Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

CẢM THỤ VĂN HỌC 4 - 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (97.48 KB, 7 trang )

Mối quan hệ giữa Đọc hiểu và Cảm thụ văn học
Đọc hiểu chính là đọc và nắm bắt thông tin. Hay nói cách khác là quá trình nhận thức để có khả năng
thông hiểu những gì được đọc. Vì vậy, hiệu quả của đọc hiểu được đo bằng khả năng thông hiểu nội
dung văn bản đọc. Muốn vậy, người đọc phải đọc văn bản một cách có ý thức, phải lĩnh hội được đích
tác động của văn bản. Kết quả của đọc hiểu là: người đọc phải lĩnh hội được thông tin, hiểu nghĩa của
từ, cụm từ, câu đoạn, bài… tức là toàn bộ những gì được đọc.
Đọc hiểu là yêu cầu đặt ra cho mọi đối tượng đọc, với tất cả các kiểu loại văn bản đọc, trong đó có cả
các văn bản nghệ thuật. Còn cảm thụ là yêu cầu đặt ra cho những ai đọc các văn bản nghệ thuật, đặc
biệt là các văn bản hay, gây xúc động.
Cảm thụ văn học (CTVH) là đọc hiểu các tác phẩm văn chương ở mức độ cao nhất, không chỉ nắm bắt
thông tin mà còn phải thẩm thấu được thông tin, phân tích, đánh giá được khả năng sử dụng ngôn từ
của tác giả, tạo được mối giao cảm đặc biệt giữa tác giả và bạn đọc và có thể truyền thụ cách hiểu đó
cho người khác.
Cảm thụ văn học có nghĩa là khi đọc (nghe) một câu chuyện, một bài thơ…người đọc không những hiểu
mà còn phải có xúc cảm, tưởng tượng và thật sự gần gũi, “nhập thân” với những gì đã đọc… Đọc có suy
ngẫm, tưởng tượng (hay liên tưởng) và rung cảm thực sự chính là người đọc biết cảm thụ văn học. Đúng
như nhà văn Anh Đức đã tâm sự: “ Khi đọc, tôi không chỉ thấy dòng chữ mà còn thấy cảnh tượng ở sau
dòng chữ, trí tưởng tượng nhiều khi dẫn tôi đi rất xa, vẽ thêu ra lắm điều thú vị”.
Năng lực cảm thụ văn học ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau do nhiều yếu tố qui định như: vốn
sống và hiểu biết, năng lực và trình độ kiến thức, tình cảm và thái độ, sự nhạy cảm khi tiếp xúc với tác
phẩm văn học…Ngay cả ở một người, sự cảm thụ văn học về một bài văn, bài thơ trong những thời điểm
khác nhau cũng có nhiều biến đổi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nói: “Riêng bài ca dao Con
cò mà đi ăn đêm thì ở mỗi độ tuổi của đời người, tôi lại cảm nhận một cái hay riêng của nó, và cho đến
bây giờ, tôi cảm thấy rằng tôi vẫn chưa đi thấu tận cùng vẻ đẹp của bài học thuộc lòng thuở nhỏ ấy”.
Những điều nói trên về cảm thụ văn học cho thấy: mỗi người đều có thể rèn luyện, trau dồi cách đọc để
từng bước nâng cao trình độ cảm thụ văn học cho bản thân, từ đó cũng có thể có khả năng cảm nhận
cuộc sống tốt hơn lên.
Đọc hiểu và cảm thụ có sự tác động qua lại lẫn nhau, thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau. Đầu
tiên là đọc để nắm bắt được văn bản, làm cơ sở cho việc tìm hiểu văn bản. Hiểu nội dung tức là người
đọc đã phát hiện ra các thông tin mà tác giả gửi gắm trong văn bản tác phẩm, kể cả việc nhận diện các
yếu tố nghệ thuật đã được sử dụng nhằm chuyển tải thông tin tới người đọc một cách ấn tượng. Cảm


thụ là quá trình người đọc nhập thân đầy cảm xúc vào tác phẩm, suy tư về một số các câu chữ, hình
ảnh, lập luận và sống cùng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, nhân vật trữ tình hoặc của tác giả. Người
cảm thụ đồng thời vừa là người tiếp nhận vừa là người phản hồi về tác phẩm. Điều này giải thích hiện
tượng vì sao những người am hiểu tác phẩm luôn đọc diễn cảm nó thành công và có thể nêu được
những nhận xét, suy nghĩ, cảm tưởng của mình về nó. Hiểu và cảm thụ văn bản nghệ thuật thuộc hai
mức độ nông sâu khác nhau: chúng tôi gọi hiểu là việc chạm tới nội dung bề mặt của ngôn từ nghệ thuật
(còn gọi là hiển ngôn), còn cảm thụ là việc hiểu sâu sắc với những xúc động, trước những gì mà ngôn từ
gợi ra để nhận thức được chiều sâu ý nghĩa của văn bản (còn gọi là hàm ngôn). Ví dụ (VD). Bài đọc Mùa
xuân đến - Nguyễn Kiên - Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 2, T2:
“Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Bầu trời ngày thêm xanh. Nắng vàng ngày càng rực rỡ. Vườn cây
lại đâm chồi, nảy lộc. Rồi vườn cây ra hoa. Hoa bưởi nồng nàn. Hoa nhãn ngọt. Hoa cau thoảng qua.
Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích chòe nhanh nhảu. Những chú
khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy trầm ngâm.
Chú chim sâu vui cùng vườn cây và các loài chim bạn. Nhưng trong trí thơ ngây của chú còn mãi sáng
ngời hình ảnh một cánh hoa mận trắng, biết nở cuối đông để báo trước mùa xuân tới”.
Để hiểu bài văn này, người đọc chỉ cần quan tâm tới các thông tin: dấu hiệu của mùa xuân, những thay
đổi của bầu trời và mọi vật khi mùa xuân đến, hương vị của mỗi loài hoa xuân, vẻ riêng của mỗi loài
chim…cuối cùng khái quát nội dung bài - mùa xuân làm cho cảnh vật thêm đẹp đẽ và sinh động.
Nhưng để cảm thụ nó, người đọc phải có một thứ mẫn cảm riêng, có thể đó là sự nhạy cảm của tâm
hồn, là sự thành tâm chú ý, là chút thắc mắc mang tính thẩm mĩ…miễn là không dễ dàng đi qua câu chữ
của bài văn này. Người đọc có thể dừng lại ở đâu đó. Chỗ khiến người ta dễ chú ý ở bài văn này chính là
câu văn đầu và câu văn cuối, bởi nó đã thông báo những điều khác thường. Câu đầu cho biết hoa mận
có một cách thức rất khác lạ để báo hiệu mùa xuân: sự tàn lụi - hoa mận dùng cái chết của mình để báo
hiệu sự bừng nở của sức sống mới, vì vậy, nó trở thành loài hoa hiếm hoi không có mặt trong mùa xuân.
Câu cuối, miêu tả tâm trạng chú chim sâu (chim sâu là loài chim duy nhất trong bài được tác giả miêu tả
tâm trạng). Một chữ nhưng đã đủ tạo ra sự khác biệt giữa loài chim này với các loài chim bạn: nó không
vô tư, mà bị ám ảnh bởi hình ảnh cánh hoa mận trắng biết nở lúc cuối đông để báo trước mùa xuân tới.
Nó biết nhớ tới một vẻ đẹp đã tàn phai, biết đánh giá ý nghĩa của vẻ đẹp ấy, đã coi vẻ đẹp ấy là bất tử.
Vì vậy, có thể gọi chim sâu là tri âm của hoa mận, tuy không được góp mặt với mùa xuân, nhưng hoa
mận không phải buồn tủi. Màu trắng mong manh mà chứa đựng sức sống mãnh liệt của nó sẽ được

người ta trân trọng và tiếc nuối. Do vậy, mấy chữ còn mãi sáng ngời mà tác giả dùng có sức lay động
sâu sắc.
Đặc điểm nổi bật của quá trình CTVH là đọc văn bản trong nhận biết và rung động. Người đọc không chỉ
lĩnh hội đầy đủ các thông tin được truyền đạt mà còn sống đời sống của các nhân vật, của câu chữ, hình
ảnh… Nghĩa là, nếu như tác giả sử dụng tư duy nghệ thuật để sáng tạo tác phẩm, thì người đọc cũng
phải sử dụng cùng loại tư duy ấy để lĩnh hội tác phẩm. Đó chính là tư duy hình tượng, loại tư duy dựa
trên cơ sở tiếp xúc cảm tính với đối tượng, làm sống dậy toàn vẹn đối tượng đó bằng nghe, nhìn, tưởng
tượng, không sao chép đối tượng một cách bàng quan mà còn bao hàm thái độ của con người với chính
đối tượng đó.
Để đảm bảo yêu cầu của CTVH, người đọc cũng phải thể nghiệm cùng với các nhân vật, tức là phải nhập
thân bằng tưởng tượng vào các nhân vật để hình dung các biểu hiện của chúng, từ đó khái quát đặc
điểm, tính cách… Người đọc cũng cần dùng tưởng tượng, trực giác để cảm nhận ý nghĩa biểu cảm của
ngôn từ, từ đó chia sẻ, đồng sáng tạo với tác giả. Sở dĩ bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa được đánh giá
cao là do tác giả đã biết chọn lọc từ ngữ khi miêu tả, tạo hình cho cây cối, cảnh vật ở góc sân và mảnh
vườn nhà mình. Người đọc biết đánh giá là người mường tượng được các trạng thái ấy qua từ ngữ, hình
ảnh. Chẳng hạn, trong hình ảnh Bụi tre tần ngần gỡ tóc, từ tần ngần đã diễn tả tài tình dao động chậm
chạp của cả búi tre trong mưa dông, thứ dao động lừng khà lừng khừng không giống với các loài cây
khác do búi tre gồm nhiều thân cây tre tạo nên, mà Trần Đăng Khoa đã phát hiện ra. Khi sử dụng từ tần
ngần với dụng ý nhân hóa, tác giả đã khiến cho bụi tre hiện ra như những cô gái đỏm dáng, thong thả
chải từng lọn tóc dài của mình. Dùng tưởng tượng và trực giác, người cảm nhận sẽ thấm điều đó và, tất
nhiên, nếu đọc thành tiếng, sẽ nhấn giọng và đọc thong thả từ tần ngần này.
Quá trình CTVH chính là việc đảm bảo hiệu quả nhất mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc.
Đến với tác phẩm văn học, người đọc muốn được hưởng thụ và bồi đắp những tình cảm thẩm mĩ, muốn
được mở mang trí tuệ, bồi dưỡng thêm về tư tưởng, đạo đức, lí tưởng, học hỏi kinh nghiệm sống hoặc
nhận xét, đánh giá. Bằng việc cảm thụ, người đọc đã chuyển hóa văn bản thứ nhất của tác giả thành văn
bản thứ hai của mình. Bởi vì, trong khi đọc tác phẩm văn học, người đọc vừa bám vào sự mô tả trong
văn bản, vừa liên tưởng tới các hiện tượng ngoài đời, đồng thời cũng dựa vào cảm nghĩ và lí giải của
mình, mà hình dung, tưởng tượng ra các con người, sự vật, sự việc được miêu tả. Khi mối quan hệ nhà
văn - tác -phẩm - bạn đọc được đảm bảo thì người đọc sẽ có được sự đồng cảm với với tác giả, khiến họ
yêu ghét những gì mà chính tác giả yêu ghét. Trên cơ sở của sự đồng cảm, nếu người đọc tiếp tục suy

ngẫm, kết hợp với chân lí của tác phẩm, liên hệ với thực tế, với bản thân, sẽ đến được với những nhận
thức mới. Chẳng hạn khi đọc bài ca dao cổ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Người đọc rung động trước vẻ đẹp thanh khiết của sen, đồng thời khi nghiền ngẫm kĩ ý nghĩa của câu
cuối, sẽ nhận thức được một bài học triết lí: cây cỏ còn biết vươn lên khỏi bùn lầy, nở hoa thơm ngát,
trắng trong, huống chi con người, sống trên cõi đời phức tạp này, nếu biết ý thức về phẩm giá, thì có thể
bảo toàn khí tiết và nhân cách của mình trong mọi hoàn cảnh, không để “gần mực thì đen”...
Cảm thụ văn học là bước cuối cùng của chặng đường đọc hiểu, là đọc hiểu ở mức độ cao nhất. Vì vậy,
sau khi đã hiểu thấu đáo nội dung một tác phẩm văn học hay, HS cần phát hiện tiếp các tín hiệu thẩm mĩ
của văn bản nhằm tiếp cận tác phẩm ở một mức độ cao hơn, tạo mối giao tiếp gần gũi hơn với tác giả.
Các tín hiệu đó có thể rất nhỏ bé, nhưng có sức gợi tưởng tượng và liên tưởng sâu xa, đem lại những
rung cảm thực sự cho người đọc. Sau khi phát hiện, bước tiếp theo là phân tích, bình giảng làm nổi bật
vẻ đẹp đó để người khác có thể chia sẻ, thưởng thức.
Muốn trở thành một học sinh có năng lực cảm thụ văn học tốt, mỗi HS khá giỏi cần phải tự giác phấn
đấu và rèn luyện về nhiều mặt. Kinh nghiệm của nhiều nhà văn, nhà thơ hồi nhỏ và của các bạn học sinh
giỏi ở tiểu học từ trước đến nay đều cho thấy: để có được năng lực cảm thụ văn học sâu sắc và tinh tế
cần có sự say mê, hứng thú khi tiếp xúc với thơ văn; chịu khó tích luỹ vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống
và văn học; nắm vững kiến thức cơ bản về tiếng Việt phục vụ cho việc cảm thụ văn học; kiên trì rèn
luyện kĩ năng viết đoạn văn về cảm thụ văn học. Đây chính là những yêu cầu nền tảng của quá trình cảm
thụ văn học mà mỗi HS cần trang bị cho mình.
Yêu cầu thứ nhất: Trau dồi hứng thú khi tiếp xúc với thơ văn

Ngay từ khi còn nhỏ, hầu hết các em đều thích nghe ông bà cha mẹ hoặc người thân kể chuyện, đọc
thơ. Bước chân tới trường tiểu học, được tiếp xúc với những câu thơ, bài văn hay trong sách giáo khoa
Tiếng Việt, nhiều em muốn đọc to lên một cách thích thú. Đó chính là những biểu hiện ban đầu của hứng
thú, cần gìn giữ và nuôi dưỡng để nó phát triển liên tục, mạnh mẽ đến mức say mê. Một học sinh chưa
thích văn học, thiếu sự say mê cần thiết, nhất định chưa thể đọc lưu loát và diễn cảm bài văn hay, chưa

thể xúc động thực sự với những gì đẹp đẽ được tác giả diễn tả qua bài văn ấy. Giáo sư Lê Trí Viễn đã có
nhận xét: “Trong thơ văn hay, chữ nghĩa ngoài cái gọi là nội dung giao tế thông thường của nó, còn có
vốn sống của cuộc đời nghìn năm bồi đắp lại. Nếu không làm thân với văn thơ thì không nghe được tiếng
lòng chân thật của nó”. Muốn “làm thân” với văn thơ, chính ta cũng phải có tấm lòng chân thật, có tình
cảm thiết tha, yêu quí văn thơ.
Có hứng thú khi tiếp xúc với thơ văn, các em sẽ vượt qua được khó khăn, trở ngại, cố gắng luyện tập để
cảm thụ văn học tốt và học giỏi môn Tiếng Việt. Tập đọc diễn cảm một bài thơ, đoạn văn, chăm chú
quan sát, lắng nghe để tìm hiểu cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống quanh ta, tập dùng từ ngữ cho
đúng và hay, nói và viết thành câu cho rõ ý, sinh động và gợi cảm…tất cả đều giúp các em phát triển
năng lực cảm thụ văn học.
Trau dồi hứng thú khi tiếp xúc với thơ văn cũng chính là tự rèn luyện mình để có nhận thức đúng, tình
cảm đẹp, từ đó đến với văn học một cách tự giác, say mê – yếu tố quan trọng của cảm thụ văn học.
Yêu cầu thứ hai: Tích lũy vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống và văn học
Cảm thụ văn học là quá trình nhận thức có ảnh hưởng bởi vốn sống của mỗi người. Cái “vốn” ấy trước
hết được tích lũy bằng những hiểu biết và cảm xúc của bản thân qua sự hoạt động và quan sát hàng
ngày trong cuộc sống.
Có những cảnh vật, con người, sự việc diễn ra quanh ta tưởng chừng như rất quen thuộc, nhưng nếu ta
không chú ý quan sát, nhận xét để có cảm xúc và ghi nhớ (hoặc ghi chép lại) thì thì chúng ta không thể
làm giàu thêm vốn hiểu biết về cuộc sống của ta. Chính vì vậy, tập quan sát thường xuyên, quan sát
bằng nhiều giác quan (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi…) là một thói quen rất cần thiết cho người
học sinh giỏi.
Tô Hoài đã nªu lªn kinh nghiệm quan sát để phục vụ cho việc tích lũy “vốn sống” như sau:
“Quan sát giỏi là phải tìm ra nét chính, thấy được tính riêng, móc được những ngóc ngách của sự vật,
của vấn đề. Nhiều khi không cần dàn đủ sự việc, chỉ cần chép lại những đặc điểm mà mình cảm nhất
như: một câu nói lột tả tính nết, những dáng người và hình bóng, tiếng động, ánh đèn, nét mặt, một
trạng thái tư tưởng do mình đã khổ công ngắm, nghe, nghĩ mới bật lên và khi thấy bật lên được thì thích
thú, hào hứng, không ghi không chịu được”.
Quan sát nhiều, quan sát kĩ chẳng những giúp các em viết được những bài văn hay mà còn tạo điều kiện
cho các em cảm nhận được vẻ đẹp của thơ văn một cách tinh tế và sâu sắc.
Bên cạnh vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống, các em còn cần tích lũy cả vốn hiểu biết về văn hóa thông

qua việc đọc sách thường xuyên. Mỗi cuốn sách có biết bao điều bổ ích và lí thú. Nó giúp ta mở rộng tầm
nhìn cuộc sống, khơi sâu những suy nghĩ, cảm xúc, góp phần khơi dậy năng lực cảm thụ văn học ở mỗi
chúng ta. Việc chọn sách đọc là rất quan trọng. Các em phải chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi,
có ích cho việc học tập và rèn luyện. Khi đọc sách, cần tập trung tư tưởng cao, luôn suy nghĩ về những
điều đáng đọc để thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm (cả về nội dung và nghệ thuật). Đọc sách đến mức
say mê cũng có nghĩa là “sống” cùng với nhân vật, biết vui - buồn - sướng - khổ hay yêu - ghét…, đồng
thời cảm nhận được những hình ảnh đẹp, những câu văn hay, những chi tiết xúc động…
Chăm đọc sách, đọc sách có phương pháp tốt sẽ giúp mỗi người tự học được nhiều điều thú vị từ đó mà
lớn lên về cả trí tuệ lẫn tâm hồn. Càng hiểu biết sâu sắc về thực tế cuộc sống và văn học, trí tưởng
tượng và cảm xúc của mỗi người càng thêm phong phú, chân thực. Đó chính là điệu kiện quan trọng để
cảm thụ văn học tốt.
Yêu cầu thứ 3: Nắm vững kiến thức cơ bản về Tiếng Việt
Để trau dồi năng lực cảm thụ văn học ở tiểu học, các em cần nắm vững những kiến thức cơ bản đã học
trong chương trình môn Tiếng Việt ở tiểu học. Có hiểu biết về ngữ âm, chữ viết tiếng Việt cũng như kiến
thức về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, các em sẽ không chỉ nói – viết tốt mà còn có thể cảm nhận được
nét đẹp của nội dung qua những hình thức diễn đạt sinh động và sáng tạo.
Ngoài những kiến thức về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, qua các giờ tập đọc, kể chuyện, tập làm
văn ở tiểu học, các em còn được làm quen và cảm nhận về một số khái niệm như: hình ảnh (là toàn bộ
đường nét, màu sắc hay đặc điểm của người, vật, cảnh bên ngoài được ghi lại trong tác phẩm, nhờ đó ta
có thể tưởng tượng ra được người, vật, cảnh đó); chi tiết (là điểm nhỏ, ý nhỏ, khía cạnh nhỏ trong nội
dung sự việc hay câu chuyện); bố cục (là sự xếp đặt, trình bày các phần để tạo nên một nội dung hoàn
chỉnh)…
Một số biện pháp nghệ thuật tu từ cũng làm nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh: so sánh
(là đối chiếu hai sự vật, hiện tượng có cùng một dấu hiệu chung nào đó với nhau, nhằm làm cho việc
diễn tả được sinh động, gợi cảm); nhân hóa (là biến sự vật thành con người bằng cách gán cho nó
những đặc điểm mang tính cách người, làm cho nó trở nên sinh động, hấp dẫn); điệp ngữ (là sự nhắc đi
nhắc lại một từ ngữ, nhằm nhấn mạnh một ý nào đó, làm cho nó nổi bật và hấp dẫn người đọc); đảo
ngữ (là sự thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật ý
cần diễn đạt); chuyển đổi cảm giác (là dùng ấn tượng của giác quan này để miêu tả ấn tượng của giác
quan khác, tạo nên những ấn tượng tổng hợp nhiều mặt về một đối tượng nào đó, gây ấn tượng mạnh

khi miêu tả)…
Yêu cầu thứ tư: Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn cảm thụ văn học
Rèn luyện để nâng cao năng lực cảm thụ văn học là một trong những nhiệm vụ cần thiết đối với mỗi học
sinh tiểu học. Có năng lực cảm thụ văn học tốt, các em sẽ cảm nhận được những nét đẹp của văn thơ,
được phong phú thêm về tâm hồn, nói - viết tiếng Việt thêm trong sáng và sinh động. Chính vì vậy, để
đánh giá kết quả học tập của học sinh giỏi môn Tiếng Việt ở tiểu học, ngoài những bài tập về từ ngữ,
ngữ pháp, làm văn, đề thi còn có một bài tập viết đoạn văn cảm thụ văn học. Tuy nhiên yêu cầu của loại
bài tập này chỉ ở mức độ đơn giản, phù hợp với khả năng của học sinh tiểu học.
Đoạn văn có nội dung cảm thụ văn học ở tiểu học cần được diễn đạt một cách hồn nhiên, trong sáng và
bộc lộ cảm xúc; cần tránh mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu, tránh diễn giải dài dòng về nội dung
đoạn thơ (hay đoạn văn) hay sa vào “phân tích” quá kĩ bằng giọng văn không phù hợp với lứa tuổi thiếu
nhi.
Nắm vững yêu cầu về cảm thụ văn học ở tiểu học, kiên trì rèn luyện từng bước (từ dễ đến khó) sẽ viết
được những đoạn văn hay về cảm thụ văn học, sẽ có được năng lực cảm thụ văn học tốt để phát hiện
bao điều đáng quý trong văn học và trong cuộc sống của chúng ta.
Bài 1. Có công mài sắt, có ngày nên kim
(Tiếng Việt 2, tập 1, trang 4)
Đây là nguyên bản một câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam. Mục tiêu của truyện ngụ ngôn là khái quát các
bài học triết lí thông qua tình huống ứng xử của một nhân vật nào đó. Bài học này có thể được thể hiện
dưới nhiều hình thức: hoặc công khai trong ngôn ngữ văn bản dưới dạng nhan đề câu chuyện hay lời nói
của nhân vật, hoặc tiềm ẩn trong hàm ngôn của câu chuyện đòi hỏi người thưởng thức phải tự đúc kết.
Trong trường hợp này, triết lí của truyện đã được khái quát bằng chính nhan đề, dưới dạng một câu tục
ngữ khuyên người ta phải biết kiên trì trong hành động để đạt kết quả tốt đẹp. Nội dung câu chuyện là
một ví dụ minh họa cụ thể cho ý nghĩa của câu tục ngữ đó: Từ một cậu bé lười học vì thiếu tính kiên trì,
sau khi được chứng kiến cảnh một bà cụ ngồi mài thỏi sắt thành kim khâu, cậu đã thấy được giá trị của
lòng kiên nhẫn khi làm việc, vì vậy trở nên chăm chỉ học hành. Nghệ thuật so sánh giữa sự từng trải của
người già và cái non nớt của người trẻ, giữa sự kiên trì của việc mài thỏi sắt thành kim với lòng kiên nhẫn
khi học tập thành tài đã giúp cho bài học triết lí được minh họa đầy đủ và thuyết phục.
1. Giúp em hiểu
Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài đã tái hiện bố cục và nêu yêu cầu khái quát ý nghĩa của câu chuyện, vì

vậy, em hãy trả lời lần lượt các câu hỏi đó.
1. Lúc đầu, cậu bé học hành thế nào?
Trước hết, em hãy nêu nhận xét khái quát về cậu bé: làm việc gì cũng mau chán, thiếu tính kiên trì, vì
vậy rất lười học. Sau đó, em lấy ví dụ minh họa về thói lười học của cậu ta: đọc vài dòng đã ngáp ngắn
ngáp dài rồi bỏ dở, viết nắn nót được mấy chữ đầu rồi viết nguệch ngoạc.
2. Cậu bé thấy bà cụ đang làm gì?
Cậu lấy làm lạ khi thấy bà cụ cầm thỏi sắt mải miết mài vào tảng đá ven đường, hỏi ra mới biết bà mài
thỏi sắt thành kim khâu. Điều đó làm cậu rất ngạc nhiên, bởi cậu không tin có thể làm nổi điều đó.
3. Bà cụ giảng giải như thế nào?
Bà khẳng định với cậu rằng nếu mỗi ngày mài cho thỏi sắt nhỏ đi một tí, nó sẽ thành kim, giống như việc
học, mỗi ngày học một ít, sẽ có ngày thành tài.
4. Câu chuyện này khuyên em điều gì?
Từ một việc làm cụ thể như mài thỏi sắt thành kim, bà cụ đã so sánh với việc học để nhắc nhở cậu bé
không nên lười biếng, mà hãy kiên trì. Liên hệ rộng ý nghĩa của câu tục ngữ, có thể rút ra bài học khái
quát: Trong khi làm bất kì việc gì, nếu biết kiên nhẫn sẽ thu được kết quả.
2. Giúp em cảm thụ
- Em hãy sưu tầm những câu tục ngữ, những thành ngữ có nội dung giống với nhan đề câu chuyện, hoặc
đặt tên khác cho truyện: Kiến tha lâu cũng đầy tổ, Nước chảy đá mòn, Có chí thì nên, Góp gió thành
bão…
- Hãy kể lại một việc em đã cố gắng kiên trì thực hiện và đã thành công.
Bài 6. Sự tích cây vú sữa
(SGK Tiếng Việt 2, tập 1, trang 96)
Trong SGK Tiếng Việt, đôi khi em gặp những câu chuyện cổ tích do các nhà văn trong và ngoài nước viết
cho trẻ em. Chúng được gọi là truyện cổ tích mới. Sở dĩ gọi như vậy là vì tuy chúng được viết theo hình
thức của truyện cổ dân gian, sử dụng yếu tố thần kì như Tiên, Bụt, các vật chứa đựng phép màu, các
phép thần thông biến hóa… nhưng lại do các nhà văn sáng tạo ra chứ không phải là sáng tác truyền
miệng trong dân gian. Vì thấy các em yêu truyện cổ tích, nên các nhà văn muốn tặng thêm quà cho các
em bằng những truyện cổ tích mới này đấy. Ở SGK Tiếng Việt lớp 2, sau truyện Bà cháu của nhà văn
Trần Hoài Dương, phải kể đến truyện Sự tích cây vú sữa của nhà văn Ngọc Châu. Giống như tất cả các
câu chuyện cổ tích loài vật, câu chuyện này nhằm giải thích nguồn gốc của cây vú sữa, rằng tại sao lại có

thứ cây quả có những đặc điểm và tên gọi như vậy. Và cũng giống như nhiều truyện cổ tích khác, câu
chuyện này còn khẳng định tính chất cao cả, thiêng liêng của tình cảm mẹ con.
Nhân vật chính của câu chuyện này là một chú bé ham chơi, không vâng lời mẹ, chú ta chỉ thực sự nhớ
đến mẹ và thương mẹ khi mẹ đã qua đời, ân hận như vậy là quá muộn. Nhưng dù sao, từ sự ân hận
muộn màng của cậu bé, một thứ trái cây thơm ngon đã ra đời. Cái cây xanh trong vườn chính là hóa
thân của bà mẹ do mỏi mắt mong chờ con, khóc thương mà chết. Nó không có hoa trái, chỉ có những
chiếc lá với hai mặt một xanh bóng, một đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Chỉ đến khi cậu bé, sau một
thời gian dài bỏ nhà ra đi, nhớ mẹ trở về, ôm cây mà khóc, cây mới vì cảm động mà ra hoa kết trái: Hoa
bé tí, trắng như mây, quả có làn da căng mịn, xanh óng ánh, chứa đầy sữa trắng bên trong.
Từ đặc điểm của trái cây, người ta đã gọi cây xanh ấy là cây vú sữa. Mỗi khi ăn trái, vị ngọt thơm và
dòng sữa trắng luôn nhắc người ta nhớ tới tình thương bao la của người mẹ. Cho dù con cái có mắc sai
lầm, chỉ cần biết nghĩ lại, người mẹ sẽ luôn tha thứ và vẫn dành cho con những tình cảm âu yếm nhất.
Do vậy, có thể nói, cây vú sữa là hình ảnh kết tinh của tình mẹ thương con.
1. Giúp em hiểu
Để giúp em nắm được diễn biến câu chuyện, từ đó hiểu được nguồn gốc xuất hiện cây vú sữa, chúng tôi
đã soạn những câu hỏi gợi ý sau đây trên cơ sở bổ sung và điều chỉnh câu hỏi đọc hiểu của SGK:
1. Vì sao cậu bé bỏ nhà ra đi?
Đoạn 1 của câu chuyện cho em biết cậu bé rất ham chơi, một lần cậu đã bỏ đi khi bị mẹ mắng.
2. Trở về nhà không thấy mẹ, cậu bé đã làm gì?
Cậu gọi mẹ và ôm lấy một cây xanh trong vườn mà khóc.
3. Điều kì lạ nào đã xảy ra?
Cây xanh run rẩy, ra hoa rồi đậu quả.
4. Quả có những đặc điểm gì?
Quả có da căng mịn, màu xanh óng ánh, bên trong có chứa những giọt sữa trắng.
5. Tại sao người ta gọi cây xanh ấy là cây vú sữa?
Trước hết vì cây ra trái căng tròn, có chứa sữa gợi nhớ đến bầu sữa mẹ, sau nữa vì những lá cây gợi nhớ
con mắt mẹ khóc chờ con, cành cây giống như những cánh tay mẹ âu yếm vỗ về.
2. Giúp em cảm thụ
Em có hiểu tại sao cậu bé lại òa khóc khi nhìn lên tán lá không?
Em nên nhớ là cậu bé nhìn lên tán lá sau khi đã uống những giọt sữa trắng trào ra từ trái cây. Những

giọt sữa ấy chính là tình cảm và sự chăm sóc người mẹ để dành cho đứa con đi xa, chúng đánh thức tình
yêu của cậu bé. Vì vậy, cậu đã ân hận rất nhiều khi nhìn lên tán lá, thấy mặt dưới của những chiếc lá
giống như mắt mẹ khóc chờ con mà không thấy con về.
Bài 7. Câu chuyện bó đũa
(SGK Tiếng Việt 2, tập 1, trang 112)
Đây là một truyện ngụ ngôn của Việt Nam. Mục đích của người kể chuyện ngụ ngôn là nêu lên các bài
học kinh nghiệm về cách cư xử của con người thông qua một sự việc cụ thể nào đó. Bài học đó có thể
được khái quát ngay trong văn bản của câu chuyện hoặc cũng có thể được ẩn giấu kín đáo, buộc người
thưởng thức phải tự khái quát. Trong Câu chuyện bó đũa, bài học về tình đoàn kết gia đình đã được
người cha nêu lên sau khi thử sức bẻ đũa của các con.
Thông thường, cha mẹ lấy lời lẽ phân tích, giảng giải cho con cái thấy lẽ phải trái ở đời mà sống sao cho
phù hợp, nhưng không phải bao giờ con cái cũng hiểu ra và nghe theo. Em tự liên hệ với mình thì sẽ rõ,
có phải nhiều khi em rất thích làm ngược lại những điều cha mẹ nhắc nhở không?
Hiểu được điều đó, người cha trong câu chuyện này đã áp dụng một hình thức giáo dục con cái rất đặc
biệt và có sức thuyết phục. Ông yêu cầu các con thử sức bẻ một bó đũa, sau khi không ai bẻ nổi, ông đã
cởi bó đũa ra và thong thả bẻ gãy từng chiếc trước mặt các con. Khi các con nhận ra rằng lấy từng chiếc
đũa mà bẻ thì không khó gì, người cha mới nói điều cần nói: Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra
thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có
sức mạnh.
1. Giúp em hiểu
Để hiểu một truyện ngụ ngôn, em chỉ cần nắm bắt được diễn biến sự việc, từ đó thấy được ý nghĩa của

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×