Tải bản đầy đủ (.pdf) (80 trang)

KHẢO SÁT KHẢ NĂNG ỨC CHẾ VI KHUẨN GÂY BỆNH TRỨNG CÁ Propionibacterium acnes CỦA CAO CHIẾT MỘT SỐ CÂY TRONG CHI DÂM BỤT (Hibiscus L.) TRỒNG PHỔ BIẾN Ở CẦN THƠ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (8.08 MB, 80 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY ĐÔ
KHOA DƯỢC – ĐIỀU DƯỠNG

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
CHUYÊN NGÀNH: DƯỢC HỌC
MÃ SỐ: 52720401

KHẢO SÁT KHẢ NĂNG ỨC CHẾ VI KHUẨN
GÂY BỆNH TRỨNG CÁ Propionibacterium acnes
CỦA CAO CHIẾT MỘT SỐ CÂY TRONG CHI
DÂM BỤT (Hibiscus L.) TRỒNG PHỔ BIẾN Ở
CẦN THƠ

CÁN BỘ HƯỚNG DẪN

SINH VIÊN THỰC HIỆN

Ths. DƯƠNG THỊ BÍCH

TRẦN NGỌC TRÂN
MSSV: 12D720401172
LỚP: ĐẠI HỌC DƯỢC 7B

Cần Thơ, 2017


LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình học tập, rèn luyện trên ghế giảng đường Đại học, em
nhận được sự dạy bảo, giúp đỡ và góp ý rất nhiệt tình của quý thầy cô và bạn bè.
Em xin trân trọng cảm ơn quý thầy cô giảng viên Khoa Dược – Điều dưỡng,
Trường Đại học Tây Đô đã dìu dắt, dạy dỗ và truyền dạy những kiến thức học tập,


kinh nghiệm cuộc sống trong suốt những năm học vừa qua để em có thể cập bến
thành công trên bước đường học vấn chính mình.
Đặc biệt, để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, em xin gửi lời tri ân chân
thành đến cô Dương Thị Bích, người đã tận tình hướng dẫn em tìm tòi những tư
liệu quý giá, chiêm nghiệm được những bài học, kinh nghiệm để hoàn thành tốt
khóa luận.
Em xin gửi lời cảm ơn đến bạn Phạm Thị Tường Vy đã cung cấp mẫu vi
khuẩn cho đề tài.
Em xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè và những người thân yêu luôn
bên cạnh động viên, khuyến khích em trong quá trình thực hiện khóa luận và hoàn
thành chương trình học tập.
Do trình độ nghiên cứu và thời gian có hạn, khóa luận này chắc chắn không
tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Rất mong được sự góp ý và chỉ dẫn tận tình
của quý thầy cô.
Cuối lời, em xin gửi lời chúc sức khỏe, chúc mọi điều tốt lành nhất đến cha mẹ,
thầy cô, anh chị và những người bạn tốt.
Xin chân thành cảm ơn!
Cần Thơ, ngày 02 tháng 7 năm 2017
Trần Ngọc Trân

i


CAM KẾT KẾT QUẢ
Em xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân em. Các số liệu,
kết quả trình bày trong khóa luận là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ
khóa luận nào trước đây.
Cần Thơ, ngày 02 tháng 7 năm 2017
Tác giả khóa luận


Trần Ngọc Trân

ii


TÓM TẮT
Tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Propionibacterium acnes ngày
càng trở thành vấn đề gây khó khăn trong việc điều trị bệnh trứng cá, một căn bệnh
phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Chính vì vậy, đề tài được thực hiện với mục tiêu
cụ thể là đánh giá và so sánh khả năng ức chế dòng vi khuẩn Propionibacterium acnes
phân lập của chín loại cao chiết từ các bộ phận của cây Bụt giấm (Hibiscus sabdariffa
Linn.), cây Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis Linn.) và cây Phù dung (Hibiscus
mutabilis Linn.) được trồng phổ biến ở Cần Thơ. Kết quả khảo sát khả năng ức chế
dòng vi khuẩn P. acnes bằng phương pháp pha loãng trong môi trường thạch cho thấy
tổng số bảy loại cao cho khả năng ức chế dòng vi khuẩn P. acnes phân lập với bề dày
vòng vô khuẩn từ 0,33 ± 0,58 đến 9 mm. Trong đó, cao chiết từ hoa Bụt giấm cho thấy
khả năng ức chế mạnh nhất với dòng vi khuẩn P. acnes phân lập với đường kính vòng
vô khuẩn đạt 2,67 ± 1,15 mm ở nồng độ 50 mg/ml, 4,00 ± 1 mm ở nồng độ 100 mg/ml
và 9 mm ở nồng độ 200 mg/ml và nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) đạt 0,6 mg/ml. Từ
kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết từ hoa Bụt giấm là một nguồn nguyên liệu tiềm
năng cho những nghiên cứu xa hơn trong điều trị bệnh trứng cá.
Từ khóa: Bệnh trứng cá, Hibiscus L., Propionibacterium acnes, tính kháng
khuẩn.

iii


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN ..............................................................................................................i
CAM KẾT KẾT QUẢ .................................................................................................ii

TÓM TẮT ................................................................................................................. iii
MỤC LỤC .................................................................................................................. iv
DANH SÁCH BẢNG ................................................................................................. vi
DANH SÁCH HÌNH .................................................................................................vii
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT ...................................................................................... ix
CHƯƠNG 1. MỞ ĐẦU ............................................................................................... 1
CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU ....................................................................... 3
2.1. TỔNG QUAN VỀ BỆNH TRỨNG CÁ ................................................................ 3
2.1.1. Phân loại bệnh trứng cá ...................................................................................... 3
2.1.2. Nguyên nhân gây bệnh trứng cá ......................................................................... 5
2.1.3. Phương pháp điều trị bệnh trứng cá hiện nay...................................................... 6
2.2. VI KHUẨN PROPIONIBACTERIUM ACNES ..................................................... 7
2.2.1. Đặc điểm vi khuẩn Propionibacterium acnes ..................................................... 7
2.2.2. Phân loại vi khuẩn Propionibacterium acnes...................................................... 8
2.2.3. Cơ chế gây bệnh trứng cá của vi khuẩn Propionibacterium acnes ...................... 9
2.2.4. Tình trạng đề kháng với kháng sinh của vi khuẩn Propionibacterium acnes..... 10
2.3. TỔNG QUAN VỀ CHI DÂM BỤT (HIBISCUS L.) ........................................... 11
2.3.1. Tổng quan về cây Bụt giấm (Hibiscus sabdariffa Linn.)................................... 11
2.3.2. Tổng quan về cây Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis Linn.) ............................... 13
2.3.3. Tổng quan về cây Phù dung (Hibiscus mutabilis Linn.) .................................... 15
2.4. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU HOẠT TÍNH SÍNH HỌC CỦA CHI DÂM BỤT .. 17
CHƯƠNG 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ........................................................ 19
3.1. PHƯƠNG TIỆN NGHIÊN CỨU ........................................................................ 19
3.1.1. Nguyên vật liệu ................................................................................................ 19
3.1.2. Dụng cụ và thiết bị thí nghiệm ......................................................................... 19
3.1.3. Hóa chất và môi trường .................................................................................... 19
3.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ....................................................................... 21
iv



3.2.1. Thiết kế nghiên cứu .......................................................................................... 21
3.2.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu .................................................................. 21
3.2.3. Nội dung nghiên cứu ........................................................................................ 21
3.2.4. Phương pháp xử lý số liệu ................................................................................ 31
3.2.5. Sơ đồ nghiên cứu ............................................................................................. 31
3.2.6. Biện pháp khắc phục sai số .............................................................................. 31
3.2.7. Vấn đề y đức .................................................................................................... 32
CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN .............................................................. 33
4.1. KẾT QUẢ........................................................................................................... 33
4.1.1. Chiết xuất......................................................................................................... 33
4.1.2. Nuôi cấy và nhận diện dòng vi khuẩn Propionibacterium acnes ...................... 34
4.1.3. Khảo sát sơ bộ thành phần hóa học .................................................................. 37
4.1.4. Khảo sát khả năng ức chế dòng vi khuẩn Propionibacterium acnes phân lập của
cao chiết .................................................................................................................... 38
4.1.5. Khảo sát nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) tương đối của cao chiết ethanol từ hoa
Bụt giấm trên dòng vi khuẩn P. acnes phân lập.......................................................... 41
4.2. THẢO LUẬN ..................................................................................................... 42
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT ................................................................. 47
5.1. KẾT LUẬN ........................................................................................................ 47
5.2. ĐỀ XUẤT........................................................................................................... 48
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................... 49
PHỤ LỤC .................................................................................................................... 2

v


DANH SÁCH BẢNG
Bảng 2.1: Sản phẩm ngoại bào của P. acnes ............................................................... 9
Bảng 2.2: Cơ chế đề kháng kháng sinh của vi khuẩn P. acnes ................................... 10
Bảng 2.3: Hoạt tính sinh học của chi Dâm bụt .......................................................... 18

Bảng 3.1: Công thức môi trường TYEG ................................................................... 20
Bảng 3.2: Công thức môi trường thử khả năng làm dịch hóa gelatin ......................... 21
Bảng 3.3: Công thức môi trường thử khả năng phản nitrat hóa .................................. 21
Bảng 3.4: Định tính alkaloid ..................................................................................... 27
Bảng 4.1: Hiệu suất chiết cao toàn phần bằng phương pháp đun hồi lưu .................... 33
Bảng 4.2: Đặc điểm hình thái và sinh hóa của dòng vi khuẩn phân lập....................... 37
Bảng 4.3: Thành phần hóa học có trong dịch chiết từ các bộ phận dùng nghiên cứu .. 37
Bảng 4.4: Khả năng ức chế dòng vi khuẩn P. acnes phân lập của cao chiết................ 38
Bảng 4.5: Khả năng ức chế dòng vi khuẩn P. acnes phân lập của cao chiết ethanol từ
hoa Bụt giấm ............................................................................................................. 41

vi


DANH SÁCH HÌNH
Hình 2.1. Mặt bệnh nhân bệnh trứng cá ...................................................................... 3
Hình 2.2. Nang tuyến bã nhờn .................................................................................... 6
Hình 2.3. Vi khuẩn Propionibacterium acnes ............................................................. 8
Hình 2.4. Cây Bụt giấm – Hibiscus sabdariffa Linn. ................................................. 12
Hình 2.5. Cây Dâm bụt – Hibiscus rosa-sinensis Linn. ............................................. 14
Hình 2.6. Cây Phù dung – Hibiscus mutabilis Linn. ................................................... 15
Hình 3.1. Quy trình phân lập vi khuẩn Propionibacterium acnes từ da bệnh nhân bị
bệnh trứng cá thông thường ....................................................................................... 23
Hình 3.2. Các bước tiến hành nhuộm Gram .............................................................. 24
Hình 3.3. Thử nghiệm catalase .................................................................................. 24
Hình 3.4. Kiểm tra sự hình thành indol ..................................................................... 25
Hình 3.5. Phản ứng hóa lỏng gelatin ......................................................................... 26
Hình 3.6. Khảo sát khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes của cao chiết ......................... 30
Hình 3.7. Sơ đồ nghiên cứu khả năng ức chế vi khuẩn Propionibacterium acnes của
các loài thuộc chi Dâm bụt ........................................................................................ 31

Hình 4.1. Đồ thị so sánh hiệu suất chiết suất cao theo từng bộ phận ........................... 33
Hình 4.2. Khuẩn lạc dòng vi khuẩn P. acnes 134N phân lập trên môi trường TYEG
agar có bổ sung 0.002 % bromocresol purple ............................................................ 34
Hình 4.3. Hình thái tế bào dòng vi khuẩn P. acnes 134N dưới kính hiển vi quang học
.................................................................................................................................. 35
Hình 4.4. Thử nghiệm catalase dòng vi khuẩn P. acnes 134N .................................... 35
Hình 4.5. Kiểm tra khả năng sinh indol dòng vi khuẩn P. acnes 134N ....................... 35
Hình 4.6. Kiểm tra khả năng làm dịch hóa gelatin của dòng vi khuẩn phân lập .......... 36
Hình 4.7. Kiểm tra khả năng phản nitrat hóa của dòng vi khuẩn phân lập .................. 36
Hình 4.8. Khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes của cao chiết hoa Bụt giấm ................. 39
Hình 4.9. Đồ thị so sánh khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes của cao chiết ethanol ở
nồng độ 50 mg/ml ...................................................................................................... 39
Hình 4.10. Đồ thị so sánh khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes của cao chiết ethanol ở
nồng độ 100 mg/ml .................................................................................................... 40
vii


Hình 4.11. Đồ thị so sánh khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes của cao chiết ethanol ở
nồng độ 200 mg/ml .................................................................................................... 40
Hình 4.12. Khả năng ức chế sự phát triển của dòng vi khuẩn P. acnes phân lập ......... 42

viii


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
Từ viết tắt

Từ tiếng Anh

Nghĩa tiếng Việt


D

Đường kính vòng vô khuẩn

D

Đường kính lổ thạch

DMSO

Dimethyl sulfoxid

ĐK

Đường kính vùng ức chế

IC50

The half maximal inhibitory
concentration

Nồng độ ức chế 50 % gốc tự do

MIC

Minimal Inhibitory
Concentration

Nồng độ ức chế tối thiểu tương

đối

TSB

Trypticase soy broth

TYEG

Trypticase-Yeast ExtractHeart Extract-Glycerol agar

ix


CHƯƠNG 1. MỞ ĐẦU
Bệnh trứng cá (Acne) là bệnh da thông thường gây nên do tăng tiết chất bã và
viêm của hệ thống nang lông tuyến bã, thường khu trú ở những vị trí tiết nhiều chất bã
như mặt, lưng, ngực. Khoảng 80 % trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên,
đặc biệt giai đoạn dậy thì (Bộ Y tế, 2015). Mặc dù, bệnh trứng cá không ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, do tồn tại dai dẳng, mụn mủ, viêm hay sẹo lồi,
sẹo lõm ở vùng mặt ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Nhiều vấn đề bất thường về tâm lý bắt nguồn từ bệnh trứng cá, bao gồm trầm cảm tự
phát, lo lắng, bối rối, giảm khả năng có việc làm ở tuổi trường thành. Ngoài ra, bệnh
trứng cá là nguyên nhân cao nhất gây ra các vụ tự tử trong các bệnh về da (Gupta,
1998).
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh trứng cá như mất cân bằng nội tiết tố, nhiễm
khuẩn, căng thẳng, chế độ dinh dưỡng hay mỹ phẩm. Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và
điều trị các bệnh da liễu” của Bộ Y tế (2015), vi khuẩn Propionibacterium acnes được
xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trứng cá. Theo khảo sát tại
bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ phân lập được P.
acnes là 48,3 % trên tổng số 87 trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh trứng cá (Nguyễn

Thanh Hùng và Nguyễn Tất Thắng, 2013).
Liệu pháp điều trị bệnh trứng cá bằng kháng sinh đã được chỉ định trên 40 năm
và đã có hiệu quả đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều bác sĩ trên thế giới sử
dụng kháng sinh như một biện pháp điều trị chính cho bệnh trứng cá. Tuy nhiên, hiệu
quả của liệu pháp kháng sinh trong điều trị bệnh trứng cá ngày càng giảm theo thời
gian do vấn đề đề kháng kháng sinh và tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng kéo dài
(Dreno et al., 2014). Nghiên cứu đầu tiên về tình trạng đề kháng kháng sinh của P.
acnes được trình bày năm 1979 tại Mỹ và sau đó tại các quốc gia Nam Mỹ, Châu Âu,
Châu Á. Ở Việt Nam, 95,2 % chủng vi khuẩn P. acnes đề kháng với ít nhất một loại
kháng sinh (Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Tất Thắng, 2013). Theo kết quả thống kê
từ nhiều nghiên cứu của Dreno et al. (2014), ở nhiều nước trên thế giới có hơn 50 %
chủng P. acnes có khả năng đề kháng với kháng sinh (đặc biệt là nhóm macrolid). Tỷ
lệ đề kháng với kháng sinh của P. acnes tăng từ 34,5 % (1991) lên 55,5 % (2000) ở
Anh (Coates et al., 2002); 94 % chủng P. acnes phân lập tại Tây Ban Nha và 51 %
chủng P. acnes phân lập tại Hungary đề kháng với kháng sinh (Ross et al., 2003). Các
dữ liệu trên cho thấy việc điều trị bệnh trứng cá còn nhiều hạn chế, đặc biệt là liệu
pháp kháng sinh trong điều trị bệnh trứng cá. Vì vậy, việc tiếp cận với phương pháp trị
liệu có nguồn gốc từ thực vật đã trở thành một vấn đề cấp thiết được nhiều nghiên cứu
1


trên thế giới tiến hành nhằm tìm ra liệu pháp điều trị mới có hiệu quả và không để lại
nhiều tác dụng phụ.
Chi Dâm bụt có tên khoa học là Hibiscus L. là một chi khá lớn trong họ Bông
(Malvaceae) có nguồn gốc ở khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Việt
Nam, một số loài thuộc chi Dâm bụt được trồng phổ biến như Bụt giấm (Hibiscus
sabdariffa Linn.), Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis Linn.), Phù dung (Hibiscus
mutabilis Linn.). Những loài này được trồng với nhiều mục đích như trồng làm cảnh,
hàng rào, làm thuốc, thực phẩm và nhiều tác dụng sinh học đã được chú ý nghiên cứu
như kháng khuẩn, chống oxy hóa, bảo vệ gan. Theo Đỗ Tất Lợi (2004), Dâm bụt và

Phù dung thường dùng để đắp lên mụn nhọt đang mưng mủ. Chiết xuất từ đài hoa Bụt
giấm được xác định là có tác dụng kháng sinh (Viện Dược liệu, 2006). Các nghiên cứu
trên thế giới cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn của 3 loài này trên các dòng vi
khuẩn Gram dương và Gram âm (Mohamed et al., 2014). Chiết xuất thô toàn cây Bụt
giấm (H. sabdariffa) từ nghiên cứu của Chomnawang et al. (2005) cũng cho thấy hoạt
tính kháng P. acnes với giá trị MIC là 2,5 mg/ml. Đến nay, chỉ có một vài tác giả
nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn của loài Bụt giấm trên vi khuẩn gây bệnh trứng
cá Propionibacterium acnes và chưa có tác giả nào đề cập đến tác dụng kháng khuẩn
của loài Dâm bụt và Phù dung trên vi khuẩn này.
Từ những lý do trên, đề tài “Khảo sát khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh
trứng cá Propionibacterium acnes của cao chiết một số cây trong chi Dâm bụt
(Hibiscus L.) trồng phổ biến ở Cần Thơ” được thực hiện với mục tiêu cụ thể là đánh
giá và so sánh khả năng ức chế dòng vi khuẩn Propionibacterium acnes phân lập của 9
loại cao chiết từ các bộ phận của cây Bụt giấm (Hibiscus sabdariffa Linn.), cây Dâm
bụt (Hibiscus rosa-sinensis Linn.) và cây Phù dung (Hibiscus mutabilis Linn.) được
trồng phổ biến ở Cần Thơ.

2


CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1. TỔNG QUAN VỀ BỆNH TRỨNG CÁ
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu của Bộ Y tế (2015),
Bệnh trứng cá (Acne) được định nghĩa là bệnh da thông thường gây nên do tăng tiết
chất bã và viêm của hệ thống nang lông tuyến bã. Biểu hiện bằng nhiều loại tổn
thương khác nhau như mụn cám, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang, khu trú ở vị
trí tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực. Bệnh trứng cá thường gặp ở lứa tuổi thanh
thiếu niên (với tỷ lệ khoảng 85 %), nhưng có thể xảy ra ở hầu hết các nhóm tuổi, kể cả
giai đoạn trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh trứng cá ở phụ nữ trưởng thành khoảng 12 %
(Zaenglein et al., 2016). Trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy

nhiên, do tồn tại dai dẳng, mụn, sẩn hay sẹo lồi, sẹo lõm ở vùng mặt ảnh hưởng tới
thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Hình 2.1. Mặt bệnh nhân bệnh trứng cá (Cunliffe, 2004)
2.1.1. Phân loại bệnh trứng cá
Bệnh trứng cá tuy rất dễ chẩn đoán qua khám lâm sàng, nhưng đánh giá mức độ
nghiêm trọng của bệnh không thể thực hiện một cách đơn giản, vì sự tổn thương diễn
ra rất phức tạp, còn tùy thuộc vào hình thức và số lượng tổn thương (Adityan et al.,
2009). Nhiều công cụ đánh giá bệnh trứng cá đã được mô tả dựa trên nhiều yếu tố
khác nhau như loại mụn, mức độ nghiêm trọng, số lượng tổn thương/sẹo, chất lượng
cuộc sống và các chỉ số tâm lý xã hội. Cho đến nay, vẫn chưa có một hệ thống đánh
giá thống nhất để phân loại bệnh trứng cá. Theo Bộ Y tế (2015) thì đã phân loại bệnh
trứng cá dựa trên các triệu chứng lâm sàng thành 2 nhóm chính là trứng cá thể thông
thường và trứng cá thể nặng.

3


2.1.1.1. Trứng cá thể thông thường
Là hình thái thường gặp nhất của bệnh trứng cá với các tổn thương rất đa dạng.
Bắt đầu từ tuổi dậy thì, trên nền da nhờn xuất hiện các tổn thương nhân trứng cá
(comedon) hay mụn đầu đen do chất bã bài tiết và tế bào biểu mô cô đặc lại. Sau đó,
tùy mức độ viêm nhiều hay ít, nông hoặc sâu mà có các tổn thương như mụn đầu đen,
đầu trắng, sẩn, mụn mủ, mụn bọc hay ổ áp xe. Bệnh thường gặp ở mặt, trán, cằm, má,
phần trên lưng, trước ngực; ít khi xuống quá thắt lưng.
2.1.1.2. Trứng cá thể nặng
Đây là trạng thái nặng của bệnh trứng cá, chia thành 3 loại:
- Trứng cá dạng cục, dạng kén, thường gặp ở nam, tổn thương sâu hơn trứng cá
thường và hình thành các kén có nguồn gốc nang lông. Vị trí thường gặp là ở mặt, cổ
và xung quanh tai.

- Trứng cá bọc: Đây là loại trứng cá mủ mạn tính, bắt đầu ở tuổi thiếu niên, có
tổn thương dạng cục hay để lại lổ dò, luôn luôn để lại sẹo lõm.
- Trứng cá tối cấp (còn gọi là trứng cá bọc cấp tính, trứng cá có sốt và loét):
Bệnh xảy ra đột ngột với sốt, mệt mỏi, tăng bạch cầu đa nhân, hồng ban nút và các tổn
thương trứng cá.
2.1.1.3. Các thể lâm sàng khác
- Trứng cá trẻ sơ sinh: Xảy ra trong tháng đầu của trẻ sơ sinh. Tổn thương sẩn
bằng đầu ghim ở tháp mũi, má và trán. Tồn tại 5 - 7 ngày.
- Trứng cá do thuốc: Do thuốc nội tiết, azathioprin, thuốc có iod, thuốc tránh
thai. Corticoid có thể gây trứng cá ở mặt, lưng, phía ngoài 2 cánh tay, thương tổn
không có nhân.
- Trứng cá muộn ở phụ nữ: Gặp ở phụ nữ từ 30 - 40 tuổi, nguyên nhân do
cường nội tiết sinh dục (nhất là buồng trứng), thường kèm theo rụng tóc.
- Trúng cá do hóa chất: Do mỹ phẩm, do các chất halogen, do xăng dầu (còn
gọi là trứng cá hạt dầu, thường ở vùng mu bàn tay, cẳng tay, không có nhân).
Ngoài ra, Karen McCoy (2008) còn phân loại bệnh trứng cá dựa vào mức độ
nặng, chia thành ba mức độ (Bộ Y tế, 2015):
- Mức độ nhẹ: Dưới 20 tổn thương không viêm, hoặc dưới 15 tổn thương viêm
hoặc tổng số lượng tổn thương dưới 20.
- Mức độ trung bình: Có 20 - 100 tổn thương không viêm hoặc 15 - 50 tổn
thương
4


viêm, hoặc 20 - 125 tổng tổn thương.
- Mức độ nặng: Trên 5 nang, cục hoặc trên 100 tổn thương không viêm, hoặc
tổng tổn thương viêm trên 50 hoặc trên 125 tổng tổn thương.
2.1.2. Nguyên nhân gây bệnh trứng cá
Bệnh trứng cá được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính. Đó là tăng
sinh chất bã, sừng hóa cổ nang lông và sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn

Propionibacterium acnes (Bộ Y Tế, 2015). Trong đó, vi khuẩn P. acnes đóng vai trò
rất quan trọng gây ra bệnh trứng cá (Loveckova et al., 2002). Ngoài ra, còn có một số
yếu tố khác ảnh hưởng đến việc hình thành bệnh trứng cá như tuổi, giới, yếu tố gia
đình, yếu tố thời tiết, chủng tộc, yếu tố nghề nghiệp, yếu tố stress, chế độ ăn, một số
bệnh nội tiết, thuốc và các nguyên nhân tại chổ (Bộ Y tế, 2015)
2.1.2.1. Sự tăng sinh chất bã
Sự tiết chất bã ở da là một trong những cơ chế bảo vệ cơ thể. Chất bã được tiết
ra làm da không thấm nước, ngăn cản sự bốc hơi nước, làm da mềm mại và giúp cho
da chống lại vi khuẩn, vi nấm. Tuyến bã là nơi tiết chất bã ở da, chúng có ở nhiều nơi
trên cơ thể, có rất ít ở tay hoặc chân, trừ lòng bàn tay, bàn chân không có tuyến bã.
Tuyến bã có nhiều ở mặt, da đầu, ngực và lưng. Số lượng tuyến bã ở các vùng này có
thể lên đến 400 - 900 tuyến/cm2 da, gấp 5 lần những nơi khác (Bộ Y tế, 2010). Tuyến
bã chịu sự điều tiết hoạt động của các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam, các
hormon này kích thích tuyến bã hoạt động và phát triển thể tích làm tăng bài tiết chất
bã lên nhiều lần. Những người bị bệnh trứng cá thường có tuyến bã tiết nhiều dầu trên
mức cần thiết. Dầu thừa sẽ tích tụ trong lỗ chân lông dẫn đến bít tắc trong lỗ chân
lông, hình thành nhân trứng cá. Dầu của những người bệnh trứng cá có tính chất khác
thường. Thành phần squalene và wax ester cao hơn bình thường và các acid béo tự do
(như linoleic) thấp hơn bình thường. Sự thiếu hụt acid linoleic là yếu tố quan trọng gây
ra bệnh trứng cá (Downing et al., 1986).
2.1.2.2. Sừng hóa cổ nang lông
Sự sừng hóa cổ nang lông tuyến bã là hiện tượng lớp tế bào chết ngoài cùng
khu vực gần miệng lỗ chân lông kết dính chặt với nhau và không bong ra, dần dần tạo
thành rất nhiều lớp tế bào chết xếp chồng lên nhau, làm ống bài xuất tuyến bã bị hẹp
lại, chất bã không thoát ra ngoài được nên bị ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, tạo nên
môi trường kỵ khí cho vi khuẩn phát triển gây bệnh (Thiboutot, 2009).

5



2.1.2.3. Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes
Có nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh trứng cá, trong đó vi khuẩn
Propionibacterium acnes là tác nhân chính gây ra bệnh trứng cá. Vi khuẩn P. acnes cư
trú ở da một cách vô hại ở điều kiện bình thường. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các
chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn P.
acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh.

Hình 2.2. Nang tuyến bã nhờn (Degitz et al., 2007)
A. Nang tuyến bã nhờn bình thường B. Nhân mụn C. Nang bị vỡ do viêm
2.1.3. Phương pháp điều trị bệnh trứng cá hiện nay
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trứng cá mang lại kết quả đáng
kể nhưng thời gian điều trị dài và kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
- Kháng sinh: Thường được sử dụng là clindamycin (dạng bôi tại chổ),
erythromycin (dạng bôi tại chổ, dùng toàn thân), tetracyclin (dùng toàn thân) và
doxycyclin (dùng toàn thân) (Bộ Y tế, 2015). Kháng sinh có tác dụng diệt P. acnes,
chống viêm trực tiếp thông qua ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu trung tính. Mặc
dù, sử dụng kháng sinh có hiệu quả đáng kể trong điều trị bệnh trứng cá, nhưng hiện
nay do tình trạng đề kháng kháng sinh nên phải dùng phối hợp thuốc để làm giảm sự
đề kháng như kết hợp benzoyl peroxid 5 % với erythromycin 3 % hoặc clindamycin 1
%. Thuốc được sử dụng ở dạng dung dịch tan trong cồn hoặc gel và lotion để làm giảm
kích thích da (Bộ Y tế, 2015; Zaenglein, 2016)
- Benzoyl peroxid: Có tác dụng diệt khuẩn với phổ tác dụng rộng, giúp làm
giảm đáng kể P. acnes và acid béo tự do ở tuyến bã, ngoài ra tác dụng chống viêm và
tiêu nhân mụn. Thuốc được sử dụng ở dạng cream, gel và dung dịch có nồng độ từ 2,5
- 10 %. Mặc dù thuốc có hiệu quả cao trong điều trị bệnh trứng cá, nhưng thuốc có một
số tác dụng phụ như khô da và nhạy cảm với ánh sáng. Vì vậy, thuốc nên được dùng
vào buổi chiều tối để hạn chế sự nhạy cảm với ánh sáng.
- Retinoid: Thuốc được sử dụng ở dạng bôi ngoài da hoặc dùng toàn thân.

6



+ Dạng dùng ngoài da, thuốc có tác dụng làm tiêu nhân mụn, ngăn sự hình
thành mụn và chống viêm. Tác dụng phụ thường gặp là khô da, đỏ da, kích ứng da,
hồng ban tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng.
+ Dạng dùng toàn thân, thuốc có tác dụng ức chế sự sản xuất chất bã, thúc đẩy
quá trình tiêu sừng. Tác dụng phụ thường gặp là khô da, bong da môi, loét miệng, kích
thích mắt. Lưu ý: Không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, cho con bú vì nguy
cơ gây quái thai (khớp sọ thoái hoá nhanh gây não bé, khó đẻ). Dùng phối hợp với
tetracyclin làm tăng áp lực nội sọ, gây u. Không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi (Bộ Y tế,
2015).
- Acid azelaic: Có tác dụng ngăn chặn hình thành nhân mụn và kìm khuẩn.
Thuốc được sử dụng ở dạng cream 20 %. Tác dụng phụ là ngứa và cảm giác bỏng tại
chổ.
- Liệu pháp hormon: Là loại thuốc đối kháng androgen có nguồn gốc tự nhiên.
Thuốc được sử dụng ở dạng viên, vỉ 21 viên, bắt đầu uống viên đầu tiên khi có hành
kinh, mỗi ngày uống 1 viên, nghỉ 7 ngày. Thời gian dùng thuốc từ 3 - 6 tháng. (Bộ Y
tế, 2015).
- Điều trị bằng công nghệ ánh sáng và tia lazer: Sử dụng liệu pháp quang, ánh
sáng phổ rộng và tia laser, cho kết quả giảm mụn trong thời gian ngắn nhưng cần có
thêm nhiều nghiên cứu về hiệu quả lâu dài và so sánh với các liệu pháp cũ (Phùng Thị
Yến Thanh, 2015).
2.2. VI KHUẨN PROPIONIBACTERIUM ACNES
Theo Douglas and Gunter (1946), vi khuẩn Propionibacterium acnes có vị trí
phân loại như sau [43]:
- Giới: Bacteria
- Ngành: Actinobacteria
- Bộ: Actinomycetales
- Họ: Propionibacteriaceae
- Chi: Propionibacterium

- Loài: Propionibacterium acnes
2.2.1. Đặc điểm vi khuẩn Propionibacterium acnes
Propionibacterium acnes (Bacillus acnes) là một loại vi khuẩn phổ biến của hệ
sinh vật bình thường trên da người, được phát hiện nhiều ở các vùng da giàu chất béo
như mặt, da đầu và vùng thân trên (Farrar et al., 2007 và Puhvel, 1968). Chúng thường
7


sinh trưởng ở các nang lông, tuyến bã nhờn, nơi có nồng độ oxy thấp thích hợp. Mật
độ vi khuẩn khoảng 105 - 106 tế bào/cm2 ở những vùng có nhiều bã nhờn và khoảng
102 tế bào/cm2 ở những vùng khác (Phùng Thị Yến Thanh, 2015). Vi khuẩn P. acnes
là một trong các nguyên nhân chính gây ra bệnh trứng cá (Beylot et al., 2014). Ngoài
ra, vi khuẩn P. acnes còn liên quan đến nhiều bệnh khác, bao gồm nhiễm khuẩn trong
nhãn khoa, đĩa đệm tủy sống và thiết bị y tế (Neves et al., 2015).
Propionibacterium acnes là một loại trực khuẩn kỵ khí, Gram dương, hình que,
không sinh bào tử, không di chuyển, phát triển chậm (Noble and Overman, 1986 và
Phùng Thị Yến Thanh, 2015). Các tế bào có kích thước khoảng 0,4 – 0,5 x 0,8 – 0,9
µm. Phát triển tốt ở nhiệt độ từ 35 - 37 oC, pH từ 5 - 8, trong điều kiện kỵ khí. Chúng
có khả năng sinh indol, nitrat, dương tính với catalase (Breed et al., 1957).
Khuẩn lạc phát triển trên môi trường nuôi cấy sau khoảng 5 - 7 ngày (Phùng
Thị Yến Thanh, 2015). Khuẩn lạc có dạng hình tròn, màu vàng nhạt, trơn và mô cao,
đường kính từ 1,5 - 4,0 mm trong môi trường TYEG agar có bổ sung 0,002 %
bromocresol purple (Breed et al., 1957 và Phùng Thị Yến Thanh, 2015).
a

b

Hình 2.3. Vi khuẩn Propionibacterium acnes (Jappe et al., 2002)
a. Hình vi khuẩn P. acnes chụp dưới kính hiển vi điện tử
b. Hình vi khuẩn P. acnes chụp dưới kính hiển vi quang học

2.2.2. Phân loại vi khuẩn Propionibacterium acnes
Các chủng vi khuẩn Propionibacterium acnes đã được phân loại từ thập niên
1970. Gần đây, các nghiên cứu mới đã phát hiện ra chỉ có một số chủng P. acnes có
liên quan đến bệnh trứng cá, còn lại liên quan đến các loại nhiễm trùng khác (Lomholt
and Kilian, 2010). Hiện nay, P. acnes được phân loại dựa vào nhiều cách khác nhau.
Phương pháp phân loại chính của P. acnes được mô tả bởi Johnson and Cummins
(1972) dựa trên xét nghiệm huyết thanh học và phân tích thành phần đường trên thành
tế bào, chia P. acnes thành hai loại: Loại I (đường galactose tham gia cấu tạo nên
thành tế bào) và loại II (chỉ có đường manose trong cấu tạo thành tế bào). Sau đó, nhờ
sự phân tích trình tự chuổi trên gen recA và hemolysin/cytotoxin (tly) của McDowell
8


et al. (2005), đã chia chủng P. acnes thành loại I và loại II. Tiếp đó, McDowell et al.
(2008) tiếp tục phân loại chủng P. acnes loại I thành loại IA, IB và tìm ra thêm loại
III. Sự phân chia gen dựa trên công nghệ Multi-Locus Sequence Typing và những
nghiên cứu về bộ gen đã giúp phân loại sâu hơn các chủng P. acnes thành loại IA1,
IA2, IB, IC, II và III (Lomholt and Kilian, 2010; McDowell et al., 2011; McDowell et
al., 2012).
2.2.3. Cơ chế gây bệnh trứng cá của vi khuẩn Propionibacterium acnes
Vi khuẩn Propionibacterium acnes là vi khuẩn thuộc hệ sinh vật bình thường
của da (Farrar et al., 2007). Ở những người mắc bệnh trứng cá, vi khuẩn này có sự
tăng nhanh về số lượng trong các tuyến bã nhờn (pilosebaceous) (Phùng Thị Yến
Thanh, 2015). Vi khuẩn P. acnes sản xuất các enzym ngoại bào và các sản phẩm có
hoạt tính sinh học gây tương tác với hệ thống miễn dịch gây ra các phản ứng viêm và
tạo nhân mụn (Puhvel and Reisner, 1972; Hoeffler, 1977; Ingham et al., 1980;
Webster et al., 1985).
Theo Funke et al. (1997) và Leyden et al. (1998), vi khuẩn P. acnes là nhân tố
quan trọng gây bệnh trứng cá, đây là chủng vi khuẩn phổ biến nhất trên da bệnh nhân
mắc bệnh. Tại các tuyến bã nhờn, vi khuẩn P. acnes tiết ra các enzym như

deoxyribonuclease, gelatinase, chondroitin sulfatase, lipase, hyaluronidase làm phân
giải các thành phần của mô thành các sản phẩm chuyển hóa gây tổn thương mô
(Hoeffler, 1977). Histamin, tryptamin và những chuỗi acid béo ngắn được tìm thấy
trong môi trường nuôi cấy vi khuẩn P. acnes, các chất này có thể gây ra tình trạng
viêm (Csukas et al., 2004). Các enzym ngoại bào và các sản phẩm có hoạt tính sinh
học là hai yếu tố quyết định độc lực của vi khuẩn P. acnes.
Bảng 2.1: Sản phẩm ngoại bào của P. acnes (Eady et al., 1994)
Sản phẩm

Hợp chất

Vai trò

Lipase

Triglyceride

Dinh dưỡng, sản xuất acid béo tự do, tăng
kết dính với tế bào

Phospholipase C

Phospholipid

Gây rối loại chức năng màng tế bào

Protease

Collagen, keratin


Dinh dưỡng, tăng hoạt tính, sản sinh
chemotaxins, phân hủy protein, xâm lấn
mô lân cận

Hyaluronidase,
neuraminidase

Mucopolysaccharide Xâm lấn mô lân cận, xuất huyết dưới da.

Acid phosphatase

Đường phosphase

Dinh dưỡng

Bacteriocin
Histamin, trytamine

Kháng vi khuẩn khác
Cơ động mạch

Gây viêm cấp tính

9


2.2.4. Tình trạng đề kháng với kháng sinh của vi khuẩn Propionibacterium acnes
Kháng sinh dùng trong điều trị vi khuẩn gây bệnh trứng cá P. acnes đã được
nhiều tác giả nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tiên đề cập đến vấn đề đề kháng kháng sinh
của vi khuẩn P. acnes liên quan đến erythromycin (Martin et al., 1972). Theo một điều

tra gần đây, các nước Địa Trung Hải có tỷ lệ đề kháng cao nhất với erythromycin và
clindamycin. Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ kháng lần lượt là 91 % và 92,4 %, tỷ lệ đề kháng
chung cho cả erythromycin và clindamycin ở Hy Lạp là 75,3 % và ở Italia là 59,5 %.
Các nước phía Bắc, tỷ lệ đề kháng khoảng 41,5 đến 51,4 % (Ross et al., 2003). Dreno
et al., (2001) đã công bố tỷ lệ đề kháng erythromycin là 52 % dòng vi khuẩn P. acnes
phân lập từ bệnh nhân bị tổn thương kèm theo viêm và 42 % dòng phân lập từ bệnh
nhân không sử dụng erythromycin trước đây. Những loại thuốc kháng sinh được
khuyến cáo không sử dụng điều trị dài hạn (quá 3 tháng) (Nishijima et al., 2000). Khả
năng kháng của vi khuẩn P. acnes khá phổ biến và hầu hết chúng đều kháng lại
clindamycin (tỷ lệ đề kháng với kháng sinh clindamycin là 88,1 %) (Nguyễn Thanh
Hùng và Nguyễn Tất Thắng, 2013).
Khả năng kháng kháng sinh của P. acnes thường liên quan đến đột biến đặc
hiệu đối với các gen mã hóa ARN ribosome, đột biến đơn trong gen 16S rARN, đột
biến trong gen 23S rARN và kháng thuốc qua trung gian erm(X) (Neves et al., 2015).
Bảng 2.2: Cơ chế đề kháng kháng sinh của vi khuẩn P. acnes (Neves et al., 2015)
Đột biến

Đề kháng kháng sinh

Đột biến đặc hiệu trên gen 16S rARN
(1058G>C)

Tetracyclin

Đột biến đặc hiệu trên gen 23S rARN
(2058A>G)

Nhóm kháng sinh macrolid - streptoGramin B
- lyncosamid (bao gồm erythromycin và
clindamycin)


Xuất hiện gen ARN methylase erm (X)
Đột biến đặc hiệu trên gen 23S rARN
(2057G>A)
Đột biến đặc hiệu trên gen 23S rARN
(2059A>G)
Đột biến đặc hiệu trên gen 23S rARN
(2058A>T)

Đề kháng kháng sinh erythromycin và
clindamycin

Đột biến đặc hiệu trên gen 23S rARN
(2058A>C)
Đột biến đặc hiệu trên gen rpoB

Rifampicin

10


2.3. TỔNG QUAN VỀ CHI DÂM BỤT
Chi Dâm bụt (Hibiscus L.) là một chi khá lớn nằm trong họ Bông (Malvaceae),
có vị trí phân loại như sau:
- Ngành: Ngọc Lan (Magnoliophyta)
- Lớp: Ngọc Lan (Magnoliopsida)
- Phân lớp: Sổ (Dilleniidae)
- Bộ: Bông (Malvales)
- Họ: Bông (Malvaceae)
- Chi: Dâm bụt (Hibiscus L.)

( />Chi Dâm bụt, chi Râm bụt hay chi Phù dung (danh pháp khoa học: Hibiscus L.)
là một chi lớn chứa khoảng 250 loài thực vật có hoa trong họ Bông (Malvaceae), có
nguồn gốc ở khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới (Neeru and Sharma, 2008).
Chi này bao gồm các loại cây thân thảo một năm hay lâu năm cũng như các loại cây
bụi thân gỗ và cây thân gỗ nhỏ. Lá mọc so le, loại lá đơn hình trứng hay hình mũi mác,
thông thường với mép lá dạng răng cưa hay dạng thùy. Hoa lớn, dễ thấy, hình kèn, với
5 cánh hoa, có màu từ trắng tới hồng, đỏ, tía hay vàng và rộng từ 4 - 15 cm. Quả là loại
quả nang năm thùy khô, chứa vài hạt trong mỗi thùy, được giải phóng khi quả nang
tách ra khi chín.
Các loài thuộc chi Dâm bụt được trồng ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều tác
dụng như trồng làm cảnh, làm thuốc, làm hàng rào và nhiều loài đã được quan tâm rất
nhiều tới những tác dụng sinh học như kháng khuẩn, chống oxi hóa, bảo vệ gan. Trong
đó, một số loài đươc trồng phổ biến ở Việt Nam, cụ thể là ở Cần Thơ như Bụt giấm,
Dâm bụt, Phù dung.
2.3.1. Tổng quan về cây Bụt giấm (Hibiscus sabdariffa Linn.)
2.3.1.1. Danh pháp
Tên Việt nam: Bụt giấm
Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa Linn.
Tên khác: Cây giấm, đay Nhật (Viện Dược liệu, 2006).
Tên nước ngoài: Indian Sorrel, Jamaica Sorrel, Natal Sorrel, Red Sorrel,
Rosella, Rozelle Hemp (Võ Văn Chi, 2011).

11


Hình 2.4. Cây Bụt giấm – Hibiscus sabdariffa Linn. (Harris, 2011)
2.3.1.2. Đặc điểm
Cây bụi, cao 1 - 2 m, thân màu lục hay đỏ tía, phân cành ở gốc. Cành nhẵn hoặc
hơi có lông. Lá mọc so le, lá ở gốc nguyên, lá phía trên chia 3 - 5 thùy, hình chân vịt,
có răng cưa. Hoa to mọc riêng lẻ ở kẽ lá; màu vàng, ở giữa màu đỏ tím sẫm; đài phụ

(tiểu đài) gồm 8 - 12 cánh hẹp, phần dưới dính liền, có lông nhỏ, nở xòe ra và gập
xuống; đài chính to, các lá đài dày, nhọn đầu, mọng nước màu đỏ tía. Quả nang hình
trứng, nhọn đầu, có lông mịn; hạt nhiều, màu đen. Mùa hoa quả từ tháng 7 đến tháng
10.
Tùy theo mục đích sử dụng, người ta phân chia thành 2 loại là Hibiscus
sabdariffa L. var sabdariffa (trồng để lấy đài ăn và làm thuốc) và Hibiscus sabdariffa
L. var altissima (chủ yếu để lấy sợi bện thừng).
Bụt giấm có nguồn gốc từ Tây Phi, được nhập vào Việt Nam cách đây khoảng
10 năm. Cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể hơi chịu hạn. Cây trồng ở Việt Nam thích nghi
với nhiều loại đất, kể cả đất đồi vùng trung du, hơi chua (Ba Vì – Hà Tây). Là loại cây
nhiệt đới, Bụt giấm sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có nhiệt độ trung bình khoảng
23 – 24 oC.
2.3.1.3. Công dụng
Lá Bụt giấm có vị chua, dùng là rau ăn ở Đài Loan, cũng được dùng làm gia vị
thay giấm, chế nước giải khát, mứt kẹo, siro hoặc đem phơi khô và nấu lấy nước uống.
Nước hãm đài hoa uống giúp tiêu hóa, chữa các bệnh gan mật, cao huyết áp, thần kinh.
Lá, đài hoa và quả còn chữa bệnh scorbut. Ở một số nước như Mianma, Đài
Loan, hạt Bụt giấm được dùng làm thuốc bổ, nhuận tràng, lợi tiểu. Ở Philippin, rễ bụt
giấm là thuốc bổ và kích thích ăn uống, còn có hiệu quả đối với bệnh xơ cứng động
mạch và các bệnh nhiễm trùng đường ruột.
12


2.3.1.4. Thành phần hóa học
Kết quả thống kê của Mahadevan (2008) về thành phần hóa học của cây Bụt
giấm từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy loài này chứa những thành phần hóa học
như sau:
- Lá: α-terpinyl acetat, anisaldehyde, β-carotene, β-sitosterol, β-D-galactoside,
β-sitosteryl benzoate, kaempferol-3-O-rutinoside, kaempferol-3-O-glucopyranoside,
quercetin, 3-O-rutinoside, citrusin C, 2,3-dihydro-2-(4’-hydroxy-3’-methoxyphenyl)3-β-D-glucopyranosylmethyl-7-hydroxy-5-benzofuranpropanol, corchoionoside C và

trans-carveol-6-O-β-glucopyranoside, niacin, riboflavin, thiamin, acid ascorbic, chất
béo, acid malic, chất xơ và tro.
- Hoa: Carbohydrate, arabinan, mannose, sucrose, thiamin, xylose, mucilage,
niacin, pectin, protein, chất béo, arabinogalactan, rhamnogalacturans, riboflavin, βcarotene, phytosterols, acid citric, acid ascorbic, acid maleic, acid malic, acid hibiscic,
acid oxalic, acid tartaric, (+)-allooxycitronic acid-lactone, acid allohydroxycitric, acid
glycolic, acid utalonic, acid protocatechuic, cyanidin-3-glucoside, cyanidin-3sambubioside, cyanidin-3-xyloglucoside, delphinidin, delphinidin-3-glucoside,
delphinidin-3-sambubioside, delphinidin-3-xyloglucoside, delphinin, gossypetin,
gossypetin-3-glucoside, hibiscetin, hibiscin, hibiscitrin, sabdaretin, sabdaritrin,
daphniphylline, chất xơ, resin, khoáng chất và tro.
-Đài hoa: gossypetin, hibiscetin, sabdaretin, alkaloid, β-sitosterol, anthocyanin,
acid citric, cyanidin-3-rutinose, delphinidin, galactose, pectin, acid protocatechuic,
quercetin, acid stearic, delphinidin-3-monoglucoside, cyanidin-3-monoglucoside
(chrysanthenin), chloride hibiscin và acid ascorbic.
- Quả: α-terpinyl acetat, pectin, anisaldehyde, acid ascorbic, calcium oxalate,
acid caprylic, acid citric, acid acetic, acid formic, acid pelargonic, acid propionic và
khoáng chất.
- Rễ: Acid tartaric và saponin.
- Hạt: Tinh bột, cholesterol, cellulose, carbohydrates, campesterol, β-sitosterol,
ergosterol, acid propionic, pentosan, acid pelargonic, acid palmitoleic, acid palmitic,
acid oleic, acid myristic, acid malvalic, acid linoleic, acid sterculic, acid caprylic, acid
formic, acid stearic, cis-12,13-epoxy-cis-9-octadecenoic acid, chất xơ và khoáng chất.
2.3.2. Tổng quan về cây Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis Linn.)
2.3.2.1. Danh pháp
Tên Việt nam: Cây Dâm bụt
13


Tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis Linn.
Tên khác: Râm bụt, Bông bụt, Hồng bụt, Phù tang, Xuyên cân bì, Mộc cẩn,
Bụp, Co ngắn (Thái), Bioóc ngàn (Tày), Phầy quấy phiằng (Dao) (Viện Dược liệu,

2006).
Tên nước ngoài: Rose – mallow, chinese hibiscus, chinese rose, rose of China,
shoe-flowered plant (Anh), ketmie (Pháp)

.
Hình 2.5. Cây Dâm bụt – Hibiscus rosa-sinensis Linn. (Peterson, 2008)
2.3.2.2. Đặc điểm
Cây Dâm bụt là một cây gỗ nhỡ 4 - 5 m hoặc cây nhỏ cao 1 - 2 m. Thân hình
trụ, tròn; thân non màu xanh lục hoặc xanh lục phớt nâu đỏ, rải rác có lông đa bào hình
sao; thân già màu nâu xám, có nốt sần. Lá mọc so le, có cuống dài, hình bầu dục, gốc
tròn, đầu nhọn, mép có răng to, màu xanh lục, mặt trên sẩm bóng, mặt dưới nhạt. Gân
lá hình chân vịt nổi rõ ở mặt dưới với 5 - 7 gân chính. Hai mặt lá có ít lông như thân,
mặt trên chủ yếu lông ở gân. Cuống lá hình trụ, dài 2 - 2,7 cm, màu xanh lục, có nhiều
lông đa bào hình sao. Lá kèm hình chỉ dài và nhọn, có gân giữa.
Hoa mọc to, đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài, lưỡng tính, màu đỏ; tiểu đài có 6 - 7
mãnh hình chỉ; đài hợp hình ống màu lục, dài gấp 2 - 3 lần tiểu đài; tràng có 5 cánh rời
nhau, phiến rộng, mỏng hẹp; nhị nhiều, không đều, dính liền nhau bởi chỉ nhị rất dài
mang những bao phấn chỉ có một ổ phấn; 5 lá noãn dính vào nhau thành một bầu
thượng 5 ô, mỗi ô chứa 2 dây noãn theo kiểu dính noãn trưng trụ. Vòi dài nằm trong
ống nhị, đầu nhụy có 5 núm. Quả nang tròn, chứa nhiều hạt. Mùa hoa quả từ tháng 5 7.
Dâm bụt là cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau được nhân trồng làm cảnh ở
khắp châu Á. Hiện đang được trồng khắp nơi ở Việt Nam để làm cảnh và làm hàng
rào. Ngoài ra, Dâm bụt còn được trồng ở Malaysia, Philipin, Indonesia. Dâm bụt là cây
ưa sáng, ưa ẩm, thường được trồng làm cảnh ở vườn nhà, công viên hoặc trồng dày
14


làm bờ rào. Cây ra hoa nhiều nhưng không đậu quả, có khả năng tái sinh vô tính mạnh.
Có thể nhân giống bằng cành hoặc gốc ghép.
2.3.2.3. Công dụng

Dâm bụt dùng để trị viêm niêm mạc dạ dày và ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ mất
ngủ, khô khát (đái tháo đường), bạch đới, mộng tinh, mụn nhọt, lở ngứa, xưng tấy.
Nhân dân rất hay dùng lá và hoa tươi giã nhỏ với một ít muối đắp lên những
mụn nhọt đang mưng mủ, khô thuốc lại thay. Mụn nhọt sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ.
Vỏ rễ dâm bụt sắc với nước dùng uống để chữa xích, bạch lỵ, bạch khí đới và để rữa
mụn nhọt.
2.3.2.4. Thành phần hóa học
- Lá: Chứa chất nhầy, ester của acid acetic, β-sitosterol, caroten, stigmasterol,
taraxeryl acetat và 3 hợp chất cyclopropenoid (methyl sterculat, malvalat và 2hydroxysterculat).
- Hoa: Chứa flavonoid (quercetin, quercetin-3-diglucoside, quercetin-3,7diglucoside, cyanidin-3,5-diglucoside
and
cyanidin-3-sophoroside-5-glucoside,
kaempferol-3-xylosylglucoside); alkaloid; vitamin (thiamin, riboflavin, acid ascorbic,
β-caroten); chất nhầy.
2.3.3. Tổng quan về cây Phù dung (Hibiscus mutabilis Linn.)
2.3.3.1. Danh pháp
Tên Việt nam: Cây Phù dung
Tên khoa học: Hibiscus mutabilis Linn.
Tên khác: Mộc liên, địa phù dung (Đỗ Tất Lợi, 2004).
Tên nước ngoài: Chinese rose, changeable rose, rose-mallow, cotton-rose,
confederate rose (Anh), rose changeante (Pháp).

Hình 2.6. Cây Phù dung – Hibiscus mutabilis Linn. (William C. Welch, 2011)
15


×