MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
1.1. Xuất phát từ yêu cầu đổi mới PPDH hiện nay.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp, hội nhập
với cộng đồng quốc tế. Đảng ta đã xác định nhân tố quyết định thắng lợi của công
cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là con người - nguồn nhân lực được
phát triển về số lượng và chất lượng trên cơ sở mặt bằng dân trí được nâng cao. Để
đạt được điều đó trước hết cần được bắt đầu từ GD phổ thông.[4]
Hơn nữa, khoa học công nghệ đang phát triển nhanh, mạnh với tốc độ cao.
Nội dung DH ở nhà trường phổ thông không thể trang bị được mọi tri thức cần thiết
cho mỗi người ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau sau này, vì vậy phải coi trọng
việc dạy phương pháp, dạy cách đi tới tri thức mà loài người đã tích luỹ được, tạo
cơ sở đó tiếp tục học tập suốt đời.[27]
Xuất phát từ những yêu cầu đó, việc đổi mới PPDH được coi là mục tiêu
trọng tâm của đổi mới GD phổ thông. Chỉ có đổi mới căn bản PPDH mới có thể tạo
được sự đổi mới thật sự trong GD nhằm đào tạo được lớp người năng động, sáng
tạo, có tiềm năng cạnh tranh trí tuệ trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang
hướng tới nền kinh tế tri thức.
1.2. Do vai trò của tự học và sử dụng SGK để tự học trong giai đoạn hiện
nay.
Xã hội đòi hỏi người có học vấn hiện đại không chỉ có khả năng lấy ra từ tri
thức, nhớ các tri thức dưới dạng có sẵn đã lĩnh hội ở nhà trường phổ thông mà còn
phải có năng lực chiếm lĩnh, sử dụng các tri thức mới một cách độc lập, khả năng
đánh giá các sự kiện, các tư tưởng, các hiện tượng mới một cách thông minh, sáng
suốt khi gặp phải trong cuộc sống, trong lao động và trong quan hệ với mọi người.
[4, 27]
Tự học là vấn đề cốt lõi của quá trình học tập. Nếu rèn luyện được cho người
học phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học thì sẽ tạo cho họ lòng ham học,
khơi dậy nội lực vốn có của mỗi người, kết quả học tập sẽ được nhân lên gấp bội
[12]. Vì vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh mặt hoạt động học trong quá trình dạy
học, nỗ lực tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động, đặt
vấn đề phát triển tự học ngay trong nhà trường phổ thông.
Theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm sinh lí, lứa tuổi HS THPT hiện nay có
hiểu biết nhiều hơn, linh hoạt và thực tế hơn so với các thế hệ cùng lứa tuổi trước
đây mấy chục năm. Ở lứa tuổi này nảy sinh một yêu cầu cũng là một quá trình: sự
lĩnh hội độc lập các tri thức và phát triển kĩ năng. Nhưng các kĩ năng học tập, đặc
biệt là kĩ năng tự học ở HS nếu muốn được hình thành và phát triển một cách có
chủ động thì cần thiết phải có hướng dẫn, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi,
trong đó SGK có một vai trò hết sức quan trọng [27 ]. Thông tin trong SGK qua
kênh hình và kênh chữ thường đa dạng, phong phú, đòi hỏi người học phải có tư
duy linh hoạt, có đầu óc phê phán mới phát hiện và giải quyết được vấn đề, do đó
cần có sự hướng dẫn.
1.3. Do thực trạng việc sử dụng CH, BT để rèn năng lực tự học SGK ở nhà
trường THPT hiện nay.
Hiện nay ở hầu hết các trường phổ thông, trong quá trình DH, nhiều GV
không có phương pháp hướng dẫn HS sử dụng SGK đúng cách nên vừa không hình
thành được các kĩ năng cần có cho HS khi làm việc độc lập với SGK, vừa tạo nên
thói quen đọc sách tuỳ tiện, không có ý thức tìm tòi phương pháp đọc sách có hiệu
quả. Một số GV lại coi SGK là cuốn “Bách khoa toàn thư”, coi đó là chuẩn mực
nên khi DH chỉ sử dụng các CH, BT là các câu lệnh có sẵn trong SGK, thậm chí có
GV còn đưa ra những CH, BT mà HS chỉ cần nhìn vào SGK để đọc lại y nguyên
một nội dung nào đó là có thể trả lời được. Một số rất ít GV có sử dụng CH, BT để
hướng dẫn HS tự học SGK nhưng CH, BT chưa đạt yêu cầu hoặc chưa được sử
dụng đúng cách nên chưa hình thành được ở HS kĩ năng tự học SGK, tự giành lấy
kiến thức mới, do vậy kết quả đạt được còn rất hạn chế.
Để phát triển năng lực tự học SGK ở các trường THPT hiện nay cần phải có
các CH, BT và cách thức sử dụng các CH, BT đó một cách hợp lí, có như vậy mới
tổ chức được các giờ học tích cực có sự hỗ trợ của SGK.
Từ các lí do trên, chúng tôi đã chọn đề tài: “Sử dụng câu hỏi, bài tập để rèn
luyện năng lực tự học SGK Sinh học 10 THPT cho HS qua dạy học phần “Sinh
học Vi sinh vật””.
2. Mục đích nghiên cứu
Xác định NLTH SGK Sinh học 10 THPT cần có ở HS và biện pháp sử dụng
CH, BT để rèn luyện NLTH SGK Sinh học 10 THPTcho HS qua dạy học phần
“Sinh học Vi sinh vật”, góp phần đổi mới PPDH sinh học hiện nay.
3. Giả thuyết khoa học
Nếu có biện pháp sử dụng hợp lí CH, BT để hướng dẫn HS tự học SGK Sinh
học 10 THPT qua dạy học phần “Sinh học Vi sinh vật” sẽ chẳng những giúp HS tự
chiếm lĩnh được kiến thức mà còn hình thành được phương pháp tự học.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
4.1. Khách thể nghiên cứu
Học sinh lớp 10- THPT
4.2 Đối tượng nghiên cứu
Các biện pháp sử dụng CH, BT để rèn luyện năng lực tự học SGK Sinh học
10 THPT cho HS qua dạy học phần “Sinh học Vi sinh vật”.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Nghiên cứu cơ sở lí luận của việc rèn năng lực tự học của HS
5.2. Nghiên cứu cơ sở lí luận của việc xây dựng và sử dụng CH, BT trong
việc rèn năng lực tự học SGK cho HS.
5.3. Xác định thực trạng về năng lực tự học SGK Sinh học 10 ở HS THPT, về
sử dụng CH, BT trong việc rèn năng lực tự học SGK của HS hiện nay.
5.4. Xác định năng lực tự học SGK Sinh học 10 cần có ở HS THPT và các
tiêu chí xác định.
5.5. Phân tích mục tiêu, cấu trúc, nội dung phần Sinh học vi sinh vật để xác
định nội dung rèn năng lực tự học cho HS.
5.6. Xác định biện pháp sử dụng CH, BT để rèn luyện năng lực tự học SGK
Sinh học 10 THPT cho HS qua dạy học phần “Sinh học Vi sinh vật”.
5.7. Thực nghiệm sư phạm nhằm kiểm tra hiệu quả của các biện pháp sử
dụng CH, BT đã đề xuất
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp nghiên cứu lí thuyết
- Nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào
tạo về đổi mới PPDH theo hướng phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của HS.
- Nghiên cứu các tài liệu về PPDH theo hướng tích cực hóa hoạt động người
học, đặc biệt là hình thành và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu.
- Nghiên cứu các tài liệu lí luận về xây dựng và sử dụng CH, BT theo hướng
phát huy khả năng tự học của HS.
- Nghiên cứu cấu trúc và nội dung chương trình Sinh học 10- THPT, đặc biệt là
phần “Sinh học vi sinh vật”, kết hợp nghiên cứu các tài liệu chuyên môn khác về
VSV để xác định biện pháp sử dụng CH, BT có hiệu quả.
6.2. Phương pháp điều tra, quan sát sư phạm
- Sử dụng phiếu điều tra để tìm hiểu phương pháp hướng dẫn HS tự học và tình
hình sử dụng CH, BT trong DH sinh học của GV THPT
- Sử dụng phiếu điều tra để tìm hiểu phương pháp học tập môn sinh học 10 của
HS THPT
- Trực tiếp dự giờ, thăm lớp, kiểm tra kết quả tự học SGK của HS.
- Quan sát sư phạm để kiểm tra hứng thú, mức độ tích cực học tập của HS
6.3. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
- Mục đích thực nghiệm: Xác định tính khả thi và kiểm tra hiệu quả của các
biện pháp sử dụng CH, BT để rèn luyện năng lực tự học SGK Sinh học 10 THPT
cho HS qua dạy học phần “ Sinh học Vi sinh vật ”.
- Phương pháp thực nghiệm:
+ Phối hợp với một số GV THPT có kinh nghiệm, thống nhất nội dung,
phương pháp, hệ thống CH, BT đưa vào quá trình DH thực nghiệm ở một số trường
THPT.
+ Các lớp TN và ĐC được chọn có trình độ tương đương dựa trên kết quả
học tập trước đó. Các lớp TN và ĐC được bố trí như sau:
Chọn 3 trường: THPT Trần Phú, THPT Bán công Nguyễn Thái Học và khoa
văn hoá cơ sở trường Trung cấp kĩ thuật Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mỗi trường chọn 2 lớp: 1 lớp ĐC, 1 lớp TN.
+ Các lớp ĐC được dạy theo phương pháp mà thực tế GV đang sử dụng.
+ Các lớp TN được dạy theo phương pháp sử dụng CH, BT để rèn năng lực
tự học SGK cho HS.
6.4. Phương pháp xử lí số liệu:
* Phân tích, đánh giá định lượng các bài kiểm tra
Chúng tôi đã sử dụng thống kê toán học để xử lí kết quả chấm các bài kiểm
tra nhằm giúp cho việc đánh giá hiệu quả dạy học của các phương pháp, biện pháp
mà luận văn đã đề xuất đảm bảo tính khách quan và chính xác.