THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG
CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM.
2.1. Tổng quan về hệ thống tổ chức bộ máy của Ngân hàng Công
thương Việt Nam.
2.1.1. Bộ máy tổ chức của Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) chuyển
nền kinh tế nước ta từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường có
sự quản lý vĩ mô của Nhà nước theo định hướng XHCN, ngày 26-3-1988 Hội
đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 53/HĐBT về chuyển
hoạt động ngân hàng sang hạch toán kinh doanh và hình thành hệ thống ngân
hàng hai cấp. Từ ngày 1-7-1988 Ngân hàng Công thương Việt Nam ra đời và đi
vào hoạt động trên cơ sở vụ tín dụng công thương nghiệp của Ngân hàng Nhà
nước Trung ương, với các chi nhánh hình thành từ Phòng tín dụng công
nghiệp, thương nghiệp của các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
Có thể chia quá trình hình thành tổ chức bộ máy hoạt động của Ngân hàng
Công thương Việt Nam 10 năm qua thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: (từ tháng 7/1988 đến cuối năm 1993): Từ chỗ thành
lập 2 chi nhánh Ngân hàng Công thương làm thí điểm tại Hải phòng và Tiền
Giang, đến 30/10/1988 toàn quốc đã có 32 chi nhánh ngân hàng công thương
tỉnh, thành phố với 63 đơn vị trực thuộc. Trong giai đoạn này, mô hình tổ chức
hoạt động theo cơ chế: Bộ máy Ngân hàng Công thương Trung ương chỉ thực
hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo như một liên hiệp xí nghiệp đặc biệt, các chi
nhánh thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập.
Giai đoạn thứ hai: (từ tháng 1/1994 đến tháng 9/1999):
Sau khi pháp lệnh ngân hàng có hiệu lực thi hành (10/1993), theo quyết
định 402/CT ngày 14/11/1993 của Chủ tịch HĐBT, Ngân hàng Công thương
Việt Nam mới thực sự thành ngân hàng thương mại có chức năng kinh doanh
tiền tệ, mô hình tổ chức kinh doanh được hình thành rõ Ngân hàng Công
thương Việt Nam là một pháp nhân thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, có các
chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
Giai đoạn thứ ba (từ tháng 9/1999 đến nay):
Theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam đã ký quyết định số 285/QĐ- NH5 ngày 21/9/1999 thành lập
lại Ngân hàng Công thương Việt Nam theo mô hình tổng công ty Nhà nước quy
định tại quyết định 90/TTg ngày 7/3/1997 cuả Thủ tướng Chính phủ. Theo mô
hình này Ngân hàng Công thương Việt Nam được quản lý bởi hội đồng quản
trị (HĐQT), điều hành là Tổng giám đốc có các đơn vị thành viên hoạch toán
phụ thuộc và các đơn vị hạch toán độc lập.
Từ những ngày đầu mới thành lập chỉ có 67 cán bộ, chuyên viên của
NHTW và hơn 5.600 cán bộ của các chi nhánh tỉnh, thành phố cả nước, trong
đó chỉ có 20,8% trình độ đại học, 31,7% trung học,40,3% sơ học,7,2% chưa đào
tạo. Đến nay (cuối năm 2001) đội ngũ CBCNV Ngân hàng Công thương Việt
Nam đã hơn 12.000 người và đã thay đổi về chất: có 78 phó tiến sỹ và thạc sỹ,
3656 đại học; 1723 là cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, 4.019 trung học còn lại sơ
cấp và chưa qua đào tạo 2.524 người hầu hết cán bộ nghiệp vụ đều biết sử
dụng công nghệ tin học và đa số các cán bộ làm công tác đối ngoại, thanh toán
quốc tế, điện toán đều sử dụng được ngoại ngữ trong công việc chuyên môn.
Ngân hàng Công thương Việt Nam có mạng lưới kinh doanh rộng lớn ở
trong nước, với Hội sở chính tại Hà Nội, 90 chi nhánh, 158 phòng giao dịch và
285 quỹ tiết kiệm ở những địa bàn kinh tế - xã hội phát triển thuộc 43 tỉnh,
thành phố trong cả nước. Hiện nay Ngân hàng Công thương Việt Nam là một
trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất ở Việt Nam, tổng tài
sản có đến 31/12/2001 đạt 33.547 tỷ VND (2,4 tỷ USD), chiếm 20% thị phần
của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các đơn vị thành viên khác của Ngân hàng
Công thương Việt Nam là Công ty cho thuê tài chính, Trung tâm đào tạo.
Ngân hàng Công thương Việt Nam là một trong những thành viên sáng
lập của các tổ chức tài chính - tín dụng:
+ INDOVINA BANK - Ngân hàng liên doanh đầu tiên tại Việt Nam;
+ Sài gòn Công thương ngân hàng.
+ Công ty cho thuê tài chính quốc tế VILC - Công ty liên doanh cho thuê tài
chính đầu tiên tại Việt Nam.
Ngân hàng Công thương Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội
các ngân hàng châu Á, thành viên của Hiệp hội thanh toán và phát hành thẻ
VISA. Hiện ngân hàng có quan hệ đại lý với 435 ngân hàng trên khắp các châu
lục.
Ngân hàng Công thương Việt Nam là một trong những ngân hàng thương
mại tại Việt Nam đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tin
học vào hoạt động ngân hàng: là thành viên của Hiệp hội thanh toán viễn
thông liên ngân hàng toàn cầu (Swift). Hiện Ngân hàng Công thương có mạng
thanh toán điện tử tốt nhất Việt Nam và được nhiều ngân hàng thương mại
khác đang tham gia mạng thanh toán này.