Tải bản đầy đủ (.doc) (222 trang)

vishnu giáo ở đông nam á lục địa từ những thế kỷ đầu công nguyên đến đầu thế kỷ xiii

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.66 MB, 222 trang )


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, dưới
sự hướng dẫn của PGS.TS. Đinh Ngọc Bảo và PGS.TS. Ngô Văn Doanh.
Các tư liệu và kết quả trong luận án là hoàn toàn trung thực và chưa từng
được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận án

Dương Thị Ngọc Minh


LỜI CẢM ƠN
Trước tiên tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Đinh
Ngọc Bảo và PGS.TS. Ngô Văn Doanh, những người thầy luôn tận tình hướng dẫn,
giúp đỡ và dành những điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt thời gian thực hiện luận
án. Với tôi, các thầy là những nhà khoa học mẫu mực, là tấm gương sáng để tôi phấn
đấu noi theo trên con đường khoa học và trong cuộc sống.
Tôi xin chân thành cảm ơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học
Đồng Tháp đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tôi được tập trung nghiên cứu
trong suốt thời gian làm luận án.
Tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn của mình tới GS. TS Lương Ninh, TS.
Dương Duy Bằng, PGS. TS Lương Kim Thoa, các thầy giáo, cô giáo và các cán bộ
của khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trang bị kiến thức, chia sẻ
kinh nghiệm, động viên, khích lệ và hết lòng thương yêu, giúp đỡ tôi không chỉ trong
thời gian học tập, nghiên cứu mà cả những tháng năm sau này trong cuộc sống.
Tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới các cô chú, các anh chị đang công tác tại
các Bảo tàng: Bảo tàng Quốc gia Campuchia, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí
Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng Long An, Bảo
tàng Tiền Giang, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng An Giang... đã nhiệt tình giúp đỡ tôi
về tư liệu, tài liệu trong suốt quá trình thực hiện luận án.
Đặc biệt, trong suốt thời gian thực hiện luận án, tôi luôn nhận được sự hợp


tác trong công việc, đoàn kết giúp đỡ trong cuộc sống của các anh chị, bạn bè trong
nhóm NCS và các bạn bè thân hữu.
Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người thân trong gia
đình, bạn bè đồng nghiệp đã luôn động viên, giúp đỡ để tôi hoàn thành luận án này.
Hà Nội, tháng 6 năm 2014
Tác giả

Dương Thị Ngọc Minh


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU......................................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài....................................................................................................................... 1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu......................................................................................... 3
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu......................................................................................... 4
4. Nguồn tài liệu............................................................................................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................................... 6
6. Đóng góp của đề tài.................................................................................................................. 7
7. Bố cục Luận án.......................................................................................................................... 7
Chương 1: TỔNG QUAN......................................................................................................... 8
1.1. Giai đoạn trước năm 1975................................................................................................ 8
1.2. Giai đoạn sau năm 1975.................................................................................................. 12
1.2.1. Các nghiên cứu của học giả nước ngoài.............................................................. 13
1.2.2. Các nghiên cứu của học giả trong nước............................................................... 18
Tiểu kết chương 1...................................................................................................................... 27
Chương 2: ĐÔI NÉT VỀ VISHNU GIÁO VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA
VISHNU GIÁO Ở ĐÔNG NAM Á LỤC ĐỊA QUA CÁC TÀI LIỆU
KHẢO CỔ................................................................................................................................... 29
2.1. Đôi nét về Vishnu giáo – một nhánh của Hindu giáo ở Ấn Độ..........................29

2.1.1. Thần Vishnu trong thần thoại Ấn Độ và sự tôn thờ Vishnu ở Ấn Độ..............30
2.1.2. Các thuyết cơ bản trong Vishnu giáo..................................................................... 32
2.2. Sự hiện diện của Vishnu giáo ở Đông Nam Á lục địa qua các tài liệu khảo cổ
......................................................................................................................................................... 38

2.2.1. Văn bia.......................................................................................................................... 40
2.2.2. Di tích đền tháp........................................................................................................... 43
2.2.3. Di vật tượng................................................................................................................. 47
2.2.4. Phù điêu........................................................................................................................ 58
2.2.5. Các hiện vật bằng vàng mang nội dung Vishnu giáo......................................... 60
Tiểu kết chương 2...................................................................................................................... 67
Chương 3: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VISHNU GIÁO Ở ĐÔNG
NAM Á LỤC ĐỊA TỪ NHỮNG THẾ KỈ ĐẦU CÔNG NGUYÊN ĐẾN
ĐẦU THẾ KỈ XIII.................................................................................................................... 68


3.1. Giai đoạn thứ nhất (Từ đầu Công nguyên đến thế kỉ VIII)............................... 68
3.1.1. Từ đầu Công nguyên đến thế kỉ IV......................................................................... 68
3.1.2. Từ thế kỉ V đến thế kỉ VIII......................................................................................... 70
3.2. Giai đoạn thứ hai (Từ thế kỉ IX đến đầu thế kỉ XIII)........................................... 83
3.2.1. Nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam...................................................................... 84
3.2.2. Campuchia................................................................................................................... 88
3.2.3. Miền Trung và Nam Thái Lan............................................................................... 104
Tiểu kết chương 3................................................................................................................... 109
Chương 4: MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ VISHNU GIÁO Ở ĐÔNG NAM Á
LỤC ĐỊA................................................................................................................................... 110
4.1. Về niên đại........................................................................................................................ 110
4.2. Về địa bàn phân bố của các di tích, di vật Vishnu giáo ở ĐNA lục địa........114
4.3. Ảnh hưởng của Vishnu giáo đối với đời sống chính trị - xã hội, văn hoá
– nghệ thuật của ĐNA lục địa từ thế kỉ I đến đầu thế kỉ XIII................................. 119

4.3.1. Tín ngưỡng Thần - Vua mang sắc thái Vishnu giáo......................................... 119
4.3.2. Sự hoà nhập của Vishnu giáo đối với đời sống thế tục của cung đình........126
4.3.3. Sự ảnh hưởng rộng rãi của Vishnu giáo trong các tầng lớp xã hội.............129
4.3.4. Ảnh hưởng của Vishnu giáo đến nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc..............131
4.4. Yếu tố bản địa trong quá trình phát triển của Vishnu giáo ở ĐNA lục địa 135
4.4.1. Một số điểm khác biệt giữa Vishnu giáo ở ĐNA lục địa với Vishnu giáo
Ấn Độ..................................................................................................................................... 136
4.4.2. Sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ Vishnu giữa các quốc gia ĐNA lục địa. 139
4.4.3. Sự hoà hợp giữa Vishnu giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng khác.................140
4.4.4. Dấu ấn riêng từ những pho tượng Vishnu ở Đông Nam Á lục địa...............147
Tiểu kết chương 4................................................................................................................... 152
KẾT LUẬN............................................................................................................................... 154
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 159
PHỤ LỤC


CHỮ VIẾT TẮT
BEFEO

: Bullentin de L’Ecole Francaise d’Extrême – Orient

BT

: Bảo tàng

BTĐK

: Bảo tàng điêu khắc

BTLS


: Bảo tàng Lịch sử

BTQG

: Bảo tàng Quốc gia

ĐNA

: Đông Nam Á

ĐBSCL

: Đồng bằng sông Cửu Long

EFEO

: Ecole Francaise d’Extrême – Orient


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hinđu giáo là tôn giáo lớn đã phát sinh và phát triển ở Ấn Độ. Đây là một tôn
giáo không có đức giáo chủ, không có sự truyền thừa một cách chính thức, bài bản từ
đời này sang đời khác cho nên tính chất phân hoá trong tôn giáo này được thể hiện rất
rõ. Ở Bắc Ấn, đẳng cấp quý tộc phát triển sự sùng bái Vishnu, vốn là biểu tượng thần
lực của Mặt trời có từ xưa ở miền Tây Ấn Độ, đề cao Vishnu tới mức tuyệt đối, vượt
lên cả Brahma. Còn ở miền Nam Ấn – nơi tụ cư của các cộng đồng lấy nông nghiệp
làm phương thức canh tác cơ bản thì lại tôn thờ đấng huỷ diệt Shiva. Do đó, Hinđu

giáo trong thực tế đã phân chia thành hai nhánh: Vishnu giáo với sự đề cao và tôn thờ
tuyệt đối vị thần Vishnu và Shiva giáo với sự tôn thờ tuyệt đối vị thần chủ của mình.
Ngay từ những thế kỉ đầu Công nguyên, do tác động của những yếu tố kinh tế
- chính trị - xã hội trong khu vực và sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Hinđu giáo đã
lan toả đến một vùng đất rộng lớn của ĐNA, thâm nhập vào đời sống của cư dân ở
đây tạo nên lòng sùng kính, say mê, hỗ trợ tinh thần và là nguồn cảm hứng sáng tạo
nghệ thuật. Cùng với Shiva giáo, Vishnu giáo cũng được du nhập và phát triển ở khu
vực ĐNA lục địa. Vì vậy, một luận điểm khoa học mới được đặt ra là: khi được
truyền vào cùng với làn sóng Hinđu thì Vishnu phát triển như thế nào? Có liên tục
không? Tồn tại độc lập hay song song với Shiva giáo? Có những tương đồng và khác
biệt như thế nào nếu đặt Vishnu giáo ở đây trong sự so sánh với Ấn Độ, thậm chí giữa
các nước trong khu vực với nhau? Đồng thời nó có ảnh hưởng như thế nào đối với đời
sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo – tín ngưỡng của cư dân ĐNA?...
Luận điểm khoa học trên cho thấy việc nghiên cứu về Vishnu giáo, một môn
phái của Hinđu giáo, trở nên cấp thiết và cần được quan tâm nghiên cứu vì những lý
do sau:


2
1. Sự ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nói chung và tôn giáo Ấn Độ nói riêng
đối với sự ra đời và phát triển của các quốc gia ĐNA đã được nghiên cứu từ rất sớm
và mang lại nhiều kết quả quý giá với nhiều công trình quy mô và nhiều thành tựu
khảo cổ gây ngạc nhiên, thú vị. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này chủ yếu
chỉ nghiên cứu về Hinđu giáo nói chung chứ chưa đặt Vishnu giáo thành một đối
tượng độc lập.
2. Khi nghiên cứu về Hinđu, đa số các học giả cũng chỉ nhìn thấy sự tôn thờ
phổ biến hình tượng Shiva ở những quốc gia cổ như Champa hay Chân Lạp, còn vấn
đề về sự tôn thờ Vishnu chỉ được đề cập một cách “loáng thoáng”, Vishnu giáo có tồn
tại hay không và được biểu hiện cụ thể như thế nào vẫn chưa được quan tâm nghiên
cứu đúng mức. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề khoa học mới mẻ cần được quan tâm,

nghiên cứu.
3. Văn hóa và tôn giáo Ấn Độ đã từng lan tỏa và bén rễ ở ĐNA từ rất sớm,
hòa quyện vào nền văn hóa của khu vực, trở thành một bộ phận khó tách rời và góp
phần làm phong phú thêm nền văn hóa ĐNA. Vì vậy, việc chứng minh sự tồn tại và
phát triển của Vishnu giáo ở ĐNA lục địa sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều khía
cạnh lịch sử - văn hóa của khu vực trong khoảng mười ba thế kỉ sau Công nguyên,
trước sự lan tỏa và ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ.
4. Nghiên cứu về Vishnu giáo không chỉ đơn thuần giải đáp những vấn đề
khoa học dưới góc độ lịch sử, tôn giáo – tín ngưỡng hay văn hóa – nghệ thuật mà còn
mang lại những tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu lịch sử văn minh và văn hoá
của khu vực trong mối quan hệ giữa các nước trong khu vực với nhau và với các yếu
tố ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là từ Ấn Độ.
5. Bất kì một bằng chứng nào về sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến ĐNA
đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay – khi mà mối
quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng với Ấn Độ
đang được thiết lập trở lại dựa trên mối quan hệ lịch sử - văn hóa lâu đời, đang rất cần
những sợi dây liên kết từ quá khứ. Mối liên hệ lâu đời và bền chặt này là cơ sở vững
chắc cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.


3
6. Ngày nay, việc giảng dạy về lịch sử - văn hóa ĐNA ở các trường Cao đẳng,
Đại học và nhà trường Phổ thông đang rất cần những tư liệu chuyên sâu về khu vực
này, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa – xã hội, tôn giáo – tín ngưỡng. Vì vậy, việc
nghiên cứu về sự tồn tại và phát triển của môn phái Vishnu giáo, đặt trong bối cảnh
chung của khu vực, sẽ mang lại một nguồn tài liệu vô cùng ý nghĩa đối với việc giảng
dạy các nội dung về lịch sử - văn hóa ĐNA nói chung và ĐNA lục địa nói riêng, đặc
biệt thời kì cổ trung đại.
Với những lý do trên, tôi chọn đề tài “Vishnu giáo ở Đông Nam Á lục địa từ
những thế kỉ đầu Công nguyên đến đầu thế kỉ XIII” làm đề tài nghiên cứu luận án

của mình.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của luận án là Vishnu giáo ở ĐNA lục địa về: sự hiện
diện, quá trình phát triển và vai trò của tôn giáo này trong đời sống chính trị – văn
hoá – xã hội ở ĐNA lục địa từ những thế kỉ đầu Công nguyên đến đầu thế kỉ XIII.
2.2. Phạm vi
- Thời gian: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu về sự tồn tại và phát triển Vishnu
giáo này ở ĐNA lục địa trong khoảng thời gian từ những thế kỉ đầu Công nguyên đến
đầu thế kỉ XIII. Đây là giai đoạn lịch sử mà những ảnh hưởng của Hinđu giáo ở ĐNA
nói chung và ĐNA lục địa nói riêng còn rõ ràng nhất, chưa bị lu mờ trước sự ảnh
hưởng mạnh mẽ của Phật giáo và sự du nhập của những tôn giáo mới như Hồi giáo
hay Thiên Chúa giáo của phương Tây.
- Không gian: không gian nghiên cứu của đề tài là vùng lục địa ĐNA trong
khoảng mười ba thế kỉ sau Công nguyên, nơi từng chứng kiến sự ra đời, phát triển và
suy vong của nhiều quốc gia cổ như Phù Nam, Champa, Đốn Tốn, Dvaravati,
Haripunjaya và cả những đế chế phong kiến trong khu vực như Chân Lạp-Angkor. Do
nguồn tài liệu còn hạn chế, đề tài chưa thể tiếp cận được với những thành tựu khảo cổ
về lịch sử - văn hoá của Mianma – nơi từng là địa bàn của nhiều quốc gia cổ hùng
mạnh như Sri Ksetra hay vương triều phong kiến Pagan và cũng từng đón


4
nhận những luồng ảnh hưởng từ văn hoá và tôn giáo Ấn Độ, nên chưa thể đưa ra
những công bố hay đánh giá gì về thực trạng tồn tại và phát triển của Vishnu giáo ở
vùng lãnh thổ này thời cổ trung đại. Đồng thời, khu vực Bắc bộ Việt Nam thời kì này
chịu ảnh hưởng chủ yếu của văn hóa Trung Quốc nên các yếu tố của tôn giáo Ấn Độ
khá mờ nhạt ở đây. Vì vậy, đề tài chỉ tập trung làm rõ thực trạng phát triển Vishnu
giáo trong giới hạn địa bàn của Nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam, Campuchia,
Nam Lào và Thái Lan.

- Về nội dung khoa học: Thông qua các nguồn tài liệu khảo cổ, đề tài chỉ tập
trung làm rõ sự hiện diện, các giai đoạn phát triển và sự ảnh hưởng của Vishnu giáo
đối với đời sống văn hoá – xã hội của cư dân ĐNA lục địa từ những thế kỉ đầu Công
nguyên đến đầu thế kỉ XIII mà không đề cập đến thời điểm xuất hiện của nó ở khu
vực này. Đồng thời, tác giả chỉ tiếp cận Vishnu giáo dưới góc độ sử học mà không
xem xét về khía cạnh tôn giáo học.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu
Đề tài hướng đến mục tiêu là khẳng định sự tồn tại và phát triển của Vishnu
giáo ở khu vực ĐNA lục địa trong khoảng thời gian từ đầu Công nguyên đến đầu thế
kỉ XIII thông qua những tài liệu khảo cổ học được phát hiện, nghiên cứu. Qua đó,
đánh giá về những ảnh hưởng của Vishnu giáo nói riêng và Hinđu giáo nói chung tới
đời sống chính trị - xã hội – văn hoá của khu vực.
3.2. Nhiệm vụ
- Làm sáng tỏ những cơ sở lý luận về Vishnu giáo, về quá trình ảnh hưởng của
văn hoá Ấn Độ và cách tiếp cận Vishnu giáo ở ĐNA lục địa.
- Chứng minh sự hiện diện của Vishnu giáo ở ĐNA lục địa từ thế kỉ I đến thế
kỉ XIII thông qua các nguồn tài liệu văn bia, các di tích đền tháp, các hiện vật khảo
cổ, đặc biệt là hệ thống các tượng thần Vishnu được tìm thấy trên các vùng lãnh thổ
thuộc lục địa ĐNA.
- Khái quát các giai đoạn phát triển của Vishnu giáo ở ĐNA lục địa qua hệ
thống niên đại và mật độ phân bố của các di tích kiến trúc và di vật điêu khắc.


5
- Đánh giá sự ảnh hưởng của Vishnu giáo đến đời sống chính trị - văn hoá – xã
hội của cư dân ĐNA lục địa trong khoảng 13 thế kỉ sau Công nguyên.
- Làm rõ yếu tố “bản địa” trong tín ngưỡng thờ Vishnu của cư dân ĐNA lục
địa. Từ đó góp phần làm sáng tỏ hơn về sức sống mãnh liệt và sự sáng tạo của cư dân
bản địa trong sự tiếp nhận ảnh hưởng của tôn giáo bên ngoài.

4. Nguồn tài liệu
Để phục dựng lại bức tranh về Vishnu giáo ở ĐNA lục địa trong khoảng mười
thế kỉ đầu Công nguyên, tác giả chủ yếu dựa vào các nguồn tài liệu chính:
- Tài liệu khảo cổ: đó là những phát hiện khảo cổ của các học giả trong và
ngoài nước, từ những phát hiện đầu tiên là những bức tượng thần Vishnu cho đến
những kiến trúc đền tháp, những di vật tôn giáo liên quan đến hình tượng thần
Vishnu. Hiện nay các công trình kiến trúc tôn giáo này hầu hết đều bị hư hỏng nặng,
chỉ còn lại dấu vết kiến trúc. Ngược lại, hệ thống các tượng thần Vishnu (chủ yếu
bằng chất liệu đá sa thạch) vẫn còn được lưu giữ trong tình trạng khá tốt tại các Bảo
tàng với một số lượng khá lớn (hơn 60 tượng), bên cạnh các di vật phong phú liên
quan đến vị thần này.
- Tài liệu văn bia: trong số hàng trăm văn bia được phát hiện ở ĐNA lục địa,
theo thống kê hiện có khoảng hơn 50 văn bia mang nội dung về sự tôn thờ Vishnu
giáo. Những văn bia này cơ bản đã được dịch trong công trình “Nghiên cứu chữ viết
cổ trên bia ký ở Đông Dương” của Thái Văn Chải do Tỳ Kheo Thiện Minh Dịch. Bên
cạnh đó, tác giả còn sử dụng bản dịch của các học giả nổi tiếng khác như: Lương
Ninh, Nguyễn Thừa Hỷ…
- Thư tịch cổ Trung Quốc: đã được nghiên cứu và trích dẫn trong nhiều công
trình của các học giả trong và ngoài nước.
- Các công trình nghiên cứu tổng hợp: của các học giả trong và ngoài nước về
Hinđu giáo nói chung và Vishnu giáo nói riêng. Các công trình đó được công bố chủ
yếu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt. Trong những năm gần đây, rất nhiều công
trình cứu của các học giả nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt tạo điều kiện thuận
lợi hơn cho việc nghiên cứu.


6
- Tài liệu điền dã: là các kết quả tác giả thu nhận được trong quá trình đi thực
địa tại Campuchia và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại các điểm di
tích khảo cổ và các Bảo tàng.

5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
Tác giả vận dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm nền
tảng nhận thức, tư duy logic để tìm hiểu quá trình phát sinh, du nhập và phát triển của
Vishnu giáo ở ĐNA lục địa. Đó là một quá trình vừa có sự hình thành, phát triển và
biến đổi vừa có tính độc lập tương đối vừa có tính kế thừa. Trong mối quan hệ giữa
yếu tố nội sinh và ngoại nhập, giữa tiếp thu và sáng tạo được xem là động lực của sự
phát triển và biến đổi của tôn giáo này.
5.2. Phương pháp lịch sử và phương pháp logic
Đây là hai phương pháp nghiên cứu truyền thống của khoa học lịch sử giúp
làm rõ quá trình hình thành, du nhập, phát triển và biến đổi của Vishnu giáo ở ĐNA
lục địa. Từ đó khái quát được các giai đoạn phát triển cũng như đặc điểm của Vishnu
giáo ở ĐNA lục địa đặt trong mối quan hệ với Ấn Độ và khu vực.
5.3. Phương pháp liên ngành
Tác giả sử dụng công trình nghiên cứu của các ngành khoa học khác như:
khảo cổ học, cổ tự học, dân tộc học, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu nghệ thuật
– tôn giáo.
Trong nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc, đền tháp và tượng thờ là loại hình tiêu
biểu thể hiện tập trung nhất hình ảnh đặc trưng của nghệ thuật – tôn giáo. Đồng thời
các đền tháp và tượng thờ ngoài việc chứa đựng hệ thống ký hiệu, các biểu trưng và ý
tưởng thẩm mỹ còn thể hiện cả ước vọng tâm linh, những quy phạm tôn giáo và quá
trình cảm thụ tôn giáo. Trong những điều kiện lịch sử nhất định, nghệ thuật luôn vận
hành chủ yếu là nhằm đáp ứng nhu cầu của tôn giáo.
5.4. Phương pháp điền dã, thực địa
Nhằm đảm bảo tính khoa học của đề tài, việc nghiên cứu cần được tiến hành
trên cơ sở quan sát, tìm hiểu thực địa tại các di tích khảo cổ, các công trình kiến trúc
tôn giáo thuộc địa bàn của các vương quốc cổ trước đây. Đặc biệt việc nghiên cứu


7

tại các Bảo tàng sẽ góp phần rất lớn vào việc đảm bảo sự thành công về mặt khoa học
của đề tài (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật
TP.HCM, Bảo tàng quốc gia Phnom Pênh, Bảo tàng quốc gia BangKok, Bảo tàng
Chăm ở Đà Nẵng và Bảo tàng của các tỉnh ở Nam Bộ: Bảo tàng Tây Ninh, Đồng Nai,
Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc
Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long…).
6. Đóng góp của đề tài
Kết quả nghiên cứu về Vishnu giáo ở ĐNA lục địa sẽ mang lại những đóng
góp nhất định về mặt khoa học và thực tiễn:
1. Khẳng định sự hiện hữu của tôn giáo này ở khu vực, điều mà trước đây
chưa được đề cập tới một cách đầy đủ trong bất kì công trình nghiên cứu nào.
2. Góp phần làm sáng tỏ hơn những ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ tới ĐNA
thông qua việc truyền bá một tôn giáo cụ thể.
3. Nhận thức đầy đủ hơn về đời sống văn hoá tinh thần, sự sáng tạo của cư
dân bản địa và mối quan hệ văn hoá trong khu vực khoảng mười ba thế kỉ đầu Công
nguyên.
7. Bố cục Luận án
Luận án được trình bày trong 160 trang, bao gồm phần mở đầu, 4 chương nội
dung, kết luận và tài liệu tham khảo. Cụ thể cấu trúc của luận án như sau:
Mở đầu
Chương 1: Tổng quan
Chương 2: Đôi nét về Vishnu giáo và sự hiện diện của Vishnu giáo ở Đông
Nam Á lục địa qua các tài liệu khảo cổ
Chương 3: Quá trình phát triển của Vishnu giáo ở Đông Nam Á lục địa từ
những thế kỉ đầu Công nguyên đến đầu thế kỉ XIII
Chương 4: Một số nhận xét về Vishnu giáo ở Đông Nam Á địa
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Các kết quả chính của luận án được công bố trong 08 bài báo trên các tạp chí

chuyên ngành trong nước.


8
Chương 1: TỔNG QUAN
Việc nghiên cứu về lịch sử - văn hoá ĐNA thật ra đã có một bề dày lịch sử,
đặc biệt là sau sự ra đời của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Nhiều vấn đề về lịch
sử - văn hoá của khu vực ĐNA và ở từng quốc gia cụ thể đã được tháo gỡ dần dưới
ánh sáng của khoa học, đặc biệt là các vấn đề về tôn giáo – tín ngưỡng, văn học –
nghệ thuật và mối quan hệ của nó với nền văn minh Ấn Độ.
1.1. Giai đoạn trước năm 1975
Lịch sử nghiên cứu về ĐNA từ rất sớm đã gắn liền với tên tuổi của các học giả
phương Tây, trước hết là những học giả Pháp của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
như G.Coedes, P.Dupont, L.Malleret, H.Parmentier, J. Boisserlier...
Năm 1927, xuất hiện cuốn sách khá đồ sộ của H.Parmentier “L’Art Khmèr
Primitif” (Nghệ thuật Khmer nguyên thuỷ). Đây là công trình quy mô đầu tiên nghiên
cứu về nghệ thuật kiến trúc và các di vật tôn giáo ở khu vực Đông Dương và một
phần Thái Lan. Lần đầu tiên giới khoa học và công chúng được biết đến một nền
nghệ thuật cổ xưa đã từng tồn tại trên một vùng đất rộng lớn của đế quốc Khmer mà
trong nó tràn ngập những biểu tượng tôn giáo Ấn Độ từ Hinđu giáo đến Phật giáo, dĩ
nhiên, những biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình về Vishnu cũng được tác giả đề
cập đến nhưng chưa thật sâu sắc và tỉ mỉ.
L.Malleret cũng là người đã dành rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu
về cổ sử ĐNA. Tuy nhiên, gần như ông dành hầu hết niềm đam mê và tâm huyết của
mình cho công việc khai quật khảo cổ và nghiên cứu về cổ sử của khu vực ĐBSCL –
địa bàn chính của vương quốc Phù Nam và nền văn hoá Óc Eo. Từ những phát hiện
và khai quật của mình, ông đã cho ra đời một công trình vô cùng đồ sộ và khá nổi
tiếng là “L’archéologie du Delta du Mékong” (Khảo cổ học ĐBSCL - Tư liệu dịch
của Viện Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), gồm 4 tập, xuất bản trong thời
gian bốn năm (1959 – 1963). Trong công trình nghiên cứu của mình, L. Malleret đã

công bố đến 165 tượng Phật giáo và Hinđu giáo được phát hiện ngẫu nhiên hoặc qua
các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học. Trong đó bao gồm rất nhiều những pho
tượng Vishnu được phát hiện đầu tiên. Có thể nói từ công trình


9
nghiên cứu này, các hình tượng điêu khắc tượng và các loại hình di tích, niên đại đã
được trình bày một cách đầy đủ nhất. Các pho tượng được nghiên cứu ở góc độ nghệ
thuật, khảo cổ học và gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cư dân. Do
đó, công trình nghiên cứu của L. Malleret đã giúp phản ánh bước đầu về đời sống vật
chất và tinh thần của cư dân cổ vùng ĐBSCL dưới ánh sáng của nền văn hoá Óc Eo,
đặc biệt là đời sống tôn giáo – tín ngưỡng mà trong đó Phật giáo và Hindu giáo đóng
vai trò rất quan trọng.
P. Dupont cũng là một học giả có nhiều đóng góp to lớn đối với việc nghiên
cứu cổ sử của ĐNA, đặc biệt là ở lĩnh vực khảo cổ học và nghệ thuật điêu khắc. Ông
đã có một loạt các công bố như “La statuaire préangkorieme” (Tượng thời kỳ tiền
Angkor) 1955, “Archéologie mône de Dvàravati” (Khảo cổ học về vương quốc Môn
Dvaravati) (1959)... đem lại nhiều hiểu biết quan trọng về cổ sử của các quốc gia ở
lục địa ĐNA. Trong đó La statuaire préangkorienne là một công trình rất công phu và
có ý nghĩa quan trọng trong việc sắp xếp, phân loại hệ thống các điêu khắc được phát
hiện ở Nam Việt Nam và Campuchia mà tác giả gọi chung là “tiền Angkor”. Việc
định niên đại căn cứ vào việc so sánh với nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ và các khu vực
khác ở ĐNA, đồng thời dựa vào tư liệu bia kí và các dấu tích kiến trúc nên các lập
luận của P. Dupont đưa ra có sức thuyết phục. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của P.
Dupont là ông vẫn chưa có được những hiểu biết đầy đủ về Phù Nam. Do vậy trong
hầu hết các tác phẩm của mình, ông đều đồng nhất quan điểm coi Phù Nam là một
giai đoạn “tiền Khmer”. Có thể thấy đây không chỉ là hạn chế của P. Dupont mà còn
của nhiều học giả đương thời khi những thành tựu nghiên cứu về Phù Nam còn chưa
đầy đủ. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng P. Dupont chính là học giả đầu tiên
phát hiện ra sự tồn tại phổ biến và độc đáo của các pho tượng Vishnu ở ĐNA lục địa.

Cũng chính ông là người đầu tiên đã phân loại, sắp xếp các tượng Vishnu này thành
hệ thống, đặt tên gọi và định dạng phong cách cho từng loại tượng Vishnu. Sở dĩ ông
có được những nhìn nhận sâu sắc về các pho tượng Vishnu ở ĐNA là vì ông đã dành
khá nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu về nó. Trước đó, vào năm 1941, P.Dupont
đã công bố một khảo cứu về hình tượng


10
thần Vishnu đội mũ trụ ở Đông Dương “Visnu Mitrés De L’Indochine Occidentale”,
trong đó tác giả đã thống kê và nghiên cứu, phân tích trên cơ sở 18 hiện vật tượng
Vishnu được tìm thấy ở ĐBSCL và bán đảo Đông Dương. P. Duppont còn thử định
niên đại cho những pho tượng Vishnu này và gọi chung là tượng Vishnu “tiền
Angkor”, xuất hiện trước hoặc sau năm 802 một chút.
Một điều dễ nhận thấy khi nhìn vào lịch sử nghiên cứu về khu vực ĐNA giai
đoạn này (trước 1975) là ngoài các học giả Pháp thì việc nghiên cứu lịch sử - văn hoá
khu vực ĐNA chưa được sự quan tâm nhiều của các học giả Anh, Mỹ hay những nhà
nghiên cứu lịch sử của khu vực. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn có những ấn phẩm
tiếng Anh gây chú ý trên diễn đàn học thuật. Đáng chú ý là tác phẩm “The history of
Southeast Asia” (Lịch sử ĐNA) của D.G. Hall – Gíao sư danh dự bộ môn lịch sử
ĐNA trường đại học Luân Đôn – được xuất bản năm 1955, giúp mang lại cái nhìn
khái quát nhất nhưng cũng toàn diện nhất về các giai đoạn phát triển của lịch sử ĐNA
từ thời tiền sử đến đương đại. Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng tác giả cũng đã
phản ánh sơ lược về sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Việt Nam thông
qua Phù Nam, Champa và Chân Lạp, Angkor.
B. L. Briggs cũng là một trong những học giả phương Tây sớm chú ý đến việc
nghiên cứu lịch sử - văn hoá các nước Đông Dương. Năm 1950, ông cho ra đời cuốn
“The Khmer Empire and the Malay Peninsula” (Đế quốc Khmer và bán đảo Malay)
tập trung khai thác về lịch sử của “đế quốc” Khmer – một “đế quốc” từng phát triển
rất hùng mạnh và bành trướng ra cả vùng bán đảo Malay. Sự bành trướng về mặt
chính trị - lãnh thổ đã tạo điều kiện cho văn hoá và tôn giáo Khmer phát huy sự ảnh

hưởng, để lại dấu ấn sâu đậm đối với đời sống văn hoá tinh thần ở những quốc gia
thuộc bán đảo Malay, trong đó bao gồm những quốc gia của người Thái, người Lào
và cả vương quốc cổ Champa. Năm sau (1951), ông tiếp tục cho xuất bản “The
Ancient Khmer empire” (Đế quốc Khmer cổ) tập hợp được khá đầy đủ những thành
tựu của các học giả đi trước, chủ yếu là người Pháp. Với những quan sát nhạy cảm,
tác giả đã đưa ra những điều bất hợp lý của các học giả đi trước trong việc xác


11
định niên đại cho các tượng Harihara sớm và các tượng Vishnu chịu ảnh hưởng
phong cách Gupta.
Năm 1972 Stanley J. O’Connor cho xuất bản quyển sách “Hindu gods of
penninsular Siam” (Tượng thần Hinđu trên bán đảo Siêm). Đây là một ấn phẩm rất
có giá trị đối với việc nghiên cứu về nghệ thuật Hinđu ở bán đảo Siêm – vùng đất cổ
đã từng là lãnh thổ của nhiều quốc gia cổ như Đốn Tốn, Srivijaya, Dvaravati. Tác giả
cho rằng quyển sách mô tả về một quá khứ cổ xưa của một vùng đất mà ông gọi là
“bán đảo Siêm” – nằm ở Đông Bắc bán đảo Malaya và thuộc miền Nam Thái Lan
ngày nay. Vùng đất này bước vào lịch sử từ rất sớm với sự xuất hiện những nhà nước
đầu tiên của người Môn cổ và gắn liền với những di chỉ khảo cổ nổi tiếng như
Chaiya, Ta Kua Pa, Surat Thani, Vieng Sa, Petch Buri. Từ những di chỉ khảo cổ này
đã phát hiện được một số lượng rất lớn những pho tượng về các vị thần Hinđu, mà
trong đó, tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất và độc đáo nhất vẫn là những bức tượng Vishnu
và những mảng phù điêu về thần Vishnu được lưu lại trên các đền tháp cổ. O’Connor
bắt đầu công trình nghiên cứu của mình trong những lần đến khảo sát ở bán đảo Siêm
vào những năm 1963 – 1964, sau đó ông đã công bố những phát hiện trong Luận án
Tiến sĩ của mình vào năm 1966 sau một thời gian dài thực địa, bổ sung và sửa đổi.
O’Connor cũng đã kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các học giả đi trước như
P. Dupont, A. B. Griswold và Oliver W. Wolters là những chuyên gia nghiên cứu về
lịch sử - văn hoá ĐNA, từ đó, ông đi vào phân tích, so sánh, phản biện đối với những
quan điểm của các học giả trước đây và đưa ra những lập luận mới của mình. Ông tin

rằng bằng việc khảo cứu những bức tượng hoành tráng về các vị thần Hinđu ở bán
đảo Siêm sẽ giúp phác hoạ lại được một thời kỳ rực rỡ của quá khứ từ những mảnh
vỡ của một một nền văn minh cổ còn để lại. Đóng góp lớn nhất của tác giả là dày
công thống kê một số lượng rất lớn các tượng thần Hinđu được phát hiện tại bán đảo
Siêm mặc dù chúng đang được trưng bày rải rác khắp các Bảo tàng trong và ngoài
nước; mô tả chi tiết từng tác phẩm điêu khắc từ việc xác định niên đại, ấn định phong
cách và đặt chúng trong mối quan hệ với Ấn Độ cũng như những quốc gia trong khu
vực. Điều đáng chú ý là trong số 34 pho


12
tượng Hinđu được O’Connor khảo sát, nghiên cứu thì có đến 24 là tượng Vishnu và
trong toàn bộ tác phẩm gần như ông đã dành tất cả tâm huyết của mình để nghiên
cứu, phân tích về những pho tượng Vishnu này. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy
sự tôn thờ Vishnu đã từng rất phát triển tại vùng đất cổ này, trong thời kỳ trị vì của
các vương quốc cổ như Đốn Tốn, Dvaravati mà bằng chứng chính là số tượng Vishnu
với một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, đáng tiếc công trình này của tác giả chỉ dừng
lại việc khảo sát, nghiên cứu ở phạm vi thuộc bán đảo Siêm (Nam Thái Lan) mà
không phải là toàn bộ lãnh thổ Thái Lan nên chưa thể đưa ra cái nhìn tổng thể về sự
tôn thờ Vishnu giáo ở đất nước này trong lịch sử, đồng thời, mặc dù rất quyết tâm
nhưng O’Connor vẫn còn khá lúng túng trong việc xác định niên đại của các pho
tượng Vishnu.
Ngoài những công trình của các học giả EFEO và một số ấn phẩm tiếng Anh
của các học giả Anh, Mỹ như D. Hall hay S. J. O’Connor, giai đoạn trước 1975 hầu
như ít có sự tham gia nghiên cứu của các học giả Việt Nam. Thực trạng này do nhiều
nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động khiến cho việc nghiên cứu về lịch sử văn hoá của khu vực chưa được triển khai và phát triển được. Lê Hương được xem là
học giả Việt Nam đầu tiên viết về Phù Nam qua ấn phẩm “Sử liệu Phù Nam” được
xuất bản đầu tiên vào năm 1974. Tác giả chủ yếu dựa trên nguồn sử liệu Trung Quốc
viết về Phù Nam để dựng lên bức tranh về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân
cổ Phù Nam, tuy nhiên bức tranh về Phù Nam qua nguồn sử liệu mà tác giả tổng hợp

được vẫn còn khá mơ hồ do thiếu minh chứng bằng những hiện vật cụ thể.
1.2. Giai đoạn sau năm 1975
Có thể nói, sau năm 1975 là giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử nghiên cứu
về khu vực ĐNA do những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi tác động.
Hoạt động nghiên cứu về lịch sử - văn hoá ĐNA thu hút cả học giả phương Tây lẫn
những học giả trong khu vực với những tên tuổi nổi tiếng và những công trình nghiên
cứu đồ sộ. Điều đặc biệt là trong các nghiên cứu của những học giả


13
này, vấn đề về Vishnu và sự tôn thờ Vishnu được chú ý nhiều hơn và được phân tích
dưới nhiều góc độ hơn, đặc biệt là dưới góc độ nghệ thuật.
1.2.1. Các nghiên cứu của học giả nước ngoài
Cùng với và tiếp sau các học giả người Pháp của EFEO, việc nghiên cứu về
lịch sử văn hoá của các quốc gia ĐNA vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các học
giả phương Tây, đặc biệt là những học giả người Anh, Mỹ. Họ góp phần làm phong
phú thêm kho tàng tri thức về lịch sử - văn hoá của khu vực ĐNA bằng những công
bố vô cùng giá trị của mình.
Giai đoạn này xuất hiện nhiều hơn những công trình nghiên cứu về tôn giáo,
nghệ thuật Ấn Độ và mối quan hệ của nó với tôn giáo, nghệ thuật ĐNA. Có thể kể ra,
“The Hindu Temples” (Đền – Tháp Hindu) của Goege Michell, “The A to Z of
Hinduism” – một quyển từ điển tôn giáo về đạo Hindu của tác giả Bruce. M.
Sullivan hay Wendy Doginer O’flaherty với “The Indian Mythology” (Thần thoại
Ấn Độ) do Lê Thành dịch, Vittorro Roveda với tác phẩm “Images of the God
(Khmer mythology in Cambodia, Laos and Thailand” (Hình tượng các vị thần trong
thần thoại Khmer ở Campuchia, Lào và Thái Lan)... Những công trình này đều có đề
cập đến Hinđu giáo nói chung và Vishnu giáo nói riêng cũng như những ảnh hưởng
của nó đối với cư dân ĐNA cổ, dù ở mức độ nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp.
Một ấn phẩm khá đồ sộ của GS. K. V. Raman về nghệ thuật đền thờ, các tượng
thần cũng như văn hoá của Ấn Độ và ĐNA đã được công bố “Temple Art, Icons and

Culture of India and South-East Asia” (Về nghệ thuật đền tháp, các biểu tượng và
văn hoá của Ấn Độ và ĐNA) (2006), Nxb Sharda, Delhi, Ấn Độ. Thông qua nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc, các bia kí và các bản văn Phạn ngữ được tìm thấy ở Ấn
Độ và ĐNA, tác giả đã làm sáng tỏ mối quan hệ văn hoá rộng lớn giữa Ấn Độ và
những quốc gia ĐNA như Thái Lan, Inđônêxia, Campuchia, Việt Nam, Lào... từ thời
cổ đại, trong đó tiêu biểu là mối quan hệ văn hoá và tôn giáo.
Bên cạnh những tri thức chung về lịch sử - văn hoá của khu vực, bắt đầu xuất
hiện nhiều hơn những công trình nghiên cứu chuyên sâu về một quốc gia, một giai


14
đoạn lịch sử hay một lĩnh vực nhất định, đặc biệt tôn giáo và nghệ thuật là hai lĩnh
vực được các nhà khoa học đặc biệt chuyên tâm nghiên cứu.
Năm 1997, Bảo tàng Quốc gia Băng Cốc đã cho xuất bản ấn phẩm
“Treasures from the National museum Bangkok – An introduction with 157 color
photographs” (Báu vật từ Bảo tàng Quốc gia Băng Cốc – thông qua 157 bức ảnh
màu). Đây là một công trình kỳ công của rất nhiều tác giả nhằm cố gắng giới thiệu
những cổ vật đặc sắc đang trưng bày tại bảo tàng Quốc gia Băng Cốc, được phát hiện,
khai quật trên khắp lãnh thổ Thái Lan, có niên đại kéo dài từ thời kỳ các vương quốc
Môn cổ như Đốn Tốn, Dvaravati đến thời kỳ các vương quốc Sukhothay, Ayuthaya.
Trong đó, ngoài các tác phẩm điêu khắc phản ánh đời sống sinh hoạt của người Thái
trong lịch sử, thì hầu hết đều là tác phẩm điêu khắc tôn giáo, từ Phật giáo đến Hinđu
giáo. Đặc biệt, trong các bài viết về “Mon Dvaravati Sculpture” của Eileen Deeley,
“Ancient Hindu Gods Sculpture” và “Sukhothay Sculpture” của Rita Ringis,
“Srivijaya and Penninsular Sculpture”, “Ayuthaya Sculpture” của Janine Gray đã cho
thấy tượng Vishnu chiếm một số lượng đáng kể trong những trưng bày tại Bảo tàng
Quốc gia Băng Cốc, trong đó có một số tượng đã được O’Connor thống kê và nghiên
cứu. Điểm đáng nói ở đây là những tác phẩm điêu khắc về Vishnu được tìm thấy ở
Thái Lan được thể hiện ở nhiều phong cách, thuộc rất nhiều trường phái khác nhau,
vừa có nguồn gốc từ các trường phái nghệ thuật Ấn Độ vừa thể hiện dấu ấn của nghệ

thuật Phù Nam và đặc biệt là nghệ thuật Khmer trong phong cách tạc tượng. Điều đó
phản ánh phần nào mối quan hệ rộng rãi giữa các quốc gia cổ từng tồn tại trên lãnh
thổ Thái Lan với các nhà nước cổ của ĐNA như Phù Nam, Chân Lạp đến đế quốc
Khmer, đặc biệt là mối quan hệ về văn hoá và tôn giáo.
“The Sacred Sculpture of Thailand” (Về Tượng thánh ở Thái Lan) (1999)
của học giả Hiram. W. Woodward giới thiệu tổng quan về các tác phẩm điêu khắc tôn
giáo của Thái Lan từ thế kỉ VII đến thế kỉ XVIII, dựa trên bộ sưu tập toàn diện của
học giả Mỹ Alexander B. Griswold. Hay “The Arts of Thailand” (Nghệ thuật Thái
Lan) của Steve Van Beek, Nxb Periplus (Hong Kong). Tác phẩm đã giới thiệu


15
về nền nghệ thuật Thái Lan, chủ yếu là kiến trúc – điêu khắc và hội hoạ từ thời Tiền
sử đến hiện tại thông qua một quá trình khảo sát rộng lớn. Lịch sử biến đổi và phát
triển của nền nghệ thuật Thái Lan có thể phản ánh phần nào sự vận động, thay thế và
phát triển của các tôn giáo ở Thái Lan, trong đó có sự thịnh suy của Hinđu giáo trên
đất nước chùa Tháp này.
Năm 2000, tác giả Charuwan Phungtian đã xuất bản quyển “Thai –
Cambodian culture – Relationship through Arts” (Mối quan hệ văn hoá giữa Thái
Lan và Campuchia thông qua nghệ thuật), Magadh University, Bodh-Gaya, India.
Thật ra khi đặt vấn đề về mối quan hệ văn hoá giữa Thái Lan và Campuchia, tác giả
chỉ xem đây như một chiếc chìa khoá để dẫn dắt chúng ta bước vào cánh cửa lịch sử
của hai quốc gia này với những thăng trầm của đế quốc Khmer và của các quốc gia cổ
từng tồn tại trên lãnh thổ Thái Lan trong suốt chặng đường dài của lịch sử. Từ chỗ
xác định nền nghệ thuật của cả Thái Lan và Campuchia – đặc biệt là nghệ thuật kiến
trúc và điêu khắc đều được khơi nguồn cảm hứng từ hai tôn giáo là đạo Phật và đạo
Hinđu, tác giả đã cho thấy được phần nào về sức ảnh hưởng của hai tôn giáo này đối
với lịch sử phát triển đầy biến động của Thái Lan và Campuchia. Đặc biệt, thông qua
việc khảo cứu và mô tả những di tích đền tháp cổ nổi tiếng ở Thái Lan như đền Prasat
Phimai, Prasat Phnom Rung, Prasat Muang Tam... cho thấy sự hiện diện vô cùng phổ

biến hình tượng vị thần Vishnu trong hầu hết các đền tháp Hinđu của Thái Lan.
Những hình tượng của Vishnu trong thần thoại như: Vishnu nằm thiền định định trên
biển Anata trong câu chuyện về “giấc ngủ ngủ sáng tạo” của Vishnu hay những thần
tích của Vishnu khi giáng thế cứu thế gian (Avatara), hoặc những kỳ tích của Vishnu
trong những lần hoá thân thành Rama hay Krishna... đều xuất hiện rất phổ biến trong
các đền tháp Hinđu, có khi xuất hiện dưới hình thức ảnh tượng, khi lại hiện diện trên
các mảng phù điêu hay các chạm khắc trên mi cửa của ngôi đền.
Như vậy, nếu như sự tôn thờ Vishnu ở Thái Lan được O’Connor chứng minh
bằng sự phong phú của các pho tượng thì Charuwan Phungtian đã củng cố thêm niềm
tin về sự tồn tại của hình thức tôn thờ này bằng những kiến trúc đền tháp


16
mang đậm dấu ấn Vishnu. Tất cả những bằng chứng trên chứng tỏ trên lãnh thổ Thái
Lan, trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, đã từng hiện diện sự tôn thờ Vishnu rất phổ
biến – một hình thức biểu hiện của Vishnu giáo.
Năm 1997, ba nhà xuất bản lớn là National gallery of Art Washingtong (Mỹ),
Thames and Hudson (London, Anh) và Réunion des musées nationaus (Paris, Pháp)
đã phối hợp để xuất bản quyển “Scupture of Angkor and Ancient Cambodia
(Millennium of Glory)” (Tượng Angkor và Campuchia cổ đại – Một thiên niên kỷ
vinh quang) do hai tác giả Helen I.J. và Thierry. Z editors làm chủ biên. Đây được
xem là một công trình khá đồ sộ, mô tả rất cụ thể về những dấu ấn lịch sử và văn hoá
của Campuchia trong suốt tiến trình lịch sử. Ngoài việc khái quát lịch sử Campuchia
từ buổi đầu cho đến hết giai đoạn Angkor, tác phẩm còn khai thác những khía cạnh về
tôn giáo – tín ngưỡng, về văn bia, về các biểu tượng tôn giáo và các loại hình kiến
trúc tôn giáo của người Khmer trong suốt thời kỳ cổ - trung đại. Tuy nhiên, các tác
giả gần như dành đến 2/3 quyển sách để giới thiệu về những thành tựu đặc sắc của
nghệ thuật điêu khắc Campuchia trong suốt một “thiên niên kỷ vinh quang” – từ thế
kỉ VII cho đến hết giai đoạn Angkor và hậu Angkor. Có thể nói, gần như tất cả những
tinh hoa của nghệ thuật tiếu tượng Khmer đã được toả sáng trên từng trang sách của

tác giả với những pho tượng thần, phật sáng đẹp, lung linh, rực rỡ. Không chỉ minh
hoạ bằng những hình ảnh đẹp chân thực, các tác giả còn trình bày khá chi tiết về
nguồn gốc xuất xứ, địa điểm phát hiện cũng như xác định phong cách nghệ thuật và
định niên đại cho từng pho tượng. Do đó, không khó để nhận ra trong số những pho
tượng đặc sắc này, có không ít những pho tượng Vishnu và các vị thần quen thuộc
trong thần điện Vishnu giáo như Laskmi, Harihara, Krishna, Rama hay Garuda.
Những pho tượng này đều mang những phong cách nghệ thuật đặc sắc và cũng là
những tiêu bản đẹp trong lịch sử nghệ thuật Campuchia. Vì vậy, với những kết quả đã
được nghiên cứu và trình bày công phu, quyển sách đã phần nào mang lại những bằng
chứng thuyết phục về sự hiện hữu của Vishnu giáo trong lịch sử Campuchia.


17
Năm 2003, tác giả James. C. M. Khoo đã chủ biên cho một ấn phẩm rất có giá
trị đối với việc nghiên cứu về Phù Nam: “Art and Archaeology of Fu Nan –
Pre-Khmer Kingdom of the Lower Mekong Valley” (Nghệ thuật và khảo cổ Phù
Nam – vương quốc Tiền Khmer ở lưu vực sông Mê Kông). Mặc dù, ngay việc dùng
tên gọi “vương quốc Tiền Khmer” để gọi vương quốc Phù Nam đã phản ánh phần nào
sự hạn chế nhất định của tác giả trong việc nhận thức về lịch sử Phù Nam và mối
quan hệ lịch sử của nó với quốc gia của người Khmer khi xem Phù Nam là một giai
đoạn trong lịch sử của người Khmer và đất nước Khmer. Tuy nhiên, ngoài hạn chế
này thì quyển sách đã mang lại những hiểu biết vô cùng quan trọng về lịch sử và văn
hoá của vương quốc Phù Nam – một vương quốc ra đời sớm nhất ở ĐNA và từng
phát triển hùng mạnh trong những thế kỉ đầu Công nguyên. Tác phẩm đã tổng hợp kết
quả nghiên cứu của rất nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới – những người dành rất
nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu về Phù Nam – Óc Eo nói riêng và
cổ sử ĐNA nói chung như: Miriam. T. Stark với “Angkor Borei and the Archaeology
of Cambodia’s Mekong Delta”, John N. Miksic với “The Begining of Trade in Ancient
Southeast Asia: The role of Oc Eo and the Lower Mekong River”, Heidi Tan với
“Observations on the Pottery of Oc Eo”, C. G. Kwa với “Historiography and

Definition of Pre-Angkorian Art”... Tuy nhiên, ý nghĩa chính của công trình này gần
như tập trung trong nghiên cứu của TS. Võ Sĩ Khải về “The Kingdom of Fu Nan and
the Culture of Oc Eo” (Vương quốc Phù Nam và văn hoá Óc Eo) vì đây là kết quả mà
ông cùng các cộng sự của mình như GS. Hà Văn Tấn, TS. Đào Linh Côn, Trịnh Thị
Hoài và nhóm nghiên cứu thuộc Trường KHXH&NV đã mất gần 25 năm để xác định
90 địa điểm khảo cổ thuộc Phù Nam – Óc Eo và hơn 20 địa điểm được khai quật. Có
thể nói Võ Sĩ Khải và nhóm nghiên cứu của ông đã phác hoạ một bức tranh khá toàn
diện về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ Phù Nam – Óc Eo dựa trên các
phát hiện, khai quật khảo cổ học trên hàng trăm di tích rải rác khắp Nam bộ Việt
Nam. Điều đặc biệt là khi nhận định về đời sống tôn giáo của cư dân Phù Nam, nhóm
nghiên cứu này cho rằng người Phù Nam thừa nhận cả hai vị thần: Vishnu là vị thần
bảo vệ tài sản và cuộc sống của họ còn Shiva


18
trừng phạt những tệ nạn trong xã hội, tuy nhiên, ở đây Vishnu được tôn thờ nhiều
hơn, có lẽ do Shiva trong hình thức của các Linga là biểu tượng của quyền lực hoàng
gia và của tầng lớp quý tộc, binh lính còn Vishnu là vị thần của những người bình dân
mà người Phù Nam chủ yếu là nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Như một sự
thống nhất về mặt quan điểm và học thuật với Võ Sĩ Khải, GS. J. C. M. Khoo và Ha
Du Canh trong bài viết “Some Observations on Religious Sculptures in the Mekong
Delta” cũng đã khẳng định rằng: từ số lượng rất lớn những pho tượng Vishnu được
tìm thấy cho thấy rằng Vishnu giáo chiếm ưu thế trong đời sống văn hoá và tôn giáo
của người Phù Nam.
1.2.2. Các nghiên cứu của học giả trong nước
Từ sau năm 1975 trở lại đây, việc nghiên cứu về lịch sử - văn hoá của ĐNA đã
thu hút được nhiều sự quan tâm của các học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam và họ
đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự nghiệp nghiên cứu về lịch sử - văn hoá của
khu vực. Quá trình nghiên cứu này có lẽ được bắt đầu từ việc khảo sát, khai quật, phát
hiện và nghiên cứu về các di chỉ thuộc nền văn hoá Óc Eo ở khu vực ĐBSCL nói

riêng và Nam bộ nói chung. Từ các kết quả phát hiện và nghiên cứu, các nhà khoa
học Việt Nam đã có được cái nhìn bước đầu về đời sống văn hoá – xã hội, tôn giáo –
tín ngưỡng của cư dân cổ ở các giai đoạn Tiền Óc Eo, Óc Eo và Hậu Óc Eo. Hàng
loạt những công trình lần lượt được công bố như Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ ở
ĐBSCL (1984), Văn hoá Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ (1988) – Tư liệu Viện KHXH,
Tp.HCM, “Văn hoá cư dân ĐBSCL” của Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc
Đường (1990), “Văn hoá Óc Eo những khám phá mới” của Lê Xuân Diệm, Đào Linh
Côn, Võ Sĩ Khải (1995), “Theo dấu chân các văn hoá cổ” của Hà Văn Tấn (1997),
“Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam” của Trung tâm Khảo cổ học –
Viện KHXH tại TP. HCM (1997, 2003), “Khảo cổ học Long An những thế kỉ đầu
Công nguyên” của Bùi Phát Diệm, Đào Linh Côn, Vương Thu Hồng (2001)... Từ
những nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xác định được các trung tâm chính trị,
kinh tế, tôn giáo thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu các di tích kiến trúc đền đài, mộ
táng, khu đô thị cổ, hệ thống kênh đào, các trung tâm tạc


19
tượng... Từ đó đi đến nhận định xã hội thời Óc Eo – Phù Nam đã khá phát triển như
tổ chức nhà nước đã hình thành, đã phân chia đẳng cấp, hoạt động tôn giáo – tín
ngưỡng, nghệ thuật đạt được trình độ cao và khá đa dạng. Qua đó cũng phần nào cho
thấy được sự tôn thờ Vishnu của Phù Nam là khá phổ biến, như một hiện tượng đặc
biệt cần được quan tâm nghiên cứu.
Sau năm 1975, nhiều cuộc khảo sát, thám sát, khai quật khảo cổ học đã được
thực hiện. Trong các cuộc khảo sát và khai quật này đã có thêm những phát hiện mới.
Các tượng Vishnu và các di vật liên quan đến vị thần này được phát hiện ngày càng
nhiều, nhất là ở khu vực miền Nam Việt Nam – địa bàn chính của vương quốc cổ Phù
Nam và văn hoá Óc Eo trước đây. Chúng được thu thập trong các di tích qua các cuộc
thám sát, khai quật khảo cổ hoặc do dân địa phương phát hiện. Các nhà khoa học
trong và ngoài nước đã lần lượt công bố những phát hiện mới trong các báo cáo khai
quật, phát hiện mới về khảo cổ học, các thông báo khoa học, các địa chí, luận án

chuyên ngành khảo cổ học... Tóm lại, các phát hiện khảo cổ nói trên là những thành
tựu vật chất và là bằng chứng thuyết phục nhất về sự hiện diện của của một hình thức
tôn giáo phổ biến ở ĐNA lục địa - Vishnu giáo.
GS. Lương Ninh trong công trình nổi tiếng “Vương quốc Phù Nam – Lịch sử
và văn hoá” (2005) đã tiến xa hơn những học giả trước đây khi trình bày một cách
khá hệ thống và đầy đủ về lịch sử của Phù Nam từ khi lập quốc, phát triển cực thịnh,
bành trướng đến khủng hoảng, suy vong. Ngoài ra, tác giả còn dựng lên một bức
tranh về sự phát triển kinh tế - xã hội của Phù Nam qua những thành tựu khai quật
khảo cổ ở Óc Eo và các tỉnh Nam bộ từ trước đến năm 2000. Đặc biệt, sự tôn thờ
Vishnu trong tôn giáo Phù Nam được thể hiện rõ ràng hơn khi tác giả dành hẳn một
chương để phân tích về “Trường phái tượng Vishnu Phù Nam”. Tác giả đã chia tượng
Phù Nam ra thành 5 phong cách cụ thể dựa theo niên đại và đặc điểm nghệ thuật của
từng pho tượng. Với một hệ thống tượng Vishnu khá đồ sộ cùng với việc biên dịch lại
những bia ký Phù Nam, trong đó cho thấy không ít những bản văn thấm đượm tinh
thần Vishnu giáo, tác giả đã cung cấp thêm những bằng chứng chắc chắn cho thấy rõ
cư dân Phù Nam từng rất tôn thờ Vishnu giáo. Tiếp sau đó, với


×