Môn TIẾNG VIỆT BÀI KIỂM TRA HKI
Khối 5
Năm học : 2010 – 2011
PHẦN ĐỌC
1/ Đọc thành tiếng: (5 điểm) Giáo viên tổ chức cho học sinh kiểm tra trong các tiết ôn tập.
- Học sinh đọc một đoạn văn trong các chủ đề đã học từ đầu năm học đến cuối học kỳ 1 (GV
chọn trong SGK TV5 tập 1, ghi tên bài, số trang trong SGK cho học sinh bốc thăm và đọc
thành tiếng)
2/ Đọc thầm và làm bài tập: (5 điểm)
Hoa trạng nguyên
Cái tên mới nghe đã mường tượng ra tiếng pháo đón mừng rồi võng lọng cùng dòng người
náo nức đón người thành danh. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui
không thể giấu, cười mãi, cười mãi, cười mãi không thôi.
Hi đặt tên cho loài hoa ấy, chắc muốn nó vĩnh viễn gắn liền với tuổi học trò. Hoa trạng
nguyên cháy lên từ những ngày ôn thi bận mải, thắp lên trong người sắp sửa đi thi một niềm tin.
Thế rồi mùa thi qua. Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học hớn hở nhập trường mới. Song dù sao
cũng không tránh khỏi có một số ít phải quay về tiếp tục công việc dùi mài kinh sử. Một tối nào
đó, chong đèn học khuya, ngước mắt dõi qua cửa sổ, em sẽ thấy có ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa
vườn đêm. Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.
Đừng bao giờ để tắt ngọn lửa đó trong tim. Em nhé !
K.D
Chú giải : Dùi mài kinh sử: rất siêng năng trong một thời gian dài để đọc sách kinh, sách sử
(cụm từ xưa được dùng nhiều, ý nói ra sức chăm chỉ học hành ).
Đọc thầm bài văn trên và làm các bài tập sau. Khoanh vào chữ cái trước câu trả lới đúng nhất
hoặc điền vào chỗ trống thích hợp.
Câu 1: Những chi tiết nào gợi hình ảnh hoa trạng nguyên có màu sắc gợi lên một niềm vui ?
(0,5 điểm)
A. Cái tên mới nghe đã mường tượng ra tiếng pháo đón mừng.
B. Võng lọng cùng dòng người náo nức đón người thành danh.
C. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu, cười
mãi, cười mãi, cười mãi không thôi.
D. Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.
Câu 2: Hoa trạng nguyên gắn bó với tuổi học trò ra sao ? (0,5 điểm)
A. Song dù sao cũng không tránh khỏi có một số ít phải quay về tiếp tục công việc dùi
mài kinh sử.
B. Hoa trạng nguyên xuất hiện vào mùa thi bận rộn, thắp lên trong người sắp sửa đi thi
một niềm tin. Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.
C. Muốn nó vĩnh viễn gắn liền với tuổi học trò.
D. Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học hớn hở nhập trường mới.
Câu 3 : Tác giả so sánh hoa trạng nguyên nở đỏ với hình ảnh nào ? (0,5 điểm)
A. Những bông hoa hình lá.
B. Ngọn lửa cháy lên.
C. Ngọn lửa thắp lên.
D. Tiếng pháo đón mừng.
Câu 4: Cái tên “Hoa trạng nguyên”mới nghe đã mường tượng ra những gì ? (0,5 điểm)
A. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu.
B. Ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa vườn đêm.
C. Tiếng pháo đón mừng rồi võng lọng cùng dòng người náo nức đón người thành danh.
D. Một niềm tin.
Câu 5 : - Hoa trạng nguyên cháy lên từ những ngày ôn thi bận mải.
- Trong bếp lò, lửa cháy bập bùng.
Từ cháy trong hai câu văn trên có quan hệ với nhau như thế nào ? (0,5 điểm)
A. Đó là 2 từ đồng nghĩa.
B. Đó là 2 từ đồng âm.
C. Đó là từ nhiều nghĩa.
D. Đó là 2 đại từ xưng hô.
Câu 6: Tìm từ đồng nghĩa thay cho từ hớn hở trong câu : (0,5 điểm)
“Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học hớn hở nhập trường mới.”
Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học . . . . . . . . . . . . . . . . . .nhập trường mới.
Câu 7: Mùa thi qua, Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học làm gì ?(0,5 điểm)
A. Nghỉ hè.
B. Hớn hở nhập trường mới.
C. Thức suốt mùa thi.
D. Chong đèn học khuya.
Câu 8: Hoa vẫn cứ là bạn thân thiết của học trò qua nghệ thuật nhân hóa, hãy gạch dưới từ ngữ
dùng để nhân hóa hoa trạng nguyên trong câu sau: (0,5 điểm)
Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.
Câu 9: Trong câu “Một tối nào đó, chong đèn học khuya, ngước mắt dõi qua cửa sổ, em sẽ thấy
có ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa vườn đêm” em hiểu ngọn lửa đỏ trong câu này nghĩa là gì ?
(0,5 điểm)
A. Tiếng pháo
B. Đèn học khuya.
C. Những bông hoa.
D. Hoa trạng nguyên.
Câu 10 : Trong câu : “Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể
giấu.” (0,5 điểm)
- Quan hệ từ là từ : . . . . . . . . nối . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . với . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . . .
PHẦN VIẾT
I-Chính tả : ( 5 điểm)
Bảo vệ môi trường bờ biển
Các học sinh cùng nhau dọn dẹp, thu gom rác thải trên bờ biển Cửa Việt. Hoạt động này nhằm
tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ biển đảo cho cộng đồng dân cư sống ven biển đảo. Cùng
với hoạt động thu gom rác trên bãi biển, các học sinh còn tham gia cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ
môi trường và đa dạng sinh học bên trong và xung quanh Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với nội
dung thể hiện rõ chủ đề giữ gìn, bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học biển.
II-Tập làm văn (5 điểm)
Đề bài : Tả một người thân của em ( ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, chú, bác, ...)
ĐÁP ÁN
PHẦN ĐỌC
1/ Đọc thành tiếng: (5 điểm)
- Đọc đúng tiếng, đúng từ: 1 điểm
(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm, sai quá 5 tiếng 0 điểm)
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm
(Ngăt nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ: 0,5 điểm, ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên:
0 điểm)
- Giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm
(Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính biểu cảm: 0,5 điểm, giọng đọc không thể hiện tính biểu cảm: 0
điểm)
- Tốc độ đọc đạt yêu cầu : 1 điểm
(Đọc quá 1 phút đến 2 phút: 0,5 điểm, đọc quá 2 phút: 0 điểm)
- Trả lời đúng ý các câu hỏi do giáo viên nêu: 1 điểm
(Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm, trả lời sai hoặc không được: 0 điểm)
2/ Đọc thầm và làm bài tập: (5 điểm)
Câu 1: C
Câu 2 : B
Câu 3 : B
Câu 4: C
Câu 5 : C
Câu 6: phấn khởi hoặc hồ hởi, vui vẻ
Câu 7: B
Câu 8: thức
Câu 9: D
Câu10 : Quan hệ từ là từ : như nối rực lên với một niềm vui.
PHẦN VIẾT
I-Chính tả : ( 5 điểm)
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn: 5 điểm
- Mỗi lỗi chính tả viết sai - lẫn phụ âm đầu, vần, dấu thanh hoặc không viết hoa đúng qui định
trừ 0,5 điểm.
- Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn bị trừ 1
điểm cho toàn bài.
II-Tập làm văn (5 điểm)
- Nội dung kết cấu có đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
- Trình tự miêu tả hợp lý.
- Hình thức diễn đạt: Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ chính xác, không sai chính tả. Diễn đạt
trôi chảy, lời văn tự nhiên, tình cảm chân thật.
- Tuỳ theo nội dung bài mà giáo viên ghi điểm cho phù hợp với từng bài làm của học sinh.