CHƯƠNG I LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHẬP KHẨU VÀ HIỆU QUẢ
KINH DOANH NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP
1.1. Tổng quan về nhập khẩu
1.1.1. Khái niệm về nhập khẩu
Dựa trên những tiêu chí và giác độ hay khía cạnh khác nhau thì lại có
một cách định nghĩa khác nhau về khái niệm nhập khẩu. Nhập khẩu là hoạt
động tiếp nhận các hàng hóa và dịch vụ vào quốc gia này từ quốc gia khác.
Dưới giác độ kinh doanh, nhập khẩu là việc mua các hàng hóa và dịch vụ.
Dưới giác độ phi kinh doanh như làm quà tặng hoặc viện trợ không hoàn
lại thì nhập khẩu là việc lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia.
Trên giác độ của nghiệp vụ ngoại thương thì nhập khẩu là hoạt động kinh
doanh, buôn bán quốc tế. Đó không chỉ là những hành vi mua bán riêng lẻ mà là
cả một hệ thống các quan hệ mua bán trong nền kinh tế thương mại có tổ chức
cả bên trong và bên ngoài nhằm mục đích đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phát
triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước, ổn định và từng bước nâng cao
mức sống nhân dân. Vì vậy nhập khẩu được coi là hoạt động kinh tế đem lại
hiệu quả cao hoặc có thể gây thiệt hại vì nó phải đương đầu với một hệ thống
kinh tế khác từ bên ngoài mà các chủ thể tham gia không dễ dàng khống chế
được.
1.1.2. Các đặc điểm cơ bản của nhập khẩu
Hoạt động nhập khẩu chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn khác nhau như
điều ước quốc tế, luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế.
Mọi hoạt động nhập khẩu hàng hóa điều phải được tiến hành thông qua
hình thức hợp đồng kinh tế.
Hoạt động nhập khẩu được thanh toán theo những phương thức đa dạng
như trả trước, phương thức nhờ thu, phương thức thanh toán đối lưu, phương
thức tín dụng chứng từ, tùy thuộc từng hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, phương
thức thanh toán tín dụng chứng từ được dùng nhiều nhất hiện nay. Ngoại tệ
dùng trong thanh toán thường là các ngoại tệ mạnh có sức chuyển đổi cao như
USD, EURO…. trong đó USD được sử dụng nhiều nhất.
Điều kiện giao hàng được thỏa thuận và vận dụng linh hoạt. Hiện nay
thường tuân theo inconterm 2000 với 2 điều kiện phổ biến nhất FOB và CIF.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh nhập khẩu chịu ảnh hưởng sâu sắc của kiến
thức kinh doanh, trình độ quản lý, trình độ nghiệp vụ ngoại thương, sự nhanh
nhậy nắm bắt thông tin của các nhà quản trị và cán bộ lãnh đạo.
Nhập khẩu được tiến hành trên phạm vi quốc tế nên địa bàn rộng, thị
trường lớn, khó kiểm soát, thủ tục phức tạp và chịu sự tác động của nhiều yếu tố
khác nhau như luật pháp, chính trị, văn hóa, kinh tế, các chính sách điều tiết của
các quốc gia.
Nhập khẩu có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển. Để đề phòng các rủi
ro và giảm thiểu những thiệt hại thì các bên có thể thỏa thuận mua bảo hiểm.
1.1.3. Vai trò của nhập khẩu
Thứ nhất, nhập khẩu có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh
doanh vì nó có thể cung cấp cho nền kinh tế một số lượng các yếu tố đầu vào
chính yếu, quan trọng phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước. Đồng thời nó
cũng cung cấp các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu dân chúng mà trong nước
chưa sản xuất được hoặc việc sản xuất ra chưa đáp ứng nhu cầu người dân.
Thứ hai, nhập khẩu gây biến động đột phá vào các trang thiết bị, trình độ
khoa học công nghệ của các doanh nghiệp. Từ đó nâng cao năng suất lao động,
chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh vì nhờ có nhập khẩu,
những thiết bị và công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào quá trình sản xuất kinh
doanh. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước thúc đẩy xuất khẩu
hàng hóa ra thị trường thế giới.
Thứ ba, nhập khẩu có những ảnh hưởng nhất định đến việc cải tiến, nâng
cao mức sống người dân, bởi thông qua nhập khẩu, sẽ tạo thêm công ăn việc
làm do người lao động giúp họ tăng thu nhập. Đồng thời nhập khẩu làm phong
phú cơ cấu hàng hóa lưu thông trên thị trường, làm thỏa mãn nhu cầu người
dân, đặc biệt với hàng hóa trong nước chưa sản xuất được.
Thứ tư, nhập khẩu giúp tạo lập sự ổn định giá cả và ổn định thị trường,
làm cân đối giữa cung và cầu về hàng hóa trên thị trường. Đồng thời nó góp
phần hạn chế sự khan hiếm hàng hóa và tình trạng leo thang của giá cả trên
thị trường.
Thứ năm, nhập khẩu sẽ làm đa dạng hóa về chủng loại cũng như quy cách
của mặt hàng, xóa bỏ tình trạng độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa
hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. chính điều này sẽ là động
lực buộc các nhà sản xuất trong nước không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao
chất lượng, giảm thiểu chi phí, hạ giá thành để đủ sức cạnh tranh với hàng nhập
khẩu, thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển.
Thứ sáu, nhập khẩu là cầu nối thông suốt giữa các nền kinh tế, thị trường
trong và ngoài nước với nhau, tạo điều kiện phân công lao động xã hội và hợp
tác quốc tế, phát huy được lợi thế so sánh của mỗi quốc gia trên cơ sở chuyên
môn hóa
Hoạt động nhập khẩu đưa đến sự cạnh tranh gay gắt giữa trong nước và
ngoài nước. Người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt với
giá rẻ nhất, nhưng những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả sẽ đi đến phá
sản. Nhập khẩu tạo động lực các doanh nghiệp khác vươn lên, phát triển tốt hơn
để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường rất năng động này.
Nước ta là nước đang phát triển, trang thiết bị máy móc và trình độ công
nghệ còn cũ kỹ và lạc hậu nên hàng hóa trong nước còn thiếu hoặc chưa đủ sức
cạnh tranh với hàng nước ngoài. Do vậy việc huy động vốn nhập khẩu máy
móc, công nghệ tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước là
vấn đề quan trọng. Hơn nữa máy móc, công nghệ hiện đại tạo điều kiện để
chúng ta khai thác những nguồn tài nguyên chưa từng được khai thác.
1.1.4. Các hình thức nhập khẩu:
Nhập khẩu có thể tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau, tuỳ thuộc vào
khả năng về năng lực và tài chính của công ty. Họ sẽ lựa chọn cho mình hình
thức nhập khẩu thích hợp với mục đích kinh doanh. Theo các góc độ khác nhau,
cách tiếp cận khác nhau mà ta có các hình thức tiếp cận khác nhau. Trong giới
hạn chuyên đề này chỉ xin giới thiệu mốt số cách tiếp cận phân loại, cũng như
chỉ đi sâu vào một số hình thức nhập khẩu được các doanh nghiệp Việt Nam áp
dụng nhiều trong thực tế hiện nay
1.1.4.1. Theo hình thức quản lý của nhà nước
-Nhập khẩu uỷ thác
-Nhập khẩu tự doanh
Nhập khẩu ủy thác là hình thức nhập khẩu mà trong đó doanh nghiệp có
nhu cầu nhập khẩu sẽ tiến hành ủy thác cho một công ty khác có chức năng giao
dịch ngoại thương, có chuyên môn giỏi và trả họ một phần thù lao gọi là phí ủy
thác
Nhập khẩu tự doanh được coi là hoạt động nhập khẩu độc lập của doanh
nghiệp bao gồm hai hình thức
+Nhập khẩu mậu dịch là hình thức nhập khẩu mà trong đó hàng hóa do
nhà nước trực tiếp quản lý theo kế hoạch, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của xã
hội. Đối với hàng hóa nhập khẩu mậu dịch thì phải đăng ký kế hoạch với bộ chủ
quản, bộ thương mại. Bộ thương mại sẽ lập kế hoạch nhập khẩu dự kiến trong
năm
+Nhập khẩu phi mậu dịch là hình thức nhập khẩu mà trong đó hàng hóa
được nhâp khẩu không trực tiếp đưa vào kinh doanh. Nhà nước không có quyền
quản lý trực tiếp và không nằm trong kế hoạch của nhà nước. Thủ tục nhập khẩu
hàng hóa phi mậu dịch là do hải quan cấp giấy phép
1.1.4.2.Theo khối lượng hàng hoá nhập khẩu
-Nhập khẩu tiểu ngạch
-Nhập khẩu chính ngạch
Nhập khẩu tiểu ngạch là hình thức nhập khẩu thường chỉ áp dụng với
những hàng hóa không chịu sự quản lý của nhà nước về thủ tục hành chính,
hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch phải làm thủ tục kê khai hải quan và đóng thuế
tiểu ngạch do bộ tài chính quy định, và bán hàng thống nhất trong cả nước. nhập
khẩu tiểu ngạch là nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với khối lượng từng đợt
nhỏ lẻ
Nhập khẩu chính ngạch là hình thức nhập khẩu có chịu sự quản lý của nhà
nước thông qua bộ thương mại. Nhập khẩu chính ngạch mang tính kinh doanh
lớn và có thị trường ổn định.
1.1.4.3.Theo nguồn gốc và hình thức giao hàng
-Nhập khẩu trực tiếp
-Nhập khẩu gián tiếp
-Tạm nhập tái xuất
Nhập khẩu trực tiếp là hình thức nhập khẩu mà trong đó các bên trực tiếp
quan hệ bàn bạc với nhau, đi đến thống nhất các vấn đề thỏa thuận
Nhập khẩu gián tiếp là hình thức nhập khẩu thông qua các trung tâm
thương mại, trung tâm môi giới
Tạm nhập tái xuất là hình thức nhập khẩu vào trong nước nhưng không
nhằm mục đích tiêu dùng mà để xuất khẩu sang nước thứ ba.
1.1.4.4Căn cứ vào phương thức nhập khẩu
-Nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng
-Nhập khẩu theo phương thức mua bán thông thường
Nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng là hình thức nhập khẩu gắn
liền với xuất khẩu. Người nhập khẩu cũng đồng thời là người xuất khẩu, và khối
lượng hàng hóa trao đổi giữa hai bên là có giá trị tương đương.
Nhập khẩu theo phương thức mua bán thông thường chính là việc bên
mua bên bán trực tiếp giao dịch với nhau dựa trên quan hệ mua bán tiền hàng.
Bên mua có thể chỉ mua mà không bán, ngược lại bên bán có thể chỉ bán không
mua
1.1.4.5.Căn cứ vào mối quan hệ trong hoạt động nhập khẩu
-Nhập khẩu trực tiếp
-Nhập khẩu uỷ thác
-Liên doanh nhập khẩu
Nhập khẩu liên doanh là hình thức kinh doanh nhập khẩu có sự kết hợp từ
hai bên trở lên trong đó có ít nhất một bên là doanh nghiệp kinh doanh nhập
khẩu trực tiếp.
Để tránh sự trùng lặp các hình thức nhập khẩu do các cách tiếp cận khác
nhau, dưới đây chỉ xin đi sâu vào một số hình thức nhập khẩu tiêu biều.
*. Nhập khẩu trực tiếp
Nhập khẩu trực tiếp là phương thức nhập khẩu mà trong đó nhà xuất khẩu
và nhà nhập khẩu có mối quan hệ trực tiếp với nhau để bàn bạc thỏa thuận về
giá cả, phương thức giao dịch hàng hoá, loại hình vận chuyển, và các điều kiện
khác.
Ưu điểm: phương thức này sẽ cho phép Công ty có thể thiết lập chặt chẽ
mối quan hệ làm ăn với nhà cung cấp. Công ty không mất chi phí trung gian nên
sẽ nâng cao được sức cạnh tranh cho Công ty. Mặt khác quá trình giao dịch trực
tiếp cũng tạo ra sự dễ dàng, thống nhất giữa 2 bên về các vấn đề, ít xảy ra hiểu
lầm, sai sót đáng tiếc, giúp nâng cao hiệu quả nhập khẩu.
Hạn chế, phương thức này sẽ tốn kém cho chi phí giấy tờ, đi lại, và khảo
sát thị trường nên sẽ chỉ phù hợp với những hợp đồng có khối lượng giao dịch
lớn. Mặt khác phương thức này lại đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực về
tài chính, nhân lực và kinh nghiệm làm việc mới bảo đảm tránh được rủi ro,
thực hiện thành công hoạt động nhập khẩu.
*. Nhập khẩu ủy thác
Nhập khẩu ủy thác là phương thức nhập khẩu được hình thành khi các
doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nhưng vì không có giấy phép nhập khẩu,
hay không có quota nhập khẩu hoặc là không có kinh nghiệm nhập khẩu trực
tiếp nên doanh nghiệp sẽ ủy thác cho một Công ty khác có chức năng giao dịch
ngoại thương, chuyên môn giỏi tiến hành nhập khẩu theo yêu cầu của Công ty
mình. Bên nhận ủy thác phải làm tất cả các thủ tục như đàm phán với nước
ngoài, ký kết hợp đồng nhập khẩu và được nhận một phần thù lao gọi là phí ủy
thác .
Ưu điểm: phương thức này giúp cho Công ty không phải bỏ nhiều vốn
đầu tư nghiên cứu khảo sát thị trường nước ngoài. Công ty cũng sẽ không gặp
khó khăn khi giao dịch, vận chuyển hàng hóa, chịu rủi ro thấp.
Hạn chế: Thực hiện thép phương thức này sẽ không thể kiểm soát được
nguồn hàng, mất dần các mối quan hệ làm ăn với các nguồn hàng tốt, ổn định.
Công ty không thể thích nghi nhanh với các thay đổi trên thị trường quốc tế.
Công ty phải bỏ ra 1 khoản chi phí trung gian làm giảm lợi nhuận của mình.
*. Nhập khẩu đối lưu:
Nhập khẩu đối lưu là hình thức nhập khẩu gắn liền với xuất khẩu. Người
nhập khẩu đồng thời cũng là người xuất khẩu, lượng hàng hóa trao đổi giữa 2
bên có giá trị tương đương với nhau. Hoạt động này mang lại lợi ích cho các
bên không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Hình thức nhập khẩu này không
được sử dụng phổ biến trong điều kiện hiện nay vì có sự bị động nhiều doanh
nghiệp nhiều khi gặp khó khăn khi tiến hành đồng thời cả nhập khẩu và xuất
khẩu. Hoạt động này mang lại lợi ích cho cả hai bên bởi cùng một đồng mà vừa
xuất khẩu được vừa nhập khẩu được mà không phải mất chi phí liên quan. Đối
tác xuất khẩu cũng chính là đối tác nhập khẩu, và hình thức này thường chỉ áp
dụng với trường hợp có nhu cầu buôn bán đối lưu giữa hai nước, và hàng hóa
xuất khẩu và nhập khẩu tương đương nhau về giá trị và cân băng về giá cả
*. Nhập khẩu tái xuất
Nhập khẩu tái xuất là hoạt động nhập khẩu vào trong nước không nhằm
mục đích tiêu dùng mà để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm mục đích thu
lợi nhuận. Hoạt động nhập khẩu tái xuất có các đặc điểm sau
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở nước tái xuất phải tính chi phí ghép mối
đối tác xuất và đối tác nhập, đảm bảo lợi nhuận
Doanh nghiệp nước tái xuất phải lập hai hợp đồng: Một hợp đồng nhập
khẩu và một hợp đồng xuất khẩu và không phải chịu thuế xuất nhập khẩu
Để đảm bảo thanh toán, hợp đồng tái xuất thường được thanh toán bằng
thư tín dụng giáp lưng.
*. Nhập khẩu liên doanh
Nhập khẩu liên doanh là hình thức kinh doanh nhập khẩu hàng hóa dựa
trên cơ sở liên kết kinh tế một cách tự nguyện giữa các doanh nghiệp trong đó
có ít nhất một bên là doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu trực tiếp, nhằm phối
hợp các kỹ năng để cùng giao dịch và đề ra các chủ trương, biện pháp có liên
quan đến hoạt động kinh doanh nhập khẩu, hướng hoạt động này sao cho có lợi
nhất cho tất cả các bên, cùng chia lợi nhuận, cùng chịu lỗ theo tỷ lệ góp vốn liên
doanh
So hình thức nhập khẩu trực tiếp thì hình thức này sẽ ít rủi ro hơn rất
nhiều, quyền hạn và trách nhiệm của các bên được chia sẻ theo tỷ lệ góp vốn.
Ưu điểm đặc biệt của hình thức này là nó cho phép doanh nghiệp với một số
vốn nhất định nhưng có khả năng thực hiện thương vụ kinh doanh lớn hơn khả
năng của họ rất nhiều. Tuy nhiên việc lựa chọn đối tác phù hợp có ảnh hưởng
lớn tới thành bại của liên doanh
Doanh nghiệp liên doanh nhập khẩu trực tiếp sẽ phải ký hai loại hợp
đồng, một hợp đồng với đối tác bán hàng nước ngoài, và một hợp đồng liên
doanh với doanh nghiệp hợp tác
Trong liên doanh thì doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu được tính kim
ngạch nhập khẩu nhưng khi đưa hàng về tiêu thụ chỉ được tính doanh số trên số
hàng theo tỷ lệ vốn góp
1.2. Cơ sở lý luận về hiệu quả kinh doanh nhập khẩu của doanh nghiệp
1.2.1. Một số vấn đề chung về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
1.2.1.1. Khái niệm về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Trên những tiêu chí khác nhau mà chúng ta có các cách nhìn khác nhau
về khái niệm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do sự tác động của yếu tố
lịch sử và dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu, nhà
kinh tế đã đưa ra các quan niệm khác nhau về hiệu quả kinh doanh.
Quan điểm một: "Hiệu quả kinh doanh là kết quả thu được trong hoạt
động kinh doanh, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa". Theo quan điểm trên, có sự
đồng nhất giữa hiệu quả kinh doanh với kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu phản
ánh kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên đây là một quan điểm chưa xét
đến ảnh hưởng của chi phí bởi trên thực tế với cùng một kết quả sản xuất kinh
doanh nhưng lại có mức chi phí khác nhau sẽ dẫn đến hiệu quả khác nhau.
Quan điểm hai, "hiệu quả kinh doanh là một đại lượng so sánh giữa kết
quả thu được và chi phí bỏ ra để có được kết quả đó". Quan điểm này đã phản
ánh bản chất của hiệu quả kinh doanh vì nó gắn kết giữa kết quả và chi phí bỏ ra
coi kết quả là sự phản ánh trình độ sử dụng các chi phí. Tuy nhiên quan điểm
này chưa biểu hiện được mối tương quan về lượng và về chất giữa kết quả và
chi phí, chưa phản ánh được mức độ chặt chẽ của mối liên hệ này vì kết quả và
chi phí đều luôn vận động và biến đổi trong suốt quá trình diễn ra hoạt động sản
xuất kinh doanh.
Quan điểm ba: "hiệu quả kinh doanh là quan hệ tỷ lệ giữa phần tăng thêm
của kết quả và phần tăng thêm của chi phí". Quan điểm này đã nói lên được
quan hệ so sánh một cách tương đối giữa kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để
đạt kết quả đó, nhưng chúng mới chỉ xét tới phần kết quả và chi phí bổ sung của
doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Quan điểm bốn: "Hiệu quả kinh doanh phải thể hiện được mối quan hệ
giữa sự vận động của kết quả với sự vận động của chi phí tạo ra kết quả đó,
đồng thời phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sản xuất". Ở quan điểm này
đã có sự so sánh giữa tốc độ vận động của kết quả và chi phí. Mối quan hệ này
phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sản xuất của doanh nghiệp. Nhưng nó
lại chưa phản ánh được các mục tiêu nhất định mà mỗi doanh nghiệp muốn đạt
được khi sử dụng các nguồn lực vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Như vậy "hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế
phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sản xuất, trình độ tổ chức quản lý của
doanh nghiệp để thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội với chi
phí thấp nhất". Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gắn chặt với hiệu quả
kinh tế của toàn xã hội, nên nó cần được xem xét toàn diện cả về mặt định tính,
định lượng, không gian và thời gian.
Về mặt định tính, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là một phạm trù
kinh tế tổng hợp phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố sản xuất nói riêng, nhu
cầu của xã hội và đạt các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra.
Về mặt định lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là một đại
lượng biểu thị mối tương quan và sự vận động giữa kết quả mà doanh nghiệp
đạt được với các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để đạt kết quả đó.
Về mặt thời gian hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là hiệu quả mà
doanh nghiệp đạt được trong từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau của quá
trình sản xuất kinh doanh và không làm giảm hiệu quả của các giai đoạn, các
thời kỳ kinh doanh tiếp theo. Đây là cơ sở giúp doanh nghiệp không nên vì lợi
ích trước mắt mà làm mất đi lợi ích trong lâu dài của mình.
1.2.1.2. Bản chất của hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Bản chất hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chính là quá trình phản
ánh các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta phải
đi vào phân tích, đánh giá các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để thấy được doanh
nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không và nếu hiệu quả thì đạt được đến đâu.
Nói cách khác bản chất hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chính là quá
trình phản ánh mối quan hệ và sự tương quan giữa kết quả và chi phí cùng với
mức độ đạt được các mục tiêu định tính theo hướng tích cực của doanh nghiệp
trong từng thời kỳ nhất định với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
1.2.1.3. Phân loại hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp