Tải bản đầy đủ (.docx) (16 trang)

V24 rèn kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110 KB, 16 trang )

CHUYÊN ĐỀ:
RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG TRONG BÀI
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC DÀNH CHO HSG NGỮ VĂN
A.

MỞ ĐẦU

Nội dung của bài nghị luận văn học được tạo nên bởi những lí lẽ và dẫn
chứng. Cả hai cùng có một mục đích là làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận. Nếu như
lí lẽ nghiêng về việc làm cho người đọc hiểu thì dẫn chứng thiên về phía làm cho
người ta tin. Một khi đã hiểu và tin tức là đã bị thuyết phục. Như vậy, cả lí lẽ và dẫn
chứng đều có vai trò quan trọng như nhau trong bài nghị luận văn học.
Chính vì thế, trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn, bên cạnh giảng dạy
kiến thức thì việc rèn kĩ năng làm văn nói chung và rèn kĩ năng chọn và phân tích
dẫn chứng nói riêng là một nội dung quan trọng. Kĩ năng này sẽ giúp các em triển
khai đề bài đúng hướng, toàn diện, sâu sắc, đạt kết quả cao. Vậy làm thế nào để lựa
chọn và phân tích dẫn chứng có hiệu quả trong bài nghị luận văn học? Chúng tôi
xin đưa ra một số quan điểm, cách thức rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng
trong bài nghị luận văn học như sau.
B. NỘI DUNG
I. Cơ sở lí luận của việc chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn
học của học sinh giỏi
1. Các loại dẫn chứng trong bài nghị luận văn học
* Trong bài văn nghị luận có hai loại dẫn chứng là dẫn chứng bắt buộc và
dẫn chứng mở rộng. Dẫn chứng bắt buộc là dẫn chứng nằm trong phạm vi yêu cầu
của đề về tư liệu. Dẫn chứng mở rộng là dẫn chứng nằm ngoài phạm vi trên được
người viết đưa ra để liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm ý đang được
bàn bạc.
Ví dụ: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Đề thi chọn HSG toàn
quốc năm học 1991-1992 bảng A)
Ở đề này, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là phạm vi tư liệu bắt buộc


người viết phải trích dẫn. Đó là những dẫn chứng bắt buộc


Nhưng trong quá trình làm bài, người viết có thể liên hệ với sáng tác của các
tác giả cùng thời hoặc khác thời với nhà thơ Quang Dũng để bài làm sâu sắc hơn.
Các ngữ liệu ngoài yêu cầu của đề này đều là dẫn chứng mở rộng.
* Trong một số trường hợp, đề bài yêu cầu phạm vi tư liệu rất rộng (một giai
đoạn, một thời kì, một khuynh hướng…).
Ví dụ: “Phân tích cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ Việt Nam từ 1945 đến
1975.”
Ở đề bài này, người viết phải chọn dẫn chứng vừa bắt buộc, vừa tự chọn.
Dẫn chứng bắt buộc là thơ Việt Nam trong giai đoạn 1945 – 1975, nhưng lựa chọn
dẫn chứng cụ thể nào là do người viết.
* Trong những năm gần đây, câu nghị luận văn học trong đề thi học sinh
giỏi không có sự thay đổi lớn. Các đề đều có hình thức là đưa ra nhận định và yêu
cầu học sinh bằng hiểu biết, trải nghiệm văn học để làm sáng tỏ vấn đề.
Ví dụ 1: “Các nhà văn, nhà thơ nhân đạo lớn thường gửi vào sáng tác một cách
nhìn sâu sắc về con người, cách nhìn này hướng đến đời sống nội tâm và cảm
xúc.”
Bằng việc phân tích một vài tác phẩm trung đại và hiện đại đã học, anh/chị
hãy bình luận ý kiến trên.
(Đề thi HSG quốc gia năm 2012)
Ví dụ 2: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực
sự sống bằng tâm trí của người đọc”.
Bằng tri thức và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
(Đề thi HSG quốc gia năm 2015)
Ví dụ 3: “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó,
sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?”
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.
(Đề thi HSG quốc gia năm 2019)



Các đề trên đều không hạn định về ngữ liệu. Do vậy, người viết phải tự xác
định các dẫn chứng sao cho phù hợp, tiêu biểu đưa vào bài viết để làm sáng tỏ vấn
đề. Trong trường hợp này không có sự phân biệt hai loại dẫn chứng nói ở trên.
2. Một số lỗi thường gặp khi đưa dẫn chứng
2.1 Trích dẫn sai dẫn chứng làm ảnh hưởng đến tính xác thực của văn bản nghị
luận.
2.2 Chọn dẫn chứng không tiêu biểu nên không làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
2.3 Đưa quá ít dẫn chứng khiến bài văn thiếu tính thuyết phục hoặc đưa quá nhiều
dẫn chứng khiến bài viết rỗng, lan man.
2.4 Đưa dẫn chứng mà không kết hợp với việc phân tích dẫn chứng khiến bài viết
thiếu tính thuyết phục …
3. Những yêu cầu trong việc lựa chọn và phân tích dẫn chứng
3.1 Dẫn chứng phải đảm bảo tính chính xác: Nếu dẫn chứng là thơ, người viết phải
trích dẫn đúng nguyên văn. Nếu dẫn chứng là văn thì có thể trích dẫn nguyên văn
hoặc tóm lược ý nhưng phải chính xác, rõ ràng.
3.2 Dẫn chứng phải cần và đủ: Tùy từng kiểu bài, từng vấn đề nêu ra mà người viết
lựa chọn số lượng dẫn chứng cho phù hợp. Thường với loại đề hiểu và cảm tác
phẩm văn học hoặc làm rõ một vấn đề văn học sử sẽ cần dẫn chứng nhiều hơn kiểu
đề về lí luận văn học. Bên cạnh những dẫn chứng bắt buộc, người viết cần liên hệ
thêm dẫn chứng để có sự liên hệ, so sánh.
3.3 Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, mới mẻ: Bên cạnh việc đưa dẫn chứng
phong phú, người viết phải biết chọn các dẫn chứng tiêu biểu, điển hình, mới mẻ để
tăng tính hấp dẫn và thuyết phục cho bài văn.
3.4 Đưa dẫn chứng phải đảm bảo tính hệ thống, nghĩa là các dẫn chứng phải được
sắp xếp theo một trật tự, quy luật nhất định. Ví dụ như sắp xếp dẫn chứng theo trục
thời gian tuyến tính (từ quá khứ đến hiện tại) hoặc theo chiều không gian (từ hẹp
đến rộng, từ gần đến xa hoặc ngược lại…). Người viết tránh đưa dẫn chứng tràn
lan, ngẫu hứng.

3.5 Đưa dẫn chứng phải kết hợp với việc phân tích dẫn chứng. Đó là những lời
phân tích, bình giảng, bình luận dẫn chứng của người viết. Nếu không phân tích


dẫn chứng thì người đọc sẽ không hiểu dẫn chứng đưa vào phục vụ cái gì, có ý
nghĩa gì với lĩ lẽ. Việc phân tích dẫn chứng vừa thể hiện nhận thức, năng lực thẩm
mĩ, vừa làm sáng tỏ lí lẽ và vấn đề cần nghị luận.
Như vậy, người viết phải thật linh hoạt trong việc xác định dẫn chứng và đưa
dẫn chứng vào bài làm: khi nào thì trích nguyên văn, khi nào chỉ cần trích một số từ
ngữ, chi tiết tiêu biểu, khi nào chỉ cần tóm tắt dẫn chứng… Muốn vậy, người học
sinh giỏi văn phải đọc nhiều, nhớ nhiều, biết tích lũy kho dẫn chứng phong phú
theo cách riêng của mình. Có thể tích lũy theo đề tài, chủ đề, hình tượng, kiểu sáng
tác, chi tiết, nhân vật… cùng loại nào đó để dễ dàng vận dụng vào từng bài làm.
II. Cách chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học của HSG
1.Chọn dẫn chứng
Đây là khâu rất quan trọng giúp bài viết có sức thuyết phục. Dựa trên những
yêu cầu đã nêu ở trên, giáo viên hướng dẫn học sinh chọn dẫn chứng theo các bước
sau:
1.1 Xác định đúng vấn đề nghị luận.
1.2 Lập ý chính.
1.3 Huy động các tác phẩm văn học có liên quan đến vấn đề nghị luận và phân loại
dẫn chứng theo nhóm (Nhóm văn học dân gian; nhóm văn học trung đại; nhóm văn
học hiện đại; nhóm văn học nước ngoài…).
1.4 Xếp các tác phẩm văn học vào các luận điểm và dự tính lựa chọn vùng dẫn
chứng trong các tác phẩm đó.
1.5.Ví dụ
Đề 1: Bàn về Văn học Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế
kỉ XIX, giáo sư Nguyễn Lộc có viết:
“Người phụ nữ trong văn học giai đoạn này một mặt là người đau khổ,
nhưng mặt khác lại là người có tài, có tình, có ý chí và nghị lực”.

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Với đề bài này, cần thực hiện theo các bước sau:
1. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Chứng minh một vấn đề văn học.
2. Lập ý chính: Sau thao tác giải thích nhận định, phần chứng minh cần làm rõ 2 ý
chính:
* Nỗi đau khổ của người phụ nữ trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII đến
nửa đầu thế kỉ XIX.
* Những phẩm chất của người phụ nữ trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII
đến nửa đầu thế kỉ XIX (có tài, có tình, có ý chí và nghị lực).


3. Huy động các tác phẩm văn học giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu
thế kỉ XIX: Bánh trôi nước, Tự tình II của Hồ Xuân Hương; Truyện Kiều, Đọc Tiểu
Thanh kí của Nguyễn Du…
4. Xếp các tác phẩm văn học vào các luận điểm: Ở đề bài này, lựa chọn trong mỗi
tác phẩm nêu trên dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ 2 ý lớn:
* Nỗi đau khổ của người phụ nữ trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu
thế kỉ XIX.
- Ở bài thơ Bánh trôi nước, lựa chọn các từ ngữ, hình ảnh như Thân em, bảy nổi
ba chìm, rắn nát, tay kẻ nặn… để thấy được cuộc sống lênh đênh, thân phận lệ
thuộc, không tự quyết định số phận của mình…
- Bài thơ Tự tình II, bốn câu đầu thể hiện duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ
trong chế độ đa thê; tuổi trẻ tàn phai trong sự chờ đợi vô vọng…
- Truyện Kiều: Thúy Kiều đau khổ vì tình yêu tan vỡ (đoạn Trao duyên); sống cảnh
nhục nhã, ê chề trong 15 năm lưu lạc…
* Những phẩm chất của người phụ nữ trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa
đầu thế kỉ XIX (có tài, có tình, có ý chí và nghị lực).
- Bài thơ Bánh trôi nước, người phụ nữ ý thức vẻ đẹp hình thức và tấm lòng son sắt
thể hiện các từ trắng, tròn, tấm lòng son…
- Bài thơ Tự tình II, dù đau buồn nhưng nhân vật trữ tình vẫn khao khát sống và

sống mãnh liệt thể hiện qua hình ảnh sự vật (Xiên ngang mặt đất rêu từng
đám/Đâm toạc chân mây đá mấy hòn…)
- Bài Đọc Tiểu Thanh kí: Tiểu Thanh có tài làm thơ, tâm hồn cao đẹp (Văn chương
vô mệnh lụy phần dư…)
Đề 2: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Bi-ê-lin-xki cho rằng: “Thơ, trước hết là
cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Anh/chị hiểu nhận định trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về văn học, hãy
làm sáng tỏ.
1. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học: Đặc
trưng của thơ.
2. Lập ý chính: Sau thao tác giải thích nhận định, phần chứng minh cần làm rõ các
ý lớn sau:
* Thơ ca (Nội dung trữ tình trong thơ ca) phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống.
* Thơ ca (Nội dung trữ tình trong thơ ca) phải được biểu đạt bằng hình thức nghệ
thuật riêng.


3. Huy động các tác phẩm:
- Văn học trung đại: Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương); Thu điếu (Nguyễn Khuyến)

- Văn học hiện đại: Vội vàng (Xuân Diệu); Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên); Việt
Bắc (Tố Hữu); Tây Tiến (Quang Dũng): Trích đoạn Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)

4. Xếp các tác phẩm văn học vào các luận điểm: lựa chọn trong mỗi tác phẩm nêu
trên các dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ 2 ý:
* Thơ ca phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống
- Cảm xúc trữ tình trong bài thơ Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương) được khơi gợi
từ cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến và từ chính cuộc
đời riêng của nữ sĩ…
- Bức tranh mùa thu trong Thu điếu (Nguyễn Khuyến) được lấy chất liệu từ vùng

đồng chiêm trũng nghèo của chính tác giả (6 câu đầu); Nỗi niềm nhà thơ (chủ yếu 2
câu cuối) xuất phát từ hiện thực đương thời và cuộc đời riêng của thi nhân …
- Cảm hứng thi ca trong Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) xuất phát từ cuộc sống
mới – một cuộc sống nồng ấm hơi thở của cách mạng:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp ánh tay đưa…
- Bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) được viết ra từ những kí ức về một thời Tây Tiến
mà chính người viết đã trải qua trong những năm tháng gian khổ nhất của cuộc
kháng chiến chống Pháp:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…
- Việt Bắc: Cuộc chia tay lịch sử năm 1954 và những trải nghiệm ngọt bùi, gian khổ
cùng đồng bào các dân tộc thiểu số nơi chiến khu cách mạng đã giúp Tố Hữu viết
nên những trang thơ đằm thắm có sức cảm hoá lòng người.
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhơ những hoa cùng người…
- Đất Nước: Được viết trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt với những
day dứt trăn trở của thế hệ nhà thơ trẻ về cội nguồn của Đất Nước…
* Thơ ca phải được biểu đạt bằng hình thức nghệ thuật riêng:


- Bài thơ Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương): thể thơ thất ngôn tứ tuyệt; ngôn ngữ
hàm súc; hình ảnh thơ giàu sức gợi…
- Bài thơ Thu điếu (Nguyễn Khuyến): thể thơ thất ngôn bát cú; hình ảnh thơ trong
sáng, chọn lọc…
- Bài thơ Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên): thể thơ tự do; sử dụng nhiều biện pháp
tu từ; các hình ảnh thơ mang tính biểu tượng…
- Bài thơ Tây Tiến: Những dòng thơ tài hoa; hình ảnh thơ vừa lãng mạn vừa bi

tráng; ngôn ngữ giàu chất tạo hình...
- Bài thơ Việt Bắc: Những vần thơ lục bát vừa cổ kính, vừa hiện đại; giọng thơ tâm
tình tha thiết; kết cấu đối đáp…
- Trích đoạn Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm): Thể thơ tự do; sử dụng sáng tạo chất
liệu văn hoá dân gian …
2. Đưa dẫn chứng
Học sinh có thể linh hoạt sử dụng các cách đưa dẫn chứng vào bài làm như
sau:
* Cách 1: Đưa dẫn chứng trước rồi đi đến kết luận.
Ví dụ: Vũ Trọng Phụng viết: “Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi
phường kèn, thuê xe đám ma…”. Nếu không có các từ “cáo phó”, “kèn”, “đám
ma” … có lẽ ta hiểu nhầm sang đám cưới mất. Mà có những từ ấy, cũng không ém
hết cái tươi vui, rộn rã như ngày hội. Giọng văn vẫn đều đều tường thuật lại, đầy
tính chất hài hước, mỉa mai.
(Trích bài làm Thiều Hương, lớp 11 Văn, Trường THPT Lam Sơn – Thanh
Hóa)
* Cách 2: Đưa lí lẽ trước, sau đó đưa dẫn chứng rồi đi đến kết luận
Ví dụ: Gần mười thế kỉ, thơ ca Việt Nam luôn hài hòa hai âm hưởng chủ đạo:
tiếng hát hùng tráng và tiếng nói trữ tình. Những vần thơ đó hàng ngày nuôi dưỡng
chúng ta. Một vùng cỏ hoang nơi mộ địa đi vào tâm hồn chúng ta và sống thật lâu
bền nhờ hai câu thơ rợn ngợp của Nguyễn Du:
“Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau”
Chúng ta như đang sống cùng nhà thơ… Bãi cỏ xanh non khi trước nay đã tàn
héo, vài ngọn lau xám hắt hiu… gió lạnh… Ôi, đời người… Nguyễn Du đã nghĩ thế
chăng! Cũng là nỗi buồn kín đáo nhưng nó làm ta hiểu thêm về một con người, về
quá khứ và nhìn lại chính mình để có thể vượt lên những nhỏ nhen, tầm thường, để
tự lớn lên nhìn cuộc đời bằng đôi mắt khác.



(Trích bài làm của Nguyễn Thanh Sơn, Hà Nội – Giải nhất quốc gia năm học
1986 - 1987)
* Cách 3: Từ một dẫn chứng A, người viết đưa ra lí lẽ của mình và tiếp tục làm rõ
vấn đề bằng những dẫn chứng B, C… khác, sau đó đi đến kết luận.
Ví dụ: Hình ảnh đất nước Việt Nam luôn luôn làm xúc động lòng người bởi tầm
vóc của nó, bởi sức vươn dậy thiên thần của nó. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã ca
ngợi:
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Vẻ đẹp vô biên ấy của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam đã được
kết tinh từ thủa đánh giặc oai hùng của Nguyễn Trãi khi mà đất nước ta, nhân dân
ta phải “nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối”. Từ đau thương, gian khổ,
chúng ta vẫn vững bước đi lên và trưởng thành mãi mãi. Nhà thơ Tố Hữu cũng nói
lên sức lớn dậy, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong những câu thơ
thật đẹp:
“Ôi Việt Nam từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần”
Kẻ thù muốn ta “bán mình ô nhục” nhưng chúng ta là những người không
bao giờ chịu khuất phục. Từ đau khổ, khó khăn chúng ta vẫn vươn lên, vươn mãi
đến hình ảnh tuyệt đẹp:
“Làm sen thơm ngát giữa đồng”
… Với sức sống mãnh liệt của niềm tin, hai chiến sĩ thân yêu và dũng cảm
tuyệt vời ấy sẽ không bao giờ chết trong mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
(Trích bài làm của Nguyễn Văn Hiệp, Bình Trị Thiên – Giải nhất quốc gia
1981 - 1982)
3. Phân tích dẫn chứng
Khi đưa ra một dẫn chứng trong bài văn nghị luận, học sinh phải làm các
công việc sau:
3.1. Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm có chứa dẫn chứng.
Phần này yêu cầu học sinh phải có kĩ năng khái quát tốt để viết gọn. Với học

sinh giỏi, phần này không tách bạch mà được đưa vào một cách tự nhiên, nhuần
thấm trong quá trình phân tích dẫn chứng.
3.2. Phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm.
Ở phần này, học sinh không phân tích toàn bộ các giá trị của tác phẩm mà chỉ
dừng lại ở những gì liên quan, có ý nghĩa làm sáng tỏ vấn đề đang nghị luận để


phân tích. Một số học sinh học rất kĩ một số tác phẩm nào đó và khi viết thường
không tiết chế được cảm xúc nên sa đà vào việc phân tích mọi phương diện của tác
phẩm, dẫn tới bài viết sẽ rời xa dần trọng tâm vấn đề, đồng thời không còn thời
gian làm phong phú dẫn chứng cho bài viết.
Khi phân tích dẫn chứng, giáo viên hướng dẫn học sinh tạo sự sinh động cho
bài viết bằng cách có những dẫn chứng phân tích sâu để người đọc có thể thấm thía
những lí lẽ, những khái quát của mình, nhưng có những dẫn chứng chỉ đưa cho
người đọc tự cảm nhận. Tuy nhiên những dẫn chứng để người đọc tự cảm nhận
phải là những tác phẩm quen thuộc, nhưng giá trị của nó đã được thừa nhận qua sự
sàng lọc của thời gian.
3.3. Ví dụ
Ví dụ 1:
“Hạnh phúc của một tang gia” chỉ là một chương nhỏ của tác phẩm “Số
đỏ”. Dường như nhà văn đã đặt các nhân vật vốn dĩ đã đốn mạt ở các chương trên
vào hoàn cảnh “tang gia” để cái bản chất lừa lọc, bịp bợm và thất đức, bất hiếu
càng nổi cộm hơn, chân thật hơn. Ta hãy xem từng khuôn mặt đang nhăn nhó và
đau đớn như thế nào trước sự mất mát lớn lao kia. Cụ cố Hồng ung dung hút thuốc
phiện và lảm nhảm gắt “Biết rôi, khổ lắm, nói mãi!” đến 1782 lần. Một câu nói vô
vị mà hễ động mồm là cụ tuôn ra. Có thể thấy, nó đã được đi vào đời sống cũng hết
sức sinh động như cái hài hước, mai mỉa của nó. Có lẽ được nói nhiều lần câu ấy
cũng là một hạnh phúc vì có bao giờ cụ được nói nhiều như thế đâu… Ông Phán
mọc sừng lại có một niềm vui ở một khía cạnh khác: được chia thêm vài nghìn
đồng. Ông không còn đau xót vì bị cắm sừng mà mừng rơn vì thêm nặng hầu bao.

Cái cười được bật lên từ sự đánh tráo cái giả, cái thật. Sừng hươu vô tình lại có
giá trị to đến thế… ”
(Trích bài làm của Thiều Hương, lớp 11 Văn, Trường THPT Lam Sơn Thanh
Hóa)
Ví dụ 2:
Đến với “Sóng”, ta được gặp một Xuân Quỳnh nồng nàn, mãnh liệt, gặp con
người yêu tha thiết và cháy bỏng, luôn luôn muốn bứt mình ra để tìm đến một cái
gì đó rõ ràng, cụ thể. Trong cuộc sống, Xuân Quỳnh cũng thể hiện rõ phong cách
này. Đã yêu ai thì yêu hết mình, đã ghét ai thì ghét cay ghét đắng. Chính vì lẽ đó
mà trong thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được nét tận tụy, dứt khoát, rõ ràng. Ở “Sóng”
điều này cũng thể hiện:


“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Có lẽ là sức mạnh của tình yêu, niềm say mê và nỗi lòng cuồng nhiệt đã
cuốn con người vào thế giới thần tiên, thơ mộng. Tất cả những lo toan, tính toán,
những phức tạp, rắc rối trên cõi đời đã nhường chỗ cho ước mơ, cho khát vọng,
đắm say trong lòng người. Tất cả những gì tồn tại bên ngoài đều chôn hết, xua hết
ra ngoài ý tưởng. Khẳng định nỗi lòng, nhà thơ đưa ra trạng thái “trong mơ còn
thức” để thuyết phục. Tôi còn nhớ, có một nhà thơ khi bày tỏ nỗi lòng của mình với
người yêu cũng nói:
“Anh yêu em chỉ nhớ em thôi
Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nào cũng nhớ”
Trạng thái bồn chồn, xao xuyến, bứt rứt như cắn xé, cào cấu, như giục giã
lòng người. Người con trai đứng ngồi không yên thì ở đây Xuân Quỳnh lại ngủ,
thức không yên. Nào có kém gì đâu. Đã yêu nhau thường nhớ, thường mong,
thường đợi chờ nên không thể không có cái phút đứng ngồi không yên ấy…”
(Trích bài làm của Phạm Thị Hải Vân, trường THPT Lam Sơn Thanh Hóa Giải nhì quốc gia)
Ví dụ 3:

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình
Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời
tận trung với nước, và than khóc cho những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân.
Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là
sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa
quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành
người anh hùng cứu nước.
Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:
Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; Lòng dân trời tỏ
…….Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; Thác
mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ….


Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình ngô đại cáo của
Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo
của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa
từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần
Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: “Sống
đánh giặc, thác cũng đánh giặc…muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân
lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ!
Trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đóa hoa,
những hòn ngọc rất đẹp, như bài Xúc cảnh:
Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,
Chúa xuân đâu hỡi có hay không?
Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung!

(Trích Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc,
Phạm Văn Đồng)
III. Rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học
Đề 1:

Có nhận định cho rằng:
“Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả.”

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên ? Hãy làm sáng tỏ bằng 01 tác phẩm
trong chương trình Ngữ Văn 12.
1. Chọn dẫn chứng: Lựa chọn một tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ Văn
12 để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
2.Phân tích dẫn chứng:
Ví dụ chọn ngữ liệu là bài Sóng (Xuân Quỳnh)


* Giọng điệu chung của bài thơ: dào dạt, da diết, khát khao, âu lo… Mỗi câu thơ
như một con sóng vỗ vào bờ, gợi tả tinh tế nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ
đang yêu.
* Cách nhìn, cách cảm mới mẻ về tình yêu: Qua hình tượng “sóng” và “em”, tình
yêu được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc độ:
- Những biến động khác thường, nghịch lí trong lòng người phụ nữ đang yêu. (Dữ
dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ).
- Khát vọng vươn xa, thoát khỏi sự chật chội, tầm thường, tìm sự đồng điệu. Yêu là
đưa lòng ra biển lớn (Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể).
- Tình yêu là nỗi khát vọng muôn đời. Yêu là hiện tượng vĩnh hằng (Ôi con sóng
ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế).
- Nhu cầu lí giải sự khởi nguồn, khởi điểm của tình yêu. (Em nghĩ về anh em/Em
nghĩ về biển lớn/Từ nơi nào sóng lên ?... Khi nào ta yêu nhau).
- Nỗi nhớ nhung da diết, mãnh liệt. Nó chiếm cả bề rộng và tầng sâu; khắc khoải

trong mọi thời gian, cả trong ý thức và vô thức; khắc khoải trong mọi không gian.
(Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm
không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức/Dẫu xuôi về phương
bắc/Dẫu ngược về phương nam/Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh một phương).
- Niềm tin về một tình yêu dù cách trở vẫn đến được bến bờ hạnh phúc. (Ở ngoài
kia đại dương/Trăm ngàn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách
trở).
- Nỗi trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời (Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi
qua/Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa).
* Nét mới trong nội dung:
- Tình yêu nồng cháy, mãnh liệt, bí ẩn nhưng giàu nữ tính, đòi hỏi sự thủy chung
trong một tình yêu đúng nghĩa, hướng đến cuộc sống chung.
- Khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá cái tôi bản thể.
* Hình thức, kĩ thuật biểu hiện mang đậm dấu ấn riêng:
- Kết cấu: kết cấu song hành “sóng” và “em”.


- Cách biểu hiện vừa mới mẻ vừa truyền thống, đặc biệt là cách sử dụng hình tượng
sóng: mỗi trạng thái tâm hồn của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự
tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính của sóng.
- Thể thơ 5 chữ, các câu nối tiếp gợi liên tưởng từng đợt sóng vào bờ.
Đề 2: Đánh giá về văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 có ý kiến cho rằng:
“Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã làm cho văn học giai đoạn
này thấm nhuần tinh thần lạc quan, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu phản
ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng.”
(SGK Ngữ văn, Ban cơ bản, NXB giáo dục Việt Nam, 2010, trang 14).
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ bằng việc phân tích
một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12.
1. Chọn dẫn chứng: Lựa chọn các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 giai
đoạn 1945-1975 (tiêu biểu, phù hợp với vấn đề nghị luận và biết thông qua tác

phẩm để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận).
2.Phân tích dẫn chứng: “Tây Tiến”, “Việt Bắc”, “Đất nước" là ba tác phẩm mang
đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Quang Dũng, Tố Hữu, Nguyễn
Khoa Điềm là những tác giả tiêu biểu của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
* Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn làm cho văn học 1945 – 1975 thấm
nhuần tinh thần lạc quan:
- Hiện thực kháng chiến chồng chất khó khăn, gian khổ: thiếu thốn về vật chất; chịu
nhiều mất mát, hi sinh…
- Con người vẫn tràn đầy mơ ước, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc: lạc
quan, lãng mạn, dí dỏm, yêu đời; xác định lí tưởng sống cao đẹp; tin tưởng vào sức
mạnh, chiến thắng của dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, tươi
đẹp…
* Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn làm cho văn học 1945 – 1975 đáp
ứng yêu cầu phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển
của cách mạng:
- Phán ánh được những vấn đề sống còn của dân tộc, những bức tranh hiện thực
rộng lớn: cả ba bài thơ đều tập trung thể hiện hình tượng Tổ quốc; phản ánh quá
trình vận động cách mạng đi từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng
chiến chống Mĩ – cả dân tộc không chịu áp bức, nô lệ, chiến đấu hy sinh giành độc
lập tự do cho đất nước.


- Thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn: lòng yêu nước, tình cảm cách mạng, tình quân
dân, tình đồng chí đồng đội…
- Viết về những con người đại diện cho tinh hoa và khí phách, phẩm chất và ý chí
của cả dân tộc; tiêu biểu cho lí tưởng của cả cộng đồng: người lính, người cán bộ
cách mạng, quần chúng cách mạng, trong đó đặc biệt đề cao thế hệ trẻ với trách
nhiệm bảo vệ Tổ quốc…
* Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tạo nên giọng điệu ngợi ca, trang
trọng, tráng lệ, hào hùng: thể hiện qua cách sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, các thủ

pháp nghệ thuật (đối lập, cường điệu ...
Đề 3: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại.
Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới
mẻ.” (Trích Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên. Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua các tác phẩm
đã học.
1. Chọn dẫn chứng: Lựa chọn các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT
(tiêu biểu, phù hợp với vấn đề nghị luận và biết thông qua tác phẩm để làm sáng tỏ
vấn đề nghị luận).
2. Phân tích dẫn chứng:
2.1. Phân tích tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao.
* Chất liệu từ thực tại đời sống:
- Bức tranh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ngột ngạt, đen tối với nhiều mâu
thuẫn giữa nông dân với địa chủ, địa chủ với địa chủ.
- Cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh và những thành kiến nặng nề ở nông thôn, những
người nông dân lạnh lùng xa cách nhau
* Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
- Khám phá hiện thực ở bề sâu:
+ Viết về cuộc sống của những người nông dân, Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi
khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: bi kịch tha hoá, bị
cự tuyệt quyền làm người.
+ Khái quát hiện tượng mang tính quy luật: chừng nào xã hội còn những áp bức bất
công thì những người nông dân bị tha hoá, bị cự tuyệt quyền làm người sẽ không
chấm dứt.
- Tiếng nói nhân đạo sâu sắc và mới mẻ:
+ Thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ bị huỷ hoại
cả nhân hình và nhân tính.


+ Khẳng định tình thương có sức cảm hoá lớn, khơi dậy, đánh thức phần người bị

vùi lấp, chà đạp.
+ Trân trọng, đề cao khát vọng được làm người đúng nghĩa.
* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:
- Kết cấu vòng tròn, trần thuật theo mạch tâm lí, điểm nhìn trần thuật linh hoạt.
- Tình huống truyện độc đáo, xây dựng nhân vật điển hình, kiểu nhân vật đa diện,
miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật.
- Chi tiết nghệ thuật độc đáo.
- Ngôn ngữ đa thanh, có sự kết hợp hài hoà giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời
gián tiếp với lời nửa trực tiếp.
2.2. Phân tích tác phẩm "Vội vàng" của Xuân Diệu.
* Chất liệu mượn từ thực tại đời sống:
- Bức tranh mùa xuân (ong bướm, hoa lá, đồng nội, chim muông, ánh sáng...) bức
tranh hoàng hôn buồn...
- Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm
tươi đã có dấu hiệu của sự tàn phai, rơi rụng.
* Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
- Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt "xanh non" của nhà thơ. Ông đã phát
hiện ra "thiên đường trên mặt đất", bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực
trong tình yêu đôi lứa.
- Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là
chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon
như cặp môi gần).
- Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn
đoạt quyền tạo hoá; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống,
muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ.
- Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa,
chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây phút của
cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây
của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài phí.
* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

- Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu mang tính triết
lí...).
- Nhịp hành khúc, giọng quyền uy.
- Sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc...
- Nhiều động từ, tính từ mạnh tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi động rạo rực…


KẾT LUẬN
Một bài nghị luận văn học không thể không chú ý tới vấn đề dẫn chứng trong
quá trình viết. Trong bài viết này, chúng tôi đã đưa ra một số quan điểm, cách thức
và một số bài tập để rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng đối với bài nghị luận
văn học của học sinh giỏi. Vấn đề nghiên cứu này đòi hỏi kinh nghiệm già dặn
trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi mà chúng tôi tự nhận thấy kinh nghiệm tích
lũy còn nhiều hạn chế. Rất mong nhận được sự trao đổi, chia sẻ của các thầy cô,
bạn bè đồng nghiệp!
C.



×