Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giao nhau với quốc lộ 9 ở km12,
chạy vào chợ phiên Cam Lộ qua ngã ba cầu Đuồi có một tấm
biển sơn xanh với dòng chữ màu trắng rất lớn: “Nhà thờ Huyền
Trân công chúa, con vua Trần Nhân Tông, tại xóm Bàu, thôn
Kim Đâu, xã Cam An, Cam Lộ. Năm 1306 công chúa lấy vua
Chiêm là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý”, và một mũi tên
hướng về phía đông chỉ khoảng cách: 8km. Song khác với những
hình dung từ tấm biển chỉ đường rất lớn kia, ngôi miếu thờ “người đẹp thiên kim” - công
chúa Huyền Trân - chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nép mình bên một bàu nước ở làng Kim Đâu,
hoang vắng và điêu tàn.
Ngôi miếu nhỏ bên bàu nước lưu dấu một cuộc ra đi sau bảy thế kỷ vẫn còn thổn thức trên
những dòng sử cũ, dư vang trong điệu Nam bình của người miền Thuận Hóa: Nước non ngàn
dặm ra đi/ mối tình chi/ mượn màu son phấn/đền nợ Ô, Ly.
Miếu thờ Huyền Trân tương truyền được xây từ mấy thế kỷ trước, bên bến sông phần đất Đại
Việt, sau khi công chúa xuống thuyền về đất Chiêm. Trong ký ức mù sương hun hút của các
bô lão làng Kim Đâu mà tôi gặp kể rằng ngôi miếu ngày xưa rất to, xây bằng gạch theo lối
vòm cuốn thành ba tầng, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm (là kiểu đền miếu mang phong
cách thời Lê), trước miếu có tam quan, sân gạch. Trước nữa là một con đường rợp tre trúc.
Ngoài kia là bến sông.
700 năm rồi, sông xưa đổi dòng chỉ còn bàu nước nhỏ mang hồn bến nước soi bóng ngôi
miếu u tịch. Chỉ một điều rất lạ là bên kia bàu nước đối xứng với miếu thờ Huyền Trân công
chúa là một cái giếng Chăm rất đẹp, với những thanh đá được đục mộng lắp ghép như hàng
mộc. Cái giếng như một ngụ ngôn về tấm lòng của công chúa vương triều Đại Việt với đất
Chiêm.
Lần giở trong sử cũ, miền đất Ô Lý kể từ khi Lý Thường Kiệt và cuộc Nam tiến đầu tiên năm
1069 cho đến khi trở thành sính lễ cưới Huyền Trân năm 1306, hiếm khi nào vắng những
cuộc giao tranh trong hơn hai thế kỷ kia. Nó chỉ bình yên sau khi bước chân của Huyền Trân
về đến đất Chiêm, và sau này thành châu Thuận, châu Hóa của đất Đại Việt. Sao vẫn chưa có
một ngày để nhớ Huyền Trân, nhất là vào năm nay, nhân 700 năm cuộc ra đi của bà. Và ngôi
miếu thờ nơi làng Kim Đâu này nữa, không thể hoang lạnh đìu hiu và đơn sơ như thế này, bởi
cứ như câu ca Nước non ngàn dặm thì Vì lợi cho dân/Tình đem lại mà cân/Đắng cay muôn
phần.
Sử rằng:
Ngày xưa, vào đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần
Anh Tông, lên tu ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay đi du ngoạn các nơi, vào đến
đất Chiêm. Trong khi ở Chiêm Thành, vua Chế Mân biết du khách khoác áo cà sa là Thượng
Hoàng nước Việt, nên lấy tình bang giao mà tiếp đãi nồng hậu. Không rõ Thượng Hoàng vân
du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía nam không, hay vì cảm tình đối với ông
vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.
Vua Chiêm cử sứ giả Chế Bố Đài cùng đoàn tùy tùng hơn trăm người mang vàng bạc, châu
báu, trầm hương, quý vậy sang Đại Việt dâng lễ cầu hôn. Triều thần nhà Trần không tán
thành, chỉ có Văn Túc Đạo Tái chủ trương việc gả.
Vua Chế Mân tiến lễ luôn trong năm năm để xin làm rể nước Nam, rồi dân hai châu Ô, Ly (từ
đèo Hải Vân Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ cưới côn chúa Huyền
Trân về nước.
Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm Thành được một năm thì vua Chế Mân mất. Thế tử
Chiêm phái sứ giả sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo về việc tang. Theo tục lệ nước Chiêm,
vua mất thì cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông hay tin vua Chiêm
mất, sợ em gái là công chúa Huyền Trân bị hại, bèn sai võ tướng Trần Khắc Chung hướng
dẫn phái đoàn sang Chiêm Thành nói thác là điếu tang, và dặn bày mưu kế để đưa công chúa
về. Trần Khắc Chung trước kia đã có tình ý với Huyền Trân, song rồi vì việc lớn, cả hai cùng
dẹp bỏ tình riêng, ngày nay lại được vua giao phó nhiệm vụ đi cứu công chúa.
Sang đến nơi, Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng: "Bản triều sở dĩ kết hiếu
với Vương quốc vì vua trước là Hoàn Vương, người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, là đất
Việt thường: hai bên cõi đất liền nhau thì nên yên phận, để cùng hưởng hạnh phúc thái bình
cho nên gả công chúa cho Quốc vương. Gả như thế vì thương dân, chứ không phải mượn
danh má phấn để giữ trường thành đâu! Nay hai nước đã kết hiếu thì nên tập lấy phong tục
tốt. Quốc vương đây mất, nếu đem công chúa tuẫn táng thì việc tu trai không người chủ
trương. Chi bằng theo lệ tục bản quốc, trước hãy ra bãi bể để chiêu hồn ở trên trời, đón linh
hồn cùng về rồi mới hỏa đàn sau".
Lúc bấy giờ các cung nữ của Huyền Trân biết rằng công chúa sẽ bị hỏa táng, nhưng không
biết làm thế nào, thấy sứ Trần Khắc Chung tới mới hát lên một câu ngụ ý cho sứ Nam biết mà
lo liệu cứu côn chúa khỏi bị lên thang hỏa đàn:
Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.
Người Chiêm Thành nghe theo lời giải bày của Trần Khắc Chung, để công chúa Huyền Trân
xuống thuyền ra giữa bể làm lễ Chiêu Hồn cho Chế Mân. Trần Khắc Chung đã bố trí sẵn
sàng, cỡi một chiếc thuyền nhẹ chực sẵn trên bể, đợi thuyền chở công chúa ra xa, lập tức
xông tới cướp công chúa qua thuyền mình, dong buồm ra khơi nhắm thẳng về phương bắc.
Huyền Trân công chúa gặp lại người tình cũ đến cứu mạng về, hoa xưa ong cũ ai ngờ còn có
ngày tái ngộ, đôi trai tài gái sắc kéo dài cuộc tình duyên trên mặt biển, hơn một năm mới về
đến kinh.
Về sau, các văn nhân thi sĩ cảm hứng về quãng đời lịch sử của công chúa Huyền Trân, đã
mượn điệu hát, lời thơ mà làm nên nhiều bài còn truyền tụng đến ngày nay.
Như khúc "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, mà có kẻ cho rằng chính công chúa đã
soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc:
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim lồng nhạn bay đi.
Tình lai láng,
Hướng dương hoa quì.
Dặn một lời Mân Quân:
Như chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần.
Một nhà thơ khác vịnh Huyền Trân công chúa:
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười.
Vốn đà không mất lại thêm lời.
Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi?
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời?
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn trông nhau mấy đứa Hời!
Trong dân gian, người ta than tiếc cho công chúa Huyền Trân:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mọi thằng Mường nó leo.
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
Nếu tác giả bài trên là của Huyền Trân Công chúa như có tin đồn đại thì quả thật nỗi
lòng của nàng thật là thảm thương bi đát, chỉ có thể xuất phát từ một tấm lòng đa tình đa cảm
đối với một chàng trai hào hoa phong nhã như Khắc Chung. Bài thơ ngàn đời lưu truyền được
sáng tác ngay trên đèo Hải Vân, nhìn xuống mặt biển cả mênh mông bát ngát, với hình bóng
người yêu đứng ngồi bên cạnh mà bốn mắt chỉ lặng lẽ nhìn nhau lúc chia ly. Tuy trong lòng
đầy ắp tình nhớ thương đối với người yêu dậy thêu trong Nam Hương Cung nhưng nó cũng
nói lên tấm lòng vì dân vì nước của người đẹp nước Đại Việt,
“mượn mầu son phấn đền nợ Ô, Ly”.
Người đời đã ca tụng tấm lòng cao cả của nàng Kiều “bán mình chuộc cha” thì họ cũng đã ca
tụng tấm lòng ra đi vì nước vì nhà của nàng Công chúa Đại Việt.
Tiếng đồn trong dân gian
Việc triều đình Đại Việt định gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân không những chỉ
được bàn tán xôn xao nơi cung điện mà nó còn được đồn đại nơi dân gian, hầu như không ai
mà không biết, không ai mà không có đôi lời bàn ra tán vào, tưởng chừng như chuyện nơi
cung cấm bên trong bốn bức tường cao là chuyện riêng tư của mọi gia đình.
Một phần vì sắc đẹp của Công chúa đã lan truyền khắp nơi khiến cho mọi người đều mơ ước
nàng Công chúa mỹ miều sẽ có một cuộc đời hạnh phúc ấm êm như bao nhiêu nàng Công
chúa khác. Ai ngờ nàng phải ép lấy một người chồng mà nàng không quen biết và thương
mến, lấy một người chồng tuy là nhà vua của một nước lân bang khá hùng mạnh, nhưng vẫn
được coi là kẻ thù truyền kiếp của nước ta từ nhiều đời vua về trước.
Người Chiêm Thành vẫn được người Việt Nam coi là “man di mọi rợ”, cho nên trong dân
gian mới có hai câu thơ truyền tụng:
Tiếc thay cây quế Châu Thường
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.
Rồi mấy trăm năm sau, dưới thời Pháp thuộc, bài thơ sau đây của cụ Hoàng Cao Khải đã mô
tả mối tình Huyền Trân và Chế Mân bằng lời lẽ vừa thực tế thường tình vừa khinh miệt chế
nhạo như sau:
Đổi chác xưa nay khéo nực cười
Vốn đã chẳng mất, lại thêm lời.
Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm,
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi!
Lòng đỏ khen ai lo việc nước.
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời! (Hời là người Chăm)
Mấy trăm năm về sau, vào đầu thế kỷ 19, một nhà thơ người Việt nhưng mang tên họ Chế của
vua Chế Mân, nhà thơ Chế Lan Viên, đã sáng tác cả một tập thơ Điêu Tàn để thương khóc
thời vàng son oanh liệt của các vua Chiêm Thành. Nhà thơ họ Chế tên Việt là Phan Ngọc
Hoan (1920-1989), quê ở Bình Định (Đồ Bàn) nơi còn có nhiều tháp Chàm đổ nát hoang tàn
cho nên đã động lòng cảm xúc mà làm nên những vần thơ “điên” khóc thương một nước lân
bang đã mất hút vào quá khứ.
Giờ phút lên đường
Muốn diễn tả giờ phút lên đường của người con gái về nhà chồng, buồn vui lẫn lộn trong tâm
hồn và thân xác con người còn e lệ trinh trong, không biết ai đã đặt ra hai câu thơ chữ Hán:
Khấp như thiếu nữ vu quy nhật
Tiếu tự nam nhi lạc đệ thì.
Tạm dịch ra tản văn: Khóc như thiếu nữ về nhà chồng và gượng cười như chàng trai lúc làm
sai đề thi.
Giờ phút Huyền Trân Công chúa lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở của người “chồng hờ” thật là
cảm động và đầy ấn tượng mà nhà thơ Chế Lan Viên đã dùng thơ văn để diễn tả một cách đầy
màu sắc huy hoàng lộng lẫy.
Kinh đô nước Chăm thời đó là thành Đồ Bàn hay còn gọi là Trà Bàn, như hoa đố mi cũng còn
được gọi là hoa trà mi. Đồ Bàn hay Trà Bàn dịch từ tiếng Chăm là Vijaya. Kinh đô Đồ Bàn
nằm ở phía Nam đèo Hải Vân thời vua Chế Mân, đã bị vua Lê Thánh Tông tàn phá vào năm
1471, nay chỉ còn trơ trọi mấy ngọn tháp hoang tàn buồn hiu.
Khi đứng một mình trên đèo Hải Vân cách nay mấy tháng, người viết có đưa mắt nhìn về
phía Nam mà mường tượng ra kinh đô Đồ Bàn thời xa xưa, nơi Công chúa nước Đại Việt đã
chung sống một thời gian ngắn ngủi với vua Chế Mân, một con người được mô tả là cao lớn,
nước da sáng, mũi cao, tóc hơi gợn sóng phía trước, đôi mắt sáng ngời thoáng nét đa tình và
dáng vẻ hào hoa phong nhã nhưng không kém phần uy dũng của một quân vương. Khi ra đón
kiệu hoa của người vợ sắp cưới, chàng đội trên đầu chiếc mũ cao bằng vàng ròng, ngang
hông mang một bảo kiếm vỏ vàng, chuôi kiếm bằng ngà voi, tỏa ra ánh sáng chói chang
nhiều màu sắc, trông vừa đẹp mắt vừa oai phong lẫm liệt. Mình chàng phủ chiếc áo lụa
thượng hạng mầu trắng, đường viền cổ áo và hai tay áo thùng thình có hàng nút thẳng băng
kim tuyến lấp lánh. Chàng trai mang đôi hia mầu đen có thêu hình con chim Garuda đỏ.
Garuda là một con chim khổng lồ thần thoại của Ấn Độ giáo và Phật giáo, mình bằng vàng,
mắt mầu trắng và đôi cánh mầu đỏ, nhưng thân hình là thân hình của con người. Trước kia,
Indonesia theo Ấn Độ giáo cho nên hãng hàng không quốc gia của họ mới lấy tên Garuda mà
đặt cho hàng trăm phi cơ của mình.
Giây phút đợi chờ kéo dài năm năm, nay đã bắt đầu chấm dứt khi Công chúa nước Đại Việt
khoan thai từ kiệu hoa bước xuống, có các tỳ nữ duyên dáng nhẹ vén bức màn thưa che phía
trước, bị gió đùa lung lay như trái tim hồi hộp của nàng Công chúa về nhà chồng, nơi xứ lạ
quê người...
Vừa thấy bóng dáng quốc vương Chế Mân, nàng đưa tay lau lẹ đôi giọt lệ trên gò má ửng
hồng. Theo đúng nghi lễ cung đình, nàng quỳ xuống chắp hai tay trước ngực, toàn thân rung
động như có luồng điện âm dương chạy bên trong. Quân Vương nước Chăm đưa bàn tay gân
guốc nhẹ nhàng đỡ nggười vợ sắp cưới đứng thẳng lên, bàn tay hai người lần đầu tiên chạm
vào nhau tạo thành một cảm giác thần tiên khó tả.
Vì đã học trước một vài tiếng Chăm cần thiết trước khi lên xe hoa, Công chúa Huyền Trân ấp
úng tâu trong miệng bằng tiếng địa phương: “Xin đa tạ Thánh Thượng đã nhọc công tới đây
đón thiếp”. Bốn cặp mắt nhìn nhau không nói, gió sớm ban mai ngoài biển thổi vào trên mái
tóc đen huyền của nàng Công chúa Đại Việt, trông nàng đã đẹp lúc bình thường, nay lại càng
quyến rũ khi e lệ, khác nào đoá hồng tươi lần cuối cùng rung rinh trên cành, trước khi bị
người lạ hái đem vào cắm trong bình quý...