dựng được một
tác phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn trong trẻo và nhói buốt...” [42, tr. 8]).
Cũng như Nguyễn Ngọc Tư, các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy cũng nhận được
sự quan tâm của rất nhiều người, chúng ta có thể kể đến các công trình nghiên
cứu của các tác giả như: Nguyễn Thị Thu Thủy (2012), Truyện ngắn Đỗ Bích
Thúy nhìn từ góc độ thể loại, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Hà (2013), Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy
nhìn từ góc độ văn hóa, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn Hà Nội; Nguyễn Xuân Thủy (2013), Đặc điểm truyện ngắn Đỗ Bích
Thúy, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; Kiều
Thị Định (2014), Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, Luận
văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội;… cùng nhiều luận văn khác.
2.3. Lịch sử nghiên cứu so sánh truyện ngắn của hai tác giả Đỗ Bích Thúy

và Nguyễn Ngọc Tư
Trong phạm vi quan sát của chúng tôi, các công trình nghiên cứu và các bài
viết mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát riêng từng tác giả hoặc nghiên cứu
chung về đặc điểm nghệ thuật trong truyện ngắn của họ hay đặt tác phẩm của

13


họ trong bình diện văn hóa, có thể kể tới công trình của Phạm Thùy Dương
(2009), Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư,
Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, hay Nguyễn Thanh Hồng (2009),
Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ
thời kỳ 1986 - 2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy),
Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội,... Những
bài viết của các tác giả vẫn chưa đi sâu vào nghiên cứu kĩ lưỡng và đối chiếu so sánh thế giới nhân vật trong truyện ngắn của hai cây bút Đỗ Bích Thúy và
Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế từ cơ sở của những ý kiến, đánh giá và nhận định đã
có chúng tôi muốn đi sâu phân tích và bổ sung đầy đủ hơn một số góc nhìn.
3. Đối tƣợng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1.1.Đối tượng
Chọn đề tài Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn
Ngọc Tư, chúng tôi chọn hai phương diện sau làm đối tượng khảo sát nghiên
cứu:
- Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc
Tư.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và
Nguyễn Ngọc Tư.
3.1.2. Phạm vi
Hai tác giả Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư cho tới thời điểm này đều đã
xuất bản được rất nhiều tập truyện ngắn (in riêng và in chung với các tác giả

khác). Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi trong những tập truyện đó có

14


một số truyện trùng nhau. Mặc dù thế, số lượng các tác phẩm (truyện ngắn)
của cả hai tác giả đều khá lớn. Trong phạm vi của một luận văn, chúng tôi
không thể khảo sát và nghiên cứu chi tiết ở tất cả các tác phẩm. Do những lý
do đó chúng tôi xin nghiên cứu về Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của
Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư ở các tập truyện ngắn sau:
- Đỗ Bích Thúy, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, NXB Công an nhân dân, 2005
- Đỗ Bích Thúy, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, NXB Thanh niên,
2002
- Đỗ Bích Thúy, Mèo đen, NXB Thời đại, 2011
- Đỗ Bích Thúy, Chuỗi hạt cườm màu xám, NXB Kim Đồng, 2014
- Nguyễn Ngọc Tư, Ngọn đèn không tắt, NXB Trẻ, 2000
- Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, 2005
- Nguyễn Ngọc Tư, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Văn hóa Sài Gòn,
2005
- Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB Trẻ, 2008
- Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy, NXB Thời đại, 2010
- Nguyễn Ngọc Tư, Đảo, NXB Trẻ, 2014
Ngoài ra chúng tôi cũng sử dụng tham khảo một số tập truyện khác.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn xác định các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản như sau: Khảo sát,
nghiên cứu, tổng kết và đưa ra nhận định về quan niệm nghệ thuật về con

15



người, sự đa dạng của thế giới nhân vật: (các kiểu nhân vật, nghệ thuật xây
dựng nhân vật) trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu được vấn đề Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích
Thúy và Nguyễn Ngọc Tư, luận văn phối hợp vận dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp so sánh - đối chiếu

Ngoài ra luận văn cũng sử dụng các thao tác bổ trợ sau:
- Thao tác phân tích - tổng hợp
- Thao tác khảo sát - thống kê
- Thao tác hệ thống

5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và phần thư mục tham khảo, nội dung
chính của luận văn gồm ba chương như sau:
Chương 1: Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư trong dòng chảy
của truyện ngắn Việt Nam đương đại
Chương 2: Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn
Ngọc Tư
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích
Thúy và Nguyễn Ngọc Tư.

16


PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN
NGỌC TƢ TRONG DÒNG CHẢY CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
ĐƢƠNG ĐẠI

1.1.

Sự phát triển của truyện ngắn nữ trong văn học Việt Nam đƣơng
đại
Sau công cuộc đổi mới xã hội và văn chương 1986, truyện ngắn song

hành cùng tiểu thuyết trở thành hai thể loại chủ lực đem lại những thành tựu
rực rỡ cho nền văn học Việt Nam đương đại. Các cuộc thi truyện ngắn “nổ ra”
đã thu hút được nhiều thế hệ nhà văn. Nhiều cây bút trẻ và các tên tuổi mới
xuất hiện: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Y Ban,
Sương Nguyệt Minh, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái,... Không tự giam hãm hay ép
mình trong bất kì một khuôn khổ chật hẹp hay định sẵn nào, truyện ngắn
phóng mình, mở rộng về biên độ phản ánh, hình thức thể loại, khuynh hướng
nghệ thuật “muôn hồng nghìn tía”: kỳ ảo, hiện thực, lãng mạn, trữ tình, dòng
ý thức, triết lý,...; có kiểu truyện ngắn mini (rất ngắn), có kiểu truyện ngắn
“mang mầm mống của tiểu thuyết”,... Khi tìm hiểu về văn học Việt Nam
đương đại các nhà nghiên cứu bắt đầu nói tới một “nền văn chương mang
gương mặt nữ” bởi sự đóng góp mạnh mẽ và đông đảo của đội ngũ các cây
bút nữ với nhiều màu sắc, phong cách và cá tính khác nhau: Lê Minh Khuê, Y
Ban, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ,
Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy,... Lực lượng sáng tác truyện ngắn nữ đương
đại không chỉ gây ấn tượng về số lượng mà còn khẳng định được chất lượng tài năng, tạo được chỗ đứng rất riêng cho mình với những sản phẩm tinh thần
có giá trị cao và đặc sắc. Minh chứng là hàng loạt những giải thưởng của các
tác giả nữ ở các cuộc thi hàng năm trên các báo, tạp chí uy tín cũng như của

17


các hội nghề nghiệp. Đặc biệt là những cơn “địa chấn” làm khuấy đảo đời
sống văn học Việt Nam đương đại của các hiện tượng văn học khi tạo ra

những hiệu ứng tiếp nhận đa chiều và nhiều tranh cãi như hai tập truyện ngắn
Mê Lộ (1989) và Man Nương (1995) của Phạm Thị Hoài, tác phẩm Bóng đè
(2005) của Đỗ Hoàng Diệu, truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2005) của
Nguyễn Ngọc Tư, và tập truyện I am đàn bà (2006) của Y Ban.
Kế thừa và phát huy thành công của văn học Việt Nam giai đoạn trước,
các tác giả nữ có một vùng sáng tác phong phú và đa dạng với nhiều chủ đề
đề tài khác nhau. Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy một số mảng đề tài
được các nhà văn nữ đặc biệt quan tâm đó là: quê hương đất nước, chiến tranh
– hậu chiến, hôn nhân – gia đình, lập nghiệp và những trăn trở, kiếm tìm để
giải mã ý nghĩa cuộc sống.Boris Vasilyev từng nói: “Những cuộc chiến tranh
có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt những người
vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị
thương. Những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa thay
bằng những luống cày mới, nhưng rất lâu, rất lâu trong mẩu bánh vẫn lưu lại
mùi vị chua của bụi đất, thương đau”. Trong nền văn học Việt Nam đương
đại, chiến tranh trở thành một “mảnh đất sáng tác” được các tác giả nữ “gieo
trồng” đa dạng đầy thấm thía. Không có nhiều trải nghiệm chân thực về cuộc
chiến nhưng được sống trong không gian của những tái nhận thức về chiến
tranh, họ viết bằng sự đồng cảm, xót xa cho nỗi đau dai dẳng và âm ỉ của cả
thời chiến và thời hậu chiến. Đó là nỗi đau của tình yêu đầu nồng nàn với
người liệt sĩ trong quá khứ và sự đau khổ bởi cuộc sống hôn nhân vô vọng và
buồn tẻ với người chồng ở hiện tại như nhân vật Ngân trong Những bông bần
ly của Dương Thu Hương. Đó là sự vô vọng của hai mươi năm thanh xuân
chờ đợi và hy vọng khi những người lính cứ xuất hiện trong cuộc đời họ rồi
lại ra đi vĩnh viễn bởi sự tàn khốc của chiến tranh như nhân vật Hai Mật

18


trong Trên mái nhà người phụ nữ (Dạ Ngân), là sự kiếm tìm người lính mình

thương mến nhưng chưa kịp ngỏ lời trong hy vọng mong manh của nhân vật
Tuân ở Những giấc mơ có thực (Vũ Thị Hồng). Không khó để bắt gặp hình
ảnh những người bà, người mẹ, người vợ,... trong truyện ngắn thời kỳ này với
những nỗi đau không thể khỏa lấp khi mất đi những người cháu, những người
con, người chồng. Không chỉ tái hiện nỗi xót xa tột độ khi mất đi “miếng thịt
trên đầu quả tim”, mất đi một phần máu thịt mà họ còn phải chịu đựng nỗi
khắc khoải, đau đáu kiếm tìm hài cốt thân nhân. Trong Nắng chiều, Thụy Anh
phác họa nhân vật người bà đã 80 tuổi, đã kiệt sức sau nhiều năm dài thăm dò
tin tức cậu Bình, nhưng vẫn vực dậy, phấn chấn như hồi sinh khi tìm được
người tổ chức đoàn vào Quảng Ngãi tìm mộ con, rồi khi biết ngôi mộ được
chuyển ra Huế thì tiếp tục lần theo. Bà gặp một bà mẹ liệt sĩ khác, được đề
nghị coi là con chung, không làm động đến mồ mả nữa. Rồi chúng ta đau cho
nỗi đau của nhân vật, xót xa cho hoàn cảnh cũng nhân vật khi đọc những
trang truyện Trận gió màu xanh rêu của Võ Thị Hảo. Ở đó có người góa phụ
trở nên điên dại, không thể đối mặt với sự thật, không tin rằng chồng mình đã
chết sau lần định di chuyển mộ mà trong đó là xương đầu nai. Chiến tranh đi
qua, tưởng rằng những mất mát, buồn đau, sự chết chóc, bệnh tật,... cũng theo
đó mà đi qua. Nhưng không! Di chứng của nó mới thực sự khốc liệt. Có
những người đã đi qua khỏi chiến tranh, tránh thoát khỏi lưỡi hái của tử thần,
họ hy sinh cả tuổi xuân, cả nhan sắc,... đổi lại bình yên cho đất nước nhưng
không đổi lại được bình yên cho chính mình. Trên con đường tìm kiếm hạnh
phúc, họ chơi vơi và vô định. Tưởng rằng hạnh phúc đã tới tay nhưng họ
không thể chạm vào, không dám chạm vào. Đó là Thảo trong Người sót lại
của Rừng Cười của Võ Thị Hảo. Cô là cô gái duy nhất trong năm cô gái còn
sống, cô gái duy nhất không mắc “bệnh cười”, cũng là cô gái duy nhất có
chàng bạch mã hoàng tử cho riêng mình nhưng cô đã không còn xinh đẹp tràn

19



đầy sức sống như trước khi bước vào cuộc chiến nữa. Cái cô đã đánh mất
chính là cả tuổi xuân của mình. Còn yêu mà cô gái ấy vẫn phải chấp nhận ra
đi vì lòng tự trọng không cho phép cô chấp nhận thứ tình yêu khiên cưỡng
như một sự thương hại và chịu trách nhiệm, vì “cô không còn thấy lại ánh mắt
long lanh vụt sáng mỗi lần Thành gặp cô như ngày xưa” nữa, “Em là người
sót lại của Rừng Cười nhưng hạnh phúc chẳng còn sót lại nơi em”. Còn rất
nhiều, rất nhiều những số phận đáng thương khác, rất nhiều những nỗi đau
chiến tranh khác đã được các tác giả nữ tái hiện bằng tất cả sự trân trọng và
cảm thông trong những trang viết của mình.
Bên cạnh chiến tranh – hậu chiến, có nhiều truyện viết về hôn nhân, gia đình
đó là truyện của các tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Trần Thùy Mai,…
Tuy có những lối kể chuyện khác nhau, xây dựng nhân vật khác nhau với
những hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung các tác giả đều cho ta thấy sự
thương cảm của họ trước sự trớ trêu của hoàn cảnh và xã hội đã tước đi hạnh
phúc của nhiều người phụ nữ, làm xáo trộn đời sống hôn nhân và gia đình của
họ. Đó là bi kịch của sự rạn nứt, đổ vỡ, của sự thiếu khuyết trong đời sống
tinh thần. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong Trăng nơi đáy giếng của
Trần Thùy Mai. Ông Phương - hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông
có một gia đình yên ấm với cô giáo Hạnh. Cô Hạnh chăm sóc chồng một cách
chu toàn và tỉ mỉ theo lối sống cổ điển của người phụ nữ Huế. Cuộc sống của
hai người cũng khá êm đềm nhưng cô Hạnh lại bị vô sinh nên cả hai đã bí mật
bàn bạc cho ông Phương có người phụ nữ khác. Người phụ nữ ấy – cô Thắm
sinh cho ông Phương cu Nhứt. Rồi chuyện vỡ lở, nhà trường họp bàn kỷ luật
ông Phương vì tội hủ hóa. Vợ chồng hai người đã đối phó bằng cách trình đơn
li dị và ông Phương kết hôn với Thắm. Cô Hạnh ở lại ngôi nhà cũ, cô cũng
thôi dạy học rồi buồn sinh ốm nên cô đi cầu đồng và được khuyên kết hôn với
người âm. Khi tới thăm cô Hạnh, ông Phương đã khuyên cô đi dạy trở lại, và

20



kết thúc việc “mê tín dị đoan” nhưng cô hắt nước vào ông Phương. Ông bỏ đi,
cô đóng cánh cửa như quyết chí sống cùng người âm... Câu chuyện của gia
đình ông Phương và cô Hạnh chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong những “khối
hoàn cảnh” éo le khác của xã hội được các tác giả mang vào trong các tác
phẩm của mình.
Và để làm phong phú thêm cho văn học Việt Nam đương đại là những tác
phẩm viết về những trăn trở, kiếm tìm để giải mã ý nghĩa cuộc sống của Phan
Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo,…; những câu chuyện xoay quanh vấn đề lập
nghiệp trong sáng tác của các tác giả của thế hệ 8x như: Chu Thùy Anh,
Nguyễn Thị Châu Giang, Di Li…; hay đề tài quê hương, đất nước trong tập
truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ, tập Khung trời bỏ
lại của các tác giả nữ hải ngoại,...và nhiều truyện, tập truyện ngắn của các tác
giả khác.
1.2. Sự nghiệp sáng tác truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc

Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư đến với độc giả với nhiều thể loại khác
nhau. Tuy nhiên những bước ngoặt quan trọng trong con đường sáng tác của
hai tác giả đa phần đều xuất phát từ truyện ngắn. Đây cũng là thể loại có
nhiều số lượng tác phẩm nhất trong nghiệp sáng tác của họ và để lại những
dấu ấn đặc biệt trên đàn văn chương đương thời.
1.2.1. Đỗ Bích Thúy
Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định, sinh ngày 13 tháng 4 năm 1975 tại mảnh
đất vùng cao Hà Giang.Cuộc sống của chị có nhiều bước chuyển và tất cả đều
như một sợi dây “duyên phận” dẫn dắt chị bước tới con đường văn chương.
Chị là học sinh giỏi văn (từng tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc),

21



chị thích đọc sách và yêu những cuốn sách bởi thế chị luôn có khát khao được
viết ra những cuốn sách cho mình và cho mọi người.Bài tản văn đầu tiên Con
của rừng được đăng trên Tạp chí Tuổi Xanh với mười nghìn đồng nhuận bút
năm 1994 chính là sợi dây cót giúp chị say mê viết, mải miết viết nhiều năm.
Và thật kì lạ, chị yêu văn, mơ ước được trở thành một nhà báo hay một cô
công an nhưng chị lại theo học ngành Tài chính – Kế toán. Tưởng rằng cuộc
đời của chị sẽ gắn với những con số và khi ấy có lẽ cái tên Đỗ Bích Thúy sẽ
không gần gũi và quen thuộc với nhiều độc giả như hôm nay. Thế nhưng “nào
có ngờ đâu, nhờ truyện ngắn Chuỗi hạt cườm màu xám đăng trên báo Tiền
phong, tôi nhận được lời mời về làm việc tại Hội Văn nghệ Hà Giang khi vừa
tốt nghiệp. Về Hội Văn nghệ một thời gian, chính lãnh đạo Hội lại góp ý tôi
nên chuyển sang làm báo để có điều kiện đi thực tế. Bởi thực tế chính là thứ
bột để gột lên hồ đối với người cầm bút. Lăn lộn với nghiệp báo 4 năm, đi
công tác vùng sâu vùng xa, tận mắt nhìn thấy cuộc sống của bà con vùng cao,
mình thấy gắn bó, yêu nghề hơn. Mỗi khi viết được một bài về cuộc sống của
người dân nơi đây, có khi vui lắm, cũng có khi buồn mất mấy ngày. Rồi cũng
chính cơ quan thấy tôi và một số anh chị em khác mặc dù làm báo đã lâu
nhưng chưa được đào tạo bài bản nên động viên đi thi. Rồi thì tôi trở thành
sinh viên báo chí “già” nhất khóa 16 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thời gian này, nỗi nhớ nhà, nhớ mảnh đất và con người Hà Giang đã thôi thúc
tôi cầm bút. Nghe theo lời khuyên của bạn bè, tôi gửi 3 truyện ngắn tham dự
cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đoạt giải Nhất (năm 1999). Khi ra
trường, rất may cho tôi là cánh cổng nhà số 4 (Cách gọi thân mật Tạp chí Văn
nghệ Quân đội của bạn đọc - PV) đã rộng mở để tôi có thể trở thành một nhà
văn mặc áo lính như hôm nay”.[50] Suốt hành trình cảm và viết chị vẫn luôn
viết rất hay về miền núi – mảnh đất tưởng như đã quá quen với Đỗ Bích Thúy
nhưng vẫn luôn tươi mới trong những sáng tác của chị. Đó được coi là vùng

22



×