Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Nghĩ về văn học viết nam bộ nửa sau XIX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (70.21 KB, 11 trang )

Văn học quốc ngữ ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một bộ phận
đặc biệt cả về ý nghĩa lãnh thổ và lịch sử trong nền văn học Việt Nam, thế nhưng
nó vẫn chưa được tìm hiểu một cách hợp lý và xứng đáng. Bài viết này khái quát
những vấn đề liên quan đến cách thức tiếp cận bộ phận văn học này, hướng đến
việc khắc phục những sai lầm và bất cập trong quan niệm và phương pháp, kỹ
năng và thao tác nghiên cứu để có thể trả lại cái “bản lai chân diện mục” của bộ
phận văn học này cho văn học sử Việt Nam.
***
Là một bộ phận địa phương đặc biệt đồng thời là một giai đoạn chuyển tiếp
quan trọng của văn học viết dân tộc khi con người Việt Nam bắt đầu tiếp xúc toàn diện
với các giá trị văn hóa phương Tây, văn học viết bằng chữ quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một đối tượng nghiên cứu phức tạp. Hiện diện như
một tập hợp các hiện tượng, lãnh vực và quá trình văn học với nhiều khuynh hướng xã
hội và nghệ thuật khác nhau, sự phát triển của bộ phận văn học này mang trong nó nội
dung hiện đại hóa với sắc thái độc đáo như của một phong trào canh tân văn hóa, ở đó
các hệ thống chuẩn mực thẩm mỹ và sáng tạo truyền thống và hiện đại, nội sinh và
ngoại nhập cùng phát huy ảnh hưởng đồng thời không ngừng chi phối lẫn nhau. Tình
hình nói trên khiến cho văn học viết ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mang
trong nó một hàm lượng văn hóa cao đồng thời trở thành một cơ cấu phức hợp nhiều
chiều và nhiều tầng mà để tìm hiểu cần phải có những cách thức tiếp cận phù hợp.


Việc tìm hiểu các đặc điểm văn học sử, văn hóa, văn bản và văn chương của bộ phận
văn học này để tiến tới xác lập những cách thức ấy vì vậy là một vấn đề cần được đặt
ra.
Nảy sinh từ quá trình hiện đại hóa văn học viết Việt Nam đương thời trong
những mối quan hệ nhân quả với thất bại của phong trào võ trang chống Pháp, văn học
quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mang trong sự phát triển
của nó một màu sắc “tái thiết hậu chiến” có nội dung và nhịp điệu tương ứng với quá
trình bình định quân sự và khai thác thuộc địa của thực dân. Bị chi phối bởi tình hình
cụ thể của sự phát triển lịch sử ở địa phương, bộ phận văn học này cũng mang trong nó


nhiều đặc điểm khác với vùng Trung Bắc. Sự sử dụng ngày càng phổ biến loại chữ viết
quốc ngữ la tinh ghi âm dễ học mau nhớ cuối thế kỷ XIX đã giúp nó có được một lực
lượng sáng tác cũng như công chúng văn học đông đảo và bình dân hơn trước đó, đồng
thời sự phát triển trên đường hướng chuyên nghiệp hóa của văn giới Nam Kỳ trong xu
thế hàng hóa hóa hoạt động văn học bên cạnh sự xuất hiện của cái máy in và tờ báo
còn tạo ra cho nó những thế mạnh kinh tế – kỹ thuật khác trước trong việc phổ biến tác
phẩm văn chương. Ảnh hưởng của văn học phương Tây mà chủ yếu là văn học Pháp
cũng dần dần vượt khỏi giới hạn của các trường Dòng, trường Thông ngôn mà lan ra
trong tầng lớp trí thức cả tân học lẫn cựu học ở địa phương, điều này lại được củng cố
bởi sự phát sinh và phát triển của tầng lớp tư sản dân tộc, đặc biệt ở khu vực đô thị.
Đáng chú ý là sự nỗ lực của các nhà nho yêu nước cuối thế kỷ XIX trong việc bảo vệ


văn hóa truyền thống đã giúp văn học Hán Nôm mà chủ yếu là bộ phận chữ Nôm được
duy trì và phát triển trong một hình thức mới trên đường hướng nối tiếp thi pháp truyền
thống, tạo ra một dòng chảy riêng biệt bao gồm cả hoạt động sáng tác, dịch thuật và lý
luận trong văn học viết bằng chữ quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ đương thời… Phong trào
Minh tân, Duy tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX cũng tác động tích cực tới bản lĩnh chính
trị và năng lực sáng tạo của các tác giả có tinh thần dân tộc ở vùng này, giúp họ đạt
được những kết quả đáng ghi nhận trong mảng tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử Việt Nam
như Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, Việt Nam Lý trung hưng, Tiền Lê vận
mạt sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Và nếu như đến giữa thế kỷ XIX văn học Hán
Nôm ở Nam Bộ vẫn còn phát triển một cách rất không cân đối giữa các loại thể tự sự
và trữ tình, giữa sáng tác và lý luận… thì đến văn học quốc ngữ la tinh cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX ở địa phương tình hình đã thay đổi: mảng tiểu thuyết, ký sự trực
tiếp phản ảnh thực tế đã chiếm một tỷ lệ cao hơn trong các tác phẩm được xuất bản.
Vấn đề lý luận văn học cũng được quan tâm hơn, chẳng hạn trong các sưu tập, hợp tập
văn chương loại Quốc âm thi hiệp tuyển của Lê Quang Chiểu, Việt âm văn uyển của
Lê Sum, Thi phú văn từ của Võ Sâm… đều có phần giới thiệu về thi luật và thi pháp
thơ Đường, thậm chí người đọc Nam Kỳ còn đã được chứng kiến cuộc bút chiến sôi

nổi về thơ Đường luật giữa Nguyễn Viên Kiều với hàng chục người khác trên Nông cổ
mín đàm thời gian 1904 – 1906 trên một đường hướng “thi pháp học ứng dụng” (1).
Những điều nói trên tạo ra các đặc điểm văn học sử cần lưu ý khi tìm hiểu văn học viết


Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chẳng hạn không thể ngay lập tức và đơn
giản đánh đồng mục tiêu và tính chất của việc dịch thuật các “truyện Tàu” với việc
chuyển ngữ các tác phẩm văn học phương Tây, cũng như không thể đánh giá thấp trình
độ nghệ thuật hay ý thức dân tộc của những Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu
qua Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa, Tiền căn báo hậu… phóng tác Sans
famille của Hector Malot, Les Misérables của Victor Hugo, Le Comte de Monte
Cristo của Alexandre Dumas… chỉ vì đó là những tác phẩm mô phỏng: có lẽ cần nhắc
lại rằng họ đã Việt hóa các tác phẩm nói trên ở một mức độ cao hơn hẳn Nguyễn Du
trong Truyện Kiều.
Trên một phác đồ có thể chấp nhận về xuất phát điểm và con đường phát triển
của văn học quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như vậy, có
thể nghĩ tới các đặc điểm văn hóa của nó. Nếu quan niệm văn hóa bao gồm cả các giá
trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra lẫn các cách thức mà họ sáng tạo ra
các giá trị ấy, thì phải nói rằng thành tựu chủ yếu của văn học viết Nam Bộ thời gian
này chính là trên phương diện cách thức chứ không phải kết quả sáng tạo. Việc biến
chữ quốc ngữ la tinh thành chữ viết chính thức của văn học dân tộc ở đây là một trong
những bằng chứng. Hơn thế nữa, đúng như K. Marx đã khẳng định “Con người làm ra
lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong
những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt,
đã cho sẵn và do quá khứ để lại” (Ngày Mười tám tháng Sương mù của Louis


Bonaparte), văn học quốc ngữ la tinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ còn
phát triển trên cả các thành tựu và chuẩn mực nghệ thuật của văn học Hán Nôm ở địa
phương trong đó có mảng thơ văn yêu nước chống Pháp(2), mà các truyện thơ như Thơ

Sáu Trọng, Thơ Sáu Nhỏ, Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ Phan Xích Longhoàng đế bị
bắt… ít nhiều là những bằng chứng. Chính nhờ vậy mà mặc dù hình thành trong hoàn
cảnh mất nước và sử dụng một loại chữ viết ngoại nhập, nó vẫn mau chóng vượt ra
khỏi nguy cơ bị tha hóa trong vòng vây “khai hóa” của ngoại nhân. Không phải ngẫu
nhiên mà từ cuối thế kỷ XIX rồi từ 1920 trở đi, các khuynh hướng lãng mạn và suy đồi
phương Tây ít có ảnh hưởng tới thơ mới Việt Nam trên địa bàn này, hay các tác phẩm
văn xuôi được ưa chuộng ở đây đều ít nhiều mang nội dung đề cao các giá trị đạo đức
trung hiếu tiết nghĩa truyền thống. Đồng thời, một trong những tác nhân chủ yếu của
quá trình hiện đại hóa văn học viết Việt Nam ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ
XX là chữ quốc ngữ la tinh phát triển trực tiếp trên cơ sở tiếng Việt ở địa phương, nên
các tác giả của nó cũng dễ có điều kiện kế thừa và phát triển tính nhân dân của văn học
Hán Nôm ở Nam Bộ trong hoàn cảnh mới. Chế độ kiểm duyệt của chính quyền thuộc
địa đã gây ra một số mất mát quan trọng về văn bản và tài liệu, nhưng những bằng
chứng hiện tại vẫn cho phép khẳng định văn giới Nam Kỳ đã đi đầu toàn quốc trong
việc sử dụng văn học quốc ngữ la tinh để chống đối ách thống trị của thực dân.Tất cả
các biểu hiện nói trên đã làm nên hệ thống các đặc điểm văn hóa của văn học quốc ngữ
la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong đó nổi bật là sự thích ứng ngày


càng chủ động và tích cực của một truyền thống trước những yếu tố mang tính chất
hủy diệt mà kẻ cướp nước đưa tới, mà một trong những ví dụ điển hình là sự phản ứng
kịch liệt của dư luận đối với tác phẩm văn chương khiêu dâm Hà Hương phong
nguyệt của Lê Hoằng Mưu. Cho nên nếu tìm hiểu bộ phận văn học này chỉ trên cơ sở
các giá trị được sáng tạo ra, tức thành tựu tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm theo
kiểu thông thường thì sẽ không thể nào lý giải được nhiều hiện tượng, lãnh vực và quá
trình trong đó, thậm chí còn có thể đi tới những nhận định cực đoan và cảm tính như
Trúc Hà năm 1932 hay Phạm Thế Ngữ trước 1975.
Dĩ nhiên, phải tìm hiểu văn học quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX trên cơ sở hệ thống các tác phẩm (chủ yếu là ấn bản) của nó, nên ở đây cần
lưu ý tới các đặc điểm văn bản của hệ thống này. Những hủy hoại của thời gian, chiến

tranh và sự thiếu quan tâm nếu không nói là coi thường văn học viết hiện đại Nam Bộ
trước 1945 trong nhiều năm qua khiến cho đến nay các công trình nghiên cứu nó đều ít
nhiều phải làm thêm cả nhiệm vụ Thư mục học. Tuy nhiên ở đây có những khó khăn
chưa thể vượt qua, chẳng hạn một nhà nghiên cứu âm thầm mà nhiệt tâm như Bằng
Giang mãi đến 1992 vẫn còn áy náy vì chưa lấp kín được “khoảng trống thư tịch”
trong Thư mục văn học quốc ngữ la tinh Nam Bộ thời gian 1914 – 1922 (3). Ngay cả
một học giả lớn mà tác phẩm từng được hàng ngàn người trích dẫn như Trương Vĩnh
Ký, mảng “sương mù” trên tác phẩm của ông cũng chỉ mới được chính thức lưu ý vài
năm gần đây(4). Nhà nghiên cứu đã quá cố Nguyễn Văn Y lúc sinh thời từng có hơn 20


trang viết tay góp ý với Ban Biên tập bộ Tự điển Văn học 1983 – 1984 chỉ riêng về các
tác giả và tác phẩm văn học quốc ngữ la tinh Nam Bộ được đề cập trong đó, và có lẽ
cũng không thừa khi nói thêm rằng bộ từ điển quốc gia này còn đạt tới những đỉnh cao
nhất của sự ít hiểu biết và thái độ thờ ơ về lịch sử và văn hóa Nam Bộ với những chi
tiết kiểu Huỳnh Tịnh Của người Bà Rịa nay là Long An. Bên cạnh đó, trong hầu hết
các ấn phẩm văn chương quốc ngữ la tinh trước 1930 ở Nam Bộ đều nhan nhản những
lỗi chính tả do cách phát âm địa phương đem lại, tình hình này cùng với lối hành văn
sử dụng nhiều từ Việt Hán nhiều khi khiến văn bản trở thành một hệ thống những câu
đố đối với người đọc không biết chữ Hán và không rành phương ngữ Nam Bộ. Ngoài
ra, cách đọc Việt Hán chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm chứ không phải theo
Đường âm trên địa bàn phía Nam Quảng Nam hai thế kỷ trước với hàng loạt biến thể
loại Chánh – Chính, Lãnh – Lĩnh, Đảnh – Đỉnh, Sanh – Sinh, Phò – Phù, Thọ – Thụ,
Võ – Vũ hay Oai – Uy, Soái – Súy, Thoại - Thụy… cũng được phản ảnh trong ngôn
ngữ báo chí và văn học Nam Bộ, gây thêm khó khăn trong việc xử lý tín hiệu thông
tin, chẳng hạn nhiều người đọc miền Bắc hiện nay khó mà hiểu cái nhan đề Tài thọ
luận của Phan Công Võ trên Nông cổ mín đàm chính là “Tài thụ luận” (Luận về việc
trồng cây). Việc Tổng tập Văn học tập 20 chép lại nguyên văn những lỗi chính tả do
cách phát âm Nam Bộ đem lại trong bài Làm biếng phải hư của Lương Dũ Thúc
trên Nông cổ mín đàm như “Làm biến phải hư”, “Bất hoán thiên hề bất vưu

nhân”(5) mà không hề sửa lại hay chú thích đó là “Làm biếng phải hư”, “Bất oán thiên


hề bất vưu nhân” (Không oán trời cũng không giận người) là một ví dụ về những thiếu
sót đang tồn tại trong việc tiếp cận văn bản học đối với bộ phận văn học này. Thực tế
nói trên cho thấy việc tìm hiểu văn học quốc ngữ la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX hiện nay phải bắt đầu từ việc biên soạn các sách công cụ cần thiết tức
các công trình Thư mục học đồng thời đối với những người nghiên cứu thì cần đặt ra
yêu cầu về sự hiểu biết tiếng Việt địa phương cũng như chữ Hán để có thể hiểu đúng
văn bản trước khi đi vào tìm hiểu nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.
Trước nay khi nói tới văn học viết Nam Bộ kể cả văn học Hán Nôm, người ta
thường kết luận rằng về mặt văn chương thì bộ phận văn học địa phương này còn kém
vùng Trung Bắc. Ý kiến ấy cũng có cơ sở thực tế là sự khác biệt về phong cách nghệ
thuật giữa văn học viết Nam Bộ với toàn quốc, tuy nhiên vấn đề còn là nhìn nhận sự
khác biệt ấy từ tiêu chuẩn nào. Thật ra thi pháp truyền thống của văn học Hán Nôm
Việt Nam trước kia hoàn toàn thống nhất nhưng được vận dụng khác nhau ở các địa
phương, chẳng hạn Nguyễn Đình Chiểu cũng dùng lối diễn đạt ước lệ với các điển cố,
nhưng đọc câu “Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; Hai vầng nhật
nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó” trong bài Văn tế nghĩa dân chết trận
Cần Giuộc thì tuy không hiểu các điển cố như “xa thư”, “chém rắn đuổi hươu” nhưng
một người đọc bình thường vẫn có thể dễ dàng hiểu được ý tứ của ông, chứ nếu đọc
câu “Tưởng thuở thái bình tại vũ, bề khuông tương để mặc khách thiên chung; Đến
nay Di Địch loạn Hoa, lòng tiết nghĩa phải xướng trò lục quán” mở đầu bài Hịch sĩ


phu kêu gọi chống Pháp ở miền Bắc thì những người có học ngày nay cũng phải lúng
túng trước lối diễn đạt bác học tới mức bí hiểm của tác giả chứ không cần nói tới đa số
nhân dân. Rõ ràng sự khác biệt nghệ thuật giữa văn học viết Nam Bộ với toàn quốc
trước nay chủ yếu là do phong cách chứ không phải do trình độ, nhưng các đầu óc
quen nhai văn nhá chữ đã coi chúng là một trong thái độ kinh viện rỗng tuếch bất chấp

cả chức năng hàng đầu của văn học là phản ảnh – thông tin. Việc tìm hiểu các đặc
điểm thi pháp chủ yếu với hệ thống chuẩn mực nghệ thuật cơ bản của văn học quốc
ngữ la tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một vấn đề phức tạp và cơ
bản còn đang trong giai đoạn bắt đầu, nên sẽ là quá hấp tấp nếu muốn qua một bài viết
nhỏ nêu ra những nhận định. Tuy nhiên có thể nói ngay rằng dòng văn học Hán Nôm
trong biến thái quốc ngữ la tinh của nó vẫn tác động tới hệ thống thi pháp của văn học
Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chẳng hạn lối văn biền ngẫu trong nhiều tác
phẩm tiểu thuyết Nam Bộ thời gian này chính phản ảnh thị hiếu thẩm mỹ của một bộ
phận công chúng văn học. Cũng có thể coi lối hành văn trơn tuột và ngôn ngữ dân dã
trong tác phẩm của nhiều tác giả chính là sự kế tục truyền thống thẩm mỹ “vì đời” tích
cực của văn học viết truyền thống ở địa phương trong quá trình nó xây dựng cho mình
hệ thống thi pháp mới, điều này đã tạo ra cho nó sức đề kháng tự nhiên mạnh mẽ với
các khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật lai căng, suy đồi và bế tắc, và cũng chính
điều này đã tạo ra hiện tượng Hồ Biểu Chánh với hàng loạt tiểu thuyết tả chân như một
loại Tiểu Bách khoa về đời sống xã hội Nam Kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới,


một giá trị không sao tìm được nơi tác phẩm của các cây bút điêu luyện trong Tự Lực
văn đoàn…
*
Sau nhiều tháng năm thăng trầm cùng vận nước, cho đến nay văn học quốc ngữ la
tinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vẫn chưa được quan tâm tìm hiểu một
cách xứng đáng. Ngoại trừ các lý do phi học thuật, ở đây còn có vấn đề cách thức tiếp
cận. Cho nên việc khắc phục các sai lầm và bất cập trong quan niệm và phương pháp,
kỹ năng và thao tác nghiên cứu là một yêu cầu mà lịch sử đang đòi hỏi ở các nhà
nghiên cứu trong việc mau chóng tái hiện để trả lại cái “bản lai chân diện mục” của bộ
phận văn học này cho văn học sử Việt Nam.

Chú thích:
(1)


Xem Nông cổ mín đàm từ số 164 ngày 3. 11. 1904.

(2)

Xem thêm Cao Tự Thanh, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, Địa chí Văn hóa
Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (Văn học), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988,
tr. 116 – 117.

(3)

Xem Bằng Giang, Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865 – 1930, Nxb. Trẻ, 1992,
tr. 39 – 40.


(4)

Xem Bằng Giang, Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb. Văn học,
1993.

(5)

Tổng tập Văn học tập 20, Nguyễn Thành biên soạn, Nxb. Khoa học xã hội,
1997, tr. 91.



×