Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

TRUYỆN NGẮN DÒNG KÊNH BỎ BÃI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (52.73 KB, 3 trang )

Truyện ngắn: DÒNG

KÊNH BỎ BÃI XA BỜ
Lê Xuân Dị - Cà Mau

Men theo con nước lớn ròng, người dân xứ này đã quá quen thuộc với hình
ảnh người đàn bà chân đất, đầu trần đi thẫn thờ dưới trời nắng oi ả. Họ thì thầm với
nhau, họ nói gì thế nhỉ? Họ đưa nhau ánh mắt đầy ái ngại, đầy tò mò, mặc cho tà áo
sờn màu kia dần khuất sau mấy chạn đước um tùm. Nhìn thấy mà biết: Đời bà ấy
khổ!
Người ta quen gọi bà là bà Năm Lặt. Cái tên nghe có sự vận động tay chân,
mang hơi thở bùn lầy nước mặn. Từ khi dòng nước ngọt chia tay đầy vẻ bịn rịn với
ruộng đồng cây lúa, người ta thấy sự thay áo mới với vùng kênh nghèo, phèn nhuộm
tay bao đời. Và sự thay đổi trong vùng kinh tế mới cũng là lịch sử cuộc đời sang trang
đối với người đàn bà bất hạnh.
Người ta sống bon chen, hời hợt, mấy khi lắng lòng để gợi nhớ về một thời quá
khứ ! Không phải của mình mà là của người khác, của người khổ trên tận cùng nỗi
khổ ! Mấy đời cha ông bà Năm Lặt sống bám lúa, bám làng, dù có chuyển dịch cơ
cấu đi chăng nữa, bà vẫn trụ lại mảnh đất ông cha mong hương khói ấm linh hồn
người khuất mặt. Những tưởng mái nhà của bà ấm áp khi nếp tẻ đề huề...đằng này.
Khi người đầu ấp tay gối thay đổi tư tưởng thì họ dùng bao lời khó nghe nhằm biện
minh cho việc ngán cơm thèm phở của chính họ. Và chồng bà cũng thế. Người ta
bảo : người phụ nữ không ở với chồng hay li dị với chồng là bị chồng chê- quan niệm
bảo thủ, cho nên nhiều người đã cắn răng chịu đựng kiếp sống đồng sàng dị mộng,
sống theo vẻ ngoài hạnh phúc còn bên trong đã mục ruỗng. Bà Năm cũng nằm trong
số đó.
Theo con nước lớn ròng, thời gian phòng không chiếc bóng đã qua. Nhìn khói
hương nghi ngút trên bàn thờ mới tinh còn bay mùi sơn phủ, bà như thất thần, nước
mắt rơi vô ý thức. Bà không khóc vì thương người đã khuất, bà khóc vì thương cho
cuộc đời của bà. Bà vẫn nhớ...
..........


Khi bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu xa, bà ngậm ngùi nuôi con. Bà con xóm
giềng cứ bảo : sao bà ấy không tìm, không xé xác con nhỏ giựt chồng người ta một
trận, cứ nín thinh thít ; hoặc đại loại : chồng gì bạc ác, ăn ở ngần ấy con mà bỏ cho
đành, mai này lại mò về cho xem...
Người ta nói nhiều lắm. Như một trận bão mồm, người ta cứ nói, bà cứ nghe.
Bà không nói gì, chỉ cười nhạt, nói gì bây giờ. Đánh ghen ư ? Để được gì ? Người ta
có còn yêu thương mà quay về với mái nhà này không ? Bà còn nhớ như in, việc vợ
ông có máu mặt trong làng, đánh ghen chồng bằng cây dằm khi hai người tằng tịu với
nhau, đánh cho mạnh vào, cho hả hê cơn bực tức bấy lâu, phần vì muốn dằng mặt ông
chồng, nhưng rồi mang tội hành hung người khác, xóm giềng cười chê cả họ. Cũng
chả được tích sự gì. Có người rạch mặt người khác bằng lưỡi lam, dấu hằng thời gian
có qua, song vết sẹo ấy tố cáo thêm nỗi nhục nhã ê chề về người phụ nữ xấu
tính...Nhưng người đàn ông ấy có đáng để bà liều mình, có đáng để cho cơ hội quay


về ? Bà chọn cách im lặng. Vâng, chỉ im lặng. Bà chỉ nghĩ rằng : hết duyên hết nợ thì
ép uổng người ta làm gì.
Qua hơn 20 năm, ngần ấy thời gian cũng đủ làm xộp con người ta, nhất là
người có tâm sự. Gương mặt bà Năm càng gầy guộc, hốc hác, xơ ra như quả mướp
khô đầu giàn. Bà càng ít nói hơn. Bà thường đi, thường về cô độc. Chân đất, gót chân
đã nứt nẻ, khô sần sùi, dù mùa hạn hay mùa mưa bà vẫn đi đều đặn. Bà ít ở nhà, dù
các con bà vẫn bình thường sau biến cố gia đình. Bà sợ cảnh nhà, sợ thấy lại giây
phút bên chồng ngày nào, sợ sự phản bội. Bà chọn cách giải thoát đơn giản cho đời
mình là đi tìm người tâm sự. Cuối cùng bà tìm được người phụ nữ có hoàn cảnh như
bà. Hai người phụ nữ khổ đau gặp lại, họ nói chuyện gì nhỉ ? Có trời mới biết. Nhưng
cứ mỗi lần trò chuyện xong, hai bà cứ cười rộn lên. Nụ cười của sự đồng cảm !
----------Con nước ròng rồi men theo con nước lớn. Những khi nước lớn sao ăm ắp phù
sa, người ta cảm thấy thoải mái vô ngần. Những con sóng tham lam cứ thi nhau chạy
nhanh vào bờ và ôm nhẹ nhàng lấy những thân đước khẳng khiu. Chúng cứ đều đặn.
Rồi khi con nước dần lui, bỏ lại dòng kênh ngây ngất màu của bãi bồi, màu phù sa

lắng lại, một sự cô độc đáng sợ. Nước ròng là dòng kênh sẽ thu hẹp lại, muốn di
chuyển thuyền bè cũng khó khăn, cái cảm giác ngợp, xa xăm, tù túng cứ hiện lên
trong bà. Bà cũng như bãi nọ, cũng bị dòng nước cuốn phăng và thu hẹp dần niềm vui
lẽ sống. Trong khi ai kia đang hạnh phúc, say sưa niềm vui mới, bà lại chèo chống,
sớm hôm còng lưng nuôi hai con. Nước lớn bà đi giăng lưới, đặt lú dưới sông, mong
kiếm thu nhập lo cho hai con. Người ta đi biển có đôi, bà chỉ có một thân một mình!
Khi nước ròng người dân xứ này vẫn quen thuộc với bóng dáng khom khom mò trên
bãi bồi những chú sò huyết con, bà cũng mang đi bán đổi tiền mua gạo, mua thuốc
thang cho con.
Những đêm trăng tỏ, màu tinh khôi gợi sự nhớ nhung càng dồn nén. Đêm nào
bà cũng khóc. Bà khóc trong trạng thái ức chế, không tiếng động, không tiếng ré lên,
chỉ đơn thuần là dòng nước mắt rơi dài và lăn méo xệch trên gương mặt đang cố chịu
đựng niềm đau. Bà đau lắm. Bà hận lắm. Bao giờ thôi hết khổ. Bờ vai bà run lên bần
bật. Thời ấy làm gì có điện thoại hay thư từ gì. Chỉ biết rằng, đã đi là biền biệt!
Những lúc nỗi nhớ đan xen niềm đau như thế, bà chỉ cầm gáo nước dội vào mình, dội
vào đầu, vào thân thể gầy guộc…thế thì không ai biết bà đang khóc dưới trăng! Có
người tình cờ thấy, bảo bà bị điên. Người ta nhìn bà với cặp mắt sờ sợ, ngại ngùng.
Thoảng nghe câu hát chị nhà bên ru con:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Người ra đi như cơn gió, chỉ người ở lại với nghĩa vụ phải lo, phải nghĩ, khổ
thân bà biết mấy. Cực thân nhất là khi nhà hàng xóm qua mắng vốn:
- Bà dạy con kiểu gì mà tối ngày nó qua nhà tôi nó phá thế. Thân không cha thì
sống đàng hoàng cho làng xóm thương.
Chỉ nghe tiếng trả lời gãy gọn: Xin lỗi, xin lỗi…
Nhìn con người ta ăn mặc bảnh tỏn, bà ham lắm, bà nhìn lại con mình, chúng
lem luốc quá, nhưng có thương cách mấy cũng không ngốc đầu lên được vì kinh tế bà
rơi vào dạng cùng đinh nhất xóm. May mà ngày lớn con bà biết chí thú mần ăn, lo có



dư với thiên hạ, từ đó bà nhẹ lòng. Rồi con bà cũng cưới được vợ. Những tưởng bà an
hưởng tuổi già, được sống an nhàn chuỗi ngày còn lại. Nào ngờ…
------ Bà Năm đâu rồi, bà Năm ơi!
Không cần nhìn mặt, nghe tiếng cũng biết bà Béo cuối xóm. Sáng chưa mở mắt
mà nghe tiếng điếc cả tai, bà chạy như ma đuổi vào ngay nhà bà Năm.
Không biết nói gì mà thấy bà quơ tay, múa chân như xiếc, rồi thấy bà Năm
ngồi phịch xuống bộ ván còng teo tóp…
- Trời ơi là trời!
Số là con dâu bà bỏ nhà trốn theo người khác, để lại cho bà hai đứa cháu thơ
dại. Đời bà chưa hết khổ. Nhìn hai cháu ngây thơ, ngủ say, miệng đang cười tủm tỉm,
bà khóc như ai đó đang tát mạnh vào mặt mình. Cháu bà không có tội! Tại chữ duyên
nợ hay tại gia cảnh cơ hàn của bà đã khiến gia đình bé nhỏ của con bà tan nát. Bà biết
nói sao với con trai bà, thấy thương con giờ này đang còng lưng làm thuê làm mướn
cho người ta, ăn quán ngủ đình nào có quản, mong lo cho mái ấm…vậy mà.
--------Thế là từ ngày đó, người xóm trên hay xóm dưới đều thấy ba dáng người,
người bà đi trước, hai đứa cháu đi theo sau, khắp xóm, ai thấy cũng thương. Ánh
nắng chiều cứ soi rõ dáng lẫm lũi suốt con đường quê phèn mặn. Rồi mọi chuyện
cũng an phận. Ngặt sao có chuyện như thế, bà lại bớt buồn về mình, dường như bà
dồn tâm trí lo cho hai đứa cháu thơ dại. Hàng xóm cho gì, tặng gì bà cũng dành cho
chúng. Bà thương chúng như thương chính cuộc đời của bà, của con bà.
Rồi theo thời gian, con nước lớn cũng tắm táp chúng lớn khôn theo mỗi độ lớn
ròng. Biết bao lần chúng nhìn sông, đón đò, đợi chuyến xe ngang nhà…chúng hi
vọng mẹ nó sẽ quay về thăm chị em nó, cổ như muốn dài ra, niềm tin cứ mong manh
dần…
Cho đến một ngày, người ta thấy đứa con trai bà Năm đưa về một ông lão bệnh
tật, gầy yếu. Không ai nhận ra ông ấy. Ông Năm ngày nào giờ như một bó củi khô
mùa hạn. Ông chỉ phì phào, nói chẳng nên lời, tay chỉ chỉ điều gì đó. Dù biết lá rụng
về cội, nhưng người đời vẫn trách, vẫn đau. Sinh thời khỏe mạnh rũ bỏ người thân,
quên đi ân nghĩa vợ chồng, khi mỏi gối chồn chân lại mang thân xác rã rời về…tìm
nơi an nghỉ. Hỏi nhau rằng: thiệt thòi và đau đớn nhường nào cho người đàn bà kia?

Không hơn nửa tháng, ông Năm mất. Lại một lần nữa ông bỏ rơi bà. Lần này
ra đi và mãi mãi ông không quay lại. Bà không nói là tha thứ cho ông, nhưng cũng
không kể lể là thương ông. Nhưng bà vẫn khóc. Vẫn nhìn dòng kênh đang rút dần,
hẹp dần khi con nước ròng. Bãi bồi trơ ra, phơi lì ở mặt sông, như đời bà mãi chịu cô
đơn. Bà không trách số phận, không trách ai, chỉ mong dòng nước lớn mau trở lại để
mặt sông ngan ngát sức sống, đơn giản thôi nhưng sao khó quá. Dòng kênh vẫn tìm
cách xa bờ, bãi cứ trơ ra…trơ ra càng thêm não nuột lòng người.
Ngày tháng cuối đời, bà Năm chỉ mong nhìn nước lớn, nước về mang cho cháu
bà niềm hi vọng, niềm yêu thương, cho con bà tin rằng: ở đời này tình yêu vẫn hiện
hữu trong tim mỗi người, tình cảm ấy như sông nước, như phù sa chuyên chở bao đời
dù nước có khi lớn khi ròng để cuộc đời mai sau của cháu bà không dai dứt khi sống
thiếu tình thương mẫu tử./.
Hết



×