Tải bản đầy đủ (.pdf) (62 trang)

44 đề đọc hiểu ôn thi THPT Ngữ Văn 2018

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.57 MB, 62 trang )

BỘ ĐỀ ĐỌC HIỂU VĂN BẢN NGỮ VĂN
PHẦN MỘT. ĐỀ ĐỌC HIỂU
ĐỀ 01. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu, mỗi vườn trầu
có bao nhiêu mùa hạ
Chị đợi chờ quay mặt vào đêm
Hai mươi năm mong trời chóng tối
Hai mươi năm cơm phần để nguội
Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn
Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi
Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
Xóm làng thương không khoe con trước mặt
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Vẫn được tiếng là người đứng vậy
[…]
Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời
Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy
Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình
Những đêm trở trời trái gió
Tay nọ ấp tay kia
Súng thon thót ngoài đồn dân vệ
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền
(Trích Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh, theo www.dantri.com.vn, 27/4/2014)


Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.


Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?
Câu 3. Nêu ý nghĩa biểu đạt của từ côi cui trong câu thơ: Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi
cui một mình.
Câu 4. Sử dụng 02 phương thức biểu đạt, ghi lại cảm nhận của anh/chị về câu thơ: Chị
chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền. Chỉ rõ các phương thức biểu đạt đã sử dụng.
ĐỀ 02. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bầu trời trên giàn mướp
(Hữu Thỉnh)
Thu ơi thu ta biết nói thế nào
sương mỏng thế ai mà bình tĩnh được
hứa hẹn bao nhiêu bầu trời trên giàn mướp
lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu
ngỡ như không phải vất vả chi nhiều
sau tiếng sấm thế là trời mới mẻ
quả đã buông thủng thẳng xuống bờ ao
ta cứ tưởng đất sinh sôi thật dễ
trời thu xanh và hoa mướp thu vàng
thưa mẹ
những năm bom nơi con không thể có
bến phà con đã qua, rừng già con đã ở
gặp vạt lúa nương con cũng viết thư về
nên không dám
dù một giây sao nhãng
bầu trời này từng dẫn dắt con đi.
(Theo www.nhavantphcm.com.vn, 20/9/2014)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Khung cảnh thiên nhiên của mùa nào được gợi tả qua tác phẩm?



Câu 3. Nêu bố cục của bài thơ.
Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình ảnh thơ: trời thu xanh và hoa mướp
thu vàng.
ĐỀ 03. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Thời gian
(Văn Cao)
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
những tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
Xuân Đinh Mão, 2.1987
(Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1996, tr.80)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi, lãng quên những điều gì nhưng lại
không thể khuất phục những điều gì?
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ được sử dụng trong các diễn đạt: những câu
thơ còn xanh, những bài hát còn xanh.
Câu 4. Theo anh/chị, con người làm thế nào để chế ngự được sức mạnh của thời gian?
ĐỀ 04. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Trong lời mẹ hát
(Trương Nam Hương)

Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào


Dẫn con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”
Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,
Lời ru vấn vít dây trầu,
Vầng trăng mẹ thời con gái,
Vẫn còn thơm ngát hương cau.
Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Lạy trời đừng giông đừng bão
Cho nồi cơm mẹ đầy hơn.
Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.
Áo mẹ bạc phơ bạc phếch
Vải nâu bục mối chỉ sờn
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao



Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
(Theo www.vanvn.net, 12/8/2011)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là gì?
Câu 2. Chỉ ra dấu ấn văn học dân gian trong ba khổ thơ đầu.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ: Lưng mẹ cứ
còng dần xuống - Cho con ngày một thêm cao.
Câu 4. Bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa lời ru của mẹ?

ĐỀ 05. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Hoa dâu da
(Cao Xuân Sơn)
Một vòm hoa thơm ngát nở trên đầu
nga ngà trắng từng chùm lấm chấm
thơm mỗi bậc cầu ao trưa vắng
hương không nồng mà say…

Mùa hạ đang về náo nhiệt quanh đây
nhức nhối ve kêu, gắt gao phượng vĩ
con chuồn ớt xẹt ngang như tàu lửa
ngỡ nắng bắt màu, nắng sắp cháy bùng lên

Cây dâu da trầm tĩnh khoảng trời riêng
cứ lặng lẽ phơi màu hoa dân dã
cứ dìu dặt thả làn hương khe khẽ

một mùi hương quê kiểng đến lạ lùng


Giữa chói lói sắc màu, ồn ã thanh âm
chút êm lặng bỗng dưng thành độc đáo
chợt nhận ra điều quá chừng dễ hiểu
hoa bao mùa đã vậy, chỉ ta quên…
Lý Nhân, 6. 1985
(Trích Tự tình, NXB Trẻ, 1989)

Câu 1. Chỉ ra các từ láy trong bài thơ.
Câu 2. Nêu các từ ngữ, hình ảnh gợi tả “hoa dâu da”.
Câu 3. Điều gì khiến cây dâu da trở nên khác biệt hẳn so với các sự vật khác quanh nó?
Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về hai câu thơ cuối cùng: chợt nhận ra điều quá chừng dễ
hiểu/ hoa bao mùa đã vậy, chỉ ta quên.
ĐỀ 06. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ngôi nhà của mẹ
(Hữu Thỉnh)
Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con
khi con về với mẹ
con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha thường chẻ lạt
bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cánh rừng về dưới giọt ranh thưa
xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước
gánh bao nhiêu trong mát để dành
xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ
vẫn chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo



vẫn ở đó giờ cao hơn với mẹ
con phơi áo nghe hai đầu dây kể
thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà
chiến tranh đi qua mẹ con mình
hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước
hôm nay con trở về nhà
chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thuộc
với một người từng chịu nỗi cách xa
họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách
là có thể về với mẹ được ngay
nhưng với một người lính như con
muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước
phải lách qua từng bước hiểm nghèo
ở trên đó bất ngờ con gặp mẹ
như con đang gặp mẹ bây giờ
bước chân con chưa kín mảnh sân nhà
phía biên giới lại những ngày súng nổ
ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình.
1980
(Dẫn theo www.tacphammoi.net, 27/11/2013)

Câu 1. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh gần gũi, thân thuộc nơi “ngôi nhà của mẹ” mà người con
đã bồi hồi bắt gặp trong những ngày trở lại.
Câu 3. Vì sao với một người lính như con/ muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước?
Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về hai câu thơ: ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ/ chúng
con đến và đi trong suốt cuộc đời mình.

ĐỀ 07. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:


Mai Phụng Lưu
mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa
như có ai dẫn
nỗi nhớ là hải bàn
mãi quay về một hướng
mỗi lần bị bắt mỗi lần bị đánh
lại tay trắng trở về dành dụm ra khơi
không thể sống thiếu Hoàng Sa
không thể sống thiếu biển
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
làm sao anh hiểu?
có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm
Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
(Trích Thanh Thảo và “Trường ca chân đất”, theo www.vanvn.net, 15/01/2013)

Câu 1. Lòng yêu nước, tinh thần bám biển của ngư dân Mai Phụng Lưu được thể hiện

qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 2. Những người lính trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu và hi sinh như thế nào để bảo
vệ biển đảo quê hương?
Câu 3. Vì sao nhà thơ Thanh Thảo muốn người đọc hãy kể cho con cháu anh điều này?


Câu 4. Hình ảnh tràng hoa biển cuối đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về sự hi
sinh của những người lính đảo?
ĐỀ 08. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Hơi ấm ổ rơm
(Nguyễn Duy)
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
- Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người
Bình Lục - một đêm lỡ đường
(Nguyễn Duy, Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm?
Câu 3. Anh/Chị hiểu hương mật ong của ruộng là hương gì?

Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ cuối cùng trong bài thơ.
ĐỀ 09. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ


Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến.
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya…
(Trích Nhớ, Hồng Nguyên, www.nhandan.com.vn, 13/12/2004)

Câu 1. Nêu đề tài của đoạn thơ.
Câu 2. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 3. Hình ảnh người lính hiện lên như thế nào trong đoạn thơ?
Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về hình ảnh những người vợ được gợi lên hai câu
thơ: Ít nhiều người vợ trẻ / Mòn chân bên cối gạo canh khuya?
ĐỀ 10. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Khoảng trời - hố bom

(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Chuyện kể rằng em cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái…


Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.
(Theo www.vnca.cand.com.vn, 29/12/2014)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Nhân vật trữ tình em trong bài thơ là ai?

Câu 3. Nêu giá trị nghệ thuật của chuỗi hình ảnh mang tính biểu trưng: ngọn lửa - vì
sao ngời chói lung linh - vầng mây trắng - vầng dương - mặt trời.
Câu 4. Nêu cảm nhận về hai dòng thơ cuối: Gương mặt em bạn bè tôi không biết / Nên
mỗi người có gương mặt em riêng.
ĐỀ 11. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Chồi biếc
Dưới hai hàng cây
Tay ấm trong tay
Cùng anh sóng bước
Nắng đùa mái tóc
Chồi biếc trên cây


Lá vàng bay bay
Như ngàn cánh bướm
(Lá vàng rụng xuống
Cho đất thêm màu
Có mất đi đâu
Nhựa lên chồi biếc)
Này anh, em biết
Rồi sẽ có ngày
Dưới hàng cây đây
Ta không còn bước
Như người lính gác
Đã hết phiên mình
Như lá vàng rụng
Cho chồi thêm xanh
Và đời mai sau
Trên đường này nhỉ
Những đôi tri kỉ

Sóng bước qua đây
Lá vàng vẫn bay
Chồi non lại biếc.
(Theo Xuân Quỳnh thơ và đời, NXB Văn hóa thông tin, 1998, tr.7-8)

Câu 1. Nêu phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu thơ Nắng đùa mái tóc.
Câu 3. Vì sao Xuân Quỳnh lại viết Lá vàng vẫn bay / Chồi non lại biếc để kết thúc bài
thơ thay vì viết Chồi non lại biếc / Lá vàng vẫn bay?
Câu 4. Từ văn bản, nêu cảm nhận của anh/chị về một nét đẹp trong tâm hồn nhân vật
trữ tình.
ĐỀ 12. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:


Nhớ
(Nguyễn Bính)
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng!
Anh ơi! Em nhớ em không nói
Nhớ cứ đầy lên cứ rối lên
Từ đấy về đây xa quá đỗi
Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền
Gieo thoi gieo thoi lại gieo thoi
Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi
Thoi ạ làm sao thoi lại cứ
Đi về giăng mắc để trêu tôi?
Hôm qua chim khách đậu trên cành
Kêu mãi làm em cứ tưởng anh

Nội nhật hôm qua về tới bến
Ai ngờ chim khách cũng không linh!
Anh bốn mùa hoa em một bề
Anh muôn quán trọ, em thâm khuê
May còn hơn được ai sương phụ
Là nhớ người đi có thể về.
1936
(Theo Nguyễn Bính thơ và đời, NXB Văn học, 2003, tr.36)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 3. Nêu hiệu quả tu từ của phép lặp được sử dụng trong các câu thơ: Gieo thoi gieo
thoi lại gieo thoi/ Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi.


Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong khổ thơ cuối cùng.
ĐỀ 13. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Chờ nhau
(Nguyễn Bính)
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng dập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau.
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?
1937
(Theo Nguyễn Bính thơ và đời, NXB Văn học, 2003, tr.42)


Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Sự chủ động, táo bạo của cô gái (nhân vật em) trong tình yêu được thể hiện ra sao?
Câu 3. Biết chúng mình với nhau là biết về điều gì?
Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về hai câu thơ cuối bài.
ĐỀ 14. Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Nắng mới
(Lưu Trọng Lư)
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,


Áo đỏ người đưa trước dậu phơi,
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.
(Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân, NXB Văn học, 1999, tr.288)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.
Câu 2. Điều gì đã gợi hứng khiến thi nhân nhớ về người mẹ của mình?
Câu 3. Hình ảnh nét cười đen nhánh gợi ấn tượng nào của nhân vật trữ tình về người mẹ?
Câu 4. Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong anh/chị xúc cảm gì về một người
thân yêu nhất của mình?
ĐỀ 15. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
(Trích Thơ duyên, Xuân Diệu, Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2000, tr.129)

Câu 1. Màu xanh ngọc trong câu thơ Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá của Xuân Diệu
khiến ta liên tưởng đến sắc xanh nào trong một câu thơ ở bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn
Mặc Tử?
Câu 2. Biện pháp tu từ nào được nhà thơ sử dụng để sáng tạo nên các hình ảnh, âm
thanh nhánh duyên, tiếng huyền?
Câu 3. Những cặp hình ảnh chiều mộng - nhánh duyên, cây me - cặp chim, trời - muôn
lá, thu - tiếng huyền cùng các từ ngữ hòa, duyên, ríu rít, cặp, đổ thể hiện đặc điểm gì trong
bức tranh thiên nhiên buổi chiều thu?
Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về cái duyên được gợi trong đoạn thơ.
ĐỀ 16. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì. Nhẹ nhàng,
khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới
cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu,
bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa,
người thợ Tàu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòng


tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cốt tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được
sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.
Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất
xem có thực là sôi hay không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông
già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề caogỗ sập, dòng nước sôi
trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.
Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người
uống trà dùng cách thức trà đạo như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai cái ấm đồng đun

nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm
đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực. Bữa nước trà cứ kéo dài
không hết hồi, người ta luôn tay có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.
Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tàu nhiều đến thế. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con
là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.
Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình
cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã
trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị
triết lí.
(Trích Chén trà sương, Nguyễn Tuân,
Nguyễn Tuân truyện ngắn, NXB Văn học, 2006, tr.148-149)

Câu 1. Cái thú chơi thanh đạm mà nhà văn Nguyễn Tuân đã gợi lại trong đoạn trích
trên là gì?
Câu 2. Để chỉ một đối tượng là cái ấm pha trà, tác giả đã dùng những cách gọi nào?
Câu 3. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của Nguyễn Tuân đối với cái thú chơi
thanh đạm của nhân vật cụ Ấm?
Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về sự tài hoa của nhân vật cụ Ấm trong đoạn trích trên.
ĐỀ 17. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và
ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa
mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất
ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá
sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại để cái ấm của những ngày mùa hạ trên hồ.
Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ
trong lá sen. Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng
lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng!
Chớ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu
mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm
tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ

hơn, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.


(Trích Một thứ quà của lúa non: Cốm - Thạch Lam,
theo Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2003, tr.160)

Câu 1. Nêu phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2. Tìm câu văn chứa ý chính của đoạn.
Câu 3. Sự tinh tế và thái độ trân trọng của tác giả đối với việc thưởng thức cốm được
thể hiện như thế nào?
Câu 4. Nêu cảm nhận riêng của anh/chị về “thức quà của lúa non: cốm”.
ĐỀ 18. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về; mùa thu mới về,
yểu điệu thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây.
Chưa có sương mù chưa có hẳn sương mờ; chỉ là đôi thoáng sương mơ, mỏng như
chiêm bao. Mặt trời nhạt vừa khuất mây, thì khối chiếc lá biếc hơi nhòa; mặt trời vừa ló lại
ánh vàng, thì khối lá lại hiện nguyên sắc biếc; không biết có phải sương thu mới nhóm, hay
đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn tôi?
Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng, nàng thu bước rất khoan
thai, tà áo thướt tha, chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo rất thanh quí, mặt ngọc
của nàng che sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch, để lộ đôi mắt êm như
trời xanh buổi chiều.
(Trích Trường ca - Xuân Diệu)

Câu 1. Chỉ ra chính xác 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích:
A. Nghị luận, miêu tả
B. Tự sự, biểu cảm
C. Miêu tả, biểu cảm
D. Thuyết minh, tự sự
Câu 2. Khoảng khắc thu sang được Xuân Diệu phác họa bằng những hình ảnh, chi tiết nào?

Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: Mùa thu
đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng, nàng thu bước rất khoan thai, tà áo
thướt tha, chân không có tiếng..
Câu 4. Ghi lại cảm nhận của anh/chị về khoảnh khắc thu sang.
ĐỀ 19. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Đêm
hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác
gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông phải bỏ nốt hai đứa con


trai để ngược... Chao ôi! Buồn biết mấy?... Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng:
giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở
nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương
chúng nó quá... À, thì ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì
Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái
cho ông nữa... Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng
những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm. Bà vui vẻ. Bà nói luôn. Bởi tài
ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà thì chỉ một lần thôi, bởi vì
bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho con, có dễ đâu? Nhất là mình lại không
có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được vợ về cho
con, thì còn là đi lại mỏi chân, van ông lạy bà sái hàm răng... Công việc của bà, mười phần
xong đến chín phần rồi. Còn một tí chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta
cho yên ổn cả? Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát lòng,
mát ruột cho hả dạ...
Đến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã
tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng
không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không
chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy.
Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái
áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần sồng cộc xẫng và

đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một
bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt
đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và
bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...
(Trích Một đám cưới, Nam Cao, Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2000, tr.246-247)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Phần văn bản in đậm gồm lời của những ai?
Câu 3. Trong đám cưới của mình, cũng như bao cô dâu khác, Dần cũng khóc. Nhưng lí
do khiến Dần khóc là gì?
Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về hình ảnh Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và
bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...
ĐỀ 20. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ
kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy
giờ hắn chỉ có một mình. Đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng.
Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật
chất. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc
ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn
nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Thế rồi, khi


đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế
nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ
con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí, nhưng không thể không nghĩ tới,
ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải
viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn
sách hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và
mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì
chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương!

(Trích Đời thừa - Nam Cao, Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2000, tr.204-205)

Câu 1. Nêu phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2. Đoạn trích viết về đề tài nào?
Câu 3. Những câu Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là
một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! là lời của ai? Vì sao Nam Cao lại viết
như vậy?
Câu 4. Nêu suy nghĩ của anh/chị về cuộc đời, số phận của bộ phận trí thức tiểu tư sản
Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám.
ĐỀ 21. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Nhưng những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Điền cũng khuân đủ bốn cái ghế ra
sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một
chiếc Điền dùng làm gác chân. Họ ngồi ghế, đợi trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con
lớn không bắt gãi thì hạnh phúc thật hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay nhất ở
lòng. Ánh trăng êm xoa nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả.
Trán vợ Điền hóa ra phẳng phiu, mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra đến mười tuổi. Những phút
thảnh thơi ấy, sao mà thị hiền dịu thế! đáng yêu đến thế! Điền không nhận ra một chút gì ở
thị nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở,
mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om lên suốt ngày. Thị cúi xuống đứa con nhỏ, đồng thời
ngước đôi mắt ây yếm nhìn con lớn. Đứa con lớn cười với thị. Thị cười với nó. Thị cười với
chồng. Điền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Điền mỉm cười với trăng.
Điền rất yêu trăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Điền đẫm văn thơ. [...]
Tối nay lại có trăng. Nhưng Điền chỉ đem có hai cái ghế ra sân. Vợ Điền hôm nay luật
quật suốt cả ngày. Con ở xin đi ăn giỗ một hôm. Thị lại phải dệt mải lấy tấm vải để mai đi
bán về đưa lãi nợ. Dệt xong thị vội vàng đi đòi món tiền. Về đến nhà, con bé khóc hết hơi.
Con lớn thì lem luốc, mũi dài nghếch ngoác bôi đầy mặt. Nhà cửa còn bề bộn. Con ở vẫn
chưa về. Mình thị biết xoay xở làm sao kịp? Thị thấy lòng sôi lên sùng sục, thị giậm chân
bành bạch kêu trời. Thị đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, và càu
nhàu trống không. Rồi thị bế con đi nằm sớm. Đứa con lớn thút thít khóc chán cũng lăn ra
ngủ. Mình Điền ngồi ngoài sân. Điền cố thản nhiên. Nhưng da mặt cứ rồm rộm: nó có vẻ

dày lên và tê tê. Điền thấy gần như tủi cực. [...]


Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ
vang dội lên mạnh mẽ, chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối,
không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ
những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả.
Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy, tất cả những
vang động của đời...
... Sáng hôm sau, Điền ngồi viết, giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo
đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
(Trích Trăng sáng - Nam Cao)

Câu 1. Chỉ ra quan điểm nghệ thuật của Nam Cao được thể hiện trong đoạn trích.
Câu 2. Nhân vật Điền trong đoạn trích là ai?
Câu 3. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của nhà văn Nam Cao đối với nhân vật Điền?
Câu 4. Từ đoạn trích, nêu cảm nhận của anh/chị về cuộc đời, số phận của nhân vật Điền.
ĐỀ 22. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
… Mùa lúa chét rộn rã quê nhà. Hừng đông tôi theo ông ra đồng mót những bông lúa
chét co ro trong mùa đông cô lạnh trong niềm nuối tiếc khôn nguôi khi từ giã đám trẻ quanh
sân lúa. Những bông lúa chét trơ vơ vương vãi khắp cánh đồng, dấu chân ông bấu vào đất,
nước lạnh căm căm. Bình minh lên cũng thập thững phía bên kia đồi, tia nắng yếu ớt không
làm cho cơn gió mùa ấm dần lên. Ông cúi nhặt nâng niu từng hạt lúa còn sót lại. Cánh
đồng mênh mang gốc rạ, ông vạch tìm từng bông lúa còn nấp mình trong cỏ.
Khói đốt đồng bảng lảng vờn quanh xóm nhỏ, gió đồng thổi rưng rức rít vào da thịt.
Đám cỏ khô ngún cháy bừng bừng, khói dày đặc vẽ lên nền trời đồng những mảng khói mơ
hồ thê thiết. Tôi thích nhìn những ngọn khói vô tình bay lên rồi tan biến. Để những điều
mông muội theo từng đợt khói hòa vào trời đông tê cóng. Tôi theo ông qua từng cánh đồng.
Lúa chét không nhiều mà hạt lúa cũng không căng mẩy. Nhưng nó là món quà cho những
năm thiếu gạo, cho những tháng ngày túng quẫn. Những cánh đồng cứ nối dài theo mỗi

bước ông đi. Ông nâng niu những bông lúa mà người ta đã bỏ quên, để chia sẻ một phần cơ
cực cho gia đình. Dáng ông nhỏ nhoi giữa đồng, cơn gió mùa thổi qua chạm vào những nốt
đồi mồi đã kéo dày trên người ông. Tôi lặng bước bên ông, để cố nhặt thật nhiều bông lúa.
Để khỏi nhìn thấy ông cả đời cúi mình trước lúa. Ông vẫn bảo: "Cây lúa cúi càng thấp thì
càng nhiều hạt. Đời người đừng quá vội ngẩng cao đầu". Tôi vẫn nhớ lời ông dạy vào
những ngày đông rét mướt, để an yên bước qua những ngày tất tưởi…
(Trích Gió đồng đương thổi, Nguyên Khối,
theo , ngày 09/12/2016)

Câu 1. Chỉ ra ít nhất 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Tìm các từ láy trong đoạn.
Câu 3. Lúa chét là lúa như thế nào? Vì sao hai ông cháu lại đi mót lúa chét?


Câu 4. Anh/Chị hiểu câu nói sau đây của người ông như thế nào?
"Cây lúa cúi càng thấp thì càng nhiều hạt. Đời người đừng quá vội ngẩng cao đầu".
Câu 5. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của người viết?
Câu 6. Nêu cảm nhận của anh/chị về một chi tiết trong đoạn trích khiến anh/chị xúc
động nhất.
ĐỀ 23. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Dạo này, dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt
thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Hồi nước ta còn thuộc Pháp, thói quen
chen tiếng Pháp cũng khá phổ biến và được gọi là “tiếng lai”.
Phải nhận rằng, trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, nhất là của tin
học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời, mà do chưa kịp có từ tương ứng
trong tiếng Việt, nên buộc phải dùng thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói cũng như khi
viết. Song điều đáng nói là, đang có nhiều người cứ thích nói bằng tiếng Anh những từ hoàn
toàn có thể diễn đạt được bằng tiếng Việt, và hãnh diện coi đó là thời thượng, là “sành điệu”.
… Có ý kiến cho rằng hiện tượng nên khuyến khích, vì đấy là một cách học và thực
hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Một ý kiến thoạt nghe

tưởng chừng rất có lí. Thế nhưng người học ngoại ngữ phải chăng có quyền coi thường
tiếng mẹ đẻ, phải chăng không cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói Việt Nam? Nói tiếng
lai có thể tăng sức nhớ một số từ nước ngoài, nhưng chưa hẳn đã có lợi cho việc học ngoại
ngữ. Vì muốn hiểu sâu ngoại ngữ thì phải biết được từ đồng nghĩa hoặc từ tương ứng trong
tiếng Việt; dùng từ tiếng nước ngoài mà không chuyển được thành tiếng Việt thì chưa phải
đã nắm chắc tiếng nước ngoài. Đâu phải ngẫu nhiên mà những người giỏi tiếng nước ngoài
rất ít khi dùng tiếng lai; còn những người sính dùng tiếng lai thì hoặc là cho rằng tiếng Việt
không đủ sức diễn tả, hoặc là không thật sự hiểu sâu tiếng nước ngoài nên không dùng được
sang tiếng Việt.
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.21-22)

Câu 1. Đoạn trích trên đề cập đến vấn đề gì?
Câu 2. Theo tác giả, muốn hiểu sâu ngoại ngữ thì người học cần điều kiện gì?
Câu 3. Tác giả bày tỏ thái độ như thế nào đối với những người khi nói và viết tiếng Việt
thường chen tiếng nước ngoài vào?
Câu 4. Từ đoạn trích, anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
ĐỀ 24. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Thiên nhiên đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự học tập ở trẻ bởi nguyên nhân
mấu chốt xuất phát từ nguồn gốc loài người. Trong hơn 99% lịch sử tiến hóa của chúng ta,
con người chủ yếu phải tìm cách thích nghi với các thế lực tự nhiên. Chúng ta dần dần có
xu hướng liên kết với thiên nhiên, xu hướng này được gọi biophilia. Để phát triển được thì


biophilia đòi hỏi kinh nghiệm và sự dưỡng dục cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, ngoài một nhận thức mơ hồ rằng “ngoài trời” là tốt cho trẻ em, chúng ta chỉ
mới bắt đầu khám phá vai trò của thiên nhiên trong học tập và phát triển. Các bằng chứng
khoa học còn hạn chế nhưng những phát hiện về y tế, giáo dục, công việc, giải trí và cộng
đồng chỉ ra rằng tiếp xúc với thiên nhiên vẫn là điều quan trọng không thể thay thế đối với
sự phát triển của trẻ. Ví dụ, một nghiên cứu về trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 12 với sự tham
gia của 90 trường học ở Úc phát hiện ra rằng sinh hoạt ngoài trời giúp trẻ em tự tin, tăng

khả năng làm việc với người khác, cải thiện sự quan tâm, mối quan hệ và sự tương tác với
người lớn (C. Maller and M. Townsend Int. J. Learn. 12, 359-372; 2006).
Việc được chìm đắm trong sự giàu có về cảm xúc và thông tin cũng như vẻ sống động
của cánh rừng, bờ biển, đồng cỏ… sẽ thúc đẩy những phản ứng học tập cơ bản như xác
định, phân biệt, phân tích và đánh giá. Trẻ em phân biệt cây lớn với cây nhỏ, cây trong nhà
với cây ngoài vườn, dây leo với dương xỉ, kiến với ruồi, vịt với chim sẻ, sinh vật thật với
những con thú tưởng tượng. Trẻ phát triển các kỹ năng định lượng bằng cách đếm côn
trùng và hoa; thu thập kiến thức về vật chất khi chơi trong cỏ và bùn; tìm hiểu vật lý khi
nhìn nước suối chảy qua chướng ngại và khe hở. Khi nhận biết đồi, thung lũng, hồ, sông,
núi, trẻ em học về các dạng địa chất. Khi tương tác với các sinh vật khác, từ cây cối đến
động vật, trẻ em tiếp xúc với nguồn cảm hứng vô tận, nảy sinh sự gắn bó về cảm xúc và
động lực để học tập. Quá trình thích ứng với thế giới tự nhiên thay đổi không ngừng, và
thường không thể dự báo, sẽ giúp trẻ em học cách thích nghi và giải quyết vấn đề.
(Trích Thiên nhiên, người thầy ưu việt - Barbara Kiser,
www.tiasang.com.vn, 06/8/2015)

Câu 1. Vấn đề được đề cập đến trong đoạn trích là gì?
Câu 2. Quá trình thích ứng với thế giới tự nhiên thay đổi không ngừng, và thường
không thể dự báo mang lại lợi ích gì đối với trẻ em?
Câu 3. Việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp trẻ em phát triển như thế nào?
Câu 4. Anh/Chị suy nghĩ gì khi ngày càng có nhiều trẻ em thu mình, tách biệt với thế
giới bên ngoài?
ĐỀ 25. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CHẤT GÂY NGHIỆN
Không phải chỉ có thuốc phiện hay heroin mới là những chất gây nghiện. Bia rượu và
thuốc lá và ngay cả cà phê, thuốc an thần, thuốc ngủ cũng được xem là chất gây nghiện.
Chất gây nghiện là những chất khi đã dùng quen dùng, em sẽ rất khó từ bỏ và không hoạt
động bình thường nếu không có chúng.
Một số chất gây nghiện cực kỳ có hại cho em như thuốc phiện, heroin, rượu và thuốc lá.
Em nên tránh xa.



Nếu em muốn chứng tỏ mình “nam tính”, hoặc bạn bè khích “thử một lần cho biết”,
hãy dừng lại và tự hỏi bố mẹ và những người thân nghĩ gì về điều đó? Nó có ảnh hưởng đến
gia đình em và chính bản thân em không?
Nghĩ về hậu quả việc mình làm là dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành.
Rất dễ bị nghiện nhưng lại rất khó để từ bỏ. “Tôi có thể bỏ bất cứ lúc nào tôi muốn” là
câu mà em có thể nghe tất cả những người nghiện rượu, thuốc lá hay nói. Nhưng điều đó
hoàn toàn khác xa sự thật. Nếu quả đúng vậy thì họ đã bỏ được từ lâu rồi. Vì vậy tốt nhất là
đừng dính vào nó!
Thuốc lá
Em nghĩ hút thuốc trông rất oai. Tất cả bạn bè của em đều hút vì thế mà em cũng không
muốn mình “lạc lõng”. Hay nói cách khác, làm sao em có thể không hút khi tất cả mọi
người đều hút? Họ sẽ nói gì? Ngoài ra, em cho là mình trông đứng đắn và trưởng thành
hơn với một điếu thuốc lá trên tay. Tuy nhiên, đó chỉ là ảo tưởng. Sự trưởng thành thể hiện
qua suy nghĩ chứ không phải bằng cách đốt thuốc. Và tại sao em lại phải giống những
người khác chứ? Hãy tạo sự khác biệt, hãy là chính mình. Hãy học cách nói KHÔNG.
Chất nicotine là thuốc độc - khói thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của em, cũng như sức
khỏe của những người xung quanh em. Khói thuốc làm xấu da, vàng răng, hôi miệng. Khói
thuốc không chỉ là cái mùi khen khét vương lên tóc, quần áo gây khó chịu mà nó còn độc
hại hơn em tưởng nhiều. Có ít nhất 250 chất độc trong khói thuốc. Phần nhiều trong số các
chất đó gây ra bệnh ung thư.
Con cái của những người hút thuốc sẽ đặc biệt đối mặt với nguy hiểm. Nếu nghĩ đến
“gia đình nhỏ” trong tương lai, em đừng nên hút thuốc. Nếu phải sống với những người hút
thuốc, em hãy phát động những chiến dịch chống hút thuốc và sau đó kêu gọi bạn bè cùng
tham gia.
Bia rượu
Tại sao các bạn trẻ lại thích rượu bia? Do khó từ chối nên phải nâng ly trong các bữa
tiệc? Quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình. Những em sinh ra trong gia đình có thói
nhậu nhẹt sẽ có nhiều nguy cơ thử đến bia rượu hơn là những em khác. Nếu bạn của em

thích uống rượu, em cũng muốn giống như họ.
Bia rượu gây choáng váng, làm chậm khả năng phản xạ. Những người say thường bước
lảo đảo, hét la trên đường về, ói mửa, nói chuyện một mình; nói một cách khác, họ cư xử
hoàn toàn khác lạ. Nếu tiếp tục uống, họ sẽ bất tỉnh. Nếu uống quá thường xuyên, họ sẽ
không thể làm bất cứ việc gì nếu thiếu rượu. Họ đã lệ thuộc vào bia rượu.
Bia rượu sẽ phá hủy sức khỏe và ảnh hưởng đến nhận thức cũng như cách cư xử của
em. Một số người trở nên thô lỗ; một số chết trên đường. Em có muốn như họ không?
Bạn bè có thể gọi em là kẻ “chết nhát” nếu em uống coca trong khi họ uống bia hoặc
rượu. Đừng để họ làm em dao động. Hãy cho họ biết rằng nhậu nhẹt không phải là dấu hiệu
của nam tính, mà nam tính chính là bản lĩnh cưỡng lại những chuyện đó.
(Theo Cẩm nang con trai, NXB Trẻ, 2014, tr.121-123)


Câu 1. Theo bài viết, thế nào là chất gây nghiện?
Câu 2. Tác hại của thuốc lá và bia rượu là gì?
Câu 3. Vì sao nghĩ về hậu quả việc mình làm là dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành.?
Câu 4. Anh/Chị sẽ làm gì nếu trong gia đình mình có người sử dụng chất gây nghiện?
ĐỀ 26. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tranh Đông Hồ
Đông Hồ, làng nhỏ nằm bên bờ sông Đuống đã trở thành một địa danh văn hóa quen
thuộc với mọi người. Người họa sĩ Đông Hồ vẽ tranh bằng bút lông chấm mực tàu trên giấy
bản. Sau đó tranh nét được khắc trên ván gỗ thị vàng ươm. Chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị
mềm, mịn, dai. Ngọn dao khắc sắc lẻm tung tẩy trên phiến gỗ thị làm nên những bản khắc
quý giá.
Bản khắc được in trên giấy điệp. Tờ giấy điệp cũng là một kì công của kĩ thuật chế tạo
giấy đời xưa. Giấy làm từ vỏ cây dó. Vỏ dó được giã nhuyễn, ninh kĩ, hớt lấy những sợi tơ
mềm như mạng nhện. Sợi tơ đan dệt nên tờ giấy xốp, dai, mềm mại như lụa. Rồi người ta
lấy vỏ sò, hến, trai, điệp,… đem nung như nung vôi. Chất liệu vụn như cám và có màu óng
ánh sa-phia ấy gọi là điệp. Điệp trộn với hồ quết lên giấy dó thành tờ điệp.
Tranh Đông Hồ được in trên tờ điệp. Họa sĩ Đông Hồ xưa kia tô màu tranh bằng chất

liệu thiên nhiên. Lá tre đốt ủ kĩ làm màu đen. Lá chàm cho màu xanh. Rỉ đồng cho màu lam.
Nhựa thông cho màu hổ phách. Quả dành dành cho màu vàng. Son đồi cho màu đỏ. Vỏ
trứng giã nhỏ trộn hồ cho màu trắng. Những chất liệu tự nhiên ấy đã làm nên sắc màu kì
diệu quý giá của tranh dân gian Đông Hồ.
Hàng trăm tác phẩm nổi tiếng đã sinh ra từ làng tranh này. Bộ Tố nữ là bốn “hoa hậu”
Việt Nam thời xưa, là những Vê-nuýt (Venus) phương Đông. Hứng dừa vừa có màu sắc trữ
tình vừa hài hước. Tranh Chuột kiệu anh đi trước, võng nàng đi sau diễn tả vẻ tưng bừng
của ngày vinh quy. Thầy đồ cóc là hình ảnh của “nền giáo dục” thời xa xưa. Đánh ghen là
tiếng cười phê phán. Quen thuộc nhất, nổi tiếng nhất dòng tranh Đông Hồ là tranh Gà,
tranh Lợn. Lợn nái ăn dáy thật đẹp được cách điệu lạ mắt nhất là cái khoáy tròn âm dương.
Đó thực sự là nét tài hoa, là thần bút của họa sĩ dân gian. Bức Đàn lợn mẹ con cũng vậy,
con lợn nào trên mình cũng có khoáy âm dương!
Xưa tháng chạp là tháng bán tranh Tết. Khắp các chợ cùng quê đều có những người
phụ nữ Đông Hồ nón ba tầm, áo dài thắt vạt, đòn gánh cong quẩy hai bồ tranh đi bán.
Người đi sắm hàng Tết thường không bao giờ bỏ qua hàng tranh. Dăm xu lẻ đã mua được
một bức Tiến tài, Tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa về dán cửa đón xuân gửi gắm ước mơ mỗi độ
Tết đến, xuân về.
(Theo Bài tập Ngữ văn 10 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.26-27)

Câu 1. Vì sao bản khắc tranh Đông Hồ chỉ khắc trên gỗ thị?
Câu 2. Họa sĩ Đông Hồ xưa tạo màu cho tranh Đông Hồ từ những chất liệu nào?


Câu 3. Văn bản thể hiện tình cảm, thái độ gì của người viết?
Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của tranh Đông Hồ qua hai câu thơ sau:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Trích Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
ĐỀ 27. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) Quốc gia nào cũng có những điểm mạnh điểm yếu riêng. Việt Nam là một nước nhỏ,

thấp và vị trí không thuận lợi. Ta không phải là dân tộc có nền văn minh kì vĩ, giàu có hay lâu
đời như Hi Lạp, La Mã, Ai Cập, Nhật Bản, Nga, Pháp,… Thậm chí một tôn giáo riêng, chữ
viết riêng chúng ta còn phải vay mượn. Xét về hiện đại thì chúng ta càng không phải là một
quốc gia hùng mạnh về kinh tế, công nghệ. Nếu xét về tính cạnh tranh thì Việt Nam còn yếu tố
bất lợi thứ ba, đó là đứng cạnh một quốc gia quá lớn mạnh so với ta về nhiều mặt. Điều này
tương tự như một con thuyền nhỏ sẽ rất khó lèo lái khi đi cạnh một hạm thuyền lớn.
(2) Tuy nhiên, các yếu tố trên không hoàn toàn chỉ là bất lợi. Trên đường có nhiều xe
chạy. Nếu khi tắc nghẽn, xe nhỏ có thể luồn lách, băng lên trước. Nếu va quệt, tai nạn thì đỡ
thiệt hại hơn, dễ khắc phục hơn.
(3) Hội nhập WTO là một cơ hội tốt để được cộng hưởng, hội tụ từ lực bên trong tới thế
giới bên ngoài. Ở bên trong, kinh tế luôn tăng trưởng khá ngoạn mục. Việt Nam đã chứng tỏ
mình là một quốc gia thật sự an toàn, hòa bình và thân thiện, cởi mở. Thế cờ quốc tế cũng
đang có nhiều điểm lợi cho ta. Con thuyền Việt Nam đã nhập vào dòng chảy phát triển thì
cho dù ta chưa đẩy mạnh được thuyền thì cũng đã được dòng nước đưa đi. Ta chỉ cần
không ngược mái chèo, không lạc hướng, đừng phạm luật để bị loại ra và hãy cố chạy cho
nhanh mà thôi.
(4) Vấn đề là bây giờ Việt Nam cần làm gì để tận dụng thế cờ. Với bên ngoài, ta phải
tránh căn bệnh kiêu ngạo mà hãy luôn khiêm tốn. Ngược lại, ta cũng không thể tự ti. Kiêu
ngạo và tự ti đều đã từng làm nên những ổ khóa, xích xiềng giam giữ và trói buộc chúng ta
sau cánh cửa lạc hậu và ngột ngạt. Cũng đừng nên cảnh giác một cách cực đoan. Hãy mở
rộng cửa cho tất cả những người Việt nào có thể đem lại lợi ích cho dân tộc. Hãy khơi dậy,
phát huy, vun trồng những giá trị, tài năng và sức mạnh dân tộc, như Bác Hồ đã từng thu
hút xung quanh mình những Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng…
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.54-55)

Câu 1. Trong đoạn (1), người viết đã chỉ ra những điểm bất lợi nào của Việt Nam so với
các nước khác trên thế giới?
Câu 2. Trong đoạn (3), biện pháp tu từ nào được sử dụng để sáng tạo hình ảnh con
thuyền Việt Nam?
Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào là kiêu ngạo và tự ti?

Câu 4. Là một người Việt trẻ, anh/chị đã và có thể làm gì để góp phần dựng xây đất nước?


×