Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Công bố bản đồ Hà Nội 1831

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (61.08 KB, 2 trang )

Công bố bản đồ Hà Nội 1831
T.T
Hoài Đức phủ toàn đồ (bản scan).
Sáng 24/09, Viện Thông tin khoa học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam )
đã tổ chức lễ công bố tấm bản đồ hành chính đầu tiên họa về phủ Hoài Đức,
ứng với nội thành Hà Nội ngày nay, được hoàn thành từ năm 1831.
Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, “Hoài
Đức phủ toàn đồ” là một bản đồ vẽ với độ chính xác tương đối cao, mô tả chi
tiết hình thể tự nhiên và cả các thiết chế xã hội của kinh đô Thăng Long hồi
đầu thế kỷ XIX.
Tấm bản đồ vẽ tay trên giấy crôki, khổ 175X190cm này là một trong 40 bản
đồ Hà Nội thế kỷ 18 – 19 được bảo quản tại Viện Thông tin khoa học. Tên
các địa danh và chú giải trên bản đồ được ghi hoàn toàn bằng chữ Hán và
chữ Nôm. “Hoài Đức phủ toàn đồ” cũng là tấm bản đồ duy nhất không có bản
sao, được tìm thấy trở lại trong đợt tổng kiểm kê năm 1998. Hiện toàn bộ nền
giấy bản đồ đã ố vàng, lão hóa do thời gian và nấm mốc xâm thực; nhiều
mảng bị giòn vỡ; các nét vẽ và màu chữ bằng mực tàu nay đều phai nhạt,
hóa màu lơ.
Bản đồ được hai họa sĩ Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến hoàn thành vào
tháng 5-1831, năm cuối cùng của kinh thành Thăng Long, là thời gian vua
Minh Mạng thực hiện cải cách bộ máy hành chính, chia cả nước thành 29
tỉnh. Tỉnh Hà Nội bấy giờ bao gồm phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ và
huyện Từ Liêm của trấn Sơn Tây) và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân
của trấn Sơn Nam Thượng cũ.
GS Phan Huy Lê nhận định, đây là bản đồ đầu tiên của Việt Nam được vẽ
trên cơ sở đo đạc thực địa cụ thể và thể hiện theo tỷ lệ (1/500 trượng), khác
với lối vẽ bản đồ truyền thống dựa trên sự ước tính và không có tỷ lệ.
Theo nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc, các quan đầu triều Hà Nội đã sử dụng
“Hoài Đức phủ toàn đồ” để tiến hành đo đạc nhằm xây dựng tỉnh lỵ Hà Nội
Tại lễ công bố “Hoài Đức phủ toàn đồ”, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều
giải pháp gia cố, ngăn chặn tình trạng hư hỏng để bảo tồn lâu dài tấm bản đồ


có nhiều giá trị về mặt họa đồ cũng như thông tin khoa học giúp nghiên cứu
quy mô, cấu trúc thành Thăng Long cùng các di tích của nó.
Một phiên bản của tấm bản đồ quý giá này đã được trao tặng cho UBND TP
Hà Nội.

×