Tải bản đầy đủ (.pdf) (66 trang)

Hình tượng nhân vật “soái ca” trong một số tiểu thuyết của cố mạn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (959.28 KB, 66 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “SOÁI CA”
TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT
NGÔN TÌNH CỦA CỐ MẠN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

HÀ NỘI - 2018


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “SOÁI CA”
TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT
NGÔN TÌNH CỦA CỐ MẠN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Người hướng dẫn khoa học

TS. NGUYỄN THỊ BÍCH DUNG

HÀ NỘI - 2018




LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình làm khóa luận tốt nghiệp, tôi đã nhận được nhiều sự
giúp đỡ, đóng góp ý kiến và chỉ bảo nhiệt tình của thầy cô, gia đình và bạn bè.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Nguyễn Thị Bích Dung, giảng
viên bộ môn Văn học nước ngoài - trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, người đã tận
tình hướng dẫn, chỉ bảo tôi trong suốt quá trình làm khoá luận.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo trong trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2 nói chung, các thầy cô trong khoa và tổ bộ môn Văn học nước
ngoài nói riêng đã dạy dỗ tôi kiến thức về các môn đại cương cũng như các môn
chuyên ngành, tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập.
Thiết tha bày tỏ lời tri ân đến gia đình và bạn bè đã luôn tạo điều kiện, quan
tâm, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành khoá luận tốt
nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2018
Sinh viên

Nguyễn Thị Hoàng Anh


LỜI CAM ĐOAN
Những nội dung trong khóa luận này là do tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn
trực tiếp của TS. Nguyễn Thị Bích Dung
Mọi tham khảo dùng trong khóa luận đều được trích dẫn rõ ràng tên tác giả,
tên công trình, thời gian, địa điểm công bố.
Mọi sao chép không hợp lệ, vi phạm quy chế đào tạo, hay gian trá, tôi xin
chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2018

Sinh viên

Nguyễn Thị Hoàng Anh


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài .....................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ..........................................................................4
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát ............................................................4
5. Phương pháp nghiên cứu.........................................................................................4
6. Bố cục khóa luận .....................................................................................................4
NỘI DUNG ................................................................................................................6
Chương 1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “SOÁI CA” TRONG
MỘT SỐ TIỂU THUYẾT NGÔN TÌNH CỦA CỐ MẠN.....................................6
1.1. Một số khái niệm ..................................................................................................6
1.1.1. Nhân vật văn học ...............................................................................................6
1.1.2. Hình tượng nhân vật ..........................................................................................6
1.1.3. Giới thuyết chung về “soái ca” .........................................................................7
1.2. Tác giả Cố Mạn và tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc ........................................9
1.3. Đặc điểm hình tượng nhân vật “soái ca” trong tiểu thuyết của Cố Mạn ................12
1.3.1. Ngoại hình nam thần .......................................................................................13
1.3.2. Toàn tài, xuất chúng ........................................................................................18
1.3.3. Tính cách ngoài lạnh trong ấm ........................................................................25
1.3.4. Chung tình tuyệt đối ........................................................................................30
Tiểu kết .....................................................................................................................37
Chương 2. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “SOÁI
CA” TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT NGÔN TÌNH CỦA CỐ MẠN ..........38
2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình ...........................................................................38

2.2. Nghệ thuật miêu tả hành động ...........................................................................41
2.3. Nghệ thuật khắc họa tính cách thông qua ngôn ngữ nhân vật ...........................49
2.3.1. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại .........50
2.3.2. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật thông qua độc thoại .........................54
Tiểu kết .....................................................................................................................58
KẾT LUẬN ..............................................................................................................59
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong khoảng mười năm trở lại đây, ở Việt Nam, tiểu thuyết ngôn tình trở
thành một hiện tượng đình đám, một trào lưu sôi nổi, thu hút được một lượng độc
giả đông đảo ở nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, đặc biệt là lứa thanh thiếu niên từ
mười một đến ngoài hai mươi. Được quan tâm như vậy, tiểu thuyết ngôn tình là đề
tài của nhiều cuộc tranh luận về văn chương, tình yêu, cuộc sống,... với nhiều ý kiến
đánh giá trái chiều: khen, chê khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ
nhận: Ngôn tình đang phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng nhận được nhiều
tình cảm yêu mến của độc giả. Nhiều tác giả đầy tài năng như Đồng Hoa, Phỉ Ngã
Tư Tồn, Tân Di Ổ, Cố Mạn,… đã trở thành những cái tên quen thuộc, gần gũi với
bạn đọc.
Cố Mạn được mệnh danh là một trong “Lục tiểu công chúa” của giới tác giả
ngôn tình, là gương mặt tiêu biểu được các nhà xuất bản săn đón với nhiều tác phẩm
ấn tượng. Nữ nhà văn đặc biệt thành công với các tác phẩm viết về tình yêu chốn
giảng đường, nơi công sở. Trong các tiểu thuyết của Cố Mạn chúng ta dễ dàng bắt
gặp những lời văn, phát ngôn quen thuộc đến mức trở thành câu cửa miệng trong
giới say mê ngôn tình và những hình tượng in dấu mãi trong lòng độc giả.
Tìm hiểu về nữ tác giả này, tôi nhận thấy hình tượng “soái ca” được tác giả
khắc họa nổi bật trong các sáng tác như: Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu
tiên, Tôi như ánh dương rạng rỡ và Bữa trưa tình yêu. Cố Mạn đã vẽ nên hình ảnh

một chàng trai không chỉ thu hút về ngoại hình mà còn tài năng, xuất chúng trên
nhiều phương diện với trái tim luôn hướng về một người con gái. “Soái ca” luôn có
những hành động, việc làm thể hiện sự bao dung, chở che cô gái anh yêu hết lòng.
Đặc biệt, khi xây dựng nên những “soái ca”, Cố Mạn đã khắc họa tinh tế tâm lý phức
tạp của nhân vật trong những hoàn cảnh khác nhau. Viết về những câu chuyện tình
đẹp với kết thúc hạnh phúc, viên mãn, Cố Mạn đã góp phần nhỏ bé của mình vào kho
tàng văn học Trung Quốc đương đại. Những tác phẩm viết về tình yêu trong sáng,
đẹp đẽ ấy của Cố Mạn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần xua

1


tan những muộn phiền trong cuộc sống hằng ngày, giúp người đọc được thả hồn mình
đến một miền đất bình yên, hạnh phúc. Trong bối cảnh mà bệnh vô cảm trở nên đáng
báo động như hiện nay, những tác phẩm ấy càng phát huy vai trò của nó: nuôi dưỡng
lòng nhân ái, cao thượng, cách ứng xử trong đời sống hằng ngày,...
Với tất cả những lý do đã trình bày như trên, tôi chọn đề tài: “Hình tượng
nhân vật “soái ca” trong một số tiểu thuyết của Cố Mạn” làm khóa luận tốt nghiệp
của mình. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một tài liệu bổ ích giúp mọi người hiểu thêm
về tiểu thuyết ngôn tình cũng như có cái nhìn khách quan hơn về thể loại văn học
còn khá mới mẻ này.
2. Lịch sử vấn đề
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chóng mặt đã tác động
không nhỏ tới người trẻ. Bởi thế, bên cạnh dòng văn học chính thống, văn học mạng
đã phát triển song song, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và trở thành một cách
thức giải trí với nhiều người. Trung tâm của dòng văn học mới nở rộ này chính là
tiểu thuyết ngôn tình. Nhận ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Ngôn tình đối với thế hệ
trẻ, nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà văn, nhà báo,… đã tìm hiểu và nêu lên
những quan điểm cũng như đánh giá của mình đối với thể loại này.
Tiêu biểu phải kể đến khóa luận tốt nghiệp Đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết

ngôn tình (khảo sát qua một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Trung Quốc) của
Lương Thị Lệ, đã đưa ra những khái quát về tiểu thuyết ngôn tình: khái niệm,
nguồn gốc, thể loại, sự phát triển ở Việt Nam, đề tài, cốt truyện, nhân vật, kết cấu và
ngôn từ. Khóa luận trình bày những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết ngôn tình, đề
xuất giải pháp khắc phục mặt hạn chế cũng như cách phát huy các tác động tích cực
của ngôn tình trong đời sống văn hóa hiện nay.
Trong khóa luận Ảnh hưởng của tiểu thuyết ngôn tình trong đời sống sinh
viên nữ trường Đại học Văn hóa Hà Nội của Dương Thanh Hằng đã nêu lên những
dẫn chứng xác thực về sự phổ biến của ngôn tình tại ngôi trường này, ảnh hưởng về
kinh tế, ngôn từ và quan hệ giao tiếp cùng như quan niệm về tình yêu và tình dục
của sinh viên nữ trong trường. Từ đó, tác giả đưa ra những lý giải đối với trào lưu
đọc ngôn tình và định hướng văn hóa đọc cho sinh viên.

2


Trên website của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học
quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đăng tải nghiên cứu của Hà Thanh Vân với tựa
đề Truyện ngôn tình Trung Quốc - một cách nhìn. Bài viết đã đưa ra các tóm lược
về thể loại, lý giải các nguyên nhân khiến trào lưu này nở rộ, cũng như những hạn
chế của nó và thực trạng lên án ngôn tình một cách thiếu công bằng và định kiến.
Đồng thời, tìm kiếm cái nhìn, đánh giá chính xác, khách quan từ độc giả.
Bài viết Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc tại Việt Nam dưới góc nhìn văn
hóa đại chúng của Trần Lê Hoa Tranh ở Trường Đại học Khoa học Huế đã nhìn
nhận, đánh giá ngôn tình như một hiện tượng văn hóa đại chúng, lý giải nguyên
nhân gây sốt và nêu giải pháp cho việc định hướng thị hiếu độc giả.
Bài viết Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc: Rác hay không rác? trên báo An
ninh thế giới đã gây được nhiều sự chú ý khi nêu lên quan điểm của dịch giả Dennis
Quyên, (nổi tiếng với các sách dịch ngôn tình như: Ai là ai của ai, Ánh trăng không
hiểu lòng tôi, Bên nhau trọn đời…): "Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc vẽ ra một xã

hội mà những cô gái hay mơ tưởng, ví dụ gặp được một anh chàng điển trai, tài giỏi,
nhà giàu, chung thủy… Nhưng nó cũng nêu ra những vấn đề thực tế của xã hội hiện
nay chứ không chỉ là viển vông, hoang tưởng. Ngoài ra, những cảm xúc của nhân vật
được khắc họa, miêu tả rất thật, khiến chúng ta có thể sống, trải nghiệm cùng họ, từ
đó có thể học được những điều rất hay và bổ ích” [13,1]. Ngoài ra, bài viết còn đề
cập đến trào lưu chuyển thể Ngôn tình thành phim truyền hình và điện ảnh đang nở
rộ ở Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích về vật chất và tinh thần cho đất nước
này. Bên cạnh đó, bài viết đã có những cảnh báo về hiện tượng sa đà, ảo tưởng vào
những câu chuyện tình yêu phi lý và lên tiếng cảnh tỉnh độc giả.
Từ những tư liệu trên, tôi nhận thấy các nghiên cứu, bài viết về tiểu thuyết
ngôn tình đã thu hút được nhiều sự quan tâm trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên lại
chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về hình tượng nhân
vật “soái ca” trong tiểu thuyết ngôn tình. Tôi chọn đề tài “Hình tượng nhân vật
“soái ca” trong một số tiểu thuyết ngôn tình của Cố Mạn” để đóng góp quan điểm
về hình tượng trung tâm, nổi bật trong hầu hết các sáng tác của Cố Mạn cũng như
các tác phẩm khác cùng thể loại.

3


Trong quá trình triển khai đề tài, tôi có tham khảo, tiếp thu một cách chọn
lọc các công trình nghiên cứu trước đó.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Việc nghiên cứu đề tài “Hình tượng nhân vật “soái ca” trong một số tiểu
thuyết ngôn tình của Cố Mạn” nhằm khái quát đặc điểm ngoại hình, tính cách và
tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật “soái ca” của tác giả Cố Mạn. Từ đó, cung
cấp cho người đọc một nhận thức sơ lược về nhân vật tiêu biểu trong tiểu thuyết
ngôn tình của Cố Mạn cũng như các nhà văn cùng trào lưu văn học mạng.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Với đề tài này, người nghiên cứu sẽ tìm hiểu về hình tượng nhân vật “soái
ca”, chỉ ra vị trí, vai trò, những đặc điểm chung và nét riêng của nhân vật đó trong
tiểu thuyết của Cố Mạn.
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hình tượng nhân vật “soái ca” trong tiểu
thuyết của Cố Mạn.
4.2. Phạm vi khảo sát
Phạm vi khảo sát của đề tài là các tiểu thuyết đã được dịch ra Tiếng Việt như
Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Bữa trưa tình yêu, Tôi như ánh
dương rạng rỡ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Khi thực hiện đề tài này, người viết đã sử dụng các phương pháp như:
- Phương pháp khảo sát tác phẩm.
- Phương pháp phân tích.
- Phương pháp tổng hợp nâng cao vấn đề.
6. Bố cục khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội dung khóa luận
gồm 2 chương:

4


Chương 1: Đặc điểm hình tượng nhân vật “soái ca” trong một số tiểu thuyết
ngôn tình của Cố Mạn
Chương 2: Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật “soái ca” trong một số
tiểu thuyết ngôn tình của Cố Mạn

5



NỘI DUNG
Chương 1: ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “SOÁI CA”
TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT NGÔN TÌNH CỦA CỐ MẠN
1.1. Một số khái niệm
1.1.1. Nhân vật văn học
“Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật. Nó mang tính ước lệ, không
đồng nhất với con người thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất
gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà
văn về con người; nó có thể được xây dựng trên cơ sở quan niệm ấy” [1,242].
Nhân vật văn học là con người được nhà văn xây dựng trong tác phẩm bằng
những phương tiện văn học. Nhân vật có thể có tên riêng như Thị Mầu, Thị Kính,
lão Hạc, anh Pha, Nguyệt, Lãm,… hoặc không có tên riêng như lão phú hộ, người
anh trưởng, dì ghẻ,… hay sử dụng các đại từ nhân xưng như tôi, ta, mình, tớ,...
Nhân vật còn có thể đội lốt vật như chàng dê, nàng cóc,… hoặc ẩn dụ cho một hiện
tượng nổi bật trong tác phẩm. Nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuât giúp
nhà văn tái hiện đời sống, có chức năng chính là khái quát tính cách, số phận của
con người, mang tính lịch sử, xã hội. Qua đó, thể hiện nhân sinh quan và lý tưởng
thẩm mỹ của nhà văn.
Nhân vật văn học thường được xây dựng qua các biến cố, xung đột, mâu
thuẫn. Đó là mâu thuẫn trong nội tâm của chính nhân vật, mâu thuẫn giữa các nhân
vật hay giữa các tuyến nhân vật với nhau. Bởi vậy, nhân vật luôn gắn liền với cốt
truyện và thể hiện chủ đề của tác phẩm.
1.1.2. Hình tượng nhân vật
Hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát về nghệ thuật dưới
hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, được nhận thức trực tiếp
bằng cảm tính. Hình tượng văn học trong tác phẩm là phương tiện hình thức, để nhà
văn bộc lộ tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mình.
Không dễ dàng xây dựng một hình tượng văn học, càng khó khăn hơn để
khắc họa trong tác phẩm hình tượng nhân vật văn học. Điều này yêu cầu sức sáng


6


tạo không ngừng và sự tài hoa của người nghệ sĩ. Muốn trở thành hình tượng, nhân
vật phải có “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” [3,161]. Nghĩa là nhân
vật ấy phải có sức khái quát cao, đặc trưng cho những nét chung nhất của tầng lớp,
giai cấp mình đại diện và xuất hiện trong bối cảnh điển hình cho một vùng miền,
một nơi cụ thể ở thời điểm xác định. Như vậy, hình tượng nhân vật là một yếu tố
điển hình trong sáng tác văn học, tập trung nét khái quát của một tầng lớp, giai cấp,
đồng thời có những nét riêng, dấu ấn đặc biệt và xuất hiện trong bối cảnh điển hình
của tác phẩm văn học.
Trong kho tàng văn học của nhân loại, từ xưa đến nay, không thiếu những
hình tượng nhân vật đặc sắc. Đó là chàng quý tộc Don Quijote của Cervantes, lão
Goriot của Balzac, nàng Anna Karenina của Lev Tonstoi, hay Thúy Kiều của đại thi
hào Nguyễn Du,… Những nhân vật bất hủ đó là các sáng tạo độc đáo của nhiều
nghệ sĩ tài hoa.
1.1.3. Giới thuyết chung về “soái ca”
Soái ca là một từ gốc Hán Việt, gồm soái (帥) + ca (哥) ghép lại với nhau.
Soái (帥): trong tiếng Trung có phiên âm la tinh là "shuài", tiếng Việt phát âm là
"soai", âm Hán Việt là Soái, Suất hay Súy. Soái hay chủ soái là khái niệm chỉ tướng
tổng chỉ huy quân đội thời phong kiến. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ
học), ở một số quốc gia, đây là danh xưng quân hàm sĩ quan cao cấp nhất trong
quân đội, thậm chí trên cả cấp bậc Đại tướng. Soái là người đứng đầu trong quân
đội, là vị tổng chỉ huy đồng thời làm gương cho binh lính noi theo. Nghĩa gốc này
được dùng trong những từ như Nguyên soái ( 元 帅 - phiên âm Yuánshuài)
hoặc Thống chế. Quân hàm này gần tương đương với vị trí Thống tướng trong quân
đội xét theo hệ thống cấp bậc quân sự Mỹ. Tuy nhiên, nguyên nghĩa của hai từ này
không thực sự đồng nhất.
Chủ Soái là chức vụ đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời chiến. Đây là

người nắm trong tay quyền lực quân đội, là thống lĩnh quân sự tối cao, nắm quyền
sinh, quyền sát, quyết định cả vận mệnh của dân tộc. Trên thế giới, đặc biệt là ở các
cường quốc, đã từng xuất hiện nhiều vị Nguyên soái vĩ đại, lỗi lạc, oai dũng trong

7


bộ quân phục đầy những lon, vạch, sao, huân, huy chương ghi dấu những chiến tích
oai hùng được nhân loại kính phục và ngưỡng vọng. Ở các nước châu Âu, Nguyên
soái được xem là cánh tay phải, trợ thủ đắc lực nhất của hoàng đế, được các vị lãnh
đạo tối cao của đất nước vị nể và kiêng dè. Tiêu biểu như: Bernard Law
Montgomery (1887-1976) ở Anh; Ivan Stepanovich Koniev (1897-1973) và Ivan
Khristoforovich Bagramyan (1897-1982) thuộc Liên Xô cũ,… Trong tích Tây Du
Ký, Trư Bát Giới trước khi bị đày xuống nhân gian đã từng được Ngọc Hoàng
thượng đế phong cho chức "Thiên Bồng Nguyên Soái" thống lĩnh hơn 8 vạn thủy
binh ở Thiên Đình. Ở Việt Nam, danh tướng Trương Định cũng từng được phong
chức "Bình Tây Đại Nguyên soái" nổi tiếng với tài điều binh khiển tướng làm kinh
hồn bạt vía lũ cướp nước thời chống Pháp, lưu lại tiếng thơm muôn đời. Sau này, từ
“soái” còn được dùng với nghĩa chỉ người đàn ông có ngoại hình điển trai, tuấn tú,
có khí chất, thu hút được sự mến mộ đặc biệt của nữ giới.
Ca 哥: phiên âm la tinh là "gē" trong tiếng Trung, phát âm như "cưa" trong
tiếng Việt; âm Hán Việt đọc là Ca. Nghĩa gốc là anh trai ruột, hoặc người nam hơn
tuổi trong họ hàng thân thích. Từ này còn được dùng để chỉ người đàn ông thuộc
vào hàng anh cả, đáng được nể trọng.
帅哥: phiên âm tiếng trung là “shuài gē”, đọc là soai cưa, phiên âm hán Việt
là Soái Ca. Xuất phát từ nghĩa của từ "soái" là chỉ người đứng đầu trong quân đội,
sở hữu những phẩm chất tuyệt đỉnh trong chỉ đạo chiến thuật quân sự và chiến đấu,
đầy bản lĩnh và oai phong, lẫm liệt, “soái” được ghép với “ca” tạo thành một từ
mới. “Soái ca” được dùng để chỉ nhân vật nam là hình mẫu người yêu lý tưởng của
phái nữ với một số tiêu chuẩn nhất định. Thứ nhất, “soái ca” là một người đàn ông

có ngoại hình đẹp. Thứ hai, người đó phải xuất chúng, toàn tài, giàu có, giải quyết
mọi rắc rối dễ như trở bàn tay. Cuối cùng, “soái ca” luôn chung tình với duy nhất
một cô gái hết sức bình thường, không có điều gì đặc biệt. Những chàng trai như
vậy rất hiếm có, khó tìm thấy trong đời thực.
“Soái ca” là một nhân vật trong các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Các tác
giả khi viết về một câu chuyện tình yêu với mô típ “lọ lem và hoàng tử” đã xây dựng

8


trong đó một chàng trai hoàn hảo về mọi mặt, đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của
phái nữ, trở thành ước mơ của mọi cô gái. Các "soái ca" ngôn tình chẳng những có
ngoại hình bắt mắt mà còn có vị trí trong xã hội bởi xuất thân danh giá, gia thế hiển
hách hoặc tự phấn đấu. Ngoài ra, cũng có trường hợp, chàng trai ấy có một khả năng
đặc biệt nào đó hay vừa học giỏi lại đạt nhiều thành tích trong các môn thể thao,…
Trên hết, “soái ca” luôn dành tình yêu sâu nặng cho một người con gái. Các
chàng trai này sẽ yêu một cô gái với gia cảnh bình thường hay thậm chí là khó khăn.
Họ sẽ mặc cho định kiến xã hội, những cản trở, sức ép của gia đình vẫn hết lòng bảo
vệ người mình yêu trước dư luận, thử thách. Dù phải vào dầu sôi, lửa bỏng họ cũng
không màng, bất chấp cả tính mạng để bảo vệ cô gái đó. Vì tình yêu, “soái ca” có
thể làm mọi thứ, từ bỏ mọi điều để được ở bên nữ chính trong câu chuyện.
Các “soái ca” có thể khiến mọi trái tim thiếu nữ dù băng giá đến đâu cũng
tan chảy. Chàng lạnh lùng với mọi người nhưng lại dịu dàng, luôn có những hành
động và lời nói tràn đầy tình yêu thương cho người mình yêu. “Soái ca” luôn xuất
hiện, ở bên những khi cô gái cần giúp đỡ và quan tâm, chăm sóc, lo lắng, làm
những điều cô ấy yêu thích. Khi người yêu buồn, “soái ca” sẽ làm mọi cách khiến
cô ấy vui lên. Lúc cô giận hờn, anh sẽ tìm cách để dỗ dành. Những thứ cô ấy muốn,
dù là sao trên trời thì nam chính sẽ kiếm về bằng mọi giá.
Các "soái ca" ngôn tình tiêu biểu phải kể đến như: Hà Dĩ Thâm (Bên nhau
trọn đời), Tiêu Nại (Yêu em từ cái nhìn đầu tiên), Lâm Tự Sâm (Tôi như ánh dương

rạng rỡ) ,…của tác giả Cố Mạn.
1.2. Tác giả Cố Mạn và tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc
Cố Mạn là tác giả của những tác phẩm được nhiều độc giả yêu thích trên
mạng văn học Tấn Giang. Nhà văn Trung Quốc sinh ngày 21 tháng 10 năm 1981.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán tại Đại học kiểm toán Nam Kinh, nhưng
cái duyên với văn chương đã khiến Cố Mạn trở thành biên tập viên của tạp chí
“Tiên độ thụy lạc” và sau này là một nhà văn. Cố Mạn chỉ là bút danh nữ tác giả
dùng khi sáng tác tiểu thuyết ngôn tình. Độc giả thường thân thiết gọi nữ nhà văn là
Rùa hay Rùa Mạn. Quê hương là nơi có ảnh hưởng nhiều đến các sáng tác của Cố
Mạn, đó là tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

9


Miêu tả về bản thân, Cố Mạn tiết lộ mình thuộc chòm sao Thiên Bình tài
hoa. Nữ tác giả yêu thích màu hồng phấn và những gam màu ấm áp. Nhà văn cho
biết mình là ví dụ điển hình về sự lười biếng, chỉ “thích vùi đầu trong chiếc vỏ của
mình nghe nhạc, ngủ, viết tiểu thuyết” [16,1]. Cố Mạn cũng tự nhận mình không có
chí lớn, “chỉ cần có một chiếc mai như chú rùa thì gió mưa cũng không sợ gì, sống
vui vẻ vô lo” [16,1].
Cố Mạn là một trong số các tác giả được yêu thích nhất trong dòng văn học
mạng. Những tác phẩm của nữ nhà văn đã đưa Cố Mạn trở thành một trong những tác
giả nổi tiếng nhất hiện nay. Những tiểu thuyết của nữ nhà văn đã góp phần định hướng
phong cách cho các sáng tác cùng thể loại. Năm 2010, Cố Mạn vinh dự được nhận
giải thưởng “Tác giả xuất sắc nhất” trong lễ trao giải văn học mạng Trung Quốc.
Đến nay, các độc giả vẫn còn nhiều thắc mắc về nhà văn này. Trên Baidu
(trang tìm kiếm tin tức nổi tiếng nhất Trung Quốc), người ta chỉ tìm được một số
thông tin khiêm tốn về nữ nhà văn. Cố Mạn chưa từng lộ diện trước công chúng.
Những thông tin nhà văn tiết lộ với độc giả cũng không nhiều. Bà Trương Hàn - đại
diện quyền tác giả của Cố Mạn nói rằng, “nhà văn thật sự không muốn mọi người

biết đến mình. Viết văn là đam mê, là thỏa mãn mình mà thôi. Thấy mọi người thích
đọc những tác phẩm của mình là hạnh phúc rồi” [15,1]. Chỉ có những chủ biên, biên
tập sách cho Cố Mạn hay một số người bạn thật thân thiết mới biết mặt nhà văn.
Tiểu thuyết của Cố Mạn vẽ nên những câu chuyện tình yêu lãng mạn, nhẹ
nhàng, ấm áp như ánh nắng mặt trời và đem đến cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Với
phong cách trẻ trung, hiện đại mà không kém phần hài hước, Cố Mạn đã xây dựng
nên những nhân vật đời thường vô cùng sống động, gần gũi. Những sáng tác của Cố
Mạn nổi bật nhất là những tác phẩm đã được dịch ra Tiếng Việt như Bên nhau trọn
đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Bữa trưa tình yêu, Tôi như ánh dương rạng rỡ,…
Các tác phẩm của Cố Mạn luôn được trau chuốt đến từng câu chữ. Trong
một cuộc phỏng vấn, Cố Mạn chia sẻ rằng, mỗi khi không hài lòng với một tình tiết
nào đó, nhà văn sẽ xóa đi viết lại cho đến khi ưng ý. Những tác phẩm của Cố Mạn
đã định hình xu hướng cho tiểu thuyết ngôn tình. Tác phẩm Yêu em từ cái nhìn đầu
tiên đã bắn phát súng hiệu cho hàng loạt sáng tác cùng thể loại lần lượt ra đời. Đặc

10


biệt, sự thành công của Bên nhau trọn đời đã mở màn cho trào lưu “soái ca” ngôn
tình phát triển mạnh mẽ. Cùng thời với Cố Mạn, nhiều tên tuổi không giữ được sức
nóng, sự nghiệp tụt dốc, mất hút trên văn đàn. Nhưng Cố Mạn với những trang văn
ấm áp vẫn cứ trường tồn, trở thành chuẩn mực, thước đo trong ngôn tình.
Tiểu thuyết ngôn tình không phải là một thể loại mới xuất hiện như nhiều
người lầm tưởng. Nó là một “mạch ngầm ngàn năm” của văn học thế giới. Ngôn
tình là những sáng tác về tình yêu - một đề tài quen thuộc của văn chương, nguồn
cảm hứng bất tận trong sáng tác của các nhà văn. Từ xưa đến nay đã có nhiều tác
phẩm viết về đề tài này. Tiêu biểu là Tiếng chim hót trong bụi mận gai của tác giả
Colleen McCullough (Úc), Đồi gió hú (Anh) của Emily Bronte, Cuốn theo chiều gió
(Mỹ) của Margaret Mitchell, Hồng lâu mộng (Trung Quốc) của Tào Tuyết Cần ,
Nếu em không phải là một giấc mơ (Pháp) của Marc Levy,… Trong dòng chảy lịch

sử của văn học, ngôn tình chính là sự nối dài của dòng tiểu thuyết tài tử - giai nhân
(Những tác phẩm lấy đề tài tình yêu, hôn nhân của nam nữ thanh niên làm chủ đề,
ra đời vào cuối đời Minh đầu Thanh - Lư Hưng Cơ) theo một hình thức mới. Hình
tượng nhân vật “soái ca” cũng chính là sự tiếp thu và phát triển trên hình tượng
nhân vật tài tử của dòng tiểu thuyết đó với những phẩm chất lý tưởng về tài (tài
hoa), sắc (mi thanh mục tú, tuấn lãng phong lưu), tình (chủ động theo đuổi, cố chấp
si tình) và hiệp (hành vi ngay thẳng, cá tính bộc trực, coi thường giàu sang, danh
lợi). Nó đã góp phần đưa dòng văn học cao sang, hàn lâm trở nên đại chúng, phù
hợp với nhiều đối tượng độc giả ở những trình độ khác nhau.
Ngôn tình là một từ Hán Việt, là khái niệm dùng để gọi những câu chuyện về
tình yêu đôi lứa, xuất hiện vào đầu thế kỉ XXI trên các trang văn học mạng Trung
Quốc. Tác giả ngôn tình thường là những nhà văn nữ trẻ với phương thức sáng tác
chủ yếu là đăng tải trên mạng. Sau đó, những sáng tác nhận được nhiều sự yêu mến
sẽ được các nhà xuất bản phát hành thành sách.
Ngôn tình phát triển rất đa dạng với hơn 50 thể loại như hắc bang, cung đấu,
tiên hiệp,... Nội dung phong phú nhưng hầu hết đều xoay quanh những câu chuyện
tình yêu đẹp. Trong đó, các nhân vật chủ yếu được xây dựng bằng bút pháp lý

11


tưởng hóa. Họ thường là những con người đẹp về cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Ngôn
tình thường có ba cách kết thúc là Happy ending (kết thúc hạnh phúc), Sad Ending
(kết thúc buồn) và Open Ending (kết thúc mở). Ngôn tình đã đóng góp nhiều thể
loại và thuật ngữ mới cho văn học như xuyên không, đam mỹ, huyền huyễn,… Đặc
biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngôn tình đã trở thành nguồn tài nguyên quý báu cho
trào lưu chuyển thể ở Trung Quốc. Nhiều tác phẩm đã được sử dụng để làm phim
điện ảnh và truyền hình, mang về nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho đất nước
này. Tuy nhiên, những sáng tác này cũng gây ra vài hậu quả đáng tiếc khi khiến một
số độc giả say mê đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực hay có

những suy nghĩ, hành động chưa đúng.
Tóm lại, ngôn tình là một khuynh hướng sáng tác xuất phát từ các trang
mạng ở Trung Quốc vào những năm đầu thế kỉ XXI với nhiều tên tuổi đầy triển
vọng và tài năng như Đồng Hoa, Phỉ Ngã Tư Tồn, Tân Di Ổ, Cố Mạn,… Trào lưu
này đã đóng góp nhiều tác phẩm đặc sắc cho văn học Trung Hoa và thế giới.
1.3. Đặc điểm hình tượng nhân vật “soái ca” trong tiểu thuyết của Cố Mạn
Tình yêu là đề tài muôn thưở của văn chương, là chất liệu sáng tác được yêu
thích của các nhà văn. Các câu chuyện tình yêu luôn cuốn hút người đọc bởi sức
hấp dẫn lạ kỳ của nó. Trong mọi trào lưu, khuynh hướng sáng tác, tình yêu vẫn luôn
hiện hữu như một điều tự nhiên. Có những câu chuyện tình đã trở thành bất hủ mà
có lẽ ai cũng biết như “Romeo và Juliet” của Sechxpia, truyền thuyết “Lương Sơn
Bá - Chúc Anh Đài” của Trung Quốc,… Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng từng
bật thốt lên rằng:
“Có ai sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
Kho tàng văn học thế giới đã đầy ắp những tuyệt tác về tình yêu nhưng nó vẫn là đề
tài thu hút các nhà văn.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, văn học cũng ngày
càng hiện đại hóa. Trào lưu văn học mạng ra đời để phù hợp và đáp ứng nhu cầu
của đại bộ phận độc giả trẻ. Cố Mạn là một trong những nhà văn nhận được nhiều

12


tình cảm yêu mến nhất từ đông đảo khán giả trong trào lưu này. Những trang văn
của Cố Mạn hấp dẫn người đọc bởi những câu chuyện tình yêu ngọt ngào, lãng mạn
với kết thúc hạnh phúc, tròn đầy cùng hình ảnh những chàng hoàng tử hoàn hảo với
những nét tính cách khác nhau mà mọi cô gái đều ao ước. Tạo nên thành công của
những sáng tác ấy là các “soái ca”. Họ là hồn cốt của tác phẩm, là những tường
thành không thể vượt qua, là bóng hình cứ mãi lưu lại trong tâm trí, trái tim độc giả.

Điển trai, thâm trầm, chững chạc, lạnh lùng nhưng lại ẩn chứa trái tim ấm áp với
một tình yêu bao la dành cho nữ chính là công thức chung tạo nên những “soái ca”
này. Những cái tên nổi bật không thể không kể đến là chàng tổng giám đốc lạnh
lùng Phong Đằng trong Bữa trưa tình yêu, chàng luật sư đại tài Hà Dĩ Thâm của
Bên nhau trọn đời, cựu bác sĩ ngoại khoa Lâm Tự Sâm trong Tôi như ánh dương
rực rỡ và đại thần Tiêu Nại xuất hiện trong Yêu em từ cái nhìn đầu tiên,...
1.3.1. Ngoại hình nam thần
Khi sáng tác nên những câu chuyện tình đẹp đến như mơ, Cố Mạn đã khắc họa
những nam chính nổi bật. Đầu tiên, những chàng “soái ca” này có ngoại hình hoàn
hảo như những nam thần. Minh chứng tiêu biểu nhất là Tiêu Nại với “tướng mạo
cũng rất tuấn tú ưu nhã, phong thái tuyệt đỉnh, quả khiến người ta không xiêu vẹo
cũng khó” [6,36]. Tiêu Nại trong Yêu em từ cái nhìn đầu tiên được Cố Mạn xây dựng
như một “soái ca” học đường. Chàng có nét tuấn tú, thư sinh tiêu biểu, phù hợp với
lứa tuổi còn cắp sách lên giảng đường học tập. Anh nổi bật hơn tất cả những sinh viên
khác với sự xuất chúng về ngoại hình và khí chất thanh cao, kiêu ngạo rất riêng. Vẻ
đẹp và khí chất đặc biệt của anh được phái nữ yêu mến, hâm mộ cuồng nhiệt. Nhưng
Tiêu Nại chẳng để tâm hay cảm thấy tự hào điều ấy mà “trong thần thái luôn toát lên
vẻ hờ hững thờ ơ khiến người khác không dám đến gần” [6,37].
“Người đó mặc một chiếc sơ mi trắng giản dị, đứng dưới dưới tán cây, từ xa
chỉ có thể nhìn thấy mái tóc đen thẫm của anh” [6,186]. Xuất hiện chốn vườn
trường, còn gì hợp lý hơn một chiếc sơ mi trắng, chiếc áo khiến Tiêu Nại dễ dàng
chiếm được thiện cảm. Lứa tuổi sinh viên có sắc áo nào đẹp hơn màu trắng trong
sáng, đơn giản nhưng không kém phần nổi bật, thu hút ấy? Tiêu Nại mặc chiếc áo
trắng, đứng dưới ráng chiều như thay thế ánh mặt trời trong buổi hoàng hôn tỏa ra

13


ánh sáng riêng thu hút sự chú ý của người khác. “Ánh chiều tà rải rác trên người
anh, phủ lên một lớp sáng như ảo mộng” [6,200]. Nắng chiều xuất hiện lúc này chỉ

làm phông nền cho chàng nổi bật hơn dưới buổi hoàng hôn đẹp đẽ.
Ngoại hình nổi bật như thế, chỉ gặp lướt qua, cũng khiến người ta nhung nhớ,
khó quên. Chàng đứng một mình hút mắt đến vậy, nên xuất hiện bên cạnh ai cũng
khiến người ta lu mờ. Trong một đoàn người trung niên, dưới ánh đèn đuốc sáng
choang, Tiêu Nại trẻ trung ngời ngời rõ ràng là đặc biệt chói sáng. Không giống
với những lần gặp trước, hôm nay anh mặc một bộ âu phục nghiêm túc, trên gương
mặt thậm chí còn thấp thoáng nét cười, vẫn là dáng vẻ tuấn tú ưu nhã nhưng cũng
rất cao ngạo, lại dường như có thêm vẻ trầm ngâm tư lự” [6,66]. Câu nói khi đàn
ông tập trung làm việc là có sức hấp dẫn nhất, quả không sai với Tiêu Nại. Ở trường
là người tình trong mơ của các thiếu nữ với vẻ thư sinh. Khi đi làm, bộ âu phục
nghiêm túc anh mặc lại tạo cảm giác đĩnh đạc, trầm ổn. Cố Mạn chẳng miêu tả kĩ
càng nhưng đã thả một lưỡi câu để người đọc tự hình dung dáng vẻ chàng trai ưu tú
kia. Hơn nữa, bên cạnh dáng vẻ soái ca học đường, Tiêu Nại còn có sự chững chạc
của một chàng thanh niên trẻ tuổi tự tin trên con đường lập nghiệp như thế, quả là
xuất sắc.
Viết về Tiêu Nại, Cố Mạn còn miêu tả dáng vẻ chàng khi thi đấu thể thao.
Nghe tin chàng sẽ chơi bóng rổ nên nữ sinh toàn trường đổ xô đến xem để gặp
người trong mộng. Vậy mà chàng chẳng tới khiến “Đám con gái bỗng thấy thất
vọng, nếu vừa nãy ánh mắt còn lóe lên ánh sáng 100W thì giờ chỉ còn lại chừng
10W” [6,38]. Ánh mắt ấy chính là sự yêu thích, hâm mộ dành cho “soái ca” trong
mơ. Không phụ lòng mong ước, ngóng chờ của các nữ sinh và độc giả, Cố Mạn đã
để Tiêu Nại“thay đồng phục thi đấu màu trắng bước ra. Phong thái của anh vốn đã
tuấn tú, thay đồng phục thể thao càng đẹp trai ngời ngời” [6,124]. Tiêu Nại ăn mặc
rất đúng hoàn cảnh, chẳng khoa trương nên dễ chiếm được cảm tình của người
khác. Đặc biệt, Tiêu Nại chỉ chọn nhãn hiệu bình thường chứ không chọn loại cao
cấp khi mua xe ô tô. Đây là chọn lựa tinh tế, phù hợp với con người sâu sắc, đầy nội
hàm của anh. Hơn nữa, nếu không cần đi xa, anh chẳng ngại xuất hiện cùng chiếc

14



xe đạp quen thuộc trong sân trường, bình dị như biết bao sinh viên khác. Cái giản
dị, thanh nhã ấy có lẽ cũng do ảnh hưởng từ bố mẹ đều là các giáo sư ở trường đại
học của anh.
Cố Mạn đã đặc tả ánh mắt của Tiêu Nại. Đó là một đôi mắt sâu đen nhánh
nhưng thể hiện mọi cung bậc cảm xúc thật rõ ràng. Khi lạnh lùng, thờ ơ, xa cách, cất
giấu bao điều, có lúc lại ẩn chứa nụ cười tinh quái. Một đôi mắt cuốn hút người đối
diện biết bao. Nụ cười của Tiêu Nại cũng đặc biệt được Cố Mạn chú ý miêu tả. Đó
thường là những nụ cười mà “khóe môi Tiêu Nại hơi hơi nhướn lên” [6,370] chứa
đựng một chút âm mưu của anh khi trêu chọc mọi người xung quanh, đặc biệt là bạn
bè và cô bạn gái Vi Vi. Đây là một trong những thú vui nho nhỏ của chàng. Viết về
Tiêu Nại, Cố Mạn đã xây dựng nên một anh chàng thư sinh đẹp và thu hút lạ kỳ.
Tiêu Nại là một chàng “soái ca” trường học nổi bật với vẻ thư sinh vô cùng
phù hợp với nghề IT còn Lâm Tự Sâm của Tôi như ánh dương rạng rỡ lại được Cố
Mạn họa lên một bức chân dung hoàn toàn khác. Lâm Tự Sâm chưa chính thức xuất
hiện thì những lời đồn đại về anh đã bay khắp công ty mà đúc kết lại là “vừa đẹp
trai vừa tài giỏi, lại còn có phong độ” [8,111]. “Soái ca” chốn công sở Lâm Tự
Sâm có ngoại hình đặc trưng của nghề nghiệp với dáng vẻ lịch lãm, ung dung. Khi
chàng “mặc Âu phục, nhìn vô cùng có khí chất, cho nên vừa bước chân vào phòng
liền thu hút ánh mắt của mọi người” [8,146]. Lúc anh mặc áo sơ mi trắng, “trên tay
áo, chiếc khuy màu đen như ẩn như hiện, nhìn vô cùng đẹp mắt [8,148]. Những thứ
đẹp đẽ, tự nó có sức thu hút ánh mắt người khác, chỉ một nét chấm phá là chiếc
khuy đen cũng đủ hấp dẫn người đối diện. Nói Lâm Tự Sâm đẹp trai đến kinh thiên
động địa như lời nhận xét của nữ chính cũng chẳng ngoa. Thậm chí, vẻ ngoài thu
hút của anh cũng không hề bị ảnh hưởng khi gặp tai nạn. “Anh ta mặc một chiếc áo
len màu xám nhạt, trên đầu gối đắp một tấm chăn mỏng, đang cúi đầu xem một
cuốn tạp chí”, “nhìn từ đầu tới chân không có thấy một chút bất tiện và chật vật
nào” [8, 170]. Ở nhà dưỡng thương nhưng dáng vẻ anh vẫn thong dong, chẳng
giống người bệnh. Đó là vẻ ngoài mà xuất hiện ở đâu cũng là tâm điểm, hình tượng
không bị hư hại dù ngoại cảnh có đổi thay. Đặc biệt, “trên người Lâm Tự Sâm có


15


một loại khí chất trời quang trăng sáng, khiến người khác nhìn vào tự nhiên cảm
thấy anh ta là một người cao thượng”. Trong những trang văn của Cố Mạn, không
khó bắt gặp những câu văn miêu tả ánh sáng. Khi khắc họa các soái ca, nhà văn
dùng nó tạo nên vầng hào quang cho nhân vật, gợi ra sự thanh cao, chính trực khiến
người khác tin tưởng vào một nhân cách tốt đẹp của họ.
Nổi bật nhất ở nhân vật này là đôi mắt thâm sâu với ánh mắt vô cùng bức
bách. Lăn lộn chốn thương trường như chiến trường nên đôi mắt đó có khí chất trấn
áp người khác mạnh mẽ. Đó là ánh mắt gây ấn tượng với bất cứ ai từng bắt gặp, thể
hiện yêu ghét rõ ràng và sắc bén, tinh tường nhờ trải qua bão táp. Đôi mắt đó, luôn
chứa vẻ hờ hững khi nhìn mọi thứ nhưng chỉ lướt qua lại như rõ ràng, thấu hết mọi sự,
hiểu rõ lòng người. Lâm Tự Sâm còn có giọng nói vô cùng ôn hòa, ấm áp nhưng vẫn
có cái uy, dù “không cao không thấp, bình thường nhàn nhạt, nhưng lại khiến cho
người ta không dám nhiều lời” [8,122]. Chất giọng dễ nghe là một yếu tố cần thiết, đặc
biệt quan trọng với một người lãnh đạo. Qua giọng nói của anh, dáng vẻ một Lâm Tự
Sâm có tài thu phục lòng người và khiến người ta nể sợ hiện lên sinh động, sâu sắc.
Trước khi làm giám đốc, Lâm Tự Sâm từng là bác sĩ giỏi, bởi thế bàn tay anh
cũng được chú ý đặc biệt. Anh có“bàn tay vô cùng đẹp, ngón tay thanh mảnh rất có
lực, khớp xương rõ ràng” [8,175]. “Hình ảnh bàn tay ấy cầm con dao phẫu thuật,
nhất định sẽ là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ” [8,176]. Đó là bàn tay mang đến sự
tin cậy cho bệnh nhân và người nhà. Thanh mảnh thôi nhưng ẩn chứa sự mạnh mẽ
và thành thạo. Bàn tay của bác sĩ ngoại khoa ấy gợi nên sự nhanh nhạy, chuẩn xác.
Bởi thế, trò chơi trên máy chơi game “biến thái như vậy mà anh ta có thể liên tiếp
qua cửa dễ dàng, giống như có thần tiên tồn tại thật không bằng” [8,211].
Ngoại hình các soái ca của Cố Mạn rất nổi bật, tuy nhiên không phải cùng
một khuôn đúc giống nhau mà mỗi người một vẻ, phù hợp với nghề nghiệp. Hà Dĩ
Thâm trong Bên nhau trọn đời đã mang đến một dáng vẻ, một cảm nhận khác với

Tiêu Nại và Lâm Tự Sâm. Chàng sinh viên khoa luật Dĩ Thâm lúc đi học đã có
ngoại hình xuất chúng. Anh được bạn bè thầy cô ưu ái gọi là hoàng tử khoa luật.
Khi ngồi đọc sách nơi góc trường, anh cũng bị nữ chính chụp trộm để lấy cớ làm

16


quen và theo đuổi. Cô gái ngốc nghếch đó có lúc ngắm anh rồi buột miệng khen anh
đẹp trai và bị lườm.
Ai lần đầu gặp cũng sẽ ấn tượng bởi vẻ “điển trai lắm, rất lạnh lùng, rất đàn
ông, thoạt nhìn đã biết ngay thuộc loại đàn ông thành đạt” [5,39] của anh. “Người
đàn ông này rất mực tuấn tú, phong thái đường hoàng, bộ comple đắt tiền vừa vặn
làm tôn vóc người cao lớn tuyệt đẹp” [5,40]. Là luật sư, dáng vẻ của Dĩ Thâm toát
lên sự nghiêm trang, tự tin, điềm tĩnh, già dặn của một người thường hay xuất hiện
ở tòa án để làm rõ trắng đen phải trái. Do đặc thù nghề nghiệp, dáng vẻ ấy mang
đến cảm giác chính trực và tạo được lòng tin cho người khác.
Trang phục quen thuộc của Dĩ Thâm là áo sơ mi kết hợp cùng quần âu, giản
dị và lịch sự. Nhà anh thuộc“tầng 12 của một khu chung cư cao cấp, phòng rất
rộng nhưng ít đồ đạc, không hề có vật nào thừa, chỉ có bộ ấm chén trên bàn và
những cuốn tạp chí trên giá chứng tỏ có người ở” [5,136]. Anh dùng một chiếc xe
BMW màu trắng làm phương tiện di chuyển. Phong cách tối giản, không hề có chút
xa hoa, khoa trương, hay cầu kì đó rất phù hợp với anh. Ngay cả chiếc ví Dĩ Thâm
dùng, chi tiết quan trọng của tác phẩm, cơ duyên cho hai nhân vật chính gặp lại
nhau cũng được miêu tả là “Kiểu dáng đơn giản, nhãn hiệu nổi tiếng, tiền không
nhiều, hoàn toàn không xác định được thân phận chủ nhân của nó” [5,30]. Đơn
giản đôi khi chính là tinh tế và đẳng cấp. Câu nói ấy đúng với nhân vật Dĩ Thâm.
Là một luật sư, Dĩ Thâm tiếp xúc với nhiều hạng người, tốt có xấu có, đối
diện với nhiều uẩn khúc nên sự tỉnh táo là điều cần thiết. Điều đó được gợi ra qua
hàng lông mày kiên nghị, ánh mắt khi thì nghiêm túc, sáng quắc, lạnh lùng có lúc
lại lóe lên khi nhận ra điều gì đó của anh. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nên khi miêu tả

ánh mắt của nhân vật, Cố Mạn đã sử dụng rất nhiều tính từ để thể hiện hết hỉ nộ ái ố
của Hà Dĩ Thâm. Đôi mắt đó sẽ nhìn rõ mọi uẩn khúc, lắt léo, trắng đen và bảo vệ
được người tốt. Hà Dĩ Thâm còn có khẩu khí như thoát ra hơi lạnh nhưng cũng có
“giọng nói trầm ấm như tiếng vĩ cầm” [5,24] để phù hợp với công việc phân rõ
đúng sai và bênh vực kẻ yếu.

17


Tóm lại, chất liệu đầu tiên Cố Mạn dùng để vẽ nên chân dung một soái ca
chính là ngoại hình xuất chúng, nổi bật hơn người. Họ có thể là chàng trai thư sinh
chốn giảng đường, chàng luật sư điềm đạm hay vị giám đốc lịch lãm,… Mỗi người
mỗi vẻ nhưng đều phù hợp một cách tinh tế với nghề nghiệp mà tác giả xây dựng và
để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên, không thể pha trộn hay nhầm lẫn.
1.3.2. Toàn tài, xuất chúng
Hoa đẹp là bông hoa phải có cả sắc và hương. Một nhân vật văn học muốn
có chỗ đứng trong lòng độc giả chỉ có ngoại hình xuất sắc, ấn tượng vẫn chưa đủ mà
còn cần nhiều ưu điểm khác. Cố Mạn đã phóng bút tạo ra nhiều tài năng cho các
“soái ca” của mình. Hà Dĩ Thâm trong Bên nhau trọn đời là nhân vật nhận được
nhiều ưu ái của Cố Mạn. Từ nhỏ, Dĩ Thâm đã thông minh, là đứa trẻ hiểu chuyện
rất được lòng người lớn. Mới lên mười tuổi, anh đã biết giúp đỡ cô Hà nấu ăn. Hồi
bé, anh “viết văn rất hay, toàn được điểm 9” [5,333], trong cuộc thi vật lý toàn
quốc năm lớp Bảy còn nhận được bằng khen. Một cậu bé thật toàn diện, khiến
người ta yêu mến. Đến khi lên đại học, không những là sinh viên giỏi kỳ nào cũng
đạt học bổng, luôn được lòng thầy cô, lại “đoạt giải nhất cuộc thi tiếng Anh dùng
cho sinh viên các trường không phải chuyên ngữ” [5,233], anh còn vừa học vừa làm
thêm tự trả học phí. Thậm chí, chỉ theo Mặc Sênh lên lớp nghe giảng mấy buổi mà
cuối kỳ anh đã có thể giúp cô ôn tập. Dĩ Thâm quả là một chàng sinh viên xuất
chúng, tiền đồ rộng mở. Bởi thế, vừa ra trường, anh đã giải quyết rất tốt các vụ án,
được trả thù lao là một số tiền lớn. Anh đã dùng nó đặt cọc trước tiền mua nhà.

Trong thời buổi giá nhà đắt đỏ, tấc đất tấc vàng mà vừa tốt nghiệp có thể mua được
nhà ngay, anh chàng đó thật giỏi giang.
Tài giỏi như thế, nên trong vòng mấy năm, anh đã có chỗ đứng trong giới, là
công thần khiến“văn phòng luật sư Viêm Hướng Hà dạo này thắng lợi liên tục”
[5,228]. Một giờ làm việc của anh còn hơn thu nhập cả tháng của người bình
thường. Mỗi vụ xử anh nhận được hai trăm vạn (6.480.000.000 đồng tiền Việt
Nam). Dĩ Thâm là nhân vật được ngưỡng mộ, là đề tài bàn tán của mọi người vì “vụ
án kinh tế của tỉnh gần đây hình như do anh ta phụ trách” [5,117]. Anh cũng là

18


khách mời nhận được nhiều sự quan tâm của chương trình Pháp luật và cuộc sống
đồng thời là ứng cử viên sáng giá cho chuyên mục về những người đàn ông trẻ tuổi
thành đạt của tạp chí Tú Sắc,… Nhưng để có vị trí ấy, anh đã đánh đổi rất nhiều mồ
hôi nước mắt với cung cách làm việc không hề biết đến ngày nghỉ, thâu đêm suốt
sáng, đến độ xuất huyết dạ dày vì lao lực. Nhưng rời giường bệnh, anh lại ngồi
trước đống giấy tờ cao ngất để xử lý công việc ngay được. Dĩ Thâm là “một người
không có điều kiện gia đình làm hậu thuẫn, phấn đấu được như hôm nay” [5,249].
Đó là một sự nỗ lực, cố gắng đáng khâm phục. Thậm chí, ngay cả Ưng Quân người sáng lập mạng SOSO, kì tích của Trung Quốc khi gặp anh cũng phải tán
thưởng con người ưu tú ấy. Người đã trải đời như mẹ của Mặc Sênh cũng vừa lòng,
thấy con gái tốt số mới gặp và lấy được Dĩ Thâm.
Là một luật sư, Dĩ Thâm rất thông minh, nhanh nhạy, giỏi ứng phó trong mọi
tình huống. Khi Mặc Sênh tìm anh để trả lại chiếc ví, chỉ gửi qua nhân viên lễ tân ở
văn phòng, không để lại tên hay địa chỉ nhưng thấy bức ảnh chụp cô bị mất anh lập
tức biết là ai và đến tòa soạn tìm cô. Sau đó, rất khách sáo và lịch sự, anh hỏi xin lại
bức ảnh kỉ niệm mà “mặt sau có nét chữ, nét chữ phóng khoáng rắn rỏi như cào
rách giấy” [5,30] với “dòng chữ viết bằng bút máy, mực đen: My Sunshine!”
[5,30]. Khi cô giả vờ không biết sự tồn tại của bức ảnh, anh thẳng thắn lật tẩy sai
lầm trong lời nói dối của cô. “Anh là luật sư, luôn biết tìm ra sơ hở trong lời nói của

đối phương” [5,42], giúp cô nhận ra “nếu muốn lừa anh ta, phải biết lượng sức
mình” [5,42]. Đang thắng thế, anh lại là người nhún nhường, khi “hơi cúi người,
nói như nói thầm:
- Cô có thể cho tôi xin lại bức ảnh đó không?” [5,42]
Lời nói đầy thiết tha đó như năn nỉ Mặc Sênh chấp nhận yêu cầu của mình. Anh mở
đường lùi cho cô, để cuộc đối thoại không quá căng thẳng, vụ việc được giải quyết
êm đẹp, gọn gàng. Sự năn nỉ đó không khiến anh trở nên lép vế mà khắc họa nên sự
thấu tình đạt lý, biết cách ứng phó trong mọi tình huống một cách khéo léo của Dĩ
Thâm. Khi nghe thấy cô không muốn trả lại đồ của mình, Dĩ Thâm cứng rắn và lãnh
đạm tuyên bố:

19


“- Triệu tiểu thư, tôi khuyên cô không nên tranh luận vấn đề quyền sở hữu với một
luật sư” [5,42]
Anh đã nhìn thấu nhiều sự trắng đen, thật giả nơi tòa án nên hiểu rõ ưu thế của
mình. Dĩ Thâm đã đưa ra lý lẽ sắc bén, lời kết tội chuẩn xác và cách giải quyết
nhanh gọn. Chỉ bằng vài câu nói anh đã dễ dàng thu phục xong đối tượng khó nhằn.
Quả là một con người thông minh, sắc sảo, biết cách tốt nhất để xử lý vấn đề.
Bên cạnh việc là một luật sư xuất sắc, Dĩ Thâm còn có nhiều tài lẻ khác. Khi
chơi mạt chược (môn cờ truyền thống của Trung Quốc), anh xứng đáng là kì phùng
địch thủ với người đã chơi mấy chục năm như ông bà Hà, khiến người ngoài ngồi
xem mà say mê, quên cả thời gian. Toàn tài đến mức dù bận trăm công nghìn mối
thì “công việc chuẩn bị cho lễ cưới, lên danh sách khách mời, lựa chọn khách
sạn,… Mọi việc đều do một mình Dĩ Thâm lo liệu” [5,342]. Anh muốn tự chuẩn bị
hôn sự. Hay dù đã lâu không nấu nướng, anh vẫn có thể dùng dao thái khoai sọ một
cách thành thạo và mặc cho công việc bận rộn vẫn dành thời gian nghiên cứu bếp
núc để nuôi Mặc Sênh béo tròn khi cô mang thai,… Một con người thật xuất chúng,
tài giỏi!

Nếu đứng cạnh luật sư Dĩ Thâm, chàng giám đốc Lâm Tự Sâm cũng không hề
yếu thế. Là một giám đốc, công việc chắc chắn rất nhiều, nhưng dáng vẻ ấy khi duyệt
tài liệu rất thong dong, xử lý mọi chuyện rất nhanh và chuẩn xác. Khi Hy Quang
phạm lỗi khiến công ty mất một số tiền lớn, anh cũng giải quyết gọn gàng, kịp thời.
Tìm tiền về trước, xong xuôi mới truy cứu trách nhiệm. Anh lịch sự, ôn hòa mời mọi
người ngồi, nhưng bắn một ánh nhìn sắc bén, thấu suốt về phía người phạm lỗi
với“giọng nói vẫn nhu hòa thong dong: Tôi hy vọng đây là lần cuối cùng” [8,122].
Giọng nói đó có cương có nhu với cái uy và sự nghiêm nghị khiến người ta phải ghi
nhớ sai lầm của mình. Sau đó, như lẽ thường, anh phạt người làm sai bằng cách
chuyển công tác cô ấy với lời cảnh cáo: “Cô Nhiếp, cô còn đang thử việc” [8,124].
Ngầm ý của anh là: cô còn đang thử việc mà đã gây tổn thất cho công ty, tội chết có
thể tha nhưng tội sống thì phải gánh. Anh muốn cô gái ấy sắp xếp đống hồ sơ bề
bộn vài ngày cho nhớ lỗi của mình.

20


×