Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Một số vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.06 MB, 4 trang )

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 238-241

ISSN: 2354-0753

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
CHẤT LƯỢNG CAO NGÀNH ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM HIỆN NAY
Phạm Thị Thương
Article History
Received: 06/3/2020
Accepted: 20/3/2020
Published: 30/4/2020
Keywords
Development, high quality
human resources, Vietnam
Railway industry.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Email:
ABSTRACT
The paper focuses on clarifying three contradictions arising in the
development of high-quality human resources in Vietnam Railway industry:
conflicts about the unreasonable development between the quantity, quality
and structure of human resources compared to the current development
requirements of Vietnam's railway industry; conflicts between the ability to
provide high quality human resources of the industry with the actual needs of
rapid modernization of Vietnam Railway industry today; the contradiction
between the ability to provide high quality human resources of the industry
and the actual needs of rapid modernization of Vietnam Railway industry
today. Being aware of the contradictions, raising the operational efficiency of


the Industry, attracting investment to develop Vietnam Railway Corporation
in the direction of modernization is an urgent requirement.

1. Mở đầu
Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là một ngành kinh tế, kĩ thuật đặc thù trong nền kinh tế quốc dân, đã có nhiều
đóng góp quan trọng góp phần phát triển KT-XH đất nước, phục vụ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ngành ĐSVN chưa phát huy được thế
mạnh của một ngành kinh tế mũi nhọn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân căn bản
nhất là ngành đường sắt thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết được vấn đề này, phải thực hiện đồng
bộ các giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các chủ thể ngành đường sắt; đổi mới hệ
thống chính sách, tạo động lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN; tăng cường hợp tác
quốc tế với ngành đường sắt của các nước phát triển…; trong đó, định hướng về công tác đào tạo nhằm phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN là một nội dung quan trọng.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN là quá trình làm biến đổi nguồn nhân lực của ngành theo
hướng gia tăng hợp lí về số lượng, nâng cao về chất lượng, cân đối về cơ cấu để góp phần hoàn thành tốt mục tiêu
chiến lược của Ngành trong công cuộc đổi mới hiện nay. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành,
cần nhận thức rõ những mâu thuẫn nảy sinh nhằm tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành
trong thời gian tới.
Bài viết tập trung làm rõ ba mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành
ĐSVN, qua đó đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngành, thu hút đầu tư để phát triển
Tổng Công ty ĐSVN theo hướng hiện đại hóa.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Về sự phát triển chưa hợp lí giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực chất lượng cao so với
yêu cầu phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay
Đây là mâu thuẫn nội bộ của nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra cần giải quyết trong quá trình phát triển
nguồn nhân lực này hiện nay. Bởi lẽ, thực tế nguồn nhân lực này chưa thật đồng bộ, chưa hợp lí giữa ba yếu tố về số
lượng, chất lượng và cơ cấu so với yêu cầu phát triển của ngành ĐSVN hiện nay. Muốn phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao ngành đường sắt thì tất yếu phải giải quyết, chuyển hóa biện chứng của các yếu tố về số lượng, chất
lượng và cơ cấu thì mới tạo ra sự biến đổi theo chiều hướng tích cực thực sự của nguồn nhân lực này.
Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đường sắt số lượng chưa nhiều, lí do từ yếu tố khách quan

là tính hấp dẫn về môi trường, tính chất công việc của Ngành trong nền kinh tế thị trường, mà người lao động có học
vấn cao thì vốn dĩ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề, chủ động về thu nhập và thời gian. Vì thế, việc thu hút nguồn
nhân lực chất lượng cao của xã hội vào để cống hiến cho ngành đường sắt cũng không dễ dàng. Cơ chế, chính sách
của Ngành vẫn còn bị ảnh hưởng không nhỏ chế độ thời bao cấp, việc khích lệ nhân tài, số lao động hiện tại đang

238


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 238-241

ISSN: 2354-0753

biên chế trong ngành phấn đấu vươn lên trở thành lực lượng lao động có chất lượng cao chưa thực sự có động lực và
sự hấp dẫn. Do đó, nếu không gia tăng về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành hiện nay cũng như
những năm tới thì đây là một vấn đề bất cập và không đáp ứng tiêu chí để đánh giá sự phát triển của nguồn lực này.
Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành ĐSVN không có sự gia tăng sẽ khó có thể chuyển hóa về
chất lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực này. Yếu tố chất lượng của nguồn nhân lực ngành ĐSVN hiện nay phải
gắn với tiêu chí đã đặt ra, nhưng tính khả thi và yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất, năng lực và thể chất đối với
nguồn nhân lực của ngành trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng không phải là thuận lợi hoàn toàn
và khó có thể diễn ra cơ hội ngang nhau cho các bộ phận trong nguồn nhân lực của Ngành. Do đó, khi quan tâm phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt về chiều rộng, càng phải chú trọng đến chiều sâu và khi coi
trọng phát triển chiều sâu lại phải thường xuyên chú ý đến sự gia tăng hợp lí về số lượng. Vì vậy, để xây dựng ngành
đường sắt theo hướng hiện đại hóa cần phải dần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành với một tỉ lệ
thích hợp, khoảng 15% là hợp lí trong tổng số nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng
ngành đường sắt hiện đại và là yếu tố để giải quyết thành công mâu thuẫn giữa phát triển chưa hợp lí về số lượng và
chất lượng của nguồn nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu phát triển của Ngành.
Phát triển về số lượng, chất lượng phải gắn chặt với sự chuyển dịch hợp lí về cơ cấu, bởi nếu có một cơ cấu nguồn
nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt phù hợp thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu hụt tương đối nguồn nhân

lực ở từng đơn vị, từng bộ phận nhân lực ngành đường sắt. Song hiện nay, ngành đường sắt nước ta vẫn đang bộc lộ
những bất hợp lí về cơ cấu nguồn nhân lực ngành đường sắt nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường
sắt nói riêng, nhất là khi tiến hành xây dựng các công ty thành viên theo hướng hiện đại. Do vậy, trong thời gian tới,
việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả một chiến lược tổng thể để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển chưa hợp lí
về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao với yêu cầu đổi mới của Ngành là vấn đề cấp bách
đặt ra, cần tập trung giải quyết.
Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực để phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN hiện nay sẽ là một động lực phát triển nguồn lực này của Ngành, không chỉ
cho hiện tại mà cho cả những năm tiếp theo. Đây là bài toán cần tháo gỡ mà nhiều chủ thể phải tham gia; nếu tuyệt
đối hóa một lực lượng nào đó thì cũng không tạo nên sự chuyển biến đồng bộ, tích cực và với tốc độ phát triển cao
hơn để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Ngành. Yêu cầu đầu tiên cần
phải mở rộng quy mô, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng để phát triển về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành
đường sắt đáp ứng yêu cầu cấp bách của các công ty thành viên. Nếu để tình trạng thiếu hụt về số lượng kéo dài ở
các đơn vị trong Ngành, chúng ta sẽ không có đủ lực lượng hạt nhân để tiến hành hiện đại hóa ngành đường sắt, gây
ra sự lãng phí lớn trong sử dụng các trang thiết bị khoa học kĩ thuật tiên tiến và nhiều vấn đề khác.
2.2. Về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành với nhu cầu thực tế hiện đại hóa nhanh
ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay
Đây là mâu thuẫn thực tế đang đặt ra đối với ngành ĐSVN hiện nay. Thực chất đó là mâu thuẫn giữa yếu tố chủ
quan với xu hướng phát triển khách quan trong quá trình phát triển của ngành ĐSVN trong những năm qua. Xét cả
về lí luận và thực tiễn đã cho thấy, con người là chủ thể có khả năng nhận thức, cải tạo thế giới vật chất và sáng tạo
ra lịch sử. Sự phát triển của một chế độ xã hội nói chung, của một lĩnh vực, ngành cụ thể bao giờ cũng do nhiều
nguồn lực và trong đó nguồn lực con người bao giờ cũng có ý nghĩa quyết định nhất. Vì thế, nếu nguồn lực con người
nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng mà chưa tương thích và phù hợp với yêu cầu thực tế hiện đại
hóa ngành ĐSVN hiện nay thì đây phải được xem là nhiệm vụ cấp bách nhất phải giải quyết.
Như đã trình bày, nguồn nhân lực ngành ĐSVN trong những năm qua còn bất cập về số lượng, chất lượng và cơ
cấu. Nguồn lực này đang trong quá trình phát triển nên tình trạng khan hiếm và thiếu hụt ở các bộ phận của ngành là
một thực tế. Hiện nay nguồn cung cấp lao động cho yêu cầu hiện đại hóa ngành đường sắt được thông qua kênh từ
bên ngoài, lựa chọn qua thực tiễn hoạt động ở các đơn vị thành viên và ở hệ thống các nhà trường trong ngành Giao
thông vận tải. Mỗi kênh cung cấp đều có những vị trí, vai trò nhất định, nhưng đang gặp phải những khó khăn và cản
trở đến quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt.

Ngoài ra, đặc thù riêng của ngành đường sắt so với một số ngành khác khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang
hạch toán kinh doanh, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chậm hơn vì còn được thụ hưởng những
chế độ bao cấp khá nhiều so với ngành khác. Vì thế, qua thực tế cho thấy, lao động của Ngành thường còn suy nghĩ
“an phận” với nghề và chính sách đang thụ hưởng (ví dụ: tiền lương trung bình của ngành từ nhiều năm nay khoảng
6 triệu đồng/ người/ tháng) nên nỗ lực vươn lên về mọi mặt của họ còn ở mức độ chưa cao.

239


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 238-241

ISSN: 2354-0753

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, các công nghệ, phương tiện kĩ thuật của ngành đường sắt hiện nay có nhiều thế
hệ, chủng loại và lâu đời, nhập từ nhiều nước khác nhau. Xu hướng phát triển, lộ trình đầu tư để hiện đại hóa của
Ngành trong thời gian tới đã được Nhà nước phê duyệt và có đề án đang triển khai để nâng cấp trang bị, kĩ thuật, xây
dựng nhà máy sản xuất đầu máy và sửa chữa xe lửa của Ngành, trong đó có đề án hợp tác với Hàn Quốc, Trung
Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là đưa đường sắt trên cao vào hoạt động, đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với nguồn nhân
lực chất lượng cao của Ngành. Vì thế, giải quyết bất cập giữa nhân tố nguồn lực với yêu cầu hiện đại hóa, mở rộng
hợp tác quốc tế của ngành đường sắt cần được quan tâm nghiên cứu và tìm ra biện pháp giải quyết.
Giá trị của nhận thức và giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành
với nhu cầu thực tế hiện đại hóa nhanh ngành ĐSVN hiện nay là động lực quan trọng và liên quan đến nhiều chủ thể,
nhiều lực lượng. Song, thực tế cho thấy, sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt
phụ thuộc rất lớn vào quy mô, chất lượng của các cơ sở đào tạo trong Ngành. Nhưng với những hạn chế trong các
cơ sở đào tạo ngành đường sắt hiện nay thì rất cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc để góp phần đáp ứng được
nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiệm vụ hiện đại hóa của Ngành, cho nên phải tiếp
tục đổi mới, xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo trong ngành đường sắt theo hướng hiện đại hoá, chuẩn hoá và hội
nhập cao. Hiện đại hóa ngành đường sắt đòi hỏi vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ sở đào

tạo đại học là rất lớn. Vì vậy, mở rộng về quy mô, hợp lí về hệ thống, đổi mới về tổ chức quản lí, nâng cao chất lượng
đào tạo là đòi hỏi tất yếu trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo ngành đường sắt hiện nay.
Bên cạnh đó, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm thu hút, quản lí và sử dụng có hiệu quả lực lượng nhân lực
có chất lượng cao ngoài ngành vào công tác trong Ngành; đồng thời có các nội dung, biện pháp hiệu quả trong bồi
dưỡng, rèn luyện nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành tại các công ty thành viên.
2.3. Về năng lực của các chủ thể tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với yêu cầu phát triển nguồn
nhân lực này ở ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay
Đây là mâu thuẫn đặt ra từ thực tiễn trong quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN những
năm qua cũng như hiện nay. Thực chất của mâu thuẫn này là phản ánh tình hình nhận thức với năng lực tham gia
của các chủ thể còn có bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành.
Nội dung của mâu thuẫn đặt ra là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN hiện nay là hoạt
động có mục đích, không phải là tự phát mà là “sản phẩm” tham gia của nhiều khâu, nhiều hình thức và hợp tác của
nhiều chủ thể. Sự bất cập về nhận thức, về năng lực ở một chủ thể tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
tất yếu sẽ không đạt được kế hoạch như mong muốn. Trong đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, công nghệ, các
chuyên gia đầu ngành trong ngành đường sắt phải là lực lượng nòng cốt của phát triển nguồn nhân lực, nhưng có
thời điểm vai trò này thể hiện chưa thật hiệu quả. Họ không chỉ là lực lượng nằm trong nguồn nhân lực chất lượng
cao mà còn tham gia phát triển nguồn nhân lực này của ngành; phải đảm đương sứ mệnh, vai trò đào tạo, bồi dưỡng
phát triển chính nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có bản thân mình.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, công nghệ, các chuyên gia đầu ngành trong ngành đường sắt vẫn
còn không ít hạn chế. Đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia đầu ngành trong ngành đường
sắt mới bước đầu có sự gia tăng về số lượng song còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết về chất lượng, mất cân đối về cơ
cấu. Một số phẩm chất và năng lực tiêu biểu chưa được hình thành rõ nét, củng cố và phát triển mạnh mẽ. Lực lượng
này chưa thể hiện rõ tính vượt trội là nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, do vậy, chưa thực sự đảm
nhiệm xuất sắc vai trò là những đầu tàu để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn
Ngành. Đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, công nghệ, các chuyên gia đầu ngành trong ngành đường sắt được đào tạo
cơ bản, có trình độ, kiến thức và kĩ năng, song một mặt, những tố chất khoa học cần thiết và tiêu biểu chưa thật cao,
mặt khác để phát huy mạnh mẽ cần có nguồn lực đủ mạnh. Cho nên, một bộ phận không nhỏ trong lực lượng này,
vừa chưa thể hiện rõ là một bộ phận ưu tú, vừa chưa thực sự đảm đương tốt vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, bồi dưỡng
đội ngũ nhà khoa học trẻ ngành đường sắt.
Giá trị của nhận thức và giải quyết mâu thuẫn giữa nhận thức với năng lực của các chủ thể với yêu cầu phát triển

nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN hiện nay là tìm ra giải pháp, cách thức hữu hiệu để tạo nên sự đồng bộ
trong thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, cần phải lựa chọn những giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa những hạn
chế, bất cập của chính đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ĐSVN với vị trí, vai trò mà họ đảm nhiệm. Có
như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao mới được phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành đường
sắt, cả trước mắt và trong những năm tiếp theo. Cho nên, cần thực hiện những giải pháp căn bản để tạo sự đột phá
trong phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành trong Ngành. Đây

240


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 238-241

ISSN: 2354-0753

là những lực lượng gắn bó chặt chẽ với nhau nên cần phải tiến hành những giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa
mang tính bộ phận để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ nhất.
3. Kết luận
Nghiên cứu, khái quát những khó khăn, mâu thuẫn cơ bản trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành
ĐSVN hiện nay là yêu cầu bức thiết. Các mâu thuẫn nêu trên là chỉnh thể thống nhất, đặt trong mối quan hệ biện
chứng và không nên tuyệt đối hóa hoặc coi nhẹ một mâu thuẫn nào. Phải tiếp cận và giải quyết đúng các mâu thuẫn
là cơ sở để xác định vai trò của mỗi chủ thể, tìm ra biện pháp hữu hiệu và trở thành động lực thúc đẩy quá trình phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành ĐSVN hiện nay và những năm tới.
Tài liệu tham khảo
Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (2010). Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
lần thứ X nhiệm kì 2010-2015.
Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (2015). Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
lần thứ XI nhiệm kì 2015-2020.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (2012). Đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt Việt Nam 2012-2020.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (2018a). Báo cáo tổng kết công tác ngành năm 2018.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (2018b). Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể
phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

241



×