Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

GS Tran Van Giau

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.4 KB, 3 trang )

GS. Trần Văn Giàu - Nhà khoa học lớn của đất nước
Tôi không trình bày ở đây sự nghiệp chính trị và những đóng góp vẻ vang của một người đã hiến dâng cả
cuộc đời cho Độc lập Tự do và Chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Chỉ nói riêng về hoạt
động sáng tạo của một trí thức Việt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tôi thấy rất ít người có thể
so sánh được với giáo sư Trần Văn Giàu.
1. Chưa có một người nào ở Việt Nam đã viết nhiều như giáo sư Trần Văn Giàu. Hàng chục vạn trang sách đã
được xuất bản. Những sách do giáo sư viết đều tự mình ghi chép lấy, tự mình thức khuya dậy sớm để viết đi viết
lại từng câu từng chữ.
Đối với những cuốn sách mà giáo sư chủ biên, thì bao giờ giáo sư cũng thực sự là linh hồn của cuốn sách, bao
giờ cũng tự mình soạn thảo đề cương, bao giờ cũng nêu lên những ý kiến quan trọng nhất, bao giờ cũng chỉ đạo
sát xao và tỉ mỉ đối với từng việc. Trình độ uyên bác và cách thức làm việc như thế là một tấm gương sáng cho
giới khoa học xã hội, tấm gương không dễ noi theo.
2. Là một trí thức có nhiều hiểu biết uyên thâm trên mọi lĩnh vực của khoa học và đời sống, giáo sư Trần Văn Giàu
hơn 60 năm hoạt động khoa học đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và cách mạng, trước hết là kết hợp
giữa lý luận Mác - Lênin với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở Việt Nam và
trên thế giới.
Những công trình đồ sộ của giáo sư chứa đựng một nội dung hết sức phong phú về trí tuệ của dân tộc và thời đại.
Người ta thường nói về hiện tượng Văn, Sử, Triết bất phân trong di sản trí tuệ ở Việt Nam và ở nhiều nước
phương đông. Người ta thấy rõ điều này qua các tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu.
Các tác phẩm về sử học của giáo sư đều có sự hấp dẫn của Văn và chiều sâu của Triết. Ở giáo sư trong văn có
triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học.
3. Tính chiến đấu là một nhân tố thường trực trong mọi tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu. Là một người cộng
sản hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng của mình, tinh thần chiến đấu của giáo sư không chỉ thể hiện trong lĩnh
vực chính trị mà nó còn thấm vào những trang giấy, ngay cả khi ông đi vào đêm dài tịch mịch của những thế kỷ và
thiên niên kỷ trước đây của Việt Nam.
Là một nhà khoa học, giáo sư trân trọng những sự kiện lịch sử, không bao giờ tự mình và cũng không bao giờ cho
phép ai bóp méo lịch sử để phục vụ cho định kiến cá nhân. Nhưng là một người chiến sĩ cách mạng, trong lãnh
vực khoa học, giáo sư có quyền chính đáng tự cho phép mình là một người thẩm xét công minh và nghiêm khắc
đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Người ta có thể viết nhiều trang, in nhiều sách nhưng rất khó tránh những sự kể lể dài dòng, sự mô tả vô ích, sự
luôn luôn lắp lại mình một cách không tự giác. Ở giáo sư Trần Văn Giàu có một điều cần phải nêu lên và nhấn


mạnh là trong tất cả tác phẩm của mình, giáo sư đều để lại trong đó một dấu ấn của riêng mình, một phát hiện
mới và những quan điểm đầy thuyết phục thể hiện sự thống nhất, hoàn chỉnh giữa tính chiến đấu và tính khoa
học.
4. Giá trị khoa học và ảnh hưởng xã hội của các tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu:
a. Tuyên truyền phổ biến triết học Mác - Lênin: Năm 1955, nhà xuất bản Xây dựng in ba cuốn sách có ý nghĩa triết
học nhập môn: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan và Duy vật lịch sử. Sau ngày toàn quốc kháng chiến ở Việt Bắc, các
trường Đảng giảng dạy triết học Mác - Lênin, các hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác cũng tổ chức nhiều buổi nói
chuyện về triết học.
Giáo sư Trần Văn Giàu cũng nói chuyện và giảng dạy nhiều nơi về chủ nghĩa Mác, đặc biệt là mở lớp giảng dạy
về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ở nha thông tin thời gian giáo sư làm tổng giám đốc ở nha này. Ba cuốn
sách nói trên là sự sắp xếp lại những bài giảng.
Ba cuốn ấy đã giúp cho những người bước đầu đi vào chủ nghĩa Mác nắm được một cách khái quát những điều
cơ bản của triết học Mác - Lênin coi như sự dẫn nhập để đi vào học thuyết cách mạng này của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động.
b. Lịch sử chống xâm lăng: Bộ sách này gồm 3 quyển dày gần 1000 trang do giáo sư Trần Văn Giàu một mình viết
và xuất bản năm 1956 - 1957 là bộ sách được phổ biến kịp thời, cổ vũ tinh thần đấu tranh bảo vệ đất nước giữa
lúc quân Mỹ trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Ý nghĩa đó đối với xã hội rất quan trọng.
c. Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam: Sau khi hoà bình lập lại, miền Bắc đi vào chủ nghĩa xã hội, vai trò của giai
cấp công nhân trở nên trực tiếp quan trọng trong sự nghiệp vừa đấu tranh thống nhất đất nước vừa xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Giáo sư Trần Văn Giàu một mình viết cuốn sách gần 1500 trang gồm 4 tập là một đóng góp to lớn,
trong lĩnh vực tư tưởng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam và vai trò của nó
trong toàn thể nhân dân.
Bộ sách này đã đủ đem lại sự khâm phục của giới khoa học xã hội đối với giáo sư Trần Văn Giàu về cách làm
việc nghiêm túc và nhận thức sắc sảo của giáo sư về giai cấp công nhân Việt Nam. Bộ sách đã mở đầu một cách
tốt đẹp cho những công trình tiếp theo của các nhà khoa học Việt Nam về giai cấp công nhân.
d. Lịch sử cận đại Việt Nam: Bộ sách này gồm 4 tập dày 1300 trang cùng với cuốn Lịch sử Việt Nam dày 328 trang
được xuất bản trong những năm 1957 - 1963 do Trần Văn Giàu chủ biên đã mang ý nghĩa đặt nền móng cho
những công trình nghiên cứu lịch sử tiếp theo dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
e. Miền Nam giữ vững thành đồng: Tôi đặc biệt nhấn mạnh ở đây bộ sách đồ sộ này do giáo sư Trần Văn Giàu
cũng một mình biên soạn. Bộ sách gồm 5 tập dày 2500 trang là đóng góp lớn của giáo sư thể hiện chủ nghĩa anh

hùng và ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân miền Nam.
Bộ sách toát ra một niềm tin mãnh liệt đối với tinh thần chiến đấu của nhân dân miền Nam và dự báo một cách
sáng suốt và vững chắc sự sụp đổ của Mỹ ngụy và sự toàn thắng của nhân dân ta. Bộ sách đầy tâm huyết này
của giáo sư Trần Văn Giàu có tác động lớn đối với xã hội Việt Nam mà không bộ sách nào lúc đó có thể so sánh
được.
g. Lịch sử tư tưởng: Bộ sách dày hơn 1000 trang này lấy tên là: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX
đến Cách mạng tháng Tám. Một cuốn về hệ ý thức phong kiến, một cuốn về hệ ý thức tư sản. Cả hai cuốn đều
trình bày đặc điểm và sự thất bại của những hệ ý thức ấy trước các nhiệm vụ lịch sử.
Bộ sách phân tích và phê phán sự mơ hồ của nhiều người về những quan điểm và tư tưởng của phong kiến và tư
sản Việt đồng thời khẳng định tính chất khoa học và nhiệm vụ lịch sử của hệ ý thức giai cấp công nhân Việt Nam.
Cùng với bộ sách này cũng phải nhắc thêm đến một cuốn sách khác của giáo sư Trần Văn Giàu: Sự khủng hoảng
của chế độ nhà Nguyễn trước 1858.
h. Về truyền thống dân tộc: Giáo sư Trần Văn Giàu còn viết một cuốn sách lấy tên là: Giá trị tinh thần truyền thống
của dân tộc Việt Nam (mà tôi có hân hạnh viết lời đề tựa dài 40 trang). Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1980 và
xuất bản lần thứ hai năm 1993 dày 356 trang.
Trong khi phân tích và phê phán sâu sắc ý thức hệ phong kiến và tư sản trong bộ sách nói ở phần trên, giáo sư
Trần Văn Giàu lại khẳng định những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước
và giữ nước. Nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam chưa có một cuốn sách nào đã được trình bày một cách
khoa học sâu sắc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin như những cuốn sách của giáo sư Trần Văn Giàu.
i. Trong thời gian gần đây, giáo sư Trần Văn Giàu liên tục lao động khoa học. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng
khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư tập hợp xung quanh mình những nhà nghiên cứu có trình độ
cao để đẩy mạnh sự phát triển khoa học xã hội gắn liền với thực tiễn sôi động của sự nghiệp phát triển kinh tế xã
hội văn hoá tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Giáo sư chủ trì nhiều cuộc hội thảo, chủ biên nhiều cuốn sách. Chỉ nói riêng về tập Địa chí văn hoá thành phố Hồ
Chí Minh do giáo sư chủ biên, gồm 3 tập khổ lớn dày gần 1500 trang đã đề cập tới các chuyên đề lịch sử, văn
hoá, nghệ thuật. Đây thực sự là một cuốn Bách khoa thư của thành phố Hồ Chí Minh. Bộ sách không những chứa
đựng những kiến thức phong phú về thành phố mà còn cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho việc biên soạn
địa chí ở các tỉnh hiện nay.
Trên đây chỉ là giới thiệu những bộ sách coi như tiêu biểu của giáo sư Trần Văn Giàu trong khối lượng tác
phẩm đồ sộ của giáo sư. Suốt mấy chục năm làm công tác khoa học, giáo sư không chỉ biên soạn những tác

phẩm của mình mà còn góp phần lớn trong việc xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ. Rất nhiều nhà khoa học có
tiếng tăm hiện nay trên các lĩnh vực triết học, văn học, sử học, lấy làm vinh dự được coi là người học trò của giáo
sư Trần Văn Giàu.
GS. VŨ KHIÊU
Tạp chí Xưa & Nay

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×