Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Khảo cứu văn bản cần kiệm vựng biên của nguyễn đức đạt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (967.92 KB, 22 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

LÊ THỊ HƯƠNG

KHẢO CỨU VĂN BẢN CẦN KIỆM VỰNG BIÊN
CỦA NGUYỄN ĐỨC ĐẠT

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Hán Nôm

Hà Nội-2011


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

LÊ THỊ HƯƠNG

KHẢO CỨU VĂN BẢN CẦN KIỆM VỰNG BIÊN
CỦA NGUYỄN ĐỨC ĐẠT

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm.
Mã số: 60.22.40

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh

Hà Nội-2011



MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU.............................................. Error! Bookmark not defined.
PHẦN NỘI DUNG .......................................... Error! Bookmark not defined.
CHƯƠNG 1. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM CẦN KIỆM VỰNG BIÊN Error!
Bookmark not defined.
1.1. Tác giả Nguyễn Đức Đạt .................................Error! Bookmark not defined.
1.1.1. Bối cảnh lịch sử xã hội .................... Error! Bookmark not defined.
1.1.2. Quê hương, dòng họ, gia đình ........ Error! Bookmark not defined.
1.1.3. Học hành, đỗ đạt, đường công danh hoạn lộError! Bookmark not
defined.
1.1.4. Sự nghiệp giáo dục .......................... Error! Bookmark not defined.
1.1.5. Tổng quan trước tác của Nguyễn Đức ĐạtError! Bookmark not
defined.
1.2. Tình hình văn bản Cần kiệm vựng biên........Error! Bookmark not defined.
1.2.1. Bối cảnh sáng tác và niên đại hoàn thành tác phẩm ............Error!
Bookmark not defined.
1.2.1.1. Bối cảnh sáng tác ....................... Error! Bookmark not defined.
1.2.1.2. Niên đại hoàn thành tác phẩm .. Error! Bookmark not defined.
1.2.2. Mô tả các dị bản ............................... Error! Bookmark not defined.
1.2.3. Chọn bản để công bố ....................... Error! Bookmark not defined.
Tiểu kết ......................................................................Error! Bookmark not defined.
CHƯƠNG 2. NỘI DUNG VÀ GIÁ TRỊ TÁC PHẨM CẦN KIỆM VỰNG
BIÊN ................................................................. Error! Bookmark not defined.
2.1. Nội dung tác phẩm Cần kiệm vựng biên.......Error! Bookmark not defined.
2.1.1. Nội dung của Cần kiệm vựng biên với chữ CầnError! Bookmark
not defined.
2.1.1.1 Huấn cần ..................................... Error! Bookmark not defined.
2.1.1.2. Cần chính ................................... Error! Bookmark not defined.
2.1.1.3. Cần chức .................................... Error! Bookmark not defined.



2.1.1.4. Cần học....................................... Error! Bookmark not defined.
2.1.1.5. Cần nghiệp ................................. Error! Bookmark not defined.
2.1.2. Nội dung của Cần kiệm vựng biên với chữ “Kiệm” .............Error!
Bookmark not defined.
2.1.2.1. Huấn kiệm .................................. Error! Bookmark not defined.
2.1.2.2. Chủ kiệm .................................... Error! Bookmark not defined.
1.1.2.3. Phụ kiệm..................................... Error! Bookmark not defined.
1.1.2.4. Nho kiệm .................................... Error! Bookmark not defined.
1.1.2.5. Tập kiệm ..................................... Error! Bookmark not defined.
2.2. Giá trị của tác phẩm Cần kiệm vựng biên đối với xã hội ngày nay. Error!
Bookmark not defined.
2.2.1. Giá trị chính trị - xã hội................... Error! Bookmark not defined.
2.2.1. Giá trị đạo đức – giáo dục ............... Error! Bookmark not defined.
Tiểu kết ......................................................................Error! Bookmark not defined.
PHẦN KẾT LUẬN ......................................... Error! Bookmark not defined.
DANH MỤC TƯ LIỆU THAM KHẢO ........ Error! Bookmark not defined.
PHỤ LỤC ......................................................... Error! Bookmark not defined.


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Cần kiệm vựng biên 勤儉彙編 là một trong những tác phẩm tiêu biểu
của Nguyễn Đức Đạt, một Thám hoa, một danh nhân, một nhà giáo, một
nhân vật lịch sử có tiếng thời Nguyễn. Việc nghiên cứu về tác phẩm của ông
để tìm hiểu về con người, sự nghiệp cũng như tư tưởng, đạo đức và những
cống hiến của ông là việc làm vô cùng cần thiết. Đặc biệt là trong tình hình
hiện nay khi những công trình cũng như chuyên luận nghiên cứu về ông
chưa nhiều, chưa đầy đủ.

Để chuẩn bị cho đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ của mình,
chúng tôi đã tìm tòi những tư liệu có liên quan đến tác giả Nguyễn Đức Đạt
và tác phẩm Cần kiệm vựng biên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các
nguồn tài liệu khác. Trong quá trình tìm tòi và khảo sát ban đầu, chúng tôi
nhận thấy đây là tác phẩm thực sự có giá trị và mở ra rất nhiều điều lý thú,
nhiều hướng nghiên cứu mới về tác phẩm này cũng như những tác phẩm
khác trong hệ thống tác phẩm của Nguyễn Đức Đạt. Đồng thời hướng mục
đích chung là xây dựng cái nhìn vừa khái quát vừa đầy đủ về tác phẩm văn
học chữ Hán thời Nguyễn, cũng như nghiên cứu giá trị nội dung và tư tưởng
tác phẩm Cần kiệm vựng biên từ nhiều khía cạnh văn học, sử học, chính trị,
xã hội học và đạo đức học.
Cần kiệm vựng biên là một trong những tác phẩm chữ Hán có giá trị rất
lớn về chính trị, xã hội, đạo đức và văn học của cuối thế kỷ XIX. Nội dung
của cuốn sách chia làm 10 mục với 10 nội dung chính: 1. Huấn cần (lời dạy
về chuyên cần); 2. Cần chính (siêng năng trong việc trị nước); 3. Cần chức
(siêng năng trong chức vụ); 4. Cần học (siêng năng trong học tập); 5. Cần


nghiệp (siêng năng trong nghề nghiệp); 6. Huấn kiệm (lời dạy về tiết kiệm);
7. Chủ kiệm (sự tiết kiệm của người làm vua); 8. Phụ kiệm (Sự tiết kiệm của
quan chức); 9. Nho kiệm (sự tiết kiệm của nhà Nho); 10. Tập kiệm (rèn luyện
sự giản dị tiết kiệm). Mười chủ đề trên có ý nghĩa vô cùng to lớn không
những đối với xã hội đương thời mà còn có ý nghĩa với mọi thời đại, mọi
chế độ xã hội. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, những giá trị về cần, kiệm,
liêm, chính đang bị đảo lộn, sự quan liêu, lười nhác, xa hoa, lãng phí đang là
vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đó chính là những lý do
chúng tôi lựa chọn đề tài “Khảo cứu về tác phẩm Cần kiệm vựng biên của
Nguyễn Đức Đạt” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu
Về tác giả Nguyễn Đức Đạt và hệ thống tác phẩm của ông cũng đã có

rất nhiều các sách, báo, chuyên luận, một vài luận văn Thạc sĩ, một số lời
giới thiệu, trích dẫn trong các tổng tập…
Điển hình nhất là luận văn Thạc sĩ của Ngô Đức Thọ với đề tài Nguyễn
Đức Đạt nhà giáo và học giả nửa cuối thế kỷ XIX, năm bảo vệ 1978. Luận
văn giới thiệu một cách chi tiết, cụ thể về tất cả các thông tin về tác giả
nguyễn Đức Đạt, từ bối cảnh xã hội, gia đình, quê quán, hành trạng, cho đến
quá trình học hành, thi cử, đỗ đạt, đường công danh hoạn lộ, nhân cách,
cống hiến…Đồng thời luận văn này còn giới thiệu một cách tổng quát về
toàn bộ sáng tác của ông. Luận về một số tư tưởng nổi bật của Nguyễn Đức
Đạt như quan niệm về chữ “Đạo”, tư tưởng Nho giáo…
Ngoài ra có một số sách, báo, chuyên luận nghiên cứu và giới thiệu về
Nguyễn Đức Đạt điển hình như:
Ninh Viết Giao, Nhà giáo danh tiếng đất Lam Hồng: Nguyễn Đức Đạt
(1824-1887), Nxb Nghệ An, năm 1996.
Mai Vũ Dũng, Quan niệm cuả Nguyễn Đức Đạt về mối quan hệ giữa


đạo đức và pháp luật trong Nam Sơn tùng thoại, Tạp chí Triết học, năm
2001.
Nguyễn Thị Hương, Quan niệm về “Đạo” của Nguyễn Đức Đạt, báo
Văn hoá Nghệ An, ngày 14 tháng 4 năm 2010.
Các công trình thư mục học, từ điển như:
Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu (Trần Nghĩa - Francois
Gros chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. Giới thiệu xuất xứ của
sách Cần kiệm vựng biên, các ký hiệu sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Mục Người Đỗ Đạt, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Giới thiệu tóm tắt tiểu
sử Nguyễn Đức Đạt. Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên),
Nxb Văn Học, năm 1998.
Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm, Nxb KHXH,
năm 2002.

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá
Thông Nxb KHXH, năm 1992.
Cùng rất nhiều các bài viết khác.
Riêng về tác phẩm Cần kiệm vựng biên của Nguyễn Đức Đạt, cho đến
nay chưa thấy bất kỳ một bản dịch hay đề tài nghiên cứu cũng như sách, báo,
chuyên luận nào đề cập đến, có chăng chỉ là một vài bài báo, chuyên luận đề
cập sơ qua. Đây thực sự là một điều đáng tiếc cho một tác phẩm có giá trị
của một tác giả lớn cuối thế kỷ XIX như tác phẩm Cần kiệm vựng biên.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng của đề tài là tác phầm Cần kiệm vựng biên của Nguyễn Đức
Đạt. Cần kiệm vựng biên là một tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa rất lớn đối
với xã hội, nó là sự tổng kết quy chuẩn đạo đức của tiền nhân, đồng thời là
khuôn mẫu cho hành vi của mọi tầng lớp trong xã hội đương thời cũng như
xã hội hiện tại và tương lai. Tác phẩm Cần kiệm vựng biên của Nguyễn Đức


Đạt hiện có tổng cộng 4 dị bản hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán
Nôm với các kí hiệu VHv. 245, VHv. 707, VHv. 708, A.1418.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu xã hội, thời đại, thân thế và
sự nghiệp tác gia Hán Nôm Nguyễn Đức Đạt, cùng tìm hiểu những giá trị
nội dung tác phẩm Cần kiệm vựng biên của ông.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn này, chúng tôi đã sử dụng tổng hợp các phương
pháp chính sau:
Thứ nhất là phương pháp văn bản học: Đây là phương pháp truyền
thống của chuyên ngành Hán Nôm học. Bắt đầu từ việc sưu tầm văn bản của
tác phẩm, đến việc mô tả các dị bản, so sánh đối chiếu giữa các dị bản, tìm
ra những sai khác trong các dị bản…tiếp đến xác định tác giả, niên đại ra đời
tác phẩm, cuối cùng là xác định tính chân thực của văn bản, chọn bản nền
đáng tin cậy để phiên dịch.

Thứ hai là phương pháp phân tích tác phẩm: Thông qua phương pháp
này, chúng tôi tiến hành tìm hiểu giá trị nội dung, tư tưởng cũng như vị trí, ý
nghĩa của tác phẩm Cần kiệm vựng biên.
Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng những phương pháp nghiên cứu liên
ngành nhằm đáp ứng yêu cầu và mục đích của đề tài.
5. Những đóng góp của luận văn
1. Chỉ ra các vấn đề về nghiên cứu văn bản học, giải quyết một phần các
vấn đề đó, đóng góp cho công tác văn bản học Hán Nôm nói chung.
2. Nghiên cứu toàn diện về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Đức Đạt
với những thông tin cập nhật hiện nay.
3. Lần đầu tiên giới thiệu nội dung tác phẩm Cần kiệm vựng biên của
Thám hoa Nguyễn Đức Đạt.
4. Thông qua khảo sát, thống kê và phân tích nội dung tác phẩm Cần


kiệm vựng biên tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Đức Đạt.
5. Phiên dịch tác phẩm Cần kiệm vựng biên.


PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM CẦN KIỆM VỰNG BIÊN
1.1. Tác giả Nguyễn Đức Đạt
Nguyễn Đức Đạt 阮德達, tự là Khoát Như 豁如, hiệu là Nam Sơn
Dưỡng Tẩu 南山養叟, Nam Sơn Chủ Nhân 南山主人, Khả Am Chủ Nhân
可庵主人, sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng
Hoành Sơn, tổng Trung Cần, huyện Thanh Chương, nay thuộc xã Khánh
Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Lúc nhỏ, Nguyễn Đức Đạt học với cha là Nguyễn Đức Hiển, đến năm
19 tuổi mới bắt đầu đi học xa nhà. Khoa Đinh Mùi năm Thiệu trị thứ 7 (1847)
ông đậu Cử nhân trường Nghệ. Đến năm đầu niên hiệu Tự Đức ông từng vào

kinh đô thi Hội, đến năm Tự Đức thứ 6 (1853) đỗ Thám hoa.
Sau khi đỗ Thám hoa, Nguyễn Đức Đạt được bổ chức Thị giảng ở
Viện Hiền tập tại kinh đô Huế. Đến năm Quý Hợi (1863), ông được bổ chức
Đốc học Hà Nội, sau cải bổ làm chức Đốc học Nghệ An. Đến năm Ất Sửu
(1865) ông lại có chiếu triệu về kinh thăng chức Chưởng ấn Ngự sử ở Đô
Sát viện. Đến năm Kỷ Tỵ (1869), triều đình lại bổ ông giữ chức Đốc học
Nghệ An lần thứ 2, cuối năm Tân Mùi (1871) ông lại được điều đi giữ chức
Quyền Án sát tỉnh Thanh Hoá, đến tháng 7 năm Nhâm Thân (1872) lại có
chỉ triệu ông trở hại chức Đốc học Nghệ An lần thứ 3. Về Nghệ An được vài
ngày ông lại được thăng chức Bố chánh sứ kiêm lĩnh chức Tuần phủ Hưng
Yên.
Mặc dù đường hoạn lộ của Nguyễn Đức Đạt rất hanh thông nhưng gặp
phải thời buổi nhiễu nhương, loạn lạc, ông không mặn mà lắm với công
danh lợi lộc mà chỉ tâm huyết với nghề dạy học, bồi dưỡng nhân tài cho xã


hội. Đến cuối tháng 2 năm Bính Tý (1876) ông lấy cớ đau ốm cáo quan về
quê, từ đây ông gắn cuộc đời với nghề dạy học và sáng tác văn chương.
Sáng tác của ông gồm cả thơ, phú, biểu, ký, khải, thuyết, văn tế… với
số lượng lớn và có giá trị. Ông sáng tác và biên soạn với mục đích chủ yếu
là để phục vụ việc dạy học, ngoài ra cũng là để biểu thị tư tưởng, quan điểm,
cách nhìn nhận của ông về các mặt chính trị, xã hội, lịch sử, triết học… và
để giải bày tâm hồn, tình cảm của một thi nhân trước nhân tình, thời cuộc.
Các tác phẩm tiêu biểu gồm có: Các sách dùng trong dạy học như: Nam
Sơn song khoá phú tuyển 南山窗課賦選, Nam Sơn song khoá chế nghĩa 南
山窗課制義, Nam Sơn di thảo 南 山 遺 草, Khả Am văn tập 可庵文集, Vịnh
sử thi tập 詠史詩集, Việt sử thăng bình 越史塍評; Các công trình văn thơ,
triết học, sử học có giá trị như: Nam Sơn tùng thoại 南 山 叢 話, Hồ dạng
thi tập 胡樣詩摺, Hà trì dạ tập 荷池夜集, Cần kiệm vựng biên 勤儉彙編,
Khảo cổ ức thuyết 考古臆說 và một số tác phẩm lẻ khác.

1.2. Tác phẩm Cần kiệm vựng biên
1.2.1. Bối cảnh sáng tác và niên đại hoàn thành tác phẩm
Về hoàn cảnh sáng tác: Cần kiệm vựng biên thực chất là một tác phẩm
thuộc thể loại sách gia huấn, tức sách dùng để giáo dục, răn dạy con cháu
trong gia đình. Thời xưa những gia đình danh gia vọng tộc, trí thức, có
truyền thống khoa bảng thường rất coi trọng nền tảng gia đình, luân thường
đạo lý, chuẩn mực xử thế, đạo đức làm người... Do vậy, mỗi gia tộc đều có
những cuốn sách thuộc thể loại gia huấn lưu hành trong nội bộ gia tộc mình
để răn dạy các thành viên trong gia tộc. Tác giả của những cuốn sách này
thường là những người có tri thức, có địa vị trong gia tộc và xã hội. Bản thân


người viết (soạn, dịch) cũng chính là tấm gương, là mẫu mực về nếp sống,
hành vi, đạo đức, đối nhân xử thế... cho các thành viên trong gia tộc. Bản
thân họ phải là những người thực hiện được tất cả các nguyên tắc, các chuẩn
mực, các tiêu chí trong sách gia huấn. Có như vậy cuốn sách viết ra mới có
giá trị, mới được các thành viên trong gia tộc quý trọng và tuân theo. Cuốn
Cần kiệm vựng biên của Nguyễn Đức Đạt không nằm ngoài quy luật trên.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng tại Đà Nẵng, nhanh chóng
chiếm đóng Nam kỳ. Ngoài mâu thuẫn dân tộc, vấn đề xung đột tư tưởng
trong xã hội Việt Nam trở nên nổi trội và gay gắt hơn bao giờ hết. Sau gót
giày của quân xâm lược thực dân Pháp là sự lấn chiếm ồ ạt của tư tưởng
ngoại lai Âu châu, một thứ tư tưởng vốn rất xa lạ với người phương Đông
nói chung và người Việt Nam nói riêng - những con người đã ăn đời ở kiếp
với tư tưởng Nho giáo, đặc biệt là tầng lớp sĩ phu đọc sách thánh hiền. Kết
quả là những giá trị chuẩn mực đạo đức Nho giáo cổ truyền bị lung lay, lối
sống theo lề thói cũ vốn được coi là quy chuẩn bị đảo lộn, sự tha hoá trong
đội ngũ quan lại, những thước đo hành vi như cần, kiệm, liêm, chính bị mất
gốc. Là một sĩ phu yêu nước, trung thành với chế độ, với tư tưởng Tống nho,
Nguyễn Đức Đạt không thể dửng dưng trước hiện thực xã hội. Đây chính là

những hoàn cảnh và lý do trực tiếp khiến Nguyễn Đức Đạt soạn Cần kiệm
vựng biên.
Về niên đại hoàn thành: Đối với văn bản Cần kiệm vựng biên thì rất
may là đã có được đầy đủ về thời điểm biên soạn, bình luận và viết lời tựa
cũng như thời điểm khắc in của văn bản.
Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu thì văn bản Cần kiệm
vựng biên được biên tập, bình luận, viết lời tựa vào năm Tự Đức thứ 23
(1870).
Theo Ngô Đức Thọ trong luận văn Thạc sĩ đề tài: Nguyễn Đức Đạt, nhà


giáo và học giả nửa thế kỷ XIX thì văn bản Cần kiệm vựng biên được hoàn
thành vào tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870).
Theo lời tựa ngay đầu văn bản Cần kiệm vựng biên của chính tác giả đề
là “Tự Đức nhị thập tam niên Canh Ngọ, mạnh thu, sóc đán” ( mùng 1 tháng
8 năm Tự Đức thứ 23)
Trang bìa văn bản Cần kiệm vựng biên, dòng chữ triện ngang trên cùng
đề “嗣 德 辛 巳 季 秋 恭 鐫” Tự Đức Tân Tỵ quý thu cung tuyên (cung
kính khắc in vào cuối thu, tháng 10 năm Tân Tỵ (1881) niên hiệu Tự Đức).
Theo những khảo sát như trên chúng tôi đi đến kết luận văn bản Cần
kiệm vựng biên được hoàn thành vào tháng 8 năm 1870 và đến tháng 10 năm
1881 được khắc in.
1.2.2. Mô tả các dị bản
Các dị bản của Cần kiệm vựng biên theo khảo sát của chúng tôi, cho đến
nay vẫn chưa có bản dịch sang chữ Quốc Ngữ. Các dị bản đều là bản in bằng
chữ Hán, theo lối chữ chân. Do vậy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi
trong luận văn này là các dị bản chữ Hán của Cần kiệm vựng biên, hiện đều
đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Hiện các dị bản của Cần kiệm vựng biên được lưu trữ tại Viện Nghiên
cứu Hán Nôm gồm 4 bản in mang các ký hiệu:

1. A.1418: 126tr, 27 x14, in.
2. VHv.245: 126tr, 27 x 14, in
3. VHv.707: 126tr, 20 x 12, in
4. VHv.708” 126tr, 27 x 14
Bốn dị bản này có đặc điểm chung là đều là bản in, đều có 63 tờ = 126
trang (chưa kể trang bìa), mỗi trang có 8 dòng chữ to, mỗi dòng có tối đa 22
chữ to, chữ nhỏ là chú thích, giải thích kèm theo, dòng chữ nhỏ in chen vào


giữa hai dòng chữ to. Cả bốn dị bản đều có một tựa, một mục lục, đều chia
thành 10 quyển, tên các quyển hoàn toàn giống nhau.
Phần nội dung chia thành 10 quyển lần lượt là:
- Quyển 1: Huấn cần, tổng cộng 10 trang
- Quyển 2: Cần chính, tổng cộng 5 trang
- Quyển 3: Cần chức, tổng cộng 14 trang
- Quyển 4: Cần học, tổng cộng 12 trang
- Quyển 5: Cần nghiệp, tổng cộng 8 trang
- Quyển 6: Huấn kiệm, tổng cộng 13 trang
- Quyển 7: Vương kiệm, tổng cộng 22 trang
- Quyển 8: Phụ kiệm, tổng cộng 22 trang
- Quyển 9: Nho kiệm, tổng cộng 7 trang (1 trang trắng)
- Quyển 10: Tập kiệm, tổng cộng 8 trang
Tổng hợp thông tin từ các dị bản
STT

Ký hiệu Kích

Số

số


Quyển

Tựa Mục

sách

thước

trang

quyển

1

A.1418

27 x 14 126

10

1,2,3,4,5,6,7,8,9,10

1

1

2

VHv.245 27 x 14 126


10

1,2,3,4,5,6,7,8,9,10

1

1

3

VHv.107 20 x 12 126

10

1,2,3,4,5,6,7,8,9,10

1

1

4

VHv.708 27 x 14 126

10

1,2,3,4,5,6,7,8,9,10

1


1

lục

Qua quá trình khảo sát kỹ lưỡng 4 bốn dị bản của văn bản Cần kiệm
vựng biên chúng tôi nhận thấy: Nhìn chung 4 dị bản về cơ bản là giống nhau,
các bản đều đầy đủ tựa, mục lục, nội dung. Trong 4 bản chỉ cho duy nhất bản
VHv.707 là có kích thước và chất liệu giấy khác với 3 bản còn lại. Trong 4
bản chỉ có bản VHv.708 là có chấm câu, có khuyên tròn, cả 4 bản về nội
dung hoàn toàn đồng nhất.
1.2.3. Chọn bản để công bố
Sau khi tiến hành khảo sát lỹ lưỡng bốn dị bản của Cần kiệm vựng biên


được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi nhận thấy bản
VHv.708 là bản tốt nhất, đáng tin cậy nhất. Bản này có thể ra đời cùng thời
điểm với các bản A.1418 và VHv 245 nhưng bản này có ưu điểm là đã được
hiệu điểm và kiểm duyệt. Căn cứ vào các nguyên tắc công bố một văn bản
Hán Nôm, chúng tôi chọn bản VHv.708 làm bản nền nghiên cứu và công bố
cho văn bản Cần kiệm vựng biên.


CHƢƠNG 2: NỘI DUNG VÀ GIÁ TRỊ TÁC PHẨM CẦN KIỆM VỰNG
BIÊN
2.1. Nội dung tác phẩm Cần kiệm vựng biên
Cần kiệm vựng biên là một tác phẩm vựng tập, tập hợp thành từ hàng
ngàn các trích dẫn từ các sách kinh, sử, tử, tập của Trung Quốc về hai nội
dung chính là chữ cần và chữ kiệm. Sách chia thành 10 chủ điểm, cũng là 10
nội dung mà tác giả xem là quan trọng nhất: 1. Huấn cần (lời dạy về chuyên

cần; 2. Cần chính (chuyên cần trong việc trị nước); 3. Cần chức (chuyên cần
trong chức vụ); 4. Cần học (chuyên cần trong học tập); 5. Cần nghiệp
(chuyên cần trong nghề nghiệp); 6. Huấn kiệm (lời dạy về tiết kiệm); 7. Chủ
kiệm (sự tiết kiệm của người làm vua); 8. Phụ kiệm (sự tiết kiệm của quan lại;
9. Nho kiệm (sự tiết kiệm của nhà Nho); 10. Tập kiệm (rèn luyện sự tiết
kiệm).
Tuy là tác phẩm vựng tập, nhưng bằng sự khéo léo của mình tác giả đã
đưa những trích dẫn từ các sách Trung Quốc cổ tập hợp theo từng chủ điểm
theo ý của mình, khiến cho những trích dẫn từ các sách khác nhau cùng
hướng đến một nội dung giống nhau, xoá nhoà đi sự cứng nhắc của một tác
phẩm vựng tập. Các chủ điểm thường được tạo thành từ các trích dẫn ngắn
nhưng vẫn đầy đủ nội dung, phần lớn là liệt kê những lời giáo huấn, những
tấm gương, những mẫu hình đáng học hỏi có thật trong lịch sử Trung Quốc
về việc thực hiện cần, kiệm, cùng và những ý kiến nhận xét riêng của người
vựng tập.
2.1.1. Nội dung của Cần kiệm vựng biên với chữ Cần
Những điển hình, những lời răn dạy của người xưa về sự chuyên cần
được ghi chép lại trong các sách kinh, sử, tử, tập của Trung Quốc được
Nguyễn Đức Đạt vựng tập thành bốn chủ điểm chính, cũng là bốn lĩnh vực


mà theo ông không thể thiếu được chữ cần, đó là: Cần chính, là chuyên cần
trong việc trị nước; Cần chức, là chuyên cần trong chức vụ; Cần học, là
chuyên cần trong việc học tập và Cần nghiệp, là chuyên cần trong nghề
nghiệp.
Với bốn chủ điểm này, mục đích của tác giả là đề cao tầm quan trọng,
sự cần thiết của chữ cần đối với tất cả các đối tượng thuộc các tầng lớp, giai
cấp khác nhau trong xã hội từ vua chúa, quan lại, trí thúc cho đến dân
thường. Vua thì chuyên cần, gắng sức trong việc trị nước, giữ vững vận
mệnh dân tộc; quan thì chuyên cần, nỗ lực trong chức vụ của mình, chăm lo

đời sống nhân dân; trí thức thì chuyên cần, kiên trì trong việc dùi mài kinh
sử, tương lai có thể đóng góp tài trí cho đất nước; dân thường thì chuyên cần,
cố gắng trong nghề nghiệp của mình. Thương nhân thì siêng năng buôn bán
tạo ra lợi nhuận, thợ thủ công thì siêng năng lao động sáng tạo làm ra những
sản phẩm tinh xảo, nông dân thì siêng năng cày cấy, tạo ra lương thực thực
phẩm... Sự chuyên cần, nỗ lực của từng thành viên sẽ tạo nên sự cường thịnh
cho cả dân tộc, cả đất nước.
Trong phần nói về chữ cần này, Nguyễn Đức Đạt cũng trực tiếp liệt kê
những tấm gương điển hình về sự chuyên cần, chăm chỉ trong lịch sử Trung
Quốc dưới hình thức trích dẫn, mỗi trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng, chủ
yếu là từ các sách như kinh, sử, truyện... Các trích dẫn được sắp xếp theo
logic nội dung, nghĩa là các trích dẫn có nội dung gần giống nhau được xếp
gần nhau, tạo nên sự nhuần nhuyễn, liền mạch của tác phẩm, tạo nên giá trị
liên tưởng rất cao.
2.1.2. Nội dung của Cần kiệm vựng biên với chữ “Kiệm”
Cũng tương tự như phần bàn về chữ “cần”, phần bàn về chữ “kiệm” này
Nguyễn Đức Đạt cũng chia thành năm nội dung chính, ngoài phần Huấn
kiệm là lời răn dạy chung về đức tính tiết chế, giản dị, sự cần thiết cùng tầm


quan trọng của phẩm chất đạo đức tốt đẹp này và phần “Tập kiệm” bàn về sự
thực hành và rèn luyện đức tính tiết kiệm, ba phần còn lại bao gồm “Chủ
kiệm” (sự tiết kiệm của người làm vua - người lãnh đạo), “Phụ kiệm” (sự tiết
kiệm của người phụ tá – viên chức) và “Nho kiệm” (sự tiết kiệm của nhà
Nho – trí thức). Đây là ba đối tượng mà Nguyễn Đức Đạt cho là cần phải
thực hành chữ “kiệm” nhất, bởi đây là những đối tượng mà tư tưởng và hành
động của họ có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn thể xã hội.
2.2. Giá trị của tác phẩm Cần kiệm vựng biên đối với xã hội ngày nay
Cần kiệm vựng biên là tác phẩm vựng tập của Thám hoa Nguyễn Đức
Đạt, ra đời cách đây hơn một thế kỷ. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh chế độ

Phong Kiến Việt Nam đang đi dần đến bờ vực tan rã, nội bộ giai cấp thống
trị bộc lộ rất nhiều dấu hiệu mục ruỗng, sự thay vua đổi chúa gần như
chuyện cơm bữa, tầng lớp quan lại ngày càng sa đà vào thói lười nhác, xa xỉ,
chỉ lo vun vén cho quyền lợi cá nhân, đời sống nhân dân ngày càng rơi vào
bế tắc và cùng khổ. Là một nhà Nho cũng là một quan lại có tâm, Nguyễn
Đức Đạt tự ý thức được trách nhiệm của mình, trách nhiệm đó trước hết là
đối với nhân dân, sau đó là đối với hiện thực xã hội.
Thực hiện trách nhiệm của mình đối với nhân dân được thể hiện trong
suốt cuộc đời làm quan của Nguyễn Đức Đạt bằng rất nhiều hành động thiết
thực, tiêu biểu như việc dâng sớ trần tình về việc đê điều, dâng sớ xin hoãn
thu thuế theo lệ mới cho dân, chăm lo đến đời sống sản xuất của dân. Bên
cạnh đó Nguyễn Đức Đạt còn tham gia với một tinh thần rất quyết tâm và
kiên cường trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ngay cả lúc ông còn
tại chức và khi đã từ quan về quê dạy học.
Thực hiện trách nhiệm đối với hiện thực xã hội, bên cạnh việc gắn bó
cuộc đời với nghiệp dạy học, bồi dưỡng nhân tài, Nguyễn Đức đạt còn cống
hiến bằng việc sáng tác và vựng biên. Ông đã để lại nhiều tác phẩm thực sự


có giá trị, một trong số đó là Cần kiệm vựng biên. Tác phẩm với những nội
dung giáo huấn về hai đức tính cần, kiệm (cụ thể như chúng tôi đã trình bày
ở phần đầu chương 2) không chỉ có giá trị và ý nghĩa đối với xã hội đương
thời mà còn y nguyên giá trị đối với xã hội ngày nay và cả trong tương lai.
Bên cạnh giá trị về chính trị xã hội, tác phẩm còn là những lời giáo huấn về
đạo đức, nhân cách và còn mang giá trị giáo dục sâu sắc đối với tất cả mọi
người, đặc biệt là thế hệ trẻ.


PHẦN KẾT LUẬN
Di sản Hán Nôm mà ông cha ta để lại nói chung và hệ thống tác phẩm

của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt nói riêng là tinh hoa của một dân tộc có bề
dày văn hiến hàng ngàn năm, là sản phẩm tinh thần của một quá trình tìm tòi,
sáng tạo không ngừng nghỉ. Nó có cùng một vận mệnh với đất nước, với lịch
sử dân tộc nên không thể tránh nổi nhiều phen thăng trầm, chìm nổi. Cho
nên việc sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá, kiểm định giá trị của văn bản Hán
Nôm trở thành một nhiệm vụ quan trọng đồng thời cũng là thách thức rất lớn
đối với công tác nghiên cứu Hán Nôm, công tác văn bản học Hán Nôm, đặc
biệt là thế hệ trẻ.
Với một tác gia lớn nửa cuối thế kỷ XVIII như Thám hoa Nguyễn Đức
Đạt, hệ thống tác phẩm của ông không chỉ đồ sộ về số lượng mà còn thực sự
có giá trị về mọi mặt trong đời sống xã hội, không chỉ đối với xã hội đương
thời mà hiện tại và tương lai, những tác phẩm của ông vẫn rất đáng được
thưởng thức, học tập và nghiên cứu. Không chỉ có thế, một bộ phận sáng tác
của ông còn mang nội dung răn dạy về mặt đạo đức, lối sống, tuy dựa theo
tiêu chuẩn của xã hội phong kiến nhưng xét về giá trị đạo đức truyền thống
của dân tộc thì nó không bao giờ lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày
nay, những giá trị đạo đức đó càng cần được tuyên dương.
Dựa trên tinh thần đó, luận văn của chúng tôi đã trình bày và bước đầu
giải quyết được những vấn đề như sau:
Thứ nhất là giới thiệu tóm tắt về thân thế và sự nghiệp sáng tác của
Nguyễn Đức Đạt thông qua sự tổng hợp các thông tin từ sách, báo, tài liệu
viết về cuộc đời, sự nghiệp của ông.
Thứ hai là cho thấy rõ tình hình thực tế của văn bản Cần kiệm vựng biên:
Số lượng các dị bản hiện còn, tình hình, đặc điểm cụ thể của từng dị bản, sự


giống và khác nhau của các dị bản, chọn ra bản tốt nhất để nghiên cứu và
công bố.
Thứ ba, cũng là phần chủ yếu nhất, đem đến một cái nhìn tổng quát và
cụ thể về nội dung của toàn bộ tác phẩm Cần kiệm vựng biên thông qua

mười mục tương ứng với 10 chủ điểm theo đúng trật tự trình bày của
Nguyễn Đức Đạt. Qua đó làm rõ tư tưởng, nguyện vọng, yêu cầu của nhà
Nho Nguyễn Đức Đạt đối với tất cả các thành phần, tầng lớp trong xã hội, từ
vua quan cho đến thứ dân.
Nêu bật tầm quan trọng cũng như giá trị của Cần kiệm vựng biên về
chính trị xã hội, về đạo đức giáo dục đối với xã hội đương thời và đặc biệt là
đối với xã hội ngày nay.
Từ thực tế của việc nghiên cứu văn bản Cần kiệm vựng biên, căn cứ vào
những điều mà luận văn đã làm được và chưa làm được, chúng tôi cho rằng
tác phẩm này có thể mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo đo là nghiên
cứu hệ thống văn bản Hán Nôm về ”huấn đạo” ở Việt Nam trong đó có thể
vựng tập.
Thông qua đề tài nghiên cứu nghiên cứu văn bản Cần kiệm vựng biên
của Nguyễn Đức Đạt, người viết đã cung cấp một cái nhìn khái quát nhất về
tình hình văn bản học của Cần kiệm vựng biên. Đồng thời còn góp phần cho
người đọc hình dung được một cách tổng quan về nội dung của toàn bộ tác
phẩm cũng như những giá trị mà tác phẩm mang lại đối với xã hội đương
thời, hiện tại và tương lai. Cùng với nguyên bản và bản dịch tác phẩm mà
chúng tôi sẽ cung cấp ở phần phụ lục, luận văn xem như là vốn tư liệu ban
đầu cho người nghiên cứu về Cần kiệm vựng biên và hệ thống tác phẩm của
Nguyễn Đức Đạt.
Do năng lực và thời gian hạn hẹp nên những điều mà luận văn làm được
chỉ là đóng góp khiêm tốn trong công tác nghiên cứu Hán Nôm. Chúng tôi


hy vọng đó chỉ là bước đầu, bước gợi mở để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tỉ mỉ
hơn nữa và nhiều hướng nghiên cứu hơn nữa đối với văn bản này, để từ đó
có thể nhiều đóng góp hơn nữa vào việc nghiên cứu hệ thống các trước tác
của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt nói riêng và di sản Hán Nôm thời Nguyễn
Nói chung, nhằm làm ngày càng đầy đủ hơn diện mạo của di sản Hán Nôm

Việt Nam. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, chỉ bảo của tất cả quý độc
giả đặc biệt là các chuyên gia trong ngành để chúng tôi có thể hoàn thiện
hơn trong những công trình nghiên cứu tiếp theo.



×