Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Đô thị Móng Cái và Vạn Ninh xưa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (79.94 KB, 3 trang )

ĐÔ THỊ MÓNG CÁI VÀ VẠN NINH XƯA

Đô thị Móng Cái nằm trên ngã ba sông Ka Long và sông Bắc Luân, tiếp giáp với
biên giới Trung Quốc. Bờ nam bên này là đô thị Móng Cái của Việt Nam, bờ bắc bên
kia là đô thị Đông Hưng của Trung Quốc. Chỗ ngã ba sông, là một dòng thác chảy dữ
dội uốn khúc như một con rắn hổ mang, lòng sông trơ ghềnh đá và trải rộng nên có
tên là sông Mang hoặc sông Thác Mang. Đầu thời Nguyễn, thời Gia Long, biên giới
hai nước định lại, lui xuống phía Nam, nửa tổng Kiến Diên và phố An Lương thành
đất nhà Thanh. Để khẳng định không chịu lùi nữa, các quan triều Nguyễn lấy tên vua
Gia Long thay tên sông Thác Mang. Để tránh phạm húy vua Gia Long gọi trệch đi là
sông Ca Long và người Pháp viết là Ka Long.
Còn Vạn Ninh ở cách nội thị Móng Cái 8km về phía Nam. Vạn Ninh nay là một xã
có 4 thôn: Bắc, Trung, Đông, Nam. Thôn Đông, thôn Trung và thôn Nam giáp biển.
Ở đây có một hệ thống bến thuyền như bến Vạ Rạt(thôn Đông), bến cây gạo(thôn
Trung), bến Dóc(thôn Trung), bến Đá Chồng. Nay Vạn Ninh là một xã chủ yếu sống
bằng nông nghiệp, một phần đánh bắt, nuôi trồng hải sản, làng xóm giống các làng
quê.Tên cổ của Vạn Ninh là làng Bần, làng Đồng Chùa, nhưng ca dao cổ lại đã từng
ghi nhận là phố Vạn Ninh:
Cầm bằng bác mẹ chẳng sinh
Thì em xuống phố Vạn Ninh cho rồi
Như vậy Vạn Ninh và Móng Cái là hai nơi, một phố phường buôn bán giáp biên giới
và một bến cảng cũng chủ yếu giao lưu buôn bán.
Vùng biên giới Việt – Trung từ lâu đời đã diễn ra các hoạt động buôn bán, trao đổi
hàng hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng bởi những lý do
về địa hình, rừng núi hiểm trở nên các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa nói trên
thường chỉ diễn ra tại biên giới 4 tỉnh: Lào cai, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh
của Việt Nam.
Chính sử triều Nguyễn cho biết một số cửa thông thương giữa thương nhân hai nước
Việt- Trung tại tỉnh Quảng Yên, mà quan trọng hơn cả là “Cửa ải Thác Mang” tức
Móng Cái ngày nay.Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Cửa ải Thác Mang ở xã Vạn
Xuân, cách châu Hải Ninh hai dặm về phía Bắc, giáp đồn phủ Đông Hưng, ở nơi


phân giới với Khâm Châu nước Thanh. Phàm hai nước có công văn đều do cửa ải này
giao đệ, đi đến tỉnh(tức đô thị Quảng Yên) phải mất 8 ngày đường bộ. Lại có ải Bạch
Thạch, ải Thôn Thiên, ải Hoàn Trúc, ải Bương, ải Lý Lê, đều ở xã Yên Lương, tiếp
giáp động Tư Lặc nước Thanh, cũng là đường buôn bán của người phương Nam,
phương Bắc qua lại” Sách Đại Nam nhất thống chí còn cho biết thêm về sự sầm uất
của địa điểm Móng Cái: “Phố Thác Mang ở châu Vạn Ninh, người nước Thanh tụ
họp buôn bán, nhà ngói như bát úp, cũng là nơi phồn thịnh. Lại có các phố Yên
Lương, Yên lạc, Na Tiền, Mã Tế, Đại Hoàng, Lạc Tú, Đầm Hà”.
Cũng như nhiều thương cảng khác trên đất nước ta, thương cảng Vạn Ninh, ngoài số
lái buôn người Việt đến ở hoặc đi lại buôn bán còn có khá đông thương nhân là người
Hoa. Người Hoa sang nước ta, ngoài số nông dân, ngư dân di cư sang sinh sống lâu
dài ở nhiều vùng nông thôn, hải đảo còn có những người sang buôn bán sinh sống ở
các thành phố và làm môi giới trung gian mua hàng, bán hàng cho thuyền buôn Trung
Quốc và các nước khác.
Theo ngô Thì Sĩ thì ở Đàng Ngoài, đến thế kỷ XVIII có khoảng 3,6 vạn người Hoa
ở rải rác nhiều nơi, hoặc buôn bán, hoặc khai mỏ, hoặc làm ruộng, nhưng phần lớn
buôn bán ở các thành phố, thị tứ, thương cảng và khai mỏ ở vùng thượng du.
Năm 1717, chúa Trịnh Cương quy định những Hoa kiều mới sang “ ai đi đường thủy
thì cho phép cư trú ở Vạn Triều, ai đi đường bộ đến thì cho phép cư trú ở dinh Điêu
Diêu. Còn những ai từ trước cư trú đã lâu ở các phố xá như Mao Điền(Hải Dương), phố
Bắc Kạn(Thái Nguyên), phố Kỳ Lừa(Lạng Sơn), phố Vạn Ninh(An Quảng) và phố Mục
Mã(Cao Bằng) đều cho phép được cư trú như cũ.
Năm 1764, chúa Trịnh Doanh quy định lại một lần nữa: Những thương nhân trung
Quốc sang biên giới chỉ được ở Vân Đồn, Vạn Ninh(An Quảng), Càn Hải, Hội
Thống(Nghệ An), Triều Khẩu(Thanh Hóa).
Tình hình buôn bán tại các cửa quan xung quanh đô thị Móng Cái- Vạn Ninh vào
nửa đầu thế kỷ XIX được mở rộng và tiền thuế được triều đình nhà nguyễn quy định
rõ. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết địa điểm cụ thể của từng nơi: “ Cửa An
Lương ở xã An Lương, cách châu Vạn Ninh 57 dặm về phía Đông có một nhánh ở
xã Vạn Xuân, châu Vạn Ninh”. Tiền thuế thường niên ở cửa quan này được sách Hội

Điển cho biết như sau:
“ Tiểu ngạch thuế cửa An Lương, châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên, có một cửa
chính, một cửa phụ ở An Dương:
+ Gia Long năm năm thứ 18(1819) là 7.500 quan
+ Thiệu Trị năm thứ 4(1844) định giá trung bình cả năm là 8.000 quan, tháng nhuận
thêm 1 tháng, cộng 8.666 quan, lệ nộp nửa bạc nửa tiền”.
Bên cạnh những quy định về ngạch thuế cửa quan, triều Nguyễn còn đưa ra nhiều
thể lệ đánh thuế thuyền buôn các nước đến buôn bán ở Việt Nam. Dưới thời Gia
Long, đối với các thuyền buôn của Trung Quốc, về nguyên tắc nhà Nguyễn tỏ ra ưu
đãi đánh thuế nhẹ hơn các thuyền buôn phương Tây. Sách Hội Điển chép rõ mức thuế
đánh vào các thuyền buôn từ các tỉnh của Trung Quốc như sau: “Thuyền buôn Quảng
Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải...thì mỗi chiếc tiền thuế cảng và tiền nộp các lễ nộp
thay bằng tiền, cộng 4.000 quan. Tiền các lễ dâng vua 546 quan 5 tiền. Tiền lễ quan
cai tàu(thuyền Quảng Đông 355 quan, thuyền Phúc Kiến 290 quan). Tiền thuế cảng
và tiền các lễ: cơm nước, xem xét, sai phái(thuyền Quảng Đông 3098 quan 5 tiền,
thuyền Phúc Kiến 3163 quan 5 tiền).
Dưới triều Minh Mạng(1820 – 1840), triều đình quy định lại ngạch thuế các thuyền
buôn nước ngoài, không đánh đồng loạt như trên.Năm 1820, quy định đánh thuế
thuyền buôn căn cứ ở chiều rộng của lòng thuyền, từ tỉnh nào của Trung Quốc sang
và đến buôn bán ở miền nào, tỉnh nào của Việt Nam. Thí dụ nếu: “thuyền buôn từ
phủ Quảng Châu, phủ Triều Châu - châu Nam Hùng, phủ Huệ Châu, phủ Phúc
Kiến...rộng 25 thước đến 14 thước(từ 6,1 – 3,5m) mà đến buôn ở Vạn Ninh(thuộc
Quảng Yên, Bắc Thành) thì mỗi thước (0,40m) tiền thuế là 120 quan”.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép khá nhiều cửa quan và tấn sở, tức những trạm
kiểm soát hàng hóa và thu thuế trên đất liền giáp biên giới Việt – Trung thuộc châu
Vạn Ninh và trên nhiều hòn đảo, nhiều bến sông theo đường thủy vào sâu trong đất
liền.
Mặc dù thương cảng Vạn Ninh đã có một thời gian dài thuyền buôn các nước, nhất
là thuyền buôn Trung Quốc, ra vào buôn bán khá nhộn nhịp sầm uất, thì từ đầu thế kỷ
XX đến nay, thương cảng “vang bóng một thời” ấy cũng chỉ là những bến thuyền nhỏ

nhoi, để chiều chiều một vài con thuyền lẻ loi về đậu. Nguyên nhân căn bản dẫn đến
“cái chết dần dần” của thương cảng Vạn Ninh chính là tọa lạc bên cạnh cửa sông
Thác Mang, một con sông vốn không rộng, lưu lượng nước không lớn, nhiều ghềnh
thác, cửa sông lại thường xuyên bị phù xa bồi lấp. Ngày nay, tại bến Vạn Ninh xưa,
khi thủy triều xuống, chúng ta có thể lội xa bờ hàng chục mét. Điều đó cho thấy Vạn
Ninh có lẽ mãi mãi giống như Vân Đồn, không có đủ những điều kiện cần thiết để
phục hồi lại vị trí của một thương cảng ở thời hiện đại. Từ lâu, vị trí thương cảng xưa
của Vạn Ninh đã được dịch chuyển đến cảng Thọ Xuân thuộc đô thị Móng Cái. Cảng
Thọ Xuân trên sông Ka Long, rất gần biên giới, thuận tiện nhiều mặt nhưng tàu lớn
không vào được. Trở ngại đó được khắc phục bằng sự hình thành cảng chuyển tải
Vạn Gia. Cảng Vạn Gia bên đảo Vĩnh Thực hội đủ những điều kiện để trở thành một
thương cảng có khả năng tiếp nhận những con tàu trọng tải lớn. Thương cảng Vạn
Gia sẽ tiếp tục truyền thống sầm uất của cảng Hội Điển. Vạn Gia chỉ cách Vạn Ninh
4 km đường biển. Vào ngày đẹp trời, trời yên, biển lặng, có thể đứng từ Vạn Ninh
nhìn khá rõ bến thuyền Vạn Gia. Như vậy ở một mức độ nhất định có thể nói rằng:
Vạn Ninh không “mất” đi mà “hóa thân” thành Vạn Gia. Về thực chất cả Vạn Ninh
lẫn Vạn Gia, từ xưa cho tới nay vẫn đóng vai trò là một thương cảng vệ tinh của đô
thị Móng Cái. Đô thị cổ - trung đại Móng Cái với một vị trí đặc biệt thuận lợi về mặt
kinh tế thương mại ngày càng phát triển, đổi mới và hưng thịnh.
( Theo địa chí tỉnh Quảng Ninh)

×